Bạn thờ phượng Đấng Thiêng liêng nào?
KHẮP thế gian, người ta có lẽ sẽ trả lời nhiều cách khác nhau. Sứ đồ Phao-lô đã nhận xét: “[Người ta] thờ nhiều thần nhiều chúa” và ngày nay, số thần, chúa đó lên đến hằng triệu (1 Cô-rinh-tô 8:5). Thế nhưng bạn có biết chăng, nhiều người thật sự thờ một thần khác hẳn với Đấng mà họ tưởng họ đang thờ phượng? Và bạn có nhận định ra rằng ngay chính nhiều người vô thần lại sùng kính hơn cả những ai cho rằng tin nơi một chúa? Bằng cách nào?
Bởi chữ thờ phượng cũng có nghĩa “dành trọn sự kính trọng, khâm phục hoặc nhiệt thành”. Trong các ngôn ngữ nguyên thủy của Kinh-thánh, các chữ dùng cho sự thờ phượng chứa đựng ý nghĩa phụng sự hoặc quỳ lạy một đấng nào. Hiểu như vậy, chúng ta hãy xem thế nào nhiều người đã lầm lẫn mà thờ phượng thật sự một đấng hoặc vật nào khác với điều họ tưởng.
Hòa lẫn nhiều sự thờ phượng khác nhau
Hãy lấy ví dụ của dân Sa-ma-ri thời xưa. Họ là dân ngoại bang mà nước A-si-ri đã đem vào cho ở xứ Pha-lê-tin để thay thế cho số người của nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc gồm mười chi phái bị đem đi đày nơi xa. Những người Sa-ma-ri nầy khi trước thờ thần ngoại, nhưng bây giờ họ cố học về Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên. Thế họ có bỏ được tôn giáo xưa không? Không. Kinh-thánh tường thuật: “[Họ] còn làm theo thói-tục cũ của mình. Như vậy, các dân-tộc ấy kính-sợ Đức Giê-hô-va [mà] cũng hầu việc những hình-tượng chạm của mình” (2 Các Vua 17:40, 41). Vậy thì dân Sa-ma-ri, dầu trên danh hiệu thờ Đức Giê-hô-va, song vẫn còn thờ các thần cũ của họ, vậy họ thực hành một loại tôn giáo hòa lẫn nhiều đạo.
Một điều tương tợ xảy ra khi các giáo sĩ mang tôn giáo của Giáo hội Công giáo La-mã vào miền Nam Mỹ. Họ đổi đạo phần lớn dân số, song cũng như dân vùng Sa-ma-ri thuở xưa, dân nầy không quên các thần trước của họ. Do đó, tại xứ Ba-tây, các tục lệ tà giáo “voodoo” vẫn còn thịnh hành trong đám người tự xưng “tín đồ đấng Christ” cũng như các lễ mừng các thần chúa xưa, như nữ thần Iemanjá. Điều tương tợ cũng xảy ra trong các xứ khác của Nam Mỹ.
Ngoài ra, chính tôn giáo mà các giáo sĩ du nhập vào Nam Mỹ cũng đã sẵn là một tôn giáo trộn lẫn với tà giáo. Nhiều giáo điều như thuyết Ba Ngôi, lửa địa ngục và linh hồn bất tử đã bắt nguồn từ các tôn giáo ngoại hoặc những triết lý xa xưa. Chắc chắn những thuyết nầy không trích từ Kinh-thánh. Cũng vậy, các lễ lớn—kể cả lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh—không bắt nguồn từ đạo của đấng Christ.a Có thể nào vừa theo lễ ngoại và tin các tà thuyết kể trên lại vừa thờ phượng Đức Chúa Trời của Kinh-thánh được chăng? Chính Đức Chúa Trời của Kinh-thánh đã nói: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3). Như vậy, chắc chắn không thể được!
“Hãy giữ mình về hình-tượng!”
Xin hãy xét một cách khác về việc người ta có thể bị sai lầm trong vấn đề thờ phượng. Sứ đồ Giăng viết: “Hỡi các con-cái bé-mọn, hãy giữ mình về hình-tượng” (1 Giăng 5:21). Khoảng một tỷ người được kể là thuộc vào các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ (Ky-tô), và họ tự cho đồng thờ phượng một Đức Chúa Trời như Giăng. Thế nhưng, hằng trăm triệu người trong số họ đều thờ lạy các hình tượng của “các thánh”, của Giê-su và của trinh nữ Ma-ri.
Còn có những hình thức thờ phượng khác nữa. Vào năm 44 tây lịch, vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba ra truyền phán giữa công chúng, và dân chúng cảm phục kêu lên rằng: “Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu” (Công-vụ các Sứ-đồ 12:21, 22). Dân chúng tôn sùng Hê-rốt lên bậc thần, chúa của họ. Ngày nay cũng có những sự tôn sùng như vậy. Trong những ngày thịnh vượng của phong trào Đức quốc xã tại Âu Châu, người ta đã tung hô một cách sùng kính “Hít-le vạn tuế!” Nhiều người đã tình nguyện ra trận và chết vì “vị lãnh đạo (Führer)” coi Hít-le như một thần, một vị cứu thế cho nước Đức. Đã vậy, phần lớn những người sùng kính nầy là thuộc các nhà thờ của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ!
Trước và sau thời Hít-le, có những nhà lãnh tụ chính trị cũng tự tôn mình lên bậc cứu dân và đòi sự sùng kính độc tôn. Nhiều người tôn sùng họ, bất kể thuộc hạng người tự cho rằng đã có một tôn giáo rồi hoặc thuộc những người vô thần. Sự sùng kính các nhân vật nổi tiếng về thể thao, phim ảnh hoặc những phương diện giải trí khác cũng trở thành như thể thờ phượng thần chúa vậy.
Sự thờ phượng tiền bạc
Hơn thế nữa, xin ngẫm nghĩ về ngụ ý của các lời sau đây của Giê-su: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn [Chúa sự giàu sang] nữa” (Ma-thi-ơ 6:24). Bạn có biết người nào theo một tôn giáo rồi nhưng có mục đích chính yếu trong đời sống là tiền bạc không? Người như thế thật sự thờ phượng ai, Đức Chúa Trời hoặc sự giàu sang? Còn biết bao nhiêu người vô thần mà bạn biết đã sống chết vì tiền bạc? Chắc chắn, những người đó cũng thờ tiền bạc như chúa của họ, có lẽ còn hăng say hơn những người có đạo khác.
Sứ đồ Phao-lô giải thích một nguyên tắc tương tợ, khi ông viết: “Vậy hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng” (Cô-lô-se 3:5). Nếu chúng ta tham một điều chi đến đỗi dành tất cả sức lực để đạt được nó, ngay cho có thể phạm luật pháp cũng mặc, thì điều đó trở thành như một sự sùng kính một thần chúa vậy (Ê-phê-sô 5:5). Trong một lá thư khác, Phao-lô viết về một số người phạm tội: “Họ lấy bụng mình làm chúa mình” (Phi-líp 3:19). Nếu trọn mục tiêu đời sống chỉ là để tự thỏa mãn mình, chỉ nghĩ đến sự ăn uống tức nghĩ đến cái bụng, thì có nghĩa như chính mình thành chúa mình thờ vậy. Bạn có biết nhiều người có một sự thờ phượng như thế không?
Đúng vậy, như Phao-lô đã viết: “[Người ta] thờ nhiều thần nhiều chúa”. Và trong nhiều trường hợp, những người thờ phượng nầy giống như dân xứ Sa-ma-ri, miệng nói thờ một thần, song hành động cho thấy họ thờ một thần khác. Sự kiện là chỉ có một Đấng Thiêng liêng duy nhất đáng cho chúng ta thờ phượng. Bạn có biết Đấng ấy là ai không? Ngoài ra, chỉ có một điều chung trong tất cả các sự thờ phượng khác tách rời khỏi Đấng nầy. Điều đó là gì? Chúng ta sẽ xem trong bài tới.
[Chú thích]
a Để biết thêm chi tiết, xin xem cuốn Bạn có thế Sống đời đời trong Địa-đàng trên Đất, trang 212, 213, xuất bản bởi Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc.).