‘Hãy nên thánh, vì ta là thánh’
“Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, vốn là thánh” (LÊ-VI KÝ 19:2).
1. Thế gian này xem một số người nào là thánh thiện?
PHẦN ĐÔNG các tôn giáo lớn trên thế giới đều có những người mà người ta coi là thánh thiện. Người ta thường xem người nổi tiếng ở Ấn Độ, Mẹ Teresa, là thánh thiện vì bà tận tụy với người nghèo. Giáo hoàng được gọi là “Đức Thánh Cha”. Người sáng lập ra phong trào Công giáo hiện đại Opus Dei là José María Escrivá được một số người Công giáo xem là “mẫu mực cho sự thánh thiện”. Ấn độ giáo có các swami hay những người thánh thiện. Ông Gandhi đã được sùng kính là một người thánh thiện. Phật giáo có các nhà sư và Hồi giáo có các nhà tiên tri. Nhưng đúng ra nên thánh có nghĩa gì?
2, 3. a) Từ “thánh” có nghĩa gì? b) Chúng ta cần phải trả lời một số câu hỏi nào?
2 Chữ “thánh” được định nghĩa là được “1. ... liên quan với một quyền lực siêu phàm, thiêng liêng. 2. Được tôn sùng hoặc đáng được thờ phượng hay sùng bái... 3. Sống theo một hệ thống nghiêm khắc hoặc một hệ thống tôn giáo hay thiêng liêng có phẩm chất đạo đức cao... 4. Biệt riêng ra cho mục tiêu tôn giáo”. Theo văn cảnh Kinh-thánh, sự thánh thiện có nghĩa là “thánh khiết hoặc tinh sạch về mặt tôn giáo; thiêng liêng”. Theo tài liệu tham khảo Kinh-thánh là cuốn Insight on the Scriptures, “[từ ngữ] Hê-bơ-rơ nguyên thủy qoʹdhesh nói lên ý tưởng tách riêng ra, chuyên độc, hoặc thánh hóa cho Đức Chúa Trời.... một tình trạng được để riêng ra cho việc phụng sự Đức Chúa Trời”.a
3 Nước Y-sơ-ra-ên nhận được lệnh là phải nên thánh. Luật pháp Đức Chúa Trời ghi: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; ta là thánh, nên các ngươi phải nên thánh”. Ai là Nguồn của sự thánh thiện? Những người Y-sơ-ra-ên bất toàn có thể nên thánh như thế nào? Và ngày nay chúng ta có thể rút tỉa được những bài học nào qua việc Đức Giê-hô-va kêu gọi chúng ta phải nên thánh? (Lê-vi Ký 11:44).
Dân Y-sơ-ra-ên có quan hệ gì với Nguồn của sự thánh thiện
4. Sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va đã được tiêu biểu như thế nào ở Y-sơ-ra-ên?
4 Mọi điều liên quan đến sự thờ phượng mà dân Y-sơ-ra-ên dâng cho Đức Giê-hô-va đều phải được coi là thánh. Tại sao? Vì chính Đức Giê-hô-va là khởi nguyên và nguồn của sự thánh thiện. Lời tường thuật của Môi-se về việc sửa soạn lều tạm thánh, áo lễ và việc trang trí kết thúc bằng những lời này: “Họ cũng dùng vàng lá ròng chế cái thẻ thánh, khắc trên đó như người ta khắc con dấu, rằng: Thánh cho Đức Giê-hô-va!” Cái thẻ bằng vàng ròng lấp lánh được gắn trên cái mão của thầy tế lễ thượng phẩm, và điều này có nghĩa là ông được biệt riêng ra để làm một việc thánh đặc biệt. Khi người Y-sơ-ra-ên nhìn thấy cái thẻ lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời, thì điều này thường xuyên nhắc nhở họ về sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:36; 29:6; 39:30).
5. Bằng cách nào những người Y-sơ-ra-ên bất toàn có thể được xem là thánh?
5 Nhưng bằng cách nào những người Y-sơ-ra-ên có thể trở nên thánh? Bằng một cách duy nhất là liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va và thờ phượng ngài một cách thanh sạch. Họ cần phải có sự hiểu biết chính xác về “Đấng Thánh” để có thể thờ phượng ngài trong sự thánh khiết, sạch sẽ về mặt thể chất và thiêng liêng (Châm-ngôn 2:1-6; 9:10). Do đó những người Y-sơ-ra-ên phải thờ phượng Đức Chúa Trời với động lực trong sạch và tấm lòng trong sạch. Bất cứ hình thức giả dối nào cũng đều gớm ghiếc đối với Đức Giê-hô-va (Châm-ngôn 21:27).
Tại sao Đức Giê-hô-va lên án Y-sơ-ra-ên
6. Những người Do Thái thời Ma-la-chi coi thường bàn của Đức Giê-hô-va như thế nào?
6 Sự gớm ghiếc này được minh họa rõ ràng khi những người Y-sơ-ra-ên miễn cưỡng dâng cho ngài các con vật kém phẩm chất, có tật trong đền thờ. Qua nhà tiên tri Ma-la-chi, Đức Giê-hô-va lên án việc dâng của-lễ thấp kém này: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Ta chẳng lấy làm vui lòng nơi các ngươi, và ta chẳng nhận nơi tay các ngươi một của-dâng nào hết.... Song các ngươi đã làm uế-tục danh ta mà rằng: Bàn của Đức Giê-hô-va là ô-uế, đồ ăn đến từ trên đó là đáng khinh-dể. Các ngươi lại nói rằng: Ôi! việc khó-nhọc là dường nào! rồi các ngươi khinh dể nó, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy! Các ngươi đem đến vật bị cướp, vật què và đau, đó là của các ngươi đem dâng cho ta. Ta há có thể nhận vật nầy nơi tay các ngươi sao? Đức Giê-hô-va phán vậy” (Ma-la-chi 1:10, 12, 13).
7. Những người Do Thái đã có những hành động không thánh thiện nào vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên?
7 Đức Chúa Trời đã dùng Ma-la-chi để lên án những thực hành giả dối của người Do Thái, có lẽ vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Các thầy tế lễ nêu gương xấu, và hạnh kiểm của họ không thánh thiện chút nào. Dân chúng làm theo họ, áp dụng một cách lơ là những nguyên tắc của người tin kính, thậm chí họ còn ly dị vợ hầu có thể cưới những người vợ ngoại đạo trẻ hơn. Ma-la-chi viết: “Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh-dối,b dầu rằng nó là bạn ngươi, và là vợ giao-ước của ngươi.... Vậy các ngươi khá cẩn-thận trong tâm-thần mình; chớ đãi cách phỉnh-dối với vợ mình lấy lúc tuổi-trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ” (Ma-la-chi 2:14-16).
8. Quan điểm hiện đại về ly dị đã ảnh hưởng đến một số người ở trong hội thánh đấng Christ như thế nào?
8 Thời nay, tại nhiều nước nơi mà người ta dễ xin được ly dị, tỉ lệ ly dị tăng lên vùn vụt. Ngay cả hội thánh đấng Christ cũng bị ảnh hưởng. Thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão để vượt qua trở ngại và cố gắng thành công trong hôn nhân, một số người đã vội vàng bỏ người hôn phối của mình. Thường thì con cái của họ phải trả một giá cao về mặt tình cảm (Ma-thi-ơ 19:8, 9).
9, 10. Chúng ta nên suy nghĩ thế nào về sự thờ phượng dành cho Đức Giê-hô-va?
9 Như chúng ta đã thấy ở trên, vì cớ tình trạng xấu xa về mặt thiêng liêng trong thời Ma-la-chi, Đức Giê-hô-va thẳng thắn lên án sự thờ phượng hời hợt của người Giu-đa và cho thấy ngài chỉ chấp nhận sự thờ phượng thật mà thôi. Điều này chẳng lẽ không làm cho chúng ta suy gẫm về phẩm chất của sự thờ phượng mà chúng ta dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Chúa Tối thượng của vũ trụ, Nguồn của sự thánh thiện hay sao? Chúng ta có thật sự dâng cho Đức Chúa Trời sự thờ phượng thánh khiết không? Chúng ta có giữ cho mình thanh sạch về mặt thiêng liêng không?
10 Điều này không có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn, một điều không thể có được, cũng không có nghĩa là chúng ta nên so sánh mình với người khác. Nhưng điều này có nghĩa là mỗi tín đồ đấng Christ nên thờ phượng Đức Chúa Trời hết sức mình tùy theo hoàn cảnh riêng. Điều này nói đến phẩm chất của sự thờ phượng. Thánh chức của chúng ta phải là cái gì tốt nhất của chúng ta—một công việc thánh. Điều này được thực hiện như thế nào? (Lu-ca 16:10; Ga-la-ti 6:3, 4).
Tấm lòng trong sạch dẫn đến sự thờ phượng trong sạch
11, 12. Hành vi không thánh thiện xuất phát từ đâu?
11 Giê-su dạy rõ ràng rằng những gì ở trong lòng một người sẽ được thể hiện qua cách nói năng và hành động của người đó. Giê-su nói với người Pha-ri-si tự xưng là công bình nhưng không thánh thiện: “Hỡi dòng-dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”. Sau đó ngài cho thấy rằng các hành động ác bắt nguồn từ những ý tưởng gian ác ở trong lòng hoặc nội tâm của một người. Ngài nói: “Những đều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những đều đó làm dơ-dáy người. Vì từ nơi lòng mà ra những ác-tưởng, những tội giết người, tà-dâm, dâm-dục, trộm-cướp, làm chứng dối, và lộng-ngôn. Ấy đó là những đều làm dơ-dáy người” (Ma-thi-ơ 12:34; 15:18-20)
12 Điều này giúp chúng ta hiểu rằng những hành vi không thánh thiện không phải là tự nhiên hoặc không có lý do. Đó là hậu quả của những ý tưởng nhơ bẩn ngấm ngầm trong lòng—những sự ham muốn thầm kín và có lẽ các ảo tưởng. Đó là lý do tại sao Giê-su nói: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đờn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. Nói cách khác, sự tà dâm và ngoại tình đã bén rễ trong lòng trước khi thể hiện qua hành động. Rồi, khi có hoàn cảnh thuận lợi, các ý tưởng không thánh thiện trở thành hành vi không thánh thiện. Sự tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cắp, lộng ngôn và bội đạo trở thành một số những hậu quả hiển nhiên (Ma-thi-ơ 5:27, 28; Ga-la-ti 5:19-21).
13. Một số trường hợp nào cho thấy các ý tưởng không thánh thiện có thể dẫn đến hành vi không thánh thiện?
13 Ta có thể minh họa điều này bằng nhiều cách khác nhau. Tại vài nước, các sòng bạc mọc lên như nấm, bởi vậy người ta càng có nhiều cơ hội để cờ bạc. Một người có thể cảm thấy muốn dùng giải pháp giả tạo này để cố giải quyết vấn đề tài chánh của mình. Lập luận chỉ có lý ở bề ngoài có thể xui khiến một anh từ bỏ hoặc làm giảm đi giá trị của các nguyên tắc Kinh-thánh.c Trong một trường hợp khác, việc dễ dàng có được tài liệu khiêu dâm, dù qua truyền hình, video, máy vi tính hoặc sách báo có thể xui khiến một tín đồ đấng Christ phạm phải hành vi không thánh thiện. Người đó chỉ cần sơ suất quên bộ áo giáp thiêng liêng là đã có thể rơi vào sự vô luân mà không hay biết. Nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, việc sa ngã bắt đầu từ trong tâm trí. Vâng, trong những trường hợp như thế, những lời này của Gia-cơ được ứng nghiệm: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác” (Gia-cơ 1:14, 15; Ê-phê-sô 6:11-18).
14. Nhiều người được phục hồi như thế nào sau khi đã phạm phải những hành vi không thánh thiện?
14 Mừng thay, có nhiều tín đồ đấng Christ phạm tội vì yếu đuối nhưng sau đó tỏ ra ăn năn thật sự và các trưởng lão có thể phục hồi những người ấy về mặt thiêng liêng. Ngay cả nhiều người bị khai trừ vì không ăn năn cuối cùng cũng tỉnh ngộ và được tái hợp với hội thánh. Họ ý thức rằng Sa-tan có thể bắt được họ một cách dễ dàng khi họ để cho các ý tưởng không thánh thiện bén rễ trong lòng (Ga-la-ti 6:1; II Ti-mô-thê 2:24-26; I Phi-e-rơ 5:8, 9).
Thử thách—Đối phó với nhược điểm của chúng ta
15. a) Tại sao chúng ta phải đối phó với những nhược điểm của mình? b) Điều gì có thể giúp chúng ta thừa nhận nhược điểm của mình?
15 Chúng ta phải cố gắng biết rõ lòng mình một cách khách quan. Chúng ta có sẵn sàng đối phó với nhược điểm, thừa nhận mình có khuyết điểm đó, và tìm cách khắc phục nó không? Chúng ta có sẵn sàng nhờ một người bạn thành thật cho chúng ta biết làm thế nào chúng ta có thể cải tiến và rồi nghe theo lời khuyên đó không? Muốn tiếp tục thánh thiện, chúng ta phải khắc phục những khiếm khuyết của mình. Tại sao? Vì Sa-tan biết những nhược điểm của chúng ta. Hắn sẽ dùng những mưu kế khôn khéo để xúi giục chúng ta phạm tội và có hành vi không thánh thiện. Bằng các mưu kế xảo quyệt hắn cố làm chúng ta xa lìa sự yêu thương của Đức Chúa Trời để rồi chúng ta không còn thánh sạch và hữu dụng trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va nữa (Giê-rê-mi 17:9; Ê-phê-sô 6:11; Gia-cơ 1:19).
16. Phao-lô gặp phải sự mâu thuẫn nào?
16 Chính cá nhân sứ đồ Phao-lô đã gặp phải thử thách, như ông xác nhận trong lá thư gửi cho tín đồ thành Rô-ma: “Tôi biết đều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác-thịt tôi, bởi tôi có ý-muốn làm đều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm đều lành mình muốn, nhưng làm đều dữ mình không muốn.... Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật-pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm-biết trong chi-thể mình có một luật khác giao-chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phù-tù cho luật của tội-lỗi, tức là luật ở trong chi-thể tôi vậy” (Rô-ma 7:18-23).
17. Làm thế nào Phao-lô chiến thắng trong cuộc phấn đấu chống lại những nhược điểm?
17 Vậy điểm chính yếu trong trường hợp của Phao-lô là ông thừa nhận những nhược điểm của mình. Dù sao đi nữa, ông đã có thể nói: “Theo người [thiêng liêng] bề trong, tôi vẫn lấy luật-pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng”. Phao-lô mến chuộng những điều lành và ghét những điều ác. Nhưng ông vẫn còn có một cuộc chiến đấu trước mắt, giống như tất cả chúng ta—chống lại Sa-tan, thế gian và xác thịt. Vậy bằng cách nào chúng ta có thể thắng trận để giữ mình thánh thiện, tách rời khỏi thế gian này cùng lối suy nghĩ của thế gian? (II Cô-rinh-tô 4:4; Ê-phê-sô 6:12).
Chúng ta có thể giữ mình thánh thiện như thế nào?
18. Làm sao chúng ta có thể giữ mình thánh thiện?
18 Chúng ta không thể trở nên thánh thiện được nếu dễ dãi với chính mình hoặc buông thả. Hạng người như thế sẽ luôn luôn viện cớ để bào chữa cho những hành vi của mình và tìm cách đổ lỗi cho điều gì khác. Có lẽ chúng ta cần phải tập chịu trách nhiệm về những hành động của mình và đừng giống một số người viện cớ là quá trình đào tạo hay đặc tính di truyền đã an bài số phận của họ. Căn nguyên của vấn đề nằm trong lòng của một người. Người đó có yêu chuộng sự công bình không? có khao khát sự thánh thiện không? có muốn được Đức Chúa Trời ban phước không? Người viết Thi-thiên cho thấy rõ sự kiện cần phải thánh thiện khi ông nói: “Hãy tránh sự ác, và làm đều lành, hãy tìm-kiếm sự hòa-bình, và đeo-đuổi sự ấy”. Sứ đồ Phao-lô viết: “Lòng yêu-thương phải cho thành-thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành” (Thi-thiên 34:14; 97:10; Rô-ma 12:9).
19, 20. a) Làm sao chúng ta có thể củng cố tâm trí của mình? b) Chúng ta phải làm gì để có một cuộc học hỏi hữu hiệu?
19 Chúng ta có thể “mến sự lành” nếu chúng ta xem xét vấn đề theo quan điểm Đức Giê-hô-va và nếu chúng ta có tâm tình của đấng Christ (I Cô-rinh-tô 2:16). Chúng ta có thể làm được điều này như thế nào? Bằng cách đều đặn học hỏi và suy gẫm về Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta nhận được lời khuyên này thường thay! Nhưng chúng ta có xem trọng lời khuyên này không? Chẳng hạn, bạn có thật sự học tạp chí này, tra cứu các câu Kinh-thánh, trước khi bạn đến họp không? Nói đến học hỏi chúng ta không muốn nói là chỉ gạch dưới ít câu trong mỗi đoạn. Ta có thể đọc lướt qua và gạch dưới một bài học trong vòng 15 phút. Đó có phải là chúng ta đã học bài không? Thật ra thì có thể mất đến một hoặc hai giờ mới học và hấp thụ được lợi ích thiêng liêng trong mỗi bài học.
20 Có lẽ chúng ta cần phải tập xem truyền hình ít đi một vài giờ mỗi tuần và thật sự chú tâm vào sự thánh thiện của cá nhân chúng ta. Việc học hỏi đều đặn củng cố chúng ta về mặt thiêng liêng, rèn luyện tâm trí để có những quyết định đúng đắn—những quyết định dẫn đến việc “nên thánh... trong mọi sự ăn-ở” (II Phi-e-rơ 3:11; Ê-phê-sô 4:23; 5:15, 16).
21. Chúng ta còn cần phải trả lời câu hỏi nào?
21 Bây giờ một câu hỏi được đặt ra là: Với tư cách tín đồ đấng Christ chúng ta có thể là thánh, cũng như Đức Giê-hô-va là thánh, trong những lãnh vực hoạt động nào khác nữa? Bài tới sẽ trình bày một số điều đáng suy nghĩ.
[Chú thích]
a Tài liệu tham khảo gồm hai quyển này là do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., xuất bản.
b Để biết đầy đủ hơn về ý nghĩa chữ “phỉnh-dối”, xem tạp chí Awake! ngày 8-2-1994, trang 21, “Đức Chúa Trời ghét việc ly dị nào?”
c Để có thêm tài liệu về lý do tại sao chơi cờ bạc là hạnh kiểm không thánh thiện, xem Awake! ngày 8-8-1994, trang 14, 15, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., xuất bản.
Bạn có nhớ không?
◻ Nguồn của sự thánh thiện đã được nhận biết như thế nào ở Y-sơ-ra-ên?
◻ Vào thời Ma-la-chi sự thờ phượng của người Y-sơ-ra-ên không thánh thiện qua những cách nào?
◻ Hạnh kiểm không thánh thiện bắt đầu từ đâu?
◻ Muốn được thánh thiện, chúng ta phải nhìn nhận điều gì?
◻ Chúng ta có thể giữ mình thánh thiện như thế nào?