Giê-ru-sa-lem—“Thành của Vua lớn”
“Đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn” (MA-THI-Ơ 5:34, 35).
1, 2. Một số người hoang mang điều gì về Giê-ru-sa-lem?
GIÊ-RU-SA-LEM—danh này đã gợi nhiều cảm xúc trong lòng của những người thuộc các tôn giáo khác nhau. Thật ra, không người nào trong chúng ta có thể lờ đi thành xưa này vì nó thường được tin tức nói đến. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều báo cáo cho thấy thành Giê-ru-sa-lem không phải là một nơi hòa bình.
2 Điều này có lẽ khiến cho một số đọc giả Kinh-thánh bị hoang mang. Trong quá khứ, chữ tắt của Giê-ru-sa-lem là Sa-lem, có nghĩa là “bình an” (Sáng-thế Ký 14:18; Thi-thiên 76:2; Hê-bơ-rơ 7:1, 2). Vì vậy, bạn có lẽ tự hỏi: ‘Tại sao trong thời gian gần đây một thành mang danh hiệu này lại thiếu sự bình an như thế?’
3. Chúng ta có thể tìm ở đâu ra tin tức đáng tin cậy về Giê-ru-sa-lem?
3 Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần quay về lịch sử để biết về thành Giê-ru-sa-lem vào thuở xưa. Nhưng một số người có thể nghĩ: ‘Ai mà có thì giờ để nghiên cứu lịch sử xa xưa đó’. Tuy nhiên, hiểu biết chính xác về lịch sử thời đầu của Giê-ru-sa-lem có lợi cho tất cả chúng ta ngày nay. Kinh-thánh chỉ rõ tại sao qua những lời này: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4). Hiểu được Kinh-thánh nói gì về Giê-ru-sa-lem có thể cho chúng ta sự an ủi—đúng vậy, có hy vọng hòa bình, không phải chỉ trong thành này mà còn trên khắp cả đất.
Nơi “ngôi của Đức Giê-hô-va”
4, 5. Vua Đa-vít đã giúp cho Giê-ru-sa-lem có vai trò chính yếu trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời như thế nào?
4 Vào thế kỷ thứ 11 TCN, Giê-ru-sa-lem đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới là thủ đô của một nước an ninh và hòa bình. Giê-hô-va Đức Chúa Trời sai người đến xức dầu cho Đa-vít để làm vua nước Y-sơ-ra-ên xưa. Với kinh đô đặt tại Giê-ru-sa-lem, Đa-vít và con cháu ông đã được ngồi trên “ngôi nước Đức Giê-hô-va”, hoặc “ngôi của Đức Giê-hô-va” (1 Sử-ký 28:5; 29:23).
5 Đa-vít, một người Y-sơ-ra-ên kính sợ Đức Chúa Trời thuộc chi phái Giu-đa, đã chiếm được thành Giê-ru-sa-lem của người Giê-bu-sít thờ hình tượng. Thành này lúc ấy tọa lạc trên một ngọn đồi gọi là Si-ôn, nhưng danh này đồng nghĩa với Giê-ru-sa-lem. Với thời gian, Đa-vít dời hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem, nơi mà nó được đặt trong một trại. Nhiều năm trước đó, Đức Chúa Trời đã nói với nhà tiên tri Môi-se từ đám mây phía trên hòm bảng chứng thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:1, 21, 22; Lê-vi Ký 16:2; 1 Sử-ký 15:1-3). Hòm giao ước tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời, vì Đức Giê-hô-va là Vua thật của Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, trong hai ý nghĩa, người ta có thể nói là Giê-hô-va Đức Chúa Trời cai trị tại thành Giê-ru-sa-lem.
6. Đức Giê-hô-va đã hứa gì cho Đa-vít và Giê-ru-sa-lem?
6 Đức Giê-hô-va hứa với Đa-vít rằng nước của hoàng tộc ông, đại diện bởi Si-ôn hoặc Giê-ru-sa-lem, sẽ không bao giờ chấm dứt. Điều này có nghĩa là một người thuộc dòng dõi của Đa-vít được thừa hưởng quyền cai trị mãi mãi với tư cách là đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời—Đấng Mê-si hoặc Đấng Christa (Thi-thiên 132:11-14; Lu-ca 1:31-33). Kinh-thánh cũng cho biết rằng người kế tự vĩnh viễn “ngôi của Đức Giê-hô-va” sẽ cai trị tất cả các nước, chứ không chỉ có Giê-ru-sa-lem (Thi-thiên 2:6-8; Đa-ni-ên 7:13, 14).
7. Vua Đa-vít đã phát huy sự thờ phượng thanh sạch như thế nào?
7 Những mưu kế nhằm lật đổ người được xức dầu của Đức Chúa Trời là Vua Đa-vít đã chứng tỏ là vô ích. Thay vì vậy, các nước thù địch đã bị đánh bại, và biên giới của Đất Hứa được nới rộng đến lằn mức Đức Chúa Trời đã ấn định. Vua Đa-vít đã lợi dụng tình thế ấy để phát huy sự thờ phượng thanh sạch. Và nhiều bài Thi-thiên của Đa-vít đã ca ngợi Đức Giê-hô-va là Vua thật của Si-ôn (2 Sa-mu-ên 8:1-15; Thi-thiên 9:1, 11; 24:1, 3, 7-10; 65:1, 2; 68:1, 24, 29; 110:1, 2; 122:1-4).
8, 9. Sự thờ phượng thật tại Giê-ru-sa-lem đã bành trướng dưới triều đại Vua Sa-lô-môn như thế nào?
8 Vào triều đại của con Vua Đa-vít là Sa-lô-môn, sự thờ phượng Đức Giê-hô-va đã đạt đến cao điểm. Sa-lô-môn đã nới rộng Giê-ru-sa-lem về phía bắc, bao gồm cả ngọn đồi Mô-ri-a (nơi mà ngày nay gọi là Dome of the Rock). Trên địa điểm cao này, vua đã được đặc ân xây một đền thờ lộng lẫy để ca ngợi Đức Giê-hô-va. Hòm giao ước được đặt tại nơi Chí Thánh của đền thờ (1 Các Vua 6:1-38).
9 Nước Y-sơ-ra-ên hưởng được hòa bình khi họ hết lòng thờ phượng Đức Giê-hô-va, tại trung tâm Giê-ru-sa-lem. Kinh-thánh miêu tả tình trạng này một cách tuyệt diệu: “Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đông như cát trên bờ biển, ăn uống và vui chơi...; và [Sa-lô-môn] hòa-hảo với các dân ở bốn phía..., dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự..., ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình (1 Các Vua 4:20, 24, 25).
10, 11. Ngành khảo cổ học đã khẳng định điều Kinh-thánh nói về Giê-ru-sa-lem dưới triều đại Sa-lô-môn như thế nào?
10 Những phát hiện của khảo cổ học đã củng cố cho sự tường thuật về triều đại thịnh vượng của Sa-lô-môn. Trong sách The Archaeology of the Land of Israel, Giáo Sư Yohanan Aharoni đã viết: “Sự giàu có đã tràn đến triều đình từ mọi phía, và ngành thương mại phát triển... đã đem lại cuộc cách mạng nhanh chóng và đáng chú ý về mọi khía cạnh của nền văn minh vật chất... Sự thay đổi về nền văn minh vật chất này... được thấy rõ không những trong những đồ vật xa xỉ mà còn đặc biệt trong đồ gốm... Phẩm chất của đồ gốm và cách nung đã được cải tiến rất nhiều”.
11 Tương tự như vậy, Jerry M. Landay đã viết: “Dưới thời Sa-lô-môn, trong ba thập niên nền văn minh vật chất của Y-sơ-ra-ên đã tiến bộ nhiều hơn là hai trăm năm trước đó. Chúng tôi tìm thấy trong địa tầng của thời Sa-lô-môn những di tích của đền đài kỷ niệm, thành phố lớn với những tường thành to lớn, nhà ở mọc lên như nấm với nhiều nhà kiên cố của những người giàu có, một sự tiến bộ to lớn về tài nghệ của thợ gốm và cách thức chế tạo. Chúng tôi cũng tìm thấy phần còn lại của những đồ tạo tác tượng trưng những đồ vật được làm từ các nơi xa cho thấy rằng họ đã có nền thương mại quốc tế và trao đổi hàng hóa rất phồn thịnh” (The House of David).
Từ hòa bình đến hoang vu
12, 13. Tại sao sự thờ phượng thật không tiếp tục được phát huy tại Giê-ru-sa-lem?
12 Sự hòa bình và thịnh vượng của Giê-ru-sa-lem, nơi đền thờ Đức Giê-hô-va tọa lạc, là một đề tài thích hợp để cầu nguyện. Vua Đa-vít viết: “Hãy cầu hòa-bình cho Giê-ru-sa-lem; phàm kẻ nào yêu-mến ngươi sẽ được thới-thạnh. Nguyện sự hòa-bình ở trong vách-tường ngươi, sự thới-thạnh trong các cung ngươi! Vì cớ anh em ta và bầu-bạn ta, ta nói rằng: Nguyện sự hòa-bình ở trong ngươi” (Thi-thiên 122:6-8). Mặc dù Sa-lô-môn được đặc ân xây đền thờ lộng lẫy trong thành phố an ổn này, cuối cùng vua đã cưới nhiều người vợ ngoại đạo. Lúc về già, vua bị họ dẫn dụ để thờ những thần giả thời đó. Sự bội đạo này đã làm cả nước bại hoại, dân cư không còn hòa bình thật (1 Các Vua 11:1-8; 14:21-24).
13 Khi con Vua Sa-lô-môn là Rô-bô-am bắt đầu cai trị, mười chi phái nổi loạn và lập nên nước Y-sơ-ra-ên phía bắc. Bởi vì sự thờ hình tượng của họ, Đức Chúa Trời cho phép nước này bị A-si-ri đánh bại (1 Các Vua 12:16-30). Nước gồm hai chi phái ở phía nam là Giu-đa tiếp tục có kinh đô tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng với thời gian, họ cũng từ bỏ sự thờ phượng thanh sạch. Vì vậy, Đức Chúa Trời cho phép thành phố ương ngạnh đó bị Ba-by-lôn hủy diệt năm 607 TCN. Trong 70 năm lưu đày ở Ba-by-lôn, những phu tù Do Thái phải sống khổ cực. Rồi Đức Chúa Trời thương xót họ, nên họ được trở về xây lại Giê-ru-sa-lem và phục hồi sự thờ phượng thật (2 Sử-ký 36:15-21).
14, 15. Thành Giê-ru-sa-lem lấy lại vai trò chính yếu sau sự lưu đày ở Ba-by-lôn như thế nào, nhưng có sự thay đổi nào?
14 Sau 70 năm hoang vu, chắc hẳn cỏ dại đã mọc đầy nhà cửa đền đài hư hại. Tường thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, những nơi có cổng và tháp khi trước chỉ còn lại những khoảng trống lớn. Nhưng những người Do Thái được trở về rất can đảm. Họ dựng lại bàn thờ nơi đền thờ ngày xưa tọa lạc và hàng ngày bắt đầu dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va.
15 Đây là một sự khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng thành Giê-ru-sa-lem được phục hồi không còn là kinh đô của một nước do con cháu Vua Đa-vít cai trị nữa. Thay vì vậy, những người Do Thái ở dưới quyền cai trị của tổng trấn do những người chinh phục Ba-by-lôn bổ nhiệm, và phải trả thuế cho những người chủ Ba Tư (Nê-hê-mi 9:34-37). Mặc dù ở trong tình trạng bị “giày-đạp”, Giê-ru-sa-lem vẫn còn là một thành phố trên đất đặc biệt được Đức Giê-hô-va ưa chuộng (Lu-ca 21:24). Là trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch, thành này cũng tượng trưng cho quyền thống trị của Đức Chúa Trời trên khắp đất qua một người thuộc dòng Vua Đa-vít.
Bị những nước lân cận theo tà giáo chống đối
16. Tại sao người Do Thái trở về từ Ba-by-lôn đã bỏ dở việc xây lại Giê-ru-sa-lem?
16 Chẳng bao lâu những người Do Thái bị lưu đày trở lại Giê-ru-sa-lem bắt đầu xây nền cho đền thờ mới. Nhưng những nước lân cận theo tà giáo gửi thư vu khống cho Vua Ạt-ta-xét-xe của Phe-rơ-sơ tức là Ba Tư, cho rằng những người Do Thái muốn nổi loạn. Vì vậy, Vua Ạt-ta-xét-xe ra lệnh đình chỉ việc xây cất tại Giê-ru-sa-lem. Bạn có thể tưởng tượng rằng nếu mình ở trong thành thời đó, bạn có lẽ tự hỏi tương lai của thành này sẽ ra sao. Thế là những người Do Thái ngưng xây đền thờ và bắt đầu đeo đuổi vật chất (E-xơ-ra 4:11-24; A-ghê 1:2-6).
17, 18. Bằng những cách nào Đức Giê-hô-va đã lo liệu cho Giê-ru-sa-lem được xây lại?
17 Khoảng 17 năm sau khi họ trở về, Đức Chúa Trời đã dấy lên nhà tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri để sửa đổi lối suy nghĩ của dân Ngài. Những người Do Thái động lòng ăn năn nên đã khởi sự xây dựng lại đền thờ. Trong lúc đó, Đa-ri-út đã trở thành vua Ba Tư. Ông xác minh lệnh của Vua Si-ru cho xây lại thành Giê-ru-sa-lem. Vua Đa-ri-út gửi một chiếu chỉ đến những nước lân cận của Do Thái, cảnh cáo họ ‘hãy dan ra khỏi Giê-ru-sa-lem’ và lấy thuế khóa của vua để giúp cho công việc xây cất được hoàn tất (E-xơ-ra 6:1-13).
18 Những người Do Thái hoàn tất đền thờ vào năm thứ 22 sau khi họ trở về. Bạn có thể hiểu rằng đây là một dịp quan trọng để cử hành lễ ăn mừng. Nhưng thành Giê-ru-sa-lem và tường thành vẫn còn bị hư hại đến mức đáng kể. Thành phố đã được sửa chữa “về đời Nê-hê-mi, quan tổng-trấn, và về đời E-xơ-ra, làm thầy tế-lễ và văn-sĩ” (Nê-hê-mi 12:26, 27). Rõ ràng là vào cuối thế kỷ thứ năm TCN, thành Giê-ru-sa-lem, một thành quan trọng trong thế giới xưa, đã được hoàn toàn xây lại.
Đấng Mê-si xuất hiện!
19. Đấng Mê-si công nhận địa vị có một không hai của Giê-ru-sa-lem như thế nào?
19 Tuy nhiên, vài thế kỷ sau, có một biến cố quan trọng cho mọi người, đó là sự giáng sinh của Chúa Giê-su Christ. Thiên sứ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói với người mẹ đồng trinh của Chúa Giê-su: “Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài... nước Ngài vô-cùng” (Lu-ca 1:32, 33). Nhiều năm sau, Chúa Giê-su đã cho Bài Giảng trên Núi nổi tiếng. Trong bài giảng này, ngài cho lời khuyên và khích lệ về nhiều đề tài. Thí dụ, ngài khuyến khích người nghe làm tròn những điều họ thề với Đức Chúa Trời nhưng cũng phải thận trọng để không thề những điều không đáng. Chúa Giê-su nói: “Các ngươi còn có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình. Song ta phán cùng các ngươi rằng đừng thề chi hết: đừng chỉ trời mà thề, vì là ngôi của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ-chân của Đức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn” (Ma-thi-ơ 5:33-35). Điều đáng chú ý là Chúa Giê-su công nhận địa vị có một không hai của Giê-ru-sa-lem—địa vị mà nó đã có trong nhiều thế kỷ. Đúng vậy, đó là “thành của Vua lớn”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
20, 21. Nhiều người sống tại Giê-ru-sa-lem đã thay đổi hẳn thái độ như thế nào?
20 Gần cuối đời sống trên đất, Chúa Giê-su cho dân thành Giê-ru-sa-lem thấy ngài là vị vua được xức dầu một cách xứng đáng. Vào dịp vui mừng đó, nhiều người hưởng ứng bằng cách cất tiếng reo: “Đáng khen-ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Phước cho nước đến, là nước vua Đa-vít, tổ-phụ chúng ta!” (Mác 11:1-10; Giăng 12:12-15).
21 Tuy nhiên, chưa được một tuần, đám đông đã để cho những nhà lãnh đạo tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem xúi họ chống Chúa Giê-su. Ngài báo trước rằng thành Giê-ru-sa-lem và cả nước sẽ bị mất địa vị đáng chuộng trước mặt Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 21:23, 33-45; 22:1-7). Thí dụ, Chúa Giê-su tuyên bố: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang” (Ma-thi-ơ 23:37, 38). Vào Lễ Vượt Qua năm 33 CN, những người chống đối Chúa Giê-su đã xử tử ngài ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va làm cho đấng được xức dầu của Ngài được sống lại và làm vinh hiển Chúa Giê-su, cho ngài đời sống bất tử trong thể thần linh ở núi Si-ôn trên trời. Ngài làm điều này để tất cả chúng ta có thể hưởng được lợi ích (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32-36).
22. Sau khi Chúa Giê-su chết, những câu nhắc về Giê-ru-sa-lem có áp dụng cho điều gì?
22 Kể từ đó trở đi, hầu hết những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm về Si-ôn, hoặc Giê-ru-sa-lem, có thể được hiểu là có áp dụng cho sự sắp đặt ở trên trời hoặc cho những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su (Thi-thiên 2:6-8; 110:1-4; Ê-sai 2:2-4; 65:17, 18; Xa-cha-ri 12:3; 14:12, 16, 17). Một số câu nhắc về “Giê-ru-sa-lem” hoặc “Si-ôn” được viết sau khi Chúa Giê-su chết rõ ràng có ý nghĩa tượng trưng và không áp dụng cho thành hoặc nơi trên đất (Ga-la-ti 4:26; Hê-bơ-rơ 12:22; 1 Phi-e-rơ 2:6; Khải-huyền 3:12; 14:1; 21:2, 10). Bằng chứng cuối cùng cho thấy Giê-ru-sa-lem không còn là “thành của Vua lớn” là vào năm 70 CN khi quân đội La Mã đến hủy diệt thành, như Đa-ni-ên và Chúa Giê-su Christ đã tiên tri (Đa-ni-ên 9:26; Lu-ca 19:41-44). Những người viết Kinh-thánh và cả Chúa Giê-su không báo trước là sau này thành Giê-ru-sa-lem trên đất sẽ được lại đặc ân của Đức Giê-hô-va giống như trước nữa (Ga-la-ti 4:25; Hê-bơ-rơ 13:14).
Hòa bình lâu dài được hé mở
23. Tại sao chúng ta vẫn còn chú ý đến Giê-ru-sa-lem?
23 Sau khi ôn lại lịch sử ngày xưa của Giê-ru-sa-lem trên đất, một người không thể phủ nhận rằng thành này đã xứng với ý nghĩa của tên nó—“Nơi có [hoặc, Nền tảng] hòa bình gồm hai phần”—trong thời trị vì bình an của Vua Sa-lô-môn. Tuy nhiên, đó chỉ là điều cho thấy trước về nền hòa bình và thịnh vượng mà những người yêu mến Đức Chúa Trời sắp sửa được hưởng, họ sẽ sống trên trái đất được biến thành địa đàng (Lu-ca 23:43).
24. Chúng ta có thể biết được điều gì từ tình trạng đã có trong thời trị vì của Vua Sa-lô-môn?
24 Bài Thi-thiên 72 phản ảnh tình trạng đã có trong thời trị vì của Vua Sa-lô-môn. Nhưng bài hát hay này nói trước về những ân phước mà nhân loại sẽ được hưởng dưới sự cai trị của Đấng Mê-si, Chúa Giê-su Christ. Nói về ngài, người viết Thi-thiên đã hát: “Trong ngày vua ấy, người công-bình sẽ hưng-thịnh, cũng sẽ có bình-an dư-dật cho đến chừng mặt trăng không còn... Người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo; cũng sẽ xem huyết họ là quí-báu. Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi” (Thi-thiên 72:7, 8, 12-14, 16).
25. Tại sao chúng ta muốn biết thêm về Giê-ru-sa-lem?
25 Những lời này quả thật đã an ủi và đem hy vọng cho những người yêu mến Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem và những nơi khác trên đất! Bạn có thể ở trong số những người sẽ hưởng nền hòa bình trên khắp đất dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời thuộc Đấng Mê-si. Hiểu biết lịch sử của thành Giê-ru-sa-lem có thể giúp cho chúng ta hiểu ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Bài tiếp theo đây sẽ nói đến những biến cố xảy ra vào thập niên thứ bảy và thứ tám sau khi người Do Thái trở về từ Ba-by-lôn. Điều này đem lại sự an ủi cho tất cả những người muốn thờ phượng theo ý Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Vị Vua Lớn.
[Chú thích]
a Danh hiệu “Mê-si” (lấy từ chữ Hê-bơ-rơ) và “Christ” (từ chữ Hy Lạp) đều có nghĩa là “đấng được xức dầu”.
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao thành Giê-ru-sa-lem trở thành “ngôi của Đức Giê-hô-va”?
◻ Sa-lô-môn đóng vai trò quan trọng nào trong việc phát huy sự thờ phượng thật?
◻ Làm sao chúng ta biết thành Giê-ru-sa-lem không còn là trung tâm thờ phượng Đức Giê-hô-va?
◻ Tại sao chúng ta muốn biết rõ hơn về Giê-ru-sa-lem?
[Hình nơi trang 10]
Thành của Đa-vít ở trên ngọn đồi phía nam, nhưng Sa-lô-môn nới rộng thành về hướng bắc và xây đền thờ
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.
[Nguồn tư liệu nơi trang 8]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.