Sự cứu rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va
“Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời giải-cứu chúng tôi” (THI-THIÊN 68:20).
1, 2. a) Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va là Nguồn cứu rỗi? b) Bạn giải thích Châm-ngôn 21:31 như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng cứu rỗi những người yêu thương Ngài (Ê-sai 43:11). Vị vua nổi tiếng của Y-sơ-ra-ên là Đa-vít biết điều này qua kinh nghiệm riêng và đã thành tâm hát: “Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 3:8). Tiên tri Giô-na cũng dùng những lời đó khi ông tha thiết cầu nguyện trong bụng cá lớn (Giô-na 2:10).
2 Con Vua Đa-vít là Sa-lô-môn cũng biết rằng Đức Giê-hô-va là Nguồn cứu rỗi, vì ông nói: “Ngựa sắm-sửa về ngày tranh-chiến; nhưng sự thắng-trận thuộc về Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 21:31). Ở Trung Đông xưa, người ta dùng bò đực kéo cày, lừa chở gánh nặng, la để cưỡi và ngựa dùng trong chiến trận. Tuy nhiên, trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, Đức Chúa Trời phán rằng vua tương lai của họ “chẳng nên lo cho có nhiều ngựa” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:16). Họ không cần ngựa chiến vì Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân Ngài.
3. Câu hỏi nào đáng cho chúng ta xem xét?
3 Chúa Tối Thượng Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời giải-cứu” (Thi-thiên 68:20). Thật là một ý tưởng khích lệ làm sao! Nhưng Đức Giê-hô-va đã làm gì để “giải-cứu”? Và Ngài đã cứu những ai?
Đức Giê-hô-va cứu người ngay thẳng
4. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va cứu những người tin kính?
4 Tất cả những người theo đuổi đường lối ngay thẳng với tư cách là những tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời có thể tìm sự an ủi qua lời của sứ đồ Phi-e-rơ: “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ, và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét”. Chứng minh điểm này, Phi-e-rơ nói rằng Đức Chúa Trời “chẳng tiếc thế-gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy, chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi” (2 Phi-e-rơ 2:5, 9).
5. Trong tình trạng nào Nô-ê đã phụng sự với tư cách là “thầy giảng đạo công-bình”?
5 Hãy tưởng tượng bạn sống trong tình trạng thời Nô-ê. Những quỉ đã lấy hình người để xuống đất. Con cái của những thiên sứ bội nghịch đã đối xử độc ác với người ta, và ‘thế-gian đầy-dẫy sự hung-ác’ (Sáng-thế Ký 6:1-12). Tuy nhiên, không ai có thể hăm dọa Nô-ê để ông bỏ hầu việc Đức Giê-hô-va. Thay vì vậy, ông là “thầy giảng đạo công-bình”. Ông và gia đình đã đóng tàu, không hề nghi ngờ rằng sự gian ác sẽ bị loại trừ trong đời của họ. Đức tin của Nô-ê đã lên án thế gian đó (Hê-bơ-rơ 11:7). Tình trạng ngày nay cũng tương tự như thời của Nô-ê, đánh dấu thời kỳ này là những ngày sau rốt của hệ thống mọi sự gian ác này (Ma-thi-ơ 24:37-39; 2 Ti-mô-thê 3:1-5). Thế thì, giống như Nô-ê, với tư cách là người giảng đạo công bình, bạn có tỏ ra trung thành phụng sự cùng với dân tộc của Đức Chúa Trời trong khi chờ đợi sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va không?
6. Hai Phi-e-rơ 2:7, 8 chứng minh Đức Giê-hô-va cứu những người ngay thẳng như thế nào?
6 Phi-e-rơ đưa thêm bằng chứng cho thấy rằng Đức Giê-hô-va cứu những người ngay thẳng. Sứ đồ nói: “[Đức Chúa Trời] đã giải-cứu người công-bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng của bọn gian-tà kia, (vì người công-bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm-biết đau-xót trong lòng công-bình mình)” (2 Phi-e-rơ 2:7, 8; Sáng-thế Ký 19:1-29). Hàng triệu người có lối sống vô luân trong những ngày sau rốt này. Giống như Lót, bạn có “quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng” của nhiều người ngày nay không? Nếu có, và nếu bạn thực hành sự công bình, bạn có thể ở trong số những người được Đức Giê-hô-va cứu khi hệ thống gian ác này kết liễu.
Đức Giê-hô-va cứu dân Ngài khỏi những người áp bức
7. Cách Đức Giê-hô-va cư xử với dân Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập chứng tỏ Ngài giải cứu dân tộc bị áp bức của Ngài như thế nào?
7 Hễ thế gian cũ này còn, thì tôi tớ của Đức Giê-hô-va còn bị bắt bớ và bị kẻ thù áp bức. Nhưng họ có thể tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu họ, vì Ngài đã cứu dân bị áp bức của Ngài trong quá khứ. Giả sử bạn là một người Y-sơ-ra-ên đang bị những người Ai Cập áp bức vào thời Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:1-14; 6:8). Đức Chúa Trời giáng tai vạ này đến tai vạ khác trên Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 8:5–10:29). Khi tai vạ thứ mười làm thiệt mạng những con đầu lòng của dân Ai Cập, Pha-ra-ôn mới cho dân Y-sơ-ra-ên đi, nhưng sau đó lại đem quân đuổi theo họ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ông và đoàn quân bị tiêu diệt trong Biển Đỏ (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:23-28). Bạn cùng với Môi-se và tất cả dân Y-sơ-ra-ên hát bài hát này: “Đức Giê-hô-va là một chiến-sĩ; danh Ngài là Giê-hô-va. Ngài đã ném xuống biển binh-xa Pha-ra-ôn và cả đạo binh của người; quan-tướng kén-chọn của người đã bị đắm nơi Biển-đỏ, những lượn sóng đã vùi-lấp họ rồi; họ chìm đến đáy biển như một hòn đá vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3-5). Tai họa tương tự như thế đang chờ đợi những người áp bức dân tộc của Đức Chúa Trời trong những ngày sau rốt này.
8, 9. Hãy cho một thí dụ trong sách Các Quan Xét để chứng tỏ rằng Đức Giê-hô-va cứu dân Ngài khỏi những người áp bức.
8 Nhiều năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, những quan xét đã xét xử họ. Dân chúng đôi khi bị những người ngoại hà hiếp, nhưng Đức Chúa Trời dùng những quan xét trung thành để giải cứu họ. Mặc dù chúng ta cũng có thể ‘rên-siếc trước mặt những kẻ hà-hiếp và làm tức-tối mình’, Đức Giê-hô-va cũng sẽ cứu chúng ta là những tôi tớ trung thành của Ngài (Các Quan Xét 2:16-18; 3:9, 15). Thật vậy, sách Các Quan Xét trong Kinh-thánh bảo đảm với chúng ta về điều này và về sự cứu rỗi lớn hơn mà Đức Chúa Trời sẽ cung cấp qua Quan Xét được Ngài bổ nhiệm là Chúa Giê-su Christ.
9 Chúng ta hãy nhớ lại thời của Quan Xét Ba-rác. Vì sự thờ phượng giả không được Đức Chúa Trời chấp nhận, dân Y-sơ-ra-ên đã trải qua 20 năm đô hộ của vua Ca-na-an là Gia-bin. Si-sê-ra là thống lãnh đạo binh lớn của Ca-na-an. Nhưng “giữa bốn mươi ngàn người Y-sơ-ra-ên, người ta chẳng thấy cái khiên, cũng chẳng thấy cây giáo”, mặc dù nước này có thể có chừng bốn triệu người (Các Quan Xét 5:6-8). Dân Y-sơ-ra-ên ăn năn kêu cầu Đức Giê-hô-va. Qua nữ tiên tri Đê-bô-ra, Đức Chúa Trời đã truyền lệnh Ba-rác nhóm lại 10.000 người trên Núi Tha-bô, và Đức Giê-hô-va đã khiến cho kẻ thù đến thung lũng dưới Núi Tha-bô hùng vĩ. Đạo quân và 900 xe sắt của Si-sê-ra đã rầm rộ tiến qua đồng bằng và lòng sông khô cạn Ki-sôn. Nhưng trận nước lũ ào ào dâng lên ở khe Ki-sôn. Khi Ba-rác và quân của ông kéo đến Núi Tha-bô, được bão che khuất, họ chứng kiến sự tàn phá của cơn giận Đức Giê-hô-va. Quân Ba-rác hạ từng người trong đám quân Ca-na-an kinh sợ đang trốn chạy, và không ai trốn thoát. Đây quả là một gương cảnh cáo cho những người áp bức chúng ta, dám chống lại Đức Chúa Trời! (Các Quan Xét 4:3-16; 5:19-22).
10. Tại sao chúng ta có thể biết chắc Đức Chúa Trời sẽ giải cứu tôi tớ thời nay của Ngài khỏi tay những người áp bức họ?
10 Đức Giê-hô-va sẽ cứu những tôi tớ thời nay của Ngài khỏi mọi kẻ thù áp bức, cũng như Ngài đã cứu dân Y-sơ-ra-ên trong thời nguy biến (Ê-sai 43:3; Giê-rê-mi 14:8). Đức Chúa Trời đã giải cứu Đa-vít “khỏi tay các thù-nghịch” (2 Sa-mu-ên 22:1-3). Vì vậy, dù bị áp bức hay bị bắt bớ vì là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy can đảm lên, vì Vua Mê-si của Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi sự áp bức. Đúng vậy, “người sẽ... cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo” (Thi-thiên 72:13, 14). Sự cứu chuộc đó gần đến rồi.
Đức Chúa Trời cứu những người tin cậy nơi Ngài
11. Người trẻ Đa-vít đã nêu gương nào về việc tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?
11 Để thấy được sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải can đảm tin cậy nơi Ngài. Đa-vít cho thấy sự tin cậy đầy can đảm nơi Đức Chúa Trời khi ông đi ra để giáp chiến với Gô-li-át. Hãy tưởng tượng người Phi-li-tin khổng lồ đứng trước mặt người trẻ Đa-vít. Đa-vít nói: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo-binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ-nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta, ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi, và ngày nay ban thây của đạo-binh Phi-li-tin cho chim trời và thú-vật của đất. Khắp thế-gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân-lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải-cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến-trận”. Chẳng bao lâu sau Gô-li-át bị giết, và dân Phi-li-tin thất trận thê thảm. Rõ ràng là Đức Giê-hô-va giải cứu dân Ngài (1 Sa-mu-ên 17:45-54).
12. Tại sao nhớ đến Ê-lê-a-sa, một người mạnh dạn của Đa-vít, có thể có ích cho bạn?
12 Khi đối diện với những người bắt bớ, chúng ta cần phải “thu hết can đảm” và tin cậy nơi Đức Chúa Trời nhiều hơn (Ê-sai 46:8-13, NW; Châm-ngôn 3:5, 6). Hãy chú ý cảnh tượng sau đây xảy ra tại một nơi gọi là Pha-đa-mim. Dân Y-sơ-ra-ên rút lui trước lực lượng Phi-li-tin. Nhưng sự sợ hãi không làm cho Ê-lê-a-sa, một trong ba người mạnh dạn của Đa-vít, bó tay. Ông đứng ở trong ruộng mạch nha, và một mình cầm gươm đánh giết dân Phi-li-tin. Vì vậy ‘Đức Giê-hô-va khiến cho Y-sơ-ra-ên đặng sự thắng trận rất lớn’ (1 Sử-ký 11:12-14; 2 Sa-mu-ên 23:9, 10). Không ai mong rằng chúng ta một mình thắng nổi một đạo quân hùng hậu. Nhưng đôi khi chúng ta chỉ có một mình và bị kẻ thù đàn áp. Chúng ta sẽ hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời cứu rỗi không? Chúng ta sẽ tìm sự giúp đỡ của Ngài để tránh bị những người bắt bớ buộc chúng ta phản bội anh em đồng đức tin không?
Đức Giê-hô-va cứu những người giữ lòng trung kiên
13. Tại sao khó để giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời trong nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái?
13 Để nghiệm thấy sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải giữ lòng trung kiên với Ngài bằng mọi giá. Dân tộc thời xưa của Đức Chúa Trời đã trải qua nhiều thử thách. Hãy nghĩ xem bạn có lẽ gặp phải những gì nếu bạn sống trong nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái. Sự hà khắc của Rô-bô-am đã khiến cho mười chi phái tách ra không ủng hộ ông và lập nước Y-sơ-ra-ên phương bắc (2 Sử-ký 10:16, 17; 11:13, 14). Trong nhiều vị vua của nước này, Giê-hu là vua tốt nhất, nhưng ngay cả ông cũng “không hết lòng cẩn-thận theo luật-pháp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (2 Các Vua 10:30, 31). Tuy nhiên, nước mười chi phái cũng có những người giữ lòng trung kiên (1 Các Vua 19:18). Họ đã thực hành đức tin nơi Đức Chúa Trời, và Ngài ở cùng họ. Bạn có giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va bất chấp mọi sự thử thách đức tin không?
14. Đức Giê-hô-va đã thực hiện sự cứu rỗi nào trong thời của Vua Ê-xê-chia, và điều gì đã khiến cho Ba-by-lôn chinh phục Giu-đa?
14 Vì nhiều người khinh thường Luật Pháp của Đức Chúa Trời nên nước Y-sơ-ra-ên đã bị tai họa. Khi người A-si-ri chiến thắng nước ấy năm 740 TCN, những người trong mười chi phái chắc chắn đã trốn qua nước Giu-đa gồm hai chi phái, nơi mà họ có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đền Ngài. Có bốn vua trong số 19 vua thuộc dòng Đa-vít—A-sa, Giê-hô-sa-phát, Ê-xê-chia và Giô-si-a—nêu gương nổi bật về sự tận tụy với Đức Chúa Trời. Trong thời của Ê-xê-chia, một vị vua giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời, người A-si-ri với quân đội hùng hậu đến đánh Giu-đa. Khi nhậm lời kêu cầu của Ê-xê-chia, Đức Chúa Trời đã dùng chỉ một thiên sứ để giết 185.000 người A-si-ri trong một đêm, do đó đem lại sự cứu rỗi cho những người thờ phượng Ngài! (Ê-sai 37:36-38). Sau đó, vì dân chúng không giữ Luật Pháp và không nghe theo lời cảnh cáo của tiên tri Đức Chúa Trời nên Ba-by-lôn đã chiến thắng Giu-đa và hủy diệt thủ đô Giê-ru-sa-lem và đền thờ năm 607 TCN.
15. Tại sao những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn cần nhịn nhục, và cuối cùng Đức Giê-hô-va đã thực hiện sự giải cứu như thế nào?
15 Những người Do Thái bị lưu đày cần tính nhịn nhục để giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời trong 70 năm làm phu tù buồn bã ở Ba-by-lôn (Thi-thiên 137:1-6). Một người giữ lòng trung kiên đáng chú ý là nhà tiên tri Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 1:1-7; 9:1-3). Ông đã vui mừng biết bao khi vua Phe-rơ-sơ là Si-ru ban chiếu chỉ năm 537 TCN, cho phép người Do Thái trở về Giu-đa để xây lại đền thờ! (E-xơ-ra 1:1-4). Đa-ni-ên và những người khác đã chịu đựng nhiều năm, nhưng cuối cùng họ thấy Ba-by-lôn bị lật đổ và dân tộc Đức Chúa Trời được giải cứu. Điều này cho thấy chúng ta nên tỏ lòng nhịn nhục trong khi chờ đợi sự hủy diệt của “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới (Khải-huyền 18:1-5).
Đức Giê-hô-va luôn luôn cứu dân Ngài
16. Đức Chúa Trời đã đem lại sự cứu rỗi nào trong thời của Hoàng Hậu Ê-xơ-tê?
16 Đức Giê-hô-va luôn luôn cứu dân Ngài khi họ trung thành với danh Ngài (1 Sa-mu-ên 12:22; Ê-sai 43:10-12). Chúng ta hãy trở lại thời của Hoàng Hậu Ê-xơ-tê—thế kỷ thứ năm TCN. Vua A-suê-ru (Xerxes I) đã cho Ha-man làm tể tướng. Vì Mạc-đô-chê người Do Thái không chịu quì lạy, nên Ha-man tức giận và âm mưu giết hại Mạc-đô-chê và tất cả những người Do Thái trong Đế Quốc Phe-rơ-sơ. Ông ta nói rằng người Do Thái phạm pháp, và ông thuyết phục vua bằng cách dâng bạc vào kho, và được vua cho dùng nhẫn đóng ấn chiếu chỉ tuyệt diệt họ. Ê-xơ-tê đã can đảm tiết lộ dòng họ Do Thái của bà với vua và vạch trần âm mưu giết người của Ha-man. Chẳng bao lâu sau, Ha-man bị treo trên chính cây cột mà ông đã dựng để hành hình Mạc-đô-chê. Mạc-đô-chê được ban chức tể tướng, có quyền cho phép người Do Thái tự bảo vệ lấy. Họ đã đại thắng kẻ thù (Ê-xơ-tê 3:1–9:19). Biến cố này giúp củng cố đức tin của chúng ta là Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu những tôi tớ ngày nay biết vâng lời Ngài.
17. Nhờ biết vâng lời, tín đồ Do Thái sống ở Giu-đê vào thế kỷ thứ nhất được giải cứu như thế nào?
17 Một lý do khác cho biết tại sao Đức Chúa Trời cứu dân Ngài là vì họ vâng lời Ngài và Con Ngài. Giả sử bạn là một trong các môn đồ Do Thái của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất. Ngài nói với họ: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến. Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi” (Lu-ca 21:20-22). Nhiều năm trôi qua, và bạn tự hỏi khi nào những lời này sẽ được ứng nghiệm. Rồi khi thấy người Do Thái nổi loạn vào năm 66 CN, quân La Mã dưới quyền của tướng Cestius Gallus bao vây thành Giê-ru-sa-lem và tiến đến tường của đền thờ. Bỗng nhiên, họ rút lui, không có lý do rõ rệt. Những tín đồ Do Thái sẽ làm gì? Trong sách Ecclesiastical History (Cuốn III, chương V, 3) của Eusebius, ông nói rằng họ đã chạy thoát khỏi Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Họ đã được sống sót bởi vì họ vâng theo lời báo trước của Chúa Giê-su. Cũng vậy, bạn có sẵn sàng tuân theo sự chỉ dẫn của Kinh-thánh được cung cấp qua “quản-gia ngay-thật” đã được bổ nhiệm coi sóc cả “gia-tài” của Chúa Giê-su hay không? (Lu-ca 12:42-44).
Sự cứu rỗi dẫn đến sự sống đời đời
18, 19. a) Sự chết của Chúa Giê-su cứu thoát khỏi điều gì, và ai nhận được sự cứu rỗi đó? b) Sứ đồ Phao-lô cương quyết làm gì?
18 Việc nghe theo lời cảnh cáo của Chúa Giê-su đã cứu mạng những tín đồ Do Thái tại Giu-đê. Nhưng sự chết của Chúa Giê-su mở đường cho “mọi người” để có được sự cứu rỗi dẫn đến sự sống đời đời (1 Ti-mô-thê 4:10). Nhân loại cần giá chuộc khi A-đam phạm tội, vì ông làm mình mất sự sống và đưa nhân loại vào ách của tội lỗi và sự chết (Rô-ma 5:12-19). Việc dâng tế lễ bằng thú vật dưới Luật Môi-se chỉ là biểu tượng nhỏ cho việc chuộc tội (Hê-bơ-rơ 10:1-4). Vì Chúa Giê-su không có một người cha trên đất và thánh linh Đức Chúa Trời chắc chắn đã “che-phủ” Ma-ri suốt thời gian bà mang thai Chúa Giê-su, nên ngài được sinh ra không nhiễm tội hoặc sự bất toàn (Lu-ca 1:35; Giăng 1:29; 1 Phi-e-rơ 1:18, 19). Khi Chúa Giê-su chết với tư cách là người giữ vẹn lòng trung kiên, ngài đã dâng mạng sống hoàn toàn của ngài để chuộc lại loài người và giải thoát họ (Hê-bơ-rơ 2:14, 15). Do đó, Đấng Christ “đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (1 Ti-mô-thê 2:5, 6). Không phải mọi người đều sẵn sàng nhận sự cung cấp này để được cứu rỗi, nhưng Đức Chúa Trời chấp thuận việc áp dụng lợi ích của sự cung cấp này cho những người chấp nhận nó vì đức tin.
19 Bằng cách dâng giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc cho Đức Chúa Trời trên trời, Đấng Christ đã chuộc lại con cháu của A-đam (Hê-bơ-rơ 9:24). Nhờ đó, 144.000 môn đồ được xức dầu của ngài được sống lại trên trời, và họ hợp thành Vợ mới của ngài (Ê-phê-sô 5:25-27; Khải-huyền 14:3, 4; 21:9). Ngài cũng trở thành “Cha Đời đời” của những người chấp nhận sự hy sinh của ngài và nhận được sự sống đời đời trên đất (Ê-sai 9:5, 6; 1 Giăng 2:1, 2). Thật là một sự sắp đặt yêu thương biết bao! Lòng biết ơn của Phao-lô về điều này đã thể hiện trong lá thư thứ hai được soi dẫn mà ông gửi cho tín đồ tại Cô-rinh-tô. Bài tới sẽ cho thấy điều này. Thật vậy, Phao-lô cương quyết không để điều gì cản trở ông giúp người ta có được sự cung cấp tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va hầu được sự cứu rỗi dẫn đến sự sống đời đời.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Chứng cớ nào trong Kinh-thánh cho thấy rằng Đức Giê-hô-va cứu những người ngay thẳng?
◻ Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va cứu những người tin cậy nơi Ngài và gìn giữ lòng trung kiên với Ngài?
◻ Đức Chúa Trời cung cấp điều gì để đem lại sự cứu rỗi dẫn đến sự sống đời đời?
[Hình nơi trang 12]
Đa-vít tin cậy Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời giải-cứu”. Bạn có tin không?
[Hình nơi trang 15]
Đức Giê-hô-va luôn giải cứu dân Ngài, như Ngài đã làm trong thời Hoàng Hậu Ê-xơ-tê