Từ buổi tiệc Sê-đe đến sự cứu rỗi
“Tôi sẽ cầm cái chén cứu-rỗi, mà cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va” (THI-THIÊN 116:13).
1. Bài hát nào được rất nhiều người ưa thích và có thể ảnh hưởng đến tương lai của bạn?
Bạn thích nghe chăng một bài hát nói về tương lai sáng tỏ và hạnh phúc lâu dài cho bạn? Thật ra có một bài hát thực sự như thế từ lâu rồi, và đã được rất nhiều người ưa thích. Song bạn đang ở trong địa vị hiếm có là có thể thấu hiểu và thưởng thức ý nghĩa của bài hát nầy. Người Do-thái thời xưa gọi bài đó là “Ha-lê” (Ngợi khen). Bài đó chép trong sách Thi-thiên, từ số 113 đến số 118, mời chúng ta cùng hát “Ha-lê-lu-gia”, tức “Ngợi khen Đức Giê-hô-va”.
2. Bài hát nầy được dùng thế nào, và có liên quan thế nào đến buổi tiệc Sê-đe?
2 Người Do-thái hát bài “Ha-lê” (Hallel) khi họ cử hành lễ Vượt qua, việc hát xướng nầy hẳn đã bắt nguồn từ lúc Đức Chúa Trời còn đền thờ với súc vật làm của-lễ hy sinh. Ngày nay, người Do-thái hát bài nầy trong nhà khi họ làm lễ Vượt qua và dự buổi tiệc gọi là Sê-đe (Seder). Ít có ai hát trong buổi tiệc lại hiểu thấu được ý nghĩa của câu Thi-thiên 116:13 rằng: “Tôi sẽ cầm cái chén cứu-rỗi, mà cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va”. Tại sao sự cứu rỗi có liên quan đến lễ Vượt qua, và có thể nào chính sự cứu rỗi của bạn cũng có liên can không?
Lễ Vượt qua—Một lễ cho sự cứu rỗi
3. Buổi tiệc Sê-đe đã được đặt ra thế nào?
3 Hãy hồi tưởng dân Y-sơ-ra-ên khi xưa làm nô lệ cho vua Pha-ra-ôn cay nghiệt của xứ Ai-cập. Sau cùng, Đức Giê-hô-va đã dấy Môi-se lên để giải thoát dân của Ngài. Sau khi Đức Chúa Trời đã giáng chín tai vạ trên xứ Ai-cập, Môi-se loan báo tai vạ thứ mười. Đức Giê-hô-va sẽ diệt mọi con đầu lòng trong mỗi nhà Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 11:1-10). Song nhà dân Y-sơ-ra-ên thì có thể được tha. Thế nào? Họ phải làm thịt một con chiên, phết huyết nó trên cây cột và mày cửa của nhà, và họ ở trong nhà ăn thịt chiên, bánh mì không men với rau đắng. Trong khi họ dự buổi tiệc Sê-đe đó thì Đức Chúa Trời sẽ “vượt qua” nhà của họ mà không diệt con trưởng của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-13).
4, 5. Lễ Vượt qua đã dẫn nhiều người đến sự cứu rỗi như thế nào? (Thi-thiên 106:7-10).
4 Sau tai vạ thứ mười nầy, vua Pha-ra-ôn nói cùng Môi-se: “Hai ngươi và dân Y-sơ-ra-ên hãy chờ dậy, ra khỏi giữa vòng dân ta mà đi hầu việc Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:29-32). Nhưng khi dân Hê-bơ-rơ và “vô-số người ngoại-bang” cùng đức tin đã rời xứ, Pha-ra-ôn đổi ý và đuổi theo. Đức Chúa Trời bèn làm phép lạ khiến dân Ngài thoát được qua nẻo Biển Đỏ, trong khi Pha-ra-ôn và đám quân đuổi theo họ bị chết hết (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38; 14:5-28; Thi-thiên 78:51-53; 136:13-15).
5 Môi-se đã nói cùng dân Y-sơ-ra-ên tại Biển Đỏ: “Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải-cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi”. Sau đó, họ ca hát rằng: “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca-tụng của tôi. Ngài đã trở nên đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi-khen Ngài” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13; 15:2). Đúng vậy, sự giải thoát dân Y-sơ-ra-ên cả lần khỏi tai vạ thứ mười và lần qua Biển Đỏ quả là một sự cứu rỗi. Người viết Thi-thiên đã diễn tả thật đúng Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời “vẫn làm sự cứu-rỗi trên khắp trái đất” (Thi-thiên 68:6, 20; 74:12-14; 78:12, 13, 22).
6, 7. Lễ Vượt qua được lập ra để làm gì, nhưng tại sao bây giờ sự hành lễ khác với buổi lễ ban đầu?
6 Dân Hê-bơ-rơ phải giữ lễ Vượt qua để tưởng nhớ lại thời cứu rỗi đó. Đức Chúa Trời phán: “Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ-niệm; trải qua các đời hãy giữ làm một lễ cho Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:14). Ở mỗi buổi tiệc của lễ Vượt qua, gọi là Sê-đe, người cha phải nhắc nhở gia đình mình về sự cứu rỗi đó. Đức Giê-hô-va căn dặn: “Khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Lễ nầy là nghĩa chi? Hãy đáp rằng: Ấy là của tế-lễ Vượt-qua của Đức Giê-hô-va, vì khi Ngài hành-hại xứ Ê-díp-tô thì Ngài đi vượt qua các nhà dân Y-sơ-ra-ên, và cứu nhà chúng ta đó” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:25-27).
7 Cho tới ngày nay, dân Do-thái vẫn còn ăn buổi tiệc Sê-đe trong dịp lễ Vượt qua, điều nầy chứng nhận sự tường thuật trên có tính cách lịch sử có thật. Song cách thực hành của họ có thay đổi so với cách Đức Chúa Trời đã chỉ bảo. Cuốn “Các nguồn gốc của buổi tiệc Sê-đe” (The Origins of the Seder) ghi: “Kinh-thánh chứa đựng nhiều lời bàn luận sâu đậm về lễ Vượt qua và lễ Bánh không men; song các điều diễn tả nầy không còn phù hợp với cách thức hành lễ sau nầy. Đặc biệt, thể thức theo Kinh-thánh là chú trọng vào của-lễ hy sinh, song điều nầy không giữ địa vị then chốt nữa theo các sách vở in sau nầy”. Lý do chính là tại người Do-thái thiếu một đền thờ dùng súc vật làm của-lễ hy sinh.
8. Chúng ta chú ý đến lễ Vượt qua vì lý do đặc biệt nào?
8 Tín đồ đấng Christ có lợi ích học hỏi về tất cả các lễ kỷ niệm mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên thời xưa,a song bây giờ chúng ta đặc biệt chú ý đến vài khía cạnh của lễ Vượt qua. Giê-su thời xưa là một người Do-thái và ngài đã giữ lễ Vượt qua. Trong dịp cuối cùng hành lễ nầy, ngài đã vạch rõ một sự hành lễ do Đức Chúa Trời ban cho các tín đồ đấng Christ—đó là Buổi “Tiệc thánh của Chúa”, lễ Kỷ niệm sự chết của Giê-su. Như thế, sự cử hành buổi lễ của người tín đồ đấng Christ có liên quan đến lễ Vượt qua.
Hơn là một con chiên của lễ Vượt qua
9, 10. Con chiên của lễ Vượt qua là một của-lễ đặc biệt hoặc duy nhất như thế nào?
9 Hê-bơ-rơ 10:1 cho chúng ta biết “Luật-pháp chỉ là bóng của sự tốt-lành ngày sau”. Cuốn “Bách khoa Tự điển của các sách báo về Kinh-thánh, thần học và tu sĩ” (Cyclopoedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature) của M’Clintock và Strong, có ghi: “Không sự hình bóng chứa đựng trong luật pháp nào tốt lành hơn là lễ Vượt qua”. Đặc biệt là về con chiên của lễ Vượt qua, mang ý nghĩa sâu xa hơn là chỉ lễ Kỷ niệm cách thức Đức Chúa Trời đã cứu các con đầu lòng rồi cùng cả dân Hê-bơ-rơ ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
10 Con chiên nầy là đặc biệt hay duy nhất dưới nhiều khía cạnh. Ví dụ, nhiều súc vật làm của-lễ hy sinh trong luật pháp của Môi-se là do cá nhân mang đến đặng chuộc tội của đương sự, và một vài phần của con vật đó được thiêu đốt trên bàn thờ (Lê-vi Ký 4:22-35). Một phần thịt của của-lễ thù ân được chia ra cho thầy dâng lễ và các thầy tế lễ khác (Lê-vi Ký 7:11-38). Tuy nhiên, con chiên làm của-lễ Vượt qua không đặt trên bàn lễ, và nguyên một nhóm người, thường là trọn gia đình, dâng lễ đó và rồi ăn thịt luôn của-lễ đã dâng (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:4, 8-11).
11. Đức Giê-hô-va có quan điểm gì về con chiên của lễ Vượt qua, và điều đó chỉ đến điều chi khác? (Dân-số Ký 9:13).
11 Đức Giê-hô-va quý con chiên của lễ Vượt qua đến mức gọi đó là “con sinh-tế ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:18; 34:25). Nhiều học giả đã nói rằng “của-lễ Vượt qua là của-lễ tột bực (par excellence) của Đức Giê-hô-va”. Con chiên nầy quả là dẫn đến, hoặc tượng trưng, sự hy sinh của Giê-su. Chúng ta biết điều nầy vì sứ đồ Phao-lô gọi Giê-su là “con sinh-lễ Vượt-qua của chúng ta đã bị giết rồi” (I Cô-rinh-tô 5:7). Giê-su được nhận là “chiên Con của Đức Chúa Trời”, và “Chiên Con đã chịu giết” (Giăng 1:29; Khải-huyền 5:12; Công-vụ các Sứ-đồ 8:32).
Huyết cứu rỗi
12. Huyết của chiên con có vai trò quan trọng gì trong lễ Vượt qua đầu tiên?
12 Hồi xưa tại Ê-díp-tô, huyết chiên con rất quan hệ cho sự cứu rỗi. Khi Đức Giê-hô-va diệt các con đầu lòng, Ngài “vượt qua” các nhà mà cây cột của nhà có phết huyết chiên con. Hơn nữa, bởi vì người Hê-bơ-rơ không phải khóc lóc về sự chết của các con đầu lòng cho nên họ có hăng sức mà vượt qua Biển Đỏ để đi đến tự do được.
13, 14. Huyết của Giê-su là cần thiết thế nào cho sự cứu rỗi? (Ê-phê-sô 1:13).
13 Ngày nay, vấn đề huyết cũng có phần trong sự cứu rỗi—huyết của Giê-su đã được đổ ra. Khi “lễ Vượt-qua, là lễ của dân Giu-đa gần tới”, vào năm 32 tây lịch, Giê-su đã phán cùng đám đông người rằng: “Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau-rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ-ăn, huyết ta thật là đồ-uống” (Giăng 6:4, 54, 55). Tất cả người Giu-đa đang lắng tai nghe Giê-su đều liên tưởng đến ngày lễ Vượt qua kề cận và nghĩ đến huyết con chiên đã được dùng tại Ê-díp-tô.
14 Lúc bấy giờ Giê-su chưa bàn luận đến các món biểu hiệu dùng trong “Tiệc thánh của Chúa”. Lễ mới nầy cho các tín đồ đấng Christ chỉ được lập ra một năm sau đó, thành thử ngay đến các sứ đồ nghe Giê-su vào năm 32 tây lịch đã không biết gì về các món biểu hiệu. Dầu vậy, Giê-su đã cho thấy rằng huyết của ngài là cần thiết cho sự cứu rỗi đời đời về sau. Phao-lô giải thích: “Ấy là trong đấng Christ, chúng ta được cứu-chuộc bởi huyết ngài, được tha tội, theo sự dư-dật của ân-điển ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Chỉ qua sự tha tội căn cứ trên huyết của Giê-su mà chúng ta có thể sống đời đời.
Sự cứu rỗi nào và ở đâu?
15. Đối với những người Hê-bơ-rơ tại Ê-díp-tô, họ có thể có được sự cứu rỗi và ân phước gì, nhưng không được điều gì? (I Cô-rinh-tô 10:1-5).
15 Chỉ một sự cứu rỗi hạn chế xảy ra trong xứ Ê-díp-tô hồi xưa. Không một ai rời Ê-díp-tô chờ đợi được sống mãi mãi sau chuyến di cư đó. Thật vậy, Đức Chúa Trời có chỉ định người thuộc chi phái Lê-vi làm thầy tế lễ cho dân, và vài người trong chi phái Giu-đa được bổ nhiệm làm vua ít năm, song tất cả những người nầy rồi cũng chết (Công-vụ các Sứ-đồ 2:29; Hê-bơ-rơ 7:11, 23, 27). Chung với họ có “đám đông người” cũng di cư khỏi xứ Ê-díp-tô. Những người nầy không có các ân huệ kể trên, song cùng với dân Hê-bơ-rơ, họ nuôi hy vọng tới được Đất Hứa và hưởng một đời sống an bình thờ phượng Đức Chúa Trời. Thế nhưng, các tôi tớ của Đức Chúa Trời trước thời của Giê-su đã có một nền tảng để mong vào một đời sống vĩnh cửu trên đất trong tương lai, vì đó là ý định của Đức Chúa Trời cho loài người. Điều nầy phù hợp với lời hứa của Giê-su nơi Giăng 6:54.
16. Các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời có thể hy vọng có được loại cứu rỗi nào?
16 Đức Chúa Trời đã soi dẫn các tôi tớ thời xưa để họ viết về ý định Ngài đối với trái đất là được tạo ra để cho dân cư ở và để người công bình sẽ ở trên đó đời đời (Thi-thiên 37:9-11; Châm-ngôn 2:21, 22; Ê-sai 45:18). Song, làm thế nào các người thờ phượng thật được cứu rỗi nếu phải chết? Bằng cách Đức Chúa Trời làm cho họ sống lại trên đất. Để ví dụ, Gióp đã nói lên niềm hy vọng Đức Chúa Trời sẽ nhớ đến ông và cho sống lại (Gióp 14:13-15; Đa-ni-ên 12:13). Vậy rõ ràng một hình thức của sự cứu rỗi là sự sống đời đời trên đất (Ma-thi-ơ 11:11).
17. Kinh-thánh cho thấy những người khác có thể được sự cứu rỗi dưới hình thức nào khác?
17 Kinh-thánh cũng có nói về sự cứu rỗi dẫn đến sự sống trên trời. Giê-su Christ đã lên trời sau khi được sống lại. Ngài là “đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên-sứ, các vương-hầu, các quyền-thế thảy đều phục ngài” (I Phi-e-rơ 3:18, 22; Ê-phê-sô 1:20-22; Hê-bơ-rơ 9:24). Nhưng Giê-su không phải là người duy nhất được lên trời. Đức Chúa Trời đã quyết định rằng Ngài cũng sẽ chọn một số nhỏ trong loài người và cho lên trời. Giê-su đã nói cùng các sứ đồ: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở... Ta đi sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2, 3).
18. Bây giờ chúng ta có lý do nào để chú trọng đến sự cứu rỗi dẫn đến sự sống trên trời?
18 Hình thức cứu rỗi bằng sự sống trên trời cùng với Giê-su thật lớn lao vượt xa so với hình thức hạn chế hơn của thời kỳ lễ Vượt qua đầu tiên (II Ti-mô-thê 2:10). Vào buổi chiều của buổi tiệc Sê-đe chót trong lễ Vượt qua, Giê-su đã thiết lập lễ mới cho các tín đồ ngài, lễ nầy chú trọng đến sự cứu rỗi dẫn đến sự sống trên trời. Ngài nói cùng các sứ đồ: “Hãy [tiếp tục] làm sự nầy để nhớ đến ta” (Lu-ca 22:19). Trước khi xem tín đồ đấng Christ nên giữ lễ như thế nào, chúng ta hãy xem khi nào nên cử hành buổi lễ đó.
“Một kỳ định”
19. Tại sao hợp lý nói lễ Vượt qua có liên quan tới lễ “Tiệc thánh của Chúa”?
19 Giê-su nói: “Ta rất muốn ăn lễ Vượt-qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau-đớn” (Lu-ca 22:15). Sau đó, ngài đề cập đến “Tiệc thánh của Chúa”, lễ mà các môn đồ của ngài sẽ cử hành hầu kỷ niệm sự chết của ngài (Lu-ca 22:19, 20). Thời xưa lễ Vượt qua cử hành mỗi năm một lần. Vậy hợp lý là lễ “Tiệc thánh của Chúa” cũng được cử hành mỗi năm một lần. Khi nào? Hợp lý là vào mùa xuân cùng ngày với lễ Vượt qua. Điều nầy có nghĩa nhằm ngày 14 Ni-san (theo lịch Do-thái), thay vì luôn luôn phải vào ngày Thứ Sáu là ngày trong tuần mà Giê-su đã chết.
20. Tại sao các Nhân-chứng Giê-hô-va chú ý đến ngày 14 Ni-san?
20 Vậy Phao-lô hẳn đã nghĩ đến ngày 14 Ni-san khi ông viết: “Mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26). Trong hai thế kỷ sau thời Phao-lô, nhiều tín đồ đấng Christ đã giữ ngày 14 Ni-san, họ được thiên hạ gọi là “Quartodecimans” tiếng La-tinh có nghĩa “những người giữ ngày 14”. Hai tác giả M’Clintock và Strong đã viết: “Các nhà thờ vùng Tiểu Á cử hành sự chết của Chúa vào ngày tương đương với ngày 14 tháng Ni-san, vì theo quan điểm của nhà thờ xưa nhất, đó là ngày Chúa Ky-tô bị đóng đinh trên thập tự giá” (Chúng tôi trích nguyên văn). Ngày nay các Nhân-chứng Giê-hô-va cử hành lễ “Tiệc thánh của Chúa” hằng năm vào ngày tương đương với ngày 14 Ni-san. Vài người dầu vậy có nhận ra là ngày nầy có thể khác ngày những người Do-thái cử hành lễ Vượt qua. Tại sao?
21. Con chiên của lễ Vượt qua phải bị hy sinh khi nào, nhưng người Do-thái ngày nay làm gì?
21 Một ngày theo lịch Hê-bơ-rơ bắt đầu từ lúc mặt trời lặn (khoảng 6 giờ chiều) cho đến lúc mặt trời lặn ngày hôm sau. Đức Chúa Trời đã phán con chiên của lễ Vượt qua phải bị giết vào ngày 14 Ni-san “vào lối chiều tối” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6, “giữa hai chiều tối”, NW). Vậy là lúc nào? Người Do-thái tân thời theo quan điểm của các lãnh tụ tôn giáo “Ra-bi” cho rằng con chiên bị giết gần cuối ngày 14 Ni-san, giữa lúc mặt trời bắt đầu xế bóng (khoảng 3 giờ) và lúc mặt trời đã lặn hoàn toàn. Do đó, họ cử hành bữa tiệc Sê-đe sau khi mặt trời lặn, tức khi ngày 15 Ni-san đã bắt đầu (Mác 1:32).
22. Một lý do gì khiến ngày lễ Kỷ niệm khác đôi chút với ngày mà người Do-thái giữ lễ Vượt qua? (Mác 14:17; Giăng 13:30).
22 Song chúng ta có lý do chính đáng để hiểu thanh ngữ theo nghĩa khác. Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:6 có nói rõ dân Y-sơ-ra-ên phải “giết con chiên của lễ Vượt-qua vào buổi chiều, lúc mặt trời lặn” (bản dịch Tanakh của Do-thái giáo). Điều nầy chứng tỏ “giữa hai chiều tối” chỉ đến khoảng thời gian sẫm tối, tức từ lúc mặt trời đang lặn (là lúc ngày 14 Ni-san bắt đầu) cho đến lúc trời hoàn toàn tối đen như mực. Người Do-thái thuộc phái Karaiteb hiểu theo nghĩa nầy, và người dân Sa-ma-ric cho đến ngày nay cũng hiểu như vậy. Chúng ta chấp nhận con chiên của lễ Vượt qua phải bị giết và ăn thịt lúc “kỳ định” tức là trong ngày 14 Ni-san, chứ không qua ngày 15 Ni-san. Đó là một lý do tại sao ngày lễ Kỷ niệm của chúng ta khác đôi chút với ngày của người Do-thái (Dân-số Ký 9:2-5).
23. Tại sao cần thỉnh thoảng thêm một tháng vào lịch Hê-bơ-rơ, và lịch Do-thái hiện đại làm thế cách nào?
23 Một lý do khác tại sao ngày của chúng ta có thể khác với ngày của người Do-thái là vì họ dùng một lịch tính sẵn, theo một hệ thống tính ngày bắt đầu đặt ra từ thế kỷ thứ tư tây lịch. Khi dùng lịch tính sẵn nầy, họ có thể đặt ngày 1 Ni-san hoặc các ngày lễ khác hằng chục năm hoặc hằng thế kỷ trước. Hơn nữa, lịch xưa dựa theo chu kỳ mặt trăng nên lâu lâu cần thêm một tháng thứ 13 hầu hợp với các mùa. Lịch Do-thái tính sẵn hiện nay thêm tháng đó vào những lúc đã định; trong mỗi chu kỳ 19 năm thì họ thêm tháng đó vào các năm thứ 3, 6, 8, 11, 14, 17 và 19.
24, 25. a) Vào thời Giê-su, các tháng được xác định căn cứ theo gì và khi nào thì ấn định cần thêm một tháng? b) Nhân-chứng Giê-hô-va tính thế nào ra ngày lễ “Tiệc thánh của Chúa”?
24 Song sử gia Emil Shũrer viết rằng “vào thời Giê-su [người Do-thái] chưa có lịch với kỳ định sẵn, nhưng lịch hoàn toàn theo nhận xét, họ bắt đầu mỗi tháng căn cứ theo trăng mới hiện ra và cũng dựa vào sự quan sát” mà họ thêm một tháng khi cần. “Nếu... gần hết năm mà họ quan sát rằng lễ Vượt qua sẽ nhằm vào ngày trước xuân phân [khoảng 21 tây tháng ba] thì họ định rằng cần cho thêm vào một tháng trước tháng Ni-san” (Trích “Lịch sử của dân Do-thái trong thời Giê-su Ky-tô” [The History of the Jewish People in the Age of Jesus Christ], Bộ I). Tháng thêm vào đó đến do quan sát hiển nhiên, không phải là thêm vào do định sẵn trước.
25 Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của các Nhân-chứng Giê-hô-va định ngày của lễ “Tiệc thánh của Chúa” theo cách xưa. Ngày 1 Ni-san được ấn định khi có thể quan sát thấy rõ được mặt trăng mới cận tiết xuân phân nhất lúc mặt trời lặn tại Giê-ru-sa-lem. Từ đó tính 14 ngày là đến ngày 14 Ni-san, thường nhằm ngày trăng tròn. (Xem Tháp Canh Anh-ngữ, số ra ngày 15-6-1977, trg 383, 384 [Pháp-ngữ, ngày 15-9-1977, trg 575, 576]). Căn cứ vào phương pháp nầy theo Kinh-thánh, các Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp trái đất được báo cho biết rằng ngày lễ Kỷ niệm năm nay sẽ được cử hành vào ngày 30-3-1991, sau khi mặt trời lặn.
26. Chúng ta cần chú ý đến các khía cạnh nào khác của lễ “Tiệc thánh của Chúa”?
26 Ngày nầy tương ứng với ngày 14 Ni-san là ngày khi xưa Giê-su đã cử hành lễ Vượt qua chót có giá trị chính đáng. Tuy nhiên, việc cử hành lễ Kỷ niệm nhằm vào một sự cứu rỗi vượt hẳn trên tầm mức của ý nghĩa tiệc Sê-đe của người Do-thái. Tất cả chúng ta cần biết trong “Tiệc thánh của Chúa” có điều gì xảy ra, với ý nghĩa nào và sự cứu rỗi của chúng ta liên quan thế nào.
[Chú thích]
a Xin xem Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 15-2-1980, trang 8-24 (Pháp-ngữ, ngày 15-5-1980, trang 8-24).
b M’Clintock và Strong đã miêu tả phái Karaite của Do-thái giáo là “một trong những giáo phái xưa nhất và độc đáo nhất của nhà hội Do-thái, có đặc tính là theo sát từng ly từng tí những điều viết trong luật pháp”.
c “Họ giết con vật vào buổi chiều... Nửa đêm mỗi gia đình ăn thịt... và sau đó đốt phần còn lại và các xương trước khi trời sáng... Vài học giả đã ngụ ý nói đạo của dân Sa-ma-ri có thể giống nhiều với đạo ra từ Kinh-thánh trước khi đạo Do-thái (Giu-đa) dòng Ra-bi sửa đổi lại”—Trích “Các nguồn gốc của mả buổi tiệc Sê-đe” (The Origins of the Seder).
Bạn sẽ trả lời như thế nào?
◻ Tại sao lễ Vượt qua có sự liên quan chính đáng tới sự cứu rỗi?
◻ Tại sao sự hy sinh của Giê-su có thể dẫn đến nhiều điều hơn là sự hy sinh của con chiên lễ Vượt qua thời xưa?
◻ Chúng ta có thể đạt đến sự cứu rỗi nào nhờ sự hy sinh của Giê-su?
◻ Các Nhân-chứng Giê-hô-va tính đúng thế nào ngày cử hành “Tiệc thánh của Chúa”?