CHƯƠNG 7
Các nước “sẽ phải biết ta là Đức Giê-hô-va”
TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Những điều học được từ mối quan hệ của Y-sơ-ra-ên với các nước phỉ báng danh Đức Giê-hô-va
1, 2. (a) Dân Y-sơ-ra-ên như một con cừu đơn độc ở giữa muông sói như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Dân Y-sơ-ra-ên và các vua của họ đã trở nên thế nào?
Trong hàng trăm năm, dân Y-sơ-ra-ên giống như một con cừu đơn độc ở giữa muông sói. Dân Am-môn, Mô-áp và Ê-đôm là những mối đe dọa ở biên giới phía đông của Y-sơ-ra-ên. Phi-li-tia nằm ở phía tây và là kẻ thù lâu đời của Y-sơ-ra-ên. Thành Ty-rơ ở phía bắc là trung tâm giàu sang và quyền lực của một đế chế thương mại rộng lớn. Ai Cập cổ đại nằm ở phía nam được trị vì bởi Pha-ra-ôn, vị vua được xem là thần.
2 Khi dân Y-sơ-ra-ên tin cậy Đức Giê-hô-va, ngài bảo vệ họ khỏi kẻ thù. Nhưng hết lần này đến lần khác, dân này và các vua của họ đã trở nên đồi bại vì không kháng cự ảnh hưởng xấu của các nước xung quanh. A-háp là một trong số các vua nhu nhược như thế. Ông sống cùng thời với vua Giê-hô-sa-phát của Giu-đa và cai trị vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái. Ông cưới con gái của vua Si-đôn, là người cai quản thành Ty-rơ thịnh vượng. Người phụ nữ này tên là Giê-xa-bên. Bà đã ra sức đẩy mạnh việc thờ thần Ba-anh ở Y-sơ-ra-ên và tác động đến chồng để làm ô uế sự thờ phượng thanh sạch trên quy mô chưa từng có.—1 Vua 16:30-33; 18:4, 19.
3, 4. (a) Ê-xê-chi-ên chuyển sự chú ý sang điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Đức Giê-hô-va đã cảnh báo dân chúng về hậu quả của việc bất trung với ngài. Cuối cùng, ngài không kiên nhẫn thêm với họ nữa (Giê 21:7, 10; Ê-xê 5:7-9). Vào năm 609 TCN, quân Ba-by-lôn quay trở lại Đất Hứa lần thứ ba, gần mười năm kể từ cuộc xâm lược lần trước. Lần này, họ phá đổ tường thành Giê-ru-sa-lem và tiêu diệt những kẻ chống lại Nê-bu-cát-nết-xa. Khi cuộc vây hãm bắt đầu và các lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên được ứng nghiệm một cách chi tiết, nhà tiên tri chuyển sự chú ý sang các nước xung quanh Đất Hứa.
Các nước phỉ báng danh Đức Giê-hô-va sẽ không thoát khỏi việc phải gánh chịu hậu quả
4 Đức Giê-hô-va cho Ê-xê-chi-ên biết là kẻ thù của Giu-đa sẽ vui mừng về sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem và sẽ ngược đãi những người sống sót. Nhưng các nước phỉ báng danh của Đức Giê-hô-va và bắt bớ hoặc làm tha hóa dân ngài sẽ không thoát khỏi việc phải gánh chịu hậu quả. Chúng ta có thể rút ra bài học thực tế nào từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với các nước này? Làm thế nào những lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về các nước đó đem lại hy vọng cho chúng ta?
Họ hàng đối xử “khinh miệt” với dân Y-sơ-ra-ên
5, 6. Dân Am-môn và Y-sơ-ra-ên có mối quan hệ nào?
5 Theo một nghĩa nào đó, dân Am-môn, Mô-áp và Ê-đôm có quan hệ huyết thống với dân Y-sơ-ra-ên. Dù là họ hàng và có cùng lịch sử thời ban đầu nhưng từ lâu, những nước này đã chống đối dân của Đức Chúa Trời và đối xử với họ một cách “khinh miệt”.—Ê-xê 25:6.
6 Hãy xem xét trường hợp của dân Am-môn. Dân này là con cháu của Lót, cháu trai của Áp-ra-ham, được sinh ra từ con gái thứ hai của Lót (Sáng 19:38). Ngôn ngữ của họ có liên hệ chặt chẽ với tiếng Hê-bơ-rơ đến nỗi có lẽ dân Đức Chúa Trời hiểu được ngôn ngữ đó. Vì mối quan hệ họ hàng này, Đức Giê-hô-va bảo dân Y-sơ-ra-ên không được gây chiến với dân Am-môn (Phục 2:19). Dù vậy, vào thời các quan xét, dân Am-môn liên minh với vua của Mô-áp là Éc-lôn để đàn áp dân Y-sơ-ra-ên (Quan 3:12-15, 27-30). Sau này, khi Sau-lơ làm vua, dân Am-môn cũng tấn công Y-sơ-ra-ên (1 Sa 11:1-4). Vào thời vua Giê-hô-sa-phát, họ lại liên minh với dân Mô-áp để xâm lược Đất Hứa.—2 Sử 20:1, 2.
7. Dân Mô-áp đối xử với họ hàng là con cháu của Y-sơ-ra-ên như thế nào?
7 Dân Mô-áp cũng là con cháu của Lót, được sinh ra từ người con gái lớn của ông (Sáng 19:36, 37). Đức Giê-hô-va bảo dân Y-sơ-ra-ên: “Không được gây chiến với Mô-áp” (Phục 2:9). Nhưng dân Mô-áp không đáp lại một cách tử tế. Thay vì giúp họ hàng của mình, là những người thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, dân này đã cố ngăn cản dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Vua của Mô-áp là Ba-lác đã thuê Ba-la-am nguyền rủa dân Y-sơ-ra-ên. Ba-la-am bày cho Ba-lác cách dụ dỗ những người nam của dân này để họ phạm tội vô luân và thờ thần tượng (Dân 22:1-8; 25:1-9; Khải 2:14). Trong nhiều thế kỷ, dân Mô-áp tiếp tục đàn áp những người họ hàng của mình, cho đến tận thời Ê-xê-chi-ên.—2 Vua 24:1, 2.
8. Tại sao Đức Giê-hô-va nói dân Ê-đôm là anh em của Y-sơ-ra-ên, nhưng dân Ê-đôm hành động như thế nào?
8 Dân Ê-đôm là con cháu của Ê-sau, người anh sinh đôi của Gia-cốp. Mối quan hệ của dân này với dân Y-sơ-ra-ên mật thiết đến mức Đức Giê-hô-va gọi dân Ê-đôm và Y-sơ-ra-ên là anh em (Phục 2:1-5; 23:7, 8). Dù vậy, dân Ê-đôm đã chống lại Y-sơ-ra-ên từ thời ra khỏi Ai Cập cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN (Dân 20:14, 18; Ê-xê 25:12). Lúc đó, dân Ê-đôm vui mừng trước nỗi khốn khổ của Y-sơ-ra-ên và giục người Ba-by-lôn tàn phá Giê-ru-sa-lem. Họ còn chặn đường những người Y-sơ-ra-ên đang chạy trốn và giao nộp những người đó cho kẻ thù.—Thi 137:7; Áp 11, 14.
9, 10. (a) Điều gì xảy ra cho dân Am-môn, Mô-áp và Ê-đôm? (b) Những gương nào cho thấy không phải tất cả mọi người thuộc các dân này đều chống đối Y-sơ-ra-ên?
9 Đức Giê-hô-va đòi hỏi những dân có mối quan hệ họ hàng với Y-sơ-ra-ên phải chịu trách nhiệm về cách họ đối xử với dân ngài. Ngài nói: “Ta sẽ phó... dân Am-môn cho dân Đông Phương làm chủ, hầu dân Am-môn không còn được nhớ đến trong vòng các nước”. Ngài cũng cho biết: “Ta sẽ thi hành án phạt trên Mô-áp, rồi chúng sẽ phải biết ta là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê 25:10, 11). Khoảng 5 năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, những lời tiên tri này bắt đầu được ứng nghiệm khi người Ba-by-lôn chinh phục dân Am-môn và Mô-áp. Đối với dân Ê-đôm, Đức Giê-hô-va nói rằng ngài sẽ “diệt trừ cả người lẫn gia súc khỏi xứ và khiến nó trở nên hoang vu” (Ê-xê 25:13). Đúng như được tiên tri, cuối cùng dân Am-môn, Mô-áp và Ê-đôm không còn tồn tại nữa.—Giê 9:25, 26; 48:42; 49:17, 18.
10 Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người thuộc các dân này đều chống đối dân của Đức Chúa Trời. Xê-léc người Am-môn và Gít-ma người Mô-áp được liệt kê trong số những chiến binh dũng mãnh của vua Đa-vít (1 Sử 11:26, 39, 46; 12:1). Ru-tơ người Mô-áp cũng trở thành người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Ru 1:4, 16, 17.
Đừng bao giờ thỏa hiệp
11. Chúng ta rút ra bài học nào từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với các dân Am-môn, Mô-áp và Ê-đôm?
11 Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với các nước xung quanh? Một bài học là khi mất cảnh giác, dân Y-sơ-ra-ên để họ hàng ảnh hưởng đến mình và bắt đầu thờ các thần như Ba-anh Phê-ô của dân Mô-áp và thần Mô-léc của dân Am-môn (Dân 25:1-3; 1 Vua 11:7). Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta. Có lẽ người thân không cùng đức tin gây áp lực để khiến chúng ta thỏa hiệp. Chẳng hạn, họ có thể thắc mắc tại sao chúng ta không ăn mừng Tết Nguyên Đán, không tặng quà vào ngày sinh nhật hoặc không làm theo những phong tục phổ biến khác có liên hệ đến niềm tin sai lầm. Ngay cả khi không có ý đồ xấu, người thân có thể cố khiến chúng ta lờ đi các tiêu chuẩn Kinh Thánh, dù chỉ là trong chốc lát. Nhưng điều trọng yếu là chúng ta không bao giờ khuất phục trước áp lực như thế. Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên cho thấy chỉ cần một sự thỏa hiệp cũng có thể làm tổn hại mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va.
12, 13. Chúng ta có thể gặp sự chống đối nào, nhưng nếu trung thành thì điều gì có thể xảy ra?
12 Chúng ta có thể rút ra một bài học khác từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với dân Am-môn, Mô-áp và Ê-đôm. Đó là chúng ta có thể gặp sự chống đối dữ dội từ những người thân không cùng đức tin. Chúa Giê-su cảnh báo rằng thông điệp mà chúng ta rao giảng đôi khi sẽ “gây chia rẽ, khiến con trai chống cha, con gái chống mẹ” (Mat 10:35, 36). Đức Giê-hô-va bảo dân Y-sơ-ra-ên không gây sự với những người họ hàng của mình. Chúng ta cũng tránh gây mâu thuẫn với những người thân không cùng đức tin. Nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên khi gặp sự chống đối.—2 Ti 3:12.
13 Ngay cả khi người thân không trực tiếp chống đối việc chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng không nên để họ tác động đến mình nhiều hơn ngài. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va xứng đáng với vị trí quan trọng nhất trong lòng chúng ta. (Đọc Ma-thi-ơ 10:37). Ngoài ra, nếu chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va, một số người thân có thể trở nên giống như Xê-léc, Gít-ma và Ru-tơ. Có lẽ họ sẽ kết hợp với chúng ta trong sự thờ phượng thanh sạch (1 Ti 4:16). Khi đó, họ cũng sẽ vui mừng phụng sự Đức Chúa Trời thật và duy nhất, đồng thời nhận được tình yêu thương và sự che chở của ngài.
Kẻ thù của Đức Giê-hô-va nhận “án phạt nặng nề”
14, 15. Dân Phi-li-tia đối xử với dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?
14 Dân Phi-li-tia đã di cư từ đảo Cơ-rết sang xứ mà sau này Đức Giê-hô-va hứa ban cho Áp-ra-ham và con cháu của ông. Cả Áp-ra-ham lẫn Y-sác đều có mối giao thiệp với dân này (Sáng 21:29-32; 26:1). Khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, người Phi-li-tia đã trở thành một dân mạnh với quân đội hùng hậu. Họ thờ các thần giả như Ba-anh-xê-bun và Đa-gôn (1 Sa 5:1-4; 2 Vua 1:2, 3). Có những lần dân Y-sơ-ra-ên đã thờ các thần giả này.—Quan 10:6.
15 Vì dân Y-sơ-ra-ên đã bất trung nên Đức Giê-hô-va để dân Phi-li-tia đàn áp họ trong nhiều năm (Quan 10:7, 8; Ê-xê 25:15). Họ đặt ra các hạn chế hà khắc với dân Y-sơ-ra-êna và giết hại nhiều người trong vòng dân này (1 Sa 4:10). Tuy nhiên, khi dân Y-sơ-ra-ên ăn năn và quay lại với Đức Giê-hô-va, ngài giải cứu họ. Đức Giê-hô-va dấy lên những người nam như Sam-sôn, Sau-lơ và Đa-vít để giải cứu dân ngài (Quan 13:5, 24; 1 Sa 9:15-17; 18:6, 7). Đúng như Ê-xê-chi-ên báo trước, dân Phi-li-tia phải gánh chịu “án phạt nặng nề” khi người Ba-by-lôn và sau này là người Hy Lạp xâm chiếm lãnh thổ của họ.—Ê-xê 25:15-17.
16, 17. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với dân Phi-li-tia?
16 Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với dân Phi-li-tia? Dân của Đức Giê-hô-va vào thời hiện đại gặp sự chống đối từ một số quốc gia có quyền lực nhất trong lịch sử nhân loại. Khác với dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta đã giữ vững lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Dù vậy, kẻ thù của sự thờ phượng thanh sạch đôi khi có vẻ thành công. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ 20, chính phủ Hoa Kỳ cố ngăn cản công việc của dân Đức Chúa Trời bằng cách kết án hàng chục năm tù đối với những anh dẫn đầu tổ chức. Trong Thế Chiến II, đảng Quốc Xã ở Đức đã cố xóa sổ dân của Đức Chúa Trời, bỏ tù hàng ngàn và giết hại hàng trăm anh chị. Sau thế chiến đó, Liên bang Xô Viết bắt đầu chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va, khiến nhiều anh chị bị đưa đi trại khổ sai hoặc bị lưu đày ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
17 Có lẽ các chính phủ tiếp tục cấm đoán công việc rao giảng, bỏ tù dân của Đức Chúa Trời và thậm chí xử tử một số người trong chúng ta. Điều này có khiến chúng ta đầu hàng trước nỗi sợ hãi hoặc mất đức tin không? Không. Đức Giê-hô-va sẽ bảo toàn dân trung thành của ngài. (Đọc Ma-thi-ơ 10:28-31). Chúng ta thấy các chính phủ quyền lực từng đàn áp dân của Đức Chúa Trời đã không còn, trong khi đó dân của ngài ngày càng đông đảo. Chẳng bao lâu nữa, tất cả các chính phủ loài người sẽ có chung kết cuộc với dân Phi-li-tia, đó là họ sẽ buộc phải biết Đức Giê-hô-va. Giống như dân Phi-li-tia, họ sẽ không còn tồn tại nữa.
“Của cải dồi dào” không đem lại sự che chở lâu dài
18. Ty-rơ có tầm ảnh hưởng lớn đến loại đế chế nào?
18 Thành Ty-rơb nằm ở trung tâm của một trong số các đế chế thương mại lớn thuộc thế giới cổ đại. Ở phía tây, tàu bè của Ty-rơ qua lại tấp nập, tạo nên những tuyến đường giao thương chằng chịt trên Địa Trung Hải. Ở phía đông, các tuyến đường giao thương trên đất liền của Ty-rơ tạo nên sự kết nối giữa thành này với các đế quốc xa xôi. Trong nhiều thế kỷ, thành Ty-rơ đã kiếm được nhiều của cải từ những vùng xa xôi đó. Các thương gia và nhà buôn của Ty-rơ trở nên giàu có đến nỗi họ xem mình là những vị quan.—Ê-sai 23:8.
19, 20. Có sự tương phản nào giữa cư dân thành Ty-rơ và thành Ga-ba-ôn?
19 Dưới thời vua Đa-vít và Sa-lô-môn, dân Y-sơ-ra-ên có mối kết giao chặt chẽ với cư dân thành Ty-rơ, là những người đã cung cấp vật liệu và thợ thủ công để giúp xây cung điện của Đa-vít và sau này là đền thờ của Sa-lô-môn (2 Sử 2:1, 3, 7-16). Ty-rơ đã chứng kiến thời điểm thịnh vượng nhất của dân Y-sơ-ra-ên (1 Vua 3:10-12; 10:4-9). Hãy nghĩ đến cơ hội mà hàng ngàn người Ty-rơ đã có để tìm hiểu về sự thờ phượng thanh sạch, được biết đến Đức Giê-hô-va và tận mắt thấy việc phụng sự ngài mang lại nhiều lợi ích.
20 Tuy nhiên, cư dân thành Ty-rơ không tận dụng cơ hội đó mà vẫn giữ đời sống ham mê vật chất. Họ không noi gương dân thành Ga-ba-ôn hùng mạnh thuộc xứ Ca-na-an. Cư dân thành Ga-ba-ôn chỉ mới nghe về những việc làm vĩ đại của Đức Giê-hô-va thì đã được thúc đẩy để trở thành tôi tớ ngài (Giô-suê 9:2, 3, 22–10:2). Trái lại, sau này cư dân thành Ty-rơ đã chống đối dân của Đức Chúa Trời và thậm chí còn bán một số người trong vòng dân ấy làm nô lệ.—Thi 83:2, 7; Giô-ên 3:4, 6; A-mốt 1:9.
Đừng bao giờ xem của cải vật chất là bức tường bảo vệ
21, 22. Điều gì xảy ra với Ty-rơ, và tại sao?
21 Qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va nói với những kẻ chống đối ấy: “Hỡi Ty-rơ, này ta chống nghịch ngươi. Như biển dậy sóng thể nào, ta sẽ dấy lên nhiều dân chống lại ngươi thể ấy. Chúng sẽ hủy phá tường của Ty-rơ, phá sập tháp của ngươi; ta sẽ cạo sạch đất và khiến ngươi trở thành đá nhẵn bóng” (Ê-xê 26:1-5). Cư dân thành Ty-rơ đã tin rằng sự giàu sang sẽ che chở họ. Dân thành này cảm thấy sự giàu sang đem lại cho họ sự an toàn như bức tường cao 46m của thành trên đảo ấy. Lẽ ra họ nên chú ý đến lời cảnh báo của Sa-lô-môn: “Tài sản của người giàu là thành kiên cố cho người; trong trí tưởng tượng người, nó như bức tường bảo vệ”.—Châm 18:11.
22 Khi người Ba-by-lôn và sau này là người Hy Lạp làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, cư dân thành Ty-rơ nhận ra sự an toàn mà cả của cải vật chất lẫn tường thành đem lại chỉ là tưởng tượng. Sau khi hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem, người Ba-by-lôn bắt đầu chiến dịch kéo dài 13 năm nhằm chống lại Ty-rơ (Ê-xê 29:17, 18). Sau đó, vào năm 332 TCN, A-léc-xan-đơ Đại đế làm ứng nghiệm một điểm đáng chú ý của những lời tiên tri mà Ê-xê-chi-ên viết.c Quân đội của ông đã vét phần tàn tích của thành Ty-rơ trên đất liền, rồi lấy đất, đá và các đồ vật bằng gỗ từ phần tàn tích đó đổ xuống biển để đắp một lối đi dẫn đến thành trên đảo (Ê-xê 26:4, 12). A-léc-xan-đơ chọc thủng tường, cướp phá thành, giết hại hàng ngàn quân lính và người dân. Ông cũng bán hàng chục ngàn người làm nô lệ. Cư dân thành Ty-rơ buộc phải biết Đức Giê-hô-va khi rút ra bài học xương máu là “của cải dồi dào” không đem lại sự che chở lâu dài.—Ê-xê 27:33, 34.
23. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ cư dân thành Ty-rơ?
23 Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ cư dân thành Ty-rơ? Chúng ta không bao giờ muốn để cho “quyền lực giả dối của sự giàu sang” khiến mình tin cậy vào của cải vật chất, xem chúng là bức tường bảo vệ (Mat 13:22). Chúng ta không thể “vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi Tiền Của”. (Đọc Ma-thi-ơ 6:24). Chỉ những người phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng mới thật sự được an toàn (Mat 6:31-33; Giăng 10:27-29). Những lời tiên tri về sự kết thúc của thế gian này chắc chắn sẽ được ứng nghiệm đến từng chi tiết, giống như những lời tiên tri về Ty-rơ đã trở thành sự thật. Lúc đó, những người tin cậy vào sự giàu sang sẽ buộc phải biết Đức Giê-hô-va khi ngài hủy diệt hệ thống thương mại tham lam và ích kỷ của thế gian.
Quyền lực chính trị chẳng hơn gì “một cây sậy”
24-26. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va gọi Ai Cập là “một cây sậy”? (b) Vua Xê-đê-kia đã lờ đi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va như thế nào, và hậu quả là gì?
24 Từ trước thời Giô-sép đến thời mà người Ba-by-lôn xâm chiếm Giê-ru-sa-lem, Ai Cập đã có sự ảnh hưởng đáng kể về mặt chính trị ở vùng Đất Hứa. Ai Cập có bề dày lịch sử, điều đó khiến nước này có vẻ bền vững giống như một cây cổ thụ cao lớn. Nhưng khi so sánh với Đức Giê-hô-va, Ai Cập lại rất yếu ớt, chẳng hơn gì “một cây sậy”.—Ê-xê 29:6.
25 Vua Xê-đê-kia bội đạo đã không nhận ra sự yếu ớt đó của Ai Cập. Qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va thúc giục Xê-đê-kia phục tùng vua Ba-by-lôn (Giê 27:12). Xê-đê-kia thậm chí còn lấy danh Đức Giê-hô-va mà thề rằng ông sẽ không phản nghịch Nê-bu-cát-nết-xa. Nhưng sau đó ông đã lờ đi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và bội lời thề với Nê-bu-cát-nết-xa. Xê-đê-kia còn cầu viện sự giúp đỡ của Ai Cập để chống lại Ba-by-lôn (2 Sử 36:13; Ê-xê 17:12-20). Tuy nhiên, những người Y-sơ-ra-ên làm hại chính mình khi tin cậy vào sức mạnh của Ai Cập (Ê-xê 29:7). Ai Cập có vẻ hùng mạnh giống như “quái vật biển to lớn” (Ê-xê 29:3, 4). Nhưng Đức Giê-hô-va nói rằng ngài sẽ đối xử với Ai Cập giống như cách người ta câu cá sấu ở sông Nin. Ngài sẽ đặt móc vào hàm của Ai Cập và kéo lên để hủy diệt. Ngài đã làm thế khi dùng Ba-by-lôn để chinh phục Ai Cập.—Ê-xê 29:9-12, 19.
26 Điều gì xảy ra với vua Xê-đê-kia bất trung? Vì Xê-đê-kia đã phản nghịch Đức Giê-hô-va nên Ê-xê-chi-ên báo trước rằng “thủ lĩnh gian ác” này sẽ mất vương miện và vương quyền của Xê-đê-kia sẽ bị phá đổ. Nhưng Ê-xê-chi-ên cũng rao báo hy vọng (Ê-xê 21:25-27). Đức Giê-hô-va bảo ông tiên tri rằng một vị vua thuộc dòng dõi hoàng tộc, là đấng có “quyền hợp pháp”, sẽ tiếp nhận ngôi vua. Trong chương tới, chúng ta sẽ xem vị vua đó là ai.
27. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với Ai Cập?
27 Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với Ai Cập? Ngày nay, dân của Đức Giê-hô-va cần tránh đặt sự tin cậy nơi các thế lực chính trị và nghĩ rằng các thế lực này sẽ mang lại sự an toàn lâu dài. Ngay cả trong suy nghĩ, chúng ta cũng cần cho thấy mình “không thuộc về thế gian” (Giăng 15:19; Gia 4:4). Hệ thống chính trị có vẻ mạnh mẽ, nhưng như Ai Cập cổ đại, nó yếu ớt như một cây sậy. Thật thiển cận nếu đặt hy vọng nơi loài người nay còn mai mất thay vì tin cậy Đấng Cai Trị Hoàn Vũ đầy quyền năng!—Đọc Thi thiên 146:3-6.
Các nước “sẽ phải biết”
28-30. Có sự khác biệt nào giữa việc các nước “sẽ phải biết” Đức Giê-hô-va và việc chúng ta biết ngài?
28 Trong sách Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va nhiều lần nói rằng các nước “sẽ phải biết ta là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê 25:17). Vào thời xưa, lời này trở thành hiện thực khi Đức Giê-hô-va thi hành án phạt trên kẻ thù của dân ngài. Nhưng vào thời chúng ta, lời đó còn được ứng nghiệm trong phạm vi rộng lớn hơn. Như thế nào?
29 Như dân của Đức Chúa Trời vào thời xưa, chúng ta sống giữa các nước xem chúng ta như một con cừu đơn độc không có khả năng tự vệ (Ê-xê 38:10-13). Như sẽ được thảo luận trong Chương 17 và 18, không lâu nữa các nước sẽ dốc toàn lực để tấn công dữ dội dân của Đức Chúa Trời. Nhưng khi làm thế, họ sẽ phải lãnh một bài học và biết thế nào là sức mạnh thật sự. Các nước sẽ buộc phải biết Đức Giê-hô-va, tức là công nhận quyền tối thượng của ngài, khi ngài hủy diệt họ trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn.—Khải 16:16; 19:17-21.
30 Trái lại, Đức Giê-hô-va sẽ che chở và ban phước cho chúng ta. Tại sao? Vì chúng ta đã tận dụng cơ hội ở hiện tại để chứng tỏ mình biết Đức Giê-hô-va. Chúng ta chứng tỏ điều này bằng cách tin cậy, vâng lời Đức Giê-hô-va và dâng cho ngài sự thờ phượng thanh sạch mà ngài xứng đáng nhận.—Đọc Ê-xê-chi-ên 28:26.
a Chẳng hạn, dân Phi-li-tia đã cấm những thợ rèn hành nghề ở Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên phải đi đến gặp người Phi-li-tia để mài các công cụ làm nông và phải trả một khoản phí tương đương với vài ngày lương.—1 Sa 13:19-22.
b Dường như thành Ty-rơ ban đầu được xây trên một vùng đất đá trồi lên ở ngay ngoài khơi, khoảng 50km về phía bắc của núi Cạt-mên. Sau này, thành Ty-rơ được mở rộng ở trên đất liền. Tên của thành này trong tiếng Xê-mít là Sur, có nghĩa là “đá”.
c Ê-sai, Giê-rê-mi, Giô-ên, A-mốt và Xa-cha-ri cũng nói tiên tri nghịch lại Ty-rơ. Những lời tiên tri đó được ứng nghiệm đến từng chi tiết.—Ê-sai 23:1-8; Giê 25:15, 22, 27; Giô-ên 3:4; A-mốt 1:10; Xa 9:3, 4.