CHƯƠNG 7
Bạn có xem sự sống theo quan điểm Đức Chúa Trời không?
“Nguồn sự sống ở nơi Chúa”.—THI-THIÊN 36:9.
1, 2. (a) Đức Chúa Trời ban cho chúng ta món quà quý giá nào? (b) Tại sao khả năng lý luận dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh đặc biệt quan trọng ngày nay?
Cha trên trời đã ban cho chúng ta một món quà vô giá: Đó là sự sống với tư cách là loài người thông minh, có khả năng phản ảnh những đức tính của Ngài (Sáng-thế Ký 1:27). Nhờ món quà quý giá này, chúng ta có thể lý luận dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh. Và khi áp dụng các nguyên tắc ấy vào đời sống, chúng ta có thể trưởng thành về thiêng liêng, yêu mến Đức Giê-hô-va cũng như rèn luyện được khả năng nhận thức để “phân-biệt điều lành và dữ”.—Hê-bơ-rơ 5:14.
2 Ngày nay, khả năng lý luận dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh đặc biệt quan trọng, vì thế giới trở nên quá phức tạp đến nỗi không có đủ luật để áp dụng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong đời sống. Thí dụ, bạn có thể thấy điều này trong lĩnh vực y khoa, đặc biệt là các sản phẩm hoặc những phương pháp trị liệu liên quan đến máu. Đây là lĩnh vực quan trọng đối với tất cả những ai muốn vâng lời Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, nếu hiểu các nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến vấn đề này, chúng ta có thể có những quyết định khôn ngoan vừa phù hợp với lương tâm vừa giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 2:6-11). Hãy cùng xem vài nguyên tắc này.
SỰ SỐNG VÀ HUYẾT LÀ THÁNH
3, 4. Kinh Thánh đề cập đến sự thánh khiết của máu lần đầu tiên là khi nào? Nguyên tắc nào cho thấy máu là thánh khiết?
3 Sự sống và huyết là thánh khiết và có mối liên hệ mật thiết với nhau. Lần đầu tiên Đức Giê-hô-va đề cập đến điều này là không lâu sau khi Ca-in giết A-bên. Đức Giê-hô-va đã phán với Ca-in: “Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta” (Sáng-thế Ký 4:10). Trước mắt Đức Giê-hô-va, máu của A-bên tượng trưng cho mạng sống của ông. Nó đã bị đột ngột chấm dứt một cách tàn nhẫn. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, máu của A-bên kêu thấu đến Đức Chúa Trời, xin Ngài báo thù.—Hê-bơ-rơ 12:24.
4 Sau cơn Đại Hồng Thủy thời Nô-ê, Đức Chúa Trời cho phép loài người ăn thịt của thú vật nhưng không được ăn huyết. Ngài phán: “Các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu. Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại” (Sáng-thế Ký 9:4, 5). Mệnh lệnh này được áp dụng cho tất cả con cháu của Nô-ê từ thời đó đến nay. Trước hết, nó xác nhận ý của Đức Chúa Trời trong lời mà Ngài đã nói với Ca-in trước đó: Linh hồn hay sự sống của mọi tạo vật được tượng trưng bởi huyết. Ngoài ra, nó cũng cho thấy rằng tất cả những ai không tôn trọng sự sống và huyết phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va, Nguồn của sự sống.—Thi-thiên 36:9.
5, 6. Luật Pháp Môi-se cho thấy máu là thánh khiết và quý giá như thế nào? (Xin cũng xem khung nơi trang 78).
5 Luật Pháp Môi-se cho thấy hai lẽ thật căn bản ấy. Nơi Lê-vi Ký 17:10, 11 nói: “Phàm người nào. . . ăn huyết chi cũng mặc, thì ta sẽ nổi giận cùng kẻ ăn đó, truất nó khỏi dân-sự mình; vì sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình; vì nhờ sanh-mạng mà huyết mới chuộc tội được”.a—Xin xem khung “Huyết có quyền lực chuộc tội” nơi trang 76.
6 Nếu máu của thú vật bị giết không được dùng trên bàn thờ thì phải đổ ra trên đất. Khi làm vậy, theo nghĩa bóng, sự sống trở về với Nguồn của nó là Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:16; Ê-xê-chi-ên 18:4). Nhưng chúng ta hãy lưu ý rằng dân Y-sơ-ra-ên không bị bắt buộc phải tỉ mỉ lấy hết máu ra khỏi thịt thú vật. Một khi con vật bị giết đã được đổ máu ra đúng cách, người Y-sơ-ra-ên có thể ăn thịt nó với một lương tâm trong sạch, vì điều này cho thấy họ tôn trọng Đấng Ban Sự Sống.
7. Đa-vít tỏ lòng tôn trọng sự thánh khiết của máu như thế nào?
7 Vua Đa-vít, “là người vừa lòng [Đức Chúa Trời]”, đã hiểu rõ nguyên tắc nằm sau điều luật của Đức Chúa Trời về huyết (Công-vụ 13:22). Vào một dịp nọ, khi ông rất khát nước, ba người theo ông đã liều mình xông vào trại quân kẻ thù, múc nước từ một bể chứa và mang về cho ông. Đa-vít phản ứng thế nào? Ông thốt lên: “Nước nầy khác nào huyết của ba người nầy, liều mạng-sống mình đặng đi đến nơi kia”. Đối với Đa-vít, nước đó chính là mạng sống của họ. Vì thế, dù rất khát nhưng ông đã “rảy nước đó ra làm lễ dâng cho Đức Giê-hô-va”.—2 Sa-mu-ên 23:15-17.
8, 9. Khi hội thánh tín đồ Đấng Christ được thành lập, quan điểm của Đức Chúa Trời về sự sống và huyết có thay đổi không? Xin giải thích.
8 Khoảng 2.400 năm sau khi truyền mệnh lệnh cho Nô-ê và 1.500 năm sau khi ban giao ước Luật Pháp, Đức Giê-hô-va đã soi dẫn hội đồng lãnh đạo của hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu để đưa ra quyết định này: “[Thánh linh] và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột, và chớ tà-dâm”.—Công-vụ 15:28, 29.
9 Rõ ràng, hội đồng lãnh đạo thời ban đầu đã nhận biết rằng huyết là thánh, và lạm dụng huyết là sai trái về đạo đức giống như tội thờ hình tượng hoặc tà dâm. Tín đồ Đấng Christ chân chính ngày nay cũng chấp nhận tiêu chuẩn này. Hơn nữa, nhờ suy ngẫm và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, họ có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va khi có những quyết định liên quan đến máu.
PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU DÙNG MÁU
10, 11. (a) Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về việc truyền máu toàn phần và các thành phần chính của máu? (b) Tín đồ Đấng Christ có thể có quan điểm khác nhau trong các lĩnh vực nào liên quan đến máu?
10 Nhân Chứng Giê-hô-va nhận biết rằng ‘kiêng huyết’ có nghĩa là không chấp nhận truyền máu, hiến máu hoặc trữ máu của mình để truyền lại cho chính mình. Vì tôn trọng luật pháp của Đức Chúa Trời, họ cũng không nhận bốn thành phần chính của máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.
11 Ngày nay, qua tiến trình xử lý máu, bốn thành phần chính này thường được chiết xuất ra thành những phần nhỏ để sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Một tín đồ Đấng Christ có thể nhận các chất chiết xuất này không? Người ấy có xem chúng như là “huyết” không? Đó là quyết định cá nhân. Ngoài ra, mỗi tín đồ Đấng Christ cũng phải tự quyết định về những phương pháp trị liệu như lọc máu, pha loãng máu và thu hồi tế bào máu của chính mình, với điều kiện là máu không được lưu trữ.—Xin xem Phụ lục, trang 215-218.
12. Về những vấn đề liên quan đến lương tâm, chúng ta nên suy nghĩ và hành động thế nào?
12 Những vấn đề liên quan đến quyết định cá nhân có quan trọng với Đức Giê-hô-va không? Có, vì Ngài rất quan tâm đến suy nghĩ và động cơ của chúng ta (Châm-ngôn 17:3; 21:2; 24:12). Vì thế, sau khi cầu nguyện và nghiên cứu về những dược phẩm cũng như phương pháp trị liệu, chúng ta nên lắng nghe lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện (Rô-ma 14:2, 22, 23). Dĩ nhiên, người khác không nên áp đặt quan điểm của họ trên chúng ta, và chúng ta cũng không nên hỏi: “Anh/Chị sẽ làm gì nếu ở trong trường hợp của tôi?”. Về những vấn đề như thế, mỗi tín đồ Đấng Christ nên ‘gánh lấy riêng phần mình’.b—Ga-la-ti 6:5; Rô-ma 14:12; xin xem khung “Tôi có xem huyết là thánh không?” nơi trang 81.
LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA THỂ HIỆN TÌNH YÊU CỦA MỘT NGƯỜI CHA
13. Luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va cho thấy gì về Ngài? Xin cho thí dụ.
13 Những luật pháp và nguyên tắc trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va vừa là Đấng Lập Luật khôn ngoan, vừa là Người Cha yêu thương, quan tâm sâu xa đến lợi ích của con cái Ngài (Thi-thiên 19:7-11). Dù mệnh lệnh ‘kiêng-giữ huyết’ không phải là điều luật về việc chăm sóc sức khỏe, nhưng nó bảo vệ chúng ta khỏi những biến chứng từ việc truyền máu (Công-vụ 15:20). Thật vậy, nhiều người trong giới y khoa xem phương pháp phẫu thuật không dùng máu là “tiêu chuẩn vàng” của y học hiện đại. Đối với tín đồ Đấng Christ chân chính, điều này chứng thực Đức Giê-hô-va là Đấng khôn ngoan vô hạn và là Người Cha đầy yêu thương.—Ê-sai 55:9; Giăng 14:21, 23.
14, 15. (a) Tình yêu thương của Đức Chúa Trời với dân Ngài đã được thể hiện qua những điều luật nào? (b) Làm sao bạn có thể áp dụng những nguyên tắc nằm sau các điều luật đó?
14 Việc Đức Chúa Trời quan tâm đến lợi ích của dân sự Ngài được thể hiện trong nhiều điều luật của nước Y-sơ-ra-ên xưa. Thí dụ, họ được lệnh phải xây lan can xung quanh nóc nhà để tránh xảy ra tai nạn, vì đó là nơi thường diễn ra nhiều hoạt động (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8; 1 Sa-mu-ên 9:25, 26; Nê-hê-mi 8:16; Công-vụ 10:9). Đức Chúa Trời cũng ra lệnh là những con bò nguy hiểm phải được canh giữ cẩn thận (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:28, 29). Lờ đi các điều luật này là thiếu tôn trọng lợi ích của người khác và có thể mang nợ máu.
15 Làm sao bạn có thể áp dụng những nguyên tắc nằm sau các điều luật này? Hãy nghĩ đến xe cộ, cách lái xe, vật nuôi, nhà cửa, nơi làm việc và chương trình giải trí của bạn. Tại một vài nơi, tai nạn là nguyên nhân chính gây ra cái chết của người trẻ, và thường là vì họ liều lĩnh không cần thiết. Tuy nhiên, những bạn trẻ muốn giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì xem trọng sự sống và không tìm sự phấn khích nơi những trò mạo hiểm. Họ không dại dột nghĩ rằng tuổi trẻ sẽ không hề hấn gì trước những nguy hiểm. Ngược lại, họ vui hưởng tuổi thanh xuân bằng cách tránh những mối nguy hiểm không cần thiết.—Truyền-đạo 11:9, 10.
16. Nguyên tắc nào trong Kinh Thánh được áp dụng cho việc phá thai? (Xin cũng xem cước chú).
16 Ngay cả sự sống của bào thai cũng quý giá trước mắt Đức Chúa Trời. Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, nếu ai hại đến một phụ nữ mang thai làm cho mẹ hoặc con bị chết, Đức Chúa Trời xem người ấy là kẻ giết người và phải lấy “mạng thường mạng”c (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22, 23). Hãy hình dung Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi nhìn thấy vô số thai nhi vô tội bị phá mỗi năm, phần lớn là vì lợi ích cá nhân và sự đồi bại về luân lý.
17. Làm sao bạn có thể an ủi một người đã từng phá thai trước khi học biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời?
17 Còn về một người nữ đã từng phá thai trước khi học lẽ thật Kinh Thánh thì sao? Có phải Đức Giê-hô-va sẽ không thương xót người đó không? Hoàn toàn không! Thật ra, một người thật lòng ăn năn có thể được Đức Giê-hô-va tha thứ dựa trên huyết Chúa Giê-su đã đổ ra (Thi-thiên 103:8-14; Ê-phê-sô 1:7). Chính Chúa Giê-su đã phán: “Ta không phải đến gọi kẻ công-bình hối-cải, song gọi kẻ có tội”.—Lu-ca 5:32.
HÃY TRÁNH TƯ TƯỞNG GHEN GHÉT!
18. Kinh Thánh cho biết nguyên nhân chính của tội đổ máu như thế nào?
18 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta không chỉ đừng làm hại người khác, mà còn phải loại bỏ từ trong lòng nguyên nhân gây nên tội đổ máu: lòng ghen ghét. Sứ đồ Giăng viết: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người” (1 Giăng 3:15). Người như thế không chỉ ghét mà còn mong cho anh em mình chết đi. Lòng ghen ghét có thể được thể hiện qua sự xuyên tạc hiểm độc và buộc tội gian dối rằng anh em mình phạm tội nghiêm trọng đến độ phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời (Lê-vi Ký 19:16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:18-21; Ma-thi-ơ 5:22). Vậy, thật quan trọng biết bao để loại bỏ khỏi lòng mình bất cứ ác ý nào!—Gia-cơ 1:14, 15; 4:1-3.
19. Một người để nguyên tắc Kinh Thánh hướng dẫn sẽ nghĩ gì về những câu như Thi-thiên 11:5 và Phi-líp 4:8, 9?
19 Những ai xem trọng sự sống theo quan điểm của Đức Giê-hô-va và muốn giữ mình trong tình yêu thương của Ngài cũng tránh mọi hình thức hung bạo. Nơi Thi-thiên 11:5 nói: “Lòng [Đức Giê-hô-va] ghét người ác và kẻ ưa sự hung-bạo”. Câu này không chỉ nói lên bản tính của Đức Chúa Trời, nhưng còn là nguyên tắc hướng dẫn đời sống chúng ta. Nó thúc đẩy những ai yêu mến Đức Chúa Trời tránh bất cứ hình thức giải trí nào có thể khiến họ ham thích sự hung bạo. Tương tự thế, khi nói Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của sự bình-an”, Kinh Thánh khuyến khích các tôi tớ Ngài làm lòng và trí đầy những điều đáng yêu chuộng, tốt đẹp và đáng khen ngợi, là những điều đem lại sự bình an.—Phi-líp 4:8, 9.
TRÁNH XA NHỮNG TỔ CHỨC MẮC NỢ MÁU
20-22. Tín đồ Đấng Christ giữ lập trường nào đối với thế gian, và tại sao?
20 Trước mắt Đức Chúa Trời, cả thế gian của Sa-tan đều mắc nợ máu. Hệ thống chính trị của nó, được Kinh Thánh miêu tả như những con thú hung dữ, đã sát hại không biết bao nhiêu triệu người, trong đó có nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va (Đa-ni-ên 8:3, 4, 20-22; Khải-huyền 13:1, 2, 7, 8). Bắt tay với thế lực hung dữ này, ngành thương mại và giới khoa học đã tạo ra những loại vũ khí cực kỳ tàn ác, và nhờ thế thu được lợi nhuận khổng lồ. Quả thật, “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”!—1 Giăng 5:19.
21 Vì môn đồ của Chúa Giê-su “không thuộc về thế-gian” và kiên quyết giữ lập trường trung lập trong chiến tranh cũng như các vấn đề chính trị, nên họ không mắc nợ máu dù là với tư cách cá nhân hay tập thểd (Giăng 15:19; 17:16). Noi gương Chúa Giê-su, họ không phản ứng một cách hung bạo khi bị người khác bắt bớ. Ngược lại, họ bày tỏ tình yêu thương, thậm chí cầu nguyện cho kẻ thù của mình.—Ma-thi-ơ 5:44; Rô-ma 12:17-21.
22 Trên hết, tín đồ Đấng Christ chân chính tránh liên hệ với “Ba-by-lôn lớn”, là đế quốc tôn giáo sai lầm và tổ chức mắc nợ máu nhiều nhất. Lời Đức Chúa Trời phán: “Ấy chính trong thành nầy, mà đã tìm thấy huyết các đấng tiên-tri, các thánh-đồ, và hết thảy những kẻ đã bị giết trong thế-gian”. Vì thế, chúng ta được kêu gọi: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn”.—Khải-huyền 17:6; 18:2, 4, 24.
23. Ra khỏi Ba-by-lôn Lớn bao hàm điều gì?
23 Ra khỏi Ba-by-lôn Lớn không chỉ bao hàm việc rút tên khỏi những tôn giáo sai lầm, mà còn đòi hỏi chúng ta phải ghét những thực hành xấu xa mà những tôn giáo này chấp nhận hoặc công khai ủng hộ, chẳng hạn như hạnh kiểm vô luân, can dự vào chính trị và tham muốn theo đuổi sự giàu có (Thi-thiên 97:10; Khải-huyền 18:7, 9, 11-17). Đây là những thực hành thường dẫn đến tội đổ máu!
24, 25. Dựa trên căn bản nào, Đức Chúa Trời thương xót những người mắc nợ máu nhưng biết ăn năn? Vào thời Kinh Thánh, sự sắp đặt nào là hình bóng cho điều này?
24 Trước khi chấp nhận sự thờ phượng thật, bằng cách này hay cách khác, mỗi người chúng ta đã ủng hộ hệ thống của Sa-tan và vì thế cũng chịu một phần trách nhiệm trong việc đổ máu. Tuy nhiên, vì đã thay đổi lối sống, vun trồng đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su và dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta được Ngài thương xót và bảo vệ về thiêng liêng (Công-vụ 3:19, 20). Sự bảo vệ này được miêu tả trước vào thời Kinh Thánh qua hình ảnh của các thành ẩn náu.—Dân-số Ký 35:11-15; Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:1-9.
25 Sự sắp đặt về thành ẩn náu là gì? Nếu một người Y-sơ-ra-ên vô tình làm một người khác chết, người đó phải chạy đến một trong các thành ẩn náu. Sau khi các quan xét phán quyết về vấn đề đó, người ngộ sát phải ở lại trong thành cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời, rồi mới được tự do đi nơi khác. Đây quả là một biểu hiện tuyệt vời cho thấy Đức Chúa Trời thương xót và quý trọng mạng sống con người! Tương tự như các thành ẩn náu thời xưa, ngày nay Đức Chúa Trời cũng có sắp đặt để bảo vệ chúng ta khỏi cái chết, vì đã vô tình vi phạm mệnh lệnh của Ngài liên quan đến sự thánh khiết của sự sống và huyết. Sắp đặt này được thực hiện dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Bạn có quý trọng điều này không? Làm thế nào bạn có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình? Một cách là mời người khác đến trú nơi thành ẩn náu theo nghĩa tượng trưng, đặc biệt vì “hoạn-nạn lớn” đang gần kề.—Ma-thi-ơ 24:21; 2 Cô-rinh-tô 6:1, 2.
QUÝ TRỌNG SỰ SỐNG QUA CÔNG VIỆC RAO GIẢNG VỀ NƯỚC TRỜI
26-28. Trường hợp của chúng ta ngày nay tương tự như nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên như thế nào? Làm sao chúng ta có thể giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
26 Trường hợp của dân Đức Chúa Trời ngày nay gợi chúng ta nhớ đến nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên thời xưa, người được Đức Giê-hô-va giao nhiệm vụ rao những lời cảnh báo của Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời phán với nhà tiên tri: “Hãy nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn-bảo trước cho chúng nó”. Nếu xao lãng nhiệm vụ này, Ê-xê-chi-ên phải chịu trách nhiệm về huyết của những người bị giết khi Đức Chúa Trời phán xét thành Giê-ru-sa-lem (Ê-xê-chi-ên 33:7-9). Nhưng Ê-xê-chi-ên đã vâng lời Đức Chúa Trời và vì thế ông không bị mắc nợ máu.
27 Ngày nay, chúng ta đang đứng trước sự cuối cùng của thế gian Sa-tan. Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va xem việc rao “ngày báo-thù” cũng như thông điệp Nước Trời không chỉ là nhiệm vụ mà còn là đặc ân (Ê-sai 61:2; Ma-thi-ơ 24:14). Bạn có hết lòng tham gia vào công việc trọng yếu này không? Sứ đồ Phao-lô rất nghiêm túc thi hành công việc rao giảng. Vì thế, ông có thể nói: “Tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ-nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý-muốn của Đức Chúa Trời” (Công-vụ 20:26, 27). Quả là một gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta!
28 Dĩ nhiên, để giữ mình trong tình yêu thương ấm áp của Cha Giê-hô-va, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ xem sự sống và huyết theo quan điểm của Ngài. Chúng ta cũng cần giữ mình thanh sạch, hay thánh khiết, trước mắt Ngài như những gì sẽ được thảo luận trong chương sau.
a Bàn về câu “sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết”, một tạp chí khoa học của Hoa Kỳ (Scientific American) cho biết: “Mặc dù máu theo nghĩa ẩn dụ có thể tượng trưng cho sự sống, nhưng câu này nếu hiểu theo nghĩa đen vẫn đúng: Mỗi loại tế bào máu đều thiết yếu cho sự sống”.
b Xin xem Tháp Canh ngày 15-6-2004, trang 19-24.
c Các nhà biên soạn từ điển Kinh Thánh cho biết cách diễn đạt câu này trong tiếng Hê-bơ-rơ “rõ ràng không chỉ nói về việc làm người mẹ bị thương”. Cũng hãy lưu ý rằng Kinh Thánh không nói đến độ tuổi của bào thai hay phôi thai. Thế nên, dù một người hại đến bào thai ở độ tuổi nào, Đức Chúa Trời vẫn đoán xét người ấy.
d Xin xem chương 5, “Làm thế nào giữ mình tách biệt khỏi thế gian?”.
e Để biết thêm chi tiết, xin xem Phụ lục nơi trang 215, 216.