Tìm được sự an toàn trong một thế gian đầy rủi ro
BĂNG qua một bãi mìn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng lẽ không lợi ích hơn sao nếu bạn có một bản đồ chỉ chỗ có mìn. Hơn nữa, giả sử bạn đã học được cách nhận dạng nhiều loại mìn khác nhau. Sự hiểu biết như thế rõ ràng sẽ làm giảm đi nguy cơ thương tật hoặc tử vong.
Có thể ví Kinh Thánh như một bản đồ kết hợp với kiến thức nhận dạng mìn. Kinh Thánh chứa đựng sự khôn ngoan vô song giúp người ta tránh được nguy hiểm và giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống.
Hãy lưu ý đến lời hứa trấn an nơi Châm-ngôn 2:10, 11: “Vì sự khôn-ngoan sẽ vào trong lòng con, và linh-hồn con sẽ lấy sự hiểu-biết làm vui-thích. Sự dẽ-dặt sẽ coi-sóc con, sự thông-sáng sẽ gìn-giữ con”. Sự khôn ngoan và thông sáng được đề cập ở đây không có nguồn gốc từ loài người nhưng từ Đức Chúa Trời. “Nhưng ai khứng nghe [sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời] ắt sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”. (Châm-ngôn 1:33) Chúng ta hãy xem làm thế nào Kinh Thánh có thể gia tăng sự an toàn và giúp chúng ta tránh được nhiều vấn đề.
Tránh những tai nạn chết người
Những con số do Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) công bố gần đây cho thấy số tử vong hàng năm trên toàn cầu do tai nạn giao thông khoảng 1.171.000 người. Ngoài ra, gần 40 triệu người khác bị thương, và trên 8 triệu người bị tàn tật nhiều năm.
Dù không thể nào giữ an toàn tuyệt đối trong khi lái xe, nhưng nếu chúng ta tuân thủ luật đi đường thì mức an toàn cá nhân có phần cao hơn đáng kể. Về những viên chức chính quyền ban hành luật lệ giao thông, Kinh Thánh nói: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình”. (Rô-ma 13:1) Những người lái xe tuân theo lời khuyên này giảm được nguy cơ gặp tai nạn, thường là với hậu quả khôn lường.
Một lý do khác buộc phải lái xe an toàn là việc tôn trọng mạng sống. Kinh Thánh nói về Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa”. (Thi-thiên 36:9) Vậy sự sống là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta không có quyền tước đoạt của ai sự ban cho đó hoặc biểu lộ thái độ khinh thường mạng sống, dĩ nhiên kể cả mạng sống của chính mình.—Sáng-thế Ký 9:5, 6.
Tôn trọng mạng sống con người tất nhiên gồm cả việc bảo đảm rằng xe cộ và nhà cửa chúng ta an toàn tối đa. Vào thời dân Do Thái xưa, sự an toàn chiếm vị thế ưu tiên trong mọi khía cạnh của đời sống. Thí dụ, khi xây một ngôi nhà mới, Luật Pháp Đức Chúa Trời bắt buộc mái nhà—là nơi thường sinh hoạt gia đình—phải có tường rào chạy chung quanh mái. “[Ngươi] phải làm câu-lơn nơi mái nhà, kẻo nếu người nào ở trên đó té xuống, ngươi gây cho nhà mình can đến huyết chăng”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8) Đức Chúa Trời quy trách nhiệm cho gia chủ nếu không tuân theo luật an toàn này và có người té xuống đất. Áp dụng nguyên tắc yêu thương trong luật pháp này hiển nhiên sẽ giảm thiểu tối đa tai nạn nơi làm việc và ngay cả trong việc giải trí.
Chống lại thói nghiện ngập chết người
Theo WHO, hiện nay trên thế giới có hơn một tỉ người hút thuốc lá, và khoảng bốn triệu người chết mỗi năm liên quan đến việc hút thuốc. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 10 triệu trong vòng từ 20 đến 30 năm tới. Hàng triệu người hút thuốc, cũng như nhiều người dùng chất “kích thích để tìm khoái lạc”, sẽ hủy hoại sức khỏe và chất lượng đời sống họ vì nghiện ngập.
Dù Lời Đức Chúa Trời không đề cập rõ ràng việc hút thuốc lá và lạm dụng ma túy, nhưng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể che chở chúng ta khỏi những thực hành này. Thí dụ, 2 Cô-rinh-tô 7:1 khuyên: “Hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh”. Hiển nhiên, thuốc lá và ma túy có nhiều hóa chất độc hại làm ô uế hoặc nhơ bẩn thể xác. Ngoài ra, Đức Chúa Trời muốn thân thể chúng ta phải “thánh”, có nghĩa là phải tinh khiết và sạch sẽ. (Rô-ma 12:1) Bạn không đồng ý rằng áp dụng những nguyên tắc này sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro nguy hiểm đến tính mạng hay sao?
Khắc phục những thói quen nguy hiểm
Nhiều người ăn uống quá độ. Việc ăn uống quá độ có thể sinh ra bệnh tiểu đường, ung thư và bệnh tim. Lạm dụng rượu dẫn đến vấn đề khác như nghiện rượu, mắc bệnh xơ gan, gia đình tan vỡ và gây tai nạn giao thông. Thái độ cực đoan khác là nỗi ám ảnh về việc ăn kiêng cũng có thể gây tai hại và có thể dẫn đến những rối loạn tiêu hóa đe dọa tính mạng, như chứng biếng ăn.
Dù không phải là sách y học, nhưng Kinh Thánh cho lời khuyên thẳng thắn về việc cần tiết độ trong việc ăn uống. “Hỡi con, hãy nghe và trở nên khôn-ngoan, khá dẫn lòng con vào đường chánh. Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu, hoặc với những kẻ láu ăn; vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo”. (Châm-ngôn 23:19-21) Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng việc ăn uống phải là điều thú vị. “Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—Truyền-đạo 3:13.
Kinh Thánh cũng khuyến khích một thái độ thăng bằng về luyện tập thân thể, khẳng định rằng “sự tập-tành thân-thể ích-lợi chẳng bao-lăm”. Nhưng Kinh Thánh nói thêm: “Còn như sự tin-kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa”. (1 Ti-mô-thê 4:8) Bạn có thể hỏi: ‘Làm thế nào sự tin kính có ích ngay ngày nay?’ Có ích về nhiều mặt. Ngoài việc thêm vào đời sống một người khía cạnh thiêng liêng trọng yếu, sự tin kính còn bồi đắp những đức tính như tình yêu thương, sự vui mừng, bình an và tiết độ—tất cả những đức tính ấy giúp lạc quan và khỏe mạnh.—Ga-la-ti 5:22, 23.
Hậu quả cay đắng của sự vô luân
Ngày nay, hàng triệu người đã vứt bỏ mọi giới hạn đạo đức. Dịch AIDS là một trong những hậu quả. Theo WHO, từ khi dịch AIDS bắt đầu, hơn 16 triệu người đã chết và hiện nay khoảng 34 triệu người nhiễm HIV, vi-rút gây ra dịch AIDS. Nhiều người mắc bệnh AIDS qua các hoạt động tình dục bừa bãi, qua các ống tiêm nhiễm khuẩn của người nghiện ma túy hoặc qua việc truyền máu đã nhiễm mầm bệnh.
Những hậu quả khác của sự phóng túng về mặt đạo đức bao gồm bệnh mụn giộp, bệnh lậu, bệnh viêm gan siêu vi B và C và bệnh giang mai. Dù những từ y học như thế không được nói đến trong thời Kinh Thánh, nhưng vào thời đó người ta đã biết đến những cơ quan có thể bị hủy hoại vì một số bệnh phổ thông lây lan qua đường sinh dục. Thí dụ, Châm-ngôn 7:23 miêu tả hậu quả đáng sợ của sự tà dâm như “mũi tên xoi ngang qua gan”. Thông thường bệnh giang mai tấn công vào gan, bệnh viêm gan cũng thế. Đúng vậy, lời Kinh Thánh khuyên các tín đồ Đấng Christ ‘kiêng huyết và chớ tà-dâm’ thật hợp thời và yêu thương biết bao!—Công-vụ 15:28, 29.
Cái bẫy của sự tham tiền bạc
Trong nỗ lực làm giàu nhanh chóng, nhiều người liều lĩnh quá mức với tiền bạc của họ. Đáng buồn thay, sự liều lĩnh như thế thường dẫn đến thua lỗ hoặc phá sản. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói với tôi tớ Đức Chúa Trời: “Thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương-thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn thì hơn”. (Ê-phê-sô 4:28) Đành rằng người làm việc chăm chỉ không hẳn luôn luôn giàu có, nhưng bù lại người có bình an trong tâm trí, có lòng tự trọng, và có lẽ có cả tiền để đóng góp cho một công việc hữu ích.
Kinh Thánh khuyến cáo: “Còn như kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà... chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”. (1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Không ai phủ nhận rằng nhiều người “muốn nên giàu có” trở nên giàu thật. Nhưng họ phải trả bằng giá nào? Chẳng phải là nó làm hại đến sức khỏe, gia đình, tình trạng thiêng liêng và thậm chí ngủ cũng không yên giấc nữa, không đúng thế sao?—Truyền-đạo 5:12.
Một người khôn ngoan hiểu rõ “sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật”. (Lu-ca 12:15) Tiền bạc và một số của cải là cần thiết trong hầu hết các xã hội. Thật thế, Kinh Thánh nói “tiền-bạc che thân” nhưng cũng nói thêm rằng “sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó”. (Truyền-đạo 7:12) Không giống như tiền bạc, sự hiểu biết và sự khôn ngoan đúng đắn có thể giúp chúng ta trong mọi tình huống, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến mạng sống.—Châm-ngôn 4:5-9.
Khi chỉ có sự khôn ngoan mới che chở được chúng ta
Không bao lâu nữa, sự khôn ngoan thật sẽ ‘giữ mạng sống cho người được nó’, một cách xưa nay chưa hề có—nó sẽ che chở người khỏi “hoạn-nạn lớn” hiện đang đến nhanh chóng, khi Đức Chúa Trời hủy diệt kẻ ác. (Ma-thi-ơ 24:21) Bấy giờ, như Kinh Thánh nói, người ta sẽ ném bỏ tiền bạc ra đường phố như “đồ ô-uế”. Tại sao vậy? Bởi vì họ sẽ rút ra bài học cay đắng rằng vàng và bạc không mua được sự sống trong “ngày cơn giận của Đức Giê-hô-va”. (Ê-xê-chi-ên 7:19) Mặt khác, đám đông “vô-số người”, đã thận trọng “chứa của-cải ở trên trời” bằng cách đặt quyền lợi thiêng liêng lên hàng đầu trong cuộc sống, sẽ hưởng lợi ích từ việc đầu tư chắc chắn và nhận sự sống đời đời trong địa đàng.—Khải-huyền 7:9, 14; 21:3, 4; Ma-thi-ơ 6:19, 20.
Làm thế nào chúng ta có được tương lai an toàn này? Chúa Giê-su đáp: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Hàng triệu người đã tìm thấy sự hiểu biết này trong Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Những người này chẳng những có hy vọng tuyệt vời về tương lai mà họ còn cảm nghiệm được ở chừng mực nào đó sự bình an và an toàn ngay từ bây giờ. Đúng như người viết Thi-thiên đã diễn đạt: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình-an; vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên-ổn”.—Thi-thiên 4:8.
Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ một nguồn thông tin nào khác có thể giúp bạn giảm những rủi ro đe dọa sức khỏe và tính mạng mình như Kinh Thánh không? Không có cuốn sách nào khác có quyền lực như Kinh Thánh, và không có sách nào khác có thể giúp bạn tìm thấy an toàn thật sự trong thế gian đầy rủi ro ngày nay. Tại sao bạn không xem xét Kinh Thánh nhiều hơn nữa?
[Khung/Hình nơi trang 6]
Khỏe mạnh và an toàn hơn—Nhờ Kinh Thánh
Để lãng tránh thực tại, một thiếu phụ tên Janea thường dùng cần sa, thuốc lá, côcain, amphetamine, LSD và những thuốc kích thích khác. Cô cũng nghiện rượu nặng. Theo Jane, chồng cô cũng chẳng khá hơn. Tương lai họ có vẻ u ám. Rồi Jane gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Cô bắt đầu tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ và đọc tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức!, rồi đưa cho chồng đọc. Cả hai bắt đầu học Kinh Thánh với các Nhân Chứng. Khi ý thức được những tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va, họ đã nhanh chóng từ bỏ mọi chất gây nghiện ngập. Kết quả ra sao? Vài năm sau Jane viết: “Cuộc sống mới mang lại cho chúng tôi nhiều niềm vui. Tôi rất biết ơn Đức Giê-hô-va về tác dụng tẩy sạch của Lời Ngài, về đời sống tự do và lành mạnh hiện nay của chúng tôi”.
Câu chuyện sau đây thể hiện rõ giá trị của một nhân công lương thiện tên Kurt, công việc của anh là trông coi hệ thống máy tính. Vì cần mua thiết bị mới, nên Kurt được chủ tin cậy và giao nhiệm vụ tìm mua với giá rẻ. Kurt tìm được một nhà cung cấp thích hợp và hai bên thỏa thuận về giá cả. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng của nhà cung cấp đã nhầm lẫn khi viết bảng báo giá, do vậy giá thành hạ thấp gần 40.000 Mỹ Kim. Phát hiện nhầm lẫn này, Kurt gọi điện đến công ty, và viên giám đốc nói rằng trong suốt 25 năm hành nghề ông chưa từng thấy ai lương thiện như thế. Kurt giải thích rằng lương tâm anh được uốn nắn theo Kinh Thánh. Kết quả là ông giám đốc yêu cầu cho 300 cuốn Tỉnh Thức!, số báo nói về tính lương thiện trong thương mại, để phân phát cho bạn đồng nghiệp. Về phần Kurt, nhờ tính lương thiện anh được thăng chức.
[Chú thích]
a Không phải tên thật.
[Hình nơi trang 7]
“Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích”.—Ê-SAI 48:17