CHƯƠNG MƯỜI
Ông bênh vực sự thờ phượng thanh sạch
1, 2. (a) Dân tộc của Ê-li đã khổ sở ra sao? (b) Ê-li phải đối đầu với ai tại núi Cạt-mên?
Ê-li nhìn xuống phía đám đông đang lê từng bước nặng nhọc lên sườn núi Cạt-mên. Ngay cả trong ánh sáng tờ mờ của buổi sớm mai, ông vẫn thấy rõ sự nghèo nàn, thiếu thốn và khổ sở nơi những con người này. Ba năm rưỡi hạn hán đã gây tổn hại không nhỏ đến đời sống họ.
2 Đi cùng đoàn dân là 450 nhà tiên tri của thần Ba-anh. Họ bước đi cách ngạo mạn và lộ rõ vẻ căm ghét Ê-li, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Hoàng hậu Giê-sa-bên đã hành quyết nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời, thế mà người đàn ông này vẫn kiên quyết chống lại việc thờ Ba-anh. Nhưng được bao lâu? Có lẽ những thầy tế của Ba-anh nghĩ một người đơn độc như thế sẽ không bao giờ thắng được họ (1 Vua 18:4, 19, 20). Vua A-háp cũng đến đó trên một cỗ xe ngựa hoàng gia. Ông cũng chẳng ưa gì Ê-li.
3, 4. (a) Tại sao Ê-li thấy sợ khi ngày quan trọng bắt đầu? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Đây là ngày quan trọng nhất đời nhà tiên tri đơn độc này. Khi Ê-li nhìn dân sự, ông biết rằng họ sắp chứng kiến một cảnh tượng chưa từng thấy từ trước đến nay. Đó là một trong những cuộc đối đầu gây cấn nhất giữa thiện và ác. Ông cảm thấy thế nào khi bình minh ló dạng? “Là người có cảm xúc như chúng ta”, ông không phải là không biết sợ. (Đọc Gia-cơ 5:17). Chúng ta có thể biết chắc ít nhất một điều: Khi vây quanh là những người thiếu đức tin, cùng với tên vua bội đạo và những thầy tế đầy sát khí, hẳn Ê-li thấy rất cô độc!—1 Vua 18:22.
4 Điều gì đẩy dân Y-sơ-ra-ên rơi vào tình trạng tồi tệ đến thế? Lời tường thuật này liên quan thế nào đến chúng ta? Hãy xem gương đức tin của Ê-li và cách gương ấy giúp ích cho chúng ta thời nay.
Cuộc chiến dai dẳng lên đến đỉnh điểm
5, 6. (a) Từ lâu dân Y-sơ-ra-ên bị kẹt trong cuộc chiến nào? (b) Vua A-háp đã xúc phạm nặng nề đến Đức Giê-hô-va như thế nào?
5 Gần như cả cuộc đời, Ê-li đã bất lực đứng nhìn điều tốt đẹp nhất của quê hương và dân tộc bị bỏ mặc và chà đạp. Từ lâu dân Y-sơ-ra-ên bị kẹt trong một cuộc chiến dai dẳng giữa tôn giáo thật và tôn giáo sai lầm, giữa việc thờ phượng Đức Giê-hô-va và việc thờ thần tượng của những dân xung quanh. Vào thời Ê-li, cuộc chiến này ngày càng gay gắt hơn.
6 Vua A-háp đã xúc phạm nặng nề đến Đức Giê-hô-va. Ông cưới Giê-sa-bên, con gái của vua Si-đôn. Giê-sa-bên quyết bành trướng việc thờ Ba-anh ra khắp xứ và loại bỏ việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. A-háp liền bị bà ảnh hưởng. Ông xây một ngôi đền và bàn thờ cho Ba-anh, đồng thời dẫn đầu trong việc quỳ lạy thần ngoại giáo này.—1 Vua 16:30-33.
7. (a) Tại sao việc thờ Ba-anh là đáng ghê tởm? (b) Về khoảng thời gian xảy ra hạn hán vào thời Ê-li, tại sao chúng ta biết chắc Kinh Thánh không mâu thuẫn? (Bao gồm khung).
7 Tại sao việc thờ Ba-anh là đáng ghê tởm? Vì nó dụ dỗ dân Y-sơ-ra-ên, khiến nhiều người từ bỏ Đức Chúa Trời thật. Nó cũng là một tôn giáo bại hoại và tàn ác, bao gồm nạn mại dâm cả nam lẫn nữ nơi đền thờ, những cuộc truy hoan trác táng và thậm chí dâng con tế thần. Đức Giê-hô-va đã sai Ê-li đến báo cho A-háp biết sẽ có một cơn hạn hán kéo dài cho đến khi nhà tiên tri báo là kết thúc (1 Vua 17:1). Vài năm đã trôi qua, giờ đây Ê-li đến gặp A-háp, rồi bảo vua nhóm dân sự và những nhà tiên tri của Ba-anh lại tại núi Cạt-mên.a
Có thể nói hầu hết đặc điểm của việc thờ Ba-anh vẫn phổ biến thời nay
8. Lời tường thuật về việc thờ Ba-anh có ý nghĩa gì với chúng ta?
8 Cuộc chiến này có ý nghĩa gì với chúng ta? Một số người có thể cho rằng câu chuyện về việc thờ Ba-anh không liên quan gì tới thời nay, vì chúng ta không thấy đền thờ hay bàn thờ Ba-anh đâu cả. Nhưng lời tường thuật này không chỉ là lịch sử xa xưa (Rô 15:4). Từ “Ba-anh” có nghĩa là “chủ”. Đức Giê-hô-va bảo dân Y-sơ-ra-ên nên chọn ngài làm “ba-anh” của họ, hay làm “chồng” họ (Ê-sai 54:5). Bạn có đồng ý rằng người ta vẫn phụng sự nhiều chủ khác nhau thay vì Đức Chúa Trời Toàn Năng không? Khi theo đuổi tiền bạc, sự nghiệp, thú vui, dục vọng hoặc thờ bất cứ thần nào khác trong vô số thần thay vì Đức Giê-hô-va, người ta đã chọn chủ cho mình (Mat 6:24; đọc Rô-ma 6:16). Có thể nói hầu hết đặc điểm của việc thờ Ba-anh vẫn phổ biến thời nay. Khi suy ngẫm về cuộc chiến thời xưa giữa Đức Giê-hô-va và Ba-anh, chúng ta có thể khôn ngoan lựa chọn ai là đấng mình nên thờ phượng.
“Đi giẹo hai bên”—Như thế nào?
9. (a) Tại sao núi Cạt-mên là địa điểm lý tưởng để vạch trần đạo Ba-anh? (Cũng xem chú thích). (b) Ê-li nói gì với dân sự?
9 Đứng trên đỉnh núi Cạt-mên, người ta có thể thấy một khung cảnh trải dài—từ thung lũng Ki-sôn bên dưới cho đến Biển Lớn (Địa Trung Hải) gần đó, rồi đến rặng núi Li-ban ở tận chân trời phía bắcb. Nhưng khi mặt trời dần ló dạng vào ngày quan trọng ấy, cảnh tượng thật tệ hại. Vùng đất một thời màu mỡ mà Đức Giê-hô-va ban cho con cháu Áp-ra-ham giờ trở nên khô cằn. Nó bị cái nắng khắc nghiệt của mặt trời thiêu đốt và sự dại dột của dân Đức Chúa Trời tàn phá! Khi mọi người đã tụ họp đông đủ, nhà tiên tri Ê-li tiến đến gần họ và nói: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn”.—1 Vua 18:21.
10. Dân tộc của Ê-li “đi giẹo hai bên” như thế nào? Họ quên sự thật cơ bản nào?
10 Ê-li có ý gì khi nói dân sự “đi giẹo hai bên”? Dân sự không nhận ra rằng họ phải chọn thờ Đức Giê-hô-va hay là Ba-anh. Họ nghĩ họ có thể thờ cả hai—vừa thực hiện những nghi lễ ghê tởm để Ba-anh nguôi giận, vừa cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Có lẽ họ lý luận rằng Ba-anh sẽ ban phước cho mùa màng và gia súc của họ, còn “Đức Giê-hô-va vạn binh” sẽ bảo vệ họ trong chiến trận (1 Sa 17:45). Nhưng họ, và cả nhiều người thời nay, đã quên sự thật cơ bản là Đức Giê-hô-va đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc và ngài xứng đáng được như thế. Đức Giê-hô-va không chấp nhận, thậm chí ghê tởm việc pha trộn sự thờ phượng ngài với những sự thờ phượng khác!—Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5.
11. Làm thế nào lời kêu gọi của Ê-li giúp chúng ta xem lại việc thờ phượng và những điều ưu tiên trong đời sống?
11 Do đó, dân Y-sơ-ra-ên đã “đi giẹo hai bên” như một người cố đi hai đường cùng một lúc. Nhiều người thời nay cũng sai lầm như thế. Họ để cho những “ba-anh” khác dần xâm chiếm đời sống và gạt bỏ việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Ê-li đã đưa ra lời kêu gọi cấp bách để dân sự không “đi giẹo hai bên” nữa. Làm theo lời kêu gọi đó sẽ giúp chúng ta xem lại việc thờ phượng và những điều ưu tiên trong đời sống.
Cuộc thử nghiệm mang tính quyết định
12, 13. (a) Ê-li đề nghị làm thử nghiệm nào? (b) Làm sao chúng ta cho thấy mình vững tin như Ê-li?
12 Kế tiếp, Ê-li đề nghị làm một thử nghiệm rất đơn giản. Những thầy tế của Ba-anh phải lập một bàn thờ và đặt một vật tế lễ lên đó. Rồi họ kêu cầu thần của họ giáng lửa xuống bàn thờ. Nhà tiên tri Ê-li cũng làm y như vậy. Ông nói: “Thần đáp lời bằng lửa, ấy quả là Đức Chúa Trời”. Ê-li đã biết chắc ai là Đức Chúa Trời thật. Bởi vậy, với đức tin mạnh mẽ, ông không ngần ngại cho kẻ thù hưởng mọi lợi thế. Ông để những tiên tri của Ba-anh chọn con bò để tế lễ và kêu cầu Ba-anh trước.c—1 Vua 18:24, 25.
13 Chúng ta không còn sống trong thời kỳ có phép lạ nữa. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. Chúng ta cũng có thể vững tin nơi ngài như Ê-li. Ví dụ, khi người khác không đồng ý với những dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta không cần phải sợ mà hãy để họ bày tỏ quan điểm trước. Giống như Ê-li, chúng ta có thể chờ đợi Đức Chúa Trời thật giải quyết vấn đề. Chúng ta làm thế bằng cách tin cậy, không phải nơi bản thân mình, nhưng nơi Lời Đức Chúa Trời, vì lời ấy có thể “uốn nắn” mọi điều.—2 Ti 3:16.
Ê-li biết đạo Ba-anh là giả dối và lố bịch, nên ông muốn dân Đức Chúa Trời thấy được điều này
14. Ê-li chế nhạo những nhà tiên tri của Ba-anh như thế nào? Tại sao?
14 Những nhà tiên tri của Ba-anh chuẩn bị dâng vật tế lễ và kêu cầu thần của họ. Họ lớn tiếng lặp đi lặp lại: “Hỡi Ba-anh! Xin đáp lời chúng tôi”. Nhiều phút, rồi nhiều giờ trôi qua, họ cứ tiếp tục la lớn như thế. Kinh Thánh cho biết: “Nhưng chẳng có tiếng gì, cũng chẳng ai đáp lời”. Đến trưa, Ê-li bắt đầu chế nhạo họ rằng có lẽ thần của họ quá bận rộn, cũng có thể thần đang đi ngoài, hoặc đang ngủ và cần ai đó gọi dậy. Ê-li giục những kẻ bịp bợm đó: “Khá la lớn lên đi”. Rõ ràng, Ê-li biết đạo Ba-anh là giả dối và lố bịch nên ông muốn dân Đức Chúa Trời thấy được điều này.—1 Vua 18:26, 27.
15. Như những thầy tế của Ba-anh, tại sao chọn phụng sự chủ khác thay vì Đức Giê-hô-va là dại dột?
15 Những thầy tế của Ba-anh càng điên cuồng hơn, họ “kêu lớn tiếng; và theo thói-lệ họ, lấy gươm giáo gạch vào mình cho đến chừng máu chảy ra”. Nhưng vô ích! “Chẳng có tiếng nào đáp lại, cũng chẳng ai trả lời, và chẳng ai quan tâm đến” (1 Vua 18:28, 29; Bản Dịch Mới). Đúng vậy, chẳng có thần Ba-anh nào hết. Ba-anh chỉ là do Sa-tan bịa ra để dụ người ta từ bỏ Đức Chúa Trời. Sự thật là chọn phụng sự chủ khác thay vì Đức Giê-hô-va chỉ dẫn đến thất vọng, thậm chí hổ thẹn.—Đọc Thi-thiên 25:3; 115:4-8.
Đức Chúa Trời thật đáp lời
16. (a) Có lẽ Ê-li sửa sang lại bàn thờ của Đức Giê-hô-va trên núi Cạt-mên để nhắc dân sự điều gì? (b) Ê-li cho thấy ông vững tin nơi Đức Chúa Trời của mình bằng cách nào?
16 Trời đã quá trưa, và đến lượt Ê-li dâng vật tế lễ. Ông sửa sang lại bàn thờ của Đức Giê-hô-va, vì kẻ thù của sự thờ phượng thanh sạch đã phá hủy bàn thờ này. Ê-li dùng 12 hòn đá, có lẽ để nhắc nhiều người trong nước Y-sơ-ra-ên 10 chi phái nhớ rằng Luật pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho 12 chi phái vẫn còn hiệu lực đối với họ. Rồi ông đặt vật tế lễ lên bàn thờ, và lấy nước (có lẽ từ biển Địa Trung Hải gần đó) để rưới ngập lên mọi thứ. Thậm chí, ông còn đào một cái mương xung quanh bàn thờ và đổ đầy nước vào đó. Càng cho những nhà tiên tri của Ba-anh lợi thế bao nhiêu thì Ê-li càng gây bất lợi cho Đức Giê-hô-va bấy nhiêu. Điều đó chứng tỏ ông vững tin nơi Đức Chúa Trời của mình.—1 Vua 18:30-35.
Lời cầu nguyện cho thấy Ê-li vẫn quan tâm đến dân sự, vì ông mong muốn thấy Đức Giê-hô-va “khiến cho lòng họ trở lại”
17. Lời cầu nguyện của Ê-li cho biết gì về những điều ông ưu tiên? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương ông khi cầu nguyện?
17 Khi mọi thứ đã sẵn sàng, Ê-li bắt đầu cầu nguyện. Bằng những từ ngữ đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục, lời cầu nguyện đã cho thấy những điều ông ưu tiên. Trước nhất và trên hết, Ê-li muốn dân sự biết rằng chính Đức Giê-hô-va, chứ không phải Ba-anh, mới là “Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên”. Thứ hai, ông muốn họ biết vai trò của ông là tôi tớ Đức Giê-hô-va, và mọi sự vinh hiển cũng như ca tụng phải được quy cho ngài. Cuối cùng, lời cầu nguyện cho thấy Ê-li vẫn quan tâm đến dân sự, vì ông mong muốn thấy Đức Giê-hô-va “khiến cho lòng họ trở lại” (1 Vua 18:36, 37). Dù mọi khổ sở họ phải chịu là do thiếu đức tin nhưng Ê-li vẫn yêu thương họ. Như Ê-li, trong lời cầu nguyện riêng, chúng ta có biểu lộ sự khiêm nhường và quan tâm đến danh Đức Chúa Trời, cũng như cảm thông với những người cần được giúp đỡ không?
18, 19. (a) Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của Ê-li bằng cách nào? (b) Ê-li bảo dân sự làm gì? Tại sao những thầy tế của Ba-anh không đáng được thương xót?
18 Trước khi Ê-li cầu nguyện, đám đông ở đó có thể tự hỏi liệu Đức Giê-hô-va có làm họ thất vọng như Ba-anh không. Nhưng sau lời cầu nguyện của Ê-li, họ không kịp thắc mắc nữa. Kinh Thánh cho biết: “Lửa của Đức Giê-hô-va bèn giáng xuống, thiêu-đốt của-lễ thiêu, củi, đá, bụi, và rút nước trong mương” (1 Vua 18:38). Quả là một lời đáp vô cùng ấn tượng! Dân sự phản ứng thế nào?
19 Hết thảy dân sự đều la lớn: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” (1 Vua 18:39). Cuối cùng, họ đã nhận ra sự thật. Dù vậy, họ vẫn chưa biểu lộ đức tin của mình. Sau khi thấy ngài giáng lửa từ trời để đáp lời cầu nguyện, dân sự quả có thừa nhận Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật. Nhưng đó không phải là cách bày tỏ đức tin mạnh mẽ. Vì vậy, Ê-li đòi hỏi họ làm nhiều hơn thế. Ông bảo họ làm điều mà lẽ ra họ phải làm từ nhiều năm về trước, đó là vâng theo Luật pháp của Đức Giê-hô-va. Luật pháp nói rằng những nhà tiên tri giả dối và kẻ thờ thần tượng phải bị xử tử (Phục 13:5-9). Những thầy tế của Ba-anh bị xem là kẻ thù của Đức Chúa Trời và cố tình chống lại ý muốn ngài. Họ có đáng được thương xót không? Hãy nghĩ xem, họ có thương xót những đứa trẻ vô tội đã bị thiêu sống để hiến tế cho Ba-anh không? (Đọc Châm-ngôn 21:13; Giê 19:5). Họ không đáng được thương xót! Do đó, thật như lệnh của Ê-li, bọn họ đã bị hành quyết.—1 Vua 18:40.
20. Tại sao vô lý khi những nhà phê bình thời nay chỉ trích việc Ê-li hành quyết những thầy tế của Ba-anh?
20 Những nhà phê bình hiện đại có lẽ chỉ trích phần cuối của cuộc thử nghiệm trên núi Cạt-mên. Có thể một số người lo ngại rằng những phần tử tôn giáo quá khích sẽ dựa vào sự kiện này để bào chữa cho những hành động bạo lực đối với người thuộc tôn giáo khác. Đáng buồn thay, thời nay có quá nhiều người cuồng tín hành động bạo lực vì tôn giáo. Thế nhưng, Ê-li không phải là người cuồng tín. Ông thay mặt Đức Giê-hô-va để hành quyết cách công bằng. Vì thế, môn đồ chân chính của Chúa Giê-su biết rằng họ không được giết người ác như Ê-li đã làm. Thay vì vậy, họ làm theo tiêu chuẩn mà Chúa Giê-su dành cho mọi môn đồ của ngài. Ngài đã phán với Phi-e-rơ: “Hãy tra gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mat 26:52). Trong tương lai, Đức Giê-hô-va sẽ dùng Con ngài để thực thi công lý.
21. Gương của Ê-li giúp ích cho môn đồ chân chính của Chúa Giê-su thời nay như thế nào?
21 Môn đồ chân chính của Chúa Giê-su có trách nhiệm chứng tỏ đức tin qua đời sống (Giăng 3:16). Một cách để làm thế là noi theo đức tin của những người trung thành như Ê-li. Ông chỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va và khuyến khích người khác làm theo. Ông can đảm vạch trần sự giả dối của tôn giáo mà Sa-tan dùng để dụ người ta từ bỏ Đức Giê-hô-va. Ông cũng tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết vấn đề thay vì làm theo ý muốn và dựa vào khả năng của riêng mình. Ê-li đã bênh vực sự thờ phượng thanh sạch. Mong sao tất cả chúng ta đều noi theo đức tin của ông!
a Xem khung “Cơn hạn hán vào thời Ê-li kéo dài bao lâu?”.
b Núi Cạt-mên thường có cây cối sum suê, do có những luồng gió mang đầy hơi ẩm từ biển thổi dọc theo sườn núi, thường tạo thành mưa và rất nhiều sương. Vì người ta tin rằng thần Ba-anh ban mưa nên hẳn ngọn núi này là một địa điểm quan trọng để thờ Ba-anh. Nhưng giờ đây, núi Cạt-mên cằn cỗi và khô hạn này lại là nơi thích hợp để vạch trần sự giả dối của đạo Ba-anh.
c Hãy lưu ý là Ê-li bảo họ “chớ châm lửa” lên vật tế lễ. Một số học giả cho biết những người thờ thần tượng thỉnh thoảng dùng những bàn thờ có lỗ hổng bí mật bên dưới để ngọn lửa có thể bùng lên một cách huyền bí.