CHƯƠNG 13
“Luật pháp Đức Giê-hô-va là hoàn hảo”
1, 2. Tại sao nhiều người không tôn trọng luật pháp của con người, nhưng có lẽ chúng ta có cảm nghĩ nào về luật pháp của Đức Chúa Trời?
“Luật pháp là một hố sâu không đáy, nó… nuốt chửng mọi thứ”. Những lời này được trích trong một cuốn sách xuất bản năm 1712. Trong đó, tác giả chỉ trích một hệ thống luật pháp gồm các vụ kiện đôi khi kéo dài nhiều năm trải qua các tòa án khác nhau, khiến những người đi tìm công lý bị phá sản. Tại nhiều nước, hệ thống xét xử và pháp lý quá phức tạp, đầy dẫy bất công, thành kiến và thiếu nhất quán đến mức làm cho nhiều người xem thường luật pháp.
2 Trái lại, một người viết Kinh Thánh đã nói cách đây khoảng 2.700 năm: “Con yêu luật pháp ngài biết dường nào!” (Thi thiên 119:97). Tại sao người viết Thi thiên có cảm xúc mạnh mẽ như thế? Vì luật pháp mà ông ca ngợi bắt nguồn từ Đức Giê-hô-va, chứ không phải từ chính phủ con người. Khi tìm hiểu về luật pháp của ngài, có lẽ anh chị sẽ càng có cùng cảm nghĩ với người viết Thi thiên. Anh chị sẽ hiểu rõ hơn suy nghĩ của Đấng Lập Luật và Đấng Phán Xét Tối Cao.
Đấng Lập Luật Tối Cao
3, 4. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là Đấng Lập Luật qua những cách nào?
3 Kinh Thánh nói: “Chỉ có một Đấng Lập Luật và Đấng Phán Xét” (Gia-cơ 4:12). Thật vậy, Đức Giê-hô-va là đấng duy nhất có quyền lập ra các luật chi phối mọi tạo vật. Ngay cả sự chuyển động của các thiên thể cũng được chi phối bởi “luật kiểm soát các tầng trời” (Gióp 38:33). Tương tự, hàng triệu thiên sứ thánh cũng được chi phối bởi luật của Đức Giê-hô-va, vì họ được tổ chức theo thứ bậc và phụng sự dưới sự hướng dẫn của ngài.—Thi thiên 104:4; Hê-bơ-rơ 1:7, 14.
4 Đức Giê-hô-va cũng ban luật pháp cho con người. Mỗi chúng ta đều có một lương tâm, phản ánh quan điểm của ngài về công lý. Lương tâm giống như một luật được viết bên trong chúng ta và có thể giúp mình phân biệt điều đúng, điều sai (Rô-ma 2:14). Tổ phụ đầu tiên của chúng ta được phú cho một lương tâm hoàn hảo, nên họ chỉ cần vài điều luật (Sáng thế 2:15-17). Tuy nhiên, con người bất toàn thì cần nhiều luật hơn để giúp họ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Các tộc trưởng như Nô-ê, Áp-ra-ham, Gia-cốp đã nhận luật pháp từ Đức Giê-hô-va và truyền lại cho gia đình (Sáng thế 6:22; 9:3-6; 18:19; 26:4, 5). Đức Giê-hô-va đã trở thành Đấng Lập Luật theo một cách mới khi ban Luật pháp cho nước Y-sơ-ra-ên qua trung gian Môi-se. Bộ luật này giúp chúng ta hiểu rõ hơn quan điểm của ngài về công lý.
Luật pháp Môi-se—Cái nhìn khái quát
5. Tại sao có thể nói Luật pháp Môi-se không quá phức tạp?
5 Dường như nhiều người nghĩ Luật pháp Môi-se có quá nhiều luật khó hiểu và khó áp dụng. Tuy nhiên, điều này không đúng. Cả bộ luật này có hơn 600 điều lệ. Khi mới nghe thì có vẻ nhiều nhưng hãy thử nghĩ: Đến cuối thế kỷ 20, bộ luật liên bang của Hoa Kỳ gồm hơn 150.000 trang. Mỗi hai năm có khoảng 600 điều luật mới được thêm vào! Như vậy, nếu so sánh với hàng núi luật mà con người đặt ra thì Luật pháp Môi-se chẳng đáng là bao. Dù thế, Luật pháp của Đức Chúa Trời hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên trong những lĩnh vực đời sống mà luật của con người ngày nay thậm chí không đề cập đến. Hãy xem vài ví dụ.
6, 7. (a) Luật pháp Môi-se khác với mọi bộ luật khác như thế nào, và điều răn quan trọng nhất của Luật pháp là gì? (b) Dân Y-sơ-ra-ên có thể cho thấy họ nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va qua cách nào?
6 Luật pháp Môi-se đề cao quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Điều này làm cho Luật pháp Môi-se khác xa so với bất cứ bộ luật nào của con người. Điều răn quan trọng nhất của bộ luật này là: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe! Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Đức Giê-hô-va có một không hai. Anh em phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em hết lòng, hết mình và hết sức lực”. Vậy dân Đức Chúa Trời có thể biểu lộ tình yêu thương đối với ngài qua cách nào? Đó là họ phải phụng sự ngài và phục tùng quyền tối thượng của ngài.—Phục truyền luật lệ 6:4, 5; 11:13.
7 Mỗi người Y-sơ-ra-ên cho thấy họ nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va khi phục tùng những người được ngài ban quyền hành. Cha mẹ, thủ lĩnh, quan xét, thầy tế lễ, và sau này là vua đều đại diện cho uy quyền của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va nói rằng nếu một người chống lại họ thì ngài xem người ấy như thể đang chống lại ngài. Trái lại, nếu những người có quyền hành đối xử với dân ngài một cách bất công và hống hách thì sẽ gánh lấy cơn thịnh nộ của ngài (Xuất Ai Cập 20:12; 22:28; Phục truyền luật lệ 1:16, 17; 17:8-20; 19:16, 17). Như vậy, hết thảy dân Y-sơ-ra-ên, dù có quyền hành hay ở dưới quyền của người khác, đều cần tôn trọng quyền tối thượng của Đức Chúa Trời.
8. Luật pháp Môi-se đề cao tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Giê-hô-va như thế nào?
8 Luật pháp Môi-se đề cao tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về sự thánh khiết. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ được dịch là “thánh” và “thánh khiết” xuất hiện hơn 280 lần trong Luật pháp. Luật này giúp dân Đức Chúa Trời phân biệt điều gì là thanh sạch và điều gì là ô uế. Luật này cho biết khoảng 70 điều có thể khiến một người Y-sơ-ra-ên trở nên ô uế, và vì thế không được phép cùng tham gia thờ phượng Đức Giê-hô-va với người khác.a Các điều luật này đề cập đến những điều mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho dân Y-sơ-ra-ên, chẳng hạn như vấn đề vệ sinh cá nhân, chế độ ăn uống và ngay cả việc xử lý chất thải. Nhưng những điều luật ấy có mục tiêu cao quý hơn, đó là giúp dân chúng tiếp tục nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va và tách biệt khỏi những việc làm sai trái của các dân đồi bại xung quanh. Hãy xem một ví dụ.
9, 10. Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên những điều luật nào liên quan đến quan hệ tình dục và sinh con, và những điều luật ấy mang lại lợi ích nào?
9 Luật pháp Môi-se quy định rằng những người có quan hệ tình dục, gồm cả vợ chồng, sẽ bị ô uế trong một thời gian; một người nữ cũng sẽ bị ô uế một thời gian sau khi sinh (Lê-vi 12:2-4; 15:16-18). Các điều luật như thế không làm giảm giá trị của những món quà ấy, là những món quà thanh sạch từ Đức Chúa Trời (Sáng thế 1:28; 2:18-25). Thay vì thế, những điều luật ấy đề cao sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va và giúp dân ngài không bị ô uế về mặt thờ phượng. Điều đáng lưu ý là các nước xung quanh dân Y-sơ-ra-ên pha trộn các nghi lễ tình dục và sinh sản với việc thờ phượng. Tôn giáo của người Ca-na-an có việc mại dâm cả nam lẫn nữ. Hậu quả là tình trạng đồi bại ngày càng lan tràn. Trái lại, Luật pháp giúp cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va hoàn toàn tách biệt khỏi vấn đề tình dục.b Điều này cũng mang lại những lợi ích khác.
10 Những điều luật này nhằm mục đích dạy một sự thật trọng yếu.c Dù quan hệ tình dục và sinh con là món quà thanh sạch từ Đức Chúa Trời, nhưng cũng qua những cách đó mà tội lỗi của A-đam di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (Rô-ma 5:12). Thật vậy, Luật pháp của Đức Chúa Trời nhắc dân ngài nhớ rằng tội lỗi vẫn luôn đeo bám họ trong suốt cuộc đời. Thực tế, tất cả chúng ta đều sinh ra trong tội lỗi (Thi thiên 51:5). Chúng ta cần sự tha thứ và giá chuộc để đến gần Đức Chúa Trời thánh.
11, 12. (a) Luật pháp Môi-se dạy một sự thật quan trọng nào? (b) Luật pháp này có những biện pháp nào nhằm ngăn ngừa việc bóp méo công lý?
11 Luật pháp Môi-se đề cao công lý hoàn hảo của Đức Giê-hô-va. Luật pháp này cho thấy một sự thật quan trọng là cần có sự tương xứng, hay cân bằng, trong những vấn đề pháp lý. Do đó, Luật pháp quy định: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Phục truyền luật lệ 19:21). Vì thế, trong những vụ án hình sự thì hình phạt phải tương ứng với tội ác. Tất cả các điều luật của Luật pháp đều phản ánh khía cạnh này của công lý Đức Giê-hô-va. Chỉ khi hiểu sự thật quan trọng này, chúng ta mới có thể hiểu về giá chuộc của Chúa Giê-su, như chương 14 sẽ cho thấy.—1 Ti-mô-thê 2:5, 6.
12 Luật pháp Môi-se cũng có những biện pháp nhằm ngăn ngừa việc bóp méo công lý. Chẳng hạn, nếu một người bị tố cáo phạm tội thì lời tố cáo ấy chỉ có giá trị khi có ít nhất hai người làm chứng. Nếu một người tố cáo sai thì sẽ bị trừng phạt khiêm khắc (Phục truyền luật lệ 19:15, 18, 19). Luật pháp nghiêm cấm việc tham nhũng và hối lộ (Xuất Ai Cập 23:8; Phục truyền luật lệ 27:25). Ngay cả trong việc mua bán thì dân Y-sơ-ra-ên cũng phải làm theo tiêu chuẩn cao về công lý của Đức Giê-hô-va (Lê-vi 19:35, 36; Phục truyền luật lệ 23:19, 20). Luật pháp Môi-se quả rất công bằng và mang lại nhiều lợi ích cho Y-sơ-ra-ên!
Những điều luật nhấn mạnh việc xét xử với lòng thương xót và đối xử công bằng
13, 14. Làm thế nào Luật pháp đảm bảo rằng kẻ trộm và nạn nhân được đối xử công bằng?
13 Luật pháp Môi-se có phải là bộ luật cứng nhắc và thiếu thương xót không? Chắc chắn không! Vua Đa-vít được soi dẫn để viết: “Luật pháp Đức Giê-hô-va là hoàn hảo” (Thi thiên 19:7). Đa-vít biết rõ Luật pháp đẩy mạnh sự thương xót và việc đối xử công bằng. Như thế nào?
14 Luật pháp của một số nước ngày nay dường như mang lại lợi ích cho tội phạm hơn là nạn nhân. Chẳng hạn, những kẻ trộm có thể bị ngồi tù. Trong khi đó, nạn nhân không những không được trả lại tài sản mà còn phải đóng thuế để trả tiền ăn ở cho những tội phạm ấy. Ngược lại, Luật pháp Môi-se đảm bảo rằng cả nạn nhân lẫn kẻ phạm pháp đều được đối xử công bằng. Tại nước Y-sơ-ra-ên xưa không có nhà tù như chúng ta thấy ngày nay. Dù thế, Luật pháp Môi-se có những giới hạn nghiêm ngặt để đảm bảo hình phạt không quá khắt khe (Phục truyền luật lệ 25:1-3). Tuy nhiên, Luật pháp này cũng quy định rằng kẻ trộm phải bồi thường cho nạn nhân. Ngoài ra, kẻ trộm còn phải trả thêm cho nạn nhân. Bao nhiêu? Mỗi trường hợp mỗi khác. Dường như quan xét có thể quyết định kẻ trộm phải trả bao nhiêu dựa vào một số yếu tố, chẳng hạn việc ăn năn hối cải của phạm nhân. Điều này giải thích tại sao hình phạt nơi Lê-vi 6:1-7 đòi hỏi kẻ trộm phải bồi thường thấp hơn nhiều so với hình phạt nơi Xuất Ai Cập 22:7.
15. Làm thế nào Luật pháp đảm bảo lòng thương xót và công lý được áp dụng khi một người vô ý làm chết người?
15 Luật pháp Môi-se cho thấy lòng thương xót của Đức Giê-hô-va khi nhìn nhận rằng không phải lúc nào người ta cũng cố tình phạm tội. Chẳng hạn, khi một người vô ý làm chết người thì người ấy không cần đền mạng nếu hành động đúng bằng cách chạy vào một thành trú ẩn nằm rải rác khắp Y-sơ-ra-ên. Sau khi những quan xét hội đủ điều kiện xem xét vụ việc, người ấy phải ở trong thành trú ẩn cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời. Sau đó, người ấy có thể tự do sống ở bất cứ nơi nào mình muốn. Như vậy, người đó đã nhận được lợi ích từ lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Đồng thời, luật này cũng giúp dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng mạng sống con người rất quý giá với ngài.—Dân số 15:30, 31; 35:12-25.
16. Luật pháp Môi-se bảo vệ quyền lợi cá nhân như thế nào?
16 Luật pháp Môi-se cũng bảo vệ quyền lợi cá nhân. Hãy xem những cách mà Luật pháp bảo vệ những người mắc nợ. Một người không được phép vào nhà con nợ lấy tài sản để làm tin. Thay vì thế, người ấy phải đứng bên ngoài và chờ con nợ mang vật làm tin ra. Như vậy, nhà của người mắc nợ được bảo vệ và không ai được phép xâm phạm. Nếu chủ nợ lấy áo ngoài của con nợ để làm tin thì phải trả lại lúc chiều tối, vì rất có thể con nợ cần áo để đắp vào ban đêm.—Phục truyền luật lệ 24:10-14.
17, 18. Trong vấn đề chiến tranh, dân Y-sơ-ra-ên khác với những nước khác như thế nào, và tại sao?
17 Ngay cả vấn đề chiến tranh cũng được quy định trong Luật pháp. Dân Đức Chúa Trời được phép tham gia chiến tranh không phải để thỏa mãn lòng hiếu chiến hoặc có thêm quyền lực, nhưng họ đại diện cho ngài để chiến đấu trong “Chiến trận của Đức Giê-hô-va” (Dân số 21:14). Trong nhiều trường hợp, trước hết dân Y-sơ-ra-ên phải đưa ra điều kiện để kẻ thù đầu hàng. Nếu điều kiện đó bị bác bỏ thì dân Y-sơ-ra-ên có thể vây hãm thành, nhưng phải theo quy định của Đức Chúa Trời. Khác với nhiều binh lính trong suốt lịch sử, binh lính Y-sơ-ra-ên không được phép hãm hiếp phụ nữ hoặc tham gia vào cuộc tàn sát dã man. Thậm chí họ phải tôn trọng môi trường, không chặt cây ăn trái của kẻ thù.d Những quân đội khác không có những hạn chế như thế.—Phục truyền luật lệ 20:10-15, 19, 20; 21:10-13.
18 Anh chị có rùng mình khi nghe rằng trẻ em ở một số nước được huấn luyện để làm lính chiến không? Tại nước Y-sơ-ra-ên xưa, không người nam nào dưới 20 tuổi được tuyển vào quân đội (Dân số 1:2, 3). Ngay cả một người nam trưởng thành cũng được miễn quân dịch nếu quá sợ chiến đấu. Người nam mới kết hôn cũng được ở nhà trọn một năm để có thể có con nối dõi trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm. Luật pháp giải thích rằng nhờ thế mà người chồng có thể “ở nhà và mang lại niềm vui cho vợ”.—Phục truyền luật lệ 20:5, 6, 8; 24:5.
19. Qua Luật pháp, Đức Giê-hô-va bảo vệ phụ nữ, trẻ em, gia đình, góa phụ và trẻ mồ côi như thế nào?
19 Qua Luật pháp, Đức Giê-hô-va cũng bảo vệ phụ nữ, trẻ em và gia đình cũng như lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên đảm bảo để họ có những điều mình cần. Cha mẹ được lệnh phải dành nhiều thời gian cho con và dạy con về Đức Giê-hô-va (Phục truyền luật lệ 6:6, 7). Luật pháp cấm mọi hình thức loạn luân, và nếu một người làm thế thì sẽ bị xử tử (Lê-vi, chương 18). Luật pháp cũng cấm ngoại tình, là nguyên nhân thường khiến gia đình đổ vỡ và gây ra biết bao đau khổ. Ngoài ra, Luật pháp có những quy định để góa phụ và trẻ mồ côi được chăm sóc, và Đức Giê-hô-va cũng nghiêm cấm việc ngược đãi họ.—Xuất Ai Cập 20:14; 22:22-24.
20, 21. (a) Tại sao Luật pháp Môi-se cho phép dân Y-sơ-ra-ên thực hành tục đa thê? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép người nam Do Thái ly dị vợ dựa trên những lý do nghiêm trọng?
20 Nhưng liên quan đến điều trên, một số người có lẽ thắc mắc: “Vậy tại sao Luật pháp cho phép có tục đa thê?” (Phục truyền luật lệ 21:15-17). Chúng ta cần xem xét những điều luật ấy trong văn cảnh thời bấy giờ. Nếu đánh giá Luật pháp Môi-se dựa vào quan điểm và văn hóa hiện đại thì sẽ hiểu sai Luật này (Châm ngôn 18:13). Khi tạo ra A-đam và Ê-va, Đức Giê-hô-va cho thấy rõ là chồng chỉ nên có một vợ và cả hai nên gắn bó với nhau trọn đời (Sáng thế 2:18, 20-24). Tuy nhiên, đến thời mà Đức Giê-hô-va ban Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên thì tục đa thê đã có hàng thế kỷ. Đức Giê-hô-va biết rõ dân ngài là “một dân cứng cổ”; họ thường bất tuân ngay cả những mệnh lệnh cơ bản nhất, chẳng hạn như không được thờ hình tượng (Xuất Ai Cập 32:9). Vì thế, ngài đã khôn ngoan không chọn thời điểm đó để sửa đổi những thực hành sai trái liên quan đến hôn nhân. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va không thiết lập tục đa thê. Nhưng ngài dùng Luật pháp Môi-se để kiểm soát tục đa thê trong vòng dân ngài và để ngăn chặn việc phụ nữ bị đối xử tệ.
21 Một số người có lẽ cũng thắc mắc tại sao Luật pháp Môi-se cho phép người nam ly dị vợ dựa trên một vài lý do nghiêm trọng (Phục truyền luật lệ 24:1-4). Chúa Giê-su nói rằng Đức Giê-hô-va cho phép người Do Thái làm điều này ‘vì họ cứng lòng’. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chỉ cho phép điều đó tồn tại một thời gian. Chúa Giê-su dạy rằng các môn đồ của ngài phải vâng theo tiêu chuẩn về hôn nhân mà Đức Giê-hô-va đã lập ra từ ban đầu.—Ma-thi-ơ 19:8.
Luật pháp Môi-se đề cao tình yêu thương
22. Luật pháp Môi-se đề cao tình yêu thương như thế nào?
22 Không có nước nào ngày nay có thể ban hành những điều luật khuyến khích người ta thể hiện tình yêu thương với nhau. Nhưng Luật pháp Môi-se dạy rằng tình yêu thương là quan trọng nhất. Chỉ riêng trong sách Phục truyền luật lệ, từ “yêu” và “yêu thương” xuất hiện hơn 20 lần dưới nhiều hình thức khác nhau. “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” là điều răn lớn thứ hai trong Luật pháp (Lê-vi 19:18; Ma-thi-ơ 22:37-40). Dân Đức Chúa Trời không những phải thể hiện tình yêu thương với nhau mà còn với ngoại kiều trong vòng họ. Họ cần nhớ rằng chính mình cũng từng là ngoại kiều. Họ phải biểu lộ tình yêu thương với người nghèo và người bị hà hiếp, giúp đỡ về vật chất và không bao giờ được đối xử tệ với những người ấy. Thậm chí họ được lệnh phải đối xử tử tế với gia súc.—Xuất Ai Cập 23:6; Lê-vi 19:14, 33, 34; Phục truyền luật lệ 22:4, 10; 24:17, 18.
23. Người viết Thi thiên 119 được thúc đẩy làm gì, và chúng ta quyết tâm làm gì?
23 Không có nước nào trên thế giới có bộ luật như thế! Đó là lý do người viết Thi thiên nói: “Con yêu luật pháp ngài biết dường nào!”. Tuy nhiên, lòng yêu mến của ông không chỉ là cảm xúc. Vì yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời nên ông nỗ lực hết sức để vâng theo. Ông nói thêm: “Suốt ngày con ngẫm nghĩ luật pháp ấy” (Thi thiên 119:11, 97). Thật vậy, ông thường xuyên dành thời gian tìm hiểu luật pháp của Đức Giê-hô-va. Chắc chắn nhờ làm thế mà ông càng yêu mến những điều luật ấy. Đồng thời, tình yêu thương của ông dành cho Đấng Lập Luật là Đức Giê-hô-va cũng gia tăng. Khi tiếp tục xem xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, anh chị cũng sẽ đến gần hơn với ngài, Đấng Lập Luật Vĩ Đại và là Đức Chúa Trời của công lý.
a Chẳng hạn, những điều luật quy định phải chôn phân người, cách ly người bệnh và tắm rửa sau khi chạm vào xác chết cho thấy sự khôn ngoan tột bậc. Chỉ hàng ngàn năm sau các nhà khoa học mới hiểu tại sao làm những điều ấy là hữu ích.—Lê-vi 13:4-8; Dân số 19:11-13, 17-19; Phục truyền luật lệ 23:13, 14.
b Các đền thờ của người Ca-na-an có những phòng dành riêng cho việc quan hệ tình dục, nhưng Luật pháp Môi-se quy định rằng những người ở trong tình trạng ô uế do quan hệ tình dục thậm chí không được vào đền thờ. Vì thế, nếu người ta làm theo điều luật này thì họ sẽ không bao giờ kết hợp tình dục với việc thờ phượng Đức Giê-hô-va trong nhà ngài.
c Dạy dỗ là mục đích chính yếu của Luật pháp. Thật vậy, một bách khoa từ điển (Encyclopaedia Judaica) cho biết rằng từ “luật pháp” trong tiếng Hê-bơ-rơ là toh·rahʹ, nghĩa là “sự giáo huấn”.
d Luật pháp Môi-se nêu ra một câu hỏi gợi suy nghĩ: “Đó là cây ngoài đồng chứ đâu phải con người mà anh em bao vây?” (Phục truyền luật lệ 20:19). Một học giả Do Thái vào thế kỷ thứ nhất là ông Philo đã trích dẫn luật này và giải thích rằng Đức Chúa Trời xem việc “con người giận dữ với nhau nhưng lại trả thù những vật vô tội là điều bất công”.