Hãy noi theo đức tin của họ
Sa-mu-ên “khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va”
Sa-mu-ên nhìn dân sự. Họ nhóm lại tại thành Ghinh-ganh theo lời triệu tập của nhà tiên tri trung thành và cũng là quan xét trong nhiều thập niên. Đó là khoảng tháng năm hay tháng sáu, theo lịch hiện đại; mùa khô đã bắt đầu. Cánh đồng lúa mì đã chín vàng, sẵn sàng cho mùa gặt. Đám đông yên lặng. Làm thế nào Sa-mu-ên có thể tác động đến lòng của họ?
Dân sự không hiểu tình thế nghiêm trọng thế nào. Họ đã đòi có một vua loài người cai trị. Họ không hiểu rằng họ đã tỏ thái độ vô cùng bất kính với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và nhà tiên tri của Ngài. Trên thực tế, họ đã từ chối Đức Giê-hô-va là Vua của họ! Làm thế nào Sa-mu-ên có thể khiến họ ăn năn?
Sa-mu-ên nói: “Ta đã già, tóc bạc”. Mái tóc bạc giúp lời nói của ông có uy tín hơn. Rồi ông nói: “Ta đã đi trước đầu các ngươi từ khi ta còn thơ-ấu cho đến ngày nay” (1 Sa-mu-ên 11:14, 15; 12:2). Dù đã già nhưng Sa-mu-ên không bao giờ quên thời thơ ấu. Ký ức tuổi thơ vẫn sống động trong ông. Những quyết định vào thời đó đã mang lại cho ông một đời sống có đức tin và tận tụy phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Nhiều lần Sa-mu-ên phải vun đắp và duy trì đức tin dù những người xung quanh không tin kính và bất trung. Ngày nay, vun đắp đức tin cũng là một thách thức vì chúng ta sống giữa một thế gian không tin kính và bại hoại. Hãy xem chúng ta có thể học được gì từ gương của Sa-mu-ên, bắt đầu từ thời niên thiếu của ông.
‘Phục-sự trước mặt Đức Giê-hô-va khi còn thơ ấu’
Sa-mu-ên có một tuổi thơ khác thường. Không lâu sau khi dứt sữa, có lẽ khoảng bốn tuổi, ông bắt đầu phụng sự tại đền thánh của Đức Giê-hô-va ở Si-lô, cách nhà ở Ra-ma hơn 30 km. Cha mẹ của ông là Ên-ca-na và An-ne đã dâng con trai cho Đức Giê-hô-va, để ông làm người Na-xi-rê trọn đờia. Phải chăng điều này có nghĩa là Sa-mu-ên bị cha mẹ ruồng bỏ?
Hoàn toàn không! Họ biết rằng con trai mình được chăm sóc tại Si-lô. Thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li hẳn giám sát mọi việc, vì Sa-mu-ên hầu việc kề cận bên ông. Dường như cũng có sắp đặt để một số người nữ làm công việc liên quan đến đền tạm.—Xuất Ê-díp-tô Ký 38:8.
Hơn nữa, Ên-ca-na và An-ne không bao giờ quên người con trai đầu lòng yêu quý, được sinh ra nhờ Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện. An-ne đã cầu xin Ngài ban cho bà một con trai, và hứa sẽ dâng con ấy phụng sự Ngài trọn đời. Hằng năm, An-ne may cho con một áo dài mới không có tay, và mang đến đền tạm để Sa-mu-ên mặc khi làm nhiệm vụ. Chắc chắn cậu bé quý trọng các cuộc viếng thăm này. Hẳn cậu đã lớn lên trong sự khích lệ và hướng dẫn đầy yêu thương của cha mẹ. Họ dạy con rằng được phụng sự Đức Giê-hô-va tại nơi rất đặc biệt này là một đặc ân lớn.
Ngày nay, các bậc cha mẹ có thể học được nhiều từ An-ne và Ên-ca-na. Trong nỗ lực nuôi dạy con cái, cha mẹ thường tập trung vào khía cạnh vật chất mà lờ đi nhu cầu tâm linh. Nhưng cha mẹ của Sa-mu-ên đã đặt việc thiêng liêng lên hàng đầu, và điều đó ảnh hưởng lớn đến cuộc đời cậu bé sau này.—Châm-ngôn 22:6.
Chúng ta có thể hình dung cậu bé ngày càng lớn và khám phá các ngọn đồi quanh Si-lô. Khi chăm chú nhìn xuống thành và thung lũng trải dài một bên, lòng cậu bé hẳn dâng trào niềm vui và hãnh diện khi thấy đền tạm của Đức Giê-hô-va. Đền đó quả là nơi thánh!b Được dựng lên gần 400 năm trước dưới sự chỉ dẫn của Môi-se, đền tạm là trung tâm duy nhất cho sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va trên khắp đất.
Người trẻ tuổi Sa-mu-ên dần dần yêu mến đền tạm. Sau này, ông viết trong lời tường thuật: “Sa-mu-ên phục-sự trước mặt Đức Giê-hô-va. Người hãy còn thơ-ấu, thắt lưng một cái ê-phót bằng vải gai” (1 Sa-mu-ên 2:18). Cái áo dài đơn giản, không có tay, là đặc điểm cho thấy Sa-mu-ên phụ giúp thầy tế lễ tại đền tạm. Dù không thuộc lớp thầy tế lễ, Sa-mu-ên có nhiệm vụ mở cửa sân đền tạm vào buổi sáng và theo hầu việc người cao tuổi Hê-li. Tuy rất yêu mến các đặc ân đó, nhưng với thời gian, lòng trong sáng của Sa-mu-ên trở nên bối rối. Có điều sai quấy khủng khiếp diễn ra trong nhà Đức Giê-hô-va.
Giữ trong sạch trước sự bại hoại
Khi còn trẻ, Sa-mu-ên chứng kiến sự gian ác và bại hoại. Ông Hê-li có hai con trai tên là Hóp-ni và Phi-nê-a. Lời tường thuật của Sa-mu-ên cho biết: “Hai con trai của Hê-li là người gian-tà, chẳng nhận-biết Đức Giê-hô-va” (1 Sa-mu-ên 2:12). Hai yếu tố được nêu trong câu Kinh Thánh trên đi song song với nhau. Hóp-ni và Phi-nê-a là “người gian-tà [“vô lại”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]”—nghĩa đen là bất lương, mất hết nhân cách—vì họ không kính trọng Đức Giê-hô-va. Họ không nghĩ đến những tiêu chuẩn và đòi hỏi công bình của Ngài. Đó là nguyên nhân dẫn đến mọi tội lỗi của họ.
Luật pháp Đức Chúa Trời quy định cụ thể nhiệm vụ của các thầy tế lễ và cách họ phải dâng của lễ tại đền tạm. Có lý do thích đáng cho điều này. Những của lễ đó tượng trưng cho sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để dân sự được thanh sạch trước mắt Ngài, đủ tư cách nhận ân phước và sự hướng dẫn của Ngài. Nhưng Hóp-ni và Phi-nê-a đã khiến những thầy tế lễ đồng sự xem thường của lễ.c
Hãy hình dung người trẻ Sa-mu-ên tròn mắt khi chứng kiến sự lạm dụng thô bạo tiếp tục diễn ra mà không ai chỉnh sửa. Ông đã thấy bao nhiêu người—kể cả người nghèo, người thấp hèn, người bị áp bức—đến đền thờ với hy vọng tìm được sự an ủi và nghị lực, nhưng ra về với nỗi thất vọng, bị tổn thương và bị coi khinh? Và ông cảm thấy thế nào khi biết được Hóp-ni và Phi-nê-a cũng xem thường luật pháp của Đức Giê-hô-va về luân lý đạo đức khi họ có quan hệ với một số người nữ hầu việc tại đền tạm (1 Sa-mu-ên 2:22). Có lẽ Sa-mu-ên trông mong ông Hê-li làm một điều gì đó.
Ông Hê-li ở vị thế tốt nhất để xử lý vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Là thầy tế lễ thượng phẩm, ông chịu trách nhiệm về những gì diễn ra tại đền tạm. Là người cha, ông có bổn phận sửa trị các con trai. Suy cho cùng, hai người này đang tự làm hại mình và rất nhiều người khác trong xứ. Tuy nhiên, Hê-li đã thất bại trong cả hai vai trò, làm cha và làm thầy tế lễ thượng phẩm. Ông chỉ trách mắng hai con trai cách nhẹ nhàng, yếu ớt (1 Sa-mu-ên 2:23-25). Nhưng chúng cần được sửa phạt nghiêm khắc hơn. Chúng đang phạm những tội đáng bị xử chết!
Tình trạng tệ hại đến mức Đức Chúa Trời sai một nhà tiên tri vô danh (“người của Đức Chúa Trời”) mang đến Hê-li một thông điệp phán xét mạnh mẽ. Đức Giê-hô-va phán với Hê-li: “Ngươi kính-trọng các con trai ngươi hơn ta”. Đức Chúa Trời báo trước những con trai gian ác của Hê-li sẽ chết cùng một ngày và gia đình ông sẽ chịu nhiều tai họa, thậm chí mất đặc ân phụng sự với tư cách thầy tế lễ. Lời cảnh báo mạnh mẽ này có khiến gia đình ông thay đổi không? Lời tường thuật không nói có sự thay đổi.—1 Sa-mu-ên 2:27–3:1.
Tình trạng đồi bại này ảnh hưởng thế nào đến người trẻ Sa-mu-ên? Đôi khi trong lời tường thuật u ám này, chúng ta thấy những tia sáng, tin tốt về quá trình lớn lên và sự tiến bộ của Sa-mu-ên. Chẳng hạn, nơi 1 Sa-mu-ên 2:18 cho biết Sa-mu-ên trung thành “phục-sự trước mặt Đức Giê-hô-va” khi còn thơ ấu. Ngay khi còn bé, Sa-mu-ên tập trung vào việc phụng sự Đức Chúa Trời. Câu 21 của chương này cho biết điều khích lệ hơn: “Gã trai-trẻ Sa-mu-ên khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va”. Càng lớn lên, mối quan hệ của Sa-mu-ên với Cha trên trời càng mật thiết. Mối quan hệ như thế là sự che chở chắc chắn nhất khỏi mọi sự đồi bại.
Thật dễ để Sa-mu-ên nghĩ rằng nếu thầy tế lễ thượng phẩm và các con trai ông có thể phạm tội, thì mình cũng có thể làm điều mình muốn. Tuy nhiên, sự đồi bại của người khác, kể cả những người có quyền hành, không thể bào chữa cho tội lỗi. Ngày nay, nhiều tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi noi gương Sa-mu-ên và tiếp tục “khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va”—ngay cả khi một số người xung quanh không nêu gương tốt.
Con đường Sa-mu-ên theo đã mang lại kết quả nào? Kinh Thánh ghi: “Còn gã trai-trẻ Sa-mu-ên cứ lớn lên, Đức Giê-hô-va và người ta đều lấy làm đẹp lòng người” (1 Sa-mu-ên 2:26). Vậy, Sa-mu-ên được yêu thích, ít nhất bởi những người tốt. Chính Đức Giê-hô-va cũng hài lòng về sự trung thành của cậu bé này. Chắc chắn, Sa-mu-ên biết Đức Chúa Trời sẽ hành động để loại trừ mọi điều xấu xa đang xảy ra tại Si-lô, nhưng có lẽ ông tự hỏi là khi nào.
“Xin hãy phán, kẻ tôi-tớ Ngài đương nghe!”
Một đêm nọ, câu hỏi trên được giải đáp. Trời gần sáng nhưng vẫn còn tối; ngọn đèn lớn trong lều vẫn cháy lập lòe. Trong sự tĩnh mịch, Sa-mu-ên nghe có tiếng gọi tên mình. Sa-mu-ên tưởng là Hê-li, lúc bấy giờ đã già và mắt mờ. Sa-mu-ên ngồi dậy và “chạy” đến gần Hê-li. Bạn hãy hình dung cậu bé vội vã chạy chân trần đến xem Hê-li cần gì. Cách Sa-mu-ên cư xử kính trọng và ân cần với Hê-li thật cảm động. Dù đã phạm tội, Hê-li vẫn là thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 3:2-5.
Sa-mu-ên đánh thức Hê-li và nói: “Có tôi đây, vì ông có kêu tôi”. Nhưng Hê-li nói ông không gọi và bảo cậu bé đi ngủ trở lại. Điều này xảy ra hai lần nữa. Cuối cùng, Hê-li hiểu điều gì đang diễn ra. Thời bấy giờ hiếm khi Đức Giê-hô-va ban sự hiện thấy hoặc lời tiên tri cho dân Ngài, và điều này cũng dễ hiểu. Nhưng giờ đây Hê-li biết đó là tiếng của Đức Giê-hô-va—lần này Ngài nói với một cậu bé! Hê-li bảo Sa-mu-ên đi ngủ trở lại và chỉ dạy cách đáp lời. Sa-mu-ên vâng theo. Chẳng mấy chốc, cậu bé lại nghe tiếng gọi: “Hỡi Sa-mu-ên! Hỡi Sa-mu-ên!”. Cậu bé đáp: “Xin hãy phán, kẻ tôi-tớ Ngài đương nghe!”.—1 Sa-mu-ên 3:1, 5-10.
Cuối cùng, Đức Giê-hô-va có một tôi tớ ở Si-lô lắng nghe Ngài. Lắng nghe là một đặc điểm trong đời sống của Sa-mu-ên. Bạn có như vậy không? Chúng ta không phải chờ một tiếng nói siêu nhiên trong đêm. Ngày nay, theo một nghĩa nào đó, tiếng của Đức Giê-hô-va luôn có sẵn cho chúng ta. Tiếng đó nằm trong Lời Ngài, tức Kinh Thánh. Càng lắng nghe Đức Chúa Trời và đáp lời Ngài, đức tin chúng ta càng lớn mạnh. Đó là trường hợp của Sa-mu-ên.
Đêm ở Si-lô là sự kiện quan trọng trong đời của Sa-mu-ên, vì từ lúc ấy ông bắt đầu biết Đức Giê-hô-va theo một ý nghĩa đặc biệt: Ông trở thành nhà tiên tri và người phát ngôn của Đức Chúa Trời. Lúc đầu, cậu bé Sa-mu-ên sợ chuyển thông điệp của Đức Giê-hô-va cho Hê-li, vì đó là lời tuyên bố sau cùng cho biết lời tiên tri phán xét gia đình ông sắp ứng nghiệm. Nhưng Sa-mu-ên thu hết can đảm—và Hê-li chấp nhận sự phán xét của Đức Chúa Trời. Không lâu sau, mọi việc Đức Giê-hô-va phán đã ứng nghiệm. Dân Y-sơ-ra-ên tranh chiến với dân Phi-li-tin. Hóp-ni và Phi-nê-a bị giết trong cùng một ngày. Hê-li chết khi nghe tin hòm giao ước của Đức Giê-hô-va bị cướp.—1 Sa-mu-ên 3:10-18; 4:1-18.
Nhưng Sa-mu-ên ngày càng nổi tiếng là nhà tiên tri trung thành. “Đức Giê-hô-va ở cùng người”. Lời tường thuật cho biết thêm, Ngài chẳng để một lời tiên tri nào của Sa-mu-ên không ứng nghiệm.—1 Sa-mu-ên 3:19.
‘Sa-mu-ên cầu-khẩn Đức Giê-hô-va’
Phải chăng điều đó có nghĩa là dân Y-sơ-ra-ên vâng theo sự hướng dẫn của Sa-mu-ên, trở nên một dân trung thành, biết kính sợ Đức Chúa Trời? Không! Cuối cùng, họ quyết định là không muốn một nhà tiên tri đoán xét họ, mà muốn giống như các dân khác, có một vua loài người cai trị. Dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, Sa-mu-ên chiều theo yêu cầu đó. Nhưng ông phải cho dân Y-sơ-ra-ên biết tội của họ nghiêm trọng đến mức nào. Họ đang từ chối, không phải một người thường, mà chính Đức Giê-hô-va! Vì vậy, ông triệu tập dân sự đến Ghinh-ganh.
Hãy quay trở lại thời điểm căng thẳng khi Sa-mu-ên nói với dân Y-sơ-ra-ên ở Ghinh-ganh. Tại đó, người cao tuổi Sa-mu-ên nhắc dân Y-sơ-ra-ên về sự trung kiên của ông. Rồi “Sa-mu-ên bèn cầu-khẩn Đức Giê-hô-va”. Ông xin Đức Giê-hô-va làm sấm-sét.—1 Sa-mu-ên 12:17, 18.
Sấm sét ư? Trong mùa khô? Một chuyện chưa từng nghe! Nếu có một chút hoài nghi hoặc chế giễu giữa dân sự thì điều đó cũng không lâu. Mây đen bỗng dưng phủ đầy bầu trời. Gió nổi lên dạt cánh đồng lúa mì. Tiếng sấm vang rầm, đinh tai. Và mưa đổ xuống. Dân sự phản ứng ra sao? “Cả dân-sự lấy làm sợ Đức Giê-hô-va và Sa-mu-ên lắm”. Cuối cùng, họ nhận ra họ đã phạm tội nghiêm trọng đến mức nào.—1 Sa-mu-ên 12:18, 19.
Không phải Sa-mu-ên mà là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tác động đến lòng phản nghịch của họ. Từ thời thơ ấu đến tuổi già, Sa-mu-ên đã đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời. Ngài đã ban thưởng cho ông. Đến nay, Đức Giê-hô-va vẫn không thay đổi. Ngài vẫn hỗ trợ những ai noi theo đức tin của Sa-mu-ên.
[Chú thích]
a Người Na-xi-rê phải hứa nguyện không uống rượu và không cắt tóc. Đa số chỉ hứa nguyện làm người Na-xi-rê trong một thời gian, nhưng có một ít là người Na-xi-rê suốt đời, như Sam-sôn, Sa-mu-ên và Giăng Báp-tít.
b Đền tạm có cấu trúc hình chữ nhật, nói chung là một lều rất lớn nằm trên nền gỗ. Tuy nhiên, đền ấy được làm từ những vật liệu tốt nhất—da hải cẩu, những tấm vải thêu rất đẹp và các loại gỗ quý được bọc vàng và bạc. Đền tạm nằm trong sân hình chữ nhật, có một giàn tế lễ đầy ấn tượng. Theo thời gian, dường như những phòng khác được dựng lên bên cạnh đền tạm để các thầy tế lễ sử dụng. Có lẽ Sa-mu-ên ngủ tại một trong những phòng này.
c Lời tường thuật cho biết hai hành vi bất kính. Thứ nhất: Luật pháp quy định phần nào của con sinh tế mà các thầy tế lễ được phép ăn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:3). Nhưng tại đền tạm, những thầy tế lễ gian ác đã lập một lệ khác. Họ sai đầy tớ dùng chĩa ba đâm vào vạc đang nấu thịt và lấy bất cứ miếng ngon nào dính vào chĩa! Thứ hai: Khi dân sự mang của lễ đến giàn tế lễ để thiêu, các thầy tế lễ gian ác sai đầy tớ bắt nạt người dâng con sinh tế, đòi lấy thịt sống ngay cả trước khi xông mỡ cho Đức Giê-hô-va.—Lê-vi Ký 3:3-5; 1 Sa-mu-ên 2:13-17.
[Hình nơi trang 17]
Dù sợ hãi, Sa-mu-ên truyền đạt thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va cho Hê-li một cách trung thực
[Hình nơi trang 18]
Sa-mu-ên cầu khẩn với đức tin và Đức Giê-hô-va đáp lại bằng sấm sét