Ở lại “Thành ẩn náu” để được sống!
“Kẻ sát-nhơn phải ở trong thành ẩn-náu cho đến chừng nào thầy tế-lễ thượng-phẩm qua đời” (DÂN-SỐ KÝ 35:28).
1. Ai là Đấng Báo thù huyết và ngài sắp làm gì?
ĐẤNG Báo thù huyết mà Đức Giê-hô-va chỉ định là Giê-su Christ sắp sửa ra tay. Với lực lượng thiên sứ của ngài, Đấng Báo thù này sắp trừng trị tất cả những ai phạm tội làm đổ máu mà không ăn năn. Đúng vậy, Giê-su sẽ là Đấng hành quyết của Đức Chúa Trời trong “hoạn nạn lớn” đang tiến đến nhanh chóng (Ma-thi-ơ 24:21, 22; Ê-sai 26:21). Lúc đó loài người sẽ không thoát được hậu quả của tội làm đổ máu.
2. Chỉ có nơi nào là nơi nương náu thật, và có câu hỏi nào cần phải được trả lời?
2 Để được an toàn, người ta phải lên đường chạy trốn đến thành ẩn náu theo nghĩa bóng! Nếu được vào thành, người lánh nạn phải ở lại đó, vì chỉ có một chỗ ẩn náu thật. Nhưng bạn có thể thắc mắc: ‘Vì phần đông chúng ta chưa bao giờ giết hại ai, chúng ta có thật sự mang nợ máu không? Tại sao Giê-su lại là Đấng Báo thù huyết? Thành ẩn náu ngày nay là gì? Người ta có bao giờ rời được thành mà vẫn được an toàn không?’
Chúng ta có thật sự mang nợ máu không?
3. Đặc điểm nào của Luật pháp Môi-se sẽ giúp chúng ta thấy rằng hàng tỷ người trên đất đều mang nợ máu?
3 Một đặc điểm của Luật pháp Môi-se sẽ giúp chúng ta thấy rằng hàng tỷ người sống trên đất đều mang nợ máu. Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải chịu chung một trách nhiệm về sự đổ máu. Nếu một người nào bị giết mà người ta không biết thủ phạm là ai, thì quan án phải đo khoảng cách từ thi thể đến các thành phụ cận để xác định thành nào gần nhất. Muốn trừ đi tội lỗi của thành bị cho là mang tội đổ máu, các trưởng lão phải vặn cổ một con bò cái tơ chưa hề làm việc, tại một khe trong thung lũng không ai canh tác. Họ làm việc này trước mặt các thầy tế lễ Lê-vi ‘vì Đức Giê-hô-va chọn họ để quyết phán các sự tranh-tụng và thương tích’. Các trưởng lão của thành rửa tay họ trên con bò và nói: “Tay chúng tôi chẳng đổ huyết nầy ra; mắt chúng tôi chẳng thấy gì. Lạy Đức Giê-hô-va cầu-xin Ngài tha tội cho dân-sự Ngài mà Ngài đã chuộc! Xin chớ kể huyết vô-tội cho dân Y-sơ-ra-ên của Ngài!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:1-9). Giê-hô-va Đức Chúa Trời không muốn xứ Y-sơ-ra-ên bị ô uế vì máu hoặc dân ở đó phải cùng mang tội đổ máu.
4. Ba-by-lôn Lớn có thành tích nào về việc làm đổ máu?
4 Đúng vậy, có khi cả cộng đồng phải chịu chung tội đổ máu. Hãy xem xét nợ máu rất lớn mà Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả của thế giới gây ra. Này, nó say huyết các tôi tớ của Đức Giê-hô-va! (Khải-huyền 17:5, 6; 18:24). Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ nói rằng họ vâng theo Chúa Bình an, nhưng những cuộc chiến tranh, pháp đình tôn giáo và thập tự chiến gây chết chóc làm cho Ba-by-lôn Lớn phải mang tội đổ máu trước mặt Đức Chúa Trời (Ê-sai 9:5; Giê-rê-mi 2:34). Trên thực tế, Ba-by-lôn Lớn phải chịu tội nặng về những cái chết của hàng triệu người trong hai thế chiến ở thế kỷ này. Vì vậy, những người đi theo tôn giáo giả cũng như những người ủng hộ và tham gia vào chiến tranh của con người đều mang tội đổ máu trước mặt Đức Chúa Trời.
5. Một số người giống như kẻ ngộ sát ở Y-sơ-ra-ên như thế nào?
5 Một số người làm người khác chết vì cố ý hoặc cẩu thả. Một số người khác thì tham gia vào việc giết người tập thể, có lẽ bị những người lãnh đạo tôn giáo thuyết phục rằng đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Còn một số người khác nữa thì bắt bớ và giết chết các tôi tớ của Đức Chúa Trời. Nhưng dù chúng ta chưa từng làm những việc đó, chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm chung với cộng đồng về việc làm thiệt mạng người ta vì chúng ta đã không biết luật pháp và ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta giống như kẻ ngộ sát tức là người ‘vô ý đánh chết kẻ lân-cận mình, không có ganh ghét trước’ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:4). Những người như thế cần phải van xin Đức Chúa Trời thương xót và phải chạy vào thành ẩn náu theo nghĩa bóng. Nếu không thì họ sẽ chết khi gặp Đấng Báo thù huyết.
Vai trò trọng yếu của Giê-su
6. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Giê-su là người thân gần gũi nhất của loài người?
6 Ở Y-sơ-ra-ên, người báo thù huyết là người họ hàng gần nhất của nạn nhân. Để báo thù cho tất cả những người bị giết trên đất và đặc biệt các tôi tớ bị giết của Đức Giê-hô-va, Đấng Báo thù huyết ngày nay phải là một người thân của mọi người. Giê-su Christ đảm trách vai trò này. Ngài sanh ra là người hoàn toàn. Giê-su chịu chết để hy sinh mạng sống không tội lỗi của ngài để làm giá chuộc, và sau khi ngài sống lại lên trời, ngài dâng cho Đức Chúa Trời giá trị của sự hy sinh này vì lợi ích của con cháu hay chết của người tội lỗi là A-đam. Vì thế đấng Christ trở thành Đấng Cứu chuộc của loài người, người thân gần gũi nhất của chúng ta—Đấng Báo thù huyết chính thức (Rô-ma 5:12; 6:23; Hê-bơ-rơ 10:12). Giê-su được tả là người anh của các môn đồ được xức dầu của ngài (Ma-thi-ơ 25:40, 45; Hê-bơ-rơ 2:11-17). Với tư cách Vua ở trên trời, ngài trở thành “Cha đời đời” của những thần dân trên đất, là những người hưởng lợi ích nhờ sự hy sinh của ngài. Họ sẽ sống đời đời (Ê-sai 9:5, 6). Vì thế Đức Giê-hô-va đã thích hợp bổ nhiệm Người Thân này của nhân loại làm Đấng Báo thù huyết.
7. Với tư cách Thầy Tế lễ Thượng phẩm lớn, Giê-su làm gì cho nhân loại?
7 Giê-su cũng là Thầy Tế lễ Thượng phẩm không tội lỗi, đã trải qua thử thách, biết cảm thông (Hê-bơ-rơ 4:15). Qua vai trò đó, ngài áp dụng giá trị của sự hy sinh mình để chuộc tội nhân loại. Thành ẩn náu được thành lập “cho dân Y-sơ-ra-ên, luôn cho khách ngoại-bang và kẻ nào kiều-ngụ ở trong dân đó” (Dân-số Ký 35:15). Vì thế, Thầy Tế lễ Thượng phẩm lớn trước hết áp dụng giá trị của sự hy sinh cho các môn đồ được xức dầu của ngài, “dân Y-sơ-ra-ên”. Ngày nay giá trị của sự hy sinh đang được áp dụng cho ‘khách ngoại-bang’ và ‘kẻ kiều ngụ’ trong thành ẩn náu theo nghĩa bóng. “Các chiên khác” này của Chúa Giê-su Christ hy vọng được sống đời đời trên đất (Giăng 10:16; Thi-thiên 37:29, 34).
Thành ẩn náu ngày nay
8. Thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng là gì?
8 Thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng là gì? Đó không phải là một địa điểm nào đó như Hếp-rôn, một trong sáu thành ẩn náu của người Lê-vi và nơi cư ngụ của thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên. Thành ẩn náu ngày nay là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để che chở chúng ta khỏi sự chết vì đã vi phạm điều răn của ngài về sự thiêng liêng của máu (Sáng-thế Ký 9:6). Dù cố ý hay vô tình, người nào vi phạm điều răn đó đều phải xin Đức Chúa Trời tha thứ và cầu xin tội lỗi mình được xóa bỏ qua đức tin nơi huyết của Thầy Tế lễ Thượng phẩm, Giê-su Christ. Những tín đồ đấng Christ được xức dầu có hy vọng lên trời và đám đông “vô-số người” có triển vọng sống trên đất đã hưởng lợi ích của sự hy sinh chuộc tội của Giê-su và đang ở trong thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng (Khải-huyền 7:9, 14; I Giăng 1:7; 2:1, 2).
9. Sau-lơ, người Tạt-sơ, đã vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời về máu như thế nào, nhưng ông thay đổi thái độ như thế nào?
9 Trước khi trở thành một tín đồ đấng Christ, sứ đồ Phao-lô đã vi phạm điều răn về huyết. Được gọi là Sau-lơ, người Tạt-sơ, ông đã bắt bớ tín đồ của Giê-su và thậm chí còn tán thành việc giết hại họ. Phao-lô nói: “Nhưng ta đã đội ơn thương-xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu-muội chưa tin” (I Ti-mô-thê 1:13; Công-vụ các Sứ-đồ 9:1-19). Sau-lơ có thái độ ăn năn, và sau này ông chứng tỏ bằng nhiều việc làm cho thấy ông có đức tin. Nhưng không phải chỉ cần đặt đức tin vào giá chuộc là đủ để vào được thành ẩn náu theo nghĩa bóng.
10. Làm sao chúng ta có thể có được một lương tâm tốt, và chúng ta phải làm gì để giữ nó?
10 Kẻ ngộ sát chỉ có thể ở lại một trong những thành ẩn náu của Y-sơ-ra-ên nếu người đó có thể chứng minh là mình có lương tâm tốt đối với Đức Chúa Trời về tội làm đổ máu. Để có lương tâm tốt, chúng ta phải thực hành đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su, ăn năn về các tội lỗi và thay đổi lối sống. Chúng ta cần cầu xin để có được một lương tâm tốt trong lúc thành khẩn dâng mình cho Đức Chúa Trời qua đấng Christ, và biểu hiệu việc này bằng cách làm báp têm trong nước (I Phi-e-rơ 3:20, 21). Lương tâm tốt này giúp chúng ta có được một mối liên lạc trong sạch với Đức Giê-hô-va. Cách duy nhất để giữ một lương tâm tốt là tuân theo những đòi hỏi của Đức Chúa Trời và làm công việc mà chúng ta được chỉ định làm trong thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng, cũng như những người lánh nạn ở các thành ẩn náu xưa đã phải tuân theo Luật pháp và thi hành công việc mà họ được giao phó. Công việc chủ yếu mà dân tộc của Đức Giê-hô-va ngày nay phải làm là công bố thông điệp về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Làm công việc đó sẽ giúp chúng ta trở thành những dân cư hữu dụng của thành ẩn náu ngày nay.
11. Nếu muốn được ở lại an toàn bên trong thành ẩn náu ngày nay, chúng ta phải tránh điều gì?
11 Rời thành ẩn náu ngày nay là đưa mình vào sự hủy diệt, vì không bao lâu nữa Đấng Báo thù huyết sẽ khởi sự trừng trị tất cả những người mang nợ máu. Đây không phải là lúc để bị bắt gặp ở bên ngoài thành bảo vệ hoặc ở trong khu vực nguy hiểm gần ranh giới của bãi cỏ quanh thành. Nếu mất đức tin nơi sự hy sinh chuộc tội của Thầy Tế lễ Thượng phẩm, thì có ngày chúng ta sẽ ở ngoài thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng (Hê-bơ-rơ 2:1; 6:4-6). Chúng ta cũng không được an toàn nếu sống theo đường lối thế gian, đứng ở bên lề tổ chức của Đức Giê-hô-va, hoặc xa rời tiêu chuẩn công bình của Cha trên trời của chúng ta (I Cô-rinh-tô 4:4).
Được ra khỏi thành ẩn náu
12. Những người trước đây mang nợ máu phải ở lại thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng bao lâu?
12 Ở Y-sơ-ra-ên, kẻ ngộ sát phải ở lại thành ẩn náu “cho đến chừng nào thầy tế-lễ thượng-phẩm qua đời” (Dân-số Ký 35:28). Vậy những người trước đây mang nợ máu phải ở lại thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng bao lâu? Đến khi nào họ không còn cần đến công việc của Thầy Tế lễ Thượng phẩm Giê-su Christ. Phao-lô nói: “Ngài có thể cứu toàn-vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 7:25). Hễ khi nào còn nợ máu, thì vẫn còn cần đến công việc của Thầy Tế lễ thượng phẩm để cho loài người bất toàn có thể có được một vị thế ngay thẳng đối với Đức Chúa Trời.
13. “Dân Y-sơ-ra-ên” ngày nay là ai, và họ phải ở lại “thành ẩn náu” bao lâu?
13 Hãy nhớ rằng các thành ẩn náu xưa được thành lập cho “dân Y-sơ-ra-ên”, khách ngoại kiều và kiều dân. “Dân Y-sơ-ra-ên” là dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Ga-la-ti 6:16). Hễ còn sống trên đất thì họ phải ở lại thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng. Tại sao vậy? Vì họ vẫn còn trong thể xác bất toàn và do đó cần đến giá trị chuộc tội của Thầy Tế lễ Thượng phẩm ở trên trời. Nhưng khi những tín đồ đấng Christ được xức dầu chết và được sống lại trong thể thần linh ở trên trời, thì họ không cần đến công việc chuộc tội của Thầy Tế lễ Thượng phẩm nữa; họ sẽ mãi mãi rời bỏ xác thịt và nợ máu. Đối với những người xức dầu được sống lại, vai trò chuộc tội, bảo vệ của Thầy Tế lễ Thượng phẩm sẽ chấm dứt.
14. Tại sao những người có triển vọng lên trời hiện tại phải sống trong thành ẩn náu ngày nay?
14 Kinh-thánh cho thấy một lý do khác nữa tại sao những người sẽ “đồng kế-tự với Đấng Christ” ở trên trời cần phải ở lại thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng và sống trung thành cho đến chết. Khi họ chết, họ sẽ mãi mãi hy sinh bản chất con người (Rô-ma 8:17; Khải-huyền 2:10). Sự hy sinh của Giê-su chỉ áp dụng cho những ai có tính chất con người. Vì thế, khi những người thuộc Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được sống lại với tư cách là các tạo vật thiêng liêng, thì vai trò của Thầy Tế lễ Thượng phẩm chấm dứt. Họ sẽ sống đời đời trên trời với tư cách “người dự phần bổn-tánh Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:4).
15. ‘Khách ngoại-bang’ và ‘dân kiều-ngụ’ thời nay là ai và Thầy Tế lễ Thượng phẩm lớn sẽ làm gì cho họ?
15 Đối với ‘khách ngoại-bang’ và dân ‘kiều-ngụ’ thời nay, khi nào thì Thầy Tế lễ Thượng phẩm sẽ “qua đời” để cho họ có thể rời thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng? Những người thuộc đám đông không thể ra khỏi thành ẩn náu đó ngay sau khi hoạn nạn lớn xảy ra. Tại sao không? Tại vì họ vẫn còn trong xác thịt bất toàn, tội lỗi và sẽ tiếp tục cần Thầy Tế lễ Thượng phẩm che chở. Khi Giê-su làm vua và thầy tế lễ trong một ngàn năm, họ được chuộc tội và sẽ đạt đến tình trạng con người hoàn toàn. Lúc đó, Giê-su sẽ giao họ cho Đức Chúa Trời để họ chịu một thử thách cuối cùng để quyết định vĩnh viễn về lòng trung kiên của họ bằng cách là ngài thả Sa-tan và các sứ của hắn ra trong một thời gian ngắn. Khi họ vượt qua thử thách này và được Đức Giê-hô-va chấp nhận, ngài sẽ tuyên bố họ là công bình. Nhờ đó họ sẽ đạt đến tình trạng hoàn toàn trọn vẹn của con người (I Cô-rinh-tô 15:28; Khải-huyền 20:7-10).a
16. Khi nào những người sống sót qua hoạn nạn lớn sẽ không còn cần đến công việc chuộc tội của Thầy Tế lễ Thượng phẩm?
16 Vậy thì những người sống sót qua hoạn nạn lớn sẽ phải giữ một lương tâm tốt bằng cách ở lại thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng đến cuối Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ. Vì là những người được hoàn toàn, họ sẽ không còn cần đến công việc chuộc tội của Thầy Tế lễ Thượng phẩm và sẽ ra khỏi vòng bảo vệ của ngài. Đối với họ lúc đó, vai trò Thầy Tế lễ Thượng phẩm của Giê-su sẽ chấm dứt, vì ngài sẽ không còn phải dùng huyết đã hy sinh của ngài để rửa sạch tội lỗi của họ nữa. Lúc bấy giờ, họ sẽ rời thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng.
17. Tại sao những người được sống lại trong Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ sẽ không cần phải vào ở trong thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng?
17 Những người được sống lại trong Triều đại Một Ngàn Năm của Giê-su có cần phải vào thành ẩn náu theo nghĩa bóng và ở lại đó đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời không? Không, vì một khi đã chết thì họ đền tội mình rồi (Rô-ma 6:7; Hê-bơ-rơ 9:27). Tuy nhiên, Thầy Tế lễ Thượng phẩm sẽ giúp họ đạt đến tình trạng hoàn toàn. Nếu họ vượt qua được sự thử thách cuối cùng sau thời kỳ Một Ngàn Năm, Đức Chúa Trời cũng sẽ tuyên bố họ là công bình và bảo đảm họ sẽ được sống đời đời trên đất. Dĩ nhiên, những ai không tuân theo những đòi hỏi của Đức Chúa Trời và không vượt qua được sự thử thách cuối cùng với tư cách những người giữ lòng trung kiên, thì sẽ bị kết án và hủy diệt.
18. Liên quan đến vương quyền và chức tế lễ của Giê-su, điều gì sẽ tồn tại mãi mãi với loài người?
18 Các thầy tế lễ thượng phẩm ở Y-sơ-ra-ên cuối cùng bị chết. Nhưng Giê-su “đã trở nên thầy tế-lễ thượng-phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc” (Hê-bơ-rơ 6:19, 20; 7:3). Vì thế, khi chức vụ của Giê-su là Thầy Tế lễ Thượng phẩm làm trung gian cho loài người kết thúc, đời sống của ngài không chấm dứt. Những hiệu quả tốt nhờ chức vụ của ngài là Vua và Thầy Tế lễ Thượng phẩm sẽ tồn tại mãi mãi với loài người, và loài người sẽ đời đời mang ơn ngài vì đã phục vụ trong những vai trò này. Hơn nữa, cho đến muôn đời Giê-su sẽ dẫn đầu trong sự thờ phượng trong sạch Đức Giê-hô-va (Phi-líp 2:5-11).
Những bài học quí giá cho chúng ta
19. Chúng ta có thể rút tỉa được bài học nào về sự thù ghét và lòng yêu thương qua sự sắp đặt về các thành ẩn náu?
19 Chúng ta có thể rút tỉa nhiều bài học từ sự sắp đặt về các thành ẩn náu. Thí dụ, không một kẻ sát nhân nào thù ghét đến độ giết người lại được vào sống trong một thành ẩn náu (Dân-số Ký 35:20, 21). Thế thì làm sao một người trong thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng lại có thể để cho sự thù ghét anh em nhen nhúm trong lòng mình? Sứ đồ Giăng viết: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người, anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình”. Vậy, chúng ta “hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu-thương đến từ Đức Chúa Trời” (I Giăng 3:15; 4:7).
20. Để được che chở khỏi tay Đấng Báo thù huyết, những người sống trong thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng phải làm gì?
20 Để được che chở khỏi tay kẻ báo thù huyết, những kẻ ngộ sát phải ở lại thành ẩn náu và không đi lang thang bên ngoài đồng cỏ quanh thành. Còn về những người ở trong thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng thì sao? Để an toàn tránh được Đấng vĩ đại Báo thù huyết, họ không được rời thành. Thật vậy, họ cần phải đề phòng không để bị cám dỗ đi tới rìa đồng cỏ, nói theo nghĩa bóng. Họ phải cẩn thận không để cho sự yêu mến thế gian của Sa-tan nhen nhúm trong lòng mình. Việc này có thể đòi hỏi họ phải cầu nguyện và cố gắng, nhưng mạng sống họ tùy thuộc vào đó (I Giăng 2:15-17; 5:19).
21. Những người trong thành ẩn náu ngày nay đang làm công việc thỏa lòng nào?
21 Những người ngộ sát sống trong các thành ẩn náu xưa đã phải làm việc đắc lực. Cũng vậy, “dân Y-sơ-ra-ên” được xức dầu làm gương tốt với tư cách những thợ gặt và những người công bố về Nước Trời (Ma-thi-ơ 9:37, 38; Mác 13:10). Là ‘khách ngoại-bang’ và ‘dân kiều-ngụ’ trong thành ẩn náu ngày nay, các tín đồ đấng Christ có triển vọng sống trên đất được đặc ân làm công việc cứu sống cùng với những người xức dầu vẫn còn sống trên đất. Và đây là một công việc thỏa lòng biết bao! Những người trung thành làm việc trong thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng sẽ thoát khỏi sự chết đời đời nơi tay Đấng Báo thù huyết. Thay vì thế, họ sẽ nhận được lợi ích đời đời nhờ công việc của ngài với tư cách Thầy Tế lễ Thượng phẩm lớn của Đức Chúa Trời. Liệu bạn có ở lại thành ẩn náu để được sống đời đời không?
[Chú thích]
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tại sao chúng ta có thể nói rằng hàng tỷ người trên đất đều mang nợ máu?
◻ Giê-su Christ giữ những vai trò nào liên quan đến loài người?
◻ Thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng là gì, và người ta vào đó bằng cách nào?
◻ Khi nào người ta sẽ được ra khỏi thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng?
◻ Chúng ta có thể rút tỉa những bài học quan trọng nào qua sự sắp đặt về các thành ẩn náu?
[Hình nơi trang 16]
Bạn có biết Giê-su Christ đóng những vai trò trọng yếu nào không?