Phước cho người khiêm nhường
“Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường” (I PHI-E-RƠ 5:5).
1, 2. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su liên kết hạnh phúc với tính khiêm nhường như thế nào?
HẠNH PHÚC và khiêm nhường có liên hệ gì với nhau không? Trong bài giảng nổi tiếng nhất, Chúa Giê-su Christ, Người vĩ đại nhất đã từng sống, miêu tả chín ân phước, hay hạnh phúc lớn (Ma-thi-ơ 5:1-12). Chúa Giê-su có liên kết hạnh phúc với lòng khiêm nhường không? Có, vì lòng khiêm nhường có phần trong một số hạnh phúc mà ngài đề cập. Thí dụ, một người phải có tính khiêm nhường mới ý thức được nhu cầu thiêng liêng của mình. Chỉ những người khiêm nhường mới đói khát về sự công bình. Và người kiêu ngạo thì không có tính nhu mì và không có lòng thương xót, và khó hòa thuận.
2 Người khiêm nhường có hạnh phúc vì có tính khiêm nhường là điều đúng và ngay thẳng. Hơn nữa, người khiêm nhường có hạnh phúc vì có tính khiêm nhường là điều khôn ngoan; nó giúp ta có mối liên lạc tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và các anh em cùng đạo. Ngoài ra, những người khiêm nhường có hạnh phúc vì họ bày tỏ tình yêu thương khi họ tỏ ra khiêm nhường.
3. Tại sao lòng ngay thẳng bắt buộc chúng ta phải khiêm nhường?
3 Tại sao sự ngay thẳng đòi hỏi chúng ta phải khiêm nhường? Một lý do là vì tất cả chúng ta đều gánh chịu sự bất toàn và luôn luôn phạm lỗi. Sứ đồ Phao-lô nói về chính mình: “Tôi biết đều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác-thịt tôi, bởi tôi có ý-muốn làm đều lành, nhưng không có quyền làm trọn” (Rô-ma 7:18). Đúng vậy, tất cả chúng ta đều phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Tính ngay thẳng sẽ giúp ta tránh sự kiêu ngạo. Chúng ta phải có tính khiêm nhường mới có thể nhìn nhận lỗi lầm, và sự ngay thẳng sẽ giúp ta chịu trách nhiệm mỗi khi chúng ta phạm lỗi. Vì chúng ta luôn thiếu sót về những gì chúng ta cố gắng làm, chúng ta có lý do chánh đáng để tỏ ra khiêm nhường.
4. I Cô-rinh-tô 4:7 cho chúng ta lý do mạnh mẽ nào để có lòng khiêm nhường?
4 Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta một lý do khác tại sao sự ngay thẳng làm cho chúng ta khiêm nhường. Ông nói: “Ai phân-biệt ngươi với người khác? Ngươi há có đều chi mà chẳng đã nhận-lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận-lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận-lãnh?” (I Cô-rinh-tô 4:7). Không có chút nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ không ngay thẳng nếu giành lấy vinh quang cho riêng mình, tự hào về vật chất, khả năng, hoặc thành tích của mình. Sự ngay thẳng giúp ta có lương tâm tốt dưới mắt Đức Chúa Trời, nhờ đó chúng ta có thể “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự” (Hê-bơ-rơ 13:18).
5. Sự ngay thẳng cũng sẽ giúp ta thế nào khi chúng ta phạm lỗi?
5 Sự ngay thẳng giúp ta khiêm nhường khi phạm lỗi. Sự ngay thẳng sẽ giúp ta sẵn sàng nhận trách nhiệm, thay vì tìm cách tự bào chữa hoặc đổ lỗi cho người khác. Như vậy, trong khi A-đam đổ lỗi cho Ê-va, Đa-vít lại không đổ lỗi cho Bát-Sê-ba, nói rằng: ‘Đáng lẽ nàng không nên tắm chỗ người khác có thể thấy được. Tôi không thể tránh bị cám dỗ’ (Sáng-thế Ký 3:12; II Sa-mu-ên 11:2-4). Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng một mặt, sự ngay thẳng giúp ta có tính khiêm nhường; mặt khác, tính khiêm nhường giúp ta có lòng ngay thẳng.
Đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va giúp ta khiêm nhường
6, 7. Đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời giúp ta có tính khiêm nhường như thế nào?
6 Đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp ta có tính khiêm nhường. Khi chúng ta biết Đấng Tạo Hóa, Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, vĩ đại như thế nào sẽ giúp ta tránh xem mình quá quan trọng. Nhà tiên tri Ê-sai nhắc nhở chúng ta thật đúng làm sao! Chúng ta đọc nơi Ê-sai 40:15, 22: “Kìa, các dân-tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rơi trên cân... Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất nầy, các dân-cư trên đất như cào cào vậy”.
7 Đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp khi chúng ta cảm thấy bị đối xử bất công. Thay vì lo lắng về vấn đề gì, chúng ta sẽ khiêm nhường chờ đợi Đức Giê-hô-va, như người viết Thi-thiên nhắc nhở nơi Thi-thiên 37:1-3, 8, 9. Sứ đồ Phao-lô cũng nói tương tự: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng” (Rô-ma 12:19).
Tính khiêm nhường—Đường lối khôn ngoan
8. Tại sao tính khiêm nhường giúp ta có một mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va?
8 Có nhiều lý do tại sao tỏ ra khiêm nhường là đường lối khôn ngoan. Một trong những lý do đã được nói đến là có mối liên lạc tốt với Đấng Tạo Hóa. Lời Đức Chúa Trời nói một cách rõ ràng nơi Châm-ngôn 16:5: “Phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va”. Chúng ta cũng đọc nơi Châm-ngôn 16:18: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. Không sớm thì muộn, kẻ kiêu ngạo sẽ bị sầu khổ. Sự kiện phải là như vậy vì lẽ những gì chúng ta đọc nơi I Phi-e-rơ 5:5: “Hết thảy đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường; vì Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. Bạn sẽ thấy cùng điểm đó trong lời ví dụ của Chúa Giê-su về người Pha-ri-si và người thâu thuế đang cầu nguyện. Người thâu thuế khiêm nhường đã tỏ ra công bình hơn (Lu-ca 18:9-14).
9. Tính khiêm nhường sẽ giúp ta trong thời khó khăn như thế nào?
9 Tính khiêm nhường là đường lối khôn ngoan vì nếu có tính khiêm nhường, chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn để nghe theo lời khuyên nơi Gia-cơ 4:7: “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời”. Nếu có tính khiêm nhường, chúng ta sẽ không cưỡng lại khi Đức Chúa Trời cho phép chúng ta gặp khó khăn. Tính khiêm nhường sẽ giúp ta thỏa lòng với hoàn cảnh mình và bền bỉ chịu đựng. Người kiêu ngạo không toại nguyện, luôn luôn ham muốn nhiều hơn và chống đối hoàn cảnh đau buồn. Trái lại, người khiêm nhường chịu đựng sự gian khổ và thử thách, như Gióp đã làm. Gióp bị mất hết gia tài và bị giáng cho một căn bệnh rất đau đớn, và sau đó vợ ông còn khuyên ông theo con đường kiêu ngạo, bà nói: “Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” Ông trả lời thế nào? Kinh-thánh cho chúng ta biết: “Người đáp lại rằng: Ngươi nói như một người đàn bà ngu-muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai-họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình” (Gióp 2:9, 10). Vì có tính khiêm nhường, Gióp không cưỡng lại, nhưng khôn ngoan chịu đựng bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va cho phép xảy đến cho mình. Và sau cùng ông nhận lãnh một phần thưởng lớn (Gióp 42:10-16; Gia-cơ 5:11).
Tính khiêm nhường giúp ta có mối liên lạc tốt với người khác
10. Tính khiêm nhường giúp ta cải thiện mối liên lạc với anh em cùng đạo như thế nào?
10 Tính khiêm nhường là đường lối khôn ngoan vì nó giúp ta có mối liên lạc tốt với các anh em cùng đạo. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3, 4). Tính khiêm nhường sẽ giúp ta khôn ngoan tránh cạnh tranh hoặc tìm cách sáng chói hơn người khác, điều thường gây vấn đề cho chúng ta và anh em cùng đạo.
11. Tại sao tính khiêm nhường có thể giúp ta tránh phạm lỗi?
11 Nhiều khi tính khiêm nhường giúp ta tránh phạm lỗi. Như thế nào? Vì tính khiêm nhường giúp ta tránh quá tự tin. Ngược lại, chúng ta sẽ quí trọng lời khuyên của Phao-lô nơi I Cô-rinh-tô 10:12: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”. Người kiêu ngạo thì quá tự tin, cho nên người đó dễ phạm lỗi vì những ảnh hưởng bên ngoài hay khuyết điểm của mình.
12. Tính khiêm nhường sẽ thúc đẩy chúng ta để đạt được đòi hỏi nào trong Kinh-thánh?
12 Tính khiêm nhường sẽ giúp ta đạt đến đòi hỏi là phải vâng phục. Chúng ta được khuyên nơi Ê-phê-sô 5:21: “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng-phục nhau”. Thật ra, mỗi người chúng ta đều cần phải vâng phục. Trẻ con phải vâng phục cha mẹ, vợ vâng phục chồng, và chồng vâng phục đấng Christ (I Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:22; 6:1). Rồi trong bất cứ hội thánh nào của tín đồ đấng Christ, mọi người, kể cả các tôi tớ thánh chức, đều phải vâng phục các trưởng lão. Chẳng phải các trưởng lão cũng phải vâng phục lớp người đầy tớ trung tín, đặc biệt đại diện bởi giám thị vòng quanh, hay sao? Rồi giám thị vòng quanh cần vâng phục giám thị địa hạt, và giám thị địa hạt vâng phục Ủy Ban Chi Nhánh của nước mà mình phục vụ. Còn về thành viên của Ủy Ban Chi Nhánh thì sao? Họ phải “vâng-phục nhau” và cũng vâng phục Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương đại diện cho lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Còn về phần lớp người này, họ chịu trách nhiệm trước Chúa Giê-su, là Vua trên ngôi (Ma-thi-ơ 24:45-47). Như trong bất cứ hội đồng trưởng lão nào, thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương phải tôn trọng quan điểm của nhau. Thí dụ, một người có thể nghĩ mình có ý kiến hay. Nhưng phải có đủ thành viên khác đồng ý với lời đề nghị này, nếu không người đó phải bỏ ý kiến đó qua một bên. Đúng thế, tất cả chúng ta đều cần có tính khiêm nhường, vì mọi người đều phải vâng phục.
13, 14. a) Tính khiêm nhường sẽ giúp ta trong hoàn cảnh đặc biệt nào? b) Phi-e-rơ đã nêu gương như thế nào về việc chấp nhận lời khuyên bảo?
13 Tính khiêm nhường đặc biệt là đường lối khôn ngoan vì nó giúp ta dễ chấp nhận lời khuyên và sửa trị hơn. Đôi khi mỗi người chúng ta cần được sửa trị, và chúng ta nên nghe theo lời khuyên nơi Châm-ngôn 19:20: “Hãy nghe lời khuyên-dạy, và tiếp-nhận sự giáo-hối, để con được khôn-ngoan trong lúc cuối-cùng”. Như đã nói trước nhiều lần, tính khiêm nhường giúp ta không thấy đau lòng khi bị khiển trách hay sửa trị. Hơn nữa, nơi Hê-bơ-rơ 12:4-11 sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta về sự khôn ngoan của việc khiêm nhường nhận sự sửa trị. Chỉ có cách này chúng ta mới có thể hy vọng bước đi một cách khôn ngoan trong tương lai, và như vậy nhận được phần thưởng là sự sống đời đời. Thật là một kết quả tốt đẹp dường nào!
14 Về phương diện này chúng ta có thể xem gương của sứ đồ Phi-e-rơ. Nơi Ga-la-ti 2:14, chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô khiển trách ông một cách nghiêm trọng: “Khi tôi thấy họ không đi ngay-thẳng theo lẽ thật của Tin-lành, thì nói với Sê-pha [Phi-e-rơ] trước mặt mọi người rằng: Nếu anh là người Giu-đa, mà ăn-ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa?” Sứ đồ Phi-e-rơ có phật lòng không? Nếu có thì cũng không mấy lâu, vì chúng ta thấy sau này ông nhắc đến “Phao-lô, anh rất yêu-dấu của chúng ta” nơi II Phi-e-rơ 3:15, 16.
15. Có sự liên hệ gì giữa lòng khiêm nhường và hạnh phúc của chúng ta?
15 Chúng ta cũng phải nói về sự thỏa lòng, toại nguyện. Chúng ta không thể giản dị có hạnh phúc trừ khi chúng ta thỏa lòng với cuộc sống, đặc ân cũng như ân phước của mình. Tín đồ đấng Christ khiêm nhường có thái độ này: “Nếu Đức Chúa Trời cho phép, tôi có thể chịu được”, cũng như sứ đồ Phao-lô nói, như chúng ta đọc nơi I Cô-rinh-tô 10:13: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”. Vậy một lần nữa, chúng ta thấy tính khiêm nhường là đường lối khôn ngoan, vì nó giúp ta có hạnh phúc dù hoàn cảnh chúng ta thế nào chăng nữa.
Tình yêu thương sẽ giúp ta khiêm nhường
16, 17. a) Có gương mẫu nào trong Kinh-thánh làm nổi bật đức tính tốt nhất để giúp ta có lòng khiêm nhường? b) Có gương mẫu nào ngoài đời cũng minh họa điểm này?
16 Hơn bất cứ điều gì, tình yêu thương không vụ lợi, a·gaʹpe, sẽ giúp ta có tính khiêm nhường. Tại sao Chúa Giê-su có thể khiêm nhường chịu đựng sự đau khổ trên cây khổ hình, như Phao-lô miêu tả cho các anh em tại Phi-líp? (Phi-líp 2:5-8). Tại sao ngài chẳng coi mình bình đẳng với Đức Chúa Trời? Vì như chính ngài nói: “Ta yêu-thương Cha” (Giăng 14:31). Đó là lý do tại sao ngài luôn luôn quy sự vinh hiển và vinh dự cho Đức Giê-hô-va, Cha ngài trên trời. Vì vậy, vào một dịp khác ngài nhấn mạnh rằng chỉ có Cha ngài ở trên trời mới nhân lành mà thôi (Lu-ca 18:18, 19).
17 Để minh họa điểm này, có một chuyện xảy ra trong đời của một nhà thơ người Mỹ thời xưa là John Greenleaf Whittier. Lúc trẻ, ông có cô bạn gái, và có lần ở một cuộc thi về chính tả, cô đánh vần đúng, còn ông thì đánh vần sai. Cô ấy cảm thấy rất khó chịu về điều đó. Tại sao vậy? Như nhà thơ nhớ lại, cô nói: “Em xin lỗi anh là em đánh vần đúng chữ đó. Em không muốn hơn anh... vì em thương anh”. Đúng vậy, nếu chúng ta yêu thương người nào, chúng ta sẽ muốn người đó hơn mình, chứ không thua mình, vì tình yêu thương có tính cách khiêm nhường.
18. Tính khiêm nhường sẽ giúp ta nghe theo lời khuyên nào trong Kinh-thánh?
18 Đây là bài học tốt cho tất cả tín đồ đấng Christ, nhất là cho các anh. Khi nói về đặc ân phụng sự, chúng ta có vui mừng khi anh em chúng ta nhận lãnh đặc ân đó thay vì mình không, hay chúng ta cảm thấy hơi đố kỵ và ghen tị? Nếu thật sự yêu thương anh em, chúng ta sẽ vui mừng khi họ nhận được nhiệm vụ đặc biệt hoặc đặc ân phụng sự hay được công nhận. Vâng, tính khiêm nhường sẽ giúp ta dễ dàng làm theo lời khuyên: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10). Một bản dịch khác viết: “Bởi kính trọng nhau, hãy coi kẻ khác hơn mình” (Nguyễn thế Thuấn). Đồng thời, sứ đồ Phao-lô khuyên nhủ chúng ta: “Hãy lấy lòng yêu-thương làm đầy-tớ lẫn nhau” (Ga-la-ti 5:13). Đúng vậy, nếu có lòng yêu thương, chúng ta sẽ vui mừng phục vụ anh em, làm việc cho họ, đặt lợi ích và hạnh phúc của họ trước lợi ích của chúng ta; điều này đòi hỏi chúng ta phải khiêm nhường. Tính khiêm nhường sẽ giúp ta tránh sự khoe khoang và như vậy tránh gây cho người khác tinh thần đố kỵ hay ghen tị. Phao-lô viết rằng tình yêu thương “chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo”. Tại sao không? Vì động lực đứng sau sự khoe khoang và kiêu ngạo là lòng ích kỷ, tự cao tự đại, trong khi đó tình yêu thương là thực chất của tinh thần vị tha (I Cô-rinh-tô 13:4).
19. Có những gương mẫu nào trong Kinh-thánh cho thấy rằng tính khiêm nhường đi đôi với lòng yêu thương, cũng như sự kiêu ngạo đi đôi với lòng ích kỷ?
19 Mối liên lạc của Đa-vít với Vua Sau-lơ và con ông là Giô-na-than cho thấy rõ làm sao tình yêu thương đi đôi với tính khiêm nhường, còn sự kiêu ngạo đi đôi với lòng ích kỷ. Vì Đa-vít thắng nhiều trận, những người đàn bà Y-sơ-ra-ên ca hát: “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn!” (I Sa-mu-ên 18:7). Vì không tỏ ra khiêm nhường, và lòng tràn đầy sự kiêu ngạo, từ đó về sau Sau-lơ nuôi trong lòng sự thù ghét muốn giết Đa-vít. Tinh thần của con ông là Giô-na-than thật khác biệt làm sao! Chúng ta đọc thấy rằng Giô-na-than yêu mến Đa-vít như chính mạng sống mình (I Sa-mu-ên 18:1). Vậy Giô-na-than phản ứng thế nào khi Đức Giê-hô-va hiển nhiên ban phước cho Đa-vít, và chính Đa-vít chứ không phải Giô-na-than sẽ nối ngôi của Sau-lơ để làm vua nước Y-sơ-ra-ên? Giô-na-than có cảm thấy đố kỵ hay ghen tị không? Chắc chắn là không! Vì tình yêu thương sâu đậm của ông đối với Đa-vít, ông có thể nói, như chúng ta đọc nơi I Sa-mu-ên 23:17: “Chớ sợ chi, vì tay của Sau-lơ, cha tôi, sẽ chẳng đụng đến anh đâu. Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể-tướng anh; Sau-lơ, cha tôi, cũng biết rõ đều đó”. Tình yêu thương cao cả của Giô-na-than đối với Đa-vít đã thúc đẩy ông khiêm nhường chấp nhận điều mà ông nhận thấy là ý muốn của Đức Giê-hô-va liên quan đến người nối ngôi cha ông để làm vua Y-sơ-ra-ên.
20. Chúa Giê-su cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa tình yêu thương và tính khiêm nhường như thế nào?
20 Để nhấn mạnh thêm mối liên hệ giữa tình yêu thương và tính khiêm nhường, chúng ta hãy xem điều gì xảy ra vào đêm cuối cùng Chúa Giê-su Christ ở với các môn đồ trước khi ngài chết. Nơi Giăng 13:1 cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su “đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế-gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng”. Sau đó, lại cho chúng ta thấy ngài rửa chân cho các sứ đồ, hành động như người hầu việc. Thật là một bài học mạnh mẽ về tính khiêm nhường! (Giăng 13:1-11).
21. Để tóm lại, tại sao chúng ta nên có tính khiêm nhường?
21 Thật vậy, chúng ta có nhiều lý do để có tính khiêm nhường. Vì tỏ ra khiêm nhường là điều đúng và ngay thẳng. Đó là đường lối của đức tin. Sự khiêm nhường giúp ta có mối liên lạc tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và anh em cùng đạo. Đó là đường lối khôn ngoan. Trên hết, đó là đường lối yêu thương và mang lại hạnh phúc thật sự.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tính ngay thẳng giúp ta có lòng khiêm nhường thế nào?
◻ Tại sao đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va sẽ giúp ta có tính khiêm nhường?
◻ Điều gì cho thấy là tỏ ra khiêm nhường là đường lối khôn ngoan?
◻ Tại sao tình yêu thương đặc biệt giúp ta có lòng khiêm nhường?