Một đế quốc bị quên lãng làm hổ thẹn những người chỉ trích Kinh-thánh
“Trước kia lịch sử của đế quốc A-si-ri là một trong những chương mù mờ nhất của lịch sử thế giới”. “Tất cả những gì được biết về Ni-ni-ve xưa bao hàm trong những lời nói bóng gió rải rác và những lời tiên tri ám chỉ về thành này trong Kinh-thánh, và những sự nhận xét tình cờ và rời rạc về lịch sử A-si-ri của Diodorus Siculus... và những người khác”.
SỬ GIA Hy Lạp là Diodorus Siculus sống 2.000 năm trước đây. Ông cho rằng Ni-ni-ve là thành phố có bốn bề; tổng cộng bốn bề dài 480 “stadia”. Điều này có nghĩa chu vi của thành là 96 cây số! Kinh-thánh cũng cho thấy một hình ảnh tương tự, miêu tả Ni-ni-ve là một thành phố rất lớn “đi mất ba ngày đường” (Giô-na 3:3).
Những người phê bình Kinh-thánh vào thế kỷ 19 không tin một thành phố không ai biết đến thuộc thế giới cổ lại có thể rộng đến như vậy. Họ còn nói rằng nếu Ni-ni-ve đã từng hiện hữu thì thành phố đó chắc phải thuộc một nền văn minh cổ trước Ba-by-lôn.
Quan điểm này trái với Sáng-thế Ký đoạn 10. Đoạn này nói rằng chắt của Nô-ê, là Nim-rốt, thành lập quốc gia đầu tiên trong vùng Ba-bên, hay Ba-by-lôn. Kinh-thánh nói tiếp: “Từ xứ đó người đến xứ A-si-ri, rồi lập thành Ni-ni-ve, Rê-hô-bô-ti, Ca-lách, và thành Rê-sen, là thành rất lớn, ở giữa khoảng thành Ni-ni-ve và Ca-lách” (Sáng-thế Ký 10:8-12). Hãy lưu ý, Kinh-thánh mô tả bốn thành phố mới của A-si-ri như một “thành rất lớn”.
Năm 1843, nhà khảo cổ Pháp, Paul-Émile Botta, khám phá ra tàn tích của một cung điện cho thấy đó là một phần của một thành phố A-si-ri. Tin này tung ra gây sôi nổi trong công chúng. Trong sách “Kho tàng của thời Kinh-thánh được viết ra” (Treasures From Bible Times) tác giả Alan Millard giải thích: “Công chúng lại càng chú ý nhiều hơn nữa khi có bằng chứng là cung điện đó của Sa-gôn, vua của A-si-ri mà Ê-sai 20:1 có nêu tên. Trước đó người ta nghi không có ông vua này vì ngoài Kinh-thánh ra không ai biết đến”.
Trong khi đó, nhà khảo cổ khác là Austen Henry Layard bắt đầu đào bới những tàn tích tại một nơi gọi là Nimrud khoảng 42 cây số về phía tây nam của Khorsabad. Tàn tích này hóa ra là Ca-lách—một trong bốn thành phố A-si-ri được nhắc đến nơi Sáng-thế Ký 10:11. Rồi năm 1849, Layard đào ra được tàn tích của một cung điện to lớn tại một nơi gọi là Kuyunjik, giữa Ca-lách và Khorsabad. Cung điện đó hóa ra là một phần của Ni-ni-ve. Giữa Khorsabad và Ca-lách có tàn tích của những khu định cư khác, kể cả một gò đất gọi là Karamles. Layard nhận xét: “Nếu chúng ta lấy bốn gò đất lớn ở Nimrúd [Ca-lách], Koyunjik [Ni-ni-ve], Khorsabad và Karamles mà làm những góc của một hình vuông thì bốn cạnh phù hợp một cách khá chính xác với 480 stadia hoặc 96 cây số đối với một nhà địa lý, hoặc ba ngày đi bộ đối với nhà tiên tri [Giô-na]”.
Như thế thì Giô-na hình như tính tất cả các khu định cư đó thành một “thành rất lớn”, gọi chung tất cả bằng tên của thành phố ghi đầu tiên nơi Sáng-thế Ký 10:11, ấy là Ni-ni-ve. Ngày nay người ta cũng làm tương tự như vậy. Thí dụ, có sự khác biệt giữa thành phố Luân Đôn nguyên thủy và những vùng phụ cận, và tất cả hợp lại thành một thành phố mà đôi khi gọi là “Luân Đôn Lớn”.
Một vua A-si-ri kiêu căng
Cung điện tại Ni-ni-ve có hơn 70 phòng, và các tường dài gần 3 cây số. Di tích những hình chạm trổ bị cháy trên những bức tường này kỷ niệm các chiến thắng quân sự và những thành tích khác. Phần lớn bị hư hại nặng nề. Tuy nhiên, vào thời gian cuối cùng của cuộc khảo cổ, Layard tìm thấy một phòng ở trong tình trạng tốt khác thường. Trên các tường người ta thấy cảnh một thành kiên cố bị hạ, các tù binh bị dẫn đến trước ông vua chiến thắng ngồi trên ngai ở ngoài thành. Trên đầu ông vua có khắc những chữ mà các nhà chuyên môn về tiếng A-si-ri dịch như sau: “San-chê-ríp, vua thế giới, vua A-si-ri, ngồi trên nimedu (ngai) và kiểm tra chiến lợi phẩm (chiếm được) của thành La-ki (La-ki-su)”.
Ngày nay người ta có thể thấy cảnh này và các chữ khắc trong Bảo tàng viện Anh quốc. Điều này phù hợp với biến cố lịch sử được ghi trong Kinh-thánh nơi II Các Vua 18:13, 14: “Năm thứ mười bốn đời Ê-xê-chia, San-chê-ríp, vua A-si-ri, đến đánh các thành kiên-cố của Giu-đa và hãm lấy nó. Ê-xê-chia, vua Giu-đa, sai sứ đến La-ki nói với vua A-si-ri rằng: Tôi phạm lỗi. Cầu vua lìa khỏi nước tôi; hễ vua đòi tôi điều gì, tôi sẽ chịu. Vua A-si-ri bắt Ê-xê-chia, vua Giu-đa, phải trả ba trăm ta-lâng bạc, và ba mươi ta-lâng vàng”.
Những chữ khắc khác tìm thấy trong các tàn tích ở Ni-ni-ve cho biết thêm chi tiết cuộc xâm lăng Giu-đa của San-chê-ríp và những đồ vật mà Ê-xê-chia phải cống hiến. Layard viết: “Có lẽ một trong những sự trùng hợp lạ thường nhất của lời chứng được ghi lại trong lịch sử, số lượng vàng lấy của Ê-xê-chia, ba mươi ta-lâng, phù hợp hoàn toàn trong hai lời tường thuật riêng biệt”. Sir Henry Rawlinson, người giúp giải đoán chữ A-si-ri, tuyên bố là những chữ khắc đó “khiến không còn ai có thể tranh luận về sự hiện hữu của [San-chê-ríp]”. Ngoài ra, Layard đặt câu hỏi trong tác phẩm của ông “Ni-ni-ve và Ba-by-lôn” (Nineveh and Babylon): “Trước những sự khám phá đó, ai có thể ngờ là có lẽ hay có thể dưới đống đất và rác rưới, nơi đánh dấu địa điểm thành Ni-ni-ve, người ta lại tìm thấy lịch sử các cuộc chiến tranh giữa Ê-xê-chia và San-chê-ríp, được chính San-chê-ríp viết ngay lúc những biến cố đó xảy ra, và xác nhận đến tận chi tiết nhỏ những điều ghi trong Kinh-thánh?”
Hiển nhiên, một số chi tiết mà San-chê-ríp ghi lại không phù hợp với Kinh-thánh. Thí dụ, nhà khảo cổ Alan Millard nhận xét: “Người ta thấy có một chi tiết đặc biệt trong phần cuối [tài liệu của San-chê-ríp]. Ê-xê-chia sai sứ giả mang tất cả đồ cống hiến cho San-chê-ríp ‘đến Ni-ni-ve sau đó’. Quân đội A-si-ri không hân hoan mang đồ cống hiến về như thường lệ”. Kinh-thánh lại nói rằng đồ cống hiến được nộp cho vua của A-si-ri trước khi ông trở về Ni-ni-ve (II Các Vua 18:15-17). Tại sao có sự khác biệt như thế? Và tại sao San-chê-ríp không thể khoe khoang về sự chinh phục kinh đô của Giu-đa là Giê-ru-sa-lem như cách ông khoe khoang về sự chinh phục thành La-ki của Giu-đa? Ba người viết Kinh-thánh trả lời câu hỏi này. Một trong ba người đó, là người đã chứng kiến tận mắt, viết: “Bấy giờ, một thiên-sứ của Đức Giê-hô-va vào trại quân của người A-si-ri và giết mười tám vạn năm ngàn người. Sáng hôm sau, người ta dậy sớm, thấy rặt những thây chết. San-chê-ríp, vua A-si-ri, bèn đi, trở về ở tại Ni-ni-ve” (Ê-sai 37:36, 37; II Các Vua 19:35; II Sử-ký 32:21).
Trong sách “Kho tàng của thời Kinh-thánh được viết ra”, Millard kết luận: “Không có lý do chính đáng để nghi ngờ bản tường thuật này... Thật dễ hiểu, San-chê-ríp không ghi lại tai họa đó để những người nối ngôi đọc vì làm như thế ông sẽ bị mất thể diện”. Thay vào đó, San-chê-ríp cố gây cho người ta có cảm tưởng là ông thành công trong việc xâm lăng Giu-đa và Ê-xê-chia vẫn tiếp tục quy phục ông, mang đồ cống hiến đến Ni-ni-ve.
Xác nhận nguồn gốc của A-si-ri
Trong các thư viện có hàng vạn bảng đất sét mà người ta cũng đã tìm thấy ở Ni-ni-ve. Những tài liệu này chứng tỏ đế quốc A-si-ri bắt nguồn từ Ba-by-lôn, ở miền nam của A-si-ri, y như Sáng-thế Ký 10:11 cho biết. Các nhà khảo cổ đã dùng tài liệu này để bắt đầu tập trung nỗ lực tìm kiếm của họ xuống dưới phía nam hơn. “Bách khoa Tự điển Kinh-thánh” (Encyclopædia Biblica) giải thích: “Tất cả những gì còn lại của dân A-si-ri cho thấy nguồn gốc của họ phát xuất từ Ba-by-lôn. Ngôn ngữ và cách viết, văn chương, tôn giáo và khoa học của họ đều lấy từ những người láng giềng ở phía nam nhưng chỉ thay đổi chút ít mà thôi”.
Những sự khám phá chẳng hạn như kể trên đã buộc những người chỉ trích Kinh-thánh phải xét lại quan điểm của họ. Quả thật, một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về Kinh-thánh cho thấy rằng Kinh-thánh được viết bởi những người thận trọng, chân thật. Sau khi nghiên cứu Kinh-thánh, cựu quan tòa của Tòa Tối cao Pháp viện Hoa kỳ là Salmon P. Chase nói: “Đó là một cuộc nghiên cứu lâu dài, nghiêm chỉnh và sâu xa; tôi dùng cùng những nguyên tắc về bằng chứng trong vấn đề tôn giáo như tôi luôn luôn làm trong những vấn đề thế tục, tôi đã đi đến quyết định: Kinh-thánh là một cuốn sách siêu nhiên và đến từ Đức Chúa Trời” (The Book of Books: An Introduction).
Thật thế, Kinh-thánh không chỉ là lịch sử chính xác. Đó là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, một ban cho để nhân loại được lợi ích (II Ti-mô-thê 3:16). Bạn có thể thấy bằng chứng về điều này bằng cách xem xét địa dư trong Kinh-thánh. Điều này sẽ được bàn luận trong số tới.
[Hình nơi trang 6, 7]
Trên: Ba chi tiết chụp từ hình khắc trên tường
Dưới: Hình vẽ lại những hình khắc trên tường của A-si-ri miêu tả sự bao vây thành La-ki
[Nguồn tư liệu]
(Courtesy of The British Museum)
(From The Bible in the British Museum, published by British Museum Press)
[Nguồn tư liệu nơi trang 4]
Courtesy of the Trustees of The British Museum