Hãy đến gần Đức Chúa Trời
Khi một người có “lòng đau-thương thống-hối” tìm sự tha thứ
Chúng ta đều phạm lỗi nhiều lần. Cho dù có hối tiếc thế nào đi nữa, có lẽ chúng ta thắc mắc: “Đức Chúa Trời có nghe lời cầu nguyện chân thành thể hiện lòng ăn năn của tôi không? Ngài sẽ tha thứ cho tôi không?”. Kinh Thánh cho biết một sự thật đầy an ủi: Dù Đức Giê-hô-va không bao giờ lờ đi tội lỗi, nhưng Ngài sẵn lòng tha thứ một người phạm tội biết ăn năn. Điều này được thấy rõ qua trường hợp một vị vua của nước Do Thái xưa là Đa-vít, như được ghi nơi 2 Sa-mu-ên chương 12.
Hãy tưởng tượng những điều đã xảy ra. Đa-vít phạm tội trọng. Ông ngoại tình với bà Bát-Sê-ba và khi nỗ lực che đậy tội lỗi bất thành, ông sắp đặt để chồng bà bị giết. Sau đó, Đa-vít giấu tội của mình, tiếp tục ra vẻ là người vô tội trong vài tháng. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết mọi chuyện. Ngài thấy tội lỗi của Đa-vít. Nhưng Ngài cũng thấy Đa-vít có chút lòng ăn năn (Thi-thiên 139:1). Vậy, Đức Giê-hô-va sẽ làm gì?
Ngài cử nhà tiên tri Na-than đến gặp Đa-vít (câu 1). Được quyền năng Đức Chúa Trời dẫn dắt, Na-than tế nhị tiếp kiến nhà vua, biết rằng ông phải lựa lời cho khéo. Làm sao Na-than có thể giúp Đa-vít không tự dối mình nữa và vạch ra tội ác của vua nghiêm trọng như thế nào?
Không để Đa-vít bào chữa cho mình, Na-than kể một câu chuyện hầu động đến lòng của người trước kia từng chăn chiên (hay cừu). Chuyện kể về hai người, một giàu một nghèo. Người giàu có “chiên bò rất nhiều”, còn người nghèo có “một con chiên cái”. Người giàu có khách đến chơi và ông muốn chuẩn bị bữa ăn để đãi khách. Thay vì lấy con chiên của mình, ông đã lấy con chiên duy nhất của người nghèo để làm thịt. Rõ ràng Đa-vít nghĩ là câu chuyện đó có thật nên ông giận dữ thốt lên: “Người đã phạm điều ấy thật đáng chết!”. Tại sao thế? Đa-vít cho biết vì người đó “không có lòng thương-xót”.a—Câu 2-6.
Câu chuyện dụ ngôn của Na-than đã đạt được mục tiêu. Quả thật, Đa-vít tự cáo buộc chính mình. Bấy giờ, Na-than nói rõ với Đa-vít: “Vua là người đó!” (câu 7). Khi Na-than phát ngôn thay cho Đức Giê-hô-va, những gì ông nói phản ánh cảm xúc của Ngài và qua đó cho thấy rõ hành động của Đa-vít khiến Đức Giê-hô-va đau lòng. Qua việc vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, Đa-vít đã tỏ ra thiếu tôn trọng Đấng ban luật ấy. Đức Chúa Trời phán: “Ngươi đã khinh ta” (câu 10). Lời quở trách nhức nhối đó khiến lòng Đa-vít đau buốt, ông thừa nhận: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va”. Rồi Na-than cam đoan với Đa-vít rằng Đức Giê-hô-va tha thứ cho ông, nhưng ông phải gánh chịu hậu quả.—Câu 13, 14.
Sau khi tội lỗi ông được phơi bày, Đa-vít đã viết những lời mà ngày nay có trong sách Thi-thiên bài 51. Trong đó, ông thổ lộ nỗi lòng, bày tỏ sự hối hận sâu sắc. Khi phạm tội, Đa-vít đã xem thường Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, một khi vị vua hối lỗi cảm nghiệm được sự tha thứ tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, ông thốt lên: “Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu” (Thi-thiên 51:17). Những lời đầy an ủi này có thể giúp một người phạm tội biết ăn năn tìm đến Đức Giê-hô-va để được thương xót.
[Chú thích]
a Lấy chiên làm thịt đãi khách là một hành động tỏ lòng hiếu khách. Tuy nhiên, ăn cắp chiên của người khác là tội ác. Người phạm tội này phải chịu phạt bồi thường gấp bốn lần (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:1). Theo Đa-vít, người giàu rất tàn nhẫn khi cướp con chiên ấy. Khi làm thế, ông đã tước đi phương kế sinh nhai của người nghèo, vì con chiên đó có thể cung cấp sữa, len cũng như sinh sản cho gia đình người nghèo một bầy chiên.