Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Giô-suê
ĐÓNG TRẠI trong đồng bằng Mô-áp vào năm 1473 TCN, dân Y-sơ-ra-ên hẳn mừng rỡ khi nghe những lời này: “Hãy sắm-sẵn thực-vật, vì trong ba ngày nữa các ngươi sẽ đi ngang qua sông Giô-đanh nầy, đặng đánh lấy xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi ban cho mình làm sản-nghiệp”. (Giô-suê 1:11) Cuộc hành trình dài 40 năm trong đồng vắng sắp chấm dứt.
Hơn hai thập kỷ sau đó, người lãnh đạo Giô-suê đứng giữa vùng đất Ca-na-an và tuyên bố với các trưởng lão Y-sơ-ra-ên: “Kìa, tùy theo chi-phái, ta đã bắt thăm cấp cho các ngươi làm sản-nghiệp xứ chưa đánh lấy, và xứ của những dân-tộc mà ta đã diệt, từ sông Giô-đanh cho đến biển lớn, về phía mặt trời lặn. Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi sẽ đuổi và cất dân ấy khỏi trước mặt các ngươi, và các ngươi sẽ nhận được xứ nó, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán”.—Giô-suê 23:4, 5.
Sách Giô-suê, do ông viết vào năm 1450 TCN, là sách lịch sử tường thuật sống động các biến cố xảy ra trong 22 năm đó. Khi đứng trước ngưỡng cửa thế giới mới theo lời hứa của Đức Chúa Trời, hoàn cảnh của chúng ta cũng tương tự như dân Y-sơ-ra-ên là những người sẵn sàng nhận Đất Hứa làm sản nghiệp. Vậy với lòng thích thú cao độ, chúng ta hãy xem xét sách Giô-suê.—Hê-bơ-rơ 4:12.
ĐẾN “ĐỒNG BẰNG GIÊ-RI-CÔ”
Thật là một sứ mạng quan trọng Giô-suê nhận được khi Đức Giê-hô-va bảo: “Môi-se, tôi-tớ ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân-sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên”! (Giô-suê 1:2) Giô-suê có trách nhiệm dẫn một dân gồm vài triệu người vào Đất Hứa. Để chuẩn bị, ông sai hai người do thám đến Giê-ri-cô—thành này sẽ bị chinh phục trước nhất. Trong thành ấy có kỵ nữ Ra-háp là người đã nghe về những công việc đầy quyền năng mà Đức Giê-hô-va đã thực hiện vì dân Ngài. Nàng đã bảo vệ và giúp hai người do thám, và được hai người này hứa che chở.
Khi những người do thám trở về, Giô-suê và dân sự sẵn sàng hành động và băng qua Sông Giô-đanh. Mặc dù nước sông cao ngập bờ, nhưng điều đó không là trở ngại đối với họ, vì Đức Giê-hô-va khiến cho nước ở thượng nguồn dồn lại như một cái đập và để nước ở hạ nguồn chảy hết vào Biển Chết. Sau khi băng qua Sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên đóng trại tại Ghinh-ganh gần Giê-ri-cô. Bốn ngày sau, vào chiều ngày 14 tháng A-bíp, họ giữ Lễ Vượt Qua trong đồng bằng Giê-ri-cô. (Giô-suê 5:10) Ngày hôm sau, họ bắt đầu ăn một số sản vật của đất, và ma-na không còn được cung cấp nữa. Trong thời gian này, Giô-suê cho tất cả người nam sinh ra trong đồng vắng cắt bì.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
2:4, 5—Tại sao Ra-háp đánh lừa quân lính vua sai đi tìm kiếm người do thám? Ra-háp liều mạng để bảo vệ những người do thám vì nàng đã đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Do đó, nàng không có bổn phận tiết lộ tin tức về hai người do thám cho những người đang tìm cách làm hại dân Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 7:6; 21:23-27; Giăng 7:3-10) Thật vậy, Ra-háp “cậy việc làm mà được xưng công-bình”, trong đó có việc đánh lạc hướng quân lính vua sai đi.—Gia-cơ 2:24-26.
5:14, 15—Ai là “tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va”? Vị tướng đến để thêm sức cho Giô-suê khi cuộc chinh phục Đất Hứa bắt đầu hình như không ai khác hơn là “Ngôi-Lời”, tức Chúa Giê-su Christ trước khi làm người. (Giăng 1:1; Đa-ni-ên 10:13) Thật khích lệ làm sao khi được bảo đảm là Chúa Giê-su Christ vinh quang đang ở với dân sự Đức Chúa Trời ngày nay trong trận chiến thiêng liêng!
Bài học cho chúng ta:
1:7-9. Việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày, đều đặn suy ngẫm về những điều Kinh Thánh nói và áp dụng những gì học được là cần yếu để thành công trong các nỗ lực về thiêng liêng.
1:11. Giô-suê bảo dân sự phải sắm sửa lương thực và những vật dụng cần thiết chứ không ỷ lại chờ Đức Chúa Trời cung cấp. Việc Chúa Giê-su khuyên hãy ngừng lo lắng về những gì cần thiết cho cuộc sống, cùng với lời hứa là ‘sẽ được thêm mọi điều ấy nữa’ không có nghĩa là chúng ta được miễn cố gắng để tự nuôi mình.—Ma-thi-ơ 6:25, 33.
2:4-13. Sau khi nghe về những việc lớn lao Đức Giê-hô-va đã làm và ý thức được thời điểm nguy kịch, Ra-háp đã quyết định đứng về phía những người thờ phượng Ngài. Nếu đã học Kinh Thánh được một thời gian và ý thức rằng chúng ta đang sống trong những “ngày sau-rốt”, lẽ nào bạn lại không quyết định phụng sự Đức Chúa Trời hay sao?—2 Ti-mô-thê 3:1.
3:15. Vì nhận được báo cáo tích cực của những người do thám thành Giê-ri-cô, Giô-suê đã hành động mau chóng, không chờ nước Sông Giô-đanh rút xuống. Vậy, về công việc liên quan đến sự thờ phượng thật, chúng ta phải hành động một cách can đảm thay vì lần lữa chờ đến khi hoàn cảnh dường như có vẻ thích hợp hơn.
4:4-8, 20-24. Mười hai hòn đá lấy từ lòng Sông Giô-đanh được dùng như một vật để ghi nhớ cho dân Y-sơ-ra-ên. Những công việc Đức Giê-hô-va làm để giải cứu dân Ngài thời nay khỏi kẻ thù cũng để ghi nhớ là Ngài ở với họ.
TIẾP TỤC CHINH PHỤC
Thành Giê-ri-cô “đóng cửa mình cách nghiêm-nhặt..., không người nào vào ra”. (Giô-suê 6:1) Làm sao chiếm được thành? Đức Giê-hô-va chỉ cho Giô-suê chiến lược. Chẳng bao lâu tường thành sụp đổ và thành bị phá hủy. Chỉ Ra-háp và gia đình nàng được cứu.
Thành được chinh phục kế tiếp là đế đô A-hi. Những người do thám được gởi đến đó báo cáo rằng thành có ít dân nên không cần nhiều quân để đánh. Tuy nhiên, khoảng 3.000 quân được sai đi đánh thành lại chạy trốn trước quân của A-hi. Lý do là gì? Vì Đức Giê-hô-va không ở cùng dân Y-sơ-ra-ên. A-can thuộc chi phái Giu-đa đã phạm tội trong lúc chiếm thành Giê-ri-cô. Sau khi xử lý vấn đề, Giô-suê tiến đánh A-hi. Vì đã đánh bại dân Y-sơ-ra-ên một lần, nên vua thành A-hi nóng lòng giao chiến. Nhưng Giô-suê dùng chiến lược lợi dụng sự tự tin của quân A-hi và chiếm lấy thành.
Ga-ba-ôn là ‘một thành lớn—lớn hơn thành A-hi, và dân thành đều là những người mạnh-dạn’. (Giô-suê 10:2) Tuy nhiên, khi hay tin Y-sơ-ra-ên đã chiếm thành Giê-ri-cô và A-hi, dân thành Ga-ba-ôn đánh lừa Giô-suê để ông lập giao ước hòa bình với họ. Các nước xung quanh coi sự đầu hàng này như một đe dọa cho họ. Năm nước trong số các nước này liên kết nhau để đánh dân Ga-ba-ôn. Dân Y-sơ-ra-ên tiếp cứu dân Ga-ba-ôn và hoàn toàn đánh bại các vua này. Những thành khác mà dân Y-sơ-ra-ên chinh phục dưới sự lãnh đạo của Giô-suê gồm những thành ở phía nam và phía tây, cũng như đánh bại liên quân của các vua phía bắc. Tổng số vua bị đánh bại ở phía tây Sông Giô-đanh là 31 vua.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
10:13—Làm sao có một hiện tượng như thế? Vì là Đấng Tạo Hóa của trời và đất, “có điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng?” (Sáng-thế Ký 18:14) Nếu muốn, Đức Giê-hô-va có thể điều chỉnh sự vận hành của trái đất để rồi mặt trời và mặt trăng dường như đứng yên đối với người quan sát trên đất. Hoặc Ngài có thể cho trái đất và mặt trăng tiếp tục quay như thường trong khi làm cho tia sáng từ mặt trời và mặt trăng khúc xạ sao cho ánh sáng đến từ chúng tiếp tục chiếu sáng. Dù là trường hợp nào đi nữa, “chẳng hề có ngày nào như ngày đó” trong lịch sử loài người.—Giô-suê 10:14.
10:13—Sách Gia-sa là gì? Cuốn sách này được nhắc lại nơi 2 Sa-mu-ên 1:18 liên quan đến bài thơ tên là ‘Cây cung’—một bài ca than khóc Vua Sau-lơ của Y-sơ-ra-ên và con trai ông là Giô-na-than. Cuốn sách có lẽ là một bộ sưu tập những bài thơ, anh hùng ca hoặc sử ca, và hình như rất quen thuộc đối với người Do Thái.
Bài học cho chúng ta:
6:26; 9:22, 23. Lời rủa sả mà Giô-suê công bố vào lúc thành Giê-ri-cô bị hủy diệt được ứng nghiệm khoảng 500 năm sau. (1 Các Vua 16:34) Lời Nô-ê rủa sả cháu nội ông là Ca-na-an thành sự thật khi dân Ga-ba-ôn trở thành người làm công. (Sáng-thế Ký 9:25, 26) Lời Đức Giê-hô-va luôn thành sự thật.
7:20-25. Một số người có thể cho rằng tội ăn cắp của A-can là nhẹ, có lẽ lý luận rằng hành động ấy không gây thiệt hại cho ai. Họ có thể cũng có quan điểm như vậy đối với tội ăn cắp vặt và tội nhẹ trái với luật pháp Kinh Thánh. Tuy nhiên, như Giô-suê, chúng ta nên cương quyết chống lại các hành động vô luân hoặc bất hợp pháp.
9:15, 26, 27. Chúng ta phải coi trọng các thỏa thuận mình ký kết và giữ lời.
GIÔ-SUÊ ĐẢM ĐƯƠNG NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CUỐI CÙNG
Nay đã cao niên—gần 90 tuổi—Giô-suê bắt đầu chia đất. Quả là nhiệm vụ to lớn! Chi phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se đã nhận được sản nghiệp ở phía đông Sông Giô-đanh rồi. Các chi phái còn lại nay được ban cho sản nghiệp ở phía tây bằng cách rút thăm.
Đền tạm được dựng lên ở Si-lô trong địa phận của chi phái Ép-ra-im. Ca-lép được thành Hếp-rôn, còn Giô-suê được Thim-nát-Sê-rách. Người Lê-vi nhận được 48 thành, gồm 6 thành ẩn náu. Trên đường trở về sản nghiệp của mình ở phía đông Sông Giô-đanh, các chiến sĩ của Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se dựng nên một bàn thờ “rất cao lớn”. (Giô-suê 22:10) Các chi phái phía tây Sông Giô-đanh xem đây là một hành động bội đạo, và cuộc chiến giữa các chi phái suýt bùng nổ, nhưng nhờ thông tri tốt, nên đã tránh được cuộc tương tàn.
Sau khi sống ở Thim-nát-Sê-rách một thời gian, Giô-suê triệu tập các trưởng lão, quan trưởng, quan xét và quan tướng của Y-sơ-ra-ên, thúc giục họ can đảm và trung thành với Đức Giê-hô-va. Sau đó, Giô-suê nhóm toàn thể các chi phái của Y-sơ-ra-ên lại tại Si-chem. Tại đây, ông nhắc lại cách Đức Giê-hô-va đối xử kể từ thời Áp-ra-ham, và một lần nữa ông khuyên họ “hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và phục-sự Ngài cách thành-tâm và trung-tín”. Dân sự cảm động đáp lại: “Chúng tôi sẽ phục-sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, và nghe theo tiếng Ngài”! (Giô-suê 24:14, 15, 24) Sau những việc này Giô-suê qua đời ở tuổi 110.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
13:1—Câu này có mâu thuẫn với điều nói nơi Giô-suê 11:23 không? Không, vì cuộc chinh phục Đất Hứa gồm hai khía cạnh: cuộc chiến chung đưa đến việc đánh bại 31 vua xứ Ca-na-an, làm dẹp tan quyền lực dân Ca-na-an, và việc các chi phái và các cá nhân chiếm được xứ để làm sản nghiệp. (Giô-suê 17:14-18; 18:3) Mặc dù dân Y-sơ-ra-ên không đuổi được hết dân Ca-na-an, những người sống sót không còn là mối đe dọa thật sự cho an ninh của Y-sơ-ra-ên nữa. (Giô-suê 16:10; 17:12) Giô-suê 21:44 nói: “Đức Giê-hô-va làm cho tứ phía đều được an-nghỉ”.
24:2—Phải chăng Tha-rê, cha của Áp-ra-ham, là người thờ hình tượng? Lúc đầu, Tha-rê không phải là người thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hình như ông thờ thần mặt trăng tên là Sin—một thần khá phổ biến ở U-rơ. Theo truyền thống Do Thái, Tha-rê thậm chí có lẽ là người làm hình tượng. Tuy nhiên, khi Áp-ra-ham rời U-rơ theo lệnh của Đức Chúa Trời, Tha-rê đi với con ông đến Cha-ran.—Sáng-thế Ký 11:31.
Bài học cho chúng ta:
14:10-13. Mặc dù đã 85 tuổi, Ca-lép vẫn xin lãnh trách nhiệm khó khăn là đuổi hết dân A-na-kim ra khỏi vùng Hếp-rôn. Đây là một dân có tầm vóc to lớn khác thường. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, người chiến binh kinh nghiệm này đã thành công và Hếp-rôn trở thành một thành ẩn náu. (Giô-suê 15:13-19; 21:11-13) Gương của Ca-lép khuyến khích chúng ta không nên ngần ngại trước những trách nhiệm thần quyền khó khăn.
22:9-12, 21-33. Chúng ta phải cẩn thận tránh đoán xét sai lầm động lực của người khác.
“Chẳng có một lời nào sai hết”
Vào lúc tuổi cao tác lớn, Giô-suê nói với những người có trách nhiệm trong dân Y-sơ-ra-ên: “Trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi”. (Giô-suê 23:14) Lịch sử tường thuật trong sách Giô-suê minh chứng điều này thật sống động làm sao!
Sứ đồ Phao-lô viết: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. (Rô-ma 15:4) Chúng ta có thể tin chắc rằng, đặt hy vọng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời là đúng chỗ. Không một lời hứa nào sai; tất cả đều sẽ ứng nghiệm.
[Bản đồ nơi trang 10]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Vùng đất được chinh phục dưới sự lãnh đạo của Giô-suê
BA-SAN
GA-LA-ÁT
A-RA-BA
NAM-PHƯƠNG (NEGEB)
Sông Giô-đanh
Biển Mặn
Khe Gia-bốc
Khe Ạt-nôn
Hát-so
Ma-đôn
Sa-rôn
Sim-rôn
Giốc-nê-am
Đô-rơ
Mê-ghi-đô
Kê-đe
Tha-a-nác
Hê-phe
Thiệt-sa
A-phéc
Tháp-bu-ách
Bê-tên
A-hi
Ghinh-ganh
Giê-ri-cô
Ghê-xe
Giê-ru-sa-lem
Ma-kê-đa
Giạt-mút
A-đu-lam
Líp-na
La-ki
Éc-lôn
Hếp-rôn
Đê-bia
A-rát
[Hình nơi trang 9]
Bạn có biết tại sao kỵ nữ Ra-háp được xưng là công bình không?
[Hình nơi trang 10]
Giô-suê khuyên dân Y-sơ-ra-ên “hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và phục-sự Ngài”
[Hình nơi trang 12]
Tội ăn cắp của A-can không phải nhẹ—nó đã đưa đến những hậu quả nghiêm trọng
[Hình nơi trang 12]
“Bởi đức-tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống”.—Hê-bơ-rơ 11:30