Ê-hút—Một người can đảm và có đức tin
NHIỀU năm đã trôi qua từ khi dân Y-sơ-ra-ên mới đặt chân trên Đất Hứa. Môi-se và người kế vị ông là Giô-suê đã qua đời từ lâu rồi. Khi không có những người có đức tin như thế, dân chúng chóng mất đi lòng quý trọng đối với sự thờ phượng thật. Thậm chí dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu thờ phượng các thần Ba-anh và các trụ thánh.a Hậu quả là Đức Giê-hô-va phó dân ngài vào tay dân Sy-ri trong tám năm. Rồi dân Y-sơ-ra-ên cầu cứu Đức Chúa Trời. Với lòng thương xót, ngài lắng nghe họ. Đức Giê-hô-va dấy lên một quan xét là Ốt-ni-ên để giải cứu dân ngài (Các Quan Xét 3:7-11).
Đáng lý những biến cố này phải dạy người Y-sơ-ra-ên một sự thật căn bản—vâng lời Đức Giê-hô-va mang lại phước lành, còn cãi lời ngài mang lại sự rủa sả (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:26-28). Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên đã không học được bài học này. Sau 40 năm hòa bình, họ lại bỏ sự thờ phượng thật (Các Quan Xét 3:12).
Bị dân Mô-áp chiếm đóng
Lần này Đức Giê-hô-va để cho dân ngài rơi vào tay Vua Éc-lôn của xứ Mô-áp. Kinh-thánh miêu tả ông là “một người rất mập”. Với sự giúp đỡ của xứ Am-môn và xứ A-ma-léc, Éc-lôn tấn công dân Y-sơ-ra-ên và lập cung điện tại Giê-ri-cô, là “thành Cây-chà-là”. Mỉa mai thay, thành Ca-na-an đầu tiên mà dân Y-sơ-ra-ên chinh phục giờ đây lại là căn cứ của kẻ thờ phượng thần giả Kê-mốt!b (Các Quan Xét 3:12, 13, 17).
Trong 18 năm kế tiếp, Éc-lôn đàn áp dân Y-sơ-ra-ên, hiển nhiên ông bắt họ phải nộp thuế nặng nề. Bằng cách đòi hỏi họ phải dâng cống vật định kỳ, dân Mô-áp củng cố nền kinh tế của họ trong khi làm kiệt quệ tài nguyên của xứ Y-sơ-ra-ên. Thảo nào dân Đức Chúa Trời cầu xin cho bớt khổ, và Đức Giê-hô-va lại nghe họ. Ngài dấy lên một người giải cứu khác—lần này là một người Bên-gia-min tên là Ê-hút. Để chấm dứt sự bức hiếp của Éc-lôn trên dân Y-sơ-ra-ên, Ê-hút dự định ra tay hành động vào ngày dâng cống vật lần tới (Các Quan Xét 3:14, 15).
Để chuẩn bị cho hành động can đảm này, Ê-hút làm một cây gươm hai lưỡi dài một thước. Nếu tính theo thước ngắn, vũ khí này dài khoảng 38 phân. Một số người có thể xem nó như là dao găm. Hiển nhiên gươm này không có một miếng sắt nằm ngang giữa lưỡi gươm và cán gươm. Vì vậy, Ê-hút có thể giấu gươm nhỏ này trong nếp gấp của áo ông. Hơn nữa, vì Ê-hút thuận tay trái, ông có thể đeo gươm ở bên phải—không phải chỗ thường đeo vũ khí (Các Quan Xét 3:15, 16).
Chiến lược của Ê-hút cũng có phần nguy hiểm. Chẳng hạn, nếu các người hầu cận của vua khám xét Ê-hút để tìm vũ khí thì sao? Ngay cả nếu họ không làm thế, chắc hẳn họ sẽ không để vua một mình với một người Y-sơ-ra-ên! Nhưng nếu họ không có mặt tại đó và Éc-lôn bị giết, làm sao Ê-hút có thể trốn thoát được? Ông có thể chạy được bao xa trước khi những người hầu của Éc-lôn khám phá điều đã xảy ra?
Chắc chắn Ê-hút cân nhắc những chi tiết như thế, có lẽ hình dung một số hậu quả tai hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông vẫn tiến hành kế hoạch của ông, bày tỏ lòng can đảm và thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va.
Ê-hút gặp Éc-lôn
Ngày dâng cống vật đã đến. Ê-hút và những người đi theo ông bước vào cung điện của vua. Không lâu sau, họ đứng trước Vua Éc-lôn. Nhưng chưa đến lúc để Ê-hút ra tay hành động. Sau khi dâng cống vật, Ê-hút cho những người mang cống vật lên đường ra về (Các Quan Xét 3:17, 18).
Tại sao Ê-hút chần chừ không giết Éc-lôn? Có phải ông quá sợ hãi không? Chắc chắn là không! Để thực hiện kế hoạch, Ê-hút cần được tiếp kiến riêng với vua—một điều mà ông không được phép trong cuộc gặp gỡ đầu tiên. Hơn nữa, Ê-hút cần phải chạy thoát nhanh chóng. Một người có thể trốn thoát dễ dàng hơn là cả đoàn người mang cống vật. Vì thế, Ê-hút đợi đến lúc thích hợp. Cuộc thăm viếng ngắn ngủi với Éc-lôn cho Ê-hút cơ hội để quen thuộc với cách bố trí của cung điện và để biết chắc vua được bảo vệ đến mức nào.
Sau khi đi đến “hầm lấy đá ở gần Ghinh-ganh”, Ê-hút rời những người đi theo ông và lên đường trở về cung điện của Vua Éc-lôn. Chuyến đi bộ dài khoảng hai cây số đã cho Ê-hút một chút thì giờ để suy nghĩ về sứ mệnh của ông và để cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước (Các Quan Xét 3:19).
Ê-hút trở lại
Ê-hút hiển nhiên được mời trở vào cung điện. Có lẽ vì Ê-hút dâng nhiều cống vật trước đó nên Éc-lôn đang ở trong tâm trạng dễ chịu. Có thể là mặc dù lần viếng thăm đầu tiên là ngắn ngủi, Ê-hút đã có đủ cơ hội để thiết lập một mối quan hệ tốt với vua. Dù sao đi nữa, Ê-hút lại có mặt trước Éc-lôn.
Ê-hút nói: “Hỡi vua, tôi có một lời tâu kín cùng vua”. Sự kiện ông đã tiến hành kế hoạch tới mức này cho thấy rằng Đức Giê-hô-va đang hướng dẫn ông. Tuy nhiên, có một vấn đề. “Lời tâu kín” của Ê-hút không thể nói ra trước mặt các người hầu cận của vua. Nếu Đức Giê-hô-va có ý định giúp Ê-hút, ngài cần phải làm ngay lập tức. Vua ra lệnh: “Hãy nín!” Vì Éc-lôn không muốn người khác lén nghe “lời tâu kín” này, ông đuổi các người hầu cận đi ra. Hãy tưởng tượng Ê-hút cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào! (Các Quan Xét 3:19).
Éc-lôn đang ngồi nơi lầu mát vào lúc Ê-hút đến gần và nói: “Tôi có một lời của Đức Chúa Trời tâu lại với vua”. Khi nhắc đến “Đức Chúa Trời”, có phải Ê-hút đang ám chỉ đến Kê-mốt chăng? Rất có thể Éc-lôn nghĩ như vậy. Vì tò mò muốn biết thêm, ông đứng dậy khỏi ngai và nóng lòng muốn nghe. Ê-hút đến gần, có lẽ đi đứng thận trọng để khỏi làm cho vua nghi ngờ là mình sắp bị tấn công. Rồi, một cách nhanh chóng, “Ê-hút bèn giơ tay tả ra rút gươm đeo ở phía hữu, mà đâm người nơi bụng. Cán gươm cũng lút theo lưỡi, mỡ líp lại xung-quanh lưỡi gươm; vì người không rút gươm ra khỏi bụng, nó thấu ra sau lưng” (Các Quan Xét 3:20-22).
Quanh quẩn gần đó, những người hầu của vua không động tĩnh gì. Nhưng Ê-hút vẫn trong tình trạng nguy hiểm. Bất cứ lúc nào, những người hầu của Éc-lôn cũng có thể xông vào và khám phá thi hài của vua. Ê-hút phải mau chạy trốn! Sau khi khóa cửa lại, ông tẩu thoát qua hiên cửa lầu mát (Các Quan Xét 3:23, 24a).
Sự khám phá và sự thua trận
Không bao lâu sau, những người hầu của Éc-lôn bắt đầu tò mò muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Tuy vậy, họ không dám làm gián đoạn cuộc họp riêng của vua, vì sợ vua tức giận. Rồi họ thấy cửa lầu mát đã được khóa lại. Họ lý luận: “Hoặc vua đi ngơi trong lầu mát chăng”. Nhưng sau khi đợi một hồi lâu, họ không còn tò mò nữa mà bắt đầu lo âu. Những người hầu của Éc-lôn không thể đợi được nữa. “[Họ] bèn lấy chìa khóa và mở: kìa thấy chúa mình đã chết, nằm sải trên đất” (Các Quan Xét 3:24b, 25).
Đương lúc đó, Ê-hút đã tẩu thoát. Ông đi qua những hầm lấy đá ở gần Ghinh-ganh và cuối cùng đến Sê-ri-a, một nơi ở vùng núi Ép-ra-im. Ê-hút tập họp lại người Y-sơ-ra-ên và họ đoàn kết tấn công dân Mô-áp. Lời tường thuật nói rằng “[họ] đánh giết chừng mười ngàn người Mô-áp, thảy đều là tay mạnh-mẽ, can-đởm, không một ai thoát khỏi được”. Sau khi Mô-áp bị đánh bại, xứ Y-sơ-ra-ên được yên ổn trong 80 năm (Các Quan Xét 3:26-30).
Rút kinh nghiệm qua gương của Ê-hút
Đức tin nơi Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy Ê-hút. Đoạn 11 của sách Hê-bơ-rơ không nêu rõ tên ông là một người “bởi đức-tin đã thắng được các nước,... tỏ sự bạo-dạn nơi chiến-tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn” (Hê-bơ-rơ 11:33, 34). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã ủng hộ Ê-hút khi ông hành động với đức tin và giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi quyền hành bạo ngược của Vua Éc-lôn.
Sự can đảm là một trong những đức tính của Ê-hút. Ông phải can đảm để khéo sử dụng gươm theo nghĩa đen. Là tôi tớ của Đức Chúa Trời thời nay, chúng ta không dùng gươm như thế (Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 26:52). Tuy vậy, chúng ta sử dụng “gươm của Đức Thánh-linh”, là Lời Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:17). Ê-hút sử dụng vũ khí của ông một cách thành thạo. Chúng ta cũng phải khéo léo dùng Lời Đức Chúa Trời khi đi rao giảng tin mừng về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14). Việc học Kinh-thánh cá nhân, đều đặn đến dự các buổi họp của đạo đấng Christ, sốt sắng tham gia vào thánh chức và vững tin nơi Cha trên trời của chúng ta qua lời cầu nguyện sẽ giúp chúng ta bắt chước những đức tính mà Ê-hút đã biểu lộ, ông quả là một người can đảm và có đức tin.
[Chú thích]
a Các trụ thánh có lẽ là những biểu tượng của dương vật. Những trụ này liên hệ đến các cuộc trác táng nhục dục (I Các Vua 14:22-24, NW).
b Kê-mốt là vị thần chính của dân Mô-áp (Dân-số Ký 21:29; Giê-rê-mi 48:46). Ít nhất là trong một vài trường hợp, trẻ con rất có thể bị cúng tế cho thần giả đáng gớm ghiếc này (II Các Vua 3:26, 27).
[Hình nơi trang 31]
Ê-hút và những người theo ông đã dâng cống vật cho Vua Éc-lôn
[Nguồn tư liệu]
Sao lại từ Illustrirte Pracht-Bibel/Heilige Schrift des Alten und Neuen Testaments, nach der deutschen Uebersetzung D. Martin Luther’s