Chương 29
Xây dựng một gia đình hạnh phúc
1. a) Gia đình được thành lập như thế nào? b) Đức Chúa Trời đã có ý định nào liên quan đến gia đình?
KHI GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời đã tạo ra người đàn ông và người đàn bà đầu tiên Ngài đã phối hợp họ lại với nhau để lập thành một gia đình (Sáng-thế Ký 2:21-24; Ma-thi-ơ 19:4-6). Ý định của Đức Chúa Trời là cặp vợ chồng đó sanh sản con cái thêm nhiều. Đoạn khi con cái họ lớn lên, chúng sẽ cưới vợ lấy chồng và lập gia đình riêng. Đức Chúa Trời có ý định là dần dần theo thời gian trên khắp trái đất sẽ có đầy dẫy những gia đình hạnh phúc. Họ sẽ biến toàn thể trái đất thành một địa-đàng lộng lẫy (Sáng-thế Ký 1:28).
2, 3. a) Tại sao ta không thể đổ lỗi cho Đức Chúa Trời nếu gia đình đổ vỡ? b) Muốn hưởng một đời sống gia đình tốt đẹp, ta cần phải làm gì?
2 Tuy nhiên, ngày nay có những gia đình bị tiêu tán, trong khi nhiều gia đình khác dù đoàn tụ nhưng không có hạnh phúc. Thế nên có người có lẽ sẽ tự hỏi: “Nếu quả Đức Chúa Trời đã thành lập gia đình, chúng ta không có quyền mong mỏi những kết quả tốt đẹp hơn hay sao?” Dù sao đi nữa, nếu hôn nhân đổ vỡ ta không thể đổ lỗi cho Đức Chúa Trời được. Một nhà sản xuất hàng hóa thường chỉ dẫn người tiêu thụ biết cách thức dùng hàng hóa đó. Nhưng nếu người tiêu thụ không noi theo lời chỉ dẫn để rồi làm hư hỏng món hàng đó, thì lỗi có phải tại nhà sản xuất không? Tất nhiên là không. Dù hàng hóa hoàn hảo đến đâu, nhưng nếu không được dùng đúng cách sẽ bị hỏng. Đối với gia đình cũng vậy.
3 Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua Kinh-thánh đã dạy cho người ta biết cách ăn ở trong gia đình. Nhưng nếu người ta không làm theo những lời chỉ dẫn đó, điều gì sẽ xảy ra? Dù sự sắp đặt về gia đình có hoàn hảo đến đâu, gia đình có thể bị phân tán. Lúc đó những người trong gia đình sẽ không còn hạnh phúc nữa. Trái lại, khi những người trong gia đình áp dụng những lời dạy bảo trong Kinh-thánh, đời sống trong gia đình sẽ tốt đẹp, có hạnh phúc. Vì lẽ đó, điều tối quan trọng là chúng ta hiểu rõ Đức Chúa Trời đã tạo ra những người khác nhau trong gia đình như thế nào và Ngài muốn mỗi người có vai trò nào.
ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ TẠO RA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ NHƯ THẾ NÀO?
4. a) Đàn ông khác với đàn bà ở những điểm nào? b) Tại sao Đức Chúa Trời đã tạo ra những điểm khác biệt ấy?
4 Ai cũng biết Đức Giê-hô-va đã không tạo ra người đàn ông giống người đàn bà. Đành rằng họ có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt rõ rệt giữa họ về diện mạo và về cách cấu tạo sinh lý. Họ cũng khác nhau về tình cảm. Tại sao có những điểm khác biệt ấy? Đức Chúa Trời đã tạo họ như thế để cho mỗi người đóng một vai trò khác nhau. Sau khi đã tạo ra người đàn ông, Đức Chúa Trời nói: “Người đàn ông ở một mình không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ cho nó như một kẻ bổ túc nó” (Sáng-thế Ký 2:18, NW).
5. a) Người đàn bà đã được tạo ra với tư cách là phần “bổ túc” cho người đàn ông như thế nào? b) Hôn nhân đầu tiên đã diễn ra ở đâu? c) Tại sao hôn nhân có thể là một nguồn hạnh phúc thật sự?
5 Vật bổ túc là vật gì có thể đi kèm với một vật khác làm cho nó đầy đủ hơn. Đức Chúa Trời đã bổ túc người đàn ông bằng cách tạo ra người đàn bà để giúp ông ta làm theo lời chỉ bảo của Đức Chúa Trời là sanh sản thêm nhiều, làm đầy dẫy và chăm sóc trái đất. Vì vậy, sau khi đã tạo ra người đàn bà từ một phần của đàn ông, Đức Chúa Trời đã cử hành lễ hôn nhân đầu tiên ngay tại vườn Ê-đen bằng cách “đưa (nàng) đến cùng A-đam” (Sáng-thế Ký 2:22; I Cô-rinh-tô 11:8, 9). Hôn nhân có thể là một sự sắp đặt mang lại hạnh phúc vì mỗi bên nam nữ được dựng nên với một nhu cầu mà người kia có thể thỏa mãn được. Những đặc tính khác biệt của họ dung hòa lẫn nhau. Khi vợ chồng hiểu nhau, quí trọng nhau và hợp tác với nhau tùy theo vai trò của họ đã được vạch sẵn, mỗi người đóng góp phần của mình vào việc xây dựng một mái nhà hạnh phúc.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG
6. a) Ai đã được cử làm chủ gia đình? b) Tại sao điều này là thích nghi và thực tiễn?
6 Hôn nhân hay gia đình cần có sự lãnh đạo. Người đàn ông được tạo ra với nhiều đức tính và năng lực cần thiết hơn để gánh lấy sự lãnh đạo đó. Vì lẽ đó Kinh-thánh nói: “Chồng là đầu vợ, khác nào đấng Christ là đầu hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:23). Điều này là thực tiễn, vì nơi nào không có lãnh đạo nơi đó sẽ có khó khăn và hỗn độn. Một gia đình thiếu sự lãnh đạo giống như cố lái một chiếc xe không có tay lái. Hoặc nếu người vợ tìm cách cạnh tranh quyền lãnh đạo, tình trạng đó cũng giống như có hai tài xế trong cùng một chiếc xe, mỗi người cầm một tay lái điều khiển một bánh xe trước khác nhau.
7. a) Tại sao một số phụ nữ không thích quan niệm đàn ông làm gia trưởng? b) Có phải tất cả mọi người đều ở dưới quyền người khác? Tại sao qui chế của Đức Chúa Trời về việc lãnh đạo là điều khôn ngoan?
7 Tuy nhiên, có nhiều người đàn bà không thích quan niệm là người đàn ông phải làm chủ gia đình. Lý do chính của việc này là vì nhiều người chồng không làm theo lời chỉ bảo của Đức Chúa Trời về cách hành quyền gia trưởng một cách đúng đắn. Dù vậy, ai cũng nhìn nhận là bất cứ một tổ chức nào muốn được điều hành trôi chảy, cần phải có người đứng ra lãnh đạo và quyết định mọi việc. Bởi vậy, Kinh-thánh nói lời khôn ngoan này: “Đấng Christ là đầu mọi người; người đờn ông là đầu người đờn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 11:3). Theo qui chế của Đức Chúa Trời chỉ có một mình Ngài không ở dưới quyền ai khác. Ngoài Ngài ra thì mọi người, kể cả Giê-su Christ, cũng như vợ và chồng, cần phải chấp nhận sự hướng dẫn và phục tùng quyết định của người khác.
8. a) Người làm chồng nên noi theo gương mẫu của ai khi hành quyền gia trưởng? b) Gương mẫu đó dạy cho các người chồng những bài học nào?
8 Điều này có nghĩa là muốn làm tròn nghĩa vụ làm chồng của họ, những người đàn ông phải phục tùng sự lãnh đạo của đấng Christ. Họ phải noi gương của ngài khi hành quyền trên vợ họ, giống như ngài lãnh đạo hội-thánh gồm các môn đồ của ngài. Giê-su đã cư xử với các môn đồ ở trên đất của ngài như thế nào? Lúc nào ngài cũng ân cần tử tế và đầy tế nhị. Ngài đã không hề cáu kỉnh hoặc nóng giận với họ, ngay cả khi họ không làm theo lời chỉ dẫn của ngài một cách nhanh nhẹn (Mác 9:33-37; 10:35-45; Lu-ca 22:24-27; Giăng 13:4-15). Thật ra ngài còn sẵn sàng phó mạng sống của ngài cho họ nữa (I Giăng 3:16). Người tín đồ nào làm chồng nên nghiên cứu kỹ lưỡng gương mẫu của đấng Christ và làm hết sức mình để noi theo gương ấy khi đối xử với gia đình mình. Nếu ông làm như vậy, ông sẽ không là một người gia trưởng độc đoán, ích kỷ hay vô ý tứ.
9. a) Nhiều người vợ phàn nàn về điều gì? b) Khi hành quyền gia trưởng những người chồng khôn ngoan nên ghi nhớ điều gì?
9 Tuy nhiên, về mặt khác, những người chồng nên xem xét tình trạng này: Vợ bạn có phàn nàn là bạn không thật sự hành động như người gia trưởng hay không? Vợ bạn có bảo rằng bạn không cầm quyền ở trong nhà, không hoạch định các hoạt động gia đình và không chịu lấy trách nhiệm về những quyết định tối hậu hay không? Song ấy là những điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi bạn là người chồng đó. Dĩ nhiên là để tỏ ra khôn ngoan bạn nên lóng tai nghe những lời đề nghị và những sở thích riêng của những người khác trong gia đình, đoạn khi hành quyền gia trưởng bạn nên để ý đến những lời đề nghị đó. Rõ ràng là nghĩa vụ làm chồng là vai trò khó hơn cả trong gia đình. Nhưng nếu bạn chân thành cố gắng làm tròn nhiệm vụ đó, vợ bạn sẽ cảm thấy muốn giúp bạn và ủng hộ bạn (Châm-ngôn 13:10; 15:22).
LÀM TRÒN VAI TRÒ NGƯỜI VỢ
10. a) Kinh-thánh khuyên nhủ những người vợ nên ăn ở thế nào? b) Khi người vợ không làm theo lời khuyên này của Kinh-thánh thì điều gì xảy ra?
10 Theo Kinh-thánh, người vợ đã được tạo ra để giúp chồng nàng (Sáng-thế Ký 2:18). Phù hợp với vai trò đó, Kinh-thánh khuyên: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình” (Ê-phê-sô 5:22). Ngày nay phái nữ thường công kích và cạnh tranh với phái nam. Nhưng khi các bà vợ lấn át, tìm cách giành quyền lãnh đạo trong nhà, gần như chắc chắn sẽ xảy ra xáo trộn. Thật ra nhiều người chồng nói: “Bà muốn chỉ huy gia đình phải không? Được rồi, bà cứ làm đi”.
11. a) Một người vợ có thể giúp chồng nàng đảm trách việc lãnh đạo như thế nào? b) Nếu một người vợ làm tròn vai trò mà Đức Chúa Trời đã giao cho nàng, có lẽ điều này sẽ có ảnh hưởng gì trên chồng nàng?
11 Tuy nhiên có lẽ bạn cảm thấy bị bắt buộc phải chỉ huy, vì chồng bạn không màng đến việc đó. Nhưng bạn có thể nào làm nhiều hơn để giúp chồng đảm trách nghĩa vụ gia trưởng hay không? Bạn có tỏ ra mong mỏi thấy chồng lãnh đạo hay không? Bạn có hỏi ý kiến chồng và muốn được ông hướng dẫn hay không? Bạn có tránh tỏ ra coi thường điều gì chồng làm hay không? Nếu bạn thật lòng cố gắng đảm trách vai trò mà Đức Chúa Trời đã giao cho bạn trong gia đình, thì chồng bạn có lẽ sẽ bắt đầu đảm trách vai trò của ông nữa (Cô-lô-se 3:18, 19).
12. Điều gì cho thấy những người vợ có thể phát biểu ý kiến của họ một cách thích hợp, dù ý kiến đó không giống với ý kiến của chồng họ?
12 Điều này không có nghĩa là một người vợ không có quyền phát biểu ý kiến của nàng nếu ý kiến đó không giống với ý kiến của chồng nàng. Có lẽ nàng có quan điểm đúng, và gia đình sẽ được lợi ích nếu chồng nàng nghe nàng. Vợ của Áp-ra-ham là Sa-ra đã được xem như gương mẫu cho các người vợ tín đồ đấng Christ vì bà vâng phục chồng (I Phi-e-rơ 3:1, 5, 6). Dù vậy, có lần bà đã nêu ra một giải pháp cho một vấn đề trong gia đình, và khi Áp-ra-ham không đồng ý với bà, Đức Chúa Trời đã bảo ông: “Hãy nghe theo tiếng người nói” (Sáng-thế Ký 21:9-12). Dĩ nhiên là khi chồng nói tiếng chót để quyết định một việc nào đó, vợ phải ủng hộ, nếu làm vậy nàng không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29).
13. Một người vợ hiền sẽ làm gì, và điều đó sẽ có ảnh hưởng gì trên gia đình nàng?
13 Khi làm tròn vai trò của nàng một cách chu đáo, người vợ có thể làm nhiều việc để chăm sóc gia đình. Chẳng hạn nàng có thể làm thức ăn bổ dưỡng, giữ nhà cửa sạch sẽ, tươm tất và góp phần vào việc dạy dỗ con cái. Kinh-thánh khuyên nhủ những người đàn bà có chồng nên “yêu chồng con mình có nết-na, trinh-chánh, trông-nom việc nhà, lại biết ở lành, vâng-phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê-bai nào” (Tít 2:4, 5). Người vợ và người mẹ nào chu toàn những nhiệm vụ này sẽ được cả nhà yêu mến và quí trọng mãi mãi (Châm-ngôn 31:10, 11, 26-28).
ĐỊA VỊ CỦA CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH
14. a) Trong gia đình con cái có địa vị nào? b) Gương mẫu của Giê-su dạy cho trẻ con biết gì?
14 Đức Giê-hô-va đã phán bảo cặp vợ chồng đầu tiên: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều” (Sáng-thế Ký 1:28). Đúng vậy, Đức Chúa Trời đã bảo họ phải sanh con. Đáng lẽ con cái phải là một ân phước cho gia đình (Thi-thiên 127:3-5). Vì chúng nằm dưới luật pháp và lời răn của cha mẹ chúng, Kinh-thánh ví địa vị của một con trẻ như một địa vị của một đầy tớ (Châm-ngôn 1:8; 6:20-23; Ga-la-ti 4:1). Ngay cả Giê-su cũng đã tiếp tục vâng phục cha mẹ ngài lúc còn thơ ấu (Lu-ca 2:51). Điều đó có nghĩa là ngài đã vâng lời họ, làm những điều họ dặn bảo. Nếu mọi trẻ con cũng làm giống như vậy, gia đình sẽ thật sự đầy hạnh phúc.
15. Tại sao trẻ con thường làm khổ tâm cha mẹ chúng?
15 Tuy nhiên, thay vì là một nguồn ân phước cho gia đình, ngày nay trẻ con thường khiến cha mẹ chúng khổ tâm lắm. Tại sao vậy? Cũng vì cha mẹ và con cái đều không áp dụng vào đời sống mình những lời dạy bảo của Kinh-thánh về cách cư xử trong gia đình. Đức Chúa Trời có lập ra những luật pháp và nguyên tắc nào về gia đình? Chúng ta hãy xem xét vài luật pháp đó qua những trang kế tiếp đây. Trong khi nghiên cứu những điều này, bạn tự hỏi xem nếu áp dụng những điều đó, bạn có thể góp phần vào hạnh phúc gia đình hay không.
Hãy yêu thương và tôn trọng vợ bạn
16. Những người chồng được khuyên bảo phải làm gì, và họ phải áp dụng đúng mức những lời răn ấy ra sao?
16 Kinh-thánh biểu lộ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời khi nói: “Chồng phải yêu thương vợ như chính thân mình” (Ê-phê-sô 5:28-30). Kinh nghiệm rất nhiều lần cho biết các người vợ cảm thấy sung sướng khi họ ý thức được yêu. Điều đó có nghĩa là người chồng phải đặc biệt lưu ý đến vợ mình, tỏ vẻ âu yếm với nàng, thông cảm nàng và làm nàng cảm thấy yên tâm. Kinh-thánh nói chồng phải “kính-nể nàng”. Muốn vậy, chồng phải để ý đến nàng trong mọi việc gì mình làm. Làm thế nàng sẽ kính mến chồng (I Phi-e-rơ 3:7).
Hãy kính trọng chồng bạn
17. Những người vợ được khuyên bảo phải làm gì, và họ làm điều đó ra sao?
17 Còn những người vợ thì sao? Kinh-thánh tuyên bố: “Còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33). Lý do chính khiến cho nhiều người chồng lấy làm bực bội với vợ họ là vợ họ không làm theo lời răn này. Người vợ chứng tỏ sự kính trọng bằng cách ủng hộ những quyết định của chồng, và hết lòng hợp tác với chồng để đạt đến những mục tiêu của gia đình. Nếu nàng chu toàn nghĩa vụ do Kinh-thánh giao phó cho nàng là “người giúp-đỡ và bổ-túc” cho chồng nàng, nàng sẽ khiến cho chồng nàng dễ dàng yêu thương nàng hơn (Sáng-thế Ký 2:18).
Hãy chung thủy với nhau
18. Tại sao vợ chồng phải chung thủy với nhau?
18 Kinh-thánh nói: “Vợ chồng phải trung thành với nhau”. Kinh-thánh nói với các người chồng: “Hãy lấy làm vui-thích nơi vợ con cưới...lẽ nào con mê một người dâm-phụ và nâng-niu lòng của người ngoại?” (Hê-bơ-rơ 13:4; Châm-ngôn 5:18-20). Vâng, luật pháp của Đức Chúa Trời cấm ngoại tình, vì sự ngoại tình làm điêu đứng hôn nhân. Một người nghiên cứu về hôn nhân ghi nhận rằng “nhiều người nghĩ là một vụ ngoại tình làm cho hôn nhân linh hoạt hơn” nhưng bà đó lại nói thêm là những mối tình trộm bao giờ cũng đưa đến “những vấn đề thật sự” (Châm-ngôn 6:27-29, 32).
Hãy tìm cách làm vui thú người hôn phối bạn
19. Vợ chồng có thể tận hưởng ái ân như thế nào?
19 Tìm kiếm sự khoái lạc cho chính mình không thôi, không đưa đến hạnh phúc. Đúng hơn, hạnh phúc chỉ được đạt đến khi nào người ta cũng tìm cách làm cho người hôn phối mình vui thú nữa. Kinh-thánh nói: “Chồng phải làm hết bổn-phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy” (I Cô-rinh-tô 7:3). Ở đây Kinh-thánh nhấn mạnh đến việc ban cho, bổn phận. Khi ban cho thì người ban cho cũng cảm thấy sung sướng thật sự, giống như Giê-su Christ có nói: “Ban cho có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
Hãy cho con cái thì giờ của bạn
20. Tại sao việc sinh hoạt cùng với con cái là điều quan trọng đến thế?
20 Một con trẻ lên tám nói: “Ba tôi cứ làm việc hoài. Ở nhà không thấy bóng ông. Ba tôi cho tiền và đồ chơi mặc sức, nhưng tôi gần như không bao giờ gặp mặt ông. Tôi yêu ba tôi và tôi không muốn thấy ông làm việc hoài để tôi có thể gặp mặt ông thường hơn”. Đời sống gia đình thật tốt hơn biết mấy khi các bậc cha mẹ làm theo điều răn trong Kinh-thánh là dạy dỗ con cái “hoặc khi ngươi ngồi ở trong nhà hay là đi đường, hoặc khi ngươi nằm hay là chổi dậy”. Khi bạn cho con cái chính bản thân mình, dành nhiều thì giờ cho chúng, chắc chắn gia đình sẽ được hạnh phúc (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:19; Châm-ngôn 22:6).
Hãy sửa phạt khi cần
21. Kinh-thánh nói gì về việc sửa trị con cái?
21 Cha trên trời của chúng ta làm gương tốt cho các bậc cha mẹ bằng cách dạy dỗ, sửa trị hay thi hành kỷ luật đối với dân sự Ngài. Con cái cần đến kỷ luật (Hê-bơ-rơ 12:6; Châm-ngôn 29:15). Kinh-thánh nhìn nhận điều đó, bởi vậy khuyên: “Hỡi các người làm cha... hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa (Đức Giê-hô-va) mà nuôi nấng chúng nó (con cái)”. Biện pháp kỷ luật, dù dưới hình thức đánh đòn hay là hạn chế các đặc ân, là biểu hiệu lòng yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Kinh-thánh nói: “Ai thương con ắt cần lo sửa-trị nó” (Ê-phê-sô 6:4; Châm-ngôn 13:24; 23:13, 14).
Hỡi giới trẻ, hãy kháng cự lại đường lối của thế gian
22. Giới trẻ có bổn phận nào, và muốn làm tròn bổn phận đó cần phải làm gì?
22 Thế gian tìm cách lôi cuốn giới trẻ vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, Kinh-thánh nói “sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ” (Châm-ngôn 22:15). Như vậy, muốn làm điều thiện ta cần phải phấn đấu. Kinh-thánh còn nói: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó phải lắm”. Ai có thể làm thế sẽ được phần thưởng dồi dào. Thế thì, hỡi kẻ làm con, hãy ăn ở khôn ngoan. Hãy nghe theo lời khuyên này: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-hóa ngươi”. Hãy kháng cự lại các cám dỗ để dùng ma túy, uống rượu say sưa, phạm tội tà dâm và những điều khác mà luật pháp của Đức Chúa Trời cấm đoán (Ê-phê-sô 6:1-4; Truyền-đạo 12:1; Châm-ngôn 1:10-19).
Hãy học hỏi Kinh-thánh với nhau
23. Cả gia đình cùng nhau học hỏi Kinh-thánh sẽ mang lại lợi ích nào?
23 Nếu một người trong gia đình học hỏi và áp dụng những điều Kinh-thánh dạy dỗ, gia đình sẽ thêm hạnh phúc. Nhưng nếu tất cả mọi người, vợ chồng và con cái, đều làm việc đó, quả là một gia đình đầy ân phước biết bao! Ai nấy sẽ thấy ấm cúng, khắn khít, nói năng cởi mở, trong khi mỗi người đều tìm cách giúp những người khác phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vậy thì cả gia đình nên có thói quen cùng nhau học hỏi Kinh-thánh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9; Giăng 17:3).
GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG GIA ĐÌNH MỘT CÁCH TỐT ĐẸP
24. Tại sao trong hôn nhân mỗi người nên tỏ ra khoan hồng khi người kia làm lỗi?
24 Ngay đến trong những gia đình có hạnh phúc, đôi khi cũng sẽ có những vấn đề xảy ra. Ấy là vì hết thảy chúng ta đều bất toàn và làm những điều sai lầm. Kinh-thánh nói: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm” (Gia-cơ 3:2). Do đó vợ chồng chớ nên đòi hỏi người hôn phối mình phải hoàn toàn. Trái lại, mỗi người phải tỏ ra khoan hồng khi người kia làm lỗi. Vì vậy chớ có ai nên mong đợi có một hôn nhân hoàn toàn hạnh phúc, vì đối với những người bất toàn điều đó không thể nào đạt đến được.
25. Những vấn đề trong hôn nhân phải được giải quyết với lòng yêu thương như thế nào?
25 Dĩ nhiên là vợ chồng phải cố gắng tránh làm người kia bực tức. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu, nhiều lúc người này sẽ làm những chuyện khiến người kia khó chịu. Thế thì ta phải giải quyết vấn đề làm sao? Đây là lời khuyên của Kinh-thánh: “Sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Phi-e-rơ 4:8). Điều đó có nghĩa là hễ vợ chồng yêu nhau thì không nên bới móc lỗi lầm của nhau mãi. Thật thế tình yêu gián tiếp nói rằng: “Ồ, mình có lỡ làm quấy. Nhưng tôi nhiều khi cũng lỡ như vậy. Thế thì tôi bỏ qua cho mình, rồi mình cũng bỏ qua cho tôi nữa nhé” (Châm-ngôn 10:12; 19:11).
26. Khi có vấn đề xảy ra, điều gì sẽ giúp ta giải hòa?
26 Khi cả hai vợ chồng sẵn sàng nhận lỗi và tìm cách sửa chữa thì có thể tránh biết bao điều phiền toái và cãi cọ. Họ nên đặt mục tiêu là giải quyết các vấn đề, chứ không phải thắng cuộc cãi vả. Ngay đến khi người hôn phối của bạn có lỗi, bạn hãy tỏ có lòng tốt để dễ dàng giải hòa. Nếu bạn có lỗi, bạn hãy tỏ ra nhu mì mà xin lỗi. Chớ nên trì hoãn, song hãy giải quyết vấn đề ngay lập tức. “Chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26).
27. Muốn giải quyết được những vấn đề giữa vợ chồng thì phải làm theo lời khuyên nào trong Kinh-thánh?
27 Đặc biệt khi bạn là người có gia đình, bạn cần áp dụng lời khuyên này là “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4). Bạn cần phải vâng theo lời răn này của Kinh-thánh: “Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn và tha-thứ nhau: như Chúa (Đức Giê-hô-va) đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành” (Cô-lô-se 3:12-14).
28. a) Việc ly dị có phải là giải pháp cho những vấn đề trong hôn nhân không? b) Theo Kinh-thánh lý do duy nhất nào cho phép một người ly dị và lập gia đình lần nữa?
28 Ngày nay có nhiều cặp vợ chồng không chịu để cho lời khuyên ghi trong Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn họ để giải quyết những vấn đề của họ, và họ đi đến ly dị. Đức Chúa Trời có chấp nhận sự ly dị như là một giải pháp cho các vấn đề không? Không đâu! (Ma-la-chi 2:15, 16). Hôn nhân đối với Ngài là chuyện suốt đời (Rô-ma 7:2). Kinh-thánh chỉ nêu ra một lý do duy nhất cho phép một người được ly dị và lập gia đình lần nữa, ấy là việc tà dâm (tiếng Hy-lạp là porneia, tà dục vô luân). Khi có sự tà dâm, người hôn phối vô tội có quyền quyết định xin ly dị hay là không (Ma-thi-ơ 5:32).
29. a) Nếu người hôn phối của bạn không theo đạo đấng Christ cùng với bạn, bạn phải làm gì? b) Có thể có hậu quả nào?
29 Còn nếu người hôn phối của bạn không chịu học hỏi Lời Đức Chúa Trời cùng với bạn, hay ngay đến còn chống đối những hoạt động của bạn liên quan đến đạo đấng Christ thì sao? Kinh-thánh vẫn khuyến khích bạn tiếp tục sống với người bạn đời đó và chớ nên xem việc ly thân là một lối thoát dễ dãi. Bạn hãy làm hết những gì mà chính cá nhân bạn có thể làm được để làm cho bầu không khí trong gia đình bạn sáng sủa hơn bằng cách áp dụng những điều gì Kinh-thánh nói về hạnh kiểm riêng của bạn. Với thời gian có lẽ bạn sẽ chinh phục được người hôn phối của bạn vì bạn có hạnh kiểm của một tín đồ đấng Christ (I Cô-rinh-tô 7:10-16; I Phi-e-rơ 3:1, 2). Và quả thật là một ân phước đối với bạn khi bạn thấy sự kiên nhẫn đầy yêu thương của bạn được tưởng thưởng như thế!
30. Tại sao việc cha mẹ làm gương tốt cho con cái là điều quan trọng?
30 Ngày nay nhiều vấn đề trong gia đình có liên quan đến con cái. Nếu điều đó xảy ra trong gia đình bạn, bạn có thể làm gì? Trước hết, với tư cách là cha mẹ bạn cần phải làm gương tốt. Lý do là vì trẻ con hay làm theo điều gì bạn làm hơn là làm điều gì bạn nói. Và nếu bạn nói một điều nhưng lại làm điều khác, trẻ con biết ngay. Như thế thì nếu bạn muốn cho con cái bạn sống ngay thẳng theo đạo đấng Christ, chính bạn phải làm gương tốt (Rô-ma 2:21, 22).
31. a) Con cái cần biết đến lý do nào quan trọng hơn để vâng theo lời dạy bảo của cha mẹ chúng? b) Làm thế nào bạn có thể chỉ cho con trẻ của bạn thấy làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời cấm sự tà dâm là khôn ngoan?
31 Bạn cũng cần phải lý luận với con cái nữa. Chỉ việc nói với con trẻ rằng bạn không muốn chúng phạm tội tà dâm vì điều đó là xấu, vẫn chưa đủ. Bạn cần phải chỉ cho chúng thấy rằng chính Đấng Tạo-hóa chúng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, nói rằng những việc như tà dâm là xấu (Ê-phê-sô 5:3-5; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7). Nhưng có khi như vậy còn chưa đủ. Con cái cần được giúp đỡ để nhìn thấy tại sao chúng phải vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời, và điều đó có lợi cho chúng như thế nào. Chẳng hạn bạn có thể lưu ý con trẻ của bạn về cách kỳ diệu mà một hài nhi được tạo ra nhờ sự phối hợp một tinh trùng của người đàn ông với một cái trứng của người đàn bà, đoạn hỏi nó: “Con có nghĩ là Đấng đã làm ra phép lạ này về sự thọ sanh biết rõ hơn ai hết là người ta phải dùng khả năng sanh dục trời cho như thế nào hay không?” (Thi-thiên 139:13-17). Hay là bạn có thể hỏi: “Con có nghĩ là Đấng Tạo-hóa Cao cả lại đặt ra một luật pháp để ngăn cản chúng ta vui hưởng sự sống hay sao? Trái lại, nếu chúng ta làm theo luật pháp của Ngài thì chúng ta phải được sung sướng hơn, có đúng không?”
32. a) Bạn phải có thái độ nào khi con trẻ của bạn không có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời? b) Làm sao bạn có thể giúp cho con bạn thấy được sự khôn ngoan của lời Kinh-thánh nói?
32 Những câu hỏi tương tự như vậy có thể giúp con trẻ của bạn bắt đầu lý luận về luật pháp của Đức Chúa Trời trong việc xử dụng các cơ quan sanh dục. Bạn hãy lắng tai nghe ý kiến của nó. Nếu ý kiến của nó không phải như bạn mong mỏi, chớ nổi giận. Hãy cố gắng hiểu rằng thế hệ của con bạn đã xa cách những lời dạy bảo công bình của Kinh-thánh nhiều lắm, và hãy cố gắng chỉ cho nó thấy những thực hành vô luân của thế hệ nó chẳng khôn ngoan chút nào. Có lẽ bạn có thể lưu ý con bạn về những trường hợp điển hình cho thấy hậu quả tai hại của sự vô luân như có con hoang, bệnh hoa liễu hay những nỗi khốn khổ khác. Bằng cách này nó sẽ thấy lời Kinh-thánh nói quả có lý và đúng đắn.
33. Tại sao hy vọng dựa trên Kinh-thánh về sự sống đời đời trong Địa-đàng trên đất có thể giúp chúng ta xây dựng một gia đình hạnh phúc?
33 Hy vọng dựa trên Kinh-thánh về sự sống đời đời trong Địa-đàng trên đất đặc biệt có thể giúp chúng ta xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc. Tại sao thế? Vì nếu quả thật chúng ta muốn sống trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời, hẳn chúng ta sẽ cố gắng làm hết sức mình để sống ngay bây giờ giống như chúng ta hy vọng được sống vào lúc đó vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta phải theo đúng những lời dạy bảo của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta làm thế, Đức Chúa Trời sẽ khiến cho chúng ta được hạnh phúc ngay bây giờ và chúng ta sẽ vui hưởng sự sống đời đời cùng hạnh phúc tràn trề trong tương lai vô tận đang chờ đón chúng ta (Châm-ngôn 3:11-18).