Anh em đã được nên thánh
“Anh em đã được tẩy sạch, được nên thánh”.—1 CÔ 6:11.
1. Nê-hê-mi thấy những vấn đề nào khi trở lại Giê-ru-sa-lem? (Xem hình nơi đầu bài).
Dân thành Giê-ru-sa-lem bàn tán xôn xao. Tại sao? Một kẻ chống đối được phép ở trong căn phòng của đền thờ. Những người Lê-vi thì bỏ bê nhiệm vụ. Thay vì dẫn đầu trong việc thờ phượng, các trưởng lão mải lo buôn bán trong ngày Sa-bát. Nhiều người Y-sơ-ra-ên cưới dân ngoại. Đó chỉ là một số trong những vấn đề đáng lo ngại mà Nê-hê-mi thấy khi ông trở lại Giê-ru-sa-lem vào một thời điểm sau năm 443 TCN.—Nê 13:6.
2. Dân Y-sơ-ra-ên trở thành một dân thánh như thế nào?
2 Y-sơ-ra-ên là dân đã dâng mình cho Đức Chúa Trời. Năm 1513 TCN, dân Y-sơ-ra-ên háo hức làm theo ý muốn của ngài. Họ nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi lời Đức Giê-hô-va phán-dạy” (Xuất 24:3). Đức Chúa Trời đã làm họ nên thánh, tức biệt họ riêng ra để làm dân được chọn của ngài. Thật là một đặc ân cao quý! Bốn mươi năm sau, Môi-se nhắc nhở họ: “Ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài”.—Phục 7:6.
3. Tình trạng thiêng liêng của dân Do Thái ra sao khi Nê-hê-mi đến Giê-ru-sa-lem lần thứ hai?
3 Buồn thay, lòng sốt sắng ban đầu của dân Y-sơ-ra-ên chẳng kéo dài bao lâu. Dù luôn có những cá nhân phụng sự Đức Chúa Trời, nhưng dân Do Thái nói chung thường chú trọng đến vẻ thánh thiện bề ngoài hơn việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Lần thứ hai Nê-hê-mi đến Giê-ru-sa-lem là khoảng một trăm năm sau khi nhóm người còn sót lại trở về từ Ba-by-lôn để khôi phục sự thờ phượng thật. Một lần nữa, lòng sốt sắng của dân Đức Chúa Trời bị suy giảm.
4. Chúng ta sẽ xem xét những yếu tố nào hầu có thể giữ vị thế thánh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va?
4 Như dân Y-sơ-ra-ên, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng được Đức Chúa Trời làm nên thánh. Cả những tín đồ được xức dầu và những người thuộc “đám đông” là thánh theo nghĩa họ được biệt riêng ra để làm công việc thánh (Khải 7:9, 14, 15; 1 Cô 6:11). Không ai trong chúng ta muốn mất vị thế thánh sạch trước mắt Đức Chúa Trời như dân Y-sơ-ra-ên đã làm sau này. Vậy, làm sao chúng ta có thể luôn là người thánh sạch và hữu dụng trong công việc của Đức Giê-hô-va? Bài này sẽ xem xét bốn yếu tố được nêu bật trong sách Nê-hê-mi chương 13: (1) tránh kết hợp với người xấu; (2) ủng hộ các sắp đặt thần quyền; (3) ưu tiên những điều thiêng liêng và (4) giữ phẩm cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Hãy cùng xem xét từng yếu tố.
TRÁNH KẾT HỢP VỚI NGƯỜI XẤU
5, 6. Ê-li-a-síp và Tô-bi-gia là ai, và có thể Ê-li-a-síp kết hợp với Tô-bi-gia vì lý do nào?
5 Đọc Nê-hê-mi 13:4-9. Xung quanh chúng ta đầy dẫy những ảnh hưởng ô uế, nên việc giữ mình thánh sạch không luôn dễ. Hãy xem trường hợp của thầy tế lễ thượng phẩm Ê-li-a-síp và một người tên Tô-bi-gia. Tô-bi-gia là người Am-môn và có thể là viên quan nhỏ trong chính quyền Phe-rơ-sơ tại Giu-đa. Hắn và đồng bọn từng chống đối Nê-hê-mi trong việc nỗ lực xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem (Nê 2:10). Những người Am-môn không được phép vào khuôn viên đền thờ (Phục 23:3). Vậy tại sao thầy tế lễ thượng phẩm Ê-li-a-síp cung cấp cho Tô-bi-gia một phòng trong đền thờ?
6 Tô-bi-gia có mối quan hệ thân thiết với Ê-li-a-síp. Tô-bi-gia và con trai ông là Giô-ha-nan đã cưới vợ Do Thái, và nhiều người Do Thái nói tốt về Tô-bi-gia (Nê 6:17-19). Một trong những cháu trai của Ê-li-a-síp đã cưới con gái của San-ba-lát, quan tổng trấn của Sa-ma-ri, cũng là bạn thân của Tô-bi-gia (Nê 13:28). Có thể vì những mối quan hệ này mà Ê-li-a-síp đã để cho một kẻ chống đối ngoại đạo ảnh hưởng đến ông. Nhưng Nê-hê-mi đã thể hiện lòng trung thành với Đức Giê-hô-va qua việc ném hết đồ đạc của Tô-bi-gia ra khỏi phòng.
7. Làm thế nào các trưởng lão và người khác có thể giữ vị thế thánh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va?
7 Là dân đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta phải luôn ưu tiên việc giữ lòng trung thành với ngài. Chỉ khi theo sát các tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va, chúng ta mới giữ được vị thế thánh sạch trước mắt ngài. Chúng ta không để mối quan hệ gia đình làm mình thỏa hiệp các nguyên tắc Kinh Thánh. Các trưởng lão cần quyết định dựa trên quan điểm của Đức Giê-hô-va, chứ không dựa trên quan điểm cá nhân hoặc để tình cảm chi phối (1 Ti 5:21). Các anh cần thận trọng để không làm bất cứ điều gì khiến mình mất vị thế thánh sạch trước mắt Đức Chúa Trời.—1 Ti 2:8.
8. Tất cả các tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va nên nhớ điều gì liên quan đến việc kết hợp với người khác?
8 Hãy nhớ rằng “kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt” (1 Cô 15:33). Một số người thân có thể ảnh hưởng xấu đến chúng ta. Ê-li-a-síp từng nêu gương tốt cho dân sự khi hết lòng ủng hộ Nê-hê-mi trong việc xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem (Nê 3:1). Tuy nhiên, dường như do bị Tô-bi-gia và người khác ảnh hưởng, Ê-li-a-síp đã làm những điều khiến ông bị ô uế trước mắt Đức Giê-hô-va. Trường hợp này cho thấy để tránh bị ô uế, chúng ta cần khôn ngoan chọn người để kết hợp. Hãy kết hợp với những người khuyến khích chúng ta sốt sắng trong những việc thiêng liêng, như đọc Kinh Thánh, tham dự các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức. Chúng ta đặc biệt yêu thương và quý trọng những thành viên trong gia đình khuyến khích chúng ta làm điều đúng.
ỦNG HỘ CÁC SẮP ĐẶT THẦN QUYỀN
9. Tình trạng nào xảy ra ở đền thờ, và Nê-hê-mi đã chấn chỉnh điều này ra sao?
9 Đọc Nê-hê-mi 13:10-13. Khi Nê-hê-mi trở lại Giê-ru-sa-lem, việc đóng góp cho đền thờ gần như bị ngưng. Vì không nhận được sự trợ cấp từ nguồn đóng góp này, người Lê-vi đã bỏ bê nhiệm vụ tại đền thờ và ra đồng làm việc. Nê-hê-mi quở trách các quan trưởng về vấn đề này vì dường như họ không thi hành trách nhiệm. Có thể họ không thu thuế một phần mười hoặc không chuyển số tiền được đóng góp đến đền thờ, như trách nhiệm được giao (Nê 12:44). Vì thế, Nê-hê-mi tiến hành các bước để thu thuế thập phân. Ông giao cho những người đáng tin cậy coi sóc các kho đền thờ và phân phát vật thu được cho người Lê-vi.
10, 11. Chúng ta có thể ủng hộ sự thờ phượng thật như thế nào?
10 Chúng ta rút ra bài học nào từ lời tường thuật này? Lời tường thuật này nhắc nhở rằng chúng ta có đặc ân dùng tài vật của mình để tôn vinh Đức Giê-hô-va (Châm 3:9). Khi đóng góp cho công việc của ngài, thật ra chúng ta đang dâng những thứ vốn thuộc về ngài (1 Sử 29:14-16). Có thể chúng ta nghĩ mình không có nhiều để dâng, nên việc đóng góp của mình chẳng đáng là bao. Nhưng vì chúng ta đóng góp từ đáy lòng, nên Đức Giê-hô-va vui lòng đón nhận.—2 Cô 8:12.
11 Trong nhiều năm, một gia đình có tám con đã mời cặp vợ chồng lớn tuổi, làm tiên phong đặc biệt cùng dùng bữa mỗi tuần một lần. Người mẹ trong gia đình đó thường nói: “Chuẩn bị mười đĩa trên bàn, thêm hai đĩa nữa thì đáng kể gì đâu”. Điều này dường như là chuyện nhỏ nhưng cặp tiên phong rất cảm kích về lòng hiếu khách của gia đình ấy! Gia đình ấy đã được ban phước. Những kinh nghiệm và lời khích lệ của cặp tiên phong đã thúc đẩy con cái trong gia đình ấy tiến bộ về thiêng liêng. Về sau, tất cả tám người con đã phụng sự trọn thời gian.
12. Các anh được bổ nhiệm trong hội thánh nêu gương nào?
12 Chúng ta rút ra một bài học khác từ lời tường thuật trên. Như Nê-hê-mi, những anh được bổ nhiệm ngày nay nêu gương trong việc ủng hộ các sắp đặt thần quyền. Những thành viên khác trong hội thánh được lợi ích từ gương của các anh. Về lĩnh vực này, các anh cũng bắt chước sứ đồ Phao-lô. Ông đã ủng hộ sự thờ phượng thật và đưa ra chỉ dẫn hữu ích. Chẳng hạn, ông đề xuất những cách mà mỗi tín đồ có thể đóng góp.—1 Cô 16:1-3; 2 Cô 9:5-7.
ƯU TIÊN NHỮNG ĐIỀU THIÊNG LIÊNG
13. Một số người Do Thái đã không xem trọng ngày Sa-bát như thế nào?
13 Đọc Nê-hê-mi 13:15-21. Nếu để tâm trí tập trung vào của cải vật chất, tình trạng thiêng liêng của chúng ta có thể suy yếu và lụi tàn. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13, ngày Sa-bát hằng tuần nhằm nhắc người Y-sơ-ra-ên rằng họ là dân thánh. Ngày Sa-bát được dành riêng cho việc thờ phượng cùng với gia đình, cầu nguyện và suy ngẫm về Luật pháp Đức Chúa Trời. Nhưng đối với một số người sống cùng thời với Nê-hê-mi, ngày Sa-bát cũng như bao ngày khác, họ vẫn làm ăn buôn bán như thường. Việc thờ phượng bị đẩy lùi ra sau. Chứng kiến cảnh đó, Nê-hê-mi đã đuổi hết những kẻ buôn bán ra khỏi thành và đóng cổng thành trước khi ngày Sa-bát bắt đầu.
14, 15. (a) Nếu dành nhiều thời gian để kiếm tiền, điều gì có thể xảy ra? (b) Làm thế nào chúng ta có thể vào sự nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời?
14 Chúng ta học được gì từ gương của Nê-hê-mi? Một bài học là chúng ta không nên để việc kiếm tiền khiến mình bị phân tâm và mất quá nhiều thời gian. Chúng ta có thể dễ bị phân tâm bởi công việc ngoài đời, nhất là khi mình yêu thích công việc ấy. Hãy nhớ Chúa Giê-su cảnh báo rằng chúng ta không thể làm tôi hai chủ. (Đọc Ma-thi-ơ 6:24). Nê-hê-mi đã có nhiều cơ hội kiếm tiền, nhưng ông đã dùng thời gian thế nào khi ở Giê-ru-sa-lem? (Nê 5:14-18). Thay vì theo đuổi việc làm ăn với các nhà buôn Ty-rơ hoặc đối tác khác, Nê-hê-mi chú tâm vào việc giúp anh em và làm sáng danh Đức Giê-hô-va. Ngày nay cũng vậy, các trưởng lão và phụ tá hội thánh dùng thời gian cũng như năng lực để củng cố hội thánh. Anh em đồng đạo yêu thương họ vì đã thể hiện tinh thần này. Kết quả là có tình yêu thương, sự bình an và yên ổn trong vòng dân Đức Chúa Trời.—Ê-xê 34:25, 28.
15 Dù tín đồ đạo Đấng Ki-tô không phải giữ ngày Sa-bát hằng tuần, nhưng Phao-lô nói: “Vẫn còn ngày nghỉ ngơi cho dân Đức Chúa Trời như vào ngày Sa-bát”. Ông cho biết thêm: “Ai đã vào sự nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời thì cũng nghỉ làm công việc mình, như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc ngài” (Hê 4:9, 10). Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta có thể vào sự nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời bằng cách vâng lời ngài và làm những việc để ủng hộ ý định đang tiến triển của ngài. Bạn và người thân yêu có ưu tiên việc thờ phượng cùng gia đình, tham dự nhóm họp và thánh chức không? Có thể chúng ta phải dứt khoát với chủ hoặc bạn làm ăn, đặc biệt khi họ không tôn trọng điều ưu tiên của chúng ta. Làm thế như thể chúng ta “đuổi người Ty-rơ ra khỏi và đóng cổng thành lại” để ưu tiên và chú tâm đúng mức đến những điều thánh. Vì đã được nên thánh, chúng ta hãy tự hỏi: “Lối sống của mình có cho thấy mình ưu tiên công việc của Đức Giê-hô-va không?”.—Mat 6:33.
GIỮ PHẨM CÁCH CỦA TÍN ĐỒ ĐẠO ĐẤNG KI-TÔ
16. Vào thời Nê-hê-mi, phẩm cách của dân Y-sơ-ra-ên bị đe dọa như thế nào?
16 Đọc Nê-hê-mi 13:23-27. Vào thời Nê-hê-mi, những người nam Y-sơ-ra-ên cưới vợ ngoại. Trong lần đầu Nê-hê-mi viếng thăm Giê-ru-sa-lem, các trưởng lão đã ký vào bản cam kết là người nam Y-sơ-ra-ên sẽ không cưới vợ ngoại (Nê 9:38; 10:30). Tuy nhiên, trong lần viếng thăm thứ hai, ông thấy những người nam Y-sơ-ra-ên không chỉ cưới vợ ngoại mà còn sắp đánh mất phẩm cách của dân thánh. Con cái họ có với những người vợ ngoại không thể đọc hoặc nói tiếng Hê-bơ-rơ. Khi lớn lên, liệu chúng có xem mình là người Y-sơ-ra-ên? Hay chúng nhận mình là dân Ách-đốt, Am-môn hoặc Mô-áp? Không biết tiếng Hê-bơ-rơ, liệu chúng có thể hiểu Luật pháp Đức Chúa Trời? Làm thế nào chúng có thể biết Đức Giê-hô-va và chọn phụng sự ngài thay vì các thần giả mà mẹ chúng thờ? Nhận thấy sự dứt khoát và khẩn trương là cần thiết, Nê-hê-mi đã ra tay hành động.—Nê 13:28.
17. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va?
17 Ngày nay, chúng ta phải hành động để giúp con cái có phẩm cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Các bậc cha mẹ hãy tự hỏi: “Con mình có nói lưu loát ‘ngôn ngữ thanh sạch’ không? (Sô 3:9, NW). Cuộc trò chuyện của con phản ánh tinh thần của Đức Chúa Trời hay của thế gian?”. Đừng vội nản lòng nếu thấy con có những điểm cần cải thiện. Thông thường, học một ngôn ngữ phải đòi hỏi thời gian, nhất là khi có nhiều điều xung quanh gây phân tâm. Con bạn cũng đang đương đầu với những áp lực nặng nề để thỏa hiệp. Vì thế, hãy kiên nhẫn và tận dụng Buổi thờ phượng của gia đình cũng như những dịp khác để giúp con có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va (Phục 6:6-9). Hãy nhấn mạnh những lợi ích của việc khác biệt với thế gian Sa-tan (Giăng 17:15-17). Hãy cố gắng động đến lòng con.
18. Tại sao cha mẹ đạo Đấng Ki-tô có vị trí thuận lợi nhất để giúp con tiến bộ hầu chúng có thể quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va?
18 Cuối cùng, chính con cái phải quyết định phụng sự Đức Chúa Trời hay không. Tuy nhiên, có nhiều việc cha mẹ có thể làm. Chẳng hạn, hãy làm gương cho con, đặt ra những giới hạn rõ ràng và cho con thấy rõ kết quả cũng như hậu quả của mỗi quyết định. Hỡi các bậc cha mẹ, không ai có vị trí thuận lợi hơn bạn để giúp con tiến bộ hầu chúng có thể quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Bạn cần giúp chúng có và giữ phẩm cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều cần cảnh giác để không đánh mất “áo mình”, tức những đức tính và tiêu chuẩn nhận diện chúng ta là môn đồ Đấng Ki-tô.—Khải 3:4, 5; 16:15.
ĐƯỢC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ‘NHỚ VÀ BAN ƠN’
19, 20. Chúng ta cần làm gì để được Đức Giê-hô-va ‘nhớ và ban ơn’?
19 Nhà tiên tri Ma-la-chi, người sống cùng thời với Nê-hê-mi, từng nói đến ‘một sách để ghi-nhớ được chép cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài’ (Mal 3:16, 17). Thật vậy, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ quên những người kính sợ ngài và yêu mến danh ngài.—Hê 6:10.
20 Nê-hê-mi cầu nguyện: “Đức Chúa Trời tôi ôi, xin hãy nhớ đến tôi mà làm ơn cho tôi!” (Nê 13:31). Như Nê-hê-mi, tên của chúng ta sẽ được lưu giữ trong sách của Đức Chúa Trời nếu chúng ta tiếp tục tránh kết hợp với người xấu, ủng hộ các sắp đặt thần quyền, ưu tiên những điều thiêng liêng và giữ phẩm cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Chúng ta “hãy luôn tra xét xem mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không” (2 Cô 13:5). Nếu gìn giữ vị thế thánh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ được ngài ‘nhớ và ban ơn’.