Su-nem—Nổi bật về tình yêu thương và bạo lực
THÀNH Su-nem nằm ở phía nam Ga-li-lê, ven đồng bằng hạ du Gít-rê-ên về hướng đông. Thành nhỏ này không những nổi tiếng vì đã chứng kiến hai trong những trận chiến quan trọng nhất lịch sử Kinh-thánh, nhưng cũng vì đó là sinh quán của hai phụ nữ, tiêu biểu cho tình yêu thương gắn bó.
Phía sau Su-nem là ngọn đồi mà người ta nghĩ là đồi Mô-rê, trong khi phía bên kia đồng bằng là Núi Ghinh-bô-a, cách đó chừng tám kilômét. Giữa hai ngọn đồi ấy, có một vùng đất phì nhiêu, với nhiều sông rạch—một trong những miền màu mỡ nhất của xứ Y-sơ-ra-ên.
Vùng đồng quê xanh tươi chung quanh Su-nem này tạo bối cảnh cho một trong những chuyện tình thú vị nhất đã từng được kể lại—chuyện tình trong sách Nhã-ca. Bài ca này là câu chuyện về cô thôn nữ xinh đẹp mong ước được sánh duyên cùng người bạn chăn chiên thay vì nhận lời cầu hôn của Vua Sa-lô-môn. Sa-lô-môn đã sử dụng tất cả sự khôn ngoan và giàu có để chinh phục trái tim của nàng. Ông không ngớt ca tụng nàng: “Người nữ nầy là ai, hiện ra như rạng-đông, đẹp như mặt trăng, tinh-sạch như mặt trời?” Và vua hứa sẽ ban cho nàng tất cả ngọc ngà, châu báu mà nàng có thể ước ao (Nhã-ca 1:11; 6:10).
Để cho nàng nếm qua đời sống vương giả, Sa-lô-môn đưa nàng về thành Giê-ru-sa-lem cùng với đoàn tùy tùng, được 60 lính tinh nhuệ nhất hộ vệ (Nhã-ca 3:6-11). Vua cho nàng ở trong cung điện, một cung điện lộng lẫy đến đỗi khi nữ vương nước Sê-ba nhìn thấy “thì mất vía” (I Các Vua 10:4, 5).
Nhưng cô gái Su-nem vẫn thủy chung với chàng chăn chiên. Nàng nói: “Lương-nhân tôi ở giữa đám con trai như cây bình-bát ở giữa những cây rừng” (Nhã-ca 2:3). Hãy để mặc Sa-lô-môn hưởng thụ cả ngàn vườn nho của ông! Chỉ cần một vườn nho—bên cạnh người yêu của nàng—là đủ cho nàng rồi. Tình yêu của nàng không thể lay chuyển được (Nhã-ca 8:11, 12).
Có một người đẹp khác đã từng sống tại Su-nem. Chúng ta không biết gì về vóc dáng bề ngoài của bà, nhưng chắc hẳn bà có vẻ đẹp nội tâm. Kinh-thánh nói rằng bà ‘đã lo-liệu’—hoặc chịu vất vả—để cung cấp cho nhà tiên tri Ê-li-sê các bữa ăn và chỗ ở thường nhật (II Các Vua 4:8-13).
Chúng ta có thể hình dung ông Ê-li-sê đã tỏ lòng biết ơn khi trở lại nhà bà sau một chuyến đi dài, mệt nhọc, để tá túc trên căn gác mà hai vợ chồng bà đã sửa soạn cho ông. Có lẽ ông đã đến thăm họ thường xuyên, bởi vì ông làm thánh chức trong suốt 60 năm. Tại sao người đàn bà Su-nem này lại nài nỉ Ê-li-sê ở trọ nhà họ mỗi khi ông đi ngang qua nơi họ ở? Bởi vì bà quí trọng công việc của Ê-li-sê. Nhà tiên tri khiêm nhường, vị tha này đã kêu gọi xứ sở ông, nhắc nhở các vua, thầy tế lễ và các thường dân ý thức về bổn phận của họ là phụng sự Đức Giê-hô-va.
Chắc chắn người đàn bà Su-nem là một trong những người mà Chúa Giê-su nghĩ đến khi ngài nói: “Ai rước một đấng tiên-tri vì là tiên-tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên-tri” (Ma-thi-ơ 10:41). Đức Giê-hô-va dành một phần thưởng đặc biệt cho người đàn bà có lòng kính sợ này đối với ngài. Bà đã hạ sinh một con trai sau nhiều năm hiếm hoi. Nhiều năm sau đó bà lại được Đức Chúa Trời giúp đỡ khi một trận đói kém tàn phá xứ trong bảy năm. Câu chuyện cảm động này nhắc nhở chúng ta rằng Cha trên trời của chúng ta không bao giờ quên lòng tốt mà chúng ta biểu lộ đối với các tôi tớ của ngài (II Các Vua 4:13-37; 8:1-6; Hê-bơ-rơ 6:10).
Hai trận chiến quyết định thắng bại
Mặc dù thành Su-nem được nhắc đến là quê hương của hai phụ nữ trung thành nói trên, thành đó cũng chứng kiến hai trận đánh đã làm thay đổi tiến trình lịch sử nước Y-sơ-ra-ên. Gần đó là một bãi chiến trường lý tưởng—đồng bằng nằm giữa các đồi Mô-rê và Ghinh-bô-a. Trong thời Kinh-thánh được viết ra, các tướng lãnh quân sự luôn luôn đóng quân tại nơi nào có nhiều nước, tọa lạc trên cao để được che chở, và nếu có thể, một vị trí cao nhìn xuống một thung lũng khô cạn, rộng đất để hành quân, dàn binh kỵ mã và chiến xa. Su-nem và Ghinh-bô-a có đủ những lợi thế ấy.
Vào thời các quan xét, một đạo quân gồm 135.000 lính Mi-đi-an, A-ma-léc và những dân khác đóng quân trong đồng bằng đối diện với Mô-rê. Lạc đà của họ “đông... khác nào cát nơi bờ-biển” (Các Quan Xét 7:12). Đối diện với họ về phía bên kia đồng bằng, cạnh suối Ha-rốt, dưới chân Núi Ghinh-bô-a, là dân Y-sơ-ra-ên dưới quyền thống lĩnh của Quan Xét Ghê-đê-ôn, với chỉ 32.000 binh lính.
Trong những ngày trước khi giao chiến, mỗi bên thường tìm cách áp đảo tinh thần của đối phương. Lạc đà, chiến xa, kỵ binh và đội quân đông đảo cười nhạo có thể làm bộ binh Y-sơ-ra-ên khiếp sợ. Hiển nhiên, quân Ma-đi-an—đã sẵn sàng lâm trận trong khi dân Y-sơ-ra-ên mới được triệu tập—quả thật là một cảnh tượng hãi hùng. Khi Ghê-đê-ôn hỏi: “Ai là người sợ-hãi, run-rẩy?” thì hai phần ba đạo quân của ông đáp lại bằng cách rời bỏ chiến tuyến (Các Quan Xét 7:1-3).
Bấy giờ chỉ có 10.000 quân Y-sơ-ra-ên đối đầu với 135.000 quân địch ở phía bên kia đồng bằng và chẳng bao lâu Đức Giê-hô-va giảm quân số Y-sơ-ra-ên xuống còn một nhóm cỏn con là 300 người. Theo thông lệ của dân Y-sơ-ra-ên, toán binh ít ỏi này được chia ra làm ba đội. Dưới màn đêm bao phủ, họ phân tán và phục kích ở ba phía của trại quân địch. Rồi tuân theo mệnh lệnh của Ghê-đê-ôn, 300 người đập bể các vò nước rỗng dùng để che giấu các ngọn đuốc, giơ cao đuốc lên và la lớn tiếng: “Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!” Họ thổi kèn lên và thổi liên hồi. Trong màn đêm dày đặc, đạo quân đông đảo hoảng hốt và kinh hãi tưởng rằng 300 toán lính đang tấn công họ. Đức Giê-hô-va khiến cho chúng quay ra chém giết lẫn nhau và “cả trại-quân bèn vỡ-chạy, cất tiếng la và trốn đi” (Các Quan Xét 7:15-22; 8:10).
Trận chiến thứ hai diễn ra gần Su-nem trong thời Vua Sau-lơ. Kinh-thánh kể lại rằng “dân Phi-li-tin nhóm hiệp, đến đóng trại nơi Su-nem. Còn Sau-lơ cũng hiệp hết thảy Y-sơ-ra-ên, và chúng đóng trại tại Ghinh-bô-a”, giống như đạo quân của Ghê-đê-ôn đã làm nhiều năm trước đó. Nhưng khác với Ghê-đê-ôn, Sau-lơ ít tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, ông thích cầu vấn một bà bóng tại Ên-đô-rơ hơn. Khi ông trông thấy trại quân Phi-li-tin, “thì sợ và lòng rung-động lắm”. Trong trận chiến diễn ra sau đó, dân Y-sơ-ra-ên chạy trốn và bị thất bại nặng nề. Cả Sau-lơ và Giô-na-than đều tử trận (I Sa-mu-ên 28:4-7; 31:1-6).
Vậy lịch sử của Su-nem nổi bật về cả tình yêu thương lẫn bạo lực, sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va lẫn sự nhờ cậy nơi các quỉ. Ở đồng bằng thung lũng này, hai phụ nữ đã một lòng biểu lộ tình yêu thương và lòng hiếu khách, và hai lãnh tụ Y-sơ-ra-ên đã phân tranh thắng bại với quân thù. Tất cả bốn thí dụ này minh họa tầm quan trọng của việc nương tựa nơi Đức Giê-hô-va là Đấng không bao giờ quên tưởng thưởng cho những ai phụng sự ngài.
[Hình nơi trang 31]
Làng Sulam ngày nay tại địa điểm thành Su-nem xưa, ở phía sau là đồi Mô-rê
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.