“Hãy vững lòng bền chí”
“Đừng sợ các nước đó, vì chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi tranh-chiến cho các ngươi” (PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 3:22).
1. a) Tình hình trong dân Y-sơ-ra-ên vào lúc cuối chuyến đi lang thang trong đồng vắng là như thế nào? b) Lúc đó Môi-se khuyên nhủ gì?
Thời kỳ trọng đại trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên đã đến. Giờ đây dân thánh của Đức Chúa Trời sửa soạn vào Đất Hứa! Trong 40 năm Môi-se đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua một đồng vắng mênh mông và đáng sợ. Nhưng bây giờ, trong xứ Mô-áp, vùng sông Giô-đanh, ông nói chuyện lần cuối trước dân sự của Đức Chúa Trời. Lúc đó ông 120 tuổi, “mắt người không làng, sức người không giảm”, giọng nói ông cũng không yếu ớt. Giô-suê là người sắp kế vị ông và toàn thể Y-sơ-ra-ên hẳn phải cảm động khi nghe Môi-se thuyết trình cách hùng hồn về luật pháp của Đức Giê-hô-va và lời khuyên nhủ đầy nghị lực của ông về việc phải can đảm khi họ đi nhận lãnh đất đai (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:1-5, 19, 21, 29, 30; 3:22; 31:6, 7, 23; 34:7).
2. Làm sao chúng ta biết những sự đó được ghi chép là để răn dạy chúng ta ngày nay?
2 Những biến cố xa xôi thời xưa đó có phải chỉ có giá trị lịch sử thôi không? Không đâu! Sứ đồ Phao-lô nói với chúng ta: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4). Ngày nay có điều tương tự như vậy xảy ra, và chúng ta được thêm sức trong trận chiến thiêng liêng nhờ lời tường thuật về chuyện xưa đó. Ngoài ra, lịch sử cốt là “để khuyên-bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối-cùng các đời”, giúp chúng ta tránh khỏi những cạm bẫy của Sa-tan (I Cô-rinh-tô 10:11; I Phi-e-rơ 4:7).
Giô-suê nhận được sức từ đâu?
3, 4. a) Tại sao chúng ta cần phải vun trồng đức tính can đảm? b) Làm thế nào chúng ta làm được việc đó?
3 Chỉ còn rất ít thời gian nữa dân tộc của Đức Chúa Trời ngày nay sẽ tiến vào hệ thống mọi sự mới của Đức Giê-hô-va. Để đối phó với những biến cố đang diễn ra trên thế giới chúng ta cần phải tập luyện tính can đảm. Làm thế nào? Khi Giô-suê sửa soạn vào Đất Hứa, Đức Chúa Trời chỉ bảo ông: “Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn-thận làm theo hết thảy luật-pháp mà Môi-se, tôi-tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu thì cũng đều được thạnh-vượng. Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:7, 8).
4 Ồ, bí quyết là đây: Hãy đọc Kinh-thánh mỗi ngày! Kinh-thánh ghi lại luật pháp của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Hãy suy gẫm về Kinh-thánh! Hãy nghe theo lời nhắc nhở của Kinh-thánh! Đừng để bị lôi cuốn bởi thế gian theo vật chất, gian dâm chung quanh bạn! Hãy khôn ngoan hành động, dù bạn ở trong bất cứ hoàn cảnh nào! Hãy áp dụng trong thực tế sự hiểu biết chính xác và sự thông sáng thiêng liêng mà bạn có được qua việc học Kinh-thánh! Hãy nói cho những người khác biết những điều đó! Nếu làm vậy và tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, quả bạn có thể “vững lòng bền chí” và “được may-mắn trong con đường mình”. (So sánh Thi-thiên 1:1-3; 93:5; 119:165-168).
5. a) Giống như Giô-suê, ngày nay những tôi tớ trẻ tuổi có thể được sức mạnh thế nào? b) Ngày nay những Nhân-chứng trẻ tuổi có thể có mục tiêu tốt nào?
5 Giô-suê đã “hầu việc Môi-se” kể từ thời trai trẻ (Dân-số Ký 11:28). Chắc chắn sự thân cận này đã ban sức thiêng liêng cho ông. Cũng thế, ngày nay các tôi tớ trẻ tuổi có thể nhận được sức khi làm việc chung với cha mẹ tận tụy, với những người khai thác, những Nhân-chứng lâu năm và những tôi tớ trung thành khác. Đi rao giảng làm chứng từ nhà này sang nhà kia với những người hăng hái đó có thể đem lại vui mừng và giúp những người trẻ tuổi trở nên thành thục và muốn tiến bộ trong thánh chức (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21; Ê-sai 40:28-31). Đối với các Nhân-chứng trẻ tuổi thật không có mục tiêu nào khác tốt hơn là mục tiêu phụng sự Nước của Đức Giê-hô-va trọn thời gian! (Thi-thiên 35:18; 145:10-12).
6. Giô-suê làm gương cho chúng ta thế nào trong trận đánh lại dân A-ma-léc?
6 Khi Môi-se phái Giô-suê đánh lại người A-ma-léc, “Giô-suê bèn làm y như lời Môi-se nói”. Nhờ sự vâng lời mà ông đã thắng trận. Cũng thế, nếu chúng ta theo sát những chỉ thị mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta bởi tổ chức của Ngài, chúng ta sẽ dự phần trong việc làm sáng danh Ngài. Đức Giê-hô-va có nói với Môi-se ghi chép một cuốn sách và đọc thẳng cho Giô-suê nghe để nhớ mãi chiến thắng của Ngài trên dân A-ma-léc. Chắc chắn Giô-suê đã đồn đãi sâu rộng hơn nữa về chiến thắng vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Cũng vậy, ngày nay chúng ta có thể nói cho mọi người biết những công trạng oai hùng của Đấng Thống trị hoàn vũ là Đức Giê-hô-va, và rao giảng “ngày báo-thù” sắp tới của Ngài trên những kẻ ác (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:10, 13, 14; Ê-sai 61:1, 2; Thi-thiên 145: 1-4).
7, 8. a) Sau khi đi Ca-na-an trở về, Giô-suê và Ca-lép biểu lộ lòng tin cậy nào? b) Cách thức Đức Giê-hô-va đối phó tình thế lúc đó cho chúng ta lời cảnh cáo và khuyến khích nào?
7 Giô-suê là một trong 12 người được Môi-se phái đi do thám Đất Hứa. Lúc trở về, 10 người do thám tỏ ra sợ dân Ca-na-an lắm và thuyết phục dân sự tổ chức phong trào trở lại xứ Ê-díp-tô. Nhưng Giô-suê và Ca-lép dõng dạc tuyên bố: “Nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ các ngươi chớ dấy loạn cùng Đức Giê-hô-va, và đừng sợ dân của xứ, vì dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che-chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giê-hô-va ở cùng ta. Chớ sợ chi” (Dân-số Ký 13:1 đến 14:38).
8 Tuy nhiên, hội chúng Y-sơ-ra-ên cứ tiếp tục lằm bằm khiến cho Đức Giê-hô-va can thiệp và kết án những người Y-sơ-ra-ên sợ sệt đó phải đi lang thang trong đồng vắng 40 năm. Ngoại trừ Ca-lép và Giô-suê, tất cả những trai tráng làm lính trong họ đều chết mà không thấy Đất Hứa. Đó là một sự cảnh cáo cho chúng ta ngày nay! Chúng ta chớ bao giờ lằm bằm chống lại sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Cho dù chúng ta đi rao giảng làm chứng trong những khu vực khó khăn, chúng ta hãy vững lòng bền chí đem thông điệp về Nước Trời đến nhà từng người. Mong sao chúng ta chớ bao giờ làm giống như những kẻ bội đạo thời nay, thích vu khống anh em mình và quay trở lại đường lối của thế gian—xứ Ê-díp-tô theo nghĩa bóng—thay vì rao giảng làm chứng công khai (Dân-số Ký 14:1-4, 26-30; Lu-ca 12:45, 46; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 5:27-29, 41, 42).
Làm sáng danh Đức Giê-hô-va!
9. Giô-suê xứng đáng với danh mới đặt cho ông thế nào?
9 Trong danh sách 12 người do thám trong Kinh-thánh Giô-suê được gọi là Hô-sê, nghĩa là “sự cứu rỗi”. Nhưng Kinh-thánh thuật lại ở điểm này: “Môi-se đặt tên cho Hô-sê, con trai Nun, là Giô-suê (có nghĩa «Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi»)”. Tại sao Môi-se nhấn mạnh danh của Đức Giê-hô-va? Vì Giô-suê trước hết được dùng làm sáng danh Ngài. Giô-suê trở nên gương mẫu sống và điển hình cho sự vâng lệnh mà sau đó Môi-se nhấn mạnh cho dân Y-sơ-ra-ên: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. Khi làm thế, ông có đặc ân chứng tỏ rằng «Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi» (Dân-số Ký 13:8, 16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5).
10. a) Danh Đức Giê-hô-va có nghĩa gì đối với bạn? b) Những lời mà Đức Giê-hô-va nói tiếp với Giô-suê có thể ban sức mạnh nào cho chúng ta?
10 Chúng ta cũng coi danh Đức Giê-hô-va là danh quí giá nhất và đáng được mọi người khen ngợi nhất, phải không? Danh nổi tiếng của Ngài có nghĩa là “Đấng khiến cho thành”, Đấng làm tròn lời hứa của Ngài. Những lời hứa của Ngài về Nước Trời thật làm ấm lòng biết bao! Giống như Giô-suê đầy hăng hái khi xưa, chúng ta hẳn nên muốn làm vinh hiển danh và ý định của Đức Giê-hô-va trước tất cả những ai nay còn có thể đạt được hy vọng sống trong hệ thống mọi sự mới, thánh sạch và công bình của Ngài. Trong thời kỳ thử thách này, những lời mà Đức Giê-hô-va nói tiếp với Giô-suê có thể đem lại sức lực cho chúng ta: “Ta há không có phán-dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run-sợ, chớ kinh-khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9a).
11. a) Giê-su làm nổi bật ý nghĩa của danh ngài thế nào khi ngài cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem? b) Giê-su coi danh của Đức Giê-hô-va thế nào, và điều này cho thấy gì?
11 Trong tiếng Hy Lạp chữ Giô-suê tương đương với Giê-su, cũng có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Đức Giê-hô-va đem lại sự cứu rỗi cho nhân loại bởi Giê-su. Năm 33 tây lịch, khi Giê-su cỡi con lừa con đi vào thành Giê-ru-sa-lem, đám đông cứ mãi hô to: “Hô-sa-na! Đáng khen-ngợi cho đấng nhơn danh Chúa mà đến!” (Mác 11:9; Xa-cha-ri 9:9). Giô-suê tượng trưng đúng cách cho Giê-su, đấng đã để lại cho chúng ta một gương mẫu để theo sát (I Phi-e-rơ 2:21). Cũng giống Giô-suê, Giê-su quí trọng và đề cao danh Đức Giê-hô-va. Trong lời cầu nguyện cuối, cùng với các môn đồ, Giê-su hai lần nhấn mạnh danh Đức Chúa Trời, nói rằng: “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế-gian... Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu-thương của Cha dùng yêu-thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa” (Giăng 17:6, 26). Thật cả là một đặc ân lớn cho chúng ta được nói cho người khác biết đến danh đó!
12. Ngày nay chúng ta chờ đợi thấy công trạng oai hùng nào, và tại sao?
12 Khi đọc Kinh-thánh thấy ghi lại sự lãnh đạo trung thành của Giô-suê, chúng ta có thể nghĩ đến Giê-su, đấng lớn hơn Giô-suê, đấng lãnh đạo dân của Đức Chúa Trời ngày nay. Hiện nay “ngày Đức Chúa Trời”, ngày làm sáng danh Đức Giê-hô-va sắp đến. Thật chúng ta nóng lòng làm sao khi chờ đợi thấy được sự thực hiện lời hứa của Ngài về một hệ thống mới công bình tiếp theo sau ngày đó! (II Phi-e-rơ 3:10-13, 17, 18). Rồi chúng ta vững tin chờ đợi những công trạng còn oai hùng hơn những công trạng mà Đức Giê-hô-va đã lập được bởi Giô-suê nữa.
Phép lạ của Đức Giê-hô-va tại sông Giô-đanh
13. a) Dân Y-sơ-ra-ên đã phải đương đầu với một tình thế dường như bế tắc nào ở bên bờ phía Đông sông Giô-đanh? b) Sự vâng lời của dân Y-sơ-ra-ên đã được ban thưởng thế nào?
13 Lúc ấy là mùa gặt năm 1473 trước tây lịch, và sông Giô-đanh gặp mùa nước lớn. Làm sao hàng triệu sinh mạng—già và trẻ, đàn ông, đàn bà và con nít—có thể vượt qua dòng nước chảy cuồn cuộn kia được? Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va ra lệnh cho Giô-suê: “Bây giờ ngươi và cả dân-sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh”. Đến lượt dân sự nói với Giô-suê: “Chúng tôi sẽ làm mọi điều ông dặn-biểu”. Dân Y-sơ-ra-ên nhổ trại. Các thầy tế lễ đi trước, khiêng hòm giao ước được bọc cẩn thận và tượng trưng sự hiện diện của Đức Giê-hô-va giữa họ. Rồi thì Đức Giê-hô-va khởi sự «làm những việc lạ-lùng giữa họ», vì «khi các người khiêng hòm đến sông Giô-đanh, và chơn của những thầy tế-lễ khiêng hòm mới bị ướt nơi mé nước, thì nước ở trên nguồn thường chảy xuống bèn dừng lại, dồn thành một đống”. Nước ở bên dưới “rẽ đoạn ra”, đổ về Biển Chết, “rồi dân-sự đi qua” (Giô-suê 1:2, 16; 3:5-16). Quả thật, đó là một phép lạ kỳ diệu!
14. Ngày nay có điều gì tương tự xảy ra, và kết quả của việc làm chứng là gì?
14 Ta có thể ví sông Giô-đanh vào mùa nước lớn tương đương khối nhân loại nay đang ồ ạt như thác nước đổ dồn về phía sự hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn. (So sánh Ê-sai 57:20; Khải-huyền 17:15). Ngày nay, trong khi nhân loại đang sắp đổ xuống thác nước đó, Đức Giê-hô-va củng cố dân sự Ngài, hiện lên đến con số trên 3.000.000 người, con số gần bằng dân số Y-sơ-ra-ên thời xưa đi cùng với Giô-suê. (So sánh Ha-ba-cúc 2:3).
15. a) Hiện nay có điều gì giống như hành động can đảm của các thầy tế lễ khi xưa? b) Điều gì tượng trưng cho “đám đông” trong tình thế này?
15 Trong khi hàng triệu người Y-sơ-ra-ên đi bộ băng qua lòng sông, “những thầy tế-lễ khiêng hòm giao-ước của Đức Giê-hô-va dừng chơn vững trên đất khô giữa sông Giô-đanh”, tượng trưng việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm gián đoạn dòng sông (Giô-suê 3:17). Năm 1919 các Nhân-chứng được xức dầu lúc ấy mới là một nhóm nhỏ đã can đảm đứng trước dòng “nước” nhân loại. Năm 1922 họ dạn dĩ đáp lại lời kêu gọi «hãy loan báo, hãy loan báo, hãy loan báo về Vua và Nước Trời», chẳng khác gì họ nói: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. Đức Giê-hô-va cam kết với họ: “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che-lấp”. Năm 1931 Ngài ban cho họ vinh dự được mang danh là Nhân-chứng Giê-hô-va (Ê-sai 6:8; 43:2, 12). Trong số những người vượt qua sông Giô-đanh đã có những người Y-sơ-ra-ên không thuộc chi phái Lê-vi và con cháu của đám “vô-số người ngoại-bang đi lên chung”, rời Ê-díp-tô với Môi-se, nhưng không phải là dân Y-sơ-ra-ên. Cũng vậy, ngày nay “đám đông” dự phần đi vào hệ thống mới của Đức Chúa Trời, trong khi những người còn sót lại thuộc lớp người làm thầy tế lễ thiêng liêng đứng “vững-vàng, không rúng-động”, làm gương với đức tin mạnh mẽ (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38; Khải-huyền 7:9; I Cô-rinh-tô 15:58).
Ghi nhớ phép lạ
16. a) Phép lạ tại sông Giô-đanh đã được ghi nhớ thế nào? b) Điều này giúp chúng ta nghĩ đến gì về các công trạng của Đức Giê-hô-va ngày nay?
16 Đức Giê-hô-va truyền lệnh cho 12 người nam trong Y-sơ-ra-ên, đại diện cho tất cả các chi phái, lấy 12 hòn đá từ lòng sông Giô-đanh và đặt trên bờ sông phía tây ở Ghinh-ganh để ghi nhớ phép lạ vượt qua sông Giô-đanh. Những hòn đá đó sẽ nằm tại đó để ghi nhớ đời đời danh Đức Giê-hô-va và các công trạng oai hùng của Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên sẽ phải nói cho con cái họ sanh ra sau này rằng sự ghi nhớ này cốt là để “cho các dân-tộc thế-gian biết rằng tay của Đức Giê-hô-va là rất mạnh, và cho các ngươi kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi luôn luôn” (Giô-suê 4:1-8, 20-24). Trong thời kỳ hiện đại này, những công trạng kỳ diệu của Đức Giê-hô-va nhằm che chở dân Ngài cũng sẽ dùng để ghi nhớ việc Ngài ở với dân Ngài, dù cho những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo có tấn công họ cách dã man đến đâu. Chắc chắn các công trạng lớn lao đương thời của Ngài để làm sáng danh Ngài sẽ được ghi nhớ đời đời trong hệ thống mọi sự mới của Ngài (Khải-huyền 12:15, 16; Thi-thiên 135:6, 13).
17. a) Giô-suê đã làm một sự ghi nhớ nào khác? b) Ngày nay nhân loại không thể tránh được chứng cớ gì tương tự?
17 Cũng có một sự ghi nhớ khác nữa: “Giô-suê cũng dựng mười hai hòn đá giữa sông Giô-đanh, tại nơi chơn những thầy tế-lễ khiêng hòm giao-ước đã đứng; các hòn đá ấy hãy còn ở đó cho đến ngày nay”. Khi các thầy tế lễ bước ra khỏi lòng sông và Đức Giê-hô-va khiến cho nước lấp trở lại, nước chảy xoáy chung quanh 12 hòn đá làm bảng chứng (Giô-suê 4:9). Bởi thế, các hòn đá đó cứ hiện hữu và nước sông không thể tránh và chạm. Ngày nay cũng thế, nhân loại giống như nước chảy càng lúc càng cuồn cuộn hướng về phía “Biển Chết” của sự hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn. Nhưng nước đó không thể tránh khỏi chứng cớ mà các Nhân-chứng Giê-hô-va đã dựng lên trên khắp thế giới trong khi họ “một lòng đứng vững, đồng tâm chống-cự vì đức-tin của tin mừng” (Phi-líp 1:27, 28). Các báo cáo nhận được cho thấy trong 67 năm vừa qua cho tới năm 1986, các Nhân-chứng đã phân phát tại nhà người ta trên khắp thế giới, trong hơn 200 thứ tiếng, hơn 570.000.000 sách đóng bìa cứng và hơn 6.400.000.000 tờ báo Tháp Canh và Tỉnh thức! cùng với hàng triệu báo gởi dài hạn: quả là một sự làm chứng đồ sộ!
18. a) Ngày nay lớp người làm thầy tế lễ biểu lộ những đức tính nào? b) Mọi người trong dân của Đức Chúa Trời được khích lệ thế nào?
18 Chúng ta có thể sung sướng thấy cho đến năm 1987 công việc làm chứng hãy còn tiếp diễn. Làm theo ý muốn Đức Chúa Trời không phải là một việc dễ dàng, cũng như khi 12 người kia phải vác trên vai mỗi người một hòn đá để ghi nhớ và khuân đi cho đến mãi tận Ghinh-ganh. Nhưng tinh thần làm người khai thác đã khiến dân của Đức Chúa Trời ngày nay đoàn kết lại với nhau, luôn luôn khích lệ họ “hãy vững lòng bền chí” (Thi-thiên 27:14; 31:24; Sô-phô-ni 3:9).
19. Chúng ta có thể có sự tin cậy nào khi xem xét những biến cố khác trong thời Giô-suê?
19 Những biến cố khác trong thời của Giô-suê phải khuyến khích chúng ta tiến tới, tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện những phép lạ mới cho dân của Ngài. Bài tới sẽ xem xét một số những phép lạ này.
[Chú thích]
a Asher Goldenberg viết trong cuốn Metre and Its Significance in the Bible (Hê-bơ-rơ) rằng vào thời kỳ Đền thờ thứ nhất người ta thường có tên dài, một phần của tên đó là danh của Đức Chúa Trời dưới dạng 4 phụ âm Hê-bơ-rơ (Tetragrammaton), để chỉ sự trung thành với Đức Giê-hô-va. Ông bình luận rằng “trong phần Ngũ thư [từ Sáng-thế Ký đến Phục-truyền Luật-lệ Ký] Môi-se đổi tên của Hô-sê, con trai Nun, thành «Giô-suê» khi ông phái người đi do thám; vậy ông đã biết trước [Giô-suê] sẽ không phản bội [Đức Giê-hô-va]”.
Suy gẫm về những biến cố trong thời của Giô-suê—
◻ Tại sao không nên coi những biến cố này như chỉ có giá trị lịch sử mà thôi?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng đức tính can đảm và sức mạnh thiêng liêng?
◻ Giô-suê để lại cho chúng ta một gương mẫu tốt nào?
◻ Giô-suê làm hình bóng tượng trưng cho Giê-su bằng những cách nào?
◻ Ngày nay những biến cố nào tương đương với những việc xảy ra tại sông Giô-đanh?