Tương lai của bạn sẽ ra sao?
NẾU Đức Chúa Trời Toàn Năng là Đấng toàn tri, biết hết mọi sự trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chẳng phải là mọi sự đều diễn ra y như Ngài đã thấy trước rồi hay sao? Nếu mà Đức Chúa Trời đã thấy trước và định đoạt trước đường lối và sự cuối cùng của mỗi người, liệu ta có thể thật sự nói rằng mình có quyền tự do chọn lấy lối sống, tương lai của mình không?
Các câu hỏi này đã được người ta tranh luận qua hàng bao thế kỷ. Cuộc tranh luận hiện vẫn còn chia rẽ các tôn giáo chính. Khả năng thấy trước được tương lai của Đức Chúa Trời có thể nào hòa hợp với tự do ý chí của con người không? Chúng ta nên tìm lời giải đáp ở đâu?
Hàng triệu người trên khắp đất hẳn sẽ đều đồng ý rằng Đức Chúa Trời đã dùng các phát ngôn nhân, tức các nhà tiên của Ngài để thông tri với loài người. Thí dụ, kinh Koran nói đến các sự mặc khải như đến từ Đức Chúa Trời: kinh Taurāh (Torah, Luật Pháp, hoặc năm cuốn sách do Môi-se chép), kinh Zabūr (Thi-thiên) và kinh Injīl (Phúc Âm, tức Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, hoặc “Tân Ước”), cũng như những gì đã được tiết lộ cho các nhà tiên tri Y-sơ-ra-ên.
Trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, chúng ta đọc: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị” (II Ti-mô-thê 3:16). Hiển nhiên, bất cứ sự hướng dẫn hoặc sự soi sáng nào mà chúng ta nhận được cuối cùng hẳn phải đến từ chính Đức Chúa Trời. Chẳng phải là điều khôn ngoan khi xem xét các văn tự của các nhà tiên tri thời xưa của Đức Chúa Trời hay sao? Các văn tự đó tiết lộ gì về tương lai của chúng ta?
Tương lai được viết trước
Bất cứ ai đọc Kinh-thánh đều biết rằng thánh thư này thật sự chứa đựng hàng trăm lời tiên tri. Các biến cố lịch sử như sự sụp đổ của Ba-by-lôn cổ xưa, sự tái thiết thành Giê-ru-sa-lem (từ thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ năm TCN) và sự thăng trầm của các vua Mê-đi Phe-rơ-sơ và Hy Lạp xưa thảy đều được báo trước một cách chi tiết (Ê-sai 13:17-19; 44:24–45:1; Đa-ni-ên 8:1-7, 20-22). Sự ứng nghiệm của những lời tiên tri như thế là một trong những bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy rằng Kinh-thánh thật sự là Lời Đức Chúa Trời, bởi vì chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền năng vừa thấy trước vừa ấn định điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Theo nghĩa này, Kinh-thánh quả thật viết trước về tương lai.
Chính Đức Chúa Trời tuyên bố: “Ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý... Đều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn-thành, đều ta đã định, ta cũng sẽ làm” (Ê-sai 46:9-11; 55:10, 11). Ngay đến danh Giê-hô-va, danh mà Đức Chúa Trời tiết lộ cho các nhà tiên tri thời xưa của Ngài biết, có nghĩa đen là “Đấng làm cho thành tựu”a (Sáng-thế Ký 12:7, 8; Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-15; Thi-thiên 83:18). Đức Chúa Trời tự tiết lộ là Đấng làm ứng nghiệm lời Ngài, Đấng luôn luôn hoàn thành ý định của Ngài.
Bởi vậy, Đức Chúa Trời dùng khả năng biết trước của Ngài để thực thi ý định của Ngài. Ngài đã thường dùng khả năng đó để cảnh cáo người ác về sự phán xét sắp đến cũng như để ban cho các tôi tớ Ngài hy vọng được cứu rỗi. Nhưng Đức Chúa Trời có dùng khả năng này một cách vô giới hạn không? Có bằng chứng nào trong Kinh-thánh cho thấy một số sự việc Đức Chúa Trời không muốn biết trước không?
Phải chăng Đức Chúa Trời biết trước mọi sự?
Tất cả các lập luận ủng hộ thuyết tiền định đều dựa trên giả thuyết là bởi lẽ Đức Chúa Trời rõ ràng có khả năng biết trước và định đoạt các biến cố tương lai, Ngài hẳn phải biết trước mọi sự, kể cả các hành động trong tương lai của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, giả thuyết đó có đúng không? Những gì mà Đức Chúa Trời tiết lộ trong Kinh-thánh cho thấy không phải như vậy.
Thí dụ, Kinh-thánh nói “Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham” bằng cách truyền lệnh cho ông phải dâng con trai của ông là Y-sác làm của-lễ thiêu. Khi Áp-ra-ham sắp sửa hiến dâng Y-sác, Đức Chúa Trời ngăn cản ông và nói: “Bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính-sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi” (Sáng-thế Ký 22:1-12). Nếu Đức Chúa Trời biết trước là Áp-ra-ham sẽ vâng theo mệnh lệnh này, thì liệu Ngài có tuyên bố những lời như thế không? Đó có thật là thử thách không?
Hơn nữa, các nhà tiên tri thời xưa tường thuật rằng Đức Chúa Trời lặp đi lặp lại nhiều lần sự kiện Ngài “ăn-năn” về điều gì đó mà Ngài đã làm hoặc đang suy nghĩ sẽ làm. Thí dụ, Đức Chúa Trời nói Ngài “ăn-năn [từ tiếng Hê-bơ-rơ là na·chamʹ] đã lập Sau-lơ làm vua của Y-sơ-ra-ên”. (I Sa-mu-ên 15:11, 35; so sánh Giê-rê-mi 18:7-10; Giô-na 3:10). Vì Đức Chúa Trời hoàn hảo, các câu Kinh-thánh này không thể có nghĩa là Đức Chúa Trời đã nhầm lẫn khi chọn Sau-lơ làm vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên. Thay vì thế, các câu này cho thấy là Đức Chúa Trời thấy tiếc khi Sau-lơ tỏ ra thiếu đức tin và bất tuân. Việc Đức Chúa Trời dùng một từ ngữ như thế để chỉ về mình hẳn là vô nghĩa nếu đã biết trước những hành động của Sau-lơ.
Chúng ta cũng thấy từ đó trong phần Kinh-thánh xưa nhất, phần nói về thời ông Nô-ê: “[Đức Giê-hô-va] tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn-rầu trong lòng. Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ hủy-diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên... vì ta tự-trách đã dựng nên các loài đó” (Sáng-thế Ký 6:6, 7). Lại một lần nữa ở đây cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã không định trước các hành động của con người. Đức Chúa Trời cảm thấy tiếc, buồn rầu, và ngay cả đau lòng, không phải vì Ngài đã hành động một cách sai lầm, mà vì sự gian ác của con người đã đầy dẫy. Đấng Tạo Hóa tiếc là phải ra tay hủy diệt toàn thể nhân loại ngoại trừ Nô-ê và gia đình ông. Đức Chúa Trời cam kết với chúng ta: “Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui”. (Ê-xê-chi-ên 33:11; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5).
Vậy phải chăng Đức Chúa Trời đã biết trước và thậm chí định sẵn cho A-đam rơi vào tội lỗi, cũng như hậu quả tai hại mà việc đó đưa đến cho gia đình nhân loại? Những gì chúng ta đã xem xét cho thấy rằng điều này không thể như vậy được. Vả lại, nếu Đức Chúa Trời đã biết trước mọi điều này, hẳn Ngài đã trở thành nguồn của tội lỗi khi tạo ra con người và chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi sự gian ác và sự đau khổ của loài người. Rõ ràng là điều này không thể nào phù hợp với những gì mà Đức Chúa Trời tiết lộ về Ngài trong Kinh-thánh. Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương và công bình và Ngài ghét sự gian ác (Thi-thiên 33:5; Châm-ngôn 15:9; I Giăng 4:8).
Hai số phận của con người
Kinh-thánh không tiết lộ là Đức Chúa Trời đã định trước tương lai của từng cá nhân theo cách này hay cách khác. Trái lại, điều mà Kinh-thánh tiết lộ là Đức Chúa Trời đã báo trước rằng con người chỉ có thể có hai số phận. Đức Chúa Trời cho con người quyền tự do ý chí để chọn lấy số phận cho chính mình. Cách đây lâu lắm rồi, nhà tiên tri Môi-se tuyên bố với dân Y-sơ-ra-ên: “Ta đã đặt trước mặt các ngươi sự sống và sự chết... Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và trìu-mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20). Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su cảnh cáo trước: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất, kẻ vào đó nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít” (Ma-thi-ơ 7:13, 14). Hai con đường, hai số phận. Tương lai của chúng ta tùy thuộc vào những hành động của mình. Vâng lời Đức Chúa Trời thì được sống, cãi lời Ngài thì bị chết (Rô-ma 6:23).
Đức Chúa Trời “nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn-năn, vì Ngài đã chỉ-định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:30, 31). Đa số nhân loại thời Nô-ê đã cãi lời Đức Chúa Trời và bị hủy diệt. Ngày nay cũng thế, đa số người ta không vâng theo mệnh lệnh Đức Chúa Trời. Thế nhưng, Đức Chúa Trời không định trước ai sẽ bị hủy diệt và ai sẽ được cứu. Thật thế, Lời Đức Chúa Trời nói Ngài “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Ngay cả những người rất gian ác cũng có thể ăn năn, trở nên người biết vâng lời và thay đổi những điều cần thiết để nhận được ân huệ Đức Chúa Trời (Ê-sai 1:18-20; 55:6, 7; Ê-xê-chi-ên 33:14-16; Rô-ma 2:4-8).
Đối với những người vâng lời, Đức Chúa Trời hứa là sẽ ban cho họ sự sống đời đời trong một địa đàng thanh bình trên đất, một trái đất được tẩy sạch khỏi mọi sự gian ác, hung bạo và chiến tranh, một thế giới mà trong đó sẽ không còn nạn đói, sự đau khổ, bệnh tật và sự chết nữa (Thi-thiên 37:9-11; 46:9; Ê-sai 2:4; 11:6-9; 25:6-8; 35:5, 6; Khải-huyền 21:4). Ngay cả người chết sẽ được sống lại và được ban cho cơ hội để phụng sự Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 12:2; Giăng 5:28, 29).
Người viết Thi-thiên nói: “Hãy chăm-chú người trọn-vẹn, và nhìn-xem người ngay-thẳng; vì cuối-cùng người hòa-bình có phước. Còn các kẻ vi-phạm sẽ cùng nhau bị hủy-hoại; sự tương-lai kẻ ác sẽ bị diệt đi” (Thi-thiên 37:37, 38). Tương lai của bạn sẽ ra sao? Tất cả đều tùy nơi bạn. Nhà xuất bản tạp chí này sẽ vui lòng cung cấp cho bạn thêm tài liệu nhằm giúp bạn đảm bảo cho mình một tương lai hạnh phúc, bình an.
[Chú thích]
a Danh Giê-hô-va xuất hiện hơn 7.000 lần trong Kinh-thánh; xem giấy nhỏ The Greatest Name, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., xuất bản năm 1995.
[Hình nơi trang 6]
Đức Chúa Trời sử dụng khả năng biết trước của Ngài để thực thi ý định Ngài
[Hình nơi trang 8]
Đức Chúa Trời “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (II Phi-e-rơ 3:9).
[Hình nơi trang 7]
Nếu như Đức Chúa Trời đã biết trước Áp-ra-ham sẽ sẵn lòng hiến dâng con mình, liệu đó có thật là thử thách không?