Giép-thê giữ lời hứa với Đức Giê-hô-va
NGƯỜI chiến sĩ thắng trận trở về sau khi giải thoát dân tộc khỏi sự áp bức. Con gái ông chạy ra đón, cầm trống nhỏ nhảy múa hớn hở. Vừa nhìn thấy con, ông không tỏ ra vui mừng nhưng lại xé áo mình. Tại sao vậy? Ông không vui khi thấy con hân hoan đón ông trở về an toàn hay sao? Ông đã thắng trận nào? Ông là ai?
Người này là Giép-thê, một trong các quan xét của xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Nhưng để trả lời những câu hỏi kia và hiểu ý nghĩa của lời tường thuật, chúng ta cần xem xét bối cảnh của sự sum họp khác thường này.
Cuộc khủng hoảng trong xứ Y-sơ-ra-ên
Giép-thê sống trong một thời kỳ khủng hoảng. Dân Y-sơ-ra-ên đã bỏ sự thờ phượng thanh sạch và thờ các thần của dân Si-đôn, Mô-áp, Am-môn và Phi-li-tin. Vì vậy, Đức Giê-hô-va phó dân Ngài vào tay dân Am-môn và Phi-li-tin. Họ bị hà hiếp trong 18 năm, nhất là cư dân Ga-la-át, phía đông sông Giô-đanh.a Cuối cùng, dân Y-sơ-ra-ên tỉnh ngộ, ăn năn và tìm sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, bắt đầu phụng sự Ngài và loại bỏ các thần ngoại bang.—Các Quan Xét 10:6-16.
Dân Am-môn đóng trại tại Ga-la-át. Dân Y-sơ-ra-ên cũng nhóm lại để nghênh chiến, nhưng không có quan tướng. (Các Quan Xét 10:17, 18) Trong thời gian ấy, Giép-thê có những vấn đề riêng. Vì tham lam và muốn cướp phần gia tài của ông, các anh em cùng cha khác mẹ đã đuổi ông đi. Thế nên, Giép-thê đi đến Tóp, vùng phía đông Ga-la-át, gần kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên. “Những đứa du-dãng” hiệp lại chung quanh Giép-thê, có lẽ họ là những người bị kẻ áp bức làm cho mất việc hoặc họ là những người chống lại sự đàn áp của chúng. Họ “đi ra với người”, có thể hàm ý họ theo Giép-thê để đột kích những kẻ láng giềng thù địch. Có lẽ vì tính dũng cảm của Giép-thê nên Kinh Thánh gọi ông là “tay dõng-sĩ”. (Các Quan Xét 11:1-3) Vậy, ai sẽ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên để chống dân Am-môn?
“Hãy đến làm quan-tướng chúng ta”
Các trưởng lão Ga-la-át giục Giép-thê: “Xin hãy đến làm quan-tướng chúng ta”. Nếu họ nghĩ rằng ông sẽ nắm cơ hội này để trở về xứ mình thì họ đã lầm. Ông đáp lời: “Các ông há chẳng phải là kẻ ghét tôi và đuổi tôi khỏi nhà cha tôi sao? Còn bây giờ các ông đương bị cùng khốn, sao lại đến tôi?” Thật là điều bất công khi trước đó họ đã ghét bỏ Giép-thê, sau lại đến nhờ ông giúp!—Các Quan Xét 11:4-7.
Giép-thê chỉ chấp nhận làm đầu dân Ga-la-át với một điều kiện. Ông nói: ‘Nếu Đức Giê-hô-va phó dân Am-môn vào tay tôi, thì tôi sẽ làm đầu các ông’. Chiến thắng sẽ là bằng chứng về sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, nhưng Giép-thê cũng muốn bảo đảm là sau cơn khủng hoảng, dân sự sẽ không từ bỏ sự cai trị của Ngài.—Các Quan Xét 11:8-11.
Đối phó với dân Am-môn
Giép-thê đã cố gắng đàm phán với dân Am-môn. Ông sai sứ giả đến với vua Am-môn để tìm hiểu nguyên do họ gây hấn. Vua Am-môn buộc tội: Khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên đã chiếm đất của Am-môn và bây giờ phải trả lại.—Các Quan Xét 11:12, 13.
Hiểu biết tường tận về lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, Giép-thê đã khéo léo bác lý lẽ của vua Am-môn. Ông nói rằng khi rời Ê-díp-tô, người Y-sơ-ra-ên không quấy nhiễu dân Am-môn, Mô-áp hay Ê-đôm; thời đó, vùng đất ấy cũng không thuộc dân Am-môn. Về sau, dân A-mô-rít chiếm lãnh thổ này, nhưng Đức Chúa Trời đã phó vua của họ là Si-hôn vào tay dân Y-sơ-ra-ên. Hơn nữa, dân Y-sơ-ra-ên đã sinh sống tại vùng ấy 300 năm. Tại sao mãi đến bây giờ dân Am-môn mới đòi lại?—Các Quan Xét 11:14-22, 26.
Giép-thê cũng lưu ý đến vấn đề chính gây ra sự khốn khổ cho dân Y-sơ-ra-ên: Ai là Thần chân chính? Đức Giê-hô-va hay là thần của các xứ mà dân Y-sơ-ra-ên đã nhận? Nếu thần Kê-mốt có quyền lực, sao hắn không bảo vệ xứ của dân mình? Đây là cuộc đọ sức giữa tôn giáo sai lầm, do dân Am-môn ủng hộ, và tôn giáo thật. Vì vậy, Giép-thê kết luận cách hợp lý: “Nguyện Đức Giê-hô-va, là Đấng đoán-xét, ngày nay xét-đoán giữa dân Y-sơ-ra-ên và dân Am-môn!”—Các Quan Xét 11:23-27.
Vua Am-môn không chịu nghe thông điệp cứng rắn của Giép-thê. “Thần của Đức Giê-hô-va bèn cảm-động Giép-thê; người trải qua Ga-la-át và Ma-na-se”, có lẽ Giép-thê đã triệu tập những người khỏe mạnh để ra trận.—Các Quan Xét 11:28, 29.
Lời khấn nguyện của Giép-thê
Với mong muốn mãnh liệt làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Giép-thê khấn nguyện: “Nếu Ngài phó dân Am-môn vào tay tôi, khi tôi thắng chúng nó trở về, hễ chi ở cửa nhà tôi đi ra đầu hết đặng đến đón rước tôi, thì nấy sẽ thuộc về Đức Chúa Trời, và tôi sẽ dâng nó làm của-lễ thiêu”. Đức Chúa Trời nhậm lời và ban phước cho Giép-thê, giúp ông chiếm lấy 20 thành của dân Am-môn, một “bại trận rất lớn” cho dân đó. Như thế ông khuất phục được kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên.—Các Quan Xét 11:30-33.
Khi Giép-thê từ chiến trận trở về, người ra đón rước ông chính là con gái yêu quý, con một của ông! “Giép-thê vừa thấy nàng, liền xé áo mình mà rằng: Ớ con, than ôi! Con gây cho cha tức tối quá thay! Con thuộc vào số kẻ làm rối cha! Vì cha có mở miệng khấn-nguyện cùng Đức Giê-hô-va, không thế nuốt lời”.—Các Quan Xét 11:34, 35.
Giép-thê sẽ thật sự dâng con gái mình làm của lễ thiêu không? Không. Giép-thê không thể nào nghĩ đến điều đó. Đức Giê-hô-va gớm ghiếc việc dâng người làm của lễ thiêu, một trong những thực hành tàn ác của dân Ca-na-an. (Lê-vi Ký 18:21; Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:31) Không những thánh linh của Đức Giê-hô-va hoạt động trên Giép-thê khi ông khấn nguyện mà Ngài còn ban phước cho những nỗ lực của ông. Kinh Thánh khen ngợi Giép-thê về đức tin và vai trò của ông liên quan đến ý định Đức Chúa Trời. (1 Sa-mu-ên 12:11; Hê-bơ-rơ 11:32-34) Thế thì chắc chắn Giép-thê không nghĩ đến việc dâng người làm của lễ thiêu, một hành động giết người. Vậy, Giép-thê đã nghĩ gì khi khấn nguyện dâng một người cho Đức Giê-hô-va?
Giép-thê hẳn có ý nói rằng ông sẽ dâng người mà ông gặp trước tiên để người đó trọn đời phụng sự Đức Chúa Trời. Luật Pháp Môi-se có qui định về việc hứa nguyện phụng sự Đức Giê-hô-va trọn đời. Chẳng hạn, tại đền tạm có những người nữ hầu việc, có lẽ phụ trách việc múc nước. (Xuất Ê-díp-tô Ký 38:8; 1 Sa-mu-ên 2:22) Chúng ta không biết nhiều về hình thức phụng sự này, và cũng không rõ đó thường là công việc trọn đời hay không. Khi khấn nguyện, Giép-thê hẳn nghĩ đến công việc đặc biệt này, và dường như ông ngụ ý đến việc phụng sự trọn đời.
Con gái của Giép-thê và sau này cậu bé Sa-mu-ên, cả hai đều làm theo lời khấn nguyện của cha mẹ tin kính. (1 Sa-mu-ên 1:11) Là người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va, chính con gái của Giép-thê cũng tin chắc như cha nàng là phải thực hiện lời khấn nguyện. Đây là sự hy sinh lớn, vì nàng sẽ không bao giờ lập gia đình. Nàng khóc về sự đồng trinh của mình vì người Y-sơ-ra-ên nào cũng muốn có con cái để nối dòng và giữ gìn di sản của gia đình. Đối với Giép-thê, thực hiện lời khấn nguyện có nghĩa người con gái duy nhất rất yêu quý không còn ở gần ông nữa.—Các Quan Xét 11:36-39.
Cuộc đời của trinh nữ trung thành này không uổng phí. Phụng sự trọn thời gian tại nhà Đức Giê-hô-va là cách tuyệt hảo, thỏa lòng và đáng khen để tôn vinh Đức Chúa Trời. Do đó, “mỗi năm, các con gái Y-sơ-ra-ên đi than-khóc [“ca ngợi”, Trịnh Văn Căn] con gái của Giép-thê, người Ga-la-át”. (Các Quan Xét 11:40) Chắc chắn cha nàng cũng vui về việc nàng phụng sự Đức Giê-hô-va.
Trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay, nhiều người chọn đời sống phụng sự trọn thời gian với tư cách là tiên phong, giáo sĩ, giám thị lưu động và thành viên gia đình Bê-tên. Có thể vì công việc, họ không thường xuyên gặp gia đình như lòng mong muốn. Tuy nhiên, tất cả đều có thể vui mừng về công việc thánh này.—Thi-thiên 110:3; Hê-bơ-rơ 13:15, 16.
Nghịch lại sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời
Nhìn lại thời Giép-thê, chúng ta thấy nhiều người Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Dù có bằng chứng Giép-thê được Đức Chúa Trời ban phước, người Ép-ra-im gây sự với ông. Họ muốn biết tại sao ông không gọi họ cùng đi đánh trận. Thậm chí họ còn muốn đốt nhà của Giép-thê ‘luôn với ông’!—Các Quan Xét 12:1.
Giép-thê nói rằng ông có kêu người Ép-ra-im nhưng họ không hưởng ứng. Dù sao đi nữa, Đức Chúa Trời đã thắng trận. Phải chăng người Ép-ra-im tức giận vì dân Ga-la-át đã không hội ý với họ khi chọn Giép-thê làm quan tướng. Thật ra, khi phản kháng thì dân Ép-ra-im cho thấy họ nghịch lại Đức Giê-hô-va. Và không còn biện pháp nào khác ngoài việc phải tranh chiến với họ. Trong trận chiến sau đó, người Ép-ra-im bị đánh bại. Vì không phát âm đúng chữ “Si-bô-lết”, những người Ép-ra-im chạy trốn bị phát hiện dễ dàng. Tất cả có 42.000 người Ép-ra-im bị giết trong cuộc xung đột.—Các Quan Xét 12:2-6.
Thật là thời kỳ buồn thảm trong lịch sử Y-sơ-ra-ên! Trong quá khứ, các quan xét Ốt-ni-ên, Ê-hút, Ba-rác và Ghê-đê-ôn đều mang lại hòa bình sau khi thắng trận. Trong trường hợp của Giép-thê, lời tường thuật không nói đến hòa bình, nhưng chỉ kết luận: “Giép-thê, người Ga-la-át, làm quan xét trong Y-sơ-ra-ên được sáu năm. Đoạn, người qua đời, và được chôn trong một thành ở xứ Ga-la-át”.—Các Quan Xét 3:11, 30; 5:31; 8:28; 12:7.
Chúng ta rút ra bài học nào qua lời tường thuật này? Dù cuộc đời Giép-thê đầy gian truân, ông vẫn giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Người dõng sĩ này nhắc đến Đức Giê-hô-va khi ông nói với các trưởng lão Ga-la-át, dân Am-môn, con gái ông, người Ép-ra-im và, tất nhiên, khi ông khấn nguyện. (Các Quan Xét 11:9, 23, 27, 30, 31, 35; 12:3) Đức Chúa Trời đã ban phước cho Giép-thê vì lòng trung thành, dùng ông và con gái ông để đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch. Trong thời mà nhiều người lìa bỏ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, Giép-thê vẫn gắn bó với các tiêu chuẩn ấy. Như Giép-thê, bạn sẽ luôn vâng lời Đức Giê-hô-va không?
[Chú thích]
a Dân Am-môn rất tàn ác. Chưa đầy 60 năm sau, họ làm cho cư dân một thành của Ga-la-át khiếp sợ và dọa móc mắt hữu của từng người. Nhà tiên tri A-mốt nói về thời kỳ họ mổ bụng đàn bà Ga-la-át đang mang thai.—1 Sa-mu-ên 11:2; A-mốt 1:13.