Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 6-12 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ 33, 34
“Tìm nơi trú ẩn trong ‘cánh tay muôn đời’ của Đức Giê-hô-va”
it-2-E trg 51
Giê-su-run
Một tước hiệu danh dự dành cho Y-sơ-ra-ên. Trong bản dịch Hy Lạp Septuagint, “Giê-su-run” là một từ nói lên sự yêu mến và được dịch là “yêu dấu”. Tước hiệu “Giê-su-run” hẳn đã nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng họ được chọn làm dân thuộc giao ước của Đức Giê-hô-va, và vì thế họ có bổn phận phải giữ sự ngay thẳng (Phu 33:5, 26; Ês 44:2). Ở Phục truyền luật lệ 32:15, tên gọi Giê-su-run được dùng theo cách mỉa mai. Thay vì sống đúng với tên gọi Giê-su-run, dân Y-sơ-ra-ên đã trở nên cứng lòng, từ bỏ Đấng Sáng Tạo và khinh thường Đấng Giải Cứu của mình.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 439 đ. 3
Môi-se
Môi-se qua đời lúc ông được 120 tuổi. Kinh Thánh xác nhận sức khỏe của ông lúc đó còn rất tốt: “Mắt ông chưa mờ và sức ông chưa yếu”. Đức Giê-hô-va chôn ông tại một nơi mà cho đến nay không ai tìm ra (Phu 34:5-7). Rất có thể, điều này ngăn dân Y-sơ-ra-ên dùng mộ của ông làm nơi thờ phượng và rơi vào bẫy thờ phượng sai lầm. Hẳn Ác Quỷ muốn dùng thi thể của Môi-se vào mục đích như thế, vì Giu-đe, là môn đồ và em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su Ki-tô, đã viết: “Khi thiên sứ trưởng Mi-ca-ên tranh cãi với Ác Quỷ về thi thể của Môi-se, ngài cũng không dám kết án hắn bằng những lời xúc phạm, mà chỉ nói: ‘Nguyện Đức Giê-hô-va quở trách ngươi’ ” (Giu-đe 9). Trước khi vào xứ Ca-na-an dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên đã thương tiếc Môi-se trong 30 ngày.—Phu 34:8.
NGÀY 20-26 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | GIÔ-SUÊ 3-5
“Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai hành động với đức tin”
it-2-E trg 105
Giô-đanh
Thông thường, khúc sông Giô-đanh ở phía nam biển Ga-li-lê có độ sâu trung bình từ 1 đến 3m và rộng khoảng 27 đến 30m. Nhưng vào mùa xuân, nước sông Giô-đanh thường tràn bờ và vì thế sẽ sâu và rộng hơn nhiều (Gs 3:15). Khi nước sông Giô-đanh đầy tràn thì sẽ rất nguy hiểm cho dân Y-sơ-ra-ên gồm nam, nữ và trẻ con băng qua sông, đặc biệt là ở gần Giê-ri-cô. Dòng nước ở đó xiết đến nỗi vào thời nay, một số người tắm đã bị cuốn trôi. Nhưng Đức Giê-hô-va đã làm phép lạ để chặn nước sông Giô-đanh cho dân Y-sơ-ra-ên có thể băng qua trên đất khô (Gs 3:14-17). Nhiều thế kỷ sau, phép lạ tương tự này cũng xảy ra cho Ê-li-gia khi ông đi cùng Ê-li-sê, và một lần khác cho Ê-li-sê khi chỉ có mình ông.—2V 2:7, 8, 13, 14.
NGÀY 4-10 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | GIÔ-SUÊ 8, 9
“Bài học từ lời tường thuật về dân Ga-ba-ôn”
it-1-E trg 930, 931
Ga-ba-ôn
Mối liên hệ với Giô-suê. Vào thời Giô-suê, thành Ga-ba-ôn là nơi cư ngụ của dân Hê-vít, một trong bảy dân tộc Ca-na-an sẽ bị hủy diệt (Phu 7:1, 2; Gs 9:3-7). Người Ga-ba-ôn cũng được gọi là người A-mô-rít, vì cách gọi này đôi khi được dùng cho tất cả những người Ca-na-an nói chung (2Sa 21:2; so sánh Sa 10:15-18; 15:16). Không giống như những dân Ca-na-an khác, dân Ga-ba-ôn nhận ra rằng dù có thế lực quân sự và thành rất lớn thì họ cũng không thể chống cự, vì Đức Giê-hô-va đang chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, sau khi thành Giê-ri-cô và A-i bị hủy diệt, người Ga-ba-ôn, hẳn cũng đại diện cho ba thành khác của người Hê-vít là Kê-phi-ra, Bê-e-rốt và Ki-ri-át-giê-a-rim (Gs 9:17), đã cử một phái đoàn đến gặp Giô-suê ở Ghinh-ganh để cầu hòa. Các sứ giả Ga-ba-ôn mặc những cái áo sờn rách, đi những đôi giày cũ mòn, dùng những bầu rượu da đã nứt, những cái bao cũ kỹ cùng với bánh khô vỡ vụn. Họ nói rằng mình đến từ một xứ rất xa nên không nằm trên hành trình chinh phục của dân Y-sơ-ra-ên. Họ nhận biết rằng có bàn tay của Đức Giê-hô-va trong những gì đã xảy đến trước đây với Ai Cập cũng như các vua của dân A-mô-rít là Si-hôn và Óc. Nhưng họ đã khôn ngoan không nhắc đến việc đã xảy ra cho thành Giê-ri-cô và A-i, vì những tin tức đó hẳn không thể đến được “xứ rất xa” của họ trước khi họ khởi hành. Sau khi kiểm tra và chấp nhận bằng chứng, những người đại diện của dân Y-sơ-ra-ên đã lập giao ước để cho dân Ga-ba-ôn sống.—Gs 9:3-15.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 1030
Treo
Dưới luật pháp Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên, một số tội phạm có thể bị treo lên cột sau khi bị xử tử. Đó là người “bị Đức Chúa Trời nguyền rủa” và bị treo cho mọi người thấy để làm gương cảnh báo. Một người chết bị treo lên như thế phải được mang xuống trước khi trời tối và đem chôn. Việc để xác người đó ở trên cây cột suốt đêm sẽ làm ô uế xứ mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên (Phu 21:22, 23). Dân Y-sơ-ra-ên đã áp dụng luật này ngay cả khi người bị xử tử không phải là người Y-sơ-ra-ên.—Gs 8:29; 10:26, 27.
CẢI THIỆN THÁNH CHỨC
it-1-E trg 525 đ. 1
Giao ước
Những giao ước khác. (a) Giữa Giô-suê cùng các thủ lĩnh của Y-sơ-ra-ên với cư dân thành Ga-ba-ôn là để cho họ sống. Dù dân Ga-ba-ôn là những người Ca-na-an bị rủa sả mà dân Y-sơ-ra-ên phải hủy diệt, nhưng một giao ước được xem là có tính ràng buộc và vì vậy dân Ga-ba-ôn phải được để cho sống. Tuy nhiên, lời rủa sả vẫn có hiệu lực khi họ bị bắt phải làm người lấy củi và múc nước cho dân Y-sơ-ra-ên (Gs 9:15, 16, 23-27).
NGÀY 11-17 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | GIÔ-SUÊ 10, 11
“Đức Giê-hô-va chiến đấu cho Y-sơ-ra-ên”
it-1-E trg 50
A-đô-ni-xê-đéc
Là vua của thành Giê-ru-sa-lem vào thời dân Y-sơ-ra-ên chinh phục Đất Hứa. A-đô-ni-xê-đéc đã liên minh với các vương quốc nhỏ ở phía tây sông Giô-đanh để hợp lực ngăn chặn đội quân chinh phục của Giô-suê (Gs 9:1-3). Tuy nhiên, dân Hê-vít của thành Ga-ba-ôn đã cầu hòa với Giô-suê. Nhằm ngăn chặn các dân khác đi theo kẻ địch, A-đô-ni-xê-đéc đã lên kế hoạch trả thù. Ông tập hợp quân đội của mình cùng với quân đội của bốn vua A-mô-rít khác và bao vây để đánh thành Ga-ba-ôn. Giô-suê đã giải cứu người Ga-ba-ôn một cách ngoạn mục và đánh bại liên quân ấy, khiến năm vua phải chạy trốn đến Ma-kê-đa. Tại đó họ bị kẹt trong một hang đá. Chính tay Giô-suê đã giết A-đô-ni-xê-đéc cùng bốn vua kia trước mặt quân lính Y-sơ-ra-ên và treo họ lên cột. Cuối cùng, xác của họ bị ném lại vào hang đá, và nơi ấy đã trở thành mồ chôn họ.—Gs 10:1-27.
it-1-E trg 1020
Mưa đá
Được Đức Giê-hô-va dùng. Mưa đá là một trong những hiện tượng thiên nhiên mà Đức Giê-hô-va đôi khi dùng để thực thi lời ngài và để biểu dương quyền năng vĩ đại của ngài (Th 148:1, 8; Ês 30:30). Trường hợp đầu tiên được ghi lại về điều này là tai vạ thứ bảy giáng xuống Ai Cập thời xưa. Một trận mưa đá rất lớn đã phá hủy cây cỏ, làm tan nát cây cối, và giết chết cả người lẫn thú vật ngoài đồng, nhưng không ảnh hưởng đến dân Y-sơ-ra-ên ở Gô-sen (Xu 9:18-26; Th 78:47, 48; 105:32, 33). Sau này ở Đất Hứa, khi dân Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Giô-suê đến cứu viện dân Ga-ba-ôn đang bị đe dọa bởi liên minh năm vua A-mô-rít, Đức Giê-hô-va đã dùng những hòn mưa đá rất lớn chống lại quân A-mô-rít đang tấn công. Khi đó, số người chết do trận mưa đá nhiều hơn số người chết vì đánh nhau với dân Y-sơ-ra-ên.—Gs 10:3-7, 11.
NGÀY 18-24 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | GIÔ-SUÊ 12-14
“Hết lòng theo Đức Giê-hô-va”
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 902, 903
Ghê-banh
Vào thời Giô-suê, Đức Giê-hô-va đã liệt kê “địa phận của dân Ghê-banh” trong số những vùng đất mà dân Y-sơ-ra-ên vẫn cần phải chiếm (Gs 13:1-5). Những nhà phê bình đã chỉ trích rằng điều này là thiếu nhất quán, vì thành Ghê-banh nằm xa về phía bắc của nước Y-sơ-ra-ên (khoảng 100km về phía bắc của Đan) và dường như chưa bao giờ bị Y-sơ-ra-ên chiếm đóng. Một số học giả cho rằng câu Kinh Thánh này trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ có thể đã bị hư hại, và họ nghĩ lời tường thuật thời xưa nói là “vùng đất tiếp giáp Li-băng”, hay ‘đến tận biên giới Ghê-banh’. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Giô-suê 13:2-7 là có điều kiện. Thế nên dân Y-sơ-ra-ên có lẽ đã không bao giờ chiếm được Ghê-banh vì họ đã bất tuân.—So sánh Gs 23:12, 13.
NGÀY 25-31 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | GIÔ-SUÊ 15-17
“Hãy bảo vệ sản nghiệp quý giá của anh chị”
it-1-E trg 1083 đ. 3
Hếp-rôn
Khi dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục cuộc chinh phục miền nam Ca-na-an, dân cư thành Hếp-rôn, bao gồm cả vua của họ (hẳn là người kế vị Hô-ham) đã bị tiêu diệt (Gs 10:36, 37). Tuy nhiên, dù dân Y-sơ-ra-ên dưới sự chỉ huy của Giô-suê đã lấy đi sức mạnh của dân Ca-na-an, nhưng có vẻ như họ không lập tức thiết lập các đồn trú để chiếm đóng những vùng đã chinh phục. Dường như trong khi dân Y-sơ-ra-ên đang chiến đấu ở nơi khác, dân A-nác đã quay trở lại sinh sống tại Hếp-rôn. Do đó, sau này Ca-lép (hoặc chi phái Giu-đa dưới sự lãnh đạo của Ca-lép) đã phải chiếm lại thành từ tay họ (Gs 11:21-23; 14:12-15; 15:13, 14; Qu 1:10). Lúc đầu thành Hếp-rôn được giao cho Ca-lép thuộc chi phái Giu-đa, và về sau nó được biệt riêng ra thánh để làm thành trú ẩn. Thành này cũng là một thành cho các thầy tế lễ sinh sống. Nhưng ‘cánh đồng của thành [Hếp-rôn]’ và các khu định cư thì vẫn là sản nghiệp của Ca-lép.—Gs 14:13, 14; 20:7; 21:9-13.
it-1-E trg 848
Lao dịch
Việc bắt người khác làm “lao dịch” hoặc “làm việc cực nhọc” (từ Hê-bơ-rơ là mas) hẳn là một điều khá phổ biến vào thời Kinh Thánh, vì người bại trận thường bị bắt làm nô lệ (Phu 20:11; Gs 16:10; 17:13; Êxt 10:1; Ês 31:8; Ai 1:1). Khi dân Y-sơ-ra-ên còn làm nô lệ lao dịch dưới sự giám sát trực tiếp của những kẻ cai quản hà khắc người Ai Cập, họ bị bắt phải xây các thành Phi-thom và Ram-se để làm kho (Xu 1:11-14). Sau này khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, thay vì theo sát mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va là đuổi hết dân Ca-na-an trong xứ và diệt họ đi, thì dân Y-sơ-ra-ên lại bắt họ lao dịch và làm việc cực nhọc. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến dân Y-sơ-ra-ên, khiến họ bị dụ dỗ thờ phượng các thần giả (Gs 16:10; Qu 1:28; 2:3, 11, 12). Vua Sa-lô-môn tiếp tục bắt con cháu của dân Ca-na-an làm nô lệ lao dịch, bao gồm dân A-mô-rít, dân Hếch, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít và dân Giê-bu.—1V 9:20, 21.
it-1-E trg 402 đ. 3
Ca-na-an
Dù có rất nhiều người Ca-na-an sống sót qua cuộc chinh phục chính của dân Y-sơ-ra-ên và không chịu khuất phục, nhưng vẫn có thể nói rằng “Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên toàn thể xứ mà ngài đã thề ban cho tổ phụ họ”, ngài ban cho họ “sự bình yên tứ bề”, và “trong các lời hứa tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã lập với nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào không thành hiện thực; tất cả đều được ứng nghiệm” (Gs 21:43-45). Những dân tộc thù nghịch xung quanh đã sợ hãi và không còn là mối đe dọa thật sự đối với dân Y-sơ-ra-ên. Trước đó Đức Chúa Trời từng phán rằng ngài sẽ đuổi dân Ca-na-an “dần dần” để các loài thú hoang không sinh sôi nảy nở trong vùng đất bị bỏ hoang đột ngột (Xu 23:29, 30; Phu 7:22). Về sau, bất kỳ thất bại nào của dân Y-sơ-ra-ên trong việc chiếm vùng đất nào đó cũng không phải do Đức Giê-hô-va không thực hiện lời ngài hứa, ngay cả khi dân Ca-na-an có những vũ khí tân tiến hơn, bao gồm các chiến xa gắn lưỡi hái bằng sắt (Gs 17:16-18; Qu 4:13). Thay vì thế, lời tường thuật cho thấy vài lần mà dân Y-sơ-ra-ên bại trận là do họ đã bất trung với Đức Giê-hô-va.—Dân 14:44, 45; Gs 7:1-12.