Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 11-17 THÁNG 1
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 20, 21
“Đức Giê-hô-va biệt riêng dân ngài”
it-1-E trg 1199
Phần thừa kế
Bất cứ tài sản nào được chuyển sang người thừa kế hoặc người có quyền thừa kế sau khi người sở hữu chết; bất cứ thứ gì nhận được từ ông bà tổ tiên hoặc người đi trước như thể được thừa kế. Động từ chính trong tiếng Hê-bơ-rơ là na·chalʹ (danh từ là na·chalahʹ). Động từ này bao hàm việc nhận hoặc cho đi phần thừa kế hay sản nghiệp, thường là do quyền thừa kế (Dân 26:55; Êxê 46:18). Động từ ya·rashʹ đôi khi được dùng theo nghĩa là “thừa kế” nhưng thường được dùng theo nghĩa “lấy” mà không phải do thừa kế (Sa 15:3; Lê 20:24). Từ này cũng có nghĩa là “chiếm lấy; đuổi đi”, thường liên quan đến quân đội (Phu 2:12; 31:3). Những từ Hy Lạp được dùng để nói đến phần thừa kế đều liên quan đến từ kleʹros, có nghĩa ban đầu là “cái thăm” nhưng sau này có nghĩa là “phần” và cuối cùng là “phần thừa kế”.—Mat 27:35; Cv 1:17; 26:18.
it-1-E trg 317 đ. 2
Loài chim
Sau trận Đại Hồng Thủy toàn cầu, Nô-ê dâng một số “loài vật tinh sạch biết bay” cùng với thú vật để làm vật tế lễ (Sa 8:18-20). Sau đó, Đức Chúa Trời cho phép con người dùng loài chim làm thức ăn, miễn là không ăn huyết của nó (Sa 9:1-4; so sánh Lê 7:26; 17:13). Vì thế, những loài chim được xem là “tinh sạch” dường như liên quan đến việc những loài này được Đức Chúa Trời chấp nhận làm vật tế lễ. Về việc dùng loài chim làm thức ăn, Kinh Thánh cho thấy không có loài chim nào được phân loại là “ô uế” cho đến khi có Luật pháp Môi-se (Lê 11:13-19, 46, 47; 20:25; Phu 14:11-20). Kinh Thánh không nói rõ những yếu tố quyết định những loài chim nào là “ô uế”. Thế nên, dù đa số loài chim bị xem là ô uế là những loài săn mồi hoặc ăn xác chết, nhưng không phải tất cả loài chim bị xem là ô uế đều như thế. Luật cấm ăn loài chim ô uế không còn hiệu lực khi giao ước mới được thiết lập, như Đức Chúa Trời cho Phi-e-rơ thấy qua một khải tượng.—Cv 10:9-15.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 563
Cắt da thịt
Luật pháp Đức Chúa Trời cấm cắt da thịt mình vì người chết (Lê 19:28; 21:5; Phu 14:1). Lý do là vì dân Y-sơ-ra-ên là dân thánh đối với Đức Giê-hô-va, một sản nghiệp quý báu của ngài (Phu 14:2). Thế nên, những thực hành thờ thần tượng không có chỗ trong vòng dân Y-sơ-ra-ên. Cách biểu lộ sự than khóc thái quá cùng với việc tự rạch cơ thể mình cũng hoàn toàn không phù hợp với một dân hiểu rõ về tình trạng của người chết cũng như hy vọng về sự sống lại (Đa 12:13; Hê 11:19). Ngoài ra, lệnh cấm tự làm tổn thương thân thể cho dân Y-sơ-ra-ên thấy tầm quan trọng của việc quý trọng thân thể, một sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
NGÀY 18-24 THÁNG 1
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 22, 23
“Các kỳ lễ được ấn định có ý nghĩa với chúng ta”
it-1-E trg 826, 827
Lễ Bánh Không Men
Ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men là một kỳ nhóm họp trọng thể và cũng là ngày Sa-bát. Vào ngày thứ hai, tức ngày 16 Ni-san, một bó lúa đầu mùa của vụ mùa lúa mạch, là vụ mùa đầu tiên chín ở Pa-lét-tin, được mang đến cho thầy tế lễ. Trước lễ này, dân chúng không được ăn bánh, ngũ cốc rang hoặc ngũ cốc còn tươi đến từ vụ mùa mới ấy. Thầy tế lễ dâng bó lúa đầu mùa cho Đức Giê-hô-va theo nghĩa tượng trưng bằng cách đưa qua đưa lại bó lúa đó. Một con cừu đực con khỏe mạnh dưới một năm tuổi cũng được dâng làm lễ vật thiêu cùng với lễ vật ngũ cốc được trộn dầu, và rượu tế lễ (Lê 23:6-14). Không có quy định đòi hỏi phải thiêu ngũ cốc hoặc bột mịn ngũ cốc trên bàn thờ như các thầy tế lễ làm sau này. Sản vật đầu mùa không chỉ được dâng trước công chúng hoặc cho cả nước mà cũng có sắp đặt để mỗi gia đình và mỗi cá nhân có sản nghiệp ở Y-sơ-ra-ên dâng vật tế lễ tạ ơn vào dịp lễ này.—Xu 23:19; Phu 26:1, 2.
Ý nghĩa. Việc ăn bánh không men vào dịp này phù hợp với chỉ dẫn mà Đức Giê-hô-va ban cho Môi-se, như được ghi nơi Xuất Ai Cập 12:14-20. Chỉ dẫn này bao gồm quy định nghiêm ngặt nơi câu 19: “Trong bảy ngày, không được để bột nhào lên men nơi nhà của các ngươi”. Trong Phục truyền luật lệ 16:3, bánh không men được gọi là “bánh của sự khốn khổ”. Mỗi năm, bánh này sẽ nhắc dân Do Thái về việc họ mau chóng rời Ai Cập (khi họ không có thời gian để làm bánh có men [Xu 12:34]). Nhờ thế, dân Y-sơ-ra-ên được nhắc về tình trạng khốn khổ và tù đày mà họ được giải thoát, như Đức Giê-hô-va nói, “để trong suốt cuộc đời, [họ] nhớ đến ngày mình ra khỏi xứ Ai Cập”. Việc dân Y-sơ-ra-ên có được tự do với tư cách một nước và việc họ nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Giải Cứu sẽ giúp cho việc cử hành lễ này, là lễ đầu tiên trong ba lễ lớn hằng năm, có thêm ý nghĩa.—Phu 16:16.
it-2-E trg 598 đ. 2
Lễ Ngũ Tuần
Chỉ dẫn về sản vật đầu mùa của vụ mùa lúa mì khác với chỉ dẫn về sản vật đầu mùa của vụ mùa lúa mạch. Hai phần mười ê-pha bột mì mịn (4,4 lít) có trộn men phải được làm thành hai cái bánh và nướng lên. Hai bánh đó được lấy từ “nơi mình sinh sống”. Điều này có nghĩa là những chiếc bánh ấy giống như những chiếc bánh được dùng thường ngày trong gia đình, không phải chỉ dùng cho các mục đích thánh (Lê 23:17). Những lễ vật thiêu và một lễ vật chuộc tội được dâng cùng với sản vật đầu mùa và một lễ vật hòa thuận gồm hai cừu đực con. Thầy tế lễ phải đưa qua lại hai cái bánh và hai con cừu trước mặt Đức Giê-hô-va. Ông làm thế bằng cách để trên tay bánh và thịt cừu, rồi đưa qua đưa lại, tượng trưng cho việc dâng những lễ vật đó cho Đức Giê-hô-va. Sau khi được dâng, bánh và cừu sẽ thuộc về thầy tế lễ để ông ăn như là một lễ vật hòa thuận.—Lê 23:18-20.
NGÀY 25-31 THÁNG 1
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 24, 25
“Năm Tự Do và sự tự do trong tương lai”
it-1-E trg 871
Tự do
Đức Chúa Trời của sự tự do. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của sự tự do. Ngài giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập. Ngài phán với họ rằng bao lâu họ còn vâng theo các điều răn của ngài, thì bấy lâu họ sẽ được tự do theo nghĩa được thoát khỏi tình trạng thiếu thốn (Phu 15:4, 5). Tuy nhiên, Luật pháp cho phép một người nam Hê-bơ-rơ lâm vào cảnh nghèo túng thì có thể bán mình làm nô lệ để chu cấp những điều thiết yếu cho bản thân và gia đình. Nhưng Luật pháp quy định là vào năm thứ bảy làm nô lệ thì người ấy được trả tự do (Xu 21:2). Trong Năm Tự Do (mỗi năm thứ 50), sự tự do được công bố ở khắp xứ. Tất cả nô lệ người Hê-bơ-rơ được trả tự do và mỗi người được trở về sản nghiệp của mình.—Lê 25:10-19.
it-1-E trg 1200 đ. 2
Phần thừa kế
Vì đất đai thuộc về sản nghiệp của một gia đình và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên không được phép bán vĩnh viễn. Việc bán đất thực chất chỉ là cho người ta thuê dựa trên giá trị của các vụ mùa mà đất đó sẽ sinh hoa lợi. Giá bán dựa vào số năm còn lại cho đến Năm Tự Do kế tiếp, là thời điểm mà mọi sản nghiệp sẽ trở về chủ ban đầu nếu người ấy đã không mua lại hay chuộc lại trước Năm Tự Do (Lê 25:13, 15, 23, 24). Quy định này bao gồm những căn nhà nằm trong thành không có tường bao quanh và được xem như một phần của cánh đồng ngoại ô. Đối với căn nhà trong thành có tường bao quanh thì chủ ban đầu có quyền chuộc lại chỉ trong một năm kể từ lúc bán, sau thời điểm đó thì căn nhà sẽ thuộc về người mua. Đối với những nhà nằm trong các thành của người Lê-vi, chủ ban đầu sẽ luôn có quyền chuộc lại vì người Lê-vi không có sản nghiệp đất.—Lê 25:29-34.
it-2-E trg 122, 123
Năm Tự Do
Khi làm theo luật về Năm Tự Do, dân Y-sơ-ra-ên tránh bị rơi vào tình trạng đáng buồn giống như nhiều nước ngày nay, đó là sự phân chia giai cấp, người thì quá giàu còn người thì quá nghèo. Lợi ích mà luật này mang lại cho cá nhân sẽ góp phần đẩy mạnh đất nước, vì không ai lâm vào cảnh bần cùng và không thể cải thiện đời sống bởi gặp vấn đề về kinh tế. Nhưng tất cả đều có thể dùng tài năng và khả năng của mình để mang lại phúc lợi cho quốc gia. Khi dân Y-sơ-ra-ên vâng lời, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho mùa màng của họ. Nhờ ân phước của ngài và sự giáo dục nhận được, họ sẽ được thịnh vượng và có một chính phủ hoàn hảo mà chỉ sự cai trị thần quyền thật mới mang lại.—Ês 33:22.
NGÀY 1-7 THÁNG 2
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 26, 27
“Làm thế nào để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va?”
it-1-E trg 223 đ. 3
Tôn kính
Cách Đức Giê-hô-va dùng Môi-se và cách ngài đối xử với ông khiến ông được tôn kính (Hê: moh·raʼʹ) trước mắt dân Đức Chúa Trời (Phu 34:10, 12; Xu 19:9). Những người có đức tin thì kính sợ quyền hành của Môi-se. Họ nhận ra rằng Đức Chúa Trời phán với họ qua Môi-se. Dân Y-sơ-ra-ên cũng phải tôn kính nơi thánh của Đức Giê-hô-va (Lê 19:30; 26:2). Điều này có nghĩa là họ phải thể hiện lòng sùng kính đối với nơi thánh qua việc thờ phượng theo cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn và sống phù hợp với mọi mệnh lệnh của ngài.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 617
Dịch bệnh
Xảy ra vì lờ đi Luật pháp của Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên được cảnh báo là nếu cố tình vi phạm giao ước mà Đức Chúa Trời lập với họ thì ngài sẽ ‘sai dịch bệnh vào giữa họ’ (Lê 26:14-16, 23-25; Phu 28:15, 21, 22). Kinh Thánh thường liên kết sức khỏe về thể chất hoặc thiêng liêng với sự ban phước của Đức Chúa Trời (Phu 7:12, 15; Th 103:1-3; Ch 3:1, 2, 7, 8; 4:21, 22; Kh 21:1-4), còn bệnh tật thì được liên kết với tội lỗi và sự bất toàn (Xu 15:26; Phu 28:58-61; Ês 53:4, 5; Mat 9:2-6, 12; Gi 5:14). Đúng là có những trường hợp Đức Giê-hô-va trực tiếp giáng bệnh ngay lập tức trên một người, như khi Mi-ri-am, U-xi-a và Ghê-ha-xi bị bệnh phong cùi (Dân 12:10; 2Sử 26:16-21; 2V 5:25-27). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh tật và dịch bệnh là hậu quả tự nhiên và tất yếu mà đường lối sai trái của cá nhân hoặc một nước gây ra. Đơn giản là họ gieo gì thì gặt nấy; thân thể của họ chịu hậu quả từ đường lối sai trái của họ (Ga 6:7, 8). Về những người làm chuyện vô luân bẩn thỉu, sứ đồ Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời “phó mặc họ cho những ước muốn ô uế của lòng họ, hầu cho họ làm ô nhục chính thân thể mình... [Họ] phải lãnh đủ hình phạt, xứng với hành vi sai trái của mình”.—Rô 1:24-27.
NGÀY 8-14 THÁNG 2
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | DÂN SỐ 1, 2
“Đức Giê-hô-va tổ chức dân ngài”
it-1-E trg 397 đ. 4
Trại
Trại này của dân Y-sơ-ra-ên rất lớn. Theo con số mà Kinh Thánh ghi lại, có 603.550 lính chiến, chưa kể phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi, người tàn tật, 22.000 người Lê-vi và “rất đông người ngoại quốc”. Có lẽ tổng cộng là 3.000.000 người hoặc hơn (Xu 12:38, 44; Dân 3:21-34, 39). Chúng ta không biết một trại như thế chiếm bao nhiêu diện tích; có nhiều ước tính khác nhau. Kinh Thánh cho biết trại mà dân Y-sơ-ra-ên đóng bên kia Giê-ri-cô trong hoang mạc Mô-áp kéo dài “từ Bết-giê-si-mốt cho đến A-bên-si-tim”.—Dân 33:49.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 764
Đăng ký
Thường là ghi tên và gia phả theo chi phái và gia đình. Việc này bao hàm nhiều hơn là chỉ thống kê hoặc đếm đầu người. Những cuộc đăng ký trên phạm vi cả nước được nhắc đến trong Kinh Thánh phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn để đánh thuế, giao nhiệm vụ trong quân đội hoặc (đối với người Lê-vi) giao nhiệm vụ tại nơi thánh.
NGÀY 15-21 THÁNG 2
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | DÂN SỐ 3, 4
“Công việc phục vụ của người Lê-vi”
it-2-E trg 683 đ. 3
Thầy tế lễ
Dưới giao ước Luật pháp. Khi dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở Ai Cập, Đức Giê-hô-va đã biệt riêng cho ngài mọi con trai đầu lòng của người Y-sơ-ra-ên vào lúc ngài hủy diệt các con đầu lòng của người Ai Cập trong tai vạ thứ mười (Xu 12:29; Dân 3:13). Do đó, những con đầu lòng này thuộc về Đức Giê-hô-va; họ có thể được dùng trong hình thức phục vụ đặc biệt. Đức Chúa Trời đã có thể chỉ định tất cả những con trai đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên làm thầy tế lễ và người chăm sóc cho nơi thánh. Nhưng ngài thấy thích hợp để chỉ định những người nam thuộc chi phái Lê-vi đảm nhận nhiệm vụ này. Vì thế, ngài cho phép dân chúng lấy người nam Lê-vi thay thế cho con trai đầu lòng của 12 chi phái khác (con cháu của hai con trai Giô-sép là Ép-ra-im và Ma-na-se được tính là hai chi phái). Sau khi thống kê dân số, số con trai đầu lòng không thuộc về chi phái Lê-vi (từ một tháng tuổi trở lên) nhiều hơn số người nam Lê-vi là 273 người. Vì thế, Đức Chúa Trời đòi hỏi phải trả giá chuộc là năm siếc-lơ (11 đô-la Mỹ) cho mỗi người thuộc 273 người đó, số tiền đó sẽ được đưa cho A-rôn và các con trai của ông (Dân 3:11-16, 40-51). Trước khi có sắp đặt này, Đức Giê-hô-va đã biệt riêng những người nam trong gia đình của A-rôn thuộc chi phái Lê-vi để giữ chức tế lễ của Y-sơ-ra-ên.—Dân 1:1; 3:6-10.
it-2-E trg 241
Người Lê-vi
Nhiệm vụ. Người Lê-vi được hợp thành bởi ba gia tộc, từ các con trai Lê-vi là Ghẹt-sôn (Ghẹt-sôm), Kê-hát và Mê-ra-ri (Sa 46:11; 1Sử 6:1, 16). Trong hoang mạc, mỗi gia tộc này được chỉ định một nơi gần lều thánh. Gia đình A-rôn thuộc dòng Kê-hát đóng trại ở trước lều thánh về phía đông. Những người Kê-hát khác đóng trại về phía nam, người Ghẹt-sôn về phía tây và người Mê-ra-ri về phía bắc (Dân 3:23, 29, 35, 38). Việc dựng, dỡ và khiêng lều thánh là công việc của người Lê-vi. Khi phải di chuyển lều thánh, A-rôn và các con trai hạ bức màn phân cách Gian Thánh với Gian Chí Thánh, và phủ Hòm Chứng Tích, các bàn thờ, đồ đạc và các vật dụng thánh khác. Rồi người Kê-hát khác sẽ khiêng những thứ này đi. Người Ghẹt-sôn sẽ chuyển tấm vải lều, tấm phủ, màn che, màn treo của sân và dây lều (hẳn là dây của lều thánh). Người Mê-ra-ri coi sóc các khung ván, cột, đế có lỗ, cọc lều và dây (dây của sân xung quanh lều thánh).—Dân 1:50, 51; 3:25, 26, 30, 31, 36, 37; 4:4-33; 7:5-9.
it-2-E trg 241
Người Lê-vi
Vào thời Môi-se, khi người Lê-vi được 30 tuổi thì được giao trọn nhiệm vụ, chẳng hạn như khiêng lều thánh và tất cả đồ đạc, vật dụng của lều thánh khi phải chuyển đi (Dân 4:46-49). Những người từ độ tuổi 25 có thể thực hiện một số nhiệm vụ, nhưng dường như không phải những việc nặng nhọc như di chuyển lều thánh (Dân 8:24). Vào thời vua Đa-vít, độ tuổi này giảm xuống là 20 tuổi. Đa-vít cho biết lý do là vì lều thánh (lúc bấy giờ sắp được thay bằng đền thờ) không cần được khiêng nữa. Đến 50 tuổi, người Lê-vi không còn bị đòi hỏi làm công việc phục vụ (Dân 8:25, 26; 1Sử 23:24-26). Người Lê-vi cần thông thạo Luật pháp vì họ thường được chỉ định đọc Luật pháp trước công chúng và dạy Luật ấy cho dân chúng.—1Sử 15:27; 2Sử 5:12; 17:7-9; Nê 8:7-9.
NGÀY 22-28 THÁNG 2
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | DÂN SỐ 5, 6
“Anh chị có thể noi gương người Na-xi-rê như thế nào?”
it-2-E trg 477
Người Na-xi-rê
Những người hứa nguyện để làm người Na-xi-rê phải làm theo ba hạn chế chính sau: (1) Họ không được uống thức uống có cồn và cũng không được ăn bất cứ thứ gì của cây nho, dù là nho chín, chưa chín hoặc nho khô; họ cũng không được uống nước nho, dù là tươi, lên men hay giấm nho. (2) Họ không được cắt tóc. (3) Họ không được chạm vào xác chết, ngay cả xác của người thân nhất như cha mẹ và anh chị em.—Dân 6:1-7.
Lời hứa nguyện đặc biệt. Người lập lời hứa nguyện đặc biệt này phải “sống như người Na-xi-rê [tức được dâng hiến, được biệt riêng ra] trước mặt Đức Giê-hô-va” hầu làm đẹp lòng ngài, chứ không phải để được người ta tán dương vì ra vẻ như mình đang sống khổ hạnh. Trong suốt thời gian làm người Na-xi-rê, người đó là thánh đối với Đức Giê-hô-va.—Dân 6:2, 8, chú thích.
Thế nên, những đòi hỏi dành cho người Na-xi-rê có ý nghĩa đặc biệt, liên quan đến sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì giữ chức vụ thánh nên thầy tế lễ thượng phẩm không được chạm vào xác chết, ngay cả xác của người thân nhất, thì người Na-xi-rê cũng vậy. Thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy tế lễ phó không được uống rượu hoặc thức uống có cồn khi thực hiện các nhiệm vụ thánh trước mắt Đức Giê-hô-va vì những trọng trách của chức vụ của họ.—Lê 10:8-11; 21:10, 11.
Ngoài ra, người Na-xi-rê (Hê: na·zirʹ) “phải tiếp tục nên thánh bằng cách để tóc mọc dài”, một dấu hiệu rõ ràng để mọi người nhận ra liền người đó là người Na-xi-rê (Dân 6:5). Từ Hê-bơ-rơ na·zirʹ cũng được dùng để nói đến cây nho “chưa tỉa” trong những năm Sa-bát thánh và Năm Tự Do (Lê 25:5, 11). Một điều khác cũng đáng chú ý là tấm vàng buộc vào phía trước khăn vấn của thầy tế lễ thượng phẩm (có khắc dòng chữ “Sự thánh khiết thuộc về Đức Giê-hô-va”) được gọi là “dấu hiệu thánh của sự dâng hiến [Hê: neʹzer, có cùng gốc từ với na·zirʹ]” (Xu 39:30, 31). Tương tự, vương miện chính thức mà các vua được xức dầu của Y-sơ-ra-ên đội cũng được gọi là neʹzer (2Sa 1:10; 2V 11:12). Sứ đồ Phao-lô nói rằng các nữ tín đồ được ban tóc thay vì đồ trùm đầu. Việc phụ nữ để tóc dài vốn là điều tự nhiên và nhắc người nữ rằng chị có vị thế khác với người nam; chị cần ghi nhớ vị thế vâng phục của mình trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Vậy những đòi hỏi như thế—không cắt tóc (là điều không tự nhiên đối với người nam), hoàn toàn kiêng rượu, giữ sự thánh sạch và không để mình bị ô uế—giúp người Na-xi-rê đã dâng mình thấy tầm quan trọng của việc giữ lối sống hy sinh và hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Giê-hô-va.—1Cô 11:2-16.