Nhờ đức tin, Ba-rác đã đánh bại một đạo quân hùng mạnh
HÃY tưởng tượng bạn đang đứng trước một đạo quân thù nghịch đông đảo. Chúng trang bị những vũ khí tối tân nhất và ở tư thế sẵn sàng sử dụng. Trước đạo quân này, bạn và đồng đội hầu như bất lực.
Trong thời các quan xét ở Y-sơ-ra-ên, Ba-rác, Đê-bô-ra và 10.000 người Y-sơ-ra-ên đã sống qua một kinh nghiệm như thế. Lực lượng quân thù là người Ca-na-an do tướng Si-sê-ra thống lãnh. Chiến cụ của họ gồm xe ngựa mà bánh xe có những lưỡi hái bằng sắt. Chiến địa là Núi Tha-bô và thung lũng Ki-sôn. Những gì xảy ra ở đây cho thấy Ba-rác là người gương mẫu về đức tin. Chúng ta hãy xem xét các sự việc đưa đến cuộc đối đầu này.
Dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu Đức Giê-hô-va
Sách Các Quan Xét kể lại việc dân Y-sơ-ra-ên liên tiếp bỏ sự thờ phượng thanh sạch và những hậu quả tàn hại của hành động đó. Trong mỗi trường hợp, khi họ chân thành van xin Đức Chúa Trời thương xót thì Ngài bổ nhiệm một người giải cứu. Họ được giải phóng, nhưng rồi họ lại phản nghịch. Đi theo đường lối phản nghịch đó, “sau khi Ê-hút [quan xét đã giải cứu họ khỏi sự áp bức của dân Mô-áp] đã qua đời, dân Y-sơ-ra-ên lại làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va”. Thật vậy, ‘họ chọn các thần mới’. Hậu quả là gì? “Đức Giê-hô-va phó chúng vào tay Gia-bin, là vua Ca-na-an trị-vì tại Hát-so. Quan thống-lãnh đạo binh người là Si-sê-ra... Vua Gia-bin có chín trăm xe sắt và trong hai mươi năm, người hà-hiếp dân Y-sơ-ra-ên cách hung-bạo; nên dân Y-sơ-ra-ên kêu-cầu cùng Đức Giê-hô-va”.—Các Quan Xét 4:1-3; 5:8.
Về cuộc sống ở Y-sơ-ra-ên, Kinh Thánh nói: “[Trong những ngày đó] các đường cái đều bị bỏ hoang, những hành-khách nương theo các lối quanh-quẹo”. (Các Quan Xét 5:6) Dân chúng kinh hãi vì những bọn lính đánh xe ngựa đến cướp bóc. Một học giả cho biết, “dân Y-sơ-ra-ên sống trong sợ hãi, cả cộng đồng dường như tê liệt và bất lực”. Bởi thế, như đã thường làm trước đây, dân Y-sơ-ra-ên trong tình trạng cùng cực đã kêu cầu Đức Giê-hô-va giúp đỡ.
Đức Giê-hô-va bổ nhiệm một lãnh tụ
Sự ức hiếp của dân Ca-na-an gây ra một giai đoạn khủng hoảng cho cả nước Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã dùng nữ tiên tri Đê-bô-ra để truyền đạt sự phán xét và chỉ thị của Ngài. Qua đó, Đức Giê-hô-va ban cho bà vinh dự hành động như một bà mẹ theo nghĩa bóng trong Y-sơ-ra-ên.—Các Quan Xét 4:4; 5:7.
Đê-bô-ra sai người mời Ba-rác đến. Bà nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền lịnh nầy: Hãy chọn đem theo ngươi một vạn người trong con-cháu Nép-ta-li và trong con-cháu Sa-bu-lôn, mà đi thẳng đến núi Tha-bô. Ta sẽ khiến Si-sê-ra, là thống-lãnh đạo binh vua Gia-bin, đến cùng ngươi tại khe Ki-sôn, luôn với các xe-cộ và cả quân-lính của hắn; ta sẽ phó hắn vào tay ngươi”. (Các Quan Xét 4:6,7) Khi nói ‘Đức Giê-hô-va đã truyền lịnh nầy’, Đê-bô-ra nhấn mạnh là bà không hành xử quyền hành trên Ba-rác mà bà chỉ là một công cụ chuyển đạt mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Ba-rác đáp lại thế nào?
Ba-rác nói: “Nếu bà đi với tôi, thì tôi sẽ đi; nhưng nếu bà không đi với tôi, tôi sẽ không đi. (Các Quan Xét 4:8) Tại sao Ba-rác không sốt sắng chấp nhận trách nhiệm Đức Chúa Trời giao phó? Phải chăng ông hèn nhát? Hay ông thiếu tin cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời? Không phải. Ba-rác không từ chối nhận trách nhiệm, cũng không bất tuân phục Đức Giê-hô-va. Đúng hơn, phản ứng đó cho thấy tâm trạng của ông, cảm thấy tự mình không đủ khả năng để thi hành mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Sự có mặt của người đại diện Đức Chúa Trời bảo đảm cho sự việc được Ngài hướng dẫn và nó giúp ông cùng quân lính có sự tự tin. Do đó, điều kiện Ba-rác đặt ra thay vì là một dấu hiệu hèn nhát lại là biểu hiện của đức tin mạnh mẽ.
Phản ứng của Ba-rác có thể so sánh với phản ứng của Môi-se, Ghê-đê-ôn và Giê-rê-mi. Những người này cũng thiếu tự tin nơi khả năng của mình trong việc thi hành sứ mạng Đức Chúa Trời giao phó. Nhưng không phải vì vậy mà họ bị coi là kém đức tin. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11–4:17; 33:12-17; Các Quan Xét 6:11-22, 36-40; Giê-rê-mi 1:4-10) Có thể nói gì về thái độ của Đê-bô-ra? Bà không hề cố chiếm lấy quyền chỉ huy. Trái lại, bà tiếp tục xem mình là một tôi tớ khiêm nhường của Đức Giê-hô-va. Bà nói với Ba-rác: “Ta sẽ đi với ngươi”. (Các Quan Xét 4:9) Bà sẵn sàng rời bỏ nhà—một nơi an toàn hơn nhiều—để cùng với Ba-rác tham gia trận chiến sắp xảy ra. Đê-bô-ra cũng nêu gương tốt về đức tin và lòng can đảm.
Bằng đức tin họ theo Ba-rác
Nơi tập họp của đạo quân Y-sơ-ra-ên là ngọn núi Tha-bô dễ thấy. Đây là vị trí lý tưởng vì nó là địa điểm thiên nhiên cho các chi phái Nép-ta-li và Sa-bu-lôn sống gần đó hội họp. Do đó, như Đức Chúa Trời đã ra lệnh, mười ngàn người tình nguyện—cùng Đê-bô-ra—theo Ba-rác lên núi này.
Về phần những người gia nhập với Ba-rác, họ phải có đức tin. Đức Giê-hô-va hứa cho Ba-rác chiến thắng dân Ca-na-an, nhưng dân Y-sơ-ra-ên có những vũ khí nào? Các Quan Xét 5:8 nói: “Giữa bốn mươi ngàn người Y-sơ-ra-ên, người ta chẳng thấy cái khiên, cũng chẳng thấy cây giáo”. Như vậy dân Y-sơ-ra-ên chỉ trang bị sơ sài. Dù có khiên và giáo thì cũng chẳng so được với những chiến xa có lưỡi hái bằng sắt. Vừa hay tin Ba-rác lên Núi Tha-bô, Si-sê-ra liền điều động toàn thể chiến xa và đạo binh của ông tới trũng Ki-sôn. (Các Quan Xét 4:12, 13) Điều mà Si-sê-ra không nhận ra là ông sẽ chinh chiến với Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Ba-rác đánh bại đạo quân của Si-sê-ra
Khi giờ giáp trận đến, Đê-bô-ra nói với Ba-rác: “Hãy đứng dậy, vì nầy là ngày Đức Giê-hô-va phó Si-sê-ra vào tay ngươi. Đức Giê-hô-va há chẳng đi đằng trước ngươi sao?” Ba-rác và quân của ông phải từ đỉnh Núi Tha-bô đi xuống đồng bằng, nhưng tại đây, chiến xa của Si-sê-ra sẽ có lợi thế về chiến lược. Nếu ở trong đạo quân của Ba-rác, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bạn có sẵn sàng tuân lệnh, nhớ rằng chỉ thị đó đến từ Đức Giê-hô-va không? Ba-rác và mười ngàn lính của ông đã tuân lệnh. “Đức Giê-hô-va dùng mũi gươm làm cho Si-sê-ra và hết thảy xe-cộ cùng toàn quân-lính người vỡ chạy trước mặt Ba-rác”.—Các Quan Xét 4:14, 15.
Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Ba-rác đánh bại đạo quân của Si-sê-ra. Lời tường thuật về trận đánh không giải thích chi tiết những điều đã xảy ra. Tuy nhiên, bài ca chiến thắng của Ba-rác và Đê-bô-ra có nói là ‘các từng trời và mây sa nước xuống’. Hẳn là một trận mưa giông đã làm cho các chiến xa của Si-sê-ra sa lầy trong bùn, tạo ưu thế cho Ba-rác. Do đó, chiến cụ chính của người Ca-na-an dùng để tấn công lại gây bất lợi cho họ. Về những xác chết binh lính của Si-sê-ra, bài ca nói: “Khe Ki-sôn đã kéo trôi chúng nó”.—Các Quan Xét 5:4, 21.
Tình huống này có tin được không? Khe Ki-sôn là một dòng suối cạn thường có lượng nước thấp. Sau một hồi bão hay là mưa, những con suối ấy có thể bất ngờ dâng nước lên, tạo thành những dòng nước lũ chảy xiết đầy nguy hiểm. Người ta nói rằng vào Thế Chiến II, chỉ 15 phút mưa rào trên đất sét ở vùng này đã gây nguy hiểm cho toàn bộ việc chuyển vận kỵ binh. Về trận chiến ở Núi Tha-bô giữa Napoleon và dân Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16-4-1799, lời tường thuật cho biết “nhiều người Thổ bị chết đuối khi cố trốn chạy bằng cách băng qua phần đồng bằng bị khe Ki-sôn làm ngập nước”.
Sử gia Flavius Josephus người Do Thái cho rằng khi đạo binh của Si-sê-ra và Ba-rác sắp đụng trận thì “một trận bão dữ dội từ trời xuống, với mưa và mưa đá rơi xuống ào ạt, và gió thổi hạt mưa vào mặt người Ca-na-an, làm tối mắt họ để rồi cung tên của họ không còn ích lợi gì nữa”.
Các Quan Xét 5:20 nói: “Các từng trời có dự vào chiến-trận; những ngôi sao cứ theo đường mình mà đánh Si-sê-ra”. Các ngôi sao đã đánh Si-sê-ra như thế nào? Một số người nghĩ câu này ám chỉ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Một số người khác cho rằng nó ám chỉ sự giúp đỡ của các thiên sứ, mưa thiên thạch, hoặc sự tin cậy sai lầm của Si-sê-ra vào những lời tiên đoán theo chiêm tinh. Vì Kinh Thánh không giải thích việc các ngôi sao tham dự vào chiến trận này như thế nào, chúng ta có thể đơn giản hiểu đó là sự can thiệp của Đức Chúa Trời dưới một hình thức nào đó vì quân Y-sơ-ra-ên. Dù thế nào chăng nữa, quân Y-sơ-ra-ên đã tận dụng tình thế. “Ba-rác đuổi theo xe-cộ...; cả đạo binh Si-sê-ra bị gươm giết, không còn lại một người”. (Các Quan Xét 4:16) Còn tướng Si-sê-ra thì sao?
Kẻ ức hiếp rơi “vào tay một người nữ”
Kinh Thánh nói: “Si-sê-ra [bỏ chạy khỏi chiến trận và] chạy bộ trốn đến trại Gia-ên, vợ của Hê-be, người Kê-nít; vì Gia-bin, vua Hát-so, và nhà Hê-be, người Kê-nít, hòa-hảo với nhau”. Gia-ên mời Si-sê-ra đang mệt mỏi vào lều, cho uống sữa và đắp mền cho ông và ông ngủ. Rồi Gia-ên “lấy một cây nọc trại, và tay nắm cái búa”, vật mà những người ngụ trong lều thường dùng. Bà “nhẹ nhẹ đến bên người, lấy cây nọc đóng thủng màng-tang người, thấu xuống đất, và người chết đi”.—Các Quan Xét 4:17-21.
Sau đó, Gia-ên đến gặp Ba-rác và nói: “Hãy đến, tôi sẽ chỉ cho ông thấy người mà ông đương tìm-kiếm”. Lời tường thuật nói thêm: “Ba-rác vào nhà nàng, thấy Si-sê-ra nằm chết sải, có nọc đâm nơi màng-tang”. Đối với Ba-rác, đây hẳn là một kinh nghiệm làm vững mạnh đức tin! Trước đó, nữ tiên tri Đê-bô-ra đã nói với ông: “Sự vinh-hiển của việc nầy sẽ chẳng về ngươi; vì Đức Giê-hô-va sẽ phó Si-sê-ra vào tay một người nữ”.—Các Quan Xét 4:9, 22.
Hành động của Gia-ên có thể nào bị xem là phản bội không? Đức Giê-hô-va không xem là phản bội. Bài ca chiến thắng của Ba-rác và Đê-bô-ra có nói: “Nguyện người được phước giữa các đàn-bà ở trong trại!” Bài ca giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về cái chết của Si-sê-ra. Mẹ ông ta được mô tả là đang nóng lòng đợi con từ chiến trường trở về. Bà hỏi: “Vì sao xe con đến chậm-trễ?” Cố gắng trấn an nỗi lo sợ của bà, “những kẻ khôn-ngoan trong bọn hầu người” gợi ý là con trai bà chắc hẳn đang bận phân chia chiến lợi phẩm—những đồ thêu tuyệt đẹp và phụ nữ. Bọn người hầu hỏi: “Họ há chẳng phải chia-phân của đó ư? Một vài con gái cho mỗi người chiến-sĩ, một của-cướp bằng vải nhuộm về phần Si-sê-ra... Một cái áo vải nhuộm, hai cái áo vải thêu, cho cổ của người thắng trận!”—Các Quan Xét 5:24, 28-30.
Bài học cho chúng ta
Lời tường thuật về Ba-rác dạy chúng ta những bài học quan trọng. Những ai lìa bỏ Đức Giê-hô-va chắc chắn gặp phải những khó khăn và thất bại. Những ai ăn năn, trở về với Đức Chúa Trời, và thực hành đức tin nơi Ngài có thể được Ngài cứu khỏi các loại áp bức khác nhau. Chúng ta lại chẳng nên vun trồng tinh thần vâng lời hay sao? Ngay cả khi những đòi hỏi của Đức Chúa Trời xem ra ngược lại với lý luận của loài người, chúng ta có thể tin chắc rằng sự chỉ dẫn của Ngài luôn luôn đem lại lợi ích lâu dài cho chúng ta. (Ê-sai 48:17, 18) Chỉ nhờ thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va và vâng theo sự chỉ dẫn của Ngài, Ba-rác mới đánh bại đạo quân thù nghịch.—Hê-bơ-rơ 11:32-34.
Bài ca của Đê-bô-ra và Ba-rác kết luận hết sức cảm động: “Ôi, Đức Giê-hô-va! nguyện hết thảy kẻ cừu-địch Ngài đều hư-mất như vậy! Nguyện những kẻ yêu-mến Ngài được giống như mặt trời, khi mọc lên rực-rỡ!” (Các Quan Xét 5:31) Điều này sẽ đúng biết bao khi Đức Giê-hô-va chấm dứt thế gian hung ác này của Satan!
[Hình nơi trang 29]
Đức Giê-hô-va đã dùng Đê-bô-ra để mời Ba-rác đến
[Hình nơi trang 31]
Sông Ki-sôn chảy tràn bờ
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.
[Hình nơi trang 31]
Núi Tha-bô