Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 5-11 THÁNG 7
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 11, 12
“Đức Giê-hô-va muốn được thờ phượng như thế nào?”
it-2-E trg 1007 đ. 4
Nephesh; Psykhe
Hầu việc hết mình. Như chúng ta đã thấy, “mình” về cơ bản nói đến toàn thể con người. Nhưng một số câu Kinh Thánh khuyến giục chúng ta tìm kiếm, yêu thương và hầu việc Đức Chúa Trời ‘hết lòng và hết mình’ (Phu 4:29; 11:13, 18), còn Phục truyền luật lệ 6:5 thì nói: “Anh em phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em hết lòng, hết mình và hết sức lực”. Chúa Giê-su nói rằng cần phải phụng sự Đức Giê-hô-va hết mình, hết sức lực và cũng “hết tâm trí” (Mác 12:30; Lu 10:27). Câu hỏi được nêu lên là tại sao những khía cạnh kia được đề cập chung với “mình”, vì từ này đã bao gồm tất cả những khía cạnh đó. Điều này có thể có ý nghĩa như minh họa sau: Một người có thể bán chính mình làm nô lệ cho người khác, và do đó thuộc quyền sở hữu của người chủ. Nhưng người ấy có thể không phục vụ chủ mình hết lòng, không hoàn toàn có ước muốn hoặc động cơ làm vui lòng chủ một cách trọn vẹn, và do đó có thể không dùng hết sức lực hoặc hết khả năng trí tuệ để làm lợi cho chủ. (So sánh Êph 6:5; Cô 3:22). Vì vậy, những khía cạnh kia hẳn được nhắc đến để nhấn mạnh, hầu chúng ta không quên và luôn nhớ xem xét chúng trong khi hầu việc Đức Chúa Trời, đấng mà chúng ta thuộc về, cùng Con ngài, đấng đã dành cả mạng sống làm giá chuộc để mua chúng ta. “Hết mình” hầu việc Đức Chúa Trời bao gồm toàn thể con người, không trừ ra bất cứ bộ phận, chức năng, năng lực hay ước muốn nào.—So sánh Mat 5:28-30; Lu 21:34-36; Êph 6:6-9; Phl 3:19; Cô 3:23, 24.
it-1-E trg 84 đ. 3
Bàn thờ
Dân Y-sơ-ra-ên được phán dặn phải phá đổ tất cả các bàn thờ ngoại giáo cũng như hủy diệt các trụ thờ và cột thờ thường được xây bên cạnh (Xu 34:13; Phu 7:5, 6; 12:1-3). Họ không bao giờ được bắt chước những điều đó cũng như không được dâng con cái mình trong lửa giống như dân Ca-na-an (Phu 12:30, 31; 16:21). Thay vì có nhiều bàn thờ, nước Y-sơ-ra-ên chỉ được có một bàn thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời thật và duy nhất, và bàn thờ đó được đặt ở nơi mà Đức Giê-hô-va chọn (Phu 12:2-6, 13, 14, 27; trái ngược với Ba-by-lôn, thành này có 180 bàn thờ chỉ riêng cho nữ thần I-sơ-ta). Đầu tiên, họ được chỉ dẫn làm một bàn thờ bằng những khối đá nguyên vẹn, không bị đục đẽo, sau khi băng qua sông Giô-đanh (Phu 27:4-8), và Giô-suê đã dựng bàn thờ này trên núi Ê-banh (Gs 8:30-32). Sau khi phân chia vùng đất đã chiếm được, chi phái Ru-bên, chi phái Gát và một nửa chi phái Ma-na-se đã xây một cái bàn thờ lớn gần sông Giô-đanh. Điều này đã gây ra một sự khủng hoảng tạm thời trong vòng các chi phái khác cho đến khi xác định được rằng bàn thờ này không phải là dấu hiệu bội đạo, mà chỉ là vật kỷ niệm về sự trung thành của họ với Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật.—Gs 22:10-34.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 925, 926
Ga-ri-xim, núi
Phù hợp với những gì Môi-se truyền dặn, không lâu sau khi đánh bại thành A-i, Giô-suê đã hướng dẫn các chi phái Y-sơ-ra-ên tập hợp tại núi Ga-ri-xim và núi Ê-banh. Tại đó, dân chúng nghe đọc về những ân phước mà họ sẽ nhận nếu vâng lời Đức Giê-hô-va và sự rủa sả mà họ sẽ phải chịu nếu không vâng lời ngài. Các chi phái Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Y-sa-ca, Giô-sép và Bên-gia-min đứng trước núi Ga-ri-xim. Người Lê-vi cùng Hòm Giao Ước ở trong thung lũng, và sáu chi phái còn lại thì đứng trước núi Ê-banh (Phu 11:29, 30; 27:11-13; Gs 8:28-35). Hẳn là các chi phái đứng trước núi Ga-ri-xim đáp lại những lời chúc phước được đọc hướng về phía họ, còn các chi phái kia thì đáp lại những lời rủa sả được đọc hướng về phía núi Ê-banh. Có ý kiến cho rằng những lời chúc phước được đọc hướng về phía núi Ga-ri-xim vì nó xinh đẹp và màu mỡ hơn so với núi Ê-banh phần lớn là đất đá cằn cỗi, nhưng Kinh Thánh không cho biết bất cứ thông tin nào về điều này. Luật pháp được đọc lớn tiếng “trước mặt toàn thể hội chúng Y-sơ-ra-ên, kể cả phụ nữ, trẻ em và ngoại kiều sống giữa họ” (Gs 8:35). Đoàn dân đông đảo có thể nghe được những lời đó từ vị trí của họ dù đứng trước ngọn núi nào. Điều này có thể là nhờ một phần vào âm hưởng tuyệt vời của khu vực này.
NGÀY 12-18 THÁNG 7
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 13-15
“Luật pháp cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến người nghèo”
it-2-E trg 1110 đ. 3
Thuế một phần mười
Dường như có một loại thuế một phần mười khác, thuế một phần mười thứ hai, được nộp hằng năm để dùng cho các mục đích khác, không phải để hỗ trợ trực tiếp cho chức tế lễ Lê-vi, dù người Lê-vi cũng được hưởng một phần trong đó. Thông thường, các gia đình người Y-sơ-ra-ên sử dụng và hưởng phần lớn thuế này khi nhóm lại với nhau tại các kỳ lễ lớn. Trong trường hợp quãng đường lên Giê-ru-sa-lem quá xa và không thuận tiện để mang theo thuế một phần mười này, thì các gia đình có thể đổi những sản vật ấy thành tiền, rồi họ sẽ dùng số tiền này ở Giê-ru-sa-lem để mua thức ăn và vui hưởng trong suốt kỳ hội họp thánh ở đó (Phu 12:4-7, 11, 17, 18; 14:22-27). Đến cuối mỗi năm thứ ba và thứ sáu trong chu kỳ sa-bát bảy năm, thuế một phần mười này thay vì được dùng để trang trải chi phí tại các kỳ lễ lớn thì sẽ được dùng ngay tại địa phương cho người Lê-vi, ngoại kiều, góa phụ và trẻ mồ côi cha.—Phu 14:28, 29; 26:12.
it-2-E trg 833
Sa-bát, năm
Năm Sa-bát được gọi là “năm tha nợ [hash·shemit·tahʹ]” (Phu 15:9; 31:10). Trong năm đó, đất được nghỉ ngơi trọn vẹn, hay được tha, không cày cấy (Xu 23:11). Các món nợ đang có cũng phải được tha. Đó là “sự tha nợ vì Đức Giê-hô-va”, để tôn vinh ngài. Dù một số người có quan điểm khác, nhưng một số nhà bình luận cho rằng các món nợ không phải thật sự được hủy bỏ mà là chủ nợ không được ép một người anh em Hê-bơ-rơ của mình trả nợ, vì người nông dân không có thu nhập vào năm đó; tuy nhiên người cho vay có thể bắt một người ngoại quốc trả nợ (Phu 15:1-3). Một số ráp-bi cho rằng những món nợ cho anh em nghèo khó vay mượn nhằm mục đích giúp đỡ họ thì được hủy bỏ, còn những món nợ trong việc làm ăn thì thuộc về lĩnh vực khác. Theo lời họ, vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, ông Hillel đã thiết lập một thủ tục để chủ nợ có thể ra tuyên bố trước tòa nhằm bảo vệ món nợ của mình không bị hủy.—The Pentateuch and Haftorahs, do J. Hertz biên soạn, London, 1972, trg 811, 812.
it-2-E trg 978 đ. 6
Nô lệ
Luật pháp điều tiết mối quan hệ giữa người chủ và nô lệ. Trong dân Y-sơ-ra-ên, tình trạng của nô lệ người Hê-bơ-rơ khác với nô lệ người ngoại quốc, ngoại kiều hay người trú ngụ. Trong khi một nô lệ không phải người Hê-bơ-rơ vẫn là tài sản của chủ và có thể được để lại cho con cháu thừa hưởng (Lê 25:44-46), thì nô lệ người Hê-bơ-rơ sẽ được trả tự do vào năm thứ bảy hầu việc chủ hoặc Năm Tự Do, tùy năm nào đến trước. Trong thời gian hầu việc chủ, nô lệ người Hê-bơ-rơ phải được đối xử như một người làm thuê (Xu 21:2; Lê 25:10; Phu 15:12). Một người Hê-bơ-rơ bán mình làm nô lệ cho một ngoại kiều, một thành viên thuộc gia đình ngoại kiều hoặc cho một người trú ngụ thì có thể được chuộc lại vào bất cứ lúc nào, bởi chính mình hoặc người có quyền chuộc lại. Giá để chuộc dựa trên số năm còn lại tính đến Năm Tự Do hoặc năm thứ bảy hầu việc chủ (Lê 25:47-52; Phu 15:12). Khi trả tự do cho một nô lệ người Hê-bơ-rơ, chủ phải cho người đó một món quà để hỗ trợ người có một khởi đầu tốt đẹp với vị thế một người tự do (Phu 15:13-15). Nếu người nô lệ đến cùng với vợ thì vợ sẽ được ra đi cùng. Nhưng nếu chủ cưới vợ cho người (hẳn là một phụ nữ ngoại quốc không có quyền được trả tự do vào năm thứ bảy hầu việc chủ), thì người vợ ấy cùng con cái do cô sinh ra vẫn là tài sản của chủ. Trong trường hợp đó, nô lệ người Hê-bơ-rơ có thể chọn tiếp tục ở lại với chủ. Tai người ấy sẽ được xỏ dùi để cho thấy rằng người sẽ tiếp tục hầu việc chủ suốt đời.—Xu 21:2-6; Phu 15:16, 17.
NGÀY 19-25 THÁNG 7
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 16-18
“Các nguyên tắc để xét xử công bằng”
it-1-E trg 343 đ. 5
Đui mù
Đui mù hoặc mờ mắt đôi khi được dùng làm hình ảnh tượng trưng cho sự băng hoại về công lý do tham nhũng. Nhiều lời khuyến giục trong Luật pháp cho thấy việc hối lộ, quà cáp hoặc thành kiến là sai vì có thể làm mờ mắt quan án và dễ khiến họ xét xử thiên vị. “Vật hối lộ làm mờ mắt người sáng suốt” (Xu 23:8). “Vật hối lộ làm mờ mắt người khôn ngoan” (Phu 16:19). Dù ngay thẳng và sáng suốt đến đâu, một quan xét cũng có thể cố tình hoặc ngay cả vô tình bị ảnh hưởng bởi quà cáp của những người có liên quan trong vụ kiện. Luật pháp Đức Chúa Trời cũng cho biết rằng ngoài quà cáp, tình cảm cũng có thể làm mờ mắt quan xét vì trong đó nói: “Ngươi không được thiên vị người nghèo hay vị nể người giàu” (Lê 19:15). Thế nên, một quan xét không được dựa vào tình cảm hoặc vì muốn lấy lòng đám đông mà đối xử bất công với người giàu chỉ vì họ giàu.—Xu 23:2, 3.
it-2-E trg 511 đ. 7
Số, chữ số
Hai. Số hai thường xuất hiện trong bối cảnh pháp lý. Nếu lời kể của hai nhân chứng khớp với nhau thì sẽ giúp tăng thêm hiệu lực của lời làm chứng. Cần phải có hai nhân chứng, hoặc thậm chí là ba, thì vụ việc mới được xác minh trước các quan xét. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Phu 17:6; 19:15; Mat 18:16; 2Cô 13:1; 1Ti 5:19; Hê 10:28). Đức Chúa Trời đã làm theo nguyên tắc này khi Con ngài trình diện với tư cách Đấng Cứu Rỗi nhân loại trước dân chúng. Chúa Giê-su nói: “Trong chính Luật pháp của các ông đã viết: ‘Có hai người làm chứng thì điều đó là thật’. Tôi làm chứng về mình, và Cha là đấng phái tôi đến cũng làm chứng về tôi”.—Gi 8:17, 18.
it-2-E trg 685 đ. 6
Thầy tế lễ
Thầy tế lễ là những người chính yếu được ban nhiệm vụ giải thích luật pháp của Đức Chúa Trời, và họ đóng vai trò chính trong hệ thống tư pháp ở Y-sơ-ra-ên. Tại những thành được phân chia cho mình, các thầy tế lễ có thể hỗ trợ các quan xét, và họ cũng cùng các quan xét xử lý những vụ việc quá khó, nằm ngoài khả năng phán quyết của tòa án địa phương (Phu 17:8, 9). Họ được yêu cầu phải có mặt cùng các trưởng lão trong thành để xử lý những vụ án mạng không rõ hung thủ, nhằm đảm bảo theo đúng quy trình loại bỏ tội làm đổ máu khỏi thành (Phu 21:1, 2, 5). Nếu một người chồng ghen tuông và cáo buộc vợ mình đã lén lút ngoại tình thì người vợ phải được dẫn đến nơi thánh. Tại đó, thầy tế lễ thực hiện những nghi thức theo quy định để trình vụ việc cho Đức Giê-hô-va trực tiếp xét xử, vì ngài biết rõ sự thật là người vợ vô tội hay có tội (Dân 5:11-31). Trong mọi vụ việc, phán quyết của các thầy tế lễ hoặc các quan xét được bổ nhiệm đều phải được xem trọng; nếu cố tình khinh thường hoặc không tuân theo thì sẽ bị xử tử.—Dân 15:30; Phu 17:10-13.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 787
Loại trừ
Dưới Luật pháp, để thi hành hình phạt diệt trừ thì phải có lời của ít nhất hai nhân chứng để làm bằng chứng (Phu 19:15). Các nhân chứng phải là những người đầu tiên ra tay ném đá người phạm tội (Phu 17:7). Điều này sẽ chứng tỏ lòng sốt sắng đối với Luật pháp Đức Chúa Trời và sự trong sạch của hội chúng Y-sơ-ra-ên, đồng thời ngăn ngừa việc làm chứng giả dối, bất cẩn hoặc hấp tấp.
CẢI THIỆN THÁNH CHỨC
it-1-E trg 519 đ. 4
Tòa án
Hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Hội thánh đạo Đấng Ki-tô, dù không có thẩm quyền như một tòa án, có thể có hành động xử lý những người vô kỷ luật cần được sửa phạt về thiêng liêng, và thậm chí có thể loại trừ họ khỏi hội thánh. Thế nên, sứ đồ Phao-lô nói với hội thánh rằng họ, tức những người đại diện của hội thánh, là các giám thị, phải xét xử người ở trong tổ chức (1Cô 5:12, 13). Khi viết thư cho các hội thánh và các giám thị, cả Phao-lô lẫn Phi-e-rơ đều nói rằng các trưởng lão nên chú ý đến tình trạng thiêng liêng của hội thánh, hỗ trợ và khuyên nhủ bất cứ ai đang hành động thiếu khôn ngoan hoặc sai trái (2Ti 4:2; 1Ph 5:1, 2; so sánh Ga 6:1). Những ai gây chia rẽ hoặc bè phái phải được cảnh báo hai lần trước khi hội thánh chính thức xử lý (Tít 3:10, 11). Nhưng những người cứ tiếp tục phạm tội phải bị loại bỏ, loại trừ khỏi hội thánh. Đây chính là biện pháp sửa phạt, cho người phạm tội thấy rằng đường lối tội lỗi của họ không được dung thứ trong hội thánh (1Ti 1:20). Phao-lô hướng dẫn những người có trách nhiệm xét xử trong hội thánh nhóm lại để lắng nghe vụ việc (1Cô 5:1-5; 6:1-5). Họ chỉ được chấp nhận một lời cáo buộc nào đó là đúng khi có hai hoặc ba nhân chứng, cân nhắc các bằng chứng mà không có bất cứ thành kiến hay sự thiên vị nào.—1Ti 5:19, 21.
NGÀY 26 THÁNG 7–NGÀY 1 THÁNG 8
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 19-21
“Sự sống con người là quý giá đối với Đức Giê-hô-va”
it-1-E trg 344
Máu
Con người có quyền vui hưởng sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho người đó, và bất kỳ ai tước đoạt sự sống đó đều sẽ phải chịu trách nhiệm trước ngài. Điều này được thấy rõ khi Đức Chúa Trời nói với Ca-in sau khi ông giết người: “Máu của em con từ đất kêu thấu đến ta” (Sa 4:10). Ngay cả một người ghét anh em mình và vì thế muốn người kia chết đi, hoặc vu khống hay làm chứng dối chống lại anh em mình và vì thế khiến mạng sống của người kia gặp nguy hiểm, thì sẽ mắc tội liên quan đến huyết của người đồng loại.—Lê 19:16; Phu 19:18-21; 1Gi 3:15.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 518 đ. 1
Tòa án
Tòa án địa phương được đặt tại cổng thành (Phu 16:18; 21:19; 22:15, 24; 25:7; Ru 4:1). “Cổng” ở đây ý nói đến một khu trống trải gần cổng, bên trong thành. Các cổng thành là nơi mà người ta đọc Luật pháp cho dân chúng tụ họp lại và công bố những quy định (Nê 8:1-3). Tại cổng thành sẽ dễ tìm được người làm chứng cho những vấn đề dân sự, chẳng hạn như mua bán bất động sản và những việc khác, vì có nhiều người ra vào cổng thành cả ngày. Ngoài ra, bất kỳ phiên tòa nào cũng diễn ra công khai tại cổng thành, nên điều này thường sẽ tác động đến các quan xét, khiến họ phải cẩn thận và công bằng trong việc xét xử và đưa ra phán quyết. Hẳn là ở gần cổng thành phải có một nơi để cho các quan xét có thể ngồi thoải mái (Gp 29:7). Sa-mu-ên đi vòng quanh Bê-tên, Ghinh-ganh, Mích-ba và “làm quan xét trên Y-sơ-ra-ên tại những nơi này”, cũng như tại Ra-ma, là nơi có nhà của ông.—1Sa 7:16, 17.
NGÀY 2-8 THÁNG 8
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 22, 23
“Luật pháp cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến thú vật”
it-1-E trg 375, 376
Gánh nặng
Thời xưa các con vật thường được dùng để chở vật nặng, và người Y-sơ-ra-ên được phán dặn rằng khi thấy con lừa của người ghét mình bị ngã vì chở nặng thì đừng bỏ mặc, nhưng phải giúp “lấy gánh nặng khỏi con vật”.—Xu 23:5.
it-1-E trg 621 đ. 1
Phục truyền luật lệ
Thú vật cũng được dành cho sự quan tâm yêu thương trong sách Phục truyền luật lệ. Người Y-sơ-ra-ên bị cấm bắt một con chim đang ấp trong tổ, vì bản năng bảo vệ con khiến chim mẹ dễ bị tấn công. Chim mẹ phải được thả, nhưng người Y-sơ-ra-ên có thể lấy chim con. Nhờ thế chim mẹ có thể được tự do để sinh sản thêm con (Phu 22:6, 7). Người nông dân không được buộc một con lừa chung ách với một con bò đực, nhằm không gây khổ sở cho con vật yếu hơn (22:10). Họ cũng không được bịt miệng con bò đực khi nó đang đạp lúa để nó không bị cơn đói hành hạ trong khi lúa ở ngay bên cạnh mà nó thì đang tiêu tốn năng lượng để đạp lúa.—25:4.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 600
Nợ, con nợ
Món nợ là những gì mà một người thiếu người khác, có trách nhiệm phải trả hoặc làm một việc gì đó. Ở Y-sơ-ra-ên xưa, các món nợ chủ yếu phát sinh do sự bất ổn về tài chính. Đối với người Y-sơ-ra-ên, việc trở thành con nợ là một tai vạ; trên thực tế, người vay trở thành tôi tớ của người cho vay (Ch 22:7). Vì thế, dân của Đức Chúa Trời được lệnh phải cho anh em người Y-sơ-ra-ên thiếu thốn vay mượn một cách hào phóng và bất vị kỷ, không lợi dụng lúc họ gặp nghịch cảnh để trục lợi bằng cách lấy lãi (Xu 22:25; Phu 15:7, 8; Th 37:26; 112:5). Nhưng người ngoại quốc thì có thể phải trả lãi (Phu 23:20). Theo cách hiểu của những nhà bình luận người Do Thái, sắp đặt này áp dụng cho những khoản vay mượn trong việc làm ăn, không phải trong trường hợp thiếu thốn. Thông thường thì người ngoại quốc chỉ tạm trú ở Y-sơ-ra-ên, thường là các thương nhân, và hợp lý để yêu cầu họ trả lãi, đặc biệt bởi vì họ cũng sẽ lấy lãi khi cho người khác vay.
NGÀY 9-15 THÁNG 8
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 24-26
“Luật pháp cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến phụ nữ”
it-2-E trg 1196 đ. 4
Phụ nữ
Ngay cả luật quân sự cũng mang lại lợi ích cho cả vợ lẫn chồng khi cho phép người nam mới kết hôn được miễn phục vụ trong vòng một năm. Điều này tạo cơ hội cho hai vợ chồng thực hiện quyền sinh con. Đó sẽ là niềm an ủi lớn cho người vợ khi chồng đi xa, và còn hơn thế nữa nếu trường hợp người chồng tử trận.—Phu 20:7; 24:5.
it-1-E trg 963 đ. 2
Mót
Sắp đặt tốt đẹp này dành cho người nghèo trong xứ khuyến khích sự rộng rãi, bất vị kỷ và lòng tin cậy nơi sự ban phước của Đức Giê-hô-va, nhưng rõ ràng sắp đặt này không hề cổ xúy tính lười biếng. Điều này làm sáng tỏ lời của Đa-vít: ‘Tôi nào thấy người công chính bị bỏ, hay con cháu người phải đi ăn xin’ (Th 37:25). Ngay cả người nghèo, khi tận dụng sự sắp đặt này dành cho họ trong Luật pháp, cũng sẽ không bị đói nếu làm việc siêng năng, và họ lẫn con cháu họ đều không phải đi ăn xin.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 640 đ. 5
Ly dị
Tờ ly dị. Dù về sau có những sự lạm dụng, chúng ta không nên kết luận rằng việc Luật pháp Môi-se thời ban đầu cho phép ly dị đã khiến cho việc ly dị vợ trở nên dễ dàng hơn đối với một người chồng Y-sơ-ra-ên. Để ly dị vợ, người chồng phải làm những bước theo quy định. Người chồng muốn ly dị vợ phải viết một văn bản, “viết một tờ ly dị”, rồi “đưa cho cô và đuổi cô ra khỏi nhà” (Phu 24:1). Kinh Thánh không cho biết thêm chi tiết về quy trình này, nhưng bước pháp lý này hẳn bao gồm việc tư vấn những người có thẩm quyền liên quan, và những người này trước tiên có thể sẽ cố gắng hòa giải hai vợ chồng. Thời gian để chuẩn bị tờ ly dị và thực hiện các bước pháp lý sẽ là cơ hội cho người chồng muốn ly dị xem xét lại quyết định của mình. Việc ly dị phải có cơ sở, và khi luật lệ được áp dụng đúng thì hẳn sẽ giúp ngăn ngừa việc hấp tấp ly dị. Nhờ thế, quyền lợi của người vợ cũng sẽ được bảo vệ. Kinh Thánh không cho biết nội dung của “tờ ly dị”.
NGÀY 16-22 THÁNG 8
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 27, 28
“Tất cả ân phước này sẽ... theo sát anh em”
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 360
Mốc ranh giới
Luật pháp Đức Giê-hô-va cấm dời mốc ranh giới (Phu 19:14; cũng xem Ch 22:28). Thật thế, đáng rủa sả thay kẻ nào dời “mốc ranh giới của người lân cận” (Phu 27:17). Vì chủ đất thường phụ thuộc vào sản vật từ mảnh đất của mình, nên việc dời mốc ranh giới có nghĩa là tước đoạt một phần miếng cơm manh áo của người đó. Làm thế là tương đương với việc trộm cướp, và vào thời xưa bị xem là như vậy (Gp 24:2). Nhưng cũng có những kẻ thiếu lương tri phạm vào điều này, và các quan của Giu-đa vào thời Ô-sê bị ví như bọn dời ranh giới.—Ôsê 5:10.
NGÀY 23-29 THÁNG 8
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 29-30
“Phụng sự Đức Giê-hô-va không phải là quá khó”
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 665 đ. 3
Tai
Qua các tôi tớ ngài, Đức Giê-hô-va nói về những người Y-sơ-ra-ên bất tuân và ương ngạnh như thể có “tai không cắt bì” (Giê 6:10; Cv 7:51, chú thích). Tai họ như thể có gì đó bịt lại khiến họ không nghe được. Tai họ chưa được Đức Giê-hô-va mở ra, vì ngài là đấng ban cho những người tìm kiếm ngài đôi tai biết nghe hiểu và vâng lời, nhưng để cho thính lực về thiêng liêng của những kẻ bất tuân không còn nhạy bén (Phu 29:4; Rô 11:8). Sứ đồ Phao-lô báo trước về một thời kỳ mà một số người tự nhận là tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ bội đạo, không muốn nghe chân lý trong Lời Đức Chúa Trời, nhưng lại ham nghe những lời “êm tai” mà mình thích nghe, nên họ sẽ nghe theo các thầy dạy giả (2Ti 4:3, 4; 1Ti 4:1). Ngoài ra, tai một người có thể bị “ù” vì nghe thấy những tin tức gây sửng sốt, đặc biệt là tin về thảm họa.—1Sa 3:11; 2V 21:12; Giê 19:3.