Kính sợ Đức Chúa Trời, làm trọn việc nên thánh
“Chúng ta... hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh” (II CÔ-RINH-TÔ 7:1).
1. Làm sao chúng ta biết các thiên sứ cao cấp thừa nhận sự thánh của Đức Giê-hô-va?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đức Chúa Trời thánh. Các thiên sứ cao cấp ở trên trời tung hô sự thánh khiết của Ngài bằng những lời thật rõ rệt. “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy-dẫy sự vinh-hiển Ngài!” Đó là tiếng gọi khích lệ của các sê-ra-phin trong một sự hiện thấy của nhà tiên tri Ê-sai vào thế kỷ thứ tám trước tây lịch. Vào cuối thế kỷ thứ nhất tây lịch sứ đồ Giăng nhận được các sự hiện thấy về điều sẽ xảy ra trong “ngày của Chúa”, thời kỳ chúng ta hiện nay. Ông thấy bốn sinh vật chung quanh ngai Đức Giê-hô-va và nghe họ tung hô không ngớt: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn-năng, trước đã có, nay hiện có, sau còn đến!” Các tạo vật thần linh của Đức Giê-hô-va trên trời tung hô ba lần “thánh” này là để nhấn mạnh sự thánh khiết tuyệt vời của Đấng Tạo hóa (Ê-sai 6:2, 3; Khải-huyền 1:10; 4:6-8).
Sự thánh và sự cách biệt
2. a) Có hai khía cạnh nào của sự thánh, và Đức Giê-hô-va là thánh thế nào dưới cả hai khía cạnh này? b) Môi-se nhấn mạnh thế nào về sự thánh của Đức Giê-hô-va?
2 Sự thánh không chỉ có nghĩa là sự thanh sạch và tinh khiết về tôn giáo, nhưng cũng có nghĩa là sự cách biệt, hoặc nên thánh. Đức Giê-hô-va thanh sạch và tinh khiết tột độ; Ngài hoàn toàn cách biệt khỏi tất cả các thần nhơ nhớp của các nước. Môi-se nhấn mạnh khía cạnh này của sự thánh hoặc nên thánh của Ngài khi ca hát lớn tiếng: “Hỡi Đức Giê-hô-va! trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh-khiết, ai được vinh-hiển như Ngài?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:11).
3. Đức Giê-hô-va đòi hỏi tất cả những người Y-sơ-ra-ên phải nên thánh dưới những khía cạnh nào và giúp họ ra sao trong việc đó?
3 Đức Chúa Trời thánh là Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên xưa, dân sự của Ngài trên đất, cũng nên thánh nữa. Không chỉ các thầy tế lễ và những người Lê-vi, nhưng cả nước phải nên thánh. Đức Giê-hô-va nói với Môi-se: “Hãy truyền cho cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, vốn là thánh” (Lê-vi Ký 19:2). Để được vậy Đức Giê-hô-va ban cho họ luật pháp nhằm giúp họ giữ mình thanh sạch về thiêng liêng, đạo đức, tâm trí, thể xác và nghi lễ; phương diện nghi lễ liên hệ đến sự thờ phượng của họ trong lều tạm và sau đó trong đền thờ.
Một dân sự được tách rời
4, 5. a) Dân Y-sơ-ra-ên trong xác thịt là một dân nên thánh thế nào? b) Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, và sứ đồ Phi-e-rơ xác nhận thế nào về điều này?
4 Hễ làm theo luật pháp Đức Chúa Trời thì dân Y-sơ-ra-ên nổi bật khỏi các nước đồi trụy chung quanh họ. Họ khác biệt như một dân sự được tách rời, hoặc được nên thánh, để hầu việc Đức Chúa Trời thánh là Đức Giê-hô-va. Môi-se nói với họ: “Vì ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân riêng về Ngài” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6).
5 Đức Chúa Trời cũng đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng giữ sự thanh sạch và cách biệt thể ấy. Sứ đồ Phi-e-rơ viết cho những người được chọn để trở thành dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng: “Anh em đã nên như con-cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm-dục, là sự cai-trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê-muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (I Phi-e-rơ 1:1, 14-16).
6, 7. a) Khải-huyền đoạn 7 miêu tả thế nào về những người thuộc “đám đông vô số người”, và điều gì là đòi hỏi hợp lý nơi họ? b) Chúng ta sẽ xem xét gì trong những đoạn kế tiếp?
6 Trong Khải-huyền đoạn 7, những người thuộc “đám đông vô số người” được tả đang “đứng trước ngôi [Đức Giê-hô-va] và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng”, “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con” (Khải-huyền 7:9, 14). Áo dài trắng tượng trưng cho vị thế thanh sạch, công bình trước Đức Giê-hô-va, vị thế mà Ngài ban cho họ vì họ tin nơi huyết chuộc tội của đấng Christ. Vậy rõ ràng là không chỉ tín đồ được xức dầu của đấng Christ nhưng các “chiên khác” cũng phải giữ mình thanh sạch về thiêng liêng và đạo đức để đáng được thờ phượng Đức Giê-hô-va (Giăng 10:16).
7 Bây giờ chúng ta hãy xem xét Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân sự Ngài trong quá khứ phải chứng tỏ thế nào là họ thanh sạch và thánh và tại sao cùng nguyên tắc đó cũng áp dụng cho dân sự Đức Chúa Trời ngày nay.
Sự thanh sạch về thiêng liêng
8. Dân Y-sơ-ra-ên phải giữ mình cách biệt khỏi các tôn giáo của dân Ca-na-an vì những lý do nào?
8 Dân Y-sơ-ra-ên trong xác thịt đã phải cẩn thận giữ mình cách biệt khỏi các sự thực hành tôn giáo ô uế của các nước khác. Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên qua miệng của Môi-se: “Hãy cẩn-thận, đừng lập giao-ước cùng dân của xứ mà ngươi sẽ vào, e chúng nó sẽ thành cái bẫy giữa ngươi chăng. Nhưng các ngươi hãy phá-hủy bàn-thờ, đập bể pho tượng [các cây cột, dùng liên quan đến sự thờ phượng ghê tởm đối với bộ phận sinh dục] và đánh hạ các thần chúng nó. Vì các ngươi đừng sấp mình xuống trước mặt chúa nào khác, bởi Đức Giê-hô-va tự xưng là Đức Chúa Trời kỵ-tà; Ngài thật là một Đức Chúa Trời kỵ-tà vậy [hoặc “một Đức Chúa Trời đòi hỏi sự tin kính chuyên độc” theo bản dịch New World Translation Reference Bible, phụ chú bên dưới]. Hãy cẩn-thận đừng lập giao-ước cùng dân của xứ đó, e khi chúng nó hành dâm cùng các thần chúng nó và tế các tà-thần chúng nó” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:12-15).
9. Đức Chúa Trời đã ban những chỉ thị chính xác nào cho những người trung thành còn sót lại rời Ba-by-lôn năm 537 trước tây lịch?
9 Nhiều thế kỷ sau đó Đức Giê-hô-va soi dẫn Ê-sai để nói với những người trung thành còn sót lại từ Ba-by-lôn trở về xứ Giu-đa những lời tiên tri này: “Các ngươi hãy đi ra, hãy đi, đi ra khỏi đó! Đừng động đến đồ ô-uế, hãy ra khỏi giữa nó. Các ngươi là kẻ mang khí-dụng Đức Giê-hô-va [những người được dùng để khôi phục sự thờ phượng trong sạch tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem], hãy làm cho sạch mình” (Ê-sai 52:11).
10, 11. a)Đức Chúa Trời đã ban các chỉ thị nào giống thế cho dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng trong thế kỷ thứ nhất tây lịch? b) Những người được xức dầu cùng với các bạn đồng hành của họ đã làm theo các chỉ thị này thế nào đặc biệt từ năm 1919 và 1935, và họ còn giữ mình thanh sạch về thiêng liêng bằng cách nào khác nữa?
10 Cũng thế, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và các bạn đồng hành của họ phải giữ mình khỏi bị hoen ố bởi các tôn giáo thờ hình tượng của thế gian này. Sứ đồ Phao-lô viết thư cho tín đồ đấng Christ được xức dầu tại Cô-rinh-tô, nói rằng: “Có thể nào hiệp đền-thờ của Đức Chúa Trời hằng sống lại với hình-tượng tà-thần? Vì chúng ta là đền-thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta. Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá-động đến đồ ô-uế, thì ta sẽ tiếp-nhận các ngươi” (II Cô-rinh-tô 6:16, 17).
11 Từ năm 1919 những người được xức dầu còn sót lại được tẩy sạch và tinh luyện đã được giải thoát khỏi các tôn giáo ô uế, thờ hình tượng của Ba-by-lôn Lớn (Ma-la-chi 3:1-3). Họ đã nghe theo lời kêu gọi từ trên trời: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó, cũng chịu những tai-họa nó nữa chăng” (Khải-huyền 18:4). Từ năm 1935 một đám đông ngày càng gia tăng thuộc các “chiên khác” cũng đã nghe theo tiếng gọi này và rời bỏ các tôn giáo ô uế của Ba-by-lôn. Những người được xức dầu và các bạn đồng hành của họ cũng giữ mình thanh sạch về thiêng liêng bằng cách tránh mọi sự tiếp xúc với các tư tưởng độc hại của những kẻ bội đạo (Giăng 10:16; II Giăng 9-11).
Sự thanh sạch đạo đức
12. a)Đức Giê-hô-va nâng trình độ đạo đức của dân Y-sơ-ra-ên lên thật cao so với tình trạng đồi trụy của các nước chung quanh nhờ những luật nào? b) Qui chế nào đặc biệt nghiêm khắc cho giới thầy tế lễ?
12 Nhờ giao ước Luật pháp, Đức Giê-hô-va đã nâng trình độ đạo đức của dân Y-sơ-ra-ên lên thật cao so với tình trạng đồi trụy của các nước chung quanh. Hôn nhân và đời sống gia đình được che chở trong xứ Y-sơ-ra-ên. Điều răn thứ bảy cấm ngoại tình. Cả hai việc ngoại tình và tà dâm đều bị trừng phạt nặng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:22-24). Các trinh nữ được che chở dưới Luật pháp (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:28, 29). Qui chế hôn nhân dành cho giới thầy tế lễ đặc biệt nghiêm khắc. Về phần thầy tế lễ thượng phẩm thì phải chọn một trinh nữ để cưới làm vợ (Lê-vi Ký 21:6, 7, 10, 13).
13. Các thành viên của lớp người “vợ” đấng Christ được ví với ai, và tại sao?
13 Cũng thế, Thầy tế lễ thượng phẩm Giê-su Christ có một người “vợ” gồm 144.000 tín đồ đấng Christ được xức dầu ví như “đờn-bà... còn trinh-tiết” (Khải-huyền 14:1-5; 21:9). Họ giữ mình cho khỏi bị nhơ bẩn bởi thế gian của Sa-tan và tinh khiết về mặt giáo lý và đạo đức. Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ đấng Christ được xức dầu tại Cô-rinh-tô: “Về anh em, tôi rất sốt-sắng như sự sốt-sắng của Đức Chúa Trời, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh-nữ tinh-sạch cho đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 11:2). Phao-lô cũng viết: “Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh-sạch, đặng tỏ ra Hội-thánh đầy vinh-hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh-sạch không chỗ trách được ở trước mặt ngài’’ (Ê-phê-sô 5:25-27).
14, 15. a) Điều gì phải đi đôi với sự tinh khiết về thiêng liêng của lớp người vợ, và câu Kinh-thánh nào cho thấy vậy? b) Tại sao rõ ràng là những đòi hỏi tương tợ về sự tinh khiết đạo đức cũng áp dụng cho các chiên khác?
14 Sự thanh sạch về đạo đức của các thành viên thuộc vợ đấng Christ phải đi đôi với sự tinh khiết về thiêng liêng. Sứ đồ Phao-lô tuyên bố: ‘‘Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình...đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu. Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng...anh em được rửa sạch, được nên thánh” (1 Cô-rinh-tô 6:9-11).
15 Các đòi hỏi thể ấy về sự tinh khiết đạo đức cũng áp dụng cho các chiên khác. Việc này thấy rõ khi xem xét Đức Giê-hô-va loại những kẻ nào ra khỏi trời mới và đất mới mà Ngài đã hứa. Chúng ta đọc: ‘‘Còn những kẻ...đáng gớm-ghét, kẻ giết người, kẻ dâm-loạn...,phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng-bừng: đó là sự chết thứ hai’’ (Khải-huyền 21:1, 8).
Hôn nhân tôn quí
16, 17. a) Các câu Kinh-thánh nào cho thấy sự thanh sạch đạo đức không đòi hỏi phải sống độc thân? b) Một tín đồ có thể tỏ sự kính sợ lành mạnh thế nào đối với Đức Chúa Trời trong việc chọn người hôn phối, và tại sao lờ đi sự hạn chế này không phải là khôn ngoan?
16 Muốn giữ mình thanh sạch về đạo đức những người được xức dầu thuộc lớp người vợ và các chiên khác không nhất thiết phải sống độc thân. Việc cưỡng ép sống độc thân là trái với Kinh-thánh (I Ti-mô-thê 4:1-3). Việc ăn nằm trong khuôn khổ hôn nhân không có gì là ô uế. Lời Đức Chúa Trời tuyên bố: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn [khuê]-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình” (Hê-bơ-rơ 13:4).
17 Tuy nhiên người tín đồ nào muốn “lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh” không nên tự coi được tự do tha hồ muốn thành hôn với bất cứ người nào mình ưa thích. Ngay trước khi khuyên anh em tín đồ “làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh”, sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công-bình với gian-ác có hội-hiệp với nhau được chăng?... Hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin?” (II Cô-rinh-tô 6:14, 15; 7:1). Với tư cách thành viên của dân sự cách biệt và thanh sạch của Đức Giê-hô-va, người nam hay nữ tín đồ nào muốn lập gia đình sẽ chấp nhận sự hạn chế của sứ đồ là cưới hỏi “theo ý Chúa”, tức chọn lựa người nào đã dâng mình, làm báp têm, trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va (I Cô-rinh-tô 7:39). Trong quá khứ thể nào, ngày nay cũng thế, chắc chắn không khôn ngoan chút nào cho những người đã dâng mình trong vòng dân sự Đức Chúa Trời mà lờ đi lời khuyên này của Kinh-thánh. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4; Nê-hê-mi 13:23-27). Làm thế là không tỏ sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Giê-hô-va là Vị Chúa Vĩ đại của chúng ta (Ma-la-chi 1:6).
18. Tín đồ đấng Christ có thể giữ cho hôn nhân được tôn quí bằng cách nào khác nữa?
18 Hơn nữa, trong dân Y-sơ-ra-ên có những luật hạn chế các hoạt động tình dục ngay cả trong khuôn khổ hôn nhân. Một người chồng phải tránh ăn nằm với vợ trong thời kỳ kinh nguyệt của nàng (Lê-vi Ký 15:24; 18:19; 20:18). Điều này đòi hỏi những người đàn ông trong dân Y-sơ-ra-ên tỏ sự tôn trọng đầy yêu thương và sự tự chủ. Tín đồ đấng Christ có nên tôn trọng vợ ít hơn thế không? Sứ đồ Phi-e-rơ nói những người chồng tín đồ đấng Christ nên “tỏ điều khôn-ngoan” trong việc ăn ở với vợ, nghĩa là hiểu biết cách cấu tạo thể chất của vợ là “giống yếu-đuối hơn” (I Phi-e-rơ 3:7).
Bước đi trong “đường thánh”
19, 20. a) Xin miêu tả con đường rộng mà phần đông nhân loại đang theo. b) Dân sự của Đức Giê-hô-va phải khác thế nào với thế gian của Sa-tan? c) Dân sự của Đức Chúa Trời theo đường cái nào, đường đó được mở ra khi nào và chỉ ai mới được phép đi trong đó?
19 Điều nêu trên cho thấy rõ hố sâu ngày càng rộng thêm phân rẽ dân sự Đức Giê-hô-va với thế gian của Sa-tan. Hệ thống mọi sự thế giới hiện tại càng ngày càng phóng túng và buông lung. Giê-su tuyên bố: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất, kẻ vào đó cũng nhiều” (Ma-thi-ơ 7:13). Phần đông nhân loại bước đi trong con đường rộng. Để trích lời của sứ đồ Phi-e-rơ, đó là con đường “tà-tịch, tư-dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi-bời và thờ hình-tượng đáng gớm-ghiếc”, con đường dẫn đến “sự dâm-dật bậy-bạ”. Đường ấy cuối cùng dẫn đến sự hủy diệt.
20 Mặt khác, dân sự Đức Chúa Trời bước đi trên con đường khác hẳn, đường sạch sẽ dành cho người sạch sẽ. Nhà tiên tri Ê-sai đã nói trước về việc đường này được mở ra vào thời kỳ cuối cùng. Ông nói: “Tại đó sẽ có một đường cái, và một lối gọi là đường thánh. Kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua” (Ê-sai 35:8). Bình luận về lời tiên tri này, sách ‹‹An ninh toàn cầu dưới quyền “Chúa Bình-an”›› (Worldwide Security Under the “Prince of Peace”) tuyên bố: “Năm 1919 có một đường cái theo nghĩa bóng được mở ra cho các tôi tớ vui vẻ của Đức Chúa Trời. Những người muốn được thánh trước mắt Đức Giê-hô-va là những người bước đi trong ‹‹đường cái››, ‹‹đường thánh›› đó... Ngày nay, khi rất gần tới ‹‹sự kết liễu của hệ thống mọi sự›› thì ‹‹đường cái›› do Đức Chúa Trời cung cấp vẫn còn mở. Đông đảo người biết ơn đang... bước vào ‹‹đường thánh›› nằm trong địa-đàng thiêng liêng”.a
21. Các tôi tớ Đức Giê-hô-va phải cách biệt thế nào và tại sao khác hẳn với đám đông theo Ma-quỉ, và bài kỳ tới sẽ xem xét gì?
21 Đúng, những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được xức dầu còn sót lại và bạn đồng hành của họ là các chiên khác tự cách biệt ngày nay thành một dân tách rời khỏi thế gian của Sa-tan, thế gian đã mất hết mọi khái niệm về điều gì là thánh. Đối với đám đông theo Ma-quỉ bước đi trong “[đường] rộng và... khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất” không có gì là thánh cả. Không những chúng ô uế về thiêng liêng và đạo đức nhưng trong nhiều trường hợp chúng bẩn thỉu về thể chất và ăn mặc cẩu thả, ấy là nói nhẹ. Dù vậy sứ đồ Phao-lô nói: “Chúng ta... hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh” (II Cô-rinh-tô 7:1). Bài kỳ tới sẽ xem xét dân sự Đức Chúa Trời nên cẩn thận để giữ mình thanh sạch về tâm trí và thân thể bằng những cách nào.
[Chú thích]
a Chương 16, trang 134, 135.
Các điểm để ôn lại
◻ Sự thánh có hai khía cạnh nào, và tại sao có thể nói rằng Đức Giê-hô-va là thánh tột độ?
◻ Dân Y-sơ-ra-ên phải tỏ ra là dân thánh bằng hai cách nào?
◻ Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và bạn đồng hành của họ là các chiên khác?
◻ Sự kính sợ Đức Chúa Trời nên ảnh hưởng thế nào tới việc chúng ta chọn người hôn phối?
◻ Ngày nay có thể theo hai đường nào, và tại sao cần phải lựa chọn rõ rệt?
[Hình nơi trang 22]
Lời Đức Chúa Trời nói: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân”