Anh chị có để lòng vào những điều được viết lại?
“Những điều đó... được viết lại để cảnh báo chúng ta, là những người sống trong thời điểm kết thúc của thời đại này”.—1 CÔ 10:11.
1, 2. Tại sao chúng ta xem xét trường hợp của bốn vị vua Giu-đa?
Nếu thấy một người trượt chân té ngã trên đường, chẳng phải anh chị sẽ cẩn thận khi bước trên con đường đó sao? Khi xem xét lỗi lầm của người khác, chúng ta có thể được giúp để tránh phạm phải lỗi ấy. Về mặt thiêng liêng cũng vậy. Chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá từ lỗi lầm của người khác, kể cả những lỗi lầm được ghi lại trong Kinh Thánh.
2 Bốn vị vua của Giu-đa được xem xét trong bài trước đã phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn. Dù vậy, họ cũng phạm một số lỗi lầm nghiêm trọng. Chúng ta học được gì từ những trải nghiệm của họ, và làm thế nào chúng ta có thể tránh vấp phải lỗi lầm tương tự? Suy ngẫm các trường hợp này có thể giúp chúng ta nhận được lợi ích từ những điều được viết lại để chỉ dạy chúng ta.—Đọc Rô-ma 15:4.
NƯƠNG CẬY SỰ KHÔN NGOAN CỦA CON NGƯỜI DẪN ĐẾN TAI HỌA
3-5. (a) Dù lòng A-sa trọn vẹn với Đức Giê-hô-va, nhưng ông phạm lỗi lầm nào? (b) Có thể vì lý do gì mà A-sa nương cậy con người khi Ba-ê-sa đến đánh Giu-đa?
3 Trước tiên, chúng ta hãy xem xét trường hợp của A-sa, và xem Lời Đức Chúa Trời có thể tác động đến đời sống chúng ta thế nào. A-sa nương cậy Đức Giê-hô-va khi một triệu người Ê-thi-ô-bi đến đánh Giu-đa. Tuy nhiên, ông không làm thế khi Ba-ê-sa vua Y-sơ-ra-ên bắt đầu gia cố Ra-ma, một thành giáp ranh với lãnh thổ của A-sa (2 Sử 16:1-3). Trong trường hợp thứ hai, A-sa đã nương cậy sự khôn ngoan của mình và hối lộ vua Bên-Ha-đát của Sy-ri để tấn công Ba-ê-sa. Mưu kế của A-sa có thành công không? Kinh Thánh cho biết: “Xảy khi Ba-ê-sa hay điều đó, liền thôi xây đồn Ra-ma và bãi công-việc” (2 Sử 16:5). Thoạt nhìn có vẻ như mưu của A-sa đã thành công!
4 Nhưng Đức Giê-hô-va thấy thế nào về cách xử lý của A-sa? Ngài đã phái nhà tiên tri Ha-na-ni đến khiển trách A-sa vì đã không nương cậy ngài. (Đọc 2 Sử-ký 16:7-9). Ha-na-ni nói: “Từ rày về sau vua sẽ có giặc-giã”. Ba-ê-sa đã bỏ đi, nhưng A-sa và dân của ông phải chịu giặc giã trong suốt thời gian còn lại mà ông trị vì.
5 Như chúng ta đã thảo luận trong bài trước, Đức Chúa Trời xem xét lòng của A-sa và đánh giá là lòng ông trọn vẹn với ngài (1 Vua 15:14). Trong mắt Đức Chúa Trời, về cơ bản thì lòng ông trọn lành, đáp ứng đòi hỏi của ngài. Tuy nhiên, ông phải gánh chịu hậu quả từ đường lối thiếu khôn ngoan của mình. Khi đối đầu với Ba-ê-sa, điều gì khiến A-sa nương cậy con người, là Bên-Ha-đát và bản thân, thay vì Đức Giê-hô-va? Phải chăng ông nghĩ rằng tài chiến lược hoặc ngoại giao sẽ mang lại kết quả tốt hơn việc hướng đến Đức Chúa Trời để được giúp đỡ? Có phải ông lý luận như thế vì đã nhận được lời khuyên tai hại?
6. Chúng ta học được gì từ lỗi lầm của A-sa? Hãy cho ví dụ.
6 Lời tường thuật về A-sa có thôi thúc chúng ta xem xét các hành động của mình không? Khi gặp những vấn đề dường như quá sức đương đầu, có thể chúng ta dễ thấy mình cần nương cậy Đức Giê-hô-va. Nhưng nói sao nếu chúng ta gặp phải những vấn đề nhỏ hơn trong đời sống hằng ngày? Chúng ta có dựa vào lối suy nghĩ của con người bằng cách cố giải quyết vấn đề theo cách riêng không? Hay chúng ta xem xét các nguyên tắc Kinh Thánh và cố gắng áp dụng, cho thấy mình nương cậy vào cách của Đức Giê-hô-va để giải quyết vấn đề? Chẳng hạn, có khi chúng ta bị gia đình chống đối khi tham dự nhóm họp hay hội nghị. Chúng ta xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn và giúp mình biết cách tốt nhất để xử lý tình huống. Hoặc nói sao nếu chúng ta mất việc và khó tìm việc khác? Khi nói chuyện với người có thể sẽ là chủ mình, chúng ta vẫn cho người ấy biết rằng mình sẽ đều đặn tham dự các buổi nhóm họp hằng tuần không? Dù vấn đề là gì, chúng ta nên làm theo những lời sau của người viết Thi-thiên: “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”.—Thi 37:5.
BẠN BÈ XẤU GÂY HẠI THẾ NÀO?
7, 8. Giô-sa-phát đã phạm những lỗi lầm nào, và hậu quả là gì? (Xem hình nơi đầu bài).
7 Còn về con trai của A-sa là Giô-sa-phát thì sao? Ông có nhiều phẩm chất đáng quý. Khi nương cậy Đức Chúa Trời, Giô-sa-phát đã làm nhiều điều tốt. Tuy nhiên, ông cũng có những quyết định thiếu khôn ngoan. Chẳng hạn, ông đã liên minh với vua A-háp gian ác của vương quốc phía bắc qua việc kết tình sui gia. Bất chấp lời cảnh báo của nhà tiên tri Mi-chê, Giô-sa-phát đi cùng A-háp ra chiến đấu với người Sy-ri. Trên chiến trường, Giô-sa-phát đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Sau đó, ông trở về Giê-ru-sa-lem (2 Sử 18:1-32). Nhà tiên tri Giê-hu bèn hỏi ông: “Vua há giúp-đỡ kẻ hung-ác, và thương-mến kẻ ghen-ghét Đức Giê-hô-va sao?”.—Đọc 2 Sử-ký 19:1-3.
8 Giô-sa-phát có rút ra bài học từ kinh nghiệm đó không? Dù ông tiếp tục có lòng sốt sắng trong việc muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời, nhưng dường như ông không rút ra bài học từ kinh nghiệm với A-háp và từ lời cảnh báo của Giê-hu. Giô-sa-phát lại dấn thân vào một liên minh thiếu khôn ngoan khác, lần này là với kẻ thù của Đức Chúa Trời là vua A-cha-xia gian ác, con trai của A-háp. Giô-sa-phát và A-cha-xia cùng nhau đóng những chiếc tàu mà cuối cùng đã bị đắm, không đạt được mục tiêu của chúng.—2 Sử 20:35-37.
9. Bạn bè xấu có thể ảnh hưởng thế nào đến cả cuộc đời chúng ta?
9 Khi đọc những lời tường thuật về Giô-sa-phát, chúng ta được thôi thúc để xem lại đời sống mình. Tại sao? Nhìn chung Giô-sa-phát là vị vua tốt. Ông làm điều đúng và “hết lòng tìm-cầu Đức Giê-hô-va” (2 Sử 22:9). Dù vậy, ông vẫn bị ảnh hưởng từ bạn bè xấu. Hãy nhớ câu châm ngôn được soi dẫn này: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại” (Châm 13:20). Có lẽ chúng ta đang cố gắng giúp những người chú ý biết sự thật. Nhưng hãy nhớ rằng sự kết hợp không cần thiết của Giô-sa-phát với A-háp đã khiến ông suýt mất mạng. Tương tự, nếu kết hợp không cần thiết với những người không phụng sự Đức Giê-hô-va thì có thể chúng ta sẽ gặp nguy hiểm.
10. (a) Về việc kết hôn, chúng ta rút ra bài học nào từ kinh nghiệm của Giô-sa-phát? (b) Về vấn đề bạn bè, chúng ta nên nhớ điều gì?
10 Chúng ta rút ra bài học thực tế nào từ kinh nghiệm của Giô-sa-phát? Có thể một tín đồ bắt đầu có tình cảm lãng mạn với người không yêu mến Đức Giê-hô-va, và nghĩ rằng không thể tìm được người phù hợp trong vòng đạo Đấng Ki-tô chân chính. Hoặc có thể một tín đồ bị người thân không tin đạo gây áp lực để kết hôn “trước khi quá trễ”. Ngoài ra, một số tín đồ có thể cảm thấy như một chị đã nói: “Chúng ta được tạo ra với ước muốn là được yêu và có bạn”. Vậy một tín đồ phải làm gì? Suy ngẫm về chuyện đã xảy ra cho Giô-sa-phát sẽ giúp ích. Ông thường xin Đức Chúa Trời hướng dẫn (2 Sử 18:4-6). Nhưng điều gì xảy ra khi Giô-sa-phát kết thân với A-háp, là người không yêu mến Đức Giê-hô-va? Đáng lẽ Giô-sa-phát nên nhớ rằng mắt của Đức Giê-hô-va tìm kiếm những ai có lòng trọn vẹn với ngài. Ngày nay cũng thế, mắt của Đức Giê-hô-va đang “soi-xét khắp thế-gian”, và ngài sẵn sàng “giúp sức” chúng ta (2 Sử 16:9). Ngài hiểu hoàn cảnh của chúng ta và yêu thương chúng ta. Anh chị có tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm thỏa mãn nhu cầu được yêu và có bạn của anh chị không? Hãy tin chắc rằng ngài sẽ làm thế vào lúc nào đó!
ĐỪNG ĐỂ LÒNG MÌNH TỰ CAO
11, 12. (a) Ê-xê-chia tỏ lòng mình ra như thế nào? (b) Tại sao ông tránh được cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời?
11 Bài học chúng ta rút ra từ trường hợp của Ê-xê-chia liên quan đến lòng. Có lần Đấng Dò Xét Lòng phơi bày những gì trong lòng Ê-xê-chia. (Đọc 2 Sử-ký 32:31). Khi Ê-xê-chia bị bệnh nặng, Đức Chúa Trời cho ông một dấu hiệu cho thấy ông sẽ bình phục, đó là cái bóng lùi lại. Dường như các quan của Ba-by-lôn đã sai sứ thần đến hỏi về dấu hiệu ấy (2 Vua 20:8-13; 2 Sử 32:24). Ê-xê-chia cho những người Ba-by-lôn ấy thấy “mọi vật trong kho-tàng mình”, qua đó ông tỏ ra những điều trong lòng khi Đức Chúa Trời “tạm lìa-bỏ người [“để ông hành động một mình”, NW]”. Hành động dại dột ấy của Ê-xê-chia phơi bày “mọi điều ở trong lòng người”.
12 Kinh Thánh không cho biết điều gì đã khiến lòng Ê-xê-chia tự cao. Phải chăng vì ông chiến thắng người A-si-ri hay vì ông được Đức Chúa Trời chữa bệnh bằng phép lạ? Có phải vì ông “rất giàu rất sang”? Dù gì đi nữa, vì tự cao nên Ê-xê-chia “chẳng báo đáp lại ơn Chúa mà người đã lãnh”. Thật đáng buồn! Dù Ê-xê-chia đã phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn, nhưng trong một thời gian ông đã không làm ngài hài lòng. Tuy vậy, sau này ‘Ê-xê-chia hạ sự tự-cao xuống’, nhờ thế ông và dân chúng tránh được cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.—2 Sử 32:25-27; Thi 138:6.
13, 14. (a) Khi nào Đức Giê-hô-va có thể ‘để chúng ta hành động một mình’ hầu thử chúng ta? (b) Chúng ta nên phản ứng ra sao khi được khen về một điều mình đã làm?
13 Làm thế nào chúng ta nhận được lợi ích khi đọc và suy ngẫm lời tường thuật về Ê-xê-chia? Hãy nhớ rằng lòng tự cao của Ê-xê-chia được thấy rõ không lâu sau khi Đức Giê-hô-va đánh bại San-chê-ríp và chữa bệnh cho Ê-xê-chia. Về phần chúng ta, sau khi làm được một việc tốt, có thể Đức Giê-hô-va ‘để chúng ta hành động một mình’ hầu thử chúng ta, nhờ vậy những gì trong lòng chúng ta sẽ tỏ ra. Chẳng hạn, có thể một anh bỏ công chuẩn bị bài giảng và trình bày trước đông đảo cử tọa. Nhiều người khen anh về bài giảng đó. Anh sẽ phản ứng ra sao?
14 Khi được khen, chúng ta nên áp dụng những lời sau của Chúa Giê-su: “Khi anh em làm xong mọi việc được giao, hãy nói: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm bổn phận của mình’” (Lu 17:10). Một lần nữa, chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm của Ê-xê-chia. Khi có thái độ tự cao, ông “chẳng báo đáp lại ơn Chúa mà [ông] đã lãnh”. Suy ngẫm về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm cho mình sẽ giúp chúng ta tránh được thái độ mà ngài ghét. Chúng ta có thể nói về Đức Giê-hô-va với lòng biết ơn. Ngài ban cho chúng ta Kinh Thánh, cùng với thần khí luôn trợ giúp dân ngài.
CẨN THẬN KHI QUYẾT ĐỊNH
15, 16. Tại sao Giô-si-a không còn được Đức Chúa Trời bảo vệ và bị mất mạng?
15 Cuối cùng, chúng ta được cảnh báo ra sao qua chuyện xảy ra với vị vua tốt Giô-si-a? Hãy xem điều gì khiến ông bị bại trận và mất mạng. (Đọc 2 Sử-ký 35:20-22). Giô-si-a kéo quân ra đánh vua Nê-cô của Ai Cập, dù vua đó nói với Giô-si-a rằng họ không có vấn đề gì với nhau. Kinh Thánh nói rằng những lời của Nê-cô là do “Đức Chúa Trời cậy [ông] mà phán ra”. Vậy tại sao Giô-si-a kéo quân ra đánh ông ta? Kinh Thánh không cho biết.
16 Đáng lẽ Giô-si-a nên tìm hiểu xem có phải lời của Nê-cô đến từ Đức Giê-hô-va hay không. Bằng cách nào? Ông có thể hỏi Giê-rê-mi, một nhà tiên tri trung thành (2 Sử 35:23, 25). Nhưng không chỗ nào trong Kinh Thánh nói ông đã làm thế. Ngoài ra, Nê-cô đang tiến về Cạt-kê-mít để ‘đánh nhà thù-nghịch nước ông’, chứ không đánh Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, trường hợp này không liên quan đến danh Đức Chúa Trời, vì Nê-cô không sỉ nhục Đức Giê-hô-va hay dân ngài. Do đó, việc Giô-si-a tiến đánh Nê-cô là điều thiếu suy xét. Chúng ta có rút ra bài học để áp dụng cho mình không? Khi gặp vấn đề, chúng ta nên tìm hiểu xem có thể Đức Giê-hô-va muốn mình làm gì.
17. Khi gặp vấn đề, làm thế nào chúng ta tránh mắc phải lỗi lầm như Giô-si-a đã phạm?
17 Khi gặp vấn đề, chúng ta nên xác định nguyên tắc Kinh Thánh nào liên quan, rồi áp dụng một cách thăng bằng. Trong một số trường hợp, có thể chúng ta muốn nghiên cứu thêm trong các ấn phẩm hay thậm chí xin các trưởng lão cho lời khuyên. Trưởng lão có thể giúp chúng ta nghĩ đến các nguyên tắc khác trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, một chị biết rằng mình có trách nhiệm rao giảng tin mừng (Công 4:20). Giả sử chị dự định đi rao giảng vào một ngày nào đó, nhưng người chồng không tin đạo muốn chị ở nhà. Anh nói rằng gần đây họ không có nhiều thời gian cho nhau và anh muốn họ cùng làm việc gì đó. Chị có thể xem xét những câu Kinh Thánh liên quan, chẳng hạn như việc vâng lời Đức Chúa Trời và mệnh lệnh đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20; Công 5:29). Nhưng chị cũng cần nghĩ về việc vâng phục chồng và phải lẽ (Ê-phê 5:22-24; Phi-líp 4:5). Người chồng có hoàn toàn chống đối chị đi rao giảng không, hay chỉ hôm đó là anh bảo chị làm việc khác? Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn đưa ra những quyết định thăng bằng, làm vui lòng ngài.
HÃY LUÔN CÓ LÒNG TRỌN VẸN ĐỂ ĐƯỢC VUI MỪNG
18. Làm thế nào chúng ta nhận được lợi ích khi xem xét các lời tường thuật về bốn vị vua nêu ra trong bài này?
18 Là người bất toàn, đôi khi chúng ta cũng có khuynh hướng mắc những lỗi lầm mà bốn vị vua được thảo luận ở trên đã phạm. Có thể chúng ta (1) vô tình nương cậy sự khôn ngoan của con người, (2) kết hợp với bạn bè xấu, (3) trở nên tự cao, hoặc (4) quyết định mà không nghĩ đến ý muốn của Đức Giê-hô-va trước. Đức Giê-hô-va thật nhân từ khi thấy điều tốt trong chúng ta, như ngài đã thấy nơi bốn vị vua ấy! Ngài cũng thấy chúng ta yêu thương và muốn hết lòng phụng sự ngài đến mức nào. Vì thế, ngài cung cấp những gương cảnh báo để giúp chúng ta tránh mắc sai lầm nghiêm trọng. Hãy suy ngẫm những lời tường thuật ấy và biết ơn Đức Giê-hô-va về sự cung cấp của ngài!