Phần thưởng của Gióp—Một nguồn hy vọng
“Đức Giê-hô-va ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang-thì” (GIÓP 42:12).
1. Đức Giê-hô-va làm gì cho dân sự Ngài, ngay khi họ bị yếu đi rất nhiều vì gặp thử thách?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA “hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Ngài cũng thúc đẩy dân sự thành tâm của Ngài mạnh dạn làm chứng, ngay dù họ bị yếu gần chết vì gặp thử thách (Gióp 26:5; Khải-huyền 11:3, 7, 11). Điều này đúng thật trong trường hợp người đau khổ là Gióp. Mặc dầu bị ba bạn giả hình cáo gian thay vì an ủi, ông không để cho sự sợ hãi loài người làm ông nín lặng. Thay vì thế, ông đã làm chứng một cách dạn dĩ.
2. Dù bị bắt bớ và gặp khó khăn, Nhân-chứng Giê-hô-va đã ra khỏi thử thách với thái độ nào?
2 Nhiều Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va ngày nay đã bị bắt bớ và gặp khó khăn dữ dội đến nỗi nguy đến tính mạng (II Cô-rinh-tô 11:23). Tuy nhiên, giống như Gióp, họ đã tỏ lòng yêu thương Đức Chúa Trời và thực hành sự công bình (Ê-xê-chi-ên 14:14, 20). Họ cũng vượt qua thử thách với thái độ cương quyết làm hài lòng Đức Giê-hô-va, họ được thêm sức để dạn dĩ làm chứng và có tràn đầy niềm hy vọng thật sự.
Gióp dạn dĩ làm chứng
3. Gióp làm chứng như thế nào trong lần nói cuối cùng của ông?
3 Trong lần nói cuối cùng, Gióp làm chứng còn tốt hơn mấy lần trước. Ông làm các bạn giả phải hoàn toàn im lặng. Với giọng châm biếm gay gắt, ông nói: “Ngươi đã phù-trợ kẻ không quyền dường nào!” (Gióp 26:2). Gióp ca tụng Đức Giê-hô-va, là Đấng có quyền năng treo quả địa cầu trong khoảng không không và làm các đám mây chứa đầy nước lơ lửng bên trên mặt đất (Gióp 26:7-9). Tuy vậy, Gióp nói rằng các kỳ quan này chỉ là ‘biên-giới của các đường-lối Đức Giê-hô-va’ (Gióp 26:14).
4. Gióp nói gì về sự trung kiên, và tại sao ông có thể nói ra như vậy?
4 Biết chắc mình vô tội, Gióp tuyên bố: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn”! (Gióp 27:5). Ngược với các lời cáo gian mà người ta trút trên ông, ông đã không làm gì để đáng gặp tai họa. Gióp biết rằng Đức Giê-hô-va không nhậm lời cầu nguyện của kẻ bội đạo nhưng Ngài sẽ ban thưởng những ai giữ lòng trung kiên. Sự kiện này có lẽ nhắc nhở chúng ta rằng ít lâu nữa, trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ trục xuất kẻ ác khỏi địa vị quyền hành của chúng, và chúng sẽ không thoát khỏi bàn tay nghiêm khắc của Đức Chúa Trời. Từ giờ đến đó, dân sự Đức Giê-hô-va sẽ bước đi trong sự trung kiên (Gióp 27:11-23).
5. Gióp định nghĩa sự khôn ngoan thật như sao?
5 Hãy tưởng tượng ba người thạo đời ngồi nghe Gióp nói rằng loài người đã dùng tài năng mình để tìm vàng, bạc và các vật quí khác trên đất và dưới biển. Ông nói: “Còn... giá-trị sự khôn-ngoan thật cao hơn châu-báu” (Gióp 28:18). Các bạn giả hình của Gióp không thể mua được sự khôn ngoan thật. Nó bắt nguồn từ Đấng tạo ra mưa gió, sấm sét. Thật vậy, sự “kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan; tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông-sáng” (Gióp 28:28).
6. Tại sao Gióp kể lại đời sống trước kia của ông?
6 Bất kể các nỗi đau khổ, Gióp không ngừng phụng sự Đức Giê-hô-va. Thay vì quay bỏ Đấng Chí cao, người trung kiên này ao ước được lại “tình thiệt-hữu của Đức Chúa Trời” như trước (Gióp 29:4). Không phải là Gióp khoe khoang khi ông kể lại ông đã ‘giải cứu kẻ khốn cùng, mặc lấy sự công bình và làm cha cho kẻ nghèo khó’ như thế nào (Gióp 29:12-16). Đúng hơn, ông đang kể lại những việc ông đã làm trong một cuộc đời dùng để trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Bạn có đang xây dựng một tiếng tăm tốt như vậy không? Dĩ nhiên, Gióp cũng vạch ra sự sai lầm của các lời buộc tội của ba kẻ lừa đảo tự cao tự đại.
7. Gióp đã chứng tỏ mình là một người như thế nào?
7 Gióp bị những kẻ trẻ tuổi nhạo báng, những người mà trước kia Gióp còn ‘không khứng để cha họ chung với chó của bầy chiên’. Ông bị người ta gớm ghiếc và nhổ khạc vào mặt. Mặc dầu bị bệnh tật trầm trọng, Gióp không được đối đãi cách nhân từ (Gióp 30:1, 10, 30). Tuy nhiên, vì ông đã hết lòng tận tụy với Đức Giê-hô-va, ông có lương tâm tốt và có thể nói: “Nguyện Đức Chúa Trời cân tôi trên cân thăng-bằng, thì Ngài sẽ nhìn-biết sự thanh-liêm của tôi” (Gióp 31:6). Gióp không phải là kẻ ngoại tình hay kẻ mưu mô xảo quyệt, và ông đã không ngần ngại giúp người thiếu thốn. Mặc dầu hồi trước ông giàu có, ông không bao giờ nhờ cậy nơi của cải vật chất. Hơn nữa, Gióp không tham gia vào sự thờ hình tượng bằng cách sùng bái các vật vô tri vô giác, chẳng hạn như mặt trăng (Gióp 31:26-28). Vì trông cậy nơi Đức Chúa Trời, ông nêu gương tốt với tư cách một người giữ lòng trung kiên. Bất kể các nỗi đau khổ và mấy kẻ giả bộ đến để an ủi ông, Gióp đã đưa ra một sự biện hộ khôn khéo và làm chứng một cách tuyệt vời. Sau khi nói xong, ông trông mong Đức Chúa Trời là Đấng sẽ xét xử và ban thưởng cho ông (Gióp 31:35-40).
Ê-li-hu lên tiếng
8. Ê-li-hu là ai, và ông bày tỏ sự kính trọng và lòng can đảm như thế nào?
8 Cạnh đó có người trẻ tuổi là Ê-li-hu, thuộc dòng dõi của Bu-xi, con của Na-cô, và như vậy là người bà con xa của Áp-ra-ham, bạn của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 41:8). Ê-li-hu tỏ mình kính trọng người lớn tuổi bằng cách nghe cả hai bên trong cuộc tranh luận. Tuy nhiên, ông nói lên một cách can đảm khi họ nói sai sự thật. Thí dụ, ông tức giận khi Gióp “tự xưng mình là công-bình hơn là Đức Chúa Trời”. Ê-li-hu đặc biệt nổi giận cùng ba kẻ giả hình làm như đến để an ủi Gióp. Các lời nói của họ có vẻ tôn vinh Đức Chúa Trời, nhưng thật sự gây sỉ nhục cho Ngài bằng cách ủng hộ phía của Sa-tan trong cuộc tranh chấp. “Đầy-dẫy lời nói” và được thánh linh thúc đẩy, Ê-li-hu làm chứng một cách vô tư cho Đức Giê-hô-va (Gióp 32:2, 18, 21).
9. Làm sao Ê-li-hu cho thấy rằng Gióp sẽ được phục hồi?
9 Gióp đã quan tâm đến sự minh oan của chính mình hơn là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thật ra, ông tranh luận với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi Gióp gần chết, chúng ta thấy một dấu hiệu của sự phục hồi. Bằng cách nào? Ê-li-hu được soi dẫn để nói rằng Đức Giê-hô-va làm ơn cho Gióp và phán: “ ‘Hãy giải-cứu nó khỏi bị sa xuống cái hầm; Ta đã tìm đặng giá cứu-chuộc rồi’. Người sẽ được thẳng da mát thịt như buổi thơ-ấu; người trở lại ngày đang-thì” (Gióp 33:24, 25).
10. Gióp phải bị thử thách đến mức độ nào, nhưng chiếu theo I Cô-rinh-tô 10:13, chúng ta có thể biết chắc điều gì?
10 Ê-li-hu sửa sai Gióp vì nói rằng việc làm hài lòng Đức Chúa Trời bằng cách giữ vững sự trung kiên không mang lợi ích gì cả. Ê-li-hu nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề hành ác, Đấng Toàn-năng không bao giờ làm hung-nghiệt. Ngài báo-ứng loài người tùy công-việc mình làm”. Gióp đã hành động một cách thiếu suy nghĩ khi nhấn mạnh sự công bình của chính mình, nhưng ông đã làm thế lúc không có đủ sự hiểu biết và thông sáng. Ê-li-hu nói thêm: “Tôi nguyện cho Gióp bị thử-thách đến cùng, bởi vì người có đáp lời như kẻ ác” (Gióp 34:10, 11, 35, 36). Tương tự thế, đức tin và sự trung kiên của chúng ta chỉ có thể được chứng minh một cách trọn vẹn khi chúng ta ‘bị thử thách đến cùng’. Tuy nhiên, Cha yêu thương của chúng ta trên trời sẽ không để cho chúng ta bị thử thách quá sức mình (I Cô-rinh-tô 10:13).
11. Khi bị thử thách mãnh liệt, chúng ta nên nhớ điều gì?
11 Khi Ê-li-hu nói thêm, một lần nữa ông cho thấy rằng Gióp nhấn mạnh sự công bình của mình quá nhiều. Chúng ta nên tập trung sự chú ý vào Đấng Tạo hóa của chúng ta (Gióp 35:2, 6, 10). Ê-li-hu nói rằng Đức Chúa Trời sẽ “chẳng bảo-tồn mạng-sống của kẻ gian-ác, nhưng xử-đoán công-bình cho kẻ khổ-nạn” (Gióp 36:6). Không ai có thể xét đoán đường lối của Đức Chúa Trời và nói rằng Ngài hành động cách bất công. Ngài cao siêu hơn chúng ta có thể biết được, và số năm của Ngài thọ là vô tận không ai đếm được (Gióp 36:22-26). Khi chúng ta bị thử thách mãnh liệt, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời hằng sống của chúng ta là công bình và Ngài sẽ ban thưởng các việc làm trung thành của chúng ta để ngợi khen Ngài.
12. Phần kết luận của Ê-li-hu cho thấy điều gì về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với kẻ ác?
12 Trong khi Ê-li-hu nói chuyện, có một cơn dông đang kéo đến. Khi nó tiến gần hơn, tim Ê-li-hu bắt đầu run sợ và nhảy động. Ông kể về các công việc kỳ lạ của Đức Giê-hô-va và nói: “Hỡi Gióp, hãy nghe lời nầy, khá đứng yên, suy-nghĩ về các việc diệu-kỳ của Đức Chúa Trời”. Giống như Gióp, chúng ta cần phải xem xét các công việc tuyệt diệu của Đức Chúa Trời và sự oai nghiêm đáng kính sợ của Ngài. Ê-li-hu nói: “Luận về Đấng Toàn-năng, ta không tìm thấy đến Ngài được; Ngài vốn rất quyền-năng, rất chánh-trực và công-bình cực điểm, không hề hà-hiếp ai. Bởi cớ ấy nên loài người kính-sợ Ngài” (Gióp 37:1, 14, 23, 24). Phần kết luận của Ê-li-hu nhắc chúng ta nhớ đến thời kỳ sắp đến khi Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ ác, Ngài sẽ không coi nhẹ sự công bình và sẽ bảo vệ những ai kính sợ và thờ phượng Ngài. Thật là một đặc ân để có mặt giữa những người giữ vững sự trung kiên và nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Thống trị Hoàn vũ! Hãy bền bỉ chịu đựng như Gióp, và chớ bao giờ để cho Ma-quỉ lôi cuốn bạn lìa bỏ nơi ân phước giữa đám đông vui mừng này.
Đức Giê-hô-va trả lời Gióp
13, 14. a) Đức Giê-hô-va bắt đầu tra hỏi Gióp về điều gì? b) Chúng ta có thể học được gì qua các câu hỏi khác mà Đức Chúa Trời hỏi Gióp?
13 Chắc hẳn Gióp đã ngạc nhiên biết bao khi Đức Giê-hô-va nói chuyện với ông từ giữa cơn dông gió! Đức Chúa Trời đã làm ra cơn dông gió đó, khác với ngọn gió lớn mà Sa-tan đã dùng để làm sập ngôi nhà và giết hết con cái của Gióp. Gióp không thốt nên lời khi Đức Chúa Trời hỏi: “Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu?... Ai có trồng hòn đá góc của nó? Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng” (Gióp 38:4, 6, 7). Đức Giê-hô-va tra hỏi Gióp từ câu này đến câu kia về biển, áo xống của trái đất là lớp mây, buổi sáng, cửa sự chết, ánh sáng và tối tăm và các chòm sao. Gióp không thể nói gì khi Đức Chúa Trời hỏi: “Ngươi có biết luật của các từng trời sao?” (Gióp 38:33).
14 Những câu hỏi khác cho thấy rằng trước khi loài người được tạo ra và giao cho quyền quản trị loài cá, chim, thú và côn trùng, Đức Chúa Trời chăm lo cho chúng—mà không cần đến sự giúp đỡ hoặc lời khuyên của loài người. Những câu hỏi sau đó của Đức Giê-hô-va kể đến các súc vật như con bò tót, chim lạc đà và con ngựa. Đức Chúa Trời hỏi Gióp: “Có phải theo lịnh ngươi mà chim ưng cất lên, và đóng ổ nó tại nơi cao?” (Gióp 39:30). Dĩ nhiên là không! Hãy tưởng tượng Gióp phản ứng thế nào khi Đức Chúa Trời hỏi người: “Kẻ bắt-bẻ Đấng Toàn-năng há sẽ tranh-luận cùng Ngài sao?” Không lạ gì khi Gióp nói: “Tôi vốn là vật không ra gì, sẽ đáp chi với Chúa? Tôi đặt tay lên che miệng tôi” (Gióp 39:35, 37). Vì Đức Giê-hô-va luôn luôn đúng, nếu chúng ta có bao giờ thấy có khuynh hướng phàn nàn về Ngài, chúng ta nên ‘đặt tay lên che miệng chúng ta’. Các câu hỏi của Đức Chúa Trời cũng cho thấy rõ thêm sự cao cả, oai nghiêm và sức mạnh của Ngài, như được thể hiện qua sự sáng tạo.
Bê-hê-mốt và Lê-vi-a-than
15. Bê-hê-mốt thường được người ta hiểu là con gì, và một số đặc điểm của nó là gì?
15 Kế tiếp Đức Giê-hô-va đề cập đến Bê-hê-mốt, thường được người ta hiểu là con hà mã (Gióp 40:10-19). Con này đặc sắc vì nó thật to lớn, cân rất nặng và có da dầy. Nó cũng “ăn cỏ”. Sức mạnh và năng lực của nó ở nơi lưng và gân hông của nó. Các xương đùi của nó chắc như “ống đồng”. Bê-hê-mốt không sợ hãi trong dòng nước lũ, nhưng nó dễ dàng bơi ngược dòng nước.
16. a) Sự mô tả con Lê-vi-a-than cho thấy nó là con gì, và một số sự kiện về con ấy là gì? b) Sức mạnh của Bê-hê-mốt và Lê-vi-a-than có thể gợi lên ý nghĩ gì liên quan đến việc làm tròn bổn phận trong thánh chức hầu việc Đức Giê-hô-va?
16 Đức Chúa Trời cũng hỏi Gióp: “Ngươi có thể câu [Lê-vi-a-than] với lưỡi câu, và dùng dây mà xỏ lưỡi nó chăng?” Sự mô tả con Lê-vi-a-than cho thấy rằng nó là con cá sấu (Gióp 40:20-41:25). Nó sẽ không lập giao ước hòa thuận với ai, và không có người khôn ngoan nào mà đủ gan trêu chọc nó. Mũi tên không làm cho nó chạy trốn, và nó “cười-nhạo tiếng vo-vo của cây giáo”. Con Lê-vi-a-than giận dữ làm cho vực sâu sôi như một cái hũ dầu xức. Sự kiện Lê-vi-a-than và Bê-hê-mốt hùng mạnh hơn Gióp biết bao giúp làm cho ông biết khiêm nhường. Chúng ta cũng phải khiêm nhường nhìn nhận rằng chính chúng ta không có sức mạnh gì. Chúng ta cần đến sự khôn ngoan và sức lực mà Đức Chúa Trời ban cho để tránh né răng nanh của Con Rắn Sa-tan, và để làm tròn bổn phận chúng ta trong thánh chức hầu việc Đức Giê-hô-va (Phi-líp 4:13; Khải-huyền 12:9).
17. a) Gióp “xem thấy Đức Chúa Trời” như thế nào? b) Các câu hỏi mà Gióp đã không thể trả lời chứng minh điều gì, và điều này có thể giúp chúng ta thế nào?
17 Hoàn toàn bị hạ xuống, Gióp công nhận quan điểm sai lầm của ông và thú nhận rằng ông đã nói mà không có sự hiểu biết. Tuy nhiên, ông biểu lộ đức tin rằng ông sẽ “xem thấy Đức Chúa Trời” (Gióp 19:25-27). Làm sao ông có thể làm thế được, vì không người nào có thể thấy Đức Giê-hô-va mà còn sống? (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20). Thật ra thì Gióp thấy sự thể hiện của quyền năng Đức Chúa Trời, nghe lời nói của Ngài và cặp mắt thông hiểu của ông được mở ra để thấy lẽ thật về Đức Giê-hô-va. Vì vậy, Gióp ‘lấy mình làm gớm-ghê và ăn-năn trong tro bụi’ (Gióp 42:1-6). Bao nhiêu câu hỏi mà Gióp đã không thể trả lời chứng minh sự cao cả của Đức Giê-hô-va và cho thấy con người nhỏ bé biết bao, ngay cả một người thành tâm với Đức Giê-hô-va như Gióp. Điều này giúp chúng ta thấy rằng chúng ta không nên đặt các quyền lợi riêng của mình trước việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va và biện minh cho quyền thống trị của Ngài (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Chúng ta nên quan tâm trước tiên đến việc giữ vững sự trung kiên đối với Đức Giê-hô-va và tôn vinh danh Ngài.
18. Những kẻ giả bộ đến để an ủi Gióp cần phải làm gì?
18 Nhưng về ba kẻ giả hình tự cao tự đại giả bộ đến để an ủi Gióp thì sao? Đức Giê-hô-va đã có thể đúng lý tiêu diệt Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha vì họ đã không nói sự thật về Ngài, như Gióp đã làm. Đức Chúa Trời nói: “Hãy bắt bảy con bò đực và bảy con chiên đực đi đến Gióp, kẻ tôi-tớ ta, mà vì các ngươi dâng lên một của-lễ thiêu; rồi Gióp, kẻ tôi-tớ ta, sẽ cầu-nguyện cho các ngươi”. Để làm điều này, ba người bạn phải tự hạ mình xuống. Người giữ sự trung kiên là Gióp phải cầu nguyện cho họ, và Đức Giê-hô-va đã chấp nhận lời cầu nguyện của ông (Gióp 42:7-9). Nhưng về vợ Gióp, là người đã xui giục ông phỉ báng Đức Chúa Trời và chết thì sao? Hiển nhiên, nhờ sự thương xót của Đức Chúa Trời, bà hòa thuận lại với Gióp.
Phần thưởng được hứa trước cho chúng ta niềm hy vọng
19. Liên quan đến Gióp, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài mạnh hơn Ma-quỉ như thế nào?
19 Sau khi Gióp ngừng lo lắng về nỗi đau khổ của mình và được phục hồi trong thánh chức hầu việc Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va liền thay đổi hoàn cảnh của ông. Sau khi Gióp cầu nguyện cho ba người bạn, Đức Giê-hô-va ‘đem người ra khỏi cảnh khốn người’ và ban cho Gióp ‘gấp bằng hai các tài-sản mà người đã có trước’. Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài mạnh hơn Ma-quỉ bằng cách kiềm lại tay của Sa-tan dùng để giáng bệnh và chữa lành Gióp qua một phép lạ. Đức Chúa Trời cũng đẩy lùi đám quỉ sứ và không cho chúng đến gần bằng cách đặt thiên sứ của Ngài xung quanh Gióp một lần nữa (Gióp 42:10; Thi-thiên 34:7).
20. Đức Giê-hô-va ban thưởng và ban phước cho Gióp bằng những cách nào?
20 Các anh chị em và người quen biết Gióp từ trước cứ đến dùng bữa với ông, chia buồn với ông và an ủi ông về tai họa mà Đức Giê-hô-va đã cho phép ông gặp phải. Mỗi người tặng Gióp tiền bạc và cái vòng vàng. Đức Giê-hô-va ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang thì, như vậy Gióp được 14.000 chiên, 6.000 lạc đà, 1.000 đôi bò và 1.000 lừa cái. Gióp cũng có bảy con trai và ba con gái, y như ông có hồi trước. Các con gái của ông—Giê-mi-ma, Kê-xia và Kê-ren-Ha-búc—là những người đàn bà đẹp nhất trong toàn xứ, và Gióp cho họ một phần cơ nghiệp giữa các anh em họ (Gióp 42:11-15). Hơn nữa, Gióp sống thêm 140 năm và thấy bốn đời cháu chít ông. Lời tường thuật kết thúc: “Rồi Gióp qua đời tuổi cao tác lớn” (Gióp 42:16, 17). Giê-hô-va Đức Chúa Trời kéo dài đời sống ông qua một phép lạ.
21. Chúng ta được giúp đỡ thế nào nhờ sự tường thuật trong Kinh-thánh về Gióp, và chúng ta nên cương quyết làm gì?
21 Lời tường thuật trong Kinh-thánh về Gióp khiến chúng ta nhận thức rõ hơn các mưu kế của Sa-tan và giúp chúng ta thấy quyền thống trị hoàn vũ có liên quan đến sự trung kiên của loài người như thế nào. Giống như Gióp, tất cả những ai yêu mến Đức Chúa Trời sẽ bị thử thách. Nhưng chúng ta có thể bền bỉ chịu đựng như Gióp. Ông sống sót qua các thử thách với đức tin và niềm hy vọng, và ông được ban thưởng rất nhiều. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay, chúng ta có đức tin và niềm hy vọng thật sự. Và Đấng Ban thưởng Vĩ đại đã đặt trước mặt mỗi người chúng ta niềm hy vọng tuyệt diệu biết bao! Ghi nhớ phần thưởng được lên trời sẽ giúp những người được xức dầu phụng sự Đức Chúa Trời một cách trung thành trong những năm tháng còn lại của đời sống họ trên đất. Nhiều người có triển vọng sống trên đất sẽ không bao giờ chết, nhưng nếu có người nào chết, họ sẽ được phần thưởng là sự sống lại trong Địa đàng trên đất, cùng với chính Gióp. Với niềm hy vọng thật sự này ghi tạc vào trí và lòng, mong sao tất cả những ai yêu mến Đức Chúa Trời chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối bằng cách đứng vững bên phía Đức Giê-hô-va với tư cách những người giữ sự trung kiên và ủng hộ triệt để quyền thống trị hoàn vũ của Ngài.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Gióp nêu ra những điểm nào trong lần cuối cùng ông đáp lời mấy người bạn giả hình?
◻ Ê-li-hu chứng tỏ mình là người làm chứng vô tư cho Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Một số các câu hỏi mà Đức Chúa Trời hỏi Gióp là gì, và những câu hỏi đó có hiệu quả nào?
◻ Bạn đã được lợi ích thế nào từ lời tường thuật trong Kinh-thánh về Gióp?
[Hình nơi trang 16]
Các lời nói của Đức Giê-hô-va về Bê-hê-mốt và Lê-vi-a-than giúp làm cho Gióp biết khiêm nhường