“Lòng ngươi có chơn-thành cùng tôi... chăng?”
“Hãy đến cùng tôi, xem lòng sốt-sắng tôi đối với Đức Giê-hô-va” (II CÁC VUA 10:16).
1, 2. a) Tình trạng tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên càng ngày càng suy đồi như thế nào? b) Vào năm 905 TCN, những sự thay đổi lớn lao nào sắp xảy ra trong Y-sơ-ra-ên?
NĂM 905 TCN là thời kỳ có biến chuyển lớn trong nước Y-sơ-ra-ên. Khoảng 100 năm trước đó, Đức Giê-hô-va khiến cho nước Y-sơ-ra-ên thống nhất bị phân chia vì Sa-lô-môn bội đạo (I Các Vua 11:9-13). Rồi con của Sa-lô-môn, là Rô-bô-am, cai trị nước phương nam là Giu-đa trong khi nước Y-sơ-ra-ên phương bắc thì nằm dưới quyền của Vua Giê-rô-bô-am, người Ép-ra-im. Đáng buồn thay, nước phương bắc có một sự khởi đầu tai hại. Giê-rô-bô-am không muốn dân mình đi đến nước phương nam để thờ phượng tại đền thờ, vì sợ rằng họ sẽ có ý tưởng trở lại với nhà Đa-vít. Vì vậy ông lập ra sự thờ phượng con bò ở Y-sơ-ra-ên, và như vậy ông đã bắt đầu một mẫu hình thờ hình tượng kéo dài khá lâu trong suốt lịch sử nước phương bắc (I Các Vua 12:26-33).
2 Tình trạng còn tệ hơn nữa khi A-háp, con Ôm-ri, lên làm vua. Bà vợ ngoại quốc của ông, là Giê-sa-bên, cổ động sự thờ phượng Ba-anh và giết các tiên tri của Đức Giê-hô-va. Dù được tiên tri Ê-li thẳng thắn cảnh cáo, A-háp không làm gì để can ngăn bà. Tuy nhiên, vào năm 905 TCN, A-háp chết và con ông là Giô-ram kế vị. Bấy giờ đã đến lúc phải tẩy sạch đất nước. Người thừa kế Ê-li, là Ê-li-sê, cho quan tổng binh Giê-hu biết rằng Đức Giê-hô-va xức dầu ông để làm vua nước Y-sơ-ra-ên. Sứ mệnh của ông là gì? Hủy diệt nhà A-háp đầy tội lỗi và báo thù huyết của các tiên tri bị Giê-sa-bên giết! (II Các Vua 9:1-10).
3, 4. Làm sao Giô-na-đáp cho thấy lòng ông ‘chân thành với lòng Giê-hu’?
3 Vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, Giê-hu sắp đặt để giết bà Giê-sa-bên độc ác, và sau đó ông khởi sự tẩy sạch nước Y-sơ-ra-ên bằng cách hủy diệt nhà A-háp (II Các Vua 9:15–10:14, 17). Rồi ông gặp một người ủng hộ. “Giê-hu gặp Giô-na-đáp, con trai Rê-cáp, đương đi đến đón người. Người chào Giô-na-đáp, và nói rằng: Lòng ngươi có chơn-thành cùng tôi, như lòng tôi đã chơn-thành với ngươi chăng? Giô-na-đáp đáp rằng: Phải, chơn-thành. Giê-hu tiếp: Thế thì, nếu chơn-thành, hãy giơ tay cho tôi. Giô-na-đáp bèn giơ tay cho người. Giê-hu biểu người lên xe với mình, và nói rằng: Hãy đến cùng tôi, xem lòng sốt-sắng tôi đối với Đức Giê-hô-va. Vậy, Giê-hu dẫn người lên xe mình” (II Các Vua 10:15, 16).
4 Giô-na-đáp không phải là người Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, phù hợp với tên ông (có nghĩa là “Đức Giê-hô-va sẵn sàng”, “Đức Giê-hô-va oai nghiêm” hoặc “Đức Giê-hô-va rộng lòng”) ông là người thờ phượng Đức Giê-hô-va (Giê-rê-mi 35:6). Chắc chắn là ông đặc biệt muốn xem ‘lòng sốt-sắng của Giê-hu đối với Đức Giê-hô-va’. Làm sao chúng ta biết được? Hiển nhiên việc ông đến gặp vua được xức dầu của dân Y-sơ-ra-ên không phải là tình cờ. Giô-na-đáp “đương đi đến đón người”, sau khi Giê-hu đã giết Giê-sa-bên cùng với những người khác trong nhà A-háp rồi. Giô-na-đáp biết rõ tình hình khi ông nhận lời Giê-hu mời ông lên xe. Rõ ràng, ông đứng về phía Giê-hu—và Đức Giê-hô-va—trong cuộc xung đột giữa sự thờ phượng thật và sự thờ phượng giả.
Giê-hu và Giô-na-đáp thời nay
5. a) Những sự thay đổi nào sắp xảy ra cho toàn thể nhân loại? b) Giê-hu Lớn là ai, và ai đại diện cho ngài ở trên đất?
5 Ngày nay, một sự thay đổi lớn lao sắp sửa xảy ra cho toàn thể nhân loại, cũng như ngày xưa đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên vào năm 905 TCN. Nay gần đến lúc Đức Giê-hô-va tẩy sạch trái đất khỏi mọi hậu quả do ảnh hưởng Sa-tan gây ra, kể cả tôn giáo giả. Giê-hu thời nay là ai? Không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ. Lời tiên tri nói về ngài: “Hỡi Đấng mạnh-dạn, hãy đai gươm nơi hông, là sự vinh-hiển và sự oai-nghi của Ngài. Vì cớ sự chơn-thật, sự hiền-từ, và sự công-bình, hãy lấy sự oai-nghi Ngài cỡi xe lướt tới cách thắng trận” (Thi-thiên 45:3, 4). Chúa Giê-su có đại diện trên đất là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. Họ là tín đồ đấng Christ được xức dầu, “là những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus” (Ga-la-ti 6:16; Khải-huyền 12:17). Kể từ năm 1922, những anh em được xức dầu này của Chúa Giê-su dạn dĩ cảnh cáo về sự đoán phạt sắp đến của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 61:1, 2; Khải-huyền 8:7–9:21; 16:2-21).
6. Ai ra từ các nước để ủng hộ các tín đồ đấng Christ được xức dầu, và theo nghĩa bóng, họ lên xe của Giê-hu Lớn như thế nào?
6 Tín đồ đấng Christ được xức dầu không đơn thân làm điều này. Như Giô-na-đáp đã ra đón Giê-hu thì nhiều người từ các nước cũng ra để ủng hộ Chúa Giê-su, Giê-hu Lớn, và những người đại diện ngài trên đất trong việc đứng về phía sự thờ phượng thật (Xa-cha-ri 8:23). Chúa Giê-su gọi họ là “chiên khác” của ngài, và vào năm 1932 họ được nhận ra là lớp người Giô-na-đáp tân thời tương đương với Giô-na-đáp thời xưa. Họ được mời “lên xe” của Giê-hu thời nay (Giăng 10:16). Bằng cách nào? Bằng cách “giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời” và hợp tác với những người được xức dầu trong công việc làm “chứng [về] Đức Chúa Jêsus”. Thời nay, điều này bao gồm việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập, có vua là Chúa Giê-su (Mác 13:10). Vào năm 1935, lớp “Giô-na-đáp” này được nhận diện là ‘đám đông vô số người’ ở Khải-huyền 7:9-17.
7. Ngày nay, làm sao tín đồ đấng Christ cho thấy rằng ‘lòng họ chân thành’ với lòng Chúa Giê-su?
7 Kể từ thập niên 1930, đám đông vô số người và các anh em được xức dầu của họ can đảm chứng tỏ rằng họ ủng hộ sự thờ phượng thật. Tại những vùng đất ở Đông và Tây Âu, Viễn Đông và Phi Châu, nhiều người trong số họ đã chết vì đức tin (Lu-ca 9:23, 24). Tại những vùng đất khác, họ bị bỏ tù, bị hành hung hoặc bị bắt bớ bằng những cách khác (II Ti-mô-thê 3:12). Họ đã tạo được thành tích trung thành lớn làm sao! Bảng Báo Cáo Năm Công Tác 1997 cho thấy họ vẫn quyết tâm phụng sự Đức Chúa Trời, bất chấp điều gì xảy ra. ‘Lòng của họ vẫn chân thành’ với lòng của Chúa Giê-su. Điều này được chứng minh trong năm 1997, khi 5.599.931 người công bố Nước Trời, hầu hết thuộc nhóm “Giô-na-đáp”, đã bỏ ra tổng cộng 1.179.735.841 giờ để làm chứng về Chúa Giê-su.
Vẫn sốt sắng rao giảng
8. Nhân-chứng Giê-hô-va cho thấy họ sốt sắng đối với sự thờ phượng thật như thế nào?
8 Giê-hu có tiếng là người cưỡi xe ngựa rất nhanh—một bằng chứng cho thấy ông sốt sắng muốn hoàn tất nhiệm vụ của mình (II Các Vua 9:20). Chúa Giê-su, tức là Giê-hu Lớn, được mô tả là bị sự sốt sắng “tiêu-nuốt” (Thi-thiên 69:9). Vậy không lạ gì khi thấy tín đồ thật của đấng Christ ngày nay cũng nổi tiếng vì lòng sốt sắng của họ. Trong hội thánh và giữa công chúng, họ “giảng đạo,... bất-luận gặp thời hay không gặp thời” (II Ti-mô-thê 4:2). Đặc biệt vào đầu năm 1997, họ cho thấy rõ lòng sốt sắng của họ sau khi một bài trong tờ Thánh Chức Nước Trời khuyến khích càng nhiều người càng tốt tham gia vào thánh chức làm tiên phong phụ trợ. Mỗi nước đặt ra mục tiêu về số người làm tiên phong phụ trợ. Anh em đã đáp ứng thế nào? Thật xuất sắc! Nhiều chi nhánh vượt quá chỉ tiêu. Ecuador đặt mục tiêu là 4.000 người, nhưng trong tháng 3 người làm tiên phong phụ trợ được báo cáo lên tới 6.936 người. Nhật có tổng cộng 104.215 người tham gia trong ba tháng ấy. Tại Zambia, mục tiêu đặt ra là 6.000 người, nhưng trong tháng 3 có 6.414 người; tháng 4 có 6.532 người; và tháng 5 có 7.695 người làm tiên phong phụ trợ. Trên khắp đất, số người tiên phong phụ trợ và đều đều cao nhất là 1.110.251 người, 34,2 phần trăm cao hơn năm 1996. (Rô-ma 10:10).
9. Ngoài việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia, Nhân-chứng Giê-hô-va tìm những cách nào khác để nói với người ta về tin mừng?
9 Sứ đồ Phao-lô nói với các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô: “Tôi chẳng trễ-nải rao-truyền mọi đều ích-lợi cho anh em, chẳng giấu đều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công-chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20). Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay noi gương Phao-lô và sốt sắng rao giảng tin mừng từ nhà này sang nhà kia. Tuy nhiên, kiếm người ta ở nhà không phải là dễ. Do đó, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” khuyến khích người công bố Nước Trời nên gợi chuyện với người ta ở chỗ làm việc, ngoài đường phố, tại bờ biển, trong công viên—bất cứ nơi nào có người (Ma-thi-ơ 24:45-47). Kết quả thật là tuyệt diệu.
10, 11. Người công bố ở hai nước cho thấy họ chủ động tìm những người chú ý mà thường không thể gặp được ở nhà như thế nào?
10 Tại Copenhagen, Đan Mạch, một nhóm nhỏ người công bố rao giảng ngoài đường phố trước ga xe lửa. Từ tháng Giêng đến tháng 6, họ phân phát được 4.733 tạp chí, họ nói chuyện được với nhiều người và họ trở lại thăm viếng nhiều người chú ý. Một số người công bố ở đây đã thiết lập lộ trình tạp chí trong khu thương mại. Một thị xã có phiên chợ lớn vào mỗi ngày Thứ Sáu, với hàng ngàn khách đến đó. Vì vậy hội thánh sắp đặt để rao giảng thường xuyên ở khu chợ này. Tại một vùng nọ, các anh chị tới trường học để tặng gói tài liệu gồm những sách báo đặc biệt thích hợp cho thầy cô.
11 Tại Hawaii, anh em cũng cố gắng tìm cách gặp những người không thể gặp được ở nhà. Những khu vực đặc biệt gồm có khu công cộng (đường phố, công viên, bãi đậu xe và trạm xe buýt), trung tâm thành phố, trung tâm buôn bán và sân bay, làm chứng bằng điện thoại, phương tiện di chuyển công cộng (rao giảng trên xe buýt) và khuôn viên đại học. Hội thánh sắp đặt sao cho đúng số Nhân-chứng phụ trách một khu vực, và đồng thời dạy họ cách làm công việc này sao cho đúng. Những nước khác cũng báo cáo các hoạt động có quy củ tương tự như vậy. Kết quả là gặp được những người chú ý mà bình thường sẽ không bao giờ gặp được trong thánh chức rao giảng từ nhà này sang nhà kia.
Đứng vững
12, 13. a) Sa-tan dùng mưu mô nào để chống lại Nhân-chứng Giê-hô-va trong năm 1997? b) Tại một nước, sự tuyên truyền dối trá có tác dụng ngược lại như thế nào?
12 Trong năm 1997, tại nhiều nước, Nhân-chứng Giê-hô-va là nạn nhân của sự tuyên truyền xuyên tạc đầy ác ý với mục đích dùng luật pháp để chống lại họ. Nhưng Nhân-chứng Giê-hô-va không nao núng! (Thi-thiên 112:7, 8). Họ nhớ lời cầu nguyện của người viết Thi-thiên: “Kẻ kiêu-ngạo đã đặt lời nói dối hại tôi; tôi sẽ hết lòng gìn-giữ giềng-mối của Chúa” (Thi-thiên 119:69). Sự tuyên truyền dối trá như thế chỉ là bằng chứng cho thấy các tín đồ thật của đấng Christ bị thù ghét, đúng như Chúa Giê-su đã tiên tri (Ma-thi-ơ 24:9). Và đôi khi điều này lại có tác dụng trái ngược. Một người ở Bỉ đọc một bài gièm pha Nhân-chứng Giê-hô-va trong một nhật báo có nhiều độc giả. Vì sửng sốt trước những lời bình luận có tính cách vu khống, nên Chủ Nhật tuần sau ông đi dự buổi họp tại một Phòng Nước Trời. Ông sắp đặt để học Kinh-thánh với các Nhân-chứng và tiến bộ rất nhanh. Trước đó, ông ta nằm trong một băng đảng. Việc học hỏi Kinh-thánh đã giúp ông thay đổi đời sống, và những người chung quanh ông đều thấy ông đổi khác. Chắc chắn người viết bài báo vu khống ấy khi viết đã không nhắm đến kết quả như thế!
13 Một số người có lòng ngay thẳng ở Bỉ đã lên tiếng chống lại sự tuyên truyền dối trá. Trong số này có một cựu thủ tướng. Ông thú nhận là ông rất khâm phục những điều Nhân-chứng Giê-hô-va đã thực hiện. Và một dân biểu viết: “Trái với lời chỉ trích bóng gió thỉnh thoảng lan truyền, tôi nghĩ rằng [Nhân-chứng Giê-hô-va] không gây ra bất cứ nguy hiểm nào cho Nhà Nước cả. Họ là những công dân tận tâm, yêu chuộng hòa bình và tôn trọng chính quyền”. Lời của sứ đồ Phi-e-rơ thật khôn ngoan: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:12).
Một Lễ Kỷ Niệm nổi bật
14. Hãy nêu ra một số báo cáo phấn khởi về số người dự Lễ Kỷ Niệm trong năm 1997.
14 Những người làm chứng về Chúa Giê-su nên xem Lễ Kỷ Niệm sự chết của ngài là một điểm nổi bật trong năm. Điều này là thích hợp. Vào ngày 23 tháng 3 năm 1997, 14.322.226 người đã có mặt để cử hành lễ ấy, nhiều hơn năm 1996 đến 1.400.000 người (Lu-ca 22:14-20). Tại nhiều nước, số người dự Lễ Kỷ Niệm vượt xa số người công bố Nước Trời, cho thấy triển vọng gia tăng trong tương lai. Thí dụ, tại Haiti, năm 1997 có số người công bố cao nhất là 10.621, trong khi đó có 67.259 người dự Lễ Kỷ Niệm. Bạn có thể kiểm tra bảng báo cáo thường niên từ trang 18 đến trang 21 và xem bao nhiêu nước khác cũng có số người dự Lễ Kỷ Niệm khá cao so với số người công bố.
15. Ở một số nước, làm sao các anh em của chúng ta đã vượt qua những khó khăn nghiêm trọng trong việc cử hành Lễ Kỷ Niệm?
15 Đối với một số người, việc dự Lễ Kỷ Niệm không phải là dễ. Tại An-ba-ni có lệnh giới nghiêm từ lúc 7 giờ tối vì tình trạng bất ổn trong nước. Trong 115 nhóm ở rãi rác khắp nước, Lễ Kỷ Niệm bắt đầu vào lúc 5 giờ 45 chiều. Mặt trời lặn lúc 6 giờ 8 phút, đánh dấu sự bắt đầu của ngày 14 Ni-san. Những món biểu hiệu được chuyền vào khoảng 6 giờ 15. Hầu như trong mọi trường hợp, họ dâng lời cầu nguyện kết thúc vào lúc 6 giờ 30 tối, và những người dự vội vã về nhà trước giới nghiêm. Dù vậy, số người dự Lễ Kỷ Niệm là 3.154, so với số người công bố cao nhất là 1.090. Tại một nước Phi Châu vì tình trạng bất ổn nên không ai có thể đến Phòng Nước Trời được. Do đó, hai trưởng lão quyết định đến nhà của một trưởng lão khác để bàn thảo việc chia ra những nhóm nhỏ để cử hành lễ. Muốn đến nhà ấy, hai trưởng lão này phải băng qua một cái mương. Tuy nhiên, có trận chiến trong khu vực ấy và bất cứ người nào tìm cách băng qua mương sẽ bị bắn. Một trưởng lão chạy băng qua mương và không bị gì hết. Trưởng lão kia đang băng qua thì anh nghe tiếng súng. Anh nằm sấp xuống đất và bò đến nơi an toàn trong khi viên đạn rít qua đầu anh. Buổi họp trưởng lão đã diễn ra một cách thành công, và nhu cầu của hội thánh được chăm sóc chu đáo.
“Bởi mọi nước, mọi chi-phái,... mọi tiếng mà ra”
16. Lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan sắp đặt thế nào để truyền bá tin mừng cho những nhóm nhỏ nói tiếng khác?
16 Sứ đồ Giăng nói rằng đám đông sẽ “bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra” (Khải-huyền 7:9). Vì vậy, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương sắp đặt để có sách báo trong càng nhiều thứ tiếng càng tốt—kể cả thứ tiếng của những nhóm nhỏ và bộ lạc hẻo lánh. Chẳng hạn, tại Mozambique, tờ giấy nhỏ Đời sống trong một Thế giới Mới thanh bình được ra mắt thêm năm thứ tiếng nữa. Tại Ni-ca-ra-goa, sách mỏng Vui hưởng sự Sống đời đời trên Đất! được phát hành bằng tiếng Miskito—ấn phẩm đầu tiên của Hội Tháp Canh bằng tiếng này. Khi thấy tài liệu bằng tiếng mẹ đẻ, nhiều thổ dân Miskito đã vui mừng nhận sách mỏng. Trong năm 1997, Hội chấp thuận cho xuất bản sách báo trong thêm 25 thứ tiếng và in hơn một tỉ tạp chí.
17. Nhóm ngôn ngữ nào được giúp ở Đại Hàn, và băng video đã giúp thành phần này trong dân chúng như thế nào?
17 Tại Đại Hàn, một nhóm người nói tiếng khác đã được giúp đỡ. Năm 1997 là năm đầu tiên có hội nghị địa hạt bằng tiếng Đại Hàn ra dấu. Tại Đại Hàn, có 15 hội thánh gồm những người dùng ngôn ngữ ra dấu với 543 người công bố, nhưng đã có 1.174 người dự hội nghị và 21 người làm báp têm. Để giúp những người điếc không thể hiểu được lời nói hoặc chữ viết một cách dễ dàng, Hội đang sản xuất ấn phẩm bằng băng video trong 13 ngôn ngữ ra dấu. Do đó, người điếc được giúp để “đọc” và thậm chí để học hỏi tin mừng, với kết quả tốt. Tại Hoa Kỳ, trước đây phải mất đến 5 năm để một người điếc tiến bộ đến mức làm báp têm. Bây giờ, nhờ có một số băng video trong tiếng Mỹ ra dấu, thì đối với một số người điếc, thời gian ấy đã giảm xuống còn khoảng một năm.
‘Tiếp tục ở trên cỗ xe’
18. Sau khi gặp Giô-na-đáp, Giê-hu khởi đầu việc gì?
18 Vào năm 905 TCN, sau khi có Giô-na-đáp đi cùng, Giê-hu khởi đầu hủy diệt sự thờ phượng giả. Ông mời tất cả mọi người thờ Ba-anh: “Hãy rao một lễ trọng-thể để cúng-thờ thần Ba-anh”. Rồi ông sai những sứ giả đi khắp nước để bảo đảm rằng không một ai thờ Ba-anh bị bỏ sót. Khi đám người đổ xô vào đền thờ của thần giả, Giê-hu kiểm điểm để chắc chắn không một ai thờ phượng Đức Giê-hô-va ở đó. Cuối cùng, Giê-hu và quân đội của ông giết những người thờ Ba-anh. “Như vậy, Giê-hu trừ-diệt thần Ba-anh khỏi Y-sơ-ra-ên” (II Các Vua 10:20-28).
19. Khi nhìn thấy những gì sắp xảy đến cho nhân loại, chúng ta nên biểu lộ tinh thần nào, và chúng ta nên bận rộn thực hiện công việc nào?
19 Ngày nay, tất cả các tôn giáo giả sắp bị phán xét lần cuối cùng. Dưới sự hướng dẫn của các thiên sứ, các tín đồ đấng Christ rao báo tin mừng cho toàn thể nhân loại, khuyến khích họ kính sợ Đức Chúa Trời và tách biệt khỏi tôn giáo giả (Khải-huyền 14:6-8; 18:2, 4). Những người nhu mì được khuyến khích phục tùng Nước Đức Chúa Trời dưới quyền Chúa Giê-su Christ, đấng được Đức Giê-hô-va phong làm vua cai trị (Khải-huyền 12:10). Vào thời kỳ sôi nổi này, trong khi vững vàng đi theo sự thờ phượng thật, chúng ta chớ nên để cho lòng sốt sắng của mình giảm đi.
20. Bạn quyết tâm làm điều gì trong năm công tác 1998?
20 Có lần, khi gặp nhiều áp lực, Vua Đa-vít cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững-chắc, lòng tôi vững chắc; tôi sẽ hát, phải, tôi sẽ hát ngợi-khen. Hỡi Chúa, tôi sẽ cảm-tạ Chúa giữa các dân” (Thi-thiên 57:7, 9). Mong sao chúng ta cũng có lòng vững chắc. Trong năm công tác 1997, dù gặp nhiều khó khăn, các anh em đã lớn tiếng ca ngợi, tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Mong sao một lời ca ngợi tương tự, thậm chí còn lớn hơn nữa, sẽ được loan ra vào năm công tác này. Và mong sao điều này sẽ xảy ra bất chấp những gì Sa-tan cố gắng làm để chống đối chúng ta hoặc làm chúng ta nản lòng. Như vậy, chúng ta sẽ cho thấy rằng lòng chúng ta vẫn chân thành với lòng của Giê-hu Lớn, Chúa Giê-su Christ, và chúng ta sẽ hết lòng đáp ứng lời khuyên giục được soi dẫn: “Hỡi người công-bình, hãy vui-vẻ và hớn-hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay-thẳng, hãy reo-mừng!” (Thi-thiên 32:11).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Những sự thay đổi nào xảy đến cho dân Y-sơ-ra-ên vào năm 905 TCN?
◻ Giê-hu thời nay là ai, và ‘đám đông vô số người’ cho thấy ‘lòng họ chân thành’ với lòng ngài như thế nào?
◻ Những con số thống kê nào trong bản báo cáo thường niên cho thấy lòng sốt sắng của Nhân-chứng Giê-hô-va biểu lộ trong năm công tác 1997?
◻ Dù Sa-tan có thể làm gì đi nữa để chống đối, chúng ta sẽ biểu lộ tinh thần nào trong năm công tác 1998?
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 18-21]
BÁO CÁO RAO GIẢNG TRÊN KHẮP THẾ GIỚI CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA NĂM 1997
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm.)
[Hình nơi trang 15]
Số đông người dự Lễ Kỷ Niệm cho thấy có triển vọng gia tăng nhiều hơn trong tương lai
[Hình nơi trang 16]
Như Giô-na-đáp ủng hộ Giê-hu, ngày nay ‘đám đông vô số người’ ủng hộ Giê-hu Lớn, là Chúa Giê-su Christ, và các anh em được xức dầu của ngài