Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Giê-rê-mi
TAI HỌA mà Giê-rê-mi loan báo cho dân sự gây sửng sốt biết bao! Đền thờ tráng lệ từng là trung tâm thờ phượng hơn ba trăm năm sẽ bị thiêu hủy hoàn toàn. Thành phố Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa sẽ bị hoang vu, dân chúng bị bắt làm phu tù. Những lời phán xét này và các lời khác được ghi lại trong sách dài thứ nhì của Kinh Thánh, đó là sách Giê-rê-mi. Sách này cũng thuật lại những gì bản thân Giê-rê-mi trải nghiệm khi ông trung thành thi hành thánh chức trong 67 năm. Nội dung sách này được trình bày theo chủ đề chứ không theo thứ tự thời gian.
Tại sao chúng ta nên chú ý đến sách Giê-rê-mi? Những lời tiên tri trong đó được ứng nghiệm củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va là Đấng hoàn thành lời hứa. (Ê-sai 55:10, 11) Công việc tiên tri của Giê-rê-mi và thái độ của người ta đối với thông điệp ông rao truyền cũng giống như ngày nay. (1 Cô-rinh-tô 10:11) Hơn nữa, lời tường thuật về cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân sự cho thấy rõ các đức tính của Ngài và hẳn sẽ tác động sâu xa đến chúng ta.—Hê-bơ-rơ 4:12.
“DÂN TA ĐÃ LÀM HAI ĐIỀU ÁC”
Giê-rê-mi được giao sứ mệnh làm nhà tiên tri vào năm thứ 13 của triều đại Giô-si-a, vua xứ Giu-đa, 40 năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 607 TCN. (Giê-rê-mi 1:1, 2) Phần lớn những lời rao báo được loan ra trong 18 năm còn lại của triều Vua Giô-si-a, vạch trần những điều ác mà dân Giu-đa đã làm và tuyên bố sự phán xét của Đức Giê-hô-va. Ngài phán: “Ta sẽ khiến Giê-ru-sa-lem thành ra đống đổ-nát,. . . sẽ làm cho các thành của Giu-đa ra hoang-vu không người ở”. (Giê-rê-mi 9:11) Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va nói: “Dân ta đã làm hai điều ác”.—Giê-rê-mi 2:13.
Thông điệp cũng nói về sự khôi phục của những người còn sót lại biết ăn năn. (Giê-rê-mi 3:14-18; 12:14, 15; 16:14-21) Tuy nhiên, sứ giả mang thông điệp ấy không được người ta hoan nghênh. “Quản-đốc nhà Đức Giê-hô-va” đánh đòn Giê-rê-mi và cùm ông lại suốt đêm.—Giê-rê-mi 20:1-3.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:11, 12—Tại sao việc Đức Giê-hô-va tỉnh thức giữ lời Ngài phán lại liên quan đến “một gậy bằng cây hạnh”? Cây hạnh “trổ hoa trước các cây khác”. (Câu 11, cước chú) Nói theo nghĩa bóng, Đức Giê-hô-va “dậy sớm sai họ [các tiên-tri của Ngài] đến” để cảnh báo dân về sự phán xét và Ngài “tỉnh-thức” cho đến khi những lời ấy được ứng nghiệm.—Giê-rê-mi 7:25.
2:10, 11—Tại sao hành động của dân Y-sơ-ra-ên bất trung được xem là khác thường? Mặc dù các dân ngoại ở phía tây đến Kít-tim và ở phía đông đến Kê-đa có thể thờ thêm các thần của dân khác, ngoài các thần của họ, nhưng họ không hề nghĩ đến việc thay thế hẳn thần của mình bằng thần của dân khác. Vậy mà dân Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ Đức Giê-hô-va, tôn vinh những thần tượng vô tri vô giác thay vì Đức Chúa Trời hằng sống.
3:11-22; 11:10-12, 17—Dù Sa-ma-ri đã sụp đổ vào năm 740 TCN, tại sao thông điệp của Giê-rê-mi cũng nói đến vương quốc mười chi phái phía bắc này? Đó là vì sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN là sự phán xét trên toàn thể dân Y-sơ-ra-ên, chứ không phải chỉ mình xứ Giu-đa. (Ê-xê-chi-ên 9:9, 10) Hơn nữa, vương quốc gồm mười chi phái sau khi đã bị sụp đổ vẫn được nhắc đến ở Giê-ru-sa-lem, vì thông điệp của các tiên tri Đức Chúa Trời tiếp tục nói đến dân Y-sơ-ra-ên.
4:3, 4—Mệnh lệnh này có ý nghĩa gì? Những người Do Thái bất trung cần chuẩn bị, làm dịu và làm sạch lòng họ. Họ phải cắt “dương-bì” khỏi lòng, nghĩa là loại bỏ những ý tưởng, cảm xúc và động lực không trong sạch. (Giê-rê-mi 9:25, 26; Công-vụ 7:51) Điều này đòi hỏi phải thay đổi lối sống—không làm việc ác nữa mà làm những gì mang lại ân phước của Đức Chúa Trời.
4:10; 15:18—Đức Giê-hô-va phỉnh dân bội nghịch của Ngài theo nghĩa nào? Vào thời Giê-rê-mi, có những nhà tiên tri “nói tiên-tri dối”. (Giê-rê-mi 5:31; 20:6; 23:16, 17, 25-28, 32) Đức Giê-hô-va không ngăn cản họ tuyên bố những thông điệp sai lạc.
16:16—Đức Giê-hô-va “sai tìm nhiều kẻ đánh cá” và “nhiều thợ săn”, điều này hàm ý gì? Điều này có thể nói đến việc kẻ thù được sai đi nhằm tìm những người Do Thái bất trung để họ chịu sự phán xét của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, khi xem xét câu Giê-rê-mi 16:15, câu 16 cũng có thể ám chỉ việc tìm kiếm những người Y-sơ-ra-ên ăn năn.
20:7—Làm sao Đức Giê-hô-va “mạnh hơn” và thắng Giê-rê-mi đồng thời khuyên dỗ ông? Vì gặp sự thờ ơ, từ chối và ngược đãi khi tuyên bố sự phán xét của Đức Giê-hô-va, nên Giê-rê-mi có lẽ đã cảm thấy không có sức lực để tiếp tục sứ mạng. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã dùng sức mạnh để giúp Giê-rê-mi vượt qua cảm xúc ấy, và ban sức để ông tiếp tục. Vì thế, Đức Giê-hô-va khuyên dỗ bằng cách dùng ông để thực hiện điều mà chính nhà tiên tri này nghĩ ông không đủ sức làm.
Bài học cho chúng ta:
1:8. Đôi khi Đức Giê-hô-va giải thoát dân Ngài khỏi sự ngược đãi—chẳng hạn như dấy lên những thẩm phán không thiên vị, thay thế những viên chức thù nghịch bằng những người phải lẽ, hoặc bằng cách truyền sức mạnh cho những người thờ phượng Ngài để họ có thể chịu đựng.—1 Cô-rinh-tô 10:13.
2:13, 18. Dân Y-sơ-ra-ên bất trung đã làm hai điều ác. Họ lìa bỏ Đức Giê-hô-va, nguồn chắc chắn của ân phước, sự hướng dẫn và che chở. Và họ tự đào lấy “hồ” bằng cách liên minh quân sự với Ê-díp-tô và A-si-ri. Thời nay, việc từ bỏ Đức Chúa Trời thật để đi theo triết lý và học thuyết của loài người và chính trị của thế gian thì cũng giống như thay “nguồn nước sống” bằng “hồ nứt ra”.
6:16. Đức Giê-hô-va khuyên dân phản nghịch hãy ngừng lại để tự xét mình và tìm đường trở lại “những đường-lối” của các tổ phụ trung thành. Chẳng phải thỉnh thoảng chúng ta cũng nên tự xét xem mình có thật sự đang đi đúng con đường mà Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đi không?
7:1-15. Tin cậy vào đền thờ, xem đó như là một thứ bùa hộ mạng, không cứu được người Do Thái. Chúng ta phải bước đi bởi đức tin chứ chẳng bởi điều mắt thấy.—2 Cô-rinh-tô 5:7.
15:16, 17. Như Giê-rê-mi, chúng ta có thể khắc phục sự nản lòng. Chúng ta làm thế bằng cách: vui thích trong việc nghiêm túc học hỏi Kinh Thánh, tôn cao danh Đức Giê-hô-va trong thánh chức và tránh bạn bè xấu.
17:1, 2. Tội lỗi dân Giu-đa làm cho của-lễ họ dâng không còn được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Nếu chúng ta có đạo đức không thanh sạch thì Đức Giê-hô-va cũng không chấp nhận của-lễ chúng ta dâng bằng lời ngợi khen.
17:5-8. Loài người và các tổ chức của họ chỉ đáng tin cậy nếu hành động phù hợp với ý muốn và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Về những vấn đề như sự cứu rỗi, hòa bình và an ninh thật sự, thì chúng ta nên khôn ngoan chỉ tin cậy một mình Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 146:3.
20:8-11. Chúng ta chớ để cho thái độ lãnh đạm, chống đối hay ngược đãi làm giảm đi lòng sốt sắng trong công việc rao giảng về Nước Trời.—Gia-cơ 5:10, 11.
“HÃY ĐẶT CỔ MÌNH DƯỚI ÁCH CỦA VUA BA-BY-LÔN”
Giê-rê-mi rao báo sự phán xét trên bốn vị vua cuối cùng của Giu-đa cũng như các tiên tri giả, những kẻ chăn bất trung và các thầy tế lễ tha hóa. Ví những người trung thành còn sót lại là những trái vả tốt, Đức Giê-hô-va nói: “Ta sẽ để con mắt ta trên chúng nó làm ích cho”. (Giê-rê-mi 24:5, 6) Ba lời tiên tri trong chương 25 tóm tắt sự phán xét mà những chương sau sẽ trình bày chi tiết.
Các thầy tế lễ và tiên tri lập mưu giết Giê-rê-mi. Ông rao báo rằng họ phải hầu việc vua Ba-by-lôn. Giê-rê-mi nói với Vua Sê-đê-kia: “Hãy đặt cổ mình dưới ách của vua Ba-by-lôn”. (Giê-rê-mi 27:12) Tuy nhiên, “Đấng đã làm tan-lạc Y-sơ-ra-ên sẽ thâu-nhóm nó [Y-sơ-ra-ên] lại”. (Giê-rê-mi 31:10) Vì lý do chính đáng, người Rê-cáp được ban cho lời hứa. Giê-rê-mi bị giữ “trong nơi hành-lang lính canh”. (Giê-rê-mi 37:21) Thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, và phần đông dân cư bị bắt đi làm phu tù. Giê-rê-mi và thư ký Ba-rúc là hai trong số những người ở lại. Dù Giê-rê-mi khuyên dân chớ đi, nhưng những người sợ hãi đã đi qua nước Ê-díp-tô. Chương 46 đến 51 thuật lại lời mà Giê-rê-mi rao báo về các dân.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
22:30—Chiếu chỉ này có hủy quyền của Chúa Giê-su được lên ngai Đa-vít không? (Ma-thi-ơ 1:1, 11) Không. Chiếu chỉ này ngăn không cho bất cứ dòng dõi nào của Giê-hô-gia-kin “ngồi ngai Đa-vít và cai-trị trong Giu-đa”. Chúa Giê-su sẽ cai trị từ trên trời chứ không từ ngai vua ở Giu-đa.
23:33—“Gánh nặng của Đức Giê-hô-va” là gì? Vào thời Giê-rê-mi, lời phán xét nghiêm trọng của nhà tiên tri này về sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem là một gánh nặng cho người đồng xứ. Thái độ thờ ơ lãnh đạm của dân chúng là gánh nặng cho Đức Giê-hô-va nên Ngài từ bỏ họ. Cũng vậy, thông điệp Kinh Thánh về sự hủy diệt sắp tới của khối đạo xưng theo Đấng Christ là gánh nặng cho họ, và những người không lưu ý đến thông điệp là điều làm mệt mỏi cho Đức Chúa Trời.
31:33—Làm thế nào luật pháp Đức Chúa Trời được chép vào lòng? Khi một người hết sức yêu quý luật pháp Đức Chúa Trời và khao khát làm theo ý muốn Ngài, thì có thể nói rằng luật pháp Đức Chúa Trời được chép vào lòng người đó.
32:10-15—Tại sao làm hai tờ khế cho một vụ mua bán? Tờ khế để ngỏ là cho mục đích tham khảo. Tờ niêm phong là bản dự phòng để kiểm lại tính chính xác của tờ để ngỏ khi cần. Qua việc làm theo thủ tục pháp lý phải lẽ ngay cả khi mua bán với người nhà cũng là người đồng đạo, Giê-rê-mi nêu một gương cho chúng ta.
33:23, 24—“Hai họ” ở đây là ai? Một “họ” là hoàng gia qua dòng Vua Đa-vít, và “họ” kia là con cháu A-rôn thuộc dòng tế lễ. Khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ Đức Giê-hô-va bị hủy diệt, dường như Đức Chúa Trời đã từ bỏ hai “họ” này và sẽ không còn có một vương quốc ở trên đất, và sự thờ phượng ở đấy cũng không được phục hồi.
46:22—Tại sao tiếng của người Ê-díp-tô được ví như tiếng của con rắn? Điều này có thể ám chỉ tiếng huýt sáo khi rút lui hay tiếng nói yếu ớt của quốc gia này vì đã gặp tai họa. Sự so sánh này cũng cho thấy việc mang biểu tượng rắn thần trên vương miện của các Pha-ra-ôn Ai Cập với mục đích để được nữ thần rắn Uatchit che chở là điều vô ích.
Bài học cho chúng ta:
21:8, 9; 38:19. Ngay cả vào giờ cuối cùng, Đức Giê-hô-va vẫn đưa ra một chọn lựa cho dân không chịu sửa đổi của Giê-ru-sa-lem, một dân đáng chết. Quả thật, “những sự thương-xót của Ngài là lớn lắm”.—2 Sa-mu-ên 24:14; Thi-thiên 119:156.
31:34. Thật an ủi để biết rằng một khi Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi thì Ngài không nhắc lại để trừng phạt trong tương lai!
38:7-13; 39:15-18. Đức Giê-hô-va không quên công việc phụng sự trung thành của chúng ta, kể cả hoạt động “hầu việc các thánh-đồ”.—Hê-bơ-rơ 6:10.
45:4, 5. Cũng như trường hợp những ngày cuối cùng của Giu-đa, “ngày sau-rốt” của hệ thống này không phải là lúc để tìm “việc lớn”, chẳng hạn như của cải, địa vị hay sự đảm bảo về vật chất.—2 Ti-mô-thê 3:1; 1 Giăng 2:17.
GIÊ-RU-SA-LEM RỰC CHÁY
Đó là năm 607 TCN. Vua Sê-đê-kia đang cai trị năm thứ 11. Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn bao vây thành Giê-ru-sa-lem đã 18 tháng. Vào ngày mồng bảy tháng năm, năm thứ 19 của triều đại Nê-bu-cát-nết-sa, quan đầu thị vệ Nê-bu-xa-ra-đan “đến” Giê-ru-sa-lem. (2 Các Vua 25:8) Có lẽ từ trại của ông ở bên ngoài tường thành, Nê-bu-xa-ra-đan xem xét tình hình và lập kế hoạch. Ba ngày sau, tức ngày mồng mười, ông “vào” thành Giê-ru-sa-lem. Và ông sai đốt thành.—Giê-rê-mi 52:12, 13.
Giê-rê-mi tường thuật chi tiết về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem. Lời miêu tả của ông là đề tài cho những bài ca ai oán hay bi ca. Những bài này được ghi trong sách Ca-thương của Kinh Thánh.
[Hình nơi trang 8]
Giê-rê-mi loan báo về sự phán xét của Đức Giê-hô-va đối với Giê-ru-sa-lem
[Hình nơi trang 9]
Đức Giê-hô-va “mạnh hơn” và thắng Giê-rê-mi, nghĩa là gì?
[Hình nơi trang 10]
“Như những trái vả tốt nầy, ta cũng sẽ xem những kẻ phu-tù Giu-đa”.—Giê-rê-mi 24:5