Làm sao để hiểu từ gợi hình trong Kinh Thánh?
Muốn diễn đạt hết ý nghĩa của một hình ảnh thì đôi khi cần rất nhiều từ, nhưng để tạo ra một hình ảnh thì chỉ cần một vài từ. Từ gợi hình, hoặc những cụm từ gợi lên hình ảnh trong trí người đọc, được sử dụng rất nhiều trong Kinh Thánha. Theo một ước tính, chỉ trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã dùng đến hơn 50 hình ảnh.
Tại sao nên chú ý đến ý nghĩa của những hình ảnh trong Kinh Thánh? Một lý do là khi hiểu được những ý nghĩa ấy, lời tường thuật sẽ trở nên sống động hơn, khiến chúng ta càng yêu thích việc đọc Kinh Thánh. Thông điệp Kinh Thánh cũng sẽ trở nên rõ ràng với chúng ta hơn. Ngược lại, khi không nắm rõ những hình ảnh này, chúng ta có thể không những chỉ hiểu lệch lạc mà còn đi đến những kết luận hoàn toàn sai lầm.
Hiểu các hình ảnh
Một hình ảnh thường được dùng để so sánh khái niệm này với khái niệm khác. Khái niệm được so sánh gọi là đối tượng, còn khái niệm so sánh thì là hình ảnh so sánh. Điểm so sánh giữa hai khái niệm là điểm tương đồng. Để hiểu đúng ý nghĩa của một hình ảnh, điều quan trọng là chúng ta cần xác định và nắm rõ ba yếu tố trên.
Đôi khi không khó để xác định đối tượng và hình ảnh so sánh. Nhưng điểm tương đồng thì có thể tìm được nhiều. Vậy điều gì giúp chúng ta xác định điểm tương đồng chính xác? Thường là dựa vào văn cảnh hoặc các phần khác trong Kinh Thánhb.
Thí dụ, Chúa Giê-su nói với hội thánh ở Sạt-đe: “Nếu ngươi chẳng tỉnh-thức, ta sẽ đến như kẻ trộm”. Chúa Giê-su so sánh việc ngài đến (đối tượng) với việc kẻ trộm đến (hình ảnh so sánh). Điểm tương đồng ở đây là gì? Văn cảnh sẽ giúp chúng ta hiểu. Chúa Giê-su nói tiếp: “Ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình-lình” (Khải-huyền 3:3). Vậy điểm tương đồng không phải là mục đích của việc ngài đến. Chúa Giê-su không hàm ý là ngài đến để trộm bất cứ thứ gì. Đúng hơn, điểm tương đồng là tính bất ngờ của việc ngài đến, không báo trước thời điểm.
Đôi khi một hình ảnh xuất hiện trong một phần của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta hiểu một hình ảnh tương tự ở phần khác. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô đã dùng cùng hình ảnh mà Chúa Giê-su đã dùng, ông nói: “Chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2). Văn mạch không cho biết rõ điểm tương đồng. Tuy nhiên, khi so sánh hình ảnh này với hình ảnh Chúa Giê-su dùng nơi Khải-huyền 3:3, chúng ta có thể hiểu điểm tương đồng. Hình ảnh này thật là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su để họ tiếp tục cảnh giác!
Những hình ảnh giúp chúng ta hiểu về Đức Chúa Trời
Không người nào có thể hiểu hết về Đấng Toàn Năng và quyền năng của Ngài. Thời xưa, vua Đa-vít đã viết: “Sự cao-cả Ngài không thể dò-xét được” (Thi-thiên 145:3). Sau khi xem xét công trình sáng tạo của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, ông Gióp đã thốt lên: “Đó chỉ là một cái nhìn thoáng qua về công việc Ngài; tiếng thì thầm chúng ta nghe về Ngài thật nhỏ làm sao! Ai hiểu thấu tiếng sấm vang rền quyền năng Ngài?”.—Gióp 26:14, Bản Dịch Mới.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu một phần nào đó các đức tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời qua những từ gợi hình trong Kinh Thánh. Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là Vua, Đấng Lập Luật, Quan Xét và Chiến Binh, qua đó gợi lên hình ảnh của một Đấng chúng ta nên kính sợ. Kinh Thánh cũng miêu tả Ngài là Cha, Đấng Chăn Chiên, Đấng Khuyên Bảo, Đấng Dạy Dỗ, Đấng Chữa Lành và Đấng Giải Cứu, gợi lên hình ảnh một Đấng mà chúng ta có thể yêu thương (Thi-thiên 16:7; 23:1; 32:8; 71:17; 89:26; 103:3; 106:21; Ê-sai 33:22; 42:13; Giăng 6:45). Mỗi hình ảnh ấy tuy đơn giản nhưng chứa đựng nhiều điểm tương đồng, gợi lên những hình ảnh phong phú và nồng ấm về Đức Chúa Trời. Những hình ảnh ấy chuyển tải được nhiều ý nghĩa hơn sự diễn đạt của nhiều từ.
Kinh Thánh cũng dùng hình ảnh của các vật vô tri để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời. Thí dụ, ngài được miêu tả là “Hòn Đá lớn của Y-sơ-ra-ên” và “đồn-lũy” (2 Sa-mu-ên 23:3; Thi-thiên 18:2; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Điểm tương đồng ở đây là gì? Như một hòn đá lớn vững chắc không thể chuyển dời, Đức Giê-hô-va là nơi nương tựa chắc chắn cho chúng ta.
Sách Thi-thiên cũng rất giàu hình ảnh miêu tả về các đức tính của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, Thi-thiên 84:11 miêu tả Đức Giê-hô-va như ‘mặt trời và cái khiên’ vì Ngài là Nguồn của ánh sáng, sự sống, năng lực và Nguồn bảo vệ. Mặt khác, Thi-thiên 121:5 cũng nói rằng “Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi”. Bóng che bảo vệ chúng ta khỏi cái nắng cháy của mặt trời. Tương tự, Đức Giê-hô-va có thể gìn giữ những người thờ phượng Ngài khi họ gặp thử thách gay gắt, như thể đặt họ dưới “bóng bàn tay” hay “bóng cánh” của Ngài.—Ê-sai 51:16; Thi-thiên 17:8; 36:7.
Những hình ảnh giúp chúng ta hiểu về Chúa Giê-su
Kinh Thánh nhiều lần gọi Chúa Giê-su là “Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:34; 3:16-18). Nhiều người thấy khó hiểu điều này vì nghĩ Đức Chúa Trời không phải là người nên không thể có vợ con. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời không phải là cha theo nghĩa đó. Đây chỉ là hình ảnh giúp chúng ta hiểu rằng giữa Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su có tình yêu thương cha con. Hình ảnh này cũng nhằm cho thấy Chúa Giê-su được ban cho sự sống, được tạo ra bởi Đức Giê-hô-va. Tương tự, người đàn ông đầu tiên là A-đam cũng được gọi là “con Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 3:38.
Chúa Giê-su sử dụng nhiều hình ảnh để miêu tả các vai trò của ngài trong việc thực thi ý định của Đức Chúa Trời. Thí dụ, ngài nói: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho”. Rồi Chúa Giê-su so sánh các môn đồ ngài với những nhánh của cây nho (Giăng 15:1, 4). Hình ảnh này có ý nghĩa quan trọng nào? Để tiếp tục sống và ra trái, các nhánh cây nho phải luôn gắn chặt với thân cây. Tương tự, các môn đồ của Chúa Giê-su phải luôn gắn bó với ngài. Chúa Giê-su nói: “Ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Hơn nữa, như người trồng nho chờ đợi cây ra trái, Đức Giê-hô-va mong muốn những người thờ phượng Ngài sinh ra bông trái theo nghĩa bóng.—Giăng 15:8.
Hiểu đúng các điểm so sánh
Chúng ta có thể hiểu sai nếu đọc một từ gợi hình mà không nắm chính xác điểm tương đồng. Thí dụ, hãy xem câu Rô-ma 12:20: “Nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người”. Việc chất than lửa đỏ lên đầu một người có phải muốn nói đến sự trả thù không? Nếu chúng ta hiểu được điểm tương đồng thì không phải vậy. Hình ảnh này đến từ quá trình luyện kim thời xưa. Quặng kim loại được đặt vào trong lò đã có một lớp than nóng bên dưới, và người ta cũng chất một lớp than khác lên trên quặng. Quá trình này làm tan chảy quặng và tách các tạp chất để lấy kim loại thuần túy. Cũng thế, cách đối xử nhân từ của chúng ta với “kẻ thù mình” có thể làm dịu thái độ của người đó và khơi dậy điều tốt nơi người đó.
Ngoài ra, việc hiểu chính xác các hình ảnh trong Kinh Thánh không những mở rộng kiến thức mà còn tác động đến lòng chúng ta. Thí dụ, chúng ta cảm nhận được gánh nặng của tội lỗi khi Kinh Thánh so sánh tội lỗi với món nợ (Lu-ca 11:4). Vì thế, khi Đức Giê-hô-va tha thứ và xóa đi món nợ mà lẽ ra chúng ta phải trả, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm biết bao! Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời “khỏa-lấp” và “xóa đi” tội lỗi, nên chúng ta yên tâm là Ngài sẽ không nhắc lại tội lỗi ấy trong tương lai (Thi-thiên 32:1, 2; Công-vụ 3:19). Hơn nữa, thật an ủi khi biết rằng tội của chúng ta dù đỏ như hồng điều hay son cũng có thể được Đức Giê-hô-va tẩy sạch và trở nên trắng như tuyết!—Ê-sai 1:18.
Đây chỉ là một số trong hàng trăm hình ảnh mà Kinh Thánh dùng. Nếu bạn đang đọc Kinh Thánh, hãy chú ý đến những hình ảnh này, dành thời gian để tìm ra các điểm tương đồng và suy ngẫm về những điểm ấy. Nhờ thế, sự hiểu biết của bạn sẽ phong phú hơn và bạn sẽ càng yêu thích Lời Đức Chúa Trời.
[Chú thích]
a Trong bài này, “từ gợi hình” chỉ đến các biện pháp tu từ nói chung, chẳng hạn ẩn dụ, so sánh và các phép dùng từ ngữ theo nghĩa bóng khác.
b Bộ bách khoa về Kinh Thánh do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản (Insight on the Scriptures) cung cấp nhiều thông tin về bối cảnh có thể giúp giải thích điểm tương đồng.
[Khung nơi trang 13]
Tác dụng của những hình ảnh
Các hình ảnh trong Kinh Thánh có nhiều tác dụng. Một là làm rõ nghĩa bằng cách so sánh một khái niệm khó hiểu với một điều dễ hiểu hơn. Hai là làm sáng tỏ nhiều khía cạnh của một đề tài nào đó. Ba là nhấn mạnh những ý tưởng quan trọng hoặc làm cho chúng trở nên sống động hơn.
[Khung nơi trang 14]
Xác định các yếu tố
HÌNH ẢNH: “Các ngươi là muối của đất” (Ma-thi-ơ 5:13).
ĐỐI TƯỢNG: Các ngươi (môn đồ của Chúa Giê-su)
HÌNH ẢNH SO SÁNH: Muối
ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG TRONG BỐI CẢNH: Tác dụng bảo tồn
Ý NGHĨA: Các môn đồ có một thông điệp có thể bảo toàn mạng sống của nhiều người
[Câu nổi bật nơi trang 15]
“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì”.