Một lòng trung thành với Đức Giê-hô-va
“Tôi sẽ đi theo sự chân-thật của Ngài; xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”.—THI 86:11.
1, 2. (a) Theo Thi-thiên 86:2, 11, điều gì sẽ giúp chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va khi gặp thử thách hoặc cám dỗ? (b) Khi nào chúng ta nên vun trồng lòng trung thành?
Tại sao dù bị tù tội hay bắt bớ, một số tín đồ Đấng Christ vẫn trung thành trong nhiều năm nhưng về sau không cưỡng lại được cạm bẫy vật chất? Câu trả lời liên quan đến lòng—con người bề trong của chúng ta. Bài Thi-thiên 86 liên kết sự trung thành với tấm lòng trọn vẹn, không bị phân hai. Người viết Thi-thiên là Đa-vít cầu nguyện: “Xin bảo-hộ linh-hồn tôi, vì tôi nhân-đức [“trung tín”, Bản Dịch Mới]; Đức Chúa Trời tôi ôi! xin hãy cứu kẻ tôi-tớ Chúa vẫn nhờ-cậy nơi Chúa”. Đa-vít cũng cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy cho tôi biết đường-lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chân-thật của Ngài; xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”.—Thi 86:2, 11.
2 Nếu không hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, các mối quan tâm và niềm yêu thích khác sẽ làm suy yếu lòng trung thành của chúng ta với Đức Chúa Trời. Những ham muốn ích kỷ giống như quả mìn chôn bên dưới con đường chúng ta đi. Mặc dù đã giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va trong những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn có thể rơi vào những cạm bẫy hoặc cám dỗ của Sa-tan. Việc chúng ta vun trồng lòng trung thành đối với Đức Giê-hô-va ngay từ bây giờ, trước khi thử thách và cám dỗ xảy đến, là quan trọng biết bao! Kinh Thánh nói: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết” (Châm 4:23). Chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá về phương diện này qua kinh nghiệm của một nhà tiên tri ở Giu-đa, ông được Đức Giê-hô-va sai đến gặp vua Giê-rô-bô-am của Y-sơ-ra-ên.
‘Ta sẽ cho người một món quà’
3. Giê-rô-bô-am phản ứng thế nào khi nghe nhà tiên tri của Đức Chúa Trời công bố thông điệp phán xét?
3 Hãy hình dung cảnh này: Người của Đức Chúa Trời vừa loan báo một thông điệp mạnh mẽ cho vua Giê-rô-bô-am, người đã thiết lập sự thờ phượng bò ở vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái phía bắc. Vua nổi giận. Ông ra lệnh cho người của mình bắt vị sứ giả này. Nhưng Đức Giê-hô-va hỗ trợ tôi tớ Ngài. Ngay lập tức, cánh tay vua giơ ra trong cơn giận dữ bị khô và bàn thờ dùng cho sự thờ phượng sai lầm nứt ra. Thái độ của Giê-rô-bô-am bất ngờ thay đổi. Ông nài xin người của Đức Chúa Trời: “Xin hãy nài-xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi và cầu-nguyện cho ta, hầu cho tay ta được lại như cũ”. Nhà tiên tri cầu nguyện và cánh tay vua được lành.—1 Vua 13:1-6.
4. (a) Tại sao đề nghị của vua thật sự là một thử thách cho lòng trung thành của nhà tiên tri? (b) Nhà tiên tri đã đáp lại như thế nào?
4 Sau đó, Giê-rô-bô-am nói với người của Đức Chúa Trời: “Ngươi hãy về cung với ta đặng bổ sức lại, và ta sẽ dâng cho người một lễ-vật [“món quà”, BDM]” (1 Vua 13:7). Nhà tiên tri sẽ làm gì? Ông có nên từ chối sự tiếp đãi của vua vì đã công bố thông điệp kết án không? (Thi 119:113). Hay là ông nên nhận lời mời, vì vua tỏ vẻ ăn năn? Giê-rô-bô-am chắc chắn có khả năng ban những món quà quý giá cho bạn của ông. Nếu nhà tiên tri của Đức Chúa Trời âm thầm nuôi dưỡng bất kỳ ham muốn nào về vật chất, lời đề nghị của vua có thể là một cạm bẫy lớn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã phán dặn nhà tiên tri: “Ngươi chớ ăn bánh, chớ uống nước, chớ noi con đường ngươi đã đi mà trở về”. Thế nên nhà tiên tri trả lời dứt khoát: “Dẫu vua ban cho tôi phân nửa gia-sản vua, tôi cũng chẳng vào cung với vua, hoặc ăn bánh hay là uống nước tại nơi nầy”. Rồi ông rời Bê-tên bằng con đường khác (1 Vua 13:8-10). Quyết định của nhà tiên tri dạy chúng ta bài học nào về việc hết lòng trung thành?—Rô 15:4.
“Phải thỏa lòng”
5. Chủ nghĩa vật chất liên quan thế nào đến lòng trung thành?
5 Chủ nghĩa vật chất có vẻ không liên quan đến lòng trung thành, nhưng thật ra thì có. Chúng ta có tin nơi lời Đức Giê-hô-va hứa sẽ cung cấp những gì chúng ta thật sự cần không? (Mat 6:33; Hê 13:5). Thay vì cố mua sắm một số tiện nghi nào đó bằng mọi giá dù hiện tại không đủ khả năng, chúng ta có thể xoay sở mà không cần những thứ đó không? (Đọc Phi-líp 4:11-13). Chúng ta có bị cám dỗ bỏ đặc ân phụng sự để có ngay những điều mình muốn không? Trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va có phải là điều ưu tiên trong đời sống chúng ta không? Câu trả lời phần lớn tùy thuộc vào việc chúng ta có hết lòng phụng sự Đức Chúa Trời hay không. Sứ đồ Phao-lô viết: “Sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”.—1 Ti 6:6-8.
6. Chúng ta có thể được mời nhận những “món quà” nào, và điều gì sẽ giúp chúng ta quyết định nhận hay không?
6 Chẳng hạn, chủ có thể đề nghị cho chúng ta thăng tiến với mức lương hậu hĩ và những quyền lợi khác. Hoặc chúng ta nhận thấy mình có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu dọn đến nơi khác hay ra nước ngoài làm việc. Thoạt nhìn, những cơ hội ấy dường như là ân phước của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên trước khi quyết định, chẳng phải chúng ta nên xem xét động cơ của mình hay sao? Điều chúng ta nên quan tâm trước hết là: Quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của tôi với Đức Giê-hô-va?
7. Tại sao cần phải trừ bỏ tận gốc mọi ham muốn vật chất?
7 Hệ thống của Sa-tan không ngừng cổ xúy chủ nghĩa vật chất. (Đọc 1 Giăng 2:15, 16). Mục tiêu của Ma-quỉ là hủy hoại tấm lòng của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần cảnh giác để nhận ra và trừ bỏ tận gốc mọi ham muốn vật chất trong lòng (Khải 3:15-17). Chúa Giê-su đã dễ dàng bác bỏ đề nghị của Sa-tan là cho ngài các nước thế gian (Mat 4:8-10). Ngài cảnh báo: “Hãy thận trọng, đề phòng mọi thứ tham lam, vì cuộc sống con người không cốt tại của cải dư dật đâu!” (Lu 12:15, BDM). Lòng trung thành sẽ giúp chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va thay vì tin nơi bản thân.
Tiên tri già “nói dối người”
8. Lòng trung thành của nhà tiên tri của Đức Chúa Trời bị thử thách như thế nào?
8 Mọi việc đã có thể yên ổn với nhà tiên tri của Đức Chúa Trời nếu ông tiếp tục hành trình trở về nhà. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức ông đương đầu với thử thách khác. Kinh Thánh cho biết: “Có một tiên-tri già ở tại Bê-tên. Một con trai người đến học lại cho người” mọi chuyện đã xảy ra trong ngày hôm ấy. Sau khi nghe chuyện, tiên tri già bảo con mình thắng lừa để ông đuổi theo nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Chẳng mấy chốc, ông thấy nhà tiên tri đang ngồi nghỉ dưới cây thông và nói: “Hãy đến nhà với ta đặng dùng bữa”. Khi người của Đức Chúa Trời từ chối lời mời, tiên tri già nói: “Ta cũng là tiên-tri như ngươi. Vả, một thiên-sứ vâng lịnh Đức Giê-hô-va có phán với ta rằng: Hãy dẫn nó vào nhà với ngươi, hầu cho nó ăn bánh và uống nước”. Nhưng Kinh Thánh cho biết: “Người tiên-tri nầy nói dối người”.—1 Vua 13:11-18.
9. Kinh Thánh nói gì về người dối trá, và họ gây tổn hại cho ai?
9 Dù tiên tri già có động cơ nào đi nữa, ông đã nói dối. Có lẽ ông từng là một nhà tiên tri trung thành của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, vào thời điểm này ông đã hành động dối trá. Kinh Thánh mạnh mẽ lên án hành vi ấy. (Đọc Châm-ngôn 3:32). Những người dối trá không chỉ làm hại chính mình về mặt thiêng liêng mà thường gây tổn hại cho người khác.
‘Người bèn trở lại với’ tiên tri già
10. Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời phản ứng thế nào trước lời mời của tiên tri già, và hậu quả là gì?
10 Lẽ ra nhà tiên tri ở Giu-đa đã có thể thấy được mưu mẹo của tiên tri già. Có lẽ ông nên tự hỏi: “Tại sao Đức Giê-hô-va lại sai thiên sứ đến gặp một người khác để ban chỉ thị mới cho tôi?”. Nhà tiên tri có thể xin Đức Giê-hô-va cho biết rõ về chỉ thị ấy, nhưng Kinh Thánh không nói ông đã làm điều này. Thay vì thế, “người của Đức Chúa Trời bèn trở lại với người [tiên tri già], ăn và uống tại nhà người”. Đức Giê-hô-va không hài lòng về điều đó. Cuối cùng, nhà tiên tri bị lừa dối lên đường trở về Giu-đa, ông gặp một con sư tử và nó giết ông. Đó quả là một kết thúc bi thảm cho sự nghiệp tiên tri của ông!—1 Vua 13:19-25a.
11. Nhà tiên tri A-hi-gia đã nêu gương tốt nào?
11 Trái lại, nhà tiên tri A-hi-gia, người được sai đến để xức dầu cho Giê-rô-bô-am làm vua, vẫn giữ trung thành cho đến lúc về già. Khi A-hi-gia đã cao tuổi và bị mù, Giê-rô-bô-am bảo vợ đến hỏi A-hi-gia về bệnh tình của con trai họ. A-hi-gia đã mạnh dạn cho biết con trai của Giê-rô-bô-am sẽ chết (1 Vua 14:1-18). Trong số nhiều ân phước mà A-hi-gia nhận được, ông có đặc ân góp phần vào Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Bằng cách nào? Sau này, sách của A-hi-gia được thầy tế lễ E-xơ-ra dùng làm tư liệu gốc.—2 Sử 9:29.
12-14. (a) Chúng ta có thể rút ra được bài học nào qua những gì xảy ra với nhà tiên tri trẻ? (b) Hãy minh họa việc cần phải cầu nguyện và suy xét kỹ những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh của các trưởng lão.
12 Kinh Thánh không nói tại sao nhà tiên tri trẻ ở Giu-đa đã không hỏi ý Đức Giê-hô-va trước khi đến ăn uống với tiên tri già. Phải chăng tiên tri già đã nói điều mà ông muốn nghe? Chúng ta rút ra bài học nào? Chúng ta phải hoàn toàn tin chắc những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va là chính đáng. Và chúng ta phải quyết tâm làm theo những đòi hỏi ấy, cho dù điều gì xảy ra.
13 Khi hỏi ý kiến người khác, một số người chỉ nghe những gì họ muốn nghe. Chẳng hạn, một người công bố có cơ hội nhận một việc làm có thể khiến anh không còn nhiều thời gian cho gia đình và các hoạt động thiêng liêng. Người công bố đến hỏi ý kiến trưởng lão. Khi bắt đầu cho lời khuyên, trưởng lão lưu ý rằng anh không có quyền bảo người công bố này phải chu cấp cho gia đình như thế nào. Sau đó, trưởng lão có thể giúp anh công bố xem xét những mối nguy hiểm về mặt thiêng liêng nếu nhận công việc. Liệu anh công bố này chỉ ghi nhớ lời mở đầu của trưởng lão, hay là sẽ nghiêm túc suy nghĩ về những lời sau đó? Rõ ràng, người công bố cần quyết định điều gì tốt nhất cho mình về mặt thiêng liêng.
14 Hãy xem một trường hợp khác. Một chị đến hỏi trưởng lão xem chị có nên ly thân với người chồng không tin đạo hay không. Hẳn anh trưởng lão sẽ giải thích rằng chị là người quyết định. Sau đó, anh có thể nhắc lại những lời khuyên trong Kinh Thánh về vấn đề này (1 Cô 7:10-16). Liệu chị có suy nghĩ kỹ đến những điều anh trưởng lão nói không? Hay chị đã quyết định ly thân với chồng rồi? Khi quyết định, chị nên khôn ngoan cầu nguyện và suy nghĩ về những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh.
Hãy khiêm nhường
15. Chúng ta học được gì từ sai lầm của nhà tiên tri của Đức Chúa Trời?
15 Chúng ta còn học được gì từ sai lầm của nhà tiên tri ở Giu-đa? Châm-ngôn 3:5 nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”. Thay vì tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va như trước đây, trong trường hợp này, nhà tiên tri ở Giu-đa đã tin cậy nơi sự phán đoán của mình. Lỗi lầm đó khiến ông mất mạng và mất tiếng tốt với Đức Chúa Trời. Kinh nghiệm của ông cho thấy rõ biết bao tầm quan trọng của việc khiêm nhường và trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va!
16, 17. Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va?
16 Khuynh hướng ích kỷ trong lòng thường khiến chúng ta quyết định sai. “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật” (Giê 17:9). Để giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tiếp tục cố gắng lột bỏ nhân cách cũ cùng khuynh hướng tự phụ và độc lập. Đồng thời chúng ta phải mặc lấy nhân cách mới, “tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch”.—Đọc Ê-phê-sô 4:22-24.
17 Châm-ngôn 11:2 nói: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”. Khiêm nhường tin cậy Đức Giê-hô-va giúp chúng ta tránh những lỗi lầm nghiêm trọng. Chẳng hạn, sự nản lòng có thể dễ dàng làm lệch lạc óc phán đoán của chúng ta (Châm 24:10). Chúng ta có thể mệt mỏi về một số lĩnh vực nào đó của thánh chức và bắt đầu cảm thấy thời gian qua mình làm đủ rồi, và có lẽ đã đến lúc để người khác gánh vác trách nhiệm. Hoặc có lẽ chúng ta muốn có cuộc sống “bình thường”. Tuy nhiên, việc “gắng sức” và “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn” sẽ gìn giữ lòng của chúng ta.—Lu-ca 13:24; 1 Cô 15:58.
18. Chúng ta có thể làm gì nếu không biết phải quyết định thế nào?
18 Đôi khi có những điều làm chúng ta khó quyết định và chúng ta không thấy ngay đường lối đúng. Liệu chúng ta có muốn tự giải quyết theo ý riêng không? Khi ở trong tình huống như thế, chúng ta nên khôn ngoan cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Gia-cơ 1:5 nói: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi”. Cha trên trời có thể ban thánh linh mà chúng ta cần để quyết định đúng đắn.—Đọc Lu-ca 11:9, 13.
Hãy quyết tâm giữ lòng trung thành
19, 20. Chúng ta phải quyết tâm làm gì?
19 Trong những năm xáo động sau khi Sa-lô-môn không còn theo sự thờ phượng thật, lòng trung thành của các tôi tớ Đức Chúa Trời bị thử thách gay go. Mặc dù có nhiều người đã nhượng bộ, không giữ đúng nguyên tắc, nhưng một số người vẫn giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va.
20 Hằng ngày, chúng ta đứng trước những lựa chọn và quyết định thử thách lòng trung thành. Chúng ta cũng có thể chứng tỏ mình trung thành. Vậy, hãy luôn một lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, hoàn toàn tin rằng Ngài sẽ tiếp tục ban phước cho các tôi tớ trung thành của Ngài.—2 Sa 22:26.
[Chú thích]
a Kinh Thánh không cho biết Đức Giê-hô-va có phạt tiên tri già phải chết hay không.
Bạn trả lời thế nào?
• Tại sao chúng ta phải cố gắng trừ bỏ tận gốc mọi ham muốn vật chất trong lòng?
• Điều gì sẽ giúp chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va?
• Làm thế nào sự khiêm nhường có thể giúp chúng ta giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời?
[Các hình nơi trang 9]
Bạn có thấy khó cưỡng lại cám dỗ không?
[Các hình nơi trang 10]
Bạn sẽ cầu nguyện và suy nghĩ về những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh không?