Được lợi ích nhờ—“Lúa-mì từ trên trời”
ÍT LÂU sau khi được giải cứu khỏi Ê-díp-tô một cách thần diệu, dân Y-sơ-ra-ên biểu lộ một sự thiếu đức tin nghiêm trọng nơi Đấng Giải Cứu họ là Đức Giê-hô-va. Vì vậy, Đức Giê-hô-va khiến họ đi lang thang trong đồng vắng Si-na-i 40 năm. Trong suốt thời gian đó, dân Y-sơ-ra-ên và “vô-số người ngoại-bang” cùng đi với họ đã ăn và uống “đầy-đủ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37, 38) Thi-thiên 78:23-25 cho chúng ta biết việc này được thực hiện như thế nào: “Ngài [Đức Giê-hô-va] khiến các từng mây trên cao, và mở các cửa trời. Cho mưa ma-na xuống trên họ đặng ăn, và ban cho lúa-mì từ trên trời. Người ta ăn bánh của kẻ mạnh-dạn; Ngài gởi cho họ đồ-ăn đầy-đủ”.
Là một người ăn ma-na, Môi-se miêu tả lương thực đặc biệt này. Ông viết là vào buổi sáng, sau khi “lớp sương đó tan đi, trên mặt đồng vắng thấy có vật chi nhỏ, tròn, như hột sương đóng trên mặt đất. Khi dân Y-sơ-ra-ên thấy, bèn hỏi nhau rằng: Cái chi vậy?”, nói theo tiếng Hê-bơ-rơ là “man huʼ?” Câu này có lẽ là nguồn gốc của từ “ma-na”, tên mà dân Y-sơ-ra-ên đặt cho đồ ăn đó. Môi-se nói: “Nó giống như hột ngò, sắc trắng, mùi như bánh ngọt pha mật ong”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 16:13-15, 31.
Ma-na không phải đồ ăn đến từ thiên nhiên, như một số người biện luận. Bánh này được cung cấp nhờ một quyền lực siêu nhiên. Thí dụ, bánh này không phải chỉ có ở một nơi nào hoặc vào mùa nào đó. Nếu để bánh qua đêm, sâu hóa ở trong và sanh mùi hôi hám; nhưng khi mỗi gia đình lượm một số lượng gấp đôi vào ngày trước ngày Sa-bát hàng tuần thì bánh để qua đêm lại không bị hư, vì vậy có thể ăn được vào ngày Sa-bát—ngày không có ma-na. Chắc chắn, ma-na là lương thực có được bởi phép lạ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 16:19-30.
Việc “kẻ mạnh-dạn”, hay “thiên sứ”, được nói đến trong Thi-thiên 78 gợi ý là Đức Giê-hô-va có thể đã dùng thiên sứ để cung cấp ma-na. (Thi-thiên 78:25) Dù thế nào, dân sự có mọi lý do để cám ơn Đức Chúa Trời về lòng tốt của Ngài. Thế nhưng phần đông đã tỏ thái độ vô ơn đối với chính Đấng đã giải cứu họ khỏi cảnh nô lệ ở Ê-díp-tô. Chúng ta cũng có thể coi thường những gì Đức Giê-hô-va cung cấp hoặc ngay cả trở nên vô ơn nếu chúng ta không suy ngẫm về lòng yêu thương nhân từ của Ngài. Vì vậy chúng ta có thể biết ơn là Đức Giê-hô-va đã cho ghi lại sự giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và các biến cố sau đó để “dạy-dỗ chúng ta”.—Rô-ma 15:4.
Bài học cho dân Y-sơ-ra-ên giúp ích cho tín đồ Đấng Christ
Khi cung cấp ma-na, Đức Giê-hô-va không chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn nhu cầu thể chất của khoảng ba triệu dân Y-sơ-ra-ên. Ngài cũng muốn ‘hạ họ xuống và thử họ’ hầu tinh luyện và uốn nắn họ vì lợi ích của họ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:16; Ê-sai 48:17) Nếu họ đáp ứng sự tinh luyện và uốn nắn đó, Đức Giê-hô-va sẽ vui thích ‘về sau làm ơn cho họ’ bằng cách ban cho họ sự bình an, thịnh vượng và hạnh phúc trong Đất Hứa.
Một điều trọng yếu mà họ cần phải biết là “loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3) Nếu Đức Chúa Trời không cung cấp ma-na thì dân sự đã chết đói—một sự thật rất dễ cho họ thừa nhận. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:3, 4) Những người Y-sơ-ra-ên biết ơn được nhắc nhở hằng ngày về việc họ tùy thuộc hoàn toàn vào Đức Giê-hô-va và bởi lẽ đó họ hạ mình. Một khi vào Đất Hứa với sự dư dật về vật chất, họ sẽ ít có khuynh hướng quên Đức Giê-hô-va và sự kiện họ tùy thuộc vào Ngài.
Giống như dân Y-sơ-ra-ên, tín đồ Đấng Christ cần phải luôn ý thức việc họ tùy thuộc vào Đức Chúa Trời về những thứ cần thiết cho đời sống—thể chất và thiêng liêng. (Ma-thi-ơ 5:3; 6:31-33) Khi đáp lời Ma-quỉ trong một lần bị cám dỗ, Chúa Giê-su Christ trích dẫn lời Môi-se như được ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3, nói: “Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Đúng vậy, những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời được nuôi dưỡng qua việc đọc những lời của Đức Giê-hô-va ghi trong Lời Ngài. Ngoài ra, đức tin họ vững mạnh hơn khi họ cảm nghiệm ảnh hưởng tốt của những lời này trong đời sống họ trong lúc họ cùng đi với Đức Chúa Trời và đặt quyền lợi Nước Ngài lên hàng đầu.
Người bất toàn có thể mất đi lòng biết ơn về những điều đã trở nên thông thường trong đời sống—mặc dù những điều này phản ánh sự quan tâm đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, lúc đầu khi ma-na được ban cho một cách siêu nhiên, người Y-sơ-ra-ên đã ngạc nhiên và thỏa lòng, nhưng với thời gian nhiều người đã phàn nàn. Họ than van một cách vô lễ: “Linh-hồn chúng tôi đã ghê-gớm thứ đồ-ăn đạm-bạc nầy”—hành động cho thấy họ bắt đầu “trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống”. (Dân-số Ký 11:6; 21:5; Hê-bơ-rơ 3:12) Vì thế, gương của họ là để “khuyên-bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối-cùng các đời”.—1 Cô-rinh-tô 10:11.
Chúng ta có thể lưu ý đến gương cảnh cáo này như thế nào? Một cách là không bao giờ để cho sự dạy dỗ Kinh Thánh hoặc những điều chúng ta nhận được qua lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan trở nên thông thường hoặc tầm thường. (Ma-thi-ơ 24:45) Một khi chúng ta bắt đầu coi thường hoặc chán ngán những món quà của Đức Giê-hô-va, thì mối quan hệ của chúng ta với Ngài sẽ bắt đầu nguội lạnh đi.
Với lý do chính đáng, Đức Giê-hô-va không liên tục đổ xuống cho chúng ta nhiều điều mới đầy hứng thú. Thay vì thế, Ngài dần dần làm sáng tỏ Lời của Ngài. (Châm-ngôn 4:18) Nhờ vậy dân Ngài mới có được cơ hội hấp thụ và áp dụng những điều họ học được. Chúa Giê-su noi gương Cha ngài khi dạy dỗ các môn đồ thời ban đầu. Ngài giải thích cho họ Lời Đức Chúa Trời “tùy theo sức họ nghe được” hoặc “hiểu được”, như một số bản đã dịch.—Mác 4:33; so sánh Giăng 16:12.
Củng cố lòng biết ơn về những gì Đức Chúa Trời cung cấp
Chúa Giê-su cũng dùng sự lặp lại. Trí óc tất nhiên có thể sẵn sàng lĩnh hội một điểm nào đó—thí dụ, một nguyên tắc Kinh Thánh—nhưng ghi nó vào lòng và làm cho nó trở thành một phần trong “nhân cách mới” của tín đồ Đấng Christ có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn, nhất là nếu đường lối và thái độ cũ theo thế gian đã ăn sâu. (Ê-phê-sô 4:22-24, NW) Đó chắc chắn là trường hợp của các môn đồ Chúa Giê-su khi nói đến vấn đề khắc phục tính tự phụ và phát triển tính khiêm nhường. Vào nhiều dịp, Chúa Giê-su đã phải dạy họ về tính khiêm nhường, mỗi lần trình bày cùng một điểm cơ bản từ một khía cạnh khác để cho họ thấm điều đó và cuối cùng họ đã thấm thía lời dạy bảo.—Ma-thi-ơ 18:1-4; 23:11, 12; Lu-ca 14:7-11; Giăng 13:5, 12-17.
Thời nay, các buổi họp của tín đồ Đấng Christ và các ấn phẩm của Hội Tháp Canh noi gương Chúa Giê-su về cách khéo dùng sự lặp lại. Vậy chúng ta hãy biết ơn về điều này như một sự biểu lộ lòng quan tâm yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta và chớ bao giờ chán ngán những điều chúng ta nhận được, giống như dân Y-sơ-ra-ên chán ăn ma-na. Quả thật, khi chuyên tâm vào việc hấp thu các lời nhắc nhở thường xuyên của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ thấy kết quả tốt đẹp trong đời sống mình. (2 Phi-e-rơ 3:1) Một thái độ biết ơn như thế thật sự cho thấy cả lòng lẫn trí của chúng ta “hiểu” Lời Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 13:15, 19, 23) Về điều này, chúng ta có một tấm gương tốt nơi người viết Thi-thiên là Đa-vít; mặc dù không có nhiều thứ đồ ăn thiêng liêng mà chúng ta nhận được ngày nay, ông miêu tả luật pháp của Đức Giê-hô-va là “ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng-ong”!—Thi-thiên 19:10.
Loại “ma-na” đem lại sự sống đời đời
“Ta là bánh của sự sống”, Chúa Giê-su nói với người Do Thái. “Tổ-phụ các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, rồi cũng chết.... Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô-cùng... Bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế-gian tức là thịt ta”. (Giăng 6:48-51) Bánh hoặc ma-na theo nghĩa đen đã không và không thể đem lại sự sống đời đời. Nhưng những ai thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su cuối cùng sẽ hưởng ân phước sự sống đời đời.—Ma-thi-ơ 20:28.
Phần lớn những người được lợi ích từ giá chuộc của Chúa Giê-su sẽ hưởng sự sống đời đời trên một địa đàng. “Vô-số” những người này—được biểu hiện trước bằng “vô-số người ngoại-bang” đã cùng dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ê-díp-tô—sẽ sống sót qua “cơn đại-nạn” sắp đến, là biến cố sẽ diệt trừ mọi sự gian ác khỏi trái đất. (Khải-huyền 7:9, 10, 14; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38) Những người mà chính dân Y-sơ-ra-ên là hình bóng thì được hưởng một phần thưởng còn lớn hơn nữa. Sứ đồ Phao-lô miêu tả những người này, có tất cả 144.000 người, hợp thành Y-sơ-ra-ên thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Phần thưởng của họ lúc chết là sự sống lại trên trời. (Ga-la-ti 6:16; Hê-bơ-rơ 3:1; Khải-huyền 14:1) Nơi đó Chúa Giê-su sẽ ban cho họ một loại ma-na đặc biệt.
Ý nghĩa của “ma-na đương giấu-kín”
Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã nói với Y-sơ-ra-ên thiêng liêng: “Kẻ nào thắng, ta sẽ ban cho ma-na đương giấu-kín”. (Khải-huyền 2:17) Ma-na đương giấu kín tượng trưng này khiến chúng ta nhớ đến ma-na mà Đức Chúa Trời đã phán dặn Môi-se giữ trong một cái bình bằng vàng bên trong hòm giao ước thánh. Hòm này được giữ trong nơi Chí Thánh của đền tạm. Ở đó người ta không trông thấy nó, có thể nói là nó được giấu kín. Được giữ như một vật kỷ niệm, mẫu bánh ma-na này không bị hư trong thời gian để ở trong Hòm, vì thế nó tượng trưng một cách thích hợp cho nguồn thực phẩm không bị hư hỏng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:32; Hê-bơ-rơ 9:3, 4, 23, 24) Qua việc ban cho 144.000 người này ma-na đương giấu kín, Chúa Giê-su bảo đảm họ sẽ nhận được sự bất tử và sự không thể hư nát với tư cách con thần linh của Đức Chúa Trời.—Giăng 6:51; 1 Cô-rinh-tô 15:54.
Người viết Thi-thiên nói: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa [Đức Giê-hô-va]”. (Thi-thiên 36:9) Sự cung cấp ma-na—theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng—xác nhận lại lẽ thật cơ bản đó một cách rõ ràng làm sao! Ma-na mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên thời xưa, ma-na biểu hiệu mà Ngài cung cấp dưới hình thức thân thể Chúa Giê-su đã hy sinh vì chúng ta, và ma-na đương giấu kín mà Ngài ban cho 144.000 người qua Chúa Giê-su là những điều nhắc nhở rằng sự sống của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 39:5, 7) Chúng ta hãy khiêm nhường, khiêm tốn và thường xuyên nhìn nhận sự tùy thuộc này. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ ‘về sau làm ơn cho chúng ta’.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:16.
[Các hình nơi trang 26]
Để có sự sống đời đời, tất cả mọi người đều tùy thuộc vào “bánh hằng sống từ trên trời xuống”
[Hình nơi trang 28]
Tham dự tất cả các buổi họp đạo Đấng Christ phản ánh lòng biết ơn của chúng ta đối với những sự nhắc nhở của Đức Giê-hô-va