Đức Chúa Trời có thật đối với bạn không?
KHI trải qua những chuyện đau buồn, bạn có sẵn lòng đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện không? Nếu có, bạn có cảm giác mình đang nói chuyện với một Đấng có thật không?
Nói về Cha trên trời của ngài, Chúa Giê-su bảo: “Đấng đã sai ta đến là thật” (Giăng 7:28). Đúng vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thật và cầu nguyện với Ngài giống như tìm đến một người bạn thân để được giúp đỡ hoặc khuyên bảo. Dĩ nhiên, muốn Đức Chúa Trời lắng nghe, và để lời cầu nguyện được nhậm, những lời cầu nguyện của chúng ta phải hội đủ những gì Kinh-thánh đòi hỏi. Thí dụ, chúng ta phải khiêm nhường đến gần “Đấng nghe lời cầu-nguyện” qua Con của Ngài, Chúa Giê-su Christ (Thi-thiên 65:2; 138:6; Giăng 14:6).
Vì Đức Chúa Trời vô hình, một số người có thể cảm thấy Ngài lãnh đạm. Đối với họ, Đức Chúa Trời dường như trừu tượng. Ngay cả một số tín đồ đấng Christ đã học biết về những đặc tính tuyệt vời của Ngài, có thể đôi khi khó cảm nhận Ngài là thật như thế nào. Bạn có cảm thấy như vậy không? Nếu có, điều gì có thể giúp bạn cảm nhận Giê-hô-va Đức Chúa Trời là thật?
Học Kinh-thánh
Bạn có đều đặn học hỏi Kinh-thánh không? Bạn càng thường xuyên và chuyên chú học Kinh-thánh, thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời càng trở nên thật đối với bạn. Nhờ thế mà đức tin của bạn sẽ vững mạnh, đạt hiệu quả giúp bạn ‘thấy Đấng không thấy được’ (Hê-bơ-rơ 11:6, 27). Mặt khác, việc học hỏi Kinh-thánh một cách thất thường hoặc không liên tục rất có thể không gây ảnh hưởng quan trọng đối với đức tin của bạn.
Để minh họa: Hãy tưởng tượng bác sĩ bảo bạn thoa một loại kem mỡ mỗi ngày hai lần để điều trị chứng da nổi ban dai dẳng. Liệu những mảng lấm tấm đỏ trên da của bạn có biến mất không nếu mỗi tháng bạn chỉ thoa thuốc một hoặc hai lần? Rất có thể là không. Tương tự như thế, người viết Thi-thiên cho chúng ta một “toa thuốc” về sức khỏe thiêng liêng. Hãy đọc Lời Đức Chúa Trời, “suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm” (Thi-thiên 1:1, 2). Để vui hưởng lợi ích tích lũy, chúng ta cần theo “toa thuốc”—mỗi ngày xem xét Lời Đức Chúa Trời với sự giúp đỡ của các ấn phẩm đạo đấng Christ (Giô-suê 1:8).
Bạn có muốn làm cho những buổi học hỏi của bạn có tác dụng củng cố đức tin nhiều hơn không? Đây là một ý kiến gợi ý: Sau khi đọc một chương trong New World Translation of the Holy Scriptures hoặc một bản dịch khác có lời tham khảo đối chiếu, hãy chọn một câu Kinh-thánh thú vị và tra xem những câu Kinh-thánh được trích dẫn để tham khảo. Điều này khiến cho sự học hỏi của bạn phong phú hơn, và chắc chắn bạn sẽ rất khâm phục về sự hòa hợp của nội dung Kinh-thánh. Và rồi, điều này sẽ khiến Tác Giả của Kinh-thánh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, càng trở nên thật đối với bạn.
Dùng các lời tham khảo đối chiếu cũng có thể giúp bạn quen thuộc với những lời tiên tri trong Kinh-thánh và sự ứng nghiệm các lời tiên tri ấy. Có lẽ bạn quen thuộc với các lời tiên tri quan trọng của Kinh-thánh, như những lời liên hệ đến việc người Ba-by-lôn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Thế nhưng, Kinh-thánh chứa đựng một mạng lưới các lời tiên tri liên kết nhau và sự ứng nghiệm của nó. Một số những lời tiên tri này không được nhiều người biết đến.
Thí dụ, đọc lời tiên tri về hình phạt dành cho kẻ nào xây lại thành Giê-ri-cô, và rồi hãy xem xét sự ứng nghiệm của nó. Giô-suê 6:26 tuyên bố: “Bấy giờ, Giô-suê phát thề rằng: Phàm ai chỗi lên xây lại thành Giê-ri-cô nầy sẽ bị rủa-sả trước mặt Đức Giê-hô-va! Đặt nền nó lại, tất con trưởng-nam mình phải chết; dựng cửa nó lại tất con út mình phải chết”. Sự ứng nghiệm xảy ra khoảng 500 năm sau đó, vì chúng ta đọc nơi 1 Các Vua 16:34: “Trong đời A-háp, Hi-ên ở Bê-tên, xây lại thành Giê-ri-cô. Khi người đặt cái nền thì mất A-bi-ram, con trưởng-nam mình, lúc dựng các cửa thì mất Sê-gúp, con út mình, theo như lời Đức Giê-hô-va đã cậy Giô-suê, con trai của Nun, mà phán”.a Chỉ một Đức Chúa Trời có thật mới có thể soi dẫn những lời tiên tri như thế và làm ứng nghiệm các lời đó.
Trong khi đọc Kinh-thánh, bạn có thể rất muốn hiểu thêm về một điểm nào đó. Chẳng hạn, bạn có thể tự hỏi không biết có bao nhiêu năm trôi qua từ khi lời tiên tri được viết ra cho đến khi được ứng nghiệm. Thay vì chỉ đơn thuần đi hỏi người khác, tại sao không cố gắng tự tìm hiểu? Hãy tận dụng các biểu đồ và phương tiện giúp học Kinh-thánh, và siêng năng tìm ra lời giải đáp như thể bạn cố gắng giải mã một bản đồ dẫn đến kho tàng (Châm-ngôn 2:4, 5). Việc tìm thấy lời giải đáp sẽ có ảnh hưởng sâu đậm trên đức tin và làm cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời trở nên thật hơn đối với bạn.
Cầu nguyện thường xuyên và nhiệt thành
Đừng coi nhẹ tầm quan trọng của sự cầu nguyện và đức tin. Môn đồ của Chúa Giê-su trực tiếp cầu xin điều này: “Xin thêm đức-tin cho chúng tôi!” (Lu-ca 17:5). Nếu cho đến nay Đức Giê-hô-va dường như không có thật đối với bạn, tại sao không cầu nguyện với Ngài về việc bạn cần nhiều đức tin hơn nữa? Hãy tin tưởng kêu cầu sự giúp đỡ của Cha trên trời để Ngài trở nên thật đối với bạn.
Nếu có một vấn đề khiến bạn bận tâm, hãy dành thì giờ để chân thành thổ lộ nỗi lòng với người Bạn ở trên trời. Khi Chúa Giê-su gần chết, ngài đã tha thiết cầu nguyện. Dù ngài đã lên án thói quen tôn giáo là cầu nguyện rườm rà với dụng ý phô trương, ngài đã dành trọn một đêm để cầu nguyện riêng, trước khi chọn lựa 12 sứ đồ (Mác 12:38-40; Lu-ca 6:12-16). Chúng ta cũng có thể rút tỉa bài học nơi An-ne, người đã trở thành mẹ của nhà tiên tri Sa-mu-ên. Ao ước một đứa con trai, “nàng cầu-nguyện lâu-dài trước mặt Đức Giê-hô-va” (1 Sa-mu-ên 1:12).
Bài học căn bản trong tất cả các câu chuyện này là gì? Nếu bạn hy vọng lời cầu nguyện của mình được nhậm, bạn phải cầu nguyện một cách khẩn thiết, nhiệt thành và không ngừng,—và dĩ nhiên, hòa hợp với ý định của Đức Chúa Trời (Lu-ca 22:44; Rô-ma 12:12; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; 1 Giăng 5:13-15). Làm thế sẽ giúp bạn cảm thấy Đức Chúa Trời có thật.
Quan sát sự sáng tạo
Nhân cách của một nghệ sĩ có thể được biểu lộ qua các bức tranh của người đó. Tương tự như thế, “những đặc tính vô hình” của Đức Giê-hô-va, Đấng Thiết Kế và Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, được thấy rõ qua sự sáng tạo (Rô-ma 1:20, Bản Diễn Ý). Khi quan sát kỹ công việc tay Đức Giê-hô-va làm, chúng ta biết rõ hơn về cá tính của Ngài, và như thế Ngài trở nên có thật hơn đối với chúng ta.
Nếu bạn quan sát kỹ các vật do Đức Giê-hô-va tạo ra, bạn có thể nhận thức sâu sắc về thực chất của các đức tính Ngài. Thí dụ, kiến thức về khả năng bay của chim chóc có thể khiến bạn càng khâm phục sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Khi đọc những dữ kiện về vũ trụ, bạn có thể biết rằng dải Ngân Hà, với đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng, chỉ là một trong hàng tỉ thiên hà trong không gian. Chẳng lẽ điều đó không gây ấn tượng sâu sắc đối với bạn về thực chất của sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa hay sao?
Chắc chắn sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va có thật! Nhưng điều đó có nghĩa gì đối với bạn? Chắc chắn không vấn đề nào mà bất kỳ ai trong chúng ta trình lên Ngài qua lời cầu nguyện có thể làm Ngài bối rối. Đúng vậy, ngay cả sự hiểu biết sơ sài về sự sáng tạo có thể làm cho Đức Giê-hô-va trở nên thật hơn đối với bạn.
Cùng đi với Đức Giê-hô-va
Cá nhân bạn có thể cảm nghiệm Đức Giê-hô-va là thật đến như thế nào không? Có, nếu bạn giống như tộc trưởng trung thành Nô-ê. Ông luôn luôn vâng lời Đức Giê-hô-va, đến độ Kinh-thánh có thể nói về ông: “Nô-ê đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 6:9). Nô-ê đã sống như có Đức Giê-hô-va bên cạnh. Đức Chúa Trời cũng có thể có thật như thế đối với bạn.
Nếu bạn cùng đi với Đức Chúa Trời, bạn tin cậy những lời hứa trong Kinh-thánh và hành động hòa hợp với những lời hứa ấy. Thí dụ, bạn tin nơi lời của Chúa Giê-su: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy [những thứ cần thiết] nữa” (Ma-thi-ơ 6:25-33). Đành rằng có thể là Đức Giê-hô-va không luôn luôn cung cấp điều bạn cần theo cách bạn mong đợi. Tuy thế, khi bạn cầu nguyện, và sau đó nhận được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Ngài trở nên thật đối với bạn không khác gì một người ở bên cạnh bạn vậy.
Mối quan hệ mật thiết như thế với Đức Giê-hô-va phát triển khi một người bền bỉ cùng đi với Đức Chúa Trời. Hãy xem xét trường hợp của Manuela, một Nhân-chứng nói tiếng Tây Ban Nha đã chịu đựng nhiều thử thách. Chị nói: “Bất cứ lúc nào tôi lo âu hoặc cần sự giúp đỡ, tôi đã áp dụng nguyên tắc nơi Châm-ngôn 18:10. Tôi chạy đến với Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ. Ngài luôn luôn là ‘một ngọn tháp kiên-cố’ đối với tôi”. Chị Manuela có thể nói như vậy sau 36 năm nương tựa nơi Đức Giê-hô-va và chứng nghiệm sự nâng đỡ của Ngài.
Có phải bạn chỉ bắt đầu xem Đức Giê-hô-va là nơi tin cậy của bạn không? Đừng nản lòng nếu như mối liên hệ giữa bạn và Ngài chưa đúng ý bạn. Hãy sống mỗi ngày như một người cùng đi với Đức Chúa Trời. Khi bạn xây đắp một lối sống trung thành, bạn sẽ có được một mối liên hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 25:14; Châm-ngôn 3:26, 32).
Một cách khác để cùng đi với Đức Chúa Trời là chuyên cần phụng sự Ngài. Khi bạn tham gia hoạt động rao giảng về Nước Trời, bạn là người hợp tác với Đức Giê-hô-va (1 Cô-rinh-tô 3:9). Ý thức điều này khiến Đức Chúa Trời trở nên rất có thật đối với bạn.
Người viết Thi-thiên khuyên: “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy” (Thi-thiên 37:5). Đừng bao giờ quên phó thác cho Đức Chúa Trời bất cứ gánh nặng hoặc nỗi lo lắng nào mà bạn gặp phải. Hãy luôn trông cậy vào Ngài để được giúp đỡ và hướng dẫn. Nếu bạn thành tâm nương cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và luôn luôn tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài, bạn sẽ cảm thấy an toàn vì biết Ngài sẽ không quên hành động vì lợi ích của bạn. Bạn có tin tưởng khi đến với Đức Giê-hô-va vì những lo lắng cá nhân không? Bạn sẽ tin tưởng—nếu Đức Chúa Trời có thật đối với bạn.
[Chú thích]
a Về một thí dụ khác, hãy đọc lời báo trước việc làm ô uế bàn thờ của Giê-rô-bô-am nơi 1 Các Vua 13:1-3. Rồi hãy chú ý đến sự ứng nghiệm được tường thuật nơi 2 Các Vua 23:16-18.
[Hình nơi trang 21]
Hãy làm cho những buổi học hỏi của bạn có tác dụng củng cố đức tin
[Hình nơi trang 22]
Hãy dành thì giờ để cầu nguyện một cách đều đặn, nhiệt thành
[Hình nơi trang 23]
Hãy quan sát các đức tính của Đức Chúa Trời thể hiện thế nào qua sự sáng tạo
[Nguồn tư liệu]
Chim ruồi: U.S. Fish and Wildlife Service, Washington, D.C./Dean Biggins; ngôi sao: Photo: Copyright IAC/RGO 1991, Dr. D. Malin et al, Isaac Newton Telescope, Roque de los Muchachos Observatory, La Palma, Canary Islands