BÀI HỌC 48
“Các ngươi phải thánh”
“Hãy nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình”.—1 PHI 1:15.
BÀI HÁT 34 Bước theo sự trọn thành
GIỚI THIỆUa
1. Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra lời khuyên nào cho anh em đồng đạo, và tại sao lời khuyên ấy dường như bất khả thi?
Dù có hy vọng sống trên trời hay dưới đất, chúng ta đều nhận được lợi ích từ việc xem xét lời khuyên mà sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra cho các tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất. Phi-e-rơ viết: “Hãy nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình giống như Đấng Thánh đã gọi anh em, bởi có lời viết rằng: ‘Các ngươi phải thánh, vì ta là thánh’” (1 Phi 1:15, 16). Những lời này cho thấy chúng ta có thể bắt chước Đức Giê-hô-va, là đấng nêu gương tuyệt hảo nhất về sự thánh khiết. Chúng ta có thể và phải nên thánh trong cách ăn ở của mình. Điều này dường như bất khả thi vì chúng ta là người bất toàn. Chính Phi-e-rơ cũng phạm nhiều lỗi lầm; dù vậy gương của ông cho thấy chúng ta có thể “nên thánh”.
2. Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi sau: Thánh khiết có nghĩa gì? Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì về sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va? Làm thế nào để nên thánh trong cách ăn ở của mình? Có mối liên kết nào giữa sự thánh khiết và mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va?
THÁNH KHIẾT CÓ NGHĨA GÌ?
3. Nhiều người có quan điểm nào về sự thánh khiết, nhưng chúng ta có thể tìm thông tin chính xác ở đâu?
3 Khi nghĩ đến một người thánh khiết, nhiều người hình dung đến một người mặc trang phục tôn giáo, luôn u buồn và vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm nghị. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Đức Giê-hô-va, là đấng thánh, được miêu tả là “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti 1:11). Những người thờ phượng ngài cũng được gọi là người “hạnh phúc” (Thi 144:15). Ngoài ra, Chúa Giê-su lên án những người mặc trang phục đặc biệt và làm những việc công chính trước mặt người khác (Mat 6:1; Mác 12:38). Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta biết thánh khiết là gì qua những điều mình học trong Kinh Thánh. Chúng ta tin chắc là Đức Chúa Trời thánh khiết và yêu thương sẽ không bao giờ đưa ra một mệnh lệnh mà chúng ta không thể vâng theo. Vì thế, khi Đức Giê-hô-va bảo: “Các ngươi phải thánh”, chúng ta tin chắc mình có thể làm được. Dĩ nhiên, để nên thánh trong cách ăn ở của mình, trước hết chúng ta cần hiểu thánh khiết có nghĩa gì.
4. Từ “thánh” và “thánh khiết” có nghĩa gì?
4 Thánh khiết có nghĩa gì? Trong Kinh Thánh, từ “thánh” và “thánh khiết” về cơ bản nói đến sự thánh sạch về đạo đức và tôn giáo. Những từ này cũng có thể nói đến việc được biệt riêng ra để phụng sự Đức Chúa Trời. Nói cách khác, chúng ta sẽ được xem là thánh khiết nếu trong sạch về đạo đức, thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách được ngài chấp nhận và có mối quan hệ mật thiết với ngài. Thật kinh ngạc khi biết chúng ta có thể có mối quan hệ với Đức Chúa Trời thánh khiết, đặc biệt khi nghĩ đến điều Kinh Thánh dạy về sự thánh khiết của ngài.
“THÁNH THAY, THÁNH THAY, THÁNH THAY LÀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”
5. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va từ các thiên sứ trung thành?
5 Đức Giê-hô-va là thánh khiết và trong sạch trong mọi khía cạnh. Chúng ta biết điều này qua lời mà các sê-ráp, tức các thiên sứ đứng gần ngôi Đức Giê-hô-va, miêu tả về ngài. Một số sê-ráp hô lớn: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân” (Ê-sai 6:3). Dĩ nhiên, để có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời thánh khiết, chính các thiên sứ cũng phải thánh khiết, và họ thật sự như vậy. Thực tế, chỉ riêng sự hiện diện của thiên sứ ở nơi nào đó trên đất cũng có thể khiến nơi ấy nên thánh. Đó là điều đã xảy ra tại nơi bụi gai cháy mà Môi-se thấy.—Xuất 3:2-5; Giô-suê 5:15.
6, 7. (a) Theo Xuất Ai Cập 15:1, 11, Môi-se đã nhấn mạnh sự thánh khiết của Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Điều gì nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng Đức Chúa Trời là thánh khiết? (Xem hình nơi trang bìa).
6 Sau khi Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên băng qua Biển Đỏ, ông nhấn mạnh với họ rằng Đức Chúa Trời của họ là thánh khiết. (Đọc Xuất Ai Cập 15:1, 11). Hạnh kiểm của những người thờ các thần của Ai Cập khác xa với sự thánh khiết. Những người thờ các thần của Ca-na-an cũng vậy. Sự thờ phượng của họ bao gồm việc dâng trẻ em tế thần và các thực hành tình dục đồi bại (Lê 18:3, 4, 21-24; Phục 18:9, 10). Ngược lại, Đức Giê-hô-va không bao giờ đòi hỏi những người thờ phượng ngài làm bất cứ điều gì hạ thấp phẩm giá của họ. Ngài là đấng thánh khiết tuyệt đối. Điều này được thấy rõ qua những lời khắc trên tấm bằng vàng ở phía trước khăn vấn của thầy tế lễ thượng phẩm. Trên đó ghi: “Sự thánh khiết thuộc về Đức Giê-hô-va”.—Xuất 28:36-38.
7 Thông điệp trên tấm ấy nhắc bất cứ ai thấy dòng chữ đó nhớ rằng Đức Giê-hô-va là đấng thật sự thánh khiết. Nhưng nói sao về những người Y-sơ-ra-ên không thấy dòng chữ ấy vì không thể đến gần thầy tế lễ thượng phẩm? Liệu họ có biết thông điệp đó không? Có. Mỗi người Y-sơ-ra-ên đều được nghe thông điệp ấy vì Luật pháp được đọc trước mặt người nam, người nữ và trẻ em (Phục 31:9-12). Nếu có mặt ở đó, anh chị sẽ nghe những lời sau: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi phải... thánh, vì ta là thánh”. “Các ngươi phải thánh trước mặt ta, vì ta, Đức Giê-hô-va, là thánh”.—Lê 11:44, 45; 20:7, 26.
8. Chúng ta học được gì từ Lê-vi 19:2 và 1 Phi-e-rơ 1:14-16?
8 Hãy xem những lời ghi nơi Lê-vi 19:2 đã được đọc trước toàn thể dân Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Hãy nói với toàn thể dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘Các ngươi phải thánh, vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, là thánh’”. Có thể Phi-e-rơ đã trích những lời ấy khi ông khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô “nên thánh”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:14-16). Dĩ nhiên, chúng ta không ở dưới Luật pháp Môi-se. Dù vậy, những điều Phi-e-rơ viết khẳng định điều chúng ta học từ Lê-vi 19:2, đó là Đức Giê-hô-va là thánh và những người yêu thương ngài cần nỗ lực để nên thánh. Điều này đúng dù chúng ta có hy vọng sống trên trời hay trong địa đàng trên đất.—1 Phi 1:4; 2 Phi 3:13.
“HÃY NÊN THÁNH TRONG MỌI CÁCH ĂN Ở CỦA MÌNH”
9. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét Lê-vi chương 19?
9 Vì muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời thánh khiết, chúng ta rất muốn biết làm thế nào để nên thánh. Đức Giê-hô-va cung cấp lời khuyên để giúp chúng ta làm thế. Một số lời khuyên được tìm thấy nơi Lê-vi chương 19. Học giả tiếng Hê-bơ-rơ Marcus Kalisch viết: “Chương đáng chú ý này có lẽ là phần bao quát nhất, đa dạng nhất của sách Lê-vi, và trong một số khía cạnh, chương này là phần quan trọng nhất của sách ấy, rất có thể là của cả Ngũ Thư”. Hãy xem vài câu trong chương này chứa đựng những bài học quý giá về các khía cạnh trong đời sống. Khi làm thế, hãy nhớ rằng những bài học ấy liên quan đến lời mở đầu của chương: “Các ngươi phải thánh”.
10, 11. Lê-vi 19:3 cho biết chúng ta cần làm gì, và tại sao điều đó quan trọng?
10 Sau khi nói rằng dân Y-sơ-ra-ên phải thánh, Đức Giê-hô-va nói thêm: “Mỗi người trong các ngươi phải kính trọng cha mẹ... Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi”.—Lê 19:2, 3.
11 Rõ ràng, chúng ta phải làm theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời là hiếu kính cha mẹ. Dịp nọ, một người hỏi Chúa Giê-su: “Tôi phải làm điều tốt lành nào để có được sự sống vĩnh cửu?”. Một phần trong câu trả lời của Chúa Giê-su là người ấy phải hiếu kính cha mẹ (Mat 19:16-19). Chúa Giê-su thậm chí lên án người Pha-ri-si và thầy kinh luật vì họ đã tìm mọi cách để tránh hiếu kính cha mẹ. Khi làm thế, họ “làm cho lời Đức Chúa Trời trở nên vô hiệu” (Mat 15:3-6). “Lời Đức Chúa Trời” bao gồm điều răn thứ năm trong Mười Điều Răn cũng như những điều chúng ta đọc nơi Lê-vi 19:3 (Xuất 20:12). Một lần nữa, hãy nhớ rằng chỉ dẫn nơi Lê-vi 19:3 là kính trọng cha mẹ xuất hiện ngay sau câu: “Các ngươi phải thánh, vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, là thánh”.
12. Phù hợp với lời khuyên nơi Lê-vi 19:3, chúng ta có thể tự hỏi điều gì?
12 Phù hợp với lời khuyên của Đức Giê-hô-va về việc hiếu kính cha mẹ, chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có đang làm tốt trong khía cạnh này không?”. Nếu cảm thấy lẽ ra mình phải làm nhiều hơn thì giờ đây anh chị có thể cải thiện. Dù không thể thay đổi quá khứ, nhưng anh chị có thể quyết tâm là từ nay về sau sẽ làm nhiều hơn cho cha mẹ. Có thể anh chị sắp xếp để dành nhiều thời gian hơn với họ, hay hỗ trợ họ nhiều hơn về vật chất, thiêng liêng hoặc tình cảm. Khi làm thế, anh chị đang làm theo lời khuyên nơi Lê-vi 19:3.
13. (a) Chúng ta tìm thấy lời khuyên nào khác nơi Lê-vi 19:3? (b) Làm thế nào để noi gương Chúa Giê-su, như được ghi nơi Lu-ca 4:16-18?
13 Lê-vi 19:3 dạy chúng ta một điều khác về việc nên thánh. Câu này nhắc đến việc giữ ngày Sa-bát. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không ở dưới Luật pháp, nên chúng ta không cần giữ ngày Sa-bát hằng tuần. Dù vậy, chúng ta có thể học được nhiều điều từ việc dân Y-sơ-ra-ên giữ ngày Sa-bát và lợi ích họ nhận được khi làm thế. Ngày Sa-bát là thời gian để nghỉ làm việc và tập trung vào điều thiêng liêng.b Vì thế, vào ngày ấy Chúa Giê-su đến nhà hội ở quê nhà và đọc Lời Đức Chúa Trời. (Xuất 31:12-15; đọc Lu-ca 4:16-18). Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời được ghi nơi Lê-vi 19:3 là “phải giữ những ngày Sa-bát của [ngài]” nên thúc đẩy chúng ta dành thời gian mỗi ngày để chú tâm vào điều thiêng liêng. Anh chị có thấy mình cần cải thiện trong khía cạnh này không? Nếu thường xuyên dành thời gian để tập trung vào điều thiêng liêng, anh chị sẽ vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, là điều thiết yếu để nên thánh.
HÃY CỦNG CỐ MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
14. Một sự thật quan trọng nào được nhấn mạnh trong suốt Lê-vi chương 19?
14 Lê-vi chương 19 nhiều lần lặp lại một sự thật quan trọng có thể giúp chúng ta tiếp tục nên thánh. Câu 4 kết thúc bằng những lời sau: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi”. Câu này hoặc cách diễn đạt tương tự được lặp lại 16 lần trong chương ấy. Điều đó nhắc chúng ta nhớ đến điều răn đầu tiên: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi... Ngoài ta ra, ngươi không được có thần nào khác” (Xuất 20:2, 3). Mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô muốn nên thánh cần đảm bảo rằng không điều gì hoặc không ai có thể xen vào mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta quyết tâm tránh làm bất cứ điều gì gây sỉ nhục hoặc xúc phạm danh thánh của ngài.—Lê 19:12; Ê-sai 57:15.
15. Những câu nơi Lê-vi chương 19 nói về việc dâng vật tế lễ nên thôi thúc chúng ta làm gì?
15 Đối với dân Y-sơ-ra-ên, việc nhận biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ bao hàm vâng giữ nhiều điều luật. Lê-vi 18:4 nói: “Các ngươi phải thi hành những phán quyết của ta, giữ luật lệ ta và làm theo. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi”. Chương 19 nói đến một số “luật lệ” dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Chẳng hạn, câu 5-8, 21 và 22 nói về việc dâng các con sinh tế. Người Y-sơ-ra-ên phải dâng sao cho không “xúc phạm một vật thánh của Đức Giê-hô-va”. Những câu này nên thôi thúc chúng ta muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va và dâng cho ngài vật tế lễ là lời ngợi khen, như Hê-bơ-rơ 13:15 khuyến giục.
16. Nguyên tắc nào nơi Lê-vi chương 19 nhắc chúng ta nhớ về sự khác biệt giữa người phụng sự Đức Chúa Trời và người không phụng sự ngài?
16 Để nên thánh, chúng ta cần sẵn sàng khác biệt với người không phụng sự Đức Chúa Trời. Điều này có thể là thử thách. Đôi khi bạn học, đồng nghiệp, người thân không tin đạo và người khác có thể gây áp lực để chúng ta tham gia các hoạt động ảnh hưởng đến sự thờ phượng của mình. Khi điều đó xảy ra, chúng ta đứng trước quyết định quan trọng. Điều gì giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng? Hãy xem nguyên tắc đáng chú ý nơi Lê-vi 19:19: “Các ngươi... không được mặc áo dệt từ hai loại sợi khác nhau”. Điều luật ấy giúp phân biệt dân Y-sơ-ra-ên với các dân xung quanh. Ngày nay, vì không ở dưới Luật pháp nên không có gì sai khi một tín đồ chọn mặc quần áo được làm từ những loại sợi khác nhau, chẳng hạn cô-tông kết hợp với polyester hoặc lanh kết hợp với lụa. Nhưng chúng ta không muốn giống những người có niềm tin và thực hành trái với Kinh Thánh, cho dù đó là bạn học, đồng nghiệp hay người thân. Dĩ nhiên, chúng ta yêu mến người thân và thể hiện tình yêu thương với người đồng loại. Nhưng liên quan đến những khía cạnh quan trọng trong đời sống, chúng ta sẵn sàng khác biệt với người xung quanh. Điều này là rất quan trọng vì nếu muốn nên thánh, chúng ta phải được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời.—2 Cô 6:14-16; 1 Phi 4:3, 4.
17, 18. Chúng ta rút ra những bài học quý giá nào từ Lê-vi 19:23-25?
17 Câu “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” đã có thể giúp dân Y-sơ-ra-ên đặt mối quan hệ của họ với Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Như thế nào? Lê-vi 19:23-25 cho biết câu trả lời. (Đọc). Hãy xem những lời này có nghĩa gì với dân Y-sơ-ra-ên khi họ vào Đất Hứa. Nếu một người trồng cây ăn trái, người ấy không được ăn trái của cây đó trong ba năm. Vào năm thứ tư, những trái ấy phải được biệt riêng ra để dùng cho nơi thánh của Đức Chúa Trời. Chỉ đến năm thứ năm người ấy mới được ăn trái của cây đó. Điều luật này đã có thể giúp dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng họ không nên đặt quyền lợi bản thân lên hàng đầu. Họ cần tin cậy Đức Giê-hô-va là Đấng Cung Cấp của mình và ưu tiên cho việc ủng hộ sự thờ phượng thật. Ngài sẽ chăm lo cho họ có đủ thức ăn. Đức Chúa Trời cũng khuyến khích họ rộng rãi đóng góp cho nơi thánh, là trung tâm của sự thờ phượng thật.
18 Điều luật nơi Lê-vi 19:23-25 nhắc chúng ta nhớ đến những lời của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi. Ngài nói: “Đừng lo lắng... là sẽ ăn gì, uống gì”. Chúa Giê-su nói tiếp: “Cha trên trời của anh em biết anh em cần mọi thứ ấy”. Đức Chúa Trời sẽ cung cấp cho chúng ta, như ngài làm cho loài chim (Mat 6:25, 26, 32). Chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va là Đấng Cung Cấp của mình. Chúng ta kín đáo giúp những người thiếu thốn về vật chất và vui lòng đóng góp cho các chi phí của hội thánh. Đức Giê-hô-va để ý đến những hành động rộng rãi như thế và sẽ báo đáp chúng ta (Mat 6:2-4). Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình hiểu những bài học từ Lê-vi 19:23-25.
19. Anh chị nhận được lợi ích nào khi xem xét phần này của sách Lê-vi?
19 Chúng ta vừa xem xét chỉ vài phần của sách Lê-vi chương 19 và được biết làm thế nào để trở nên như Đức Chúa Trời thánh khiết. Khi bắt chước ngài, chúng ta cho thấy mình đang nỗ lực để “nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình” (1 Phi 1:15). Nhiều người không phụng sự Đức Giê-hô-va đã chứng kiến cách ăn ở tốt của chúng ta, và điều đó thúc đẩy một số người tôn vinh Đức Giê-hô-va (1 Phi 2:12). Nhưng có nhiều điều hơn nữa mà chúng ta có thể học từ sách Lê-vi chương 19. Bài kế tiếp sẽ thảo luận một số câu khác trong chương này và giúp chúng ta nhận ra những khía cạnh khác trong đời sống mà mình có thể “nên thánh”, như Phi-e-rơ khuyến giục.
BÀI HÁT 80 “Nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!”
a Chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va rất nhiều và muốn làm ngài hài lòng. Đức Giê-hô-va là thánh và ngài đòi hỏi những người thờ phượng ngài phải thánh. Con người bất toàn có thể thật sự nên thánh không? Có. Việc xem xét kỹ lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ dành cho anh em đồng đạo và những chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va dành cho dân Y-sơ-ra-ên xưa sẽ giúp chúng ta biết cách nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình.
b Để biết thêm về ngày Sa-bát và những bài học rút ra từ ngày ấy, xem bài “‘Có kỳ định’ để làm việc và nghỉ ngơi” trong Tháp Canh tháng 12 năm 2019.
c HÌNH ẢNH: Một người con trai trưởng thành dành thời gian với cha mẹ, dẫn vợ con đến thăm họ và thường xuyên giữ liên lạc với họ.
d HÌNH ẢNH: Một người nông dân Y-sơ-ra-ên đang nhìn trái trên cây mà ông đã trồng.