CHƯƠNG BỐN
‘Mẹ đi đâu, con sẽ đi đó’
1, 2. (a) Hãy miêu tả hành trình của Ru-tơ và Na-ô-mi cũng như niềm tiếc thương của họ. (b) Hành trình của Ru-tơ khác với Na-ô-mi như thế nào?
Ru-tơ bước bên Na-ô-mi trên con đường dài băng qua những đồng bằng cao, lộng gió ở Mô-áp. Dáng hai người giờ đây thật nhỏ bé, lẻ loi giữa cảnh vật mênh mông. Hãy hình dung Ru-tơ khi cô thấy bóng chiều tà dần buông xuống, rồi cô nhìn sang mẹ chồng và nghĩ xem liệu đã đến lúc tìm nơi nghỉ qua đêm hay chưa. Cô thương mẹ Na-ô-mi vô vàn và muốn làm mọi điều để phụng dưỡng mẹ.
2 Mỗi người họ đều mang nặng một niềm tiếc thương. Na-ô-mi đã ở góa nhiều năm, giờ bà buồn khổ vì nỗi mất mát mới đây, khi hai con trai là Mạc-lôn và Ki-li-ôn qua đời. Ru-tơ cũng đau buồn, vì Mạc-lôn là chồng cô. Cô và Na-ô-mi đang cùng đi đến thị trấn Bết-lê-hem, xứ Y-sơ-ra-ên. Dù vậy, có thể nói hành trình của cả hai là khác nhau. Na-ô-mi đang trở về quê nhà. Còn Ru-tơ thì đang liều lĩnh đến một vùng đất xa lạ, bỏ lại sau lưng là họ hàng, xứ sở và mọi phong tục quen thuộc, kể cả những vị thần.—Đọc Ru-tơ 1:3-6.
3. Lời giải đáp cho những câu hỏi nào sẽ giúp chúng ta noi theo đức tin của Ru-tơ?
3 Điều gì khiến một phụ nữ trẻ đi đến quyết định lớn lao như thế? Ru-tơ lấy đâu ra nghị lực để vừa bắt đầu cuộc sống mới lại vừa phụng dưỡng Na-ô-mi? Khi biết lời giải đáp, chúng ta sẽ thấy đức tin của Ru-tơ người Mô-áp có nhiều điểm để mình noi theo. (Cũng xem khung “Một kiệt tác nhỏ bé”). Trước tiên, hãy cùng xem xét tại sao hai phụ nữ này lại đi trên con đường dài dẫn đến Bết-lê-hem.
Gia đình tan nát vì bi kịch
4, 5. (a) Tại sao gia đình Na-ô-mi chuyển đến xứ Mô-áp? (b) Na-ô-mi phải đối mặt với những thử thách nào tại Mô-áp?
4 Ru-tơ lớn lên tại Mô-áp, một xứ nhỏ ở phía đông Biển Chết. Vùng này có những thung lũng sông cắt qua những cao nguyên rải rác cây cối. “Xứ Mô-áp” luôn chứng tỏ là một vùng đất canh tác màu mỡ, ngay cả khi nạn đói hoành hành trong xứ Y-sơ-ra-ên. Thật ra, đó là nguyên do dẫn đến việc Ru-tơ gặp Mạc-lôn và gia đình ông.—Ru 1:1.
5 Nạn đói trong xứ Y-sơ-ra-ên đã buộc Ê-li-mê-léc, chồng Na-ô-mi, đưa vợ và hai con trai rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đến sinh sống tại nơi đất khách quê người là Mô-áp. Khi ấy, chắc hẳn mỗi thành viên trong gia đình phải đối mặt với thử thách về đức tin, vì người Y-sơ-ra-ên cần đều đặn đến thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời tại nơi thánh mà ngài đã chỉ định (Phục 16:16, 17). Dẫu Na-ô-mi tiếp tục giữ vững đức tin nhưng bà vẫn đau đớn khôn xiết khi chồng qua đời.—Ru 1:2, 3.
6, 7. (a) Tại sao có lẽ Na-ô-mi lo lắng khi hai con trai cưới những cô gái Mô-áp? (b) Tại sao cách Na-ô-mi đối xử với hai nàng dâu thật đáng khen?
6 Sau đó, có lẽ Na-ô-mi lại khổ sở thêm lần nữa khi hai con trai bà cưới những cô gái Mô-áp (Ru 1:4). Na-ô-mi biết tổ phụ của bà là Áp-ra-ham đã mất nhiều công sức để tìm cho Y-sác, con trai ông, một người vợ trong vòng bà con mình, là người thờ phượng Đức Giê-hô-va (Sáng 24:3, 4). Về sau, Luật pháp Môi-se cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên chớ để con trai và con gái mình cưới người ngoại bang, vì sợ rằng họ sẽ lôi kéo dân Đức Chúa Trời thờ thần tượng.—Phục 7:3, 4.
7 Vậy mà Mạc-lôn và Ki-li-ôn lại cưới những cô gái Mô-áp. Không biết Na-ô-mi đã lo lắng và thất vọng thế nào, nhưng hẳn bà đã thật lòng thương yêu và đối xử tử tế với hai nàng dâu là Ru-tơ và Ọt-ba. Có lẽ bà hy vọng biết đâu một ngày nào đó họ cũng thờ phượng Đức Giê-hô-va giống như bà. Dẫu sao, cả Ru-tơ và Ọt-ba đều thương mến Na-ô-mi. Tình cảm tốt đẹp ấy giúp họ đương đầu với bi kịch bất ngờ ập đến. Trước khi hai nàng dâu trẻ có con thì họ đã lâm vào cảnh góa bụa.—Ru 1:5.
8. Có thể điều gì đã thu hút Ru-tơ đến gần Đức Chúa Trời?
8 Những gì Ru-tơ học từ đạo của cô có giúp cô đương đầu với bi kịch không? Hẳn là không. Dân Mô-áp thờ nhiều thần, và thần chính là Kê-móc (Dân 21:29). Có lẽ đạo của người Mô-áp cũng dính líu tới sự tàn bạo và ghê rợn thường thấy vào thời đó, kể cả việc hiến tế trẻ con. Qua Mạc-lôn và Na-ô-mi, những gì Ru-tơ biết về Đức Chúa Trời yêu thương và thương xót của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va, chắc chắn đã gây ấn tượng hoàn toàn khác nơi cô. Đức Giê-hô-va cai trị bằng tình yêu thương chứ không bằng sự đàn áp. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5). Trong nỗi mất mát to lớn, có thể Ru-tơ càng thêm gần gũi với Na-ô-mi và sẵn lòng lắng nghe khi mẹ già kể về Đức Chúa Trời Toàn Năng, công việc kỳ diệu của ngài và cách ngài đối xử yêu thương, thương xót với dân ngài.
9-11. (a) Na-ô-mi, Ru-tơ và Ọt-ba quyết định làm gì? (b) Chúng ta học được gì từ những bi kịch xảy ra cho Na-ô-mi, Ru-tơ và Ọt-ba?
9 Về phần Na-ô-mi, bà mong ngóng tin tức từ quê nhà. Ngày nọ, có lẽ qua một nhà buôn, bà biết nạn đói ở Y-sơ-ra-ên không còn nữa. Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ dân ngài. Bết-lê-hem trở lại đúng như tên gọi của nó, nghĩa là “nhà của bánh”. Na-ô-mi quyết định trở về quê.—Ru 1:6.
10 Ru-tơ và Ọt-ba sẽ làm gì? (Ru 1:7). Vì đồng cảnh ngộ với Na-ô-mi nên họ ngày càng gắn bó với bà. Riêng Ru-tơ, cô được thu hút bởi lòng tử tế và đức tin vững vàng của Na-ô-mi nơi Đức Giê-hô-va. Ba góa phụ cùng nhau lên đường đến Giu-đa.
11 Lời tường thuật về Ru-tơ nhắc chúng ta rằng bi kịch và mất mát đều có thể xảy ra cho cả người tốt lẫn người xấu (Truyền 9:2, 11). Nó cũng cho thấy rằng khi trải qua nỗi mất mát không tả xiết, chúng ta nên khôn ngoan tìm kiếm niềm an ủi nơi người khác, đặc biệt là những người nương náu nơi Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời mà Na-ô-mi thờ phượng.—Châm 17:17.
Tình yêu thương thành tín của Ru-tơ
12, 13. Tại sao Na-ô-mi muốn Ru-tơ và Ọt-ba trở về nhà của họ thay vì đi cùng bà? Lúc đầu hai nàng dâu trẻ phản ứng ra sao?
12 Khi ba người đi được một quãng khá xa, lòng Na-ô-mi lại trĩu nặng mối âu lo khác. Bà suy nghĩ về hai nàng dâu trẻ đang đi bên cạnh và về tình yêu thương mà họ đã biểu lộ với bà cùng hai con trai của bà. Giờ đây, bà không muốn chất thêm gánh nặng cho họ nữa. Nếu họ rời bỏ quê hương để đi cùng bà, liệu bà sẽ làm được gì cho họ ở Bết-lê-hem?
13 Cuối cùng, Na-ô-mi lên tiếng: “Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu Đức Giê-hô-va lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người thác của chúng ta, và đã đãi chính mình ta!”. Bà cũng nói lên hy vọng rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho họ tấm chồng mới và cuộc sống mới. Lời tường thuật cho biết: “Rồi người ôm hôn hai nàng, còn hai nàng cất tiếng lên khóc”. Không khó để hiểu tại sao Ru-tơ và Ọt-ba cảm thấy gắn bó với người phụ nữ này, một người đôn hậu và biết nghĩ tới người khác. Cả hai nài nỉ bà: ‘Chúng con sẽ đi với mẹ đến quê-hương của mẹ’.—Ru 1:8-10.
14, 15. (a) Ọt-ba quay về với điều gì? (b) Na-ô-mi nói gì để cố thuyết phục Ru-tơ rời bỏ bà?
14 Nhưng Na-ô-mi không dễ bị thuyết phục đến thế. Bà lập luận cứng cỏi rằng ở Y-sơ-ra-ên bà sẽ chẳng thể làm gì cho họ, vì bà không tái giá được nữa, không có con trai để cưới họ, và mai này cũng chẳng trông mong gì về chuyện đó. Bà nói rằng việc không thể chăm lo cho họ đã là một điều vô cùng đau xót đối với bà. Phía Ọt-ba, cô nhận ra những lời của Na-ô-mi thật hợp lý. Cô có gia đình ở Mô-áp, một mái nhà, cùng người mẹ đang đợi cô ở đó. Dường như tốt hơn cô nên ở lại Mô-áp. Vì thế, Ọt-ba buồn bã hôn từ biệt Na-ô-mi rồi quay trở về.—Ru 1:11-14.
15 Về phần Ru-tơ thì sao? Dù những lời của Na-ô-mi cũng dành cho cô nhưng “Ru-tơ không chịu phân-rẽ người”. Có lẽ Na-ô-mi tiếp tục lên đường nhưng quay lại phía sau vẫn thấy Ru-tơ đang theo bước bà. Bà không chịu và nói: “Nầy, chị con đã trở về quê-hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi” (Ru 1:15). Những lời của Na-ô-mi tiết lộ cho độc giả một chi tiết quan trọng. Ọt-ba không chỉ quay về với dân Mô-áp mà còn với “thần” của cô. Cô bằng lòng tiếp tục thờ thần Kê-móc và những thần khác. Còn Ru-tơ, cô có cảm thấy như thế không?
16-18. (a) Lời của Ru-tơ biểu lộ tình yêu thương thành tín ra sao? (b) Qua Ru-tơ, chúng ta có thể học được gì về tình yêu thương thành tín? (Cũng xem các hình của Na-ô-mi và Ru-tơ).
16 Đứng trước mặt Na-ô-mi trên con đường hiu quạnh, Ru-tơ biết rõ lòng mình cảm thấy thế nào. Lòng cô dạt dào tình thương dành cho Na-ô-mi, cũng như Đức Chúa Trời mà Na-ô-mi thờ phượng. Thế nên, cô thưa: ‘Xin chớ nài con phân-rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, con sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của con; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của con; mẹ thác nơi nào, con muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân-cách con khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho con!’.—Ru 1:16, 17.
17 Những lời của Ru-tơ ấn tượng đến nỗi chúng vẫn còn vang vọng đến tận 3.000 năm sau đó. Những lời ấy cho thấy rõ một đức tính đáng quý, đó là yêu thương thành tín. Tình thương của Ru-tơ mãnh liệt và bền chặt đến mức cho dẫu Na-ô-mi có đi đến đâu chăng nữa thì cô cũng bên bà không rời. Chỉ cái chết mới có thể chia lìa họ. Dân tộc của Na-ô-mi sẽ trở thành dân tộc của cô, vì cô sẵn lòng bỏ lại đằng sau mọi thứ mà cô biết ở Mô-áp, kể cả những thần ở đó. Không như Ọt-ba, Ru-tơ một lòng nói rằng cô muốn Đức Chúa Trời của Na-ô-mi, Đức Giê-hô-va, trở thành Đức Chúa Trời của côa.
18 Giờ đây, chỉ còn lại hai người đi tiếp trên con đường dài dẫn đến Bết-lê-hem. Theo một sự ước tính, chuyến hành trình có thể mất cả tuần lễ. Dù thế, chắc hẳn mỗi người đều cảm thấy nỗi đau của mình nguôi ngoai phần nào khi có người bạn đồng hành bên cạnh.
19. Bạn nghĩ chúng ta có thể noi theo tình yêu thương thành tín của Ru-tơ trong gia đình, tình bạn và hội thánh bằng cách nào?
19 Thế giới này không thiếu những đau khổ. Chúng ta phải đối mặt với đủ mọi mất mát và đau thương trong thời nay, thời kỳ Kinh Thánh gọi là “đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1). Vì thế, đức tính mà chúng ta thấy nơi Ru-tơ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tình yêu thương thành tín—tình cảm gắn bó với một đối tượng và không hề muốn rời xa—là sức mạnh giúp chúng ta trong thế giới u ám này. Chúng ta cần thể hiện tình cảm này trong hôn nhân, những mối quan hệ gia đình, tình bạn và hội thánh. (Đọc 1 Giăng 4:7, 8, 20). Khi phát huy loại yêu thương ấy, chúng ta noi theo gương sáng của Ru-tơ.
Ru-tơ và Na-ô-mi tại Bết-lê-hem
20-22. (a) Cuộc sống ở Mô-áp ảnh hưởng đến Na-ô-mi ra sao? (b) Na-ô-mi lầm tưởng thế nào về những tai ương mà mình phải chịu? (Cũng xem Gia-cơ 1:13).
20 Dĩ nhiên, tình yêu thương thành tín phải được chứng tỏ qua hành động chứ không chỉ qua lời nói. Ru-tơ đã có cơ hội thể hiện tình yêu thương thành tín không chỉ với Na-ô-mi mà còn với Đức Chúa Trời cô chọn thờ phượng, Đức Giê-hô-va.
21 Cuối cùng, hai người cũng đến Bết-lê-hem, một làng cách Giê-ru-sa-lem khoảng 10km về phía nam. Hình như khá nhiều người trong thị trấn nhỏ ấy từng biết Na-ô-mi và gia đình bà, vì cả làng đều rộn ràng khi hay tin Na-ô-mi trở về. Những phụ nữ ở đó nhìn bà và hỏi: “Có phải Na-ô-mi chăng?”. Hẳn cuộc sống ở Mô-áp đã làm bà đổi khác; sắc mặt và dáng vẻ bà hằn nguyên dấu vết của những tháng ngày cam go và khổ sở.—Ru 1:19.
22 Na-ô-mi kể cho những người bà con và láng giềng trước đây nghe về đời bà đã cay đắng ra sao. Thậm chí bà còn thấy tên mình nên đổi từ Na-ô-mi, nghĩa là “ngọt-ngào”, sang Ma-ra, nghĩa là “cay-đắng”. Na-ô-mi thật đáng thương! Giống như ông Gióp thuở trước, bà tưởng những tai ương mà mình phải chịu là do Đức Giê-hô-va giáng xuống.—Ru 1:20, 21; Gióp 2:10; 13:24-26.
23. Ru-tơ bắt đầu suy nghĩ về điều gì? Luật pháp Môi-se có sự sắp đặt nào dành cho người nghèo? (Cũng xem chú thích).
23 Khi Na-ô-mi và Ru-tơ đã định cư tại Bết-lê-hem, Ru-tơ bắt đầu suy nghĩ làm sao để lo cho bản thân và phụng dưỡng mẹ chồng một cách tốt nhất. Cô biết Luật pháp mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên bao gồm một sự sắp đặt yêu thương dành cho người nghèo. Vào mùa thu hoạch, họ được phép ra đồng và đi theo thợ gặt, mót những gì còn sót lại hoặc mọc ở rìa và góc của cánh đồngb.—Lê 19:9, 10; Phục 24:19-21.
24, 25. Ru-tơ làm gì khi tình cờ vào đúng ngay ruộng của Bô-ô? Mót lúa là công việc như thế nào?
24 Đến mùa gặt lúa mạch, có thể là tháng tư theo lịch hiện đại, Ru-tơ ra ngoài ruộng để xem ai sẽ cho cô mót lúa, theo sự sắp đặt sẵn có. Tình cờ, cô vào đúng ngay ruộng của Bô-ô, một địa chủ giàu có và là bà con của Ê-li-mê-léc, chồng quá cố của Na-ô-mi. Dù theo Luật pháp thì Ru-tơ có quyền mót lúa nhưng cô không làm thế khi chưa xin phép; cô xin người đầy tớ trông coi những thợ gặt cho mình làm ở đó. Khi được anh ta đồng ý, Ru-tơ mới bắt tay vào việc.—Ru 1:22–2:3, 7.
25 Hãy hình dung Ru-tơ theo sau những thợ gặt. Khi lưỡi liềm của họ cắt qua thân cây lúa, cô khom người nhặt những cọng họ làm rơi hoặc để lại, buộc chúng thành từng bó và mang đến nơi mà sau đó cô có thể đập để lấy hạt. Công việc này rất mệt nhọc, đòi hỏi sự nhẫn nại, và càng khó hơn nữa khi trời dần về trưa. Dù vậy, Ru-tơ vẫn không nghỉ tay, chỉ dừng lại để lau những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán và ăn bữa trưa đạm bạc trong căn chòi che bóng mát cho những người thợ.
26, 27. Bô-ô là người như thế nào? Ông đối xử với Ru-tơ ra sao?
26 Hẳn nhiên Ru-tơ không trông đợi hay mong muốn có người sẽ chú ý đến mình, nhưng điều đó đã xảy ra. Bô-ô thấy cô và hỏi người đầy tớ xem cô là ai. Vì là người có đức tin nổi bật nên Bô-ô chào hỏi thợ gặt của ông, có thể một số là người làm công theo ngày hoặc thậm chí là ngoại kiều, với câu: “Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi!”. Họ đáp lại ông với câu tương tự. Người đàn ông lớn tuổi này yêu mến Đức Giê-hô-va, và ông giống như người cha quan tâm đến Ru-tơ.—Ru 2:4-7.
27 Bô-ô gọi Ru-tơ là “con gái” của ông. Ông khuyên cô cứ đến ruộng ông mót lúa và ở gần những đầy tớ gái để không bị những đầy tớ trai quấy rầy. Ông lo sao cho cô có thức ăn vào buổi trưa. (Đọc Ru-tơ 2:8, 9, 14). Trên hết, ông tìm cách khen ngợi và động viên cô. Như thế nào?
28, 29. (a) Ru-tơ có tiếng là người ra sao? (b) Như Ru-tơ, bạn có thể nương náu nơi Đức Giê-hô-va bằng cách nào?
28 Khi Ru-tơ hỏi Bô-ô vì sao một người ngoại bang như cô lại được ơn trước mặt ông, ông trả lời rằng mình đã nghe nói về mọi điều Ru-tơ làm cho mẹ chồng là Na-ô-mi. Có lẽ Na-ô-mi đã khen con dâu yêu dấu của bà trước mặt những phụ nữ ở Bết-lê-hem, và những lời ấy đến tai Bô-ô. Ông cũng biết rằng Ru-tơ đã quay sang thờ phượng Đức Giê-hô-va, vì thế ông nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va báo-đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu-xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn-vẹn”.—Ru 2:12.
29 Chắc hẳn Ru-tơ cảm thấy được khích lệ vô cùng khi nghe các lời ấy! Cô đã đến nương náu dưới cánh Đức Giê-hô-va, như con chim non rúc dưới cánh mẹ để được che chở. Cô cám ơn Bô-ô vì lời của ông làm cô thêm vững tâm. Ru-tơ tiếp tục mót lúa cho đến chập tối.—Ru 2:13, 17.
30, 31. Chúng ta học được gì từ thói quen làm việc, lòng biết ơn và tình yêu thương thành tín của Ru-tơ?
30 Bằng cách biểu lộ đức tin qua hành động, Ru-tơ để lại gương nổi trội cho những ai đang phải chật vật mưu sinh trong thời buổi kinh tế khó khăn này. Cô không nghĩ người khác có bổn phận giúp đỡ mình, trái lại, cô biết ơn mọi thứ mà mình nhận được. Cô không thấy xấu hổ khi làm việc cực nhọc cả ngày để chăm lo cho người thân yêu, ngay dù đó là công việc thấp kém. Cô cảm kích và nghe theo lời khuyên khôn ngoan về việc phải làm chung với ai thì tốt và được an toàn. Quan trọng nhất, cô không bao giờ quên nơi nương náu thật sự của mình chính là Người Cha che chở cô, Đức Giê-hô-va.
31 Chúng ta muốn thể hiện tình yêu thương thành tín như Ru-tơ cũng như noi gương cô về tính khiêm nhường, siêng năng và biết ơn vì mình được biết Đức Giê-hô-va. Khi ấy, đức tin của chúng ta cũng sẽ là gương tốt cho những người khác. Vậy Đức Giê-hô-va đã chu cấp cho Na-ô-mi và Ru-tơ như thế nào? Chúng ta sẽ thảo luận điều đó trong chương kế tiếp.
a Điều đáng chú ý, Ru-tơ không chỉ dùng tước vị xa cách là “Đức Chúa Trời”, như nhiều người ngoại bang có thể gọi, mà cô còn dùng danh riêng của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Một sách giải thích Kinh Thánh (The Interpreter’s Bible) cho biết: “Do đó, tác giả nhấn mạnh rằng người ngoại bang này là người theo Đức Chúa Trời thật”.
b Đây là một luật rất đặc biệt, chắc chắn không giống bất cứ điều gì mà Ru-tơ biết ở xứ cô. Tại vùng Cận Đông thời xưa, người góa bụa bị đối xử tệ bạc. Một tài liệu tham khảo nói: “Sau khi chồng mất, bà góa thường phải nương tựa nơi các con trai; nếu không có con trai, có thể bà đành phải bán mình làm nô lệ, kỹ nữ, hoặc là chết”.