“Hằng ngày” sống xứng đáng với sự dâng mình
“Nếu ai muốn theo ta thì phải quên mình, hằng ngày vác cây khổ hình mình mà theo ta luôn luôn” (LU-CA 9:23, NW).
1. Chúng ta có thể đo lường sự thành công với tư cách là người tín đồ đấng Christ qua một cách nào?
“CHÚNG TA có thật sự là những tận tụy đã dâng hiến đời mình không?” Lời giải đáp cho câu hỏi này của ông John F. Kennedy, Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, là một yếu tố để đo lường sự thành công của những người trong cơ quan chính quyền. Câu hỏi có thể dùng trong ý nghĩa sâu sắc hơn để thử nghiệm sự thành đạt của chúng ta với tư cách là người truyền giáo của đấng Christ.
2. Một tự điển định nghĩa chữ “dâng mình” như thế nào?
2 Vậy, sự dâng mình là gì? Một từ điển (Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary) định nghĩa từ ngữ đó là “một hành động hay một nghi lễ hiến dâng cho một vị thần hoặc cho một việc thánh”, “dành riêng ra cho một mục đích đặc biệt”, “tận tụy hy sinh”. John F. Kennedy dường như dùng chữ có ý nói “tận tụy hy sinh”. Đối với một tín đồ đấng Christ, sự dâng mình còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa.
3. Sự dâng mình của tín đồ đấng Christ là gì?
3 Giê-su Christ nói với môn đồ ngài: “Nếu ai muốn theo ta thì phải quên mình, vác cây khổ hình mình mà theo ta luôn luôn” (Ma-thi-ơ 16:24, NW). Dâng mình cho Đức Chúa Trời không phải chỉ đơn giản làm một hành động thờ phượng vào ngày chủ nhật hoặc đến viếng một nơi thờ phượng nào đó. Điều này bao hàm cả lối sống của chúng ta. Để trở thành là một tín đồ đấng Christ có nghĩa là phải quên mình hoặc từ chối chính mình trong lúc phụng sự Đấng mà Giê-su Christ phụng sự là Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, một tín đồ đấng Christ vác “cây khổ hình” bằng cách chịu đựng bất cứ sự đau khổ nào có thể gặp phải vì là môn đồ của đấng Christ
Gương mẫu hoàn toàn
4. Phép báp têm của Giê-su tiêu biểu cho điều gì?
4 Khi còn trên đất, Giê-su cho thấy việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì. Cảm nghĩ của ngài là: “Chúa chẳng muốn hi-sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, nhưng Chúa đã sắm-sửa một thân-thể cho tôi”. Rồi ngài tiếp: “Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến—trong sách có chép về tôi—tôi đến để làm theo ý-muốn Chúa” (Hê-bơ-rơ 10:5-7). Là một thành viên của một dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, ngài dâng mình cho Đức Giê-hô-va từ khi mới sinh ra. Nhưng, khi bắt đầu công việc thánh chức trên đất, ngài tự nguyện làm báp têm để tiêu biểu cho việc ngài trình diện làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, đối với ngài gồm có việc dâng mạng sống để hy sinh làm giá chuộc. Như vậy ngài đặt ra một gương cho tín đồ đấng Christ phải làm bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va muốn.
5. Giê-su cho thấy ngài có quan điểm về của cải vật chất như thế nào mà chúng ta nên noi theo?
5 Sau khi làm báp têm Giê-su theo đuổi một đời sống cuối cùng đưa đến sự chết để làm của-lễ hy sinh. Ngài không chú ý đến chuyện kiếm nhiều tiền, hoặc sống một đời nhàn hạ. Ngược lại, đời sống của ngài xoay quanh công việc thánh chức. Ngài khuyên môn đồ ngài “hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”, và chính ngài đã sống xứng đáng với những lời này (Ma-thi-ơ 6:33). Có lần ngài còn nói: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Ma-thi-ơ 8:20). Ngài đã có thể dạy dỗ sao cho môn đồ đưa tiền của họ cho ngài. Là một thợ mộc, ngài đã có thể bớt thì giờ trong công việc rao giảng để làm thêm bàn ghế đẹp để bán, như vậy ngài sẽ có thêm một vài miếng bạc. Nhưng ngài đã không dùng tài mình để theo đuổi sự giàu sang vật chất. Là tôi tớ nhiệt thành của Đức Chúa Trời, chúng ta có bắt chước Giê-su để có quan điểm đúng về của cải vật chất không? (Ma-thi-ơ 6:24-34).
6. Chúng ta có thể bắt chước Giê-su như thế nào nếu muốn làm tôi tớ Đức Chúa Trời có lòng hy sinh và sốt sắng?
6 Đặt việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu, Giê-su không tìm kiếm tư lợi. Đời sống của ngài trong suốt ba năm rưỡi làm thánh chức rao giảng là một đời sống hy sinh. Vào một dịp nọ, sau một ngày bận rộn ngay cả không có thì giờ ăn cơm, thế mà Giê-su vẫn sẵn lòng dạy dỗ những người “cùng-khốn và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36; Mark 6:31-34). Mặc dù “đi đàng mỏi-mệt”, ngài đã chủ động nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri đến bên giếng của Gia-cốp nơi Si-kha (Giăng 4:6, 7, 13-15). Ngài luôn luôn đặt hạnh phúc của người khác trước hạnh phúc của riêng mình (Giăng 11:5-15). Chúng ta cũng có thể bắt chước Giê-su bằng cách sẵn sàng hy sinh tư lợi để phục vụ Đức Chúa Trời và người khác (Giăng 6:38). Bằng cách suy nghĩ làm sao chúng ta có thể thật sự làm vui lòng Đức Chúa Trời thay vì chỉ làm tối thiểu những gì đòi hỏi ở nơi mình thì chúng ta sẽ sống xứng đáng với sự dâng mình.
7. Chúng ta có thể bắt chước Giê-su trong việc luôn luôn dành sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va như thế nào?
7 Khi giúp người ta, Giê-su tuyệt nhiên không tìm cách làm cho họ chú ý đến ngài. Giê-su dâng mình cho Đức Chúa Trời để làm theo ý muốn của Ngài. Vì vậy, khi làm được bất cứ điều gì, ngài luôn luôn dành sự vinh hiển cho Cha ngài là Đức Giê-hô-va. Khi một người cai trị nọ gọi ngài là “Thầy nhơn-lành”, dùng chữ “nhơn-lành” như là một tước hiệu, Giê-su sửa lại ông bằng cách nói: “Chỉ có một Đấng nhơn-lành là Đức Chúa Trời” (Lu-ca 18:18, 19; Giăng 5:19, 30). Chúng ta có giống như Giê-su không, nghĩa là chẳng dành lấy vinh dự cho chính mình nhưng lập tức hướng người ta đến với Đức Giê-hô-va?
8. a) Là một người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, Giê-su tách mình khỏi thế gian như thế nào? b) Chúng ta nên noi gương ngài như thế nào?
8 Trong suốt đời sống trên đất, Giê-su rất sốt sắng và cho thấy rằng ngài dâng hiến đời mình cho công việc của Đức Chúa Trời. Ngài giữ mình trong sạch vì vậy có thể dâng chính ngài như “chiên con không lỗi không vít” để hy sinh làm giá chuộc (I Phi-e-rơ 1:19; Hê-bơ-rơ 7:26). Ngài giữ tất cả các quy tắc của Luật pháp Môi-se, vì vậy mà ngài làm trọn luật pháp đó (Ma-thi-ơ 5:17; II Cô-rinh-tô 1:20). Ngài sống xứng đáng với luân lý mà ngài dạy. (Ma-thi-ơ 5:27, 28). Không ai có quyền kết tội ngài vì có động cơ xấu. Thật vậy, ngài “ghét điều gian-ác” (Hê-bơ-rơ 1:9). Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta hãy noi gương Giê-su bằng cách giữ đời sống và ngay cả động cơ của chúng ta cho được trong sạch dưới mắt của Đức Giê-hô-va.
Gương cảnh cáo
9. Phao-lô đề cập đến gương cảnh cáo nào, và tại sao chúng ta nên xem xét gương này?
9 Ngược lại với gương của Giê-su, chúng ta có gương của dân Y-sơ-ra-ên để cảnh giác chúng ta. Ngay cả sau khi họ tuyên bố rằng họ sẽ làm mọi điều Đức Giê-hô-va phán, họ đã không làm theo ý muốn của Ngài (Đa-ni-ên 9:11). Sứ đồ Phao-lô khuyến khích tín đồ đấng Christ nên rút tỉa bài học qua những gì xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta hãy xem xét vài vấn đề xảy ra mà Phao-lô đề cập đến trong lá thư thứ nhất cho người Cô-rinh-tô và xem những mối nguy hiểm nào mà tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời trong thời nay cần phải tránh (I Cô-rinh-tô 10:1-6, 11).
10. a) Dân Y-sơ-ra-ên “ham muốn điều có hại” như thế nào? b) Tại sao trong lần thứ hai dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm về đồ ăn, họ chịu trách nhiệm nặng hơn, và chúng ta rút tỉa được gì qua gương cảnh cáo này?
10 Trước tiên, Phao-lô cảnh cáo chúng ta chớ “ham muốn điều có hại” (I Cô-rinh-tô 10:6, NW). Điều đó có lẽ làm bạn nhớ lại lúc dân Y-sơ-ra-ên phàn nàn vì chỉ có ma-na để ăn. Đức Giê-hô-va mang chim cút đến cho họ. Khoảng một năm trước, một chuyện giống như vậy xảy ra ở đồng vắng Sin, ngay trước khi dân Y-sơ-ra-ên tuyên bố dâng mình cho Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:1-3, 12, 13). Nhưng tình thế không hoàn toàn giống nhau. Khi Đức Giê-hô-va ban chim cút lần đầu tiên, Ngài không bắt dân Y-sơ-ra-ên chịu trách nhiệm về việc lằm bằm của họ. Tuy nhiên, lần này tình thế lại khác. “Thịt vẫn còn nơi răng, chưa nhai, thì cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự, hành dân-sự một tai-vạ rất nặng” (Dân-số Ký 11:4-6, 31-34). Điều gì đã thay đổi? Là một dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, giờ đây họ phải chịu trách nhiệm về những hành động mình làm. Vì không biết ơn đối với những sự ban cho của Đức Giê-hô-va nên họ phàn nàn cùng Đức Giê-hô-va, mặc dù họ đã hứa sẽ làm mọi điều Đức Giê-hô-va phán! Ngày nay một số người phàn nàn giống như vậy về bàn tiệc của Đức Giê-hô-va. Một số người không biết ơn về việc Đức Giê-hô-va ban đồ ăn thiêng liêng qua “người đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Vì vậy, hãy nhớ rằng sự dâng mình của chúng ta đòi hỏi chúng ta biết nhớ ơn về những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho mình và chấp nhận đồ ăn thiêng liêng do Ngài cung cấp.
11. a) Dân Y-sơ-ra-ên làm ô nhiễm sự thờ phượng Đức Giê-hô-va với hình tượng như thế nào b) Chúng ta có thể bị một loại hình tượng ảnh hưởng như thế nào?
11 Kế đến, Phao-lô cảnh cáo “cũng đừng thờ hình-tượng nữa, như mấy người trong họ” (I Cô-rinh-tô 10:7). Ở đây sứ đồ chắc hẳn muốn đề cập đến việc thờ con bò xảy ra ngay sau khi dân Y-sơ-ra-ên làm giao ước với Đức Giê-hô-va tại núi Si-na-i. Bạn có lẽ nói: ‘Là một tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, tôi sẽ không bao giờ dính líu đến sự thờ hình tượng”. Tuy nhiên, hãy chú ý rằng theo quan điểm của dân Y-sơ-ra-ên, họ không ngừng thờ phượng Đức Giê-hô-va; nhưng, họ tham gia vào việc thờ con bò—một điều gớm ghiếc đối với Đức Chúa Trời. Hình thức thờ phượng này bao hàm điều gì? Dân sự dâng của-lễ trước con bò, và rồi họ “ngồi mà ăn uống, đoạn đứng dậy mà vui-chơi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:4-6). Ngày nay, một số người có lẽ cho rằng họ thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng đời sống họ có lẽ tập trung vào việc vui chơi của thế gian này, thay vì sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, và họ đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va sau những điều này. Đành rằng hành động này không có quá độ như quì xuống trước con bò vàng, nhưng trên nguyên tắc thì không khác lắm. Nếu một người xem sự ham muốn của chính mình như thần tượng, thì quả là không sống xứng đáng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va (Phi-líp 3:19).
12. Qua kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên với thần Ba-anh Phê-ô, chúng ta học được gì về sự quên mình?
12 Trong gương cảnh cáo kế, Phao-lô cũng nói về một loại tiêu khiển: “Chúng ta chớ tà-dâm như mấy người trong họ đã dâm-dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng” (I Cô-rinh-tô 10:8). Dân Y-sơ-ra-ên bị con gái Mô-áp lôi cuốn vào khoái lạc vô luân, dẫn dụ họ thờ phượng thần Ba-anh Phê-ô ở Si-tim (Dân-số Ký 25:1-3, 9). Quên mình để làm ý muốn của Đức Giê-hô-va bao gồm việc chấp nhận tiêu chuẩn của Ngài về đạo đức trong sạch (Ma-thi-ơ 5:27-30). Trong thời tiêu chuẩn suy đồi này, chúng ta được nhắc nhở cần giữ mình trong sạch khỏi mọi loại hạnh kiểm vô luân, vâng phục uy quyền của Đức Giê-hô-va khi quyết định điều gì tốt và điều gì xấu (I Cô-rinh-tô 6:9-11).
13. Gương của Phi-nê-a giúp chúng ta hiểu thế nào về sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bao gồm điều gì?
13 Dù cả dân tộc đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, nhưng nhiều người rơi vào cạm bẫy của sự tà dâm tại Si-tim. Tuy nhiên, một số người đã sống xứng đáng với sự dâng mình đó. Trong số này có Phi-nê-a là một người có sự hăng hái đặc biệt. Khi ông trông thấy một quan trưởng Y-sơ-ra-ên đem một đàn bà Mô-áp vào trại, Phi-nê-a lập tức lấy cái giáo đâm chết họ. Đức Giê-hô-va nói với Môi-se: “Phi-nê-a... đã xây dân Y-sơ-ra-ên khỏi cơn giận ta, vì lòng kỵ-tà ta thúc-giục lòng người; vậy, ta không có diệt dân Y-sơ-ra-ên trong cơn kỵ-tà của ta” (Dân-số Ký 25:11). Sự dâng mình có nghĩa là hoàn toàn không dung túng điều gì đối nghịch với Đức Giê-hô-va. Sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va phải chiếm chỗ quan trọng trong lòng chúng ta vì vậy chúng ta không thể để bất cứ điều gì chiếm chỗ đó cả. Lòng sốt sắng đối với Đức Giê-hô-va cũng thúc đẩy chúng ta giữ cho hội thánh trong sạch bằng cách báo cáo với trưởng lão về tội vô luân, chứ không dung túng điều đó.
14. a) Dân Y-sơ-ra-ên đã thử Đức Giê-hô-va như thế nào? b) Sự dâng mình trọn vẹn cho Đức Giê-hô-va giúp chúng ta không “ngã lòng” như thế nào?
14 Phao-lô nhắc đến gương cảnh cáo khác: “Cũng chớ thử-thách Chúa như mấy người trong họ đã thử-thách mà bị loài rắn hủy-diệt” (I Cô-rinh-tô 10:9). Ở đây Phao-lô nói về lúc dân Y-sơ-ra-ên trách móc Đức Chúa Trời với Môi-se khi “giữa đường dân-sự ngã lòng” (Dân-số Ký 21:4). Bạn có bao giờ phạm lỗi lầm này không? Khi bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va, bạn có nghĩ rằng Ha-ma-ghê-đôn rất gần không? Sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va có kéo dài hơn là bạn mong mỏi không? Hãy nhớ rằng chúng ta không dâng mình cho Đức Giê-hô-va chỉ một khoảng thời gian nào đó hoặc chỉ đến Ha-ma-ghê-đôn mà thôi. Sự dâng mình của chúng ta tiếp tục mãi mãi. Vậy, “chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt” (Ga-la-ti 6:9).
15. a) Dân Y-sơ-ra-ên đã oán trách ai? b) Sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta tôn trọng uy quyền trong tổ chức thần quyền như thế nào?
15 Cuối cùng, Phao-lô cảnh cáo về việc trở thành người “lằm-bằm” cùng tôi tớ được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm (I Cô-rinh-tô 10:10). Dân Y-sơ-ra-ên oán trách Môi-se và A-rôn một cách dữ dội khi 10 trong số 12 người do thám được sai đi thăm dò xứ Ca-na-an mang tin xấu về. Họ còn nói đến việc tìm người dẫn đầu để thay thế Môi-se và trở lại xứ Ê-díp-tô (Dân-số Ký 14:1-4). Ngày nay, chúng ta có chấp nhận sự lãnh đạo mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta qua hoạt động của thánh linh Ngài không? Khi thấy trên bàn dồi dào đồ ăn thiêng liêng do lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp, thì chúng ta biết rõ Giê-su dùng ai để cho “đồ-ăn đúng giờ” (Ma-thi-ơ 24:45). Khi chúng ta dâng mình cho Đức Giê-hô-va với hết linh hồn thì chúng ta phải tôn trọng những người được Ngài bổ nhiệm. Mong sao chúng ta không bao giờ trở thành giống một số người lằm bằm thời nay, họ hướng sự chú ý đến một người lãnh đạo khác, nói theo nghĩa bóng, để dẫn họ trở lại thế gian.
Tôi có làm hết sức không?
16. Những tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời nên tự hỏi những câu hỏi nào?
16 Dân Y-sơ-ra-ên sẽ không rơi vào lỗi nặng như vậy nếu họ nhớ rằng sự dâng mình của họ cho Đức Giê-hô-va là vô điều kiện. Chẳng giống như dân Y-sơ-ra-ên không có đức tin, Giê-su Christ sống xứng đáng với sự dâng mình cho đến cuối cùng. Là môn đồ của Giê-su, chúng ta bắt chước gương của ngài về sự tận tụy hết lòng, sống đời sống mình “chớ lại theo những sự người ta ưa-thích, một phải theo ý-muốn Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:2; so sánh II Cô-rinh-tô 5:15). Ngày nay, ý muốn của Đức Giê-hô-va là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4). Nhằm mục đích đó, chúng ta rao giảng “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” trước khi sự cuối cùng đến (Ma-thi-ơ 24:14). Chúng ta dồn bao nhiêu nỗ lực vào công việc này? Có lẽ chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có làm hết sức không?’ (II Ti-mô-thê 2:15). Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác và Đức Giê-hô-va vui lòng khi chúng ta phụng sự ngài “theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có” (II Cô-rinh-tô 8:12; Lu-ca 21:1-4). Không ai nên đoán xét người khác về lòng nhiệt thành của họ có chân thật và sâu xa hay không. Mỗi cá nhân nên đánh giá mức độ tận tụy của mình đối với Đức Giê-hô-va (Ga-la-ti 6:4). Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va nên thúc đẩy chúng ta tự hỏi: ‘Làm sao tôi có thể làm cho Đức Giê-hô-va vui lòng?’
17. Sự sùng kính liên hệ với lòng biết ơn như thế nào? Hãy cho thí dụ.
17 Càng biết ơn Đức Giê-hô-va bao nhiêu, chúng ta càng tỏ lòng sùng kính sâu xa đối với Ngài bấy nhiêu. Một thiếu niên 14 tuổi ở Nhật đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và tiêu biểu sự dâng mình này bằng cách làm báp têm trong nước. Sau đó, anh muốn theo đuổi con đường học vấn để trở thành một khoa học gia. Anh không bao giờ nghĩ đến công việc thánh chức trọn thời gian, nhưng là một tôi tớ đã dâng mình, anh không muốn bỏ Đức Giê-hô-va và tổ chức hữu hình của Ngài. Để đạt được mục tiêu cho sự nghiệp, anh đi học đại học. Ở đó anh thấy những sinh viên tốt nghiệp đại học bị bắt buộc phải dành cả đời mình cho công ty hay sự học hành của họ. Anh tự hỏi: ‘Tôi làm gì ở đây? Tôi có thể thật sự theo đuổi lối sống của họ và dành cả đời cho công việc ngoài đời không? Chẳng phải tôi đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va rồi sao?’ Khi có lại lòng biết ơn này, anh trở thành một người tiên phong đều đều. Sự hiểu biết của anh về sự dâng mình trở nên sâu đậm hơn và thúc đẩy anh quyết định trong lòng là đi bất cứ nơi nào cần đến anh. Anh dự Trường Huấn luyện Thánh chức và được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở nước ngoài.
18. a) Sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bao hàm tới mức độ nào? b) Chúng ta có được phần thưởng nào qua sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va?
18 Sự dâng mình cho Đức Chúa Trời bao hàm cả đời chúng ta. Chúng ta phải quên mình và “hằng ngày” noi theo gương tốt của Giê-su (Lu-ca 9:23, NW). Một khi đã quên mình, chúng ta không xin Đức Giê-hô-va cho nghỉ phép. Đời sống của chúng ta phù hợp với các nguyên tắc Đức Giê-hô-va đặt ra cho tôi tớ Ngài. Ngay trong những phương diện mà chúng ta được tự ý lựa chọn, chúng ta sẽ được lợi ích nếu xem xét mình có làm hết sức để sống một đời sống tận tụy cho Đức Giê-hô-va hay không. Hằng ngày chúng ta phụng sự Ngài, làm hết sức mình cho Ngài vui lòng, thì chúng ta sẽ thành công với tư cách là tín đồ đấng Christ và sẽ được sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va, Đấng đáng cho chúng ta tôn sùng với hết linh hồn.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Đối với Giê-su Christ, sự dâng mình bao hàm điều gì?
◻ Tại sao chúng ta nên tránh oán trách Đức Giê-hô-va?
◻ Bằng cách nào chúng ta có thể tránh để cho sự thờ hình tượng thâm nhập một cách tinh vi vào đời sống của chúng ta?
◻ Nhớ đến điều gì sẽ giúp chúng ta không “ngã lòng” khi làm ý muốn Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 17]
Tín đồ sốt sắng của đấng Christ không “mệt-nhọc về sự làm lành”