“Chúng ta sẽ phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời”
“Ta và nhà ta sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va” (GIÔ-SUÊ 24:15).
1. Sách Giô-suê có công dụng khuyến khích và che chở chúng ta thế nào?
Những biến cố đầy phấn khởi ghi trong sách Giô-suê nhằm “dạy-dỗ” và “khuyên-bảo” chúng ta để khuyến khích chúng ta “là kẻ ở gần cuối-cùng các đời” (Rô-ma 15:4; I Cô-rinh-tô 10:11). Các đức tính tỏ sự tin kính như sự bền đỗ, đức tin và sự vâng lời được nhấn mạnh. “Bởi đức-tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày. Bởi đức-tin, kỵ-nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp-rước các kẻ do-thám” (Hê-bơ-rơ 11:30, 31). Đức tin của Giô-suê, Ra-háp và của những người trung thành khác ngày xưa hẳn phải khích lệ chúng ta để chúng ta vững lòng bền chí, ngõ hầu hoàn tất công việc của Đức Chúa Trời ngày nay (Giô-suê 10:25; Giăng 4:34).
2. a) Giô-suê đã tỏ ra vâng lời cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất thế nào? b) Điều gì xảy ra tại núi Ê-banh và núi Ghê-ri-xim?
2 Sau khi thắng trận quyết liệt ở A-hi, Giô-suê chú ý tới những chỉ thị ghi trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:1 đến 28:68. Ông dựng lên một bàn thờ toàn bằng đá trên Núi Ê-banh và tại đó ông đã thi hành mệnh lệnh: “(Ngươi) phải dâng của-lễ thù-ân, ăn tại đó và vui-vẻ trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. Người ta cũng dựng lên những hòn đá khác để ghi nhớ, sơn trắng và viết lên những đá đó những lời của Luật pháp. Rồi người ta phân chia các chi phái Y-sơ-ra-ên ra làm hai nhóm, một nhóm đứng trên Núi Ghê-ri-xim “đặng chúc phước cho dân-sự” và nhóm kia “đứng trên núi Ê-banh, đặng rủa-sả”. Người Lê-vi đọc lớn tiếng những lời rủa sả cho những ai không vâng lời và cả dân sự đáp “A-men!” Rồi người ta đọc sự ban phước cho những ai vâng lời. Nhưng khốn thay cho dân Y-sơ-ra-ên nếu họ không “cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy... không kính-sợ danh vinh-hiển và đáng sợ nầy là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Giô-suê 8:32-35).
3, 4. a) Đường lối của người Y-sơ-ra-ên cho chúng ta bài học hùng hồn nào ngày nay? b) Tại sao chúng ta chớ nên chán nghe lập đi lập lại các lời khuyên dạy? c) Vào “cửa hẹp” đòi hỏi điều gì?
3 Dân Y-sơ-ra-ên có tiếp tục vâng theo “các lời của luật-pháp nầy” không? Trước kia Môi-se và sau đó Giô-suê không ngớt khuyên bảo họ, dù vậy, họ thất bại cách thê thảm. Quả thật đó là một bài học hùng hồn cho chúng ta ngày nay! Dù được nghe đi nghe lại những lời cảnh cáo, luôn luôn có một số người nghĩ rằng họ có thể khinh lờn những điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi, ngoan cố đi theo đường lối riêng và nghĩ sẽ sống sót nổi. Thật điên rồ làm sao! Phao-lô ghi lại những chuyện xưa đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên và nói: “Ai tưởng mình đứng hãy giữ kẻo ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12; Truyền-đạo 2:13).
4 Một vài người trong dân Đức Chúa Trời đã chỉ trích những lời cảnh cáo trong quá khứ, nói rằng họ chán nghe lập đi lập lại mãi cứ bấy nhiêu chuyện đó. Nhưng chính họ là những kẻ rơi vào cạm bẫy của Sa-tan trước nhất. Phần lớn của sách Phục-truyền Luật-lệ Ký (tiếng Hê-bơ-rơ là Mish·neh’ hat·to·rahʹ có nghĩa “Ôn lại Luật pháp”) trong Kinh-thánh được soi dẫn gồm bốn bài diễn văn của Môi-se; các bài diễn văn đó nói rõ cho dân Y-sơ-ra-ên biết họ phải vâng lời những luật pháp mà Đức Giê-hô-va đã cho ghi ra trước đó. Những lời mà Môi-se đã dùng để cảnh cáo sự không vâng lời và hậu quả là “sự rủa-sả” nhiều gấp hơn bốn lần những chữ ông đã dùng để diễn tả “sự chúc phước”. Một lần nữa, trên Núi Ê-banh, Giô-suê cảnh cáo thêm rằng họ phải vâng lời. Điều này há không cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc chúng ta phải cố gắng “vào cửa hẹp”, hay sao? (Ma-thi-ơ 7:13, 14, 24-27; 24:21, 22).
5. Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên đương đầu với quân đội liên hiệp nào, và ngày nay có tình thế tương tự nào?
5 Lúc bấy giờ một trận đụng độ quyết liệt sắp diễn ra. Tiền đồn Giê-ri-cô đã bị diệt, cũng giống như tôn giáo giả sẽ bị tàn phá khi “hoạn-nạn lớn” khởi sự. Thành A-hi đã thất thủ. Nhưng lúc bấy giờ “hết thảy các vua ở bên nầy sông Giô-đanh, hoặc ở trong núi, dưới đồng bằng, hay là dọc bãi biển lớn đối ngang Li-ban, tức là các vua dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít, đều rập một ý hiệp với nhau đặng giao chiến với Giô-suê và Y-sơ-ra-ên” (Giô-suê 9:1, 2). Ngày nay có một tình thế tương tự với việc đó xảy ra: đó là các nước thế gian hợp lại với nhau thành cái gọi là Liên Hiệp Quốc. Chúng đang tìm kiếm hòa bình và an ninh theo các điều kiện riêng của chúng nhưng “nổi dậy... nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch đấng chịu xức dầu của Ngài”, đấng Lớn hơn Giô-suê (Thi-thiên 2:1, 2). Hậu quả sẽ là gì?
Hành động tài giỏi
6, 7. a) Dân Ga-ba-ôn tỏ ra muốn được gì, và họ dùng mưu mẹo nào? b) Giô-suê xử trí ra sao?
6 Lúc bấy giờ, giống như Ra-háp trước đó, có những người khác không phải dân Y-sơ-ra-ên muốn được sống sót. Đó là dân cư của thành Ga-ba-ôn, một thành lớn nằm về phía Bắc thành của dân Giê-bu-sít hay thành Giê-ru-sa-lem. Họ có nghe nói đến các công trạng oai hùng của Đức Giê-hô-va và họ cương quyết tìm kiếm hòa bình và an ninh theo điều kiện của Đức Giê-hô-va. Nhưng thế nào? Họ gởi đến trại quân Y-sơ-ra-ên tại Ghinh-ganh một phái đoàn mang theo lương thực khô chỉ còn những miếng vụn, với bao cũ, bầu rượu cũ rách vá lại, mặc quần áo cũ mòn và chân mang giày cũ vá. Khi lại gần Giô-suê, họ nói: “Tôi-tớ của ông ở từ xứ rất xa đến để tôn-trọng danh Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của ông; vì chúng tôi có nghe nói về Ngài”. Nghe vậy, “Giô-suê lập hòa cùng chúng nó, và kết giao-ước cho chúng nó sống” (Giô-suê 9:3-15).
7 Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên sớm phát giác ra là người Ga-ba-ôn thật ra “ở tại giữa mình”! Bấy giờ Giô-suê xem mưu mẹo của họ thế nào? Ông tôn trọng lời thề đã lập ra với họ trước đó, “để cho chúng nó sống, nhưng phải bị dùng để đốn củi xách nước cho cả hội-chúng” (Giô-suê 9:16-27; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 20:10, 11).
8. Người Ga-ba-ôn làm hình bóng tượng trưng trước cho “đám đông” bằng những cách nào?
8 Nhiều năm sau đó có đông người Nê-thi-nê phụng sự Đức Giê-hô-va trong đền thờ, dường như thuộc nòi giống người Ga-ba-ôn. Vậy người Ga-ba-ôn rất có thể làm hình bóng tượng trưng trước cho “đám đông” hiện đang “hầu-việc (Đức Chúa Trời) trong đền Ngài” (Khải-huyền 7:9, 15). Dù sống trong một thế gian giống như xứ Ca-na-an, lòng họ “không thuộc về thế-gian”. Trước kia họ chỉ hài lòng với loại lương thực thiêng liêng “miếng vụn”, kiểu mà các nhà thờ tự xưng theo Giê-su ban cho, và không có “rượu” vui mừng. Khi tiếp xúc với dân của Đức Chúa Trời, họ nhìn nhận Đức Giê-hô-va đang tạo ra những công trạng oai hùng qua các nhân-chứng của Ngài. Họ đã vượt qua một đoạn đường dài từ thế gian của Sa-tan để lấy “quần áo” cũ rách khi xưa đổi quần áo mới tượng trưng cho nhân cách mới là dấu hiệu đặc biệt của các tôi tớ khiêm nhường của Đức Giê-hô-va (Giăng 14:6; 17:11, 14, 16; Ê-phê-sô 4:22-24).
Sự tiếp viện có tổ chức
9. a) Kế đến tình thế khó khăn nào đã xảy ra? b) Giô-suê đối phó thế nào, và với sự trấn an nào?
9 Khi A-đô-ni-Xê-đéc, vua Giê-ru-sa-lem, hay tin người Ga-ba-ôn giảng hòa với dân Y-sơ-ra-ên, “người lấy làm sợ-hãi lắm, vì Ga-ba-ôn là một thành lớn, là một đế-đô thật... và cả dân-sự nó đều là người mạnh-dạn”. Hắn liên kết với bốn vua kia, và chúng vây thành Ga-ba-ôn. Lập tức người Ga-ba-ôn cầu viện cùng Giô-suê: “Hãy mau đến cùng chúng tôi, giải-thoát và tiếp-cứu chúng tôi”. Giô-suê đáp lời ngay, và Đức Giê-hô-va trấn an ông, nói rằng: “Chớ sợ, vì ta đã phó chúng vào tay ngươi, chẳng còn một ai đứng nổi trước mặt ngươi được”. Giô-suê và quân lính mạnh dạn dũng cảm của ông đi “trọn đêm”, bất chợt tấn công quân nghịch (Giô-suê 10:1-9).
10. a) Ngày nay có những hành động nào tương tự với việc bao vây Ga-ba-ôn? b) Người Ga-ba-ôn thời nay tỏ ra cương quyết làm gì?
10 Giống như năm vua kia, ngày nay có một số nhà cầm quyền chính phủ lấy làm tức giận khi thấy quá nhiều người dân của họ—ngay cả “người mạnh dạn”—đứng về phía Giô-suê Lớn và Nước Trời dựa trên sự công bình do ngài cai trị khắp đất. Những nhà cầm quyền chính phủ này nghĩ rằng cần nên duy trì các ranh giới quốc gia, cho dù nước này cứ tranh giành và gây chiến với nước kia mãi. Bởi thế họ tìm cách cắt đứt sự tiếp tế lương thực thiêng liêng cho “đám đông vô số người” yêu chuộng hòa bình bằng cách cấm không cho họ nhóm họp với nhau để chia xẻ “đồ ăn” này, và buộc họ ngưng nói với người khác về những đề tài thiêng liêng. Nhưng những người Ga-ba-ôn thời nay trung thành đứng về phía dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, nói rằng: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi” (Xa-cha-ri 8:23; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 4:19, 20; 5:29).
11. Ngày nay các Nhân-chứng Giê-hô-va đối phó ra sao với các tình thế khó khăn?
11 Khi “đám đông” cầu cứu nơi tổ chức “mẹ” của họ, họ được tiếp viện ngay và một cách hữu hiệu. Nhân-chứng Giê-hô-va cũng hành động nhanh nhẹn trong các lãnh vực khác, như lập tức tổ chức cứu trợ nạn nhân thiên tai, cấp tốc xây cất Phòng Nước Trời và Phòng Hội nghị cần thiết để phân phát “đồ ăn”. Khi một hội nghị được tổ chức vào tháng 6 năm ngoái tại sân vận động Yankee ở Nữu Ước, một nhóm người tình nguyện ào ạt vào lúc nửa đêm, ngay sau một trận đấu dã cầu, để quét dọn và chuẩn bị cho hội nghị. Trong bốn ngày kế tiếp sân vận động bóng loáng hơn bao giờ hết. Các trưởng lão Nhân-chứng Giê-hô-va cũng nhanh chóng hành động khi cần để giải quyết các khó khăn xảy ra cho công việc rao giảng tin mừng (Phi-líp 1:6, 7).
Đức Giê-hô-va chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên
12. Đức Giê-hô-va đã thực hiện những phép lạ nào để chiến đấu cho Y-sơ-ra-ên nhằm bênh vực người Ga-ba-ôn? (So sánh Ha-ba-cúc 3:1, 2, 11, 12).
12 Nhưng bây giờ ta hãy trở lại nhìn xem Ga-ba-ôn. Đức Giê-hô-va đang khiến hàng ngũ binh lính quân nghịch trở nên xáo trộn. Dân Y-sơ-ra-ên rượt theo và tàn sát chúng mãnh liệt. Và có gì rơi xuống từ trên trời? Những hạt mưa đá lớn! Chúng bị giết vì mưa đá khổng lồ nhiều hơn là bị binh lính Y-sơ-ra-ên giết. Giờ đây, hãy nghe. Giô-suê thưa cùng Đức Giê-hô-va, và ông nói gì “tại trước mặt Y-sơ-ra-ên”? Ông nói: “Hỡi mặt trời, hãy dừng lại trên Ga-ba-ôn; Hỡi mặt trăng, hãy dừng lại trên trũng A-gia-lôn!” Một phép lạ đáng sợ khác! Mặt trời chiếu sáng bãi chiến trường—một ngày trọn—cho đến khi sự báo thù của Đức Chúa Trời được thi hành trọn vẹn. Chúng ta không có phận sự thảo luận về cách mà Đức Giê-hô-va làm phép lạ này, cũng như chúng ta không chất vấn về cách Ngài đã “làm” cho hai vì sáng lớn chiếu rạng vào “ngày” sáng tạo thứ tư (Sáng-thế Ký 1:16-19; Thi-thiên 135:5, 6). Kinh-thánh kết thúc câu chuyện: “Từ trước và về sau, chẳng hề có ngày nào như ngày đó, là ngày Đức Giê-hô-va có nhậm lời của một loài người; vì Đức Giê-hô-va chiến-cự cho dân Y-sơ-ra-ên” (Giô-suê 10:10-14).
13. Giô-suê tiếp tục khích lệ các tướng lãnh thế nào, và hậu quả sau cùng là gì?
13 Những cuộc hành quân càn quét kết thúc với việc xử tử năm vua; lúc đó Giô-suê nói với các tướng lãnh: “Chớ ngại, và chớ kinh-khủng; khá vững lòng bền chí, vì Đức Giê-hô-va sẽ làm như vậy cho hết thảy thù-nghịch các ngươi, mà các ngươi sẽ chiến-cự”. Quả Đức Giê-hô-va đã làm như vậy với 7 vua Ca-na-an, và tiếp tục làm như vậy cho đến khi trọn 24 nước khác bị sụp đổ. Rồi sau đó, sau 6 năm chiến trận, nước mới được yên ổn (Giô-suê 10:16-25; 12:7-24).
14. Chúng ta phải có thái độ nào và sự tin cậy nào trong khi tiến tới Ha-ma-ghê-đôn?
14 Ngày nay, mong sao chúng ta có thể vững lòng bền chí như Giô-suê, binh lính dũng cảm của ông và toàn bộ đạo binh Y-sơ-ra-ên hùng hậu khi xưa, trong khi chúng ta đang tiến tới trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Chúng ta có thể tin cậy rằng Đức Giê-hô-va có thể thực hiện được những phép lạ đáng sợ khác để đem hàng triệu người dân dạn dĩ của Ngài vượt khỏi Ha-ma-ghê-đôn bước vào hệ thống mới của Ngài, cũng như khi xưa Ngài đã từng đem hàng triệu người Y-sơ-ra-ên một cách an toàn vào Đất Hứa (Khải-huyền 7:1-3, 9, 14; 19:11-21; 21:1-5).
Sự cương quyết của chúng ta
15. Trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời các “chiên khác” có thể chờ đợi được giao phó cho những loại việc làm nào?
15 Lúc bấy giờ Giô-suê gần được 90 tuổi; thế mà ông phải gánh vác một tránh nhiệm lớn khác: chia đất cho các chi phái Y-sơ-ra-ên. Đời sống của dân Y-sơ-ra-ên cũng không dễ dàng gì đâu. Thật thế, Ca-lép xin được ở đất Hếp-rôn; lúc ấy dân khổng lồ A-na-kim đang sống ở đó; Ca-lép muốn tiếp tục tiến tới đánh đuổi hết kẻ thù nghịch của Đức Giê-hô-va. Điều này không có nghĩa là trong thời kỳ trị vì Một Ngàn Năm của Giê-su sẽ có những kẻ thù nghịch ở trên đất, nhưng sẽ có nhiều việc để làm. Chúng ta không nên chờ đợi một lối sống dễ dàng, nhàn hạ trong hệ thống mọi sự mới. Sau khi được giao phó những phận sự trong “đất mới”, các “chiên khác” của Chúa sẽ thực hiện một công trình đồ sộ nhằm tô điểm trái đất và biến trái đất thành Địa-đàng (Giô-suê 14:6-15; Mác 10:29, 30; Rô-ma 12:11).
16. Sự sắp đặt về những “thành ẩn-náu” tượng trưng cho điều gì ngày nay?
16 Lúc chia đất, Giô-suê đã để riêng ra 6 thành cho người Lê-vi dùng làm “thành ẩn-náu”, 3 thành bên này và 3 thành bên kia sông Giô-đanh. Đây là sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để che chở người nào vô tình phạm tội giết người thì người đó có thể chạy trốn vào một trong các thành ấy. Kẻ giết người ấy phải chứng tỏ trước Đức Chúa Trời là y có lương tâm trong sạch, và ở lại trong thành đó cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời. Ngày nay cũng thế, vì trước kia “đám đông” kết hợp với thế gian làm đổ máu này, họ phải tìm kiếm lương tâm trong sạch với Đức Chúa Trời. Muốn có lương tâm trong sạch họ phải xưng tội, ăn năn, thay đổi đường lối, dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm trong nước. Rồi họ phải giữ vị trí đó. “Đám đông” được đòi hỏi phải ở lại trong “thành” cho đến khi Giê-su chết hiểu theo nghĩa bóng tức hoàn tất công việc tế lễ, khi mãn hạn thời gian trị vì Một Ngàn Năm của ngài (Giô-suê 20:1-9; Khải-huyền 20:4, 5; I Cô-rinh-tô 15:22, 25, 26).
17. Ngày nay chúng ta có thể nhìn thấy trước viễn ảnh vui mừng nào?
17 Đức Giê-hô-va đã ban phước cho dân Y-sơ-ra-ên của Ngài một cách kỳ diệu làm sao! Đường đi khó, thử thách nhiều, nhưng sau cùng họ vào Đất Hứa và lập nghiệp tại đó. Hẳn lòng họ phải tràn đầy sự biết ơn đối với Đức Giê-hô-va! Và nếu chúng ta tỏ ra trung thành với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thấy vui mừng như vậy khi vào hệ thống mới của Ngài; hệ thống mới gồm có “đất mới”. Quả vậy, điều đó sẽ là một sự thật đối với chúng ta, như đó là sự thật vào thời Giô-suê, vì “trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng-nghiệm” (Giô-suê 21:45). Mong sao bạn có thể sung sướng dự phần trong đó!
18. a) Giô-suê kể lại cho các trưởng lão Y-sơ-ra-ên nghe điều gì? b) Chúng ta nên có ước vọng nào về hệ thống mới của Đức Giê-hô-va?
18 Sau rốt, Giô-suê, lúc đó được 110 tuổi, tụ họp các trưởng lão trong Y-sơ-ra-ên lại. Ông kể lại cho họ nghe Đức Giê-hô-va đã ban phước cho dân sự trung thành của Ngài cách kỳ diệu thế nào kể từ thời Áp-ra-ham cho đến ngày đó. Bấy giờ Đức Giê-hô-va nói với họ: “Ta ban cho các ngươi đất mà các ngươi không có cày, những thành mà các ngươi không có xây, và các ngươi ở đó; những vườn nho và cây ô-li-ve mà các ngươi không có trồng, để dùng làm vật-thực cho các ngươi”. Chắc hẳn, sau khi hưởng được sự cung cấp phong phú đó, dân Y-sơ-ra-ên nên “kính-sợ Đức Giê-hô-va, và phục-sự Ngài cách thành-tâm và trung-tín” mãi mãi. Và chắc hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nên có ước vọng giống thế khi nhìn thấy trước mặt có hệ thống mới vinh quang của Đức Giê-hô-va trên trái đất này (Giô-suê 24:13, 14).
19. a) Bấy giờ Giô-suê đặt trước dân sự điều lựa chọn nào, và họ trả lời thế nào? b) Chúng ta nên muốn giống ai? c) Chúng ta nên lựa chọn làm gì, và với sự cương quyết nào?
19 Rồi Giô-suê nói rõ cho dân sự: “Nếu chẳng thích cho các ngươi phụng sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phụng sự... NHƯNG TA VÀ NHÀ TA SẼ PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”. Với tư cách cá nhân chúng ta, hay những người hợp thành những gia đình tin Đức Chúa Trời, hợp thành hội-thánh, là con cái trong “nhà của Đức Chúa Trời” trên khắp thế giới, chúng ta có thể lập lại những lời này không? Chắc chắn có! (Ê-phê-sô 2:19). Dân sự vào thời Giô-suê đáp lại: “Chúng tôi sẽ phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, và nghe theo tiếng Ngài” (Giô-suê 24:13, 14). Nhưng, buồn thay, trong những năm sau đó họ không giữ lời. Chúng ta muốn làm giống như Giô-suê và gia đình của ông, giống như Ca-lép, như những người Ga-ba-ôn và như Ra-háp. Đúng vậy, “CHÚNG TA SẼ PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”. Mong sao chúng ta có thể phụng sự Đức Giê-hô-va cách can đảm và với đầy lòng tin cậy rằng không có điều gì “có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Christ, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:39).
Sách Giô-suê dạy chúng ta điều gì—
◻ Về lợi ích của việc nhắc lại các lời khuyên dạy?
◻ Về sự chăm sóc cho những người Ga-ba-ôn thời nay?
◻ Về cách mà Đức Giê-hô-va sẽ chiến đấu tại Ha-ma-ghê-đôn?
◻ Về việc cần phải chạy trốn vào “thành ẩn-náu”?
◻ Về việc chúng ta phải lựa chọn thờ ai?