CHƯƠNG 6
Quyền năng hủy diệt—“Đức Giê-hô-va là chiến binh dũng mãnh”
1-3. (a) Dân Y-sơ-ra-ên rơi vào tình thế nguy hiểm nào? (b) Đức Giê-hô-va đã chiến đấu vì dân ngài ra sao?
Dân Y-sơ-ra-ên đang mắc kẹt ở giữa! Hai bên là vách núi hiểm trở và phía trước là Biển Đỏ. Phía sau là quân đội Ai Cập tàn ác đang truy đuổi ráo riết để tiêu diệt họ.a Dù vậy, Môi-se vẫn khuyến giục dân Đức Chúa Trời đừng mất hy vọng. Ông trấn an họ: “Chính Đức Giê-hô-va sẽ chiến đấu cho anh em”.—Xuất Ai Cập 14:14.
2 Tuy nhiên, dường như Môi-se đã kêu cầu Đức Giê-hô-va và ngài đáp lại: “Sao con lại kêu cầu ta?... Hãy giơ gậy lên, đưa tay trên biển và rẽ nước ra” (Xuất Ai Cập 14:15, 16). Hãy hình dung những gì diễn ra vào lúc đó. Đức Giê-hô-va lập tức ra lệnh cho thiên sứ, và trụ mây di chuyển về phía sau trại quân Y-sơ-ra-ên, có lẽ giăng ra như một bức tường và chặn đường tấn công của người Ai Cập (Xuất Ai Cập 14:19, 20; Thi thiên 105:39). Môi-se giơ tay ra. Một cơn gió mạnh rẽ nước biển ra làm hai. Nước dựng lên giống như hai bức tường, mở ra một lối đi đủ rộng để toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên có thể băng qua!—Xuất Ai Cập 14:21; 15:8.
3 Khi chứng kiến phép lạ phi thường này, lẽ ra Pha-ra-ôn nên ra lệnh cho binh lính rút lui. Tuy nhiên, vị vua kiêu ngạo này lại ra lệnh tấn công (Xuất Ai Cập 14:23). Người Ai Cập đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên xuống lòng biển, nhưng chẳng mấy chốc, cuộc truy đuổi của chúng trở nên hỗn loạn vì bánh xe của các chiến xa bắt đầu bung ra. Khi dân Y-sơ-ra-ên đã sang bờ bên kia một cách an toàn, Đức Giê-hô-va lệnh cho Môi-se: “Hãy giơ tay con trên biển để nước ập xuống người Ai Cập, trên các chiến xa và kỵ binh của chúng”. Hai bức tường nước đổ ập xuống, nhấn chìm Pha-ra-ôn và đạo quân của hắn!—Xuất Ai Cập 14:24-28; Thi thiên 136:15.
4. (a) Đức Giê-hô-va trở thành điều gì cho dân Y-sơ-ra-ên tại Biển Đỏ? (b) Một số người cảm thấy thế nào khi đọc lời miêu tả này về Đức Giê-hô-va?
4 Điều Đức Giê-hô-va làm để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên tại Biển Đỏ dạy chúng ta nhiều điều về ngài. Tại đó, Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài là “chiến binh dũng mãnh” (Xuất Ai Cập 15:3). Nhưng anh chị cảm thấy thế nào khi đọc lời miêu tả này về Đức Giê-hô-va? Đúng là chiến tranh gây ra biết bao nỗi đau cho nhân loại. Có lẽ anh chị cảm thấy nếu Đức Chúa Trời dùng quyền năng để hủy diệt con người thì tốt hơn là không nên đến gần ngài.
Tại Biển Đỏ, Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài là “chiến binh dũng mãnh”
Cuộc chiến của Đức Chúa Trời khác với cuộc chiến của con người
5, 6. (a) Tại sao Đức Chúa Trời được gọi là “Đức Giê-hô-va vạn quân”? (b) Cuộc chiến của Đức Chúa Trời khác với cuộc chiến của con người như thế nào?
5 Trong nguyên ngữ Kinh Thánh, tước vị “Đức Giê-hô-va vạn quân” xuất hiện hơn 250 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và hai lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (1 Sa-mu-ên 1:11). Là Đấng Cai Trị Tối Thượng, Đức Giê-hô-va chỉ huy một đạo quân thiên sứ hùng hậu (Giô-suê 5:13-15; 1 Các vua 22:19). Những thiên sứ này có quyền năng mạnh mẽ và có thể dễ dàng hủy diệt các kẻ thù của Đức Chúa Trời (Ê-sai 37:36). Nghĩ đến việc con người bị hủy diệt không phải là điều thích thú. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những cuộc chiến của Đức Chúa Trời rất khác với những cuộc chiến của con người. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có thể nói rằng họ tham chiến vì những lý do cao thượng. Nhưng các cuộc chiến của con người luôn liên quan đến lòng tham và sự ích kỷ.
6 Trái lại, Đức Giê-hô-va không để cảm xúc mù quáng chi phối. Phục truyền luật lệ 32:4 cho biết: “Ngài là Vầng Đá, công việc ngài thật hoàn hảo, đường lối ngài thảy đều công bằng. Đức Chúa Trời của sự trung tín chẳng bao giờ bất công; ngài là đấng công chính và ngay thẳng”. Lời Đức Chúa Trời lên án sự nóng giận vô độ, tàn ác và hung bạo (Sáng thế 49:7; Thi thiên 11:5). Vì thế, Đức Giê-hô-va không bao giờ làm điều gì mà không có lý do. Hiếm khi ngài dùng quyền năng để hủy diệt, và ngài chỉ dùng cách đó khi không còn giải pháp nào khác. Ngài giải thích qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên: “Chúa Tối Thượng Giê-hô-va phán: ‘Ta há có vui chút nào trước cái chết của kẻ ác? Ta há chẳng muốn kẻ ác từ bỏ đường lối nó để được sống sao?’”.—Ê-xê-chi-ên 18:23.
7, 8. (a) Gióp đưa ra kết luận sai lầm nào về đau khổ của mình? (b) Ê-li-hu chỉnh sửa lối suy nghĩ của Gióp như thế nào? (c) Chúng ta học được gì từ trường hợp của Gióp?
7 Vậy tại sao Đức Giê-hô-va dùng quyền năng hủy diệt? Trước khi trả lời câu hỏi đó, hãy nghĩ về người công chính Gióp. Sa-tan cho rằng Gióp, thực tế là bất cứ ai, sẽ từ bỏ lòng trọn thành khi bị thử thách. Đức Giê-hô-va đáp lại thách thức đó bằng cách cho phép Sa-tan thử lòng trọn thành của Gióp. Hậu quả là Gióp bị mắc bệnh, mất hết tài sản và con cái (Gióp 1:1–2:8). Vì không biết tại sao những điều này xảy ra nên ông nghĩ rằng mình chịu khổ là do bị Đức Chúa Trời trừng phạt bất công. Ông đã hỏi ngài tại sao ngài lại nhắm vào ông và xem ông như “kẻ thù”.—Gióp 7:20; 13:24.
8 Một người trẻ tên Ê-li-hu đã giúp Gióp hiểu rằng lối suy nghĩ của ông là sai khi nói: “Chẳng phải ông tin chắc mình đúng đến nỗi nói: ‘Tôi công chính hơn Đức Chúa Trời’ hay sao?” (Gióp 35:2). Thật vậy, quả là thiếu khôn ngoan khi nghĩ rằng mình biết nhiều hơn Đức Chúa Trời hoặc cho rằng ngài hành động bất công. Ê-li-hu nói: “Đức Chúa Trời không bao giờ làm điều ác, Đấng Toàn Năng chẳng hề làm điều sai!”. Sau đó ông nói: “Hiểu biết về Đấng Toàn Năng nằm ngoài tầm với của chúng ta; ngài có quyền năng vĩ đại, chẳng bao giờ vi phạm công lý và sự công chính dư dật của ngài” (Gióp 34:10; 36:22, 23; 37:23). Chúng ta có thể tin chắc rằng khi tranh chiến, Đức Chúa Trời có lý do chính đáng để làm thế. Hãy ghi nhớ điều này khi xem xét một số lý do tại sao Đức Chúa Trời của hòa bình đôi lúc phải đảm nhận vai trò chiến sĩ.—1 Cô-rinh-tô 14:33.
Tại sao Đức Chúa Trời của hòa bình phải chiến đấu?
9. Tại sao Đức Chúa Trời của sự thánh khiết phải chiến đấu?
9 Sau khi ca ngợi Đức Chúa Trời là “chiến binh dũng mãnh”, Môi-se tuyên bố: “Ôi Đức Giê-hô-va! Trong số các thần, ai sánh bằng ngài? Nào ai thánh khiết vượt bậc như ngài?” (Xuất Ai Cập 15:11). Nhà tiên tri Ha-ba-cúc cũng viết tương tự: “Mắt ngài quá thánh khiết, đâu thể nhìn điều dữ; ngài không thể làm ngơ trước sự ác” (Ha-ba-cúc 1:13). Dù là Đức Chúa Trời của tình yêu thương nhưng ngài cũng là Đức Chúa Trời của sự thánh khiết, công chính và công lý. Đôi khi, những phẩm chất này thôi thúc ngài dùng quyền năng hủy diệt (Ê-sai 59:15-19; Lu-ca 18:7). Việc Đức Chúa Trời chiến đấu không làm hoen ố sự thánh khiết của ngài. Thay vì thế, ngài chiến đấu vì ngài là thánh.—Xuất Ai Cập 39:30.
10. Mối thù được nói nơi Sáng thế 3:15 chỉ có thể được giải quyết bằng cách nào, và nhân loại công chính sẽ nhận được lợi ích nào?
10 Hãy nghĩ đến tình huống phát sinh sau khi cặp vợ chồng đầu tiên là A-đam và Ê-va phản nghịch Đức Chúa Trời (Sáng thế 3:1-6). Nếu dung túng hành động bất tuân của họ, Đức Giê-hô-va sẽ làm suy yếu chính cương vị Đấng Cai Trị Hoàn Vũ của ngài. Là Đức Chúa Trời công chính, ngài phải kết án họ tội chết (Rô-ma 6:23). Trong lời tiên tri đầu tiên của Kinh Thánh, ngài báo trước rằng sẽ có mối thù giữa các tôi tớ ngài với những kẻ theo “con rắn”, tức Sa-tan (Khải huyền 12:9; Sáng thế 3:15). Mối thù này cuối cùng chỉ có thể được giải quyết bằng việc giày đạp Sa-tan (Rô-ma 16:20). Nhưng đối với những người vâng lời Đức Chúa Trời thì việc Sa-tan bị hủy diệt sẽ là một ân phước lớn. Hắn sẽ không còn làm lầm lạc nhân loại nữa và cả trái đất sẽ trở thành địa đàng (Ma-thi-ơ 19:28). Từ nay cho đến lúc đó, những kẻ theo Sa-tan vẫn là mối đe dọa đối với dân Đức Chúa Trời về thể chất lẫn thiêng liêng. Vì thế, thỉnh thoảng Đức Giê-hô-va sẽ phải can thiệp.
Đức Chúa Trời hành động để loại bỏ sự gian ác
11. Tại sao Đức Chúa Trời cần giáng trận lụt toàn cầu?
11 Trận Nước Lụt thời Nô-ê là một ví dụ về sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Sáng thế 6:11, 12 cho biết: “Trái đất đã trở nên bại hoại trước mắt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung bạo. Quả vậy, Đức Chúa Trời nhìn xuống trái đất, và kìa, nó đã bại hoại; cả loài xác thịt đã làm bại hoại đường lối mình trên đất”. Liệu Đức Chúa Trời sẽ để cho người ác tiêu diệt vài người tốt còn sót lại trên đất không? Không. Đức Giê-hô-va thấy cần phải giáng trận lụt toàn cầu để loại bỏ những kẻ hung bạo và vô luân khỏi trái đất.
12. (a) Đức Giê-hô-va báo trước điều gì về “dòng dõi” của Áp-ra-ham? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va quyết định hủy diệt dân A-mô-rít?
12 Điều tương tự đã xảy ra khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét trên xứ Ca-na-an. Đức Giê-hô-va cho biết nhờ dòng dõi của Áp-ra-ham mà mọi gia đình trên đất sẽ được phước. Phù hợp với ý định đó, Đức Chúa Trời phán rằng ngài sẽ ban cho con cháu của Áp-ra-ham xứ Ca-na-an, là xứ mà dân A-mô-rít đang cư trú. Liệu có công bằng không nếu Đức Chúa Trời hủy diệt những người này? Đức Giê-hô-va báo trước rằng ngài sẽ đợi khoảng 400 năm, cho đến khi “tội lỗi của dân A-mô-rít” đã “đến mức đầy tràn”b (Sáng thế 12:1-3; 13:14, 15; 15:13, 16; 22:18). Trong thời gian đó, dân A-mô-rít ngày càng bại hoại về đạo đức. Họ thờ thần tượng, giết người và có những hành vi vô luân đồi bại (Xuất Ai Cập 23:24; 34:12, 13; Dân số 33:52). Thậm chí họ còn thiêu sống con của mình để tế thần. Liệu một Đức Chúa Trời thánh khiết có để dân ngài sống giữa những người gian ác như thế không? Chắc chắn không! Ngài phán: “Xứ… bị ô uế và ta sẽ mang sự trừng phạt đến trên xứ vì lỗi lầm của nó, và xứ sẽ mửa dân nó ra” (Lê-vi 18:21-25). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không hủy diệt tất cả dân trong xứ đó. Một số người Ca-na-an có lòng tốt, chẳng hạn như Ra-háp và người Ga-ba-ôn, được bảo toàn mạng sống.—Giô-suê 6:25; 9:3-27.
Chiến đấu vì danh ngài
13, 14. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va phải làm thánh danh ngài? (b) Đức Giê-hô-va tẩy sạch danh ngài khỏi sự sỉ nhục bằng cách nào?
13 Vì Đức Giê-hô-va là thánh nên danh ngài cũng là thánh (Lê-vi 22:32). Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện: “Xin cho danh Cha được nên thánh” (Ma-thi-ơ 6:9). Cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen đã xúc phạm đến danh Đức Chúa Trời, khiến cho danh tiếng và đường lối cai trị của ngài bị nêu nghi vấn. Đức Giê-hô-va không thể dung túng sự vu khống và phản nghịch ấy. Ngài phải tẩy sạch danh ngài khỏi sự sỉ nhục.—Ê-sai 48:11.
14 Hãy xem xét lại trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham rằng mọi gia đình trên đất sẽ được phước nhờ dòng dõi của ông. Nếu dân Y-sơ-ra-ên còn làm nô lệ ở Ai Cập thì lời hứa ấy không thể thực hiện được. Nhưng bằng cách giải cứu họ và lập họ thành một nước, Đức Giê-hô-va đã tẩy sạch danh ngài khỏi sự sỉ nhục. Vì thế, nhà tiên tri Đa-ni-ên nói trong lời cầu nguyện: “Ôi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng con, đấng đã dùng bàn tay mạnh mẽ để đưa dân ngài ra khỏi xứ Ai Cập và tạo một danh cho mình”.—Đa-ni-ên 9:15.
15. Tại sao Đức Giê-hô-va giải cứu dân Do Thái khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn?
15 Điều đáng chú ý là Đa-ni-ên đã cầu nguyện như thế vào lúc dân Do Thái cần Đức Giê-hô-va hành động một lần nữa vì danh ngài. Vì bất trung nên dân Do Thái đang bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Thủ đô của họ là Giê-ru-sa-lem bị hoang tàn. Đa-ni-ên biết rằng nếu Đức Giê-hô-va đưa họ trở về quê hương thì sẽ làm thánh danh ngài. Do đó, Đa-ni-ên cầu nguyện: “Ôi Đức Giê-hô-va, xin hãy tha thứ. Ôi Đức Giê-hô-va, xin hãy để ý và ra tay hành động! Vì danh ngài, xin đừng trì hoãn, ôi Đức Chúa Trời của con, bởi thành và dân ngài đều mang danh ngài”.—Đa-ni-ên 9:18, 19.
Chiến đấu vì dân ngài
16. Hãy giải thích tại sao việc Đức Giê-hô-va bênh vực danh ngài không có nghĩa là ngài chỉ quan tâm đến bản thân.
16 Phải chăng việc Đức Giê-hô-va bênh vực danh ngài có nghĩa là ngài chỉ quan tâm đến bản thân? Không, vì khi Đức Giê-hô-va hành động phù hợp với sự thánh khiết và lòng yêu chuộng công lý thì ngài cũng đang bảo vệ dân ngài. Hãy xem xét Sáng thế chương 14. Khi đọc chương này, chúng ta thấy bốn vua đã bắt cóc cháu của Áp-ra-ham là Lót và gia đình Lót. Với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã đánh bại kẻ thù hùng mạnh hơn ông rất nhiều! Rất có thể đây là chiến thắng đầu tiên được ghi trong “sách Chiến trận của Đức Giê-hô-va”, hẳn là sách cũng ghi lại một số cuộc chiến mà không được ghi trong Kinh Thánh (Dân số 21:14). Sau đó còn có nhiều chiến thắng khác nữa.
17. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chiến đấu vì dân Y-sơ-ra-ên sau khi họ vào xứ Ca-na-an? Hãy nêu ví dụ.
17 Không lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an, Môi-se trấn an họ: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em sẽ đi trước anh em và chiến đấu cho anh em, y như ngài đã làm trước mắt anh em tại Ai Cập” (Phục truyền luật lệ 1:30; 20:1). Kể từ thời Giô-suê, người kế nhiệm Môi-se, đến thời các quan xét và triều đại các vua trung thành của Giu-đa, Đức Giê-hô-va quả đã chiến đấu vì dân ngài và ban cho họ nhiều chiến thắng oai hùng trước kẻ thù.—Giô-suê 10:1-14; Quan xét 4:12-17; 2 Sa-mu-ên 5:17-21.
18. (a) Tại sao chúng ta biết ơn vì Đức Giê-hô-va không thay đổi? (b) Điều gì sẽ xảy ra khi mối thù được nói nơi Sáng thế 3:15 đạt đến đỉnh điểm?
18 Đức Giê-hô-va không thay đổi và ý định của ngài là biến hành tinh này trở thành địa đàng thanh bình cũng không thay đổi (Sáng thế 1:27, 28). Đức Chúa Trời vẫn ghét sự gian ác. Đồng thời, ngài rất yêu mến dân ngài và không lâu nữa ngài sẽ hành động để giải cứu họ (Thi thiên 11:7). Thực tế, mối thù được nói nơi Sáng thế 3:15 sắp dẫn đến cuộc tấn công dữ dội nhất nhắm vào dân Đức Chúa Trời. Để làm thánh danh ngài và bảo vệ dân ngài, một lần nữa Đức Giê-hô-va sẽ trở thành “chiến binh dũng mãnh”!—Xa-cha-ri 14:3; Khải huyền 16:14, 16.
19. (a) Hãy minh họa tại sao việc Đức Chúa Trời dùng quyền năng hủy diệt có thể thu hút chúng ta đến gần ngài. (b) Việc Đức Chúa Trời sẵn sàng chiến đấu nên tác động thế nào đến chúng ta?
19 Hãy xem một minh họa: Giả sử gia đình của một người đàn ông bị thú dữ tấn công. Ông xông vào giết con vật đó và giải cứu gia đình. Anh chị nghĩ vợ và các con có xa lánh ông ấy vì đã hành động như thế không? Không, họ sẽ biết ơn vì tình yêu thương quên mình mà ông đã thể hiện. Tương tự, việc Đức Chúa Trời dùng quyền năng hủy diệt không nên khiến chúng ta xa lánh ngài. Trái lại, việc ngài sẵn sàng chiến đấu nên khiến chúng ta càng yêu thương ngài và càng kính sợ quyền năng vô hạn của ngài. Nhờ thế, chúng ta có thể “phụng sự Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng ngài, với lòng kính sợ và tôn kính”.—Hê-bơ-rơ 12:28.
Hãy đến gần “chiến binh dũng mãnh”
20. Chúng ta cần làm gì khi thấy khó hiểu một lời tường thuật trong Kinh Thánh, và tại sao?
20 Dĩ nhiên, không phải lúc nào Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết mọi lý do Đức Giê-hô-va dùng quyền năng hủy diệt. Nhưng chúng ta có thể luôn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ dùng quyền năng hủy diệt một cách bất công, vô cớ hoặc tàn nhẫn. Thường thì chúng ta có thể hiểu rõ hơn một lời tường thuật trong Kinh Thánh khi xem xét văn cảnh hoặc xem thêm thông tin từ các sự kiện có liên quan (Châm ngôn 18:13). Ngay cả khi chúng ta không có mọi chi tiết thì việc học thêm về Đức Giê-hô-va và suy ngẫm về những phẩm chất tuyệt vời của ngài có thể giúp mình loại bỏ mọi mối nghi ngờ. Khi làm thế, chúng ta sẽ thấy có nhiều lý do để tin cậy Đức Giê-hô-va.—Gióp 34:12.
21. Dù đôi khi Đức Giê-hô-va trở thành “chiến binh dũng mãnh” nhưng điều này không có nghĩa gì?
21 Dù Đức Giê-hô-va là “chiến binh dũng mãnh” khi cần, nhưng điều này không có nghĩa ngài là đấng hiếu chiến. Trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên về cỗ xe trên trời, Đức Giê-hô-va được miêu tả là sẵn sàng ra trận để chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, Ê-xê-chi-ên thấy một chiếc cầu vồng, là biểu tượng của hòa bình, bao quanh Đức Chúa Trời (Sáng thế 9:13; Ê-xê-chi-ên 1:28; Khải huyền 4:3). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va rất điềm tĩnh và yêu chuộng hòa bình. Sứ đồ Giăng viết: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Đức Giê-hô-va thể hiện mọi phẩm chất của ngài một cách hài hòa tuyệt đối. Quả là đặc ân khi có thể đến gần một Đức Chúa Trời đầy quyền năng nhưng rất đỗi yêu thương như thế!
a Theo sử gia Do Thái Josephus, người Hê-bơ-rơ bị “truy đuổi bởi 600 xe ngựa cùng 50.000 kỵ binh và 200.000 bộ binh”.—Jewish Antiquities, II, 324 [xv, 3].
b Từ “A-mô-rít” ở đây hẳn nói đến tất cả các dân tộc trong xứ Ca-na-an.—Phục truyền luật lệ 1:6-8, 19-21, 27; Giô-suê 24:15, 18.