Hãy noi theo đức tin của họ
Cô hành động vì dân Đức Chúa Trời
Ê-xơ-tê cố gắng giữ bình tĩnh khi cô bước vào sân cung điện tại Su-sơ. Điều này không hề dễ dàng. Cả cung điện—từ những viên gạch men bóng loáng và sặc sỡ trên tường hợp thành các tác phẩm chạm nổi hình bò có cánh, sư tử và cung thủ; đến các cột bằng đá có xẻ rãnh, những bức tượng oai vệ, và cả việc cung điện nằm trên các nền cao và rộng lớn gần dãy núi Zagros phủ đầy tuyết, là vị trí có thể nhìn thấy dòng sông Choaspes trong lành—tất cả đều được thiết kế để nhắc du khách nhớ đến quyền lực to lớn của người đàn ông mà Ê-xơ-tê sắp gặp mặt, người tự xưng là “vị vua vĩ đại”. Và đó cũng chính là chồng của cô.
Chồng ư! A-suê-ru hoàn toàn không giống với mẫu chồng lý tưởng mà các cô gái trung thành người Do Thái hằng mong ướca! Ông không hề noi theo những gương mẫu như Áp-ra-ham, người đã khiêm nhường chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời là nghe lời Sa-ra, vợ của ông (Sáng-thế Ký 21:12). Vua A-suê-ru biết rất ít hoặc không biết gì về Đức Chúa Trời của Ê-xơ-tê, tức Đức Giê-hô-va, và Luật pháp Ngài. Nhưng ông biết rõ luật của người Phe-rơ-sơ, hay còn gọi là Ba Tư, bao gồm cả điều luật cấm việc Ê-xơ-tê sắp sửa làm. Đó là gì? Theo luật định, bất kỳ người nào chưa được gọi mà xuất hiện trước mặt vua Ba Tư thì thông thường sẽ bị xử tử. Ê-xơ-tê không được gọi, nhưng cô vẫn đi gặp vua. Khi đến gần sân trong của cung điện, là nơi vua có thể nhìn thấy cô từ trên ngai vàng, có lẽ cô cảm thấy như mình đang đi vào chỗ chết.—Ê-xơ-tê 4:11; 5:1.
Sao cô lại mạo hiểm đến thế? Và chúng ta có thể học được điều gì từ đức tin của người phụ nữ đặc biệt này? Đầu tiên, hãy xem làm thế nào mà Ê-xơ-tê lại có được một vị thế thật khác thường: hoàng hậu của đế quốc Ba Tư.
“Đẹp-đẽ dung-nhan”
Ê-xơ-tê là trẻ mồ côi. Chúng ta chỉ biết chút ít về cha mẹ của cô. Họ đặt tên cho cô là Ha-đa-sa, theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “cây sim”, một loại bụi cây xinh xắn có hoa màu trắng. Khi cha mẹ cô qua đời, một người bà con tốt bụng là ông Mạc-đô-chê đã động lòng trắc ẩn. Ông là anh họ của cô nhưng lớn tuổi hơn nhiều. Ông mang Ê-xơ-tê về nhà và đối xử với cô như con gái ruột.—Ê-xơ-tê 2:5-7, 15.
Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê là những người Do Thái sống lưu vong tại thủ đô nước Ba Tư. Tại đây, rất có thể họ phải đương đầu với sự khinh thường của người khác vì niềm tin và Luật pháp mà họ đang cố gắng vâng giữ. Nhưng chắc hẳn Ê-xơ-tê có mối quan hệ rất thân thiết với anh họ của mình khi ông dạy cô về Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời thương xót đã nhiều lần giải cứu dân Ngài trong quá khứ, và Ngài sẽ lại làm thế (Lê-vi Ký 26:44, 45). Rõ ràng, giữa Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê đã hình thành một sợi dây liên kết yêu thương và trung thành.
Dường như Mạc-đô-chê là một quan chức làm việc trong cung điện tại Su-sơ, và thường được ngồi gần cửa cùng với những người phục vụ khác của vua (Ê-xơ-tê 2:19, 21; 3:3). Còn Ê-xơ-tê đã làm gì khi lớn lên thì chúng ta không biết chắc. Nhưng rất có thể cô đã chăm sóc cho người anh họ lớn tuổi của mình cũng như nhà của ông. Ngôi nhà của họ dường như nằm ở một khu khiêm tốn, thuộc phía bên kia bờ sông, đối diện hoàng cung. Có lẽ Ê-xơ-tê thích đi đến chợ ở Su-sơ, là nơi những thợ vàng, thợ bạc và các nhà buôn trưng bày hàng hóa. Cô không thể nào tưởng tượng được những thứ xa xỉ như thế sau này sẽ trở thành điều bình thường đối với mình. Cô không hề biết tương lai sẽ mang đến cho cô điều gì.
Hoàng hậu bị truất ngôi
Một ngày nọ, thành Su-sơ xôn xao bởi tin đồn về sự lộn xộn trong hoàng gia. Tại một bữa tiệc lớn, vua A-suê-ru đang tiếp đãi các tầng lớp quý tộc với các món cao lương mỹ vị và rượu thượng hạng. Rồi ông ra lệnh cho gọi hoàng hậu xinh đẹp của mình là Vả-thi, lúc đó đang tổ chức một bữa tiệc riêng cho những phụ nữ. Nhưng bà từ chối không đến. Mất mặt và tức giận, vua hỏi những người cố vấn nên trừng phạt Vả-thi như thế nào. Kết quả là gì? Vả-thi bị truất ngôi hoàng hậu. Sau đó, các tôi tớ của vua bắt đầu tìm kiếm khắp xứ những trinh nữ xinh đẹp để vua chọn từ trong số họ một hoàng hậu mới.—Ê-xơ-tê 1:1–2:4.
Chúng ta có thể hình dung Mạc-đô-chê thỉnh thoảng nhìn Ê-xơ-tê một cách trìu mến, ông cảm thấy vừa hãnh diện vừa lo lắng khi cô em họ bé nhỏ giờ đây đã trưởng thành và mang một vẻ đẹp hiếm thấy. Kinh Thánh nói: “Người thiếu-nữ ấy là tốt-tươi hình-dạng, đẹp-đẽ dung-nhan” (Ê-xơ-tê 2:7). Sắc đẹp là điều thú vị, nhưng nó cần đi đôi với sự khôn ngoan và tính khiêm nhường. Nếu không, nó sẽ sinh ra sự kiêu căng, tự phụ và các nét tính xấu xa khác của lòng (Châm-ngôn 11:22). Bạn có bao giờ chứng kiến điều đó chưa? Trong trường hợp của Ê-xơ-tê, sắc đẹp của cô sẽ trở nên một tài sản quý giá hay một món nợ nặng nề? Thời gian sẽ trả lời.
Các tôi tớ của vua chú ý đến Ê-xơ-tê. Họ chọn cô vào nhóm trinh nữ tìm được và đem cô đi xa Mạc-đô-chê, đến cung điện hoàng gia phía bên kia sông (Ê-xơ-tê 2:8). Thật khó để Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê chia tay nhau vì họ giống như cha và con. Chắc chắn Mạc-đô-chê không muốn con gái nuôi của mình kết hôn với một người ngoại, cho dù đó là một vị vua đi nữa, nhưng ông không thể làm gì được. Hẳn Ê-xơ-tê đã chăm chú lắng nghe từng lời nói của Mạc-đô-chê khi ông dặn dò trước lúc cô bị đưa đi! Và khi được dẫn đến cung điện Su-sơ, lòng cô đầy trăn trở. Cuộc đời cô rồi sẽ ra sao?
Cô được ơn “trước mặt mọi người”
Ê-xơ-tê nhận ra mình đã đặt chân vào một thế giới hoàn toàn mới và lạ lẫm. Cô là một trong “nhiều con gái trẻ” được chọn từ khắp nơi trên đế chế Ba Tư. Văn hóa, ngôn ngữ và thái độ của họ hẳn rất khác biệt. Một vị quan tên Hê-gai được giao nhiệm vụ quản lý và các cô gái trẻ phải trải qua một quá trình chăm sóc sắc đẹp kỹ lưỡng kéo dài một năm, bao gồm các công đoạn xoa bóp bằng dầu thơm (Ê-xơ-tê 2:8, 12). Môi trường và lối sống như thế rất dễ dẫn đến sự ám ảnh về ngoại hình giữa các cô gái, cũng như sự tự kiêu và ganh đua. Ê-xơ-tê bị ảnh hưởng như thế nào?
Không ai lo lắng cho Ê-xơ-tê nhiều hơn Mạc-đô-chê. Chúng ta đọc được rằng ngày này qua ngày khác, ông đi đến gần “cung các phi-tần” hết mức có thể và cố gắng nghe ngóng tin tức về Ê-xơ-tê (Ê-xơ-tê 2:11). Khi nhận được chút ít thông tin, có lẽ nhờ sự giúp đỡ từ các người phục vụ trong cung, ông hẳn rất tự hào với tư cách là một người cha. Tại sao?
Ê-xơ-tê gây ấn tượng tốt nơi Hê-gai đến nỗi ông đối đãi với cô bằng sự yêu thương nhân từ hết lòng, ông cho cô bảy đầy tớ gái và nơi tốt nhất trong cung của các phi tần. Lời tường thuật còn cho biết: “Ê-xơ-tê được ơn trước mặt mọi người thấy nàng” (Ê-xơ-tê 2:9, 15). Chỉ sắc đẹp thôi có thể gây ấn tượng sâu sắc đối với mọi người đến thế không? Không, Ê-xơ-tê còn có nhiều điều hơn thế.
Chẳng hạn, Kinh Thánh tường thuật: “Ê-xơ-tê chẳng tỏ ra dân mình và quê-hương mình; vì Mạc-đô-chê có dặn nàng đừng tỏ ra cho ai biết” (Ê-xơ-tê 2:10). Mạc-đô-chê đã dặn cô không được tiết lộ về gốc gác Do Thái của mình, rất có thể vì ông thấy hoàng gia Ba Tư có nhiều thành kiến đối với dân tộc của ông. Ông hẳn rất vui mừng khi biết rằng dù sống xa ông nhưng giờ đây, Ê-xơ-tê vẫn thể hiện sự khôn ngoan và vâng lời!
Tương tự thế, người trẻ ngày nay cũng có thể làm vui lòng cha mẹ và người giám hộ. Khi không có cha mẹ bên cạnh, thậm chí nếu xung quanh mình là những người nông cạn, phóng túng hoặc hung bạo, họ vẫn có thể kháng cự những ảnh hưởng xấu và bám chặt vào tiêu chuẩn mà họ biết là đúng. Khi làm thế, như Ê-xơ-tê, họ khiến Cha trên trời vui lòng.—Châm-ngôn 27:11.
Đã đến lúc Ê-xơ-tê phải ra mắt vua. Cô được phép chọn bất kỳ vật dụng nào cô cần, có lẽ để khiến cô trông đẹp hơn. Tuy nhiên, theo lời khuyên của Hê-gai, cô khiêm tốn không xin gì khác ngoài những thứ được cung cấp (Ê-xơ-tê 2:15). Có thể cô nhận thấy rằng chỉ sắc đẹp thôi thì không thể chiếm lấy trái tim của vua; một tâm hồn giản dị và khiêm nhường sẽ là điều hiếm có trong cung điện. Liệu quyết định của cô có đúng không?
Kinh Thánh cho chúng ta câu trả lời: “Vua thương-mến Ê-xơ-tê nhiều hơn các cung-nữ khác, và nàng được ơn tại trước mặt vua hơn những nữ đồng-trinh; vua đội mão triều-thiên trên đầu nàng, và lập nàng làm hoàng-hậu thế cho Vả-thi” (Ê-xơ-tê 2:17). Chắc chắn cô gái Do Thái khiêm nhường này cảm thấy rất khó để thích nghi với thay đổi lớn trong cuộc đời mình. Giờ đây cô đã là hoàng hậu mới, vợ của vị đế vương quyền lực nhất thời bấy giờ! Vị trí này có làm cho cô trở nên kiêu ngạo không?
Hoàn toàn không! Ê-xơ-tê vẫn vâng lời cha nuôi Mạc-đô-chê. Cô vẫn giữ bí mật về gốc gác Do Thái của mình. Ngoài ra, khi Mạc-đô-chê phát hiện âm mưu ám sát vua A-suê-ru, Ê-xơ-tê đã vâng lời ông báo cho vua biết và những kẻ âm mưu đã thất bại (Ê-xơ-tê 2:20-23). Cô vẫn bày tỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời qua việc thể hiện tinh thần khiêm nhường và vâng lời. Ngày nay, sự vâng lời ít được xem trọng, còn sự bất tuân và phản nghịch là điều bình thường. Nhưng những ai có đức tin chân thật sẽ quý trọng sự vâng lời, giống như Ê-xơ-tê.
Đức tin Ê-xơ-tê bị thử thách
Một người đàn ông tên là Ha-man trở nên nổi bật trong triều đình của A-suê-ru. Vua lập hắn làm tể tướng, là cố vấn chính và có quyền lực đứng thứ hai trong đế chế. A-suê-ru thậm chí còn ban chiếu chỉ rằng mọi người phải quỳ xuống khi nhìn thấy Ha-man (Ê-xơ-tê 3:1-4). Nhưng luật này gây vấn đề cho Mạc-đô-chê. Ông tuân lệnh vua nhưng nếu điều đó khiến ông bất kính với Đức Chúa Trời thì ông không thể thực hiện. Tại sao? Vì Ha-man là “người A-gát”. Rất có thể hắn là con cháu của A-gát (còn gọi là A-ga), vị vua người A-ma-léc mà nhà tiên tri Sa-mu-ên đã giết chết (1 Sa-mu-ên 15:33). Dân A-ma-léc ác đến nỗi chúng trở thành kẻ thù của Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên. Với tư cách là một dân tộc, dân A-ma-léc đã bị Đức Chúa Trời tuyên ánb (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:19). Làm thế nào một người Do Thái trung thành có thể quỳ lạy một hoàng thân A-ma-léc? Mạc-đô-chê không thể làm thế. Ông không nhượng bộ. Cho đến ngày nay, những người nam và nữ thể hiện đức tin cũng liều mình làm theo nguyên tắc sau: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 5:29.
Ha-man rất tức giận. Nhưng việc giết Mạc-đô-chê không làm hắn hả dạ. Hắn muốn tuyệt diệt luôn cả dân tộc của Mạc-đô-chê! Ha-man đến gặp vua và nói xấu về dân Do Thái. Không nhắc đến tên dân Y-sơ-ra-ên, hắn hàm ý họ chỉ là những kẻ tầm thường, một thứ dân “tản-mác, rải-rác ra giữa các dân-tộc”. Tệ hơn nữa, hắn nói rằng họ đã bất tuân các mệnh lệnh của vua, và do đó, là những phần tử phản loạn nguy hiểm. Hắn đề nghị đóng góp vào kho của A-suê-ru một số tiền khổng lồ để trang trải chi phí tiêu diệt tất cả người Do Thái trên đế chếc. A-suê-ru đưa cho Ha-man chiếc nhẫn có dấu ấn riêng của mình để hắn có thể đóng ấn vào bất kỳ lệnh nào hắn muốn.—Ê-xơ-tê 3:5-10.
Không lâu sau, các sứ giả phi ngựa đến mọi ngõ ngách của đế chế Ba Tư rộng lớn, mang theo án tử hình dành cho người Do Thái. Hãy tưởng tượng tác động của một chiếu chỉ như thế khi nó đi đến thành Giê-ru-sa-lem xa xôi, nơi mà những người Do Thái còn sót lại trở về sau khi sống lưu vong tại Ba-by-lôn, và đang cố gắng xây lại thành phố chưa có đến một bức tường phòng thủ. Mạc-đô-chê có lẽ đã nghĩ về họ, cũng như những người bạn và họ hàng của mình tại Su-sơ khi ông nghe được hung tin. Quá đau buồn, ông xé áo mình, quấn bao gai, phủ tro lên đầu và khóc than lớn tiếng giữa thành phố. Còn Ha-man thì ngồi uống rượu với vua, không chút chạnh lòng vì sự đau khổ mà hắn gây ra trên nhiều người Do Thái và bạn bè của họ tại Su-sơ.—Ê-xơ-tê 3:12–4:1.
Mạc-đô-chê biết mình phải hành động. Nhưng ông có thể làm gì được? Ê-xơ-tê nghe về sự đau buồn của ông và gửi quần áo đến, nhưng Mạc-đô-chê từ chối sự an ủi. Từ lâu, có lẽ ông đã thắc mắc tại sao Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình lại để cho Ê-xơ-tê yêu dấu bị đem đi và trở thành hoàng hậu của một vị vua ngoại giáo. Giờ đây, lý do dường như ngày càng được thấy rõ. Mạc-đô-chê gửi một thông điệp cho hoàng hậu, xin Ê-xơ-tê khuyên can vua và hành động vì “dân-tộc mình”.—Ê-xơ-tê 4:4-8.
Chắc hẳn Ê-xơ-tê đã chết lặng khi nhận được thông điệp. Đó là sự thử thách đức tin lớn nhất đối với cô. Cô rất sợ hãi, như được thấy trong phần trả lời thông điệp của Mạc-đô-chê. Cô nhắc ông về luật của vua. Xuất hiện trước mặt vua mà không được gọi đồng nghĩa với cái chết. Chỉ khi vua giơ ra cây phủ việt hay vương trượng bằng vàng thì án phạt mới được tha. Và Ê-xơ-tê có lý do nào để hy vọng nhận được sự khoan hồng như thế không, đặc biệt khi nhớ lại trường hợp của Vả-thi khi bà từ chối lời mời của vua? Cô nói với Mạc-đô-chê rằng đã 30 ngày rồi mà cô chưa được vua gọi! Sự thờ ơ đó khiến cô tự hỏi liệu mình có bị mất ân huệ của vị vua có tính khí thất thường này khôngd.—Ê-xơ-tê 4:9-11.
Mạc-đô-chê trả lời một cách cương quyết để làm vững mạnh đức tin của Ê-xơ-tê. Ông khẳng định rằng nếu cô không hành động, dân Do Thái sẽ được giải cứu từ một nguồn giúp đỡ khác. Nhưng làm sao cô có thể mong được bình an vô sự khi sự ngược đãi ngày càng tăng cao? Mạc-đô-chê cho thấy đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va, Ngài luôn thực hiện các lời hứa của mình và sẽ không để cho dân tộc Ngài bị tiêu diệt (Giô-suê 23:14). Rồi ông hỏi Ê-xơ-tê: “Nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ-hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng-hậu sao?” (Ê-xơ-tê 4:12-14). Mạc-đô-chê hoàn toàn tin tưởng nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông. Còn chúng ta thì sao?—Châm-ngôn 3:5, 6.
Một đức tin mạnh hơn nỗi sợ hãi sự chết
Giây phút quyết định đã đến. Ê-xơ-tê nhờ Mạc-đô-chê bảo những người đồng hương hãy kiêng ăn với cô trong ba ngày. Thông điệp của cô kết thúc bằng một câu nói vang vọng qua nhiều thế kỷ, vì nó chứng tỏ một đức tin thanh khiết và lòng can đảm: “Nếu tôi phải chết thì tôi chết” (Ê-xơ-tê 4:15-17). Chắc chắn trong ba ngày này, cô đã cầu nguyện tha thiết hơn bao giờ hết. Cuối cùng, thời khắc đã đến. Cô mặc bộ trang phục hoàng gia đẹp nhất của mình, làm mọi điều có thể để thu hút nhà vua. Rồi cô lên đường.
Như đã miêu tả ở đầu bài, Ê-xơ-tê đi đến triều đình. Hẳn lòng và trí cô tràn ngập những nỗi lo lắng cùng các lời cầu nguyện tha thiết. Cô bước vào sân trong của cung điện, là nơi có thể nhìn thấy A-suê-ru ngồi trên ngai. Có lẽ cô cố đọc những biểu hiện trên nét mặt ông—một gương mặt với những lọn tóc xoăn đối xứng được chăm chút cẩn thận và một bộ râu vuông vức. Nếu cô bị bắt phải chờ thì chắc những giây phút đó dường như kéo dài đến vô tận. Nhưng khoảnh khắc đó rồi cũng trôi qua và chồng cô nhìn thấy cô. Hẳn ông rất ngạc nhiên, nhưng nét mặt của ông dịu xuống. Ông giơ cây vương trượng bằng vàng ra!—Ê-xơ-tê 5:1, 2.
Ê-xơ-tê được gọi vào và yết kiến vua. Cô đã đứng về phía Đức Chúa Trời và hành động vì dân tộc của mình. Qua đó, cô nêu một gương mẫu tuyệt hảo về đức tin cho tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời cho đến tận ngày nay. Nhưng nhiệm vụ của cô chỉ mới bắt đầu. Làm thế nào cô có thể thuyết phục nhà vua rằng Ha-man, vị quan cố vấn mà vua sủng ái, là một kẻ mưu mô độc ác? Làm sao cô có thể cứu giúp dân tộc của mình? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này vào kỳ tới.
[Chú thích]
a Nhiều người cho rằng A-suê-ru chính là Xerxes I, vị vua của đế chế Ba Tư vào đầu thế kỷ thứ năm TCN.
b Ha-man có thể là một trong những hậu duệ cuối cùng của người A-ma-léc, vì những kẻ “còn sót lại” trong số họ đã bị tiêu diệt vào thời vua Ê-xê-chia.—1 Sử-ký 4:43.
c Ha-man đề nghị tặng 10.000 ta-lâng bạc, trị giá hàng trăm triệu đô la ngày nay. Nếu A-suê-ru chính là Xerxes I thì số tiền này khiến lời đề nghị của Ha-man dễ được chấp nhận, vì Xerxes đã mất một tài sản rất lớn trong trận chiến thảm khốc với người Hy Lạp. Điều này dường như xảy ra trước khi ông lấy Ê-xơ-tê làm vợ.
d Xerxes I được biết là người có tính tình hay thay đổi và hung bạo. Sử gia người Hy Lạp Herodotus ghi lại một số thí dụ trong cuộc chiến của Xerxes chống lại người Hy Lạp. Nhà vua cho xây một cây cầu phao bằng thuyền băng qua eo biển Hellespont. Khi một cơn bão phá hủy cây cầu, Xerxes ra lệnh chém đầu các kỹ sư và thậm chí còn “trừng phạt” eo biển bằng cách dùng roi quất vào mặt nước, vừa đánh vừa đọc lớn tiếng một tuyên cáo sỉ nhục. Cũng trong cuộc chiến này, khi một người giàu xin miễn nhập ngũ cho con trai mình, Xerxes ra lệnh chặt đôi người con rồi cho trưng xác để làm gương cảnh cáo.
[Hình nơi trang 19]
Mạc-đô-chê có lý do để hãnh diện về con gái nuôi của mình
[Hình nơi trang 20]
Ê-xơ-tê biết rằng sự khiêm nhường và khôn ngoan vượt xa sắc đẹp
[Hình nơi trang 22, 23]
Ê-xơ-tê liều mạng sống để bảo vệ dân Đức Chúa Trời