“Người tạm trú” trong thế gian gian ác
“Những người ấy gìn giữ đức tin... tuyên bố mình là khách lạ và là người tạm trú tại xứ mình ở”.—HÊ 11:13.
1. Chúa Giê-su nói gì về lập trường của môn đồ ngài với thế gian?
Chúa Giê-su nói về các môn đồ: “Họ vẫn ở thế gian”. Tuy nhiên, ngài cho biết: “Họ không thuộc về thế gian, như con không thuộc về thế gian” (Giăng 17:11, 14). Qua đó, Chúa Giê-su nói rõ lập trường của môn đồ ngài đối với “đời này”, mà chúa của nó là Sa-tan (2 Cô 4:4). Dù sống trong thế gian gian ác, họ không thuộc về thế gian. Trong đời này, họ giống như “ngoại kiều và người tạm trú”.—1 Phi 2:11.
Họ sống như “người tạm trú”
2, 3. Tại sao có thể nói rằng Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham và Sa-ra sống như “ngoại kiều và người tạm trú”?
2 Từ thời ban đầu, các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va khác biệt với những người không tin kính. Trước trận nước lụt, Hê-nóc và Nô-ê đã “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng 5:22-24; 6:9). Họ là những người can đảm rao truyền thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va đối với thế gian gian ác của Sa-tan. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:5; Giu-đe 14, 15). Vì đồng đi với Đức Chúa Trời trong một thế gian không tin kính, Hê-nóc “làm vui lòng Đức Chúa Trời” và Nô-ê đã “không có gì đáng trách giữa những người đồng thời với ông”.—Hê 11:5; Sáng 6:9, Bản Dịch Mới.
3 Theo lời kêu gọi của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham và Sa-ra bỏ đời sống tiện nghi ở U-rơ thuộc xứ Canh-đê, chấp nhận những khó khăn của cuộc đời du mục nơi xứ người (Sáng 11:27, 28; 12:1). Sứ đồ Phao-lô viết: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham khi được gọi đã vâng lời đi đến nơi mình sẽ nhận làm sản nghiệp; ông đã đi, dù chẳng biết mình đang đi đâu. Bởi đức tin, ông cư ngụ như người ngoại quốc tại xứ đã hứa cho mình, sống trong lều với Y-sác và Gia-cốp, là những người cùng ông thừa kế lời hứa ấy” (Hê 11:8, 9). Về những tôi tớ trung thành này của Đức Giê-hô-va, Phao-lô nói: “Những người ấy gìn giữ đức tin cho đến chết. Dù chưa nhận được những điều Đức Chúa Trời hứa nhưng họ đã nhìn thấy từ xa và hết lòng mong đợi chúng, tuyên bố mình là khách lạ và là người tạm trú tại xứ mình ở”.—Hê 11:13.
Lời cảnh báo cho dân Y-sơ-ra-ên
4. Dân Y-sơ-ra-ên được cảnh báo điều gì trước khi họ định cư trong xứ?
4 Con cháu của Áp-ra-ham, tức người Y-sơ-ra-ên, trở nên đông đúc và rồi hình thành một nước có luật pháp và lãnh thổ (Sáng 48:4; Phục 6:1). Dân Y-sơ-ra-ên không được quên rằng phần đất họ cư ngụ thuộc về Đức Giê-hô-va (Lê 25:23). Họ giống như những người ở trọ, phải phục tùng Chủ. Hơn nữa, họ cần nhớ “loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi”, không để của cải vật chất khiến họ quên Đức Giê-hô-va (Phục 8:1-3). Trước khi định cư, dân Y-sơ-ra-ên được cảnh báo: “Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi vào xứ mà Ngài thề cùng tổ-phụ ngươi, là Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, đặng ban cho ngươi, khiến ngươi lấy được những thành lớn và tốt mà ngươi không có xây cất; những nhà đầy đủ các thứ của mà ngươi không có chất-chứa; các giếng mà ngươi không có đào; cây nho và cây ô-li-ve mà ngươi không có trồng; khi ngươi ăn và được no-nê, khá giữ lấy mình, kẻo ngươi quên Đức Giê-hô-va”.—Phục 6:10-12.
5. Tại sao Đức Giê-hô-va bỏ dân Y-sơ-ra-ên, và ngài ban ân huệ cho dân tộc mới nào?
5 Dân Y-sơ-ra-ên đã làm điều mà Đức Giê-hô-va đã cảnh báo. Vào thời Nê-hê-mi, một số người Lê-vi xấu hổ nhớ lại những gì xảy ra sau khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Khi dân sự có được nhà cửa tiện nghi và dư dật đồ ăn cùng rượu, họ “ăn, bèn được no-nê, và mập-béo”. Họ phản nghịch Đức Chúa Trời, thậm chí giết các nhà tiên tri mà ngài sai đến để cảnh báo họ. Vì thế, Đức Giê-hô-va để họ rơi vào tay kẻ thù. (Đọc Nê-hê-mi 9:25-27; Ô-sê 13:6-9). Sau đó, dưới sự đô hộ của La Mã, những người Do Thái bất trung đã làm một điều vô cùng tồi tệ. Đó là giết Đấng Mê-si! Đức Giê-hô-va đã bỏ họ và ban ân huệ cho một dân tộc mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Mat 21:43; Công 7:51, 52; Ga 6:16.
“Không thuộc về thế gian”
6, 7. (a) Bạn giải thích thế nào về những điều Chúa Giê-su nói liên quan đến lập trường của môn đồ ngài với thế gian? (b) Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô không thuộc về thế gian Sa-tan?
6 Như đã đề cập trong bài này, đấng làm đầu của đạo Đấng Ki-tô là Chúa Giê-su nói rõ các môn đồ của ngài sẽ khác biệt với thế gian gian ác của Sa-tan. Ngay trước khi chết, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian sẽ thích những ai thuộc về họ. Nhưng anh em không thuộc về thế gian, và tôi đã chọn anh em từ giữa thế gian, bởi cớ ấy họ ghét anh em”.—Giăng 15:19.
7 Khi đạo Đấng Ki-tô ngày càng lan rộng, các tín đồ có chấp nhận thế gian, bị ảnh hưởng để làm theo các thực hành của thế gian và thuộc về nó không? Không. Dù sống ở đâu, họ phải khác biệt với thế gian của Sa-tan. Sau khi Chúa Giê-su chết khoảng 30 năm, sứ đồ Phi-e-rơ viết cho các tín đồ ở nhiều nơi trong đế quốc La Mã: “Hỡi anh em yêu dấu, tôi khuyến giục anh em, là ngoại kiều và người tạm trú, hãy tiếp tục tránh các ham muốn xác thịt vốn xung đột với anh em. Hãy giữ gìn cách ăn ở tốt giữa các dân thế gian”.—1 Phi 1:1; 2:11, 12.
8. Một sử gia đã mô tả thế nào về mối quan hệ giữa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu với thế gian?
8 Xác nhận việc các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu sống như “khách lạ và là người tạm trú” trong đế quốc La Mã, sử gia Kenneth Scott Latourette viết: “Ai cũng biết là trong ba thế kỷ đầu mới hình thành, đạo Đấng Ki-tô thường bị chống đối dữ dội... Có nhiều lời vu cáo. Vì không tham gia các nghi lễ ngoại giáo, tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị gán vào hạng vô thần. Qua việc tránh tham gia vào nhiều sinh hoạt cộng đồng—các lễ hội ngoại giáo, những thú vui công cộng mà các tín đồ đạo Đấng Ki-tô xem là có đầy niềm tin và thực hành ngoại giáo cũng như sự vô luân—họ bị nhạo báng là bọn ghét loài người”.
Không tận dụng thế gian
9. Làm sao chúng ta cho thấy mình không phải là “bọn ghét loài người”?
9 Còn các tín đồ ngày nay thì sao? Như các tín đồ thời ban đầu, chúng ta giữ lập trường đối với “thế gian gian ác hiện nay” (Ga 1:4). Vì thế, nhiều người hiểu lầm và ngay cả ghét chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải là “bọn ghét loài người”. Vì yêu thương người đồng loại, chúng ta đi rao giảng từng nhà, cố gắng đem ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’ đến mỗi người trong từng hộ gia đình (Mat 22:39; 24:14). Chúng ta làm thế vì tin chắc Nước của Đức Giê-hô-va, dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su, không lâu nữa sẽ chấm dứt sự cai trị của loài người bất toàn, thay thế bằng một thế giới mới công chính.—Đa 2:44; 2 Phi 3:13.
10, 11. (a) Làm sao chúng ta dùng thế gian một cách chừng mực? (b) Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô không tận dụng thế gian như thế nào?
10 Vì thế gian gian ác hiện nay sắp kết thúc, tôi tớ Đức Giê-hô-va nhận ra rằng đây không phải là lúc để ổn định đời sống trong thế gian. Chúng ta làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Hỡi anh em, tôi nói điều này: Không còn nhiều thời gian nữa. Từ nay trở đi... người mua sắm hãy như người không có gì, người đang dùng thế gian hãy như người không tận dụng nó; vì hiện trạng thế gian này đang thay đổi” (1 Cô 7:29-31). Nhưng các tín đồ ngày nay có thể dùng thế gian như thế nào? Qua việc sử dụng kỹ thuật hiện đại và phương tiện truyền thông để phổ biến sự hiểu biết về Kinh Thánh ra khắp thế giới, trong hàng trăm ngôn ngữ. Họ chỉ dùng thế gian này cách chừng mực để kiếm sống. Họ mua những đồ dùng và dịch vụ cần thiết có trong thế gian. Tuy nhiên, họ không tận dụng thế gian, không xem tài sản và sự nghiệp là điều quan trọng nhất.—Đọc 1 Ti-mô-thê 6:9, 10.
11 Một lĩnh vực khác mà các tín đồ đạo Đấng Ki-tô tránh tận dụng thế gian là việc học lên cao. Nhiều người trong thế gian xem việc học lên cao là bàn đạp để đạt được thanh thế và giàu có. Nhưng là người tạm trú, chúng ta theo đuổi mục tiêu khác. Chúng ta không “nuôi những ý tưởng kiêu ngạo” (Rô 12:16; Giê 45:5). Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta làm theo lời ngài cảnh báo: “Hãy giữ mình và tránh mọi hình thức tham lam, vì dù một người giàu có, của cải cũng không mang lại sự sống cho người ấy” (Lu 12:15). Thế nên, các tín đồ trẻ được khuyến khích theo đuổi mục tiêu phụng sự Đức Chúa Trời, có học vấn căn bản để tự lo cho đời sống hầu tập trung vào việc phụng sự ngài “hết lòng, hết mình, hết sức lực và hết tâm trí” (Lu 10:27). Khi làm thế, họ “giàu có đối với Đức Chúa Trời”.—Lu 12:21; đọc Ma-thi-ơ 6:19-21.
Tránh bị nặng gánh bởi những lo lắng
12, 13. Làm sao việc làm theo những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 6:31-33 giúp chúng ta khác biệt với thế gian?
12 Thái độ của tôi tớ Đức Giê-hô-va về vật chất khác với những người thế gian. Về điều này, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Chớ bao giờ lo lắng mà nói: ‘Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?’. Vì đó là những điều dân ngoại luôn mải lo tìm kiếm. Cha trên trời biết anh em cần mọi thứ ấy. Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy” (Mat 6:31-33). Nhiều anh em đồng đạo đã cảm nghiệm rằng Cha trên trời luôn chu cấp những gì họ cần.
13 Kinh Thánh nói: “Sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn” (1 Ti 6:6, Bản Truyền thống). Quan điểm này rất khác với nhiều người ngày nay. Chẳng hạn, khi người trẻ kết hôn, nhiều người trong số họ muốn có ngay những điều như nhà riêng hoặc căn hộ chung cư đầy đủ tiện nghi, xe đẹp và các thiết bị điện tử mới nhất. Tuy nhiên, tín đồ đạo Đấng Ki-tô sống như người tạm trú thì không muốn có những gì vượt quá khả năng của họ. Thật đáng khen vì nhiều anh chị đã bỏ một số lợi ích vật chất để cống hiến nhiều thời gian và năng lực hơn cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Các anh chị khác thì làm tiên phong, thành viên nhà Bê-tên, giám thị lưu động hoặc giáo sĩ. Chúng ta thật biết ơn những anh chị đã hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va!
14. Chúng ta rút ra bài học nào từ dụ ngôn của Chúa Giê-su về người gieo giống?
14 Trong dụ ngôn về người gieo giống, Chúa Giê-su nói rằng “những mối lo lắng trong đời này và sự cám dỗ của giàu sang” có thể làm Lời Đức Chúa Trời bị bóp nghẹt trong lòng chúng ta và không có kết quả (Mat 13:22). Thỏa lòng với đời sống tạm trú trong thế gian giúp chúng ta tránh rơi vào bẫy này. Chúng ta sẽ giữ mắt “đơn thuần”, tức “tập trung vào một mục tiêu” là đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng ưu tiên trong đời sống.—Mat 6:22, chú thích.
‘Thế gian đang qua đi’
15. Những lời nào của sứ đồ Giăng ảnh hưởng đến cách sống và quan điểm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô đối với thế gian này?
15 Lý do chính khiến chúng ta xem mình là “ngoại kiều và người tạm trú” trong thế gian này là vì chúng ta tin rằng nó sắp kết thúc (1 Phi 2:11; 2 Phi 3:7). Quan điểm ấy ảnh hưởng đến sự lựa chọn, ước muốn và mục tiêu của chúng ta. Sứ đồ Giăng khuyên anh em đồng đạo đừng yêu thế gian hoặc những gì thuộc về thế gian vì “thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 Giăng 2:15-17.
16. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình khác biệt với thế gian?
16 Dân Y-sơ-ra-ên được bảo là nếu vâng lời Đức Giê-hô-va, ‘thì trong muôn dân, họ sẽ thuộc riêng về ngài’ (Xuất 19:5). Khi giữ lòng trung thành, sự thờ phượng và lối sống của dân Y-sơ-ra-ên khác với các dân tộc khác. Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va dành riêng cho ngài một dân khác biệt với thế gian của Sa-tan. Chúng ta được khuyên: “[Hãy] bác bỏ sự bất kính cùng những ước muốn trần tục, sống có suy xét, đi theo đường lối công chính và thể hiện lòng sùng kính giữa thế gian này trong khi chờ đợi viễn cảnh hạnh phúc mà chúng ta hy vọng, cũng như chờ đợi sự xuất hiện đầy vinh hiển của Đức Chúa Trời vĩ đại và của Đấng Cứu Rỗi chúng ta, là Đấng Ki-tô Giê-su. Đấng ấy đã phó chính mình vì chúng ta để giải cứu chúng ta khỏi lối sống gian ác, và tẩy sạch cho ngài một dân thuộc riêng về ngài, là dân sốt sắng trong các việc lành” (Tít 2:11-14). Dân này gồm các tín đồ được xức dầu và hàng triệu người ủng hộ họ là “chiên khác” của Chúa Giê-su.—Giăng 10:16.
17. Tại sao những người được xức dầu và bạn đồng hành của họ sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã sống như người tạm trú trong thế gian gian ác này?
17 “Viễn cảnh hạnh phúc” của những người được xức dầu là cùng Chúa Giê-su trị vì ở trên trời (Khải 5:10). Khi hy vọng được sống vĩnh cửu trên đất thành hiện thực, chiên khác sẽ không còn là người tạm trú trong thế gian gian ác nữa. Họ sẽ có một ngôi nhà tuyệt đẹp với dư dật thức ăn, nước uống (Thi 37:10, 11; Ê-sai 25:6; 65:21, 22). Không như dân Y-sơ-ra-ên, họ sẽ không bao giờ quên tất cả những ân phước này đến từ Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời của cả đất” (Ê-sai 54:5). Những người được xức dầu lẫn các chiên khác sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã sống như người tạm trú trong thế gian gian ác này.
Bạn trả lời thế nào?
• Những người trung thành thời xưa sống như người tạm trú như thế nào?
• Các tín đồ thời ban đầu đã sống như thế nào giữa thế gian?
• Làm sao các tín đồ đạo Đấng Ki-tô dùng thế gian này cách chừng mực?
• Tại sao chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã sống như người tạm trú trong thế gian gian ác này?
[Hình nơi trang 18]
Các tín đồ thời ban đầu tránh xa những trò giải trí hung bạo và vô luân