Đừng nhìn những điều hư không!
“Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không, làm tôi được sống trong các đường-lối Chúa”.—THI 119:37.
1. Món quà thị giác quan trọng như thế nào?
Thị giác chúng ta thật quý giá biết bao! Nhờ thị giác, chúng ta có thể nhận biết ngay cảnh vật xung quanh—với chiều sâu và màu sắc. Thị giác giúp chúng ta nhìn thấy những người bạn yêu quý hoặc những mối nguy hiểm cần tránh. Với thị giác, chúng ta cảm nhận được cái đẹp, chiêm ngưỡng các kỳ quan thiên nhiên và nhận ra bằng chứng về sự hiện hữu cũng như sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Thi 8:3, 4; 19:1, 2; 104:24; Rô 1:20). Là một phương tiện rất quan trọng để truyền thông tin vào trí, thị giác có vai trò lớn trong việc tiếp thu sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và xây dựng đức tin nơi Ngài.—Giô-suê 1:8; Thi 1:2, 3.
2. Tại sao chúng ta nên quan tâm về những điều mình thấy? Và chúng ta học được gì từ lời cầu khẩn của người viết Thi-thiên?
2 Tuy nhiên, những gì mình nhìn cũng có thể gây hại. Thị giác và trí óc liên hệ rất chặt chẽ. Những gì chúng ta thấy có thể gợi lên hoặc gia tăng tham vọng và ham muốn trong lòng. Sống trong một thế gian đồi bại và ích kỷ do Sa-tan Ma-quỉ cai trị, chúng ta liên tục bị tấn công bởi những hình ảnh và lời tuyên truyền mà có thể dễ dàng khiến chúng ta lầm đường lạc lối—ngay cả khi chỉ nhìn thoáng qua (1 Giăng 5:19). Không lạ gì người viết Thi-thiên cầu khẩn Đức Chúa Trời: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không, làm tôi được sống trong các đường-lối Chúa”.—Thi 119:37.
Mắt có thể đánh lừa chúng ta
3-5. Những lời tường thuật nào trong Kinh Thánh cho thấy mối nguy hiểm của việc để mắt làm chúng ta rơi vào cám dỗ?
3 Hãy xem chuyện gì đã xảy ra với người đàn bà đầu tiên là Ê-va. Sa-tan gợi ý rằng mắt bà sẽ “mở ra” nếu ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác”. Hẳn ý tưởng mắt sẽ “mở ra” đã thu hút Ê-va. Bà càng muốn ăn trái cấm khi “thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt”. Vì nhìn cây đó với lòng thèm muốn, Ê-va đã cãi lệnh Đức Chúa Trời. Chồng bà là A-đam cũng không vâng lời, dẫn đến hậu quả tai hại cho nhân loại.—Sáng 2:17; 3:2-6; Rô 5:12; Gia 1:14, 15.
4 Vào thời Nô-ê, một số thiên sứ cũng bị tác động bởi những gì họ thấy. Nói về họ, Sáng-thế Ký 6:2 tường thuật: “Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Nhìn con gái loài người với sự thèm muốn đã khơi dậy trong lòng các thiên sứ phản nghịch một ham muốn trái tự nhiên, đó là quan hệ tình dục với loài người. Họ đã sinh ra những người con hung bạo. Sự xấu xa của loài người vào thời ấy dẫn đến sự hủy diệt của toàn thể nhân loại, ngoại trừ Nô-ê và gia đình ông.—Sáng 6:4-7, 11, 12.
5 Nhiều thế kỷ sau, một người Y-sơ-ra-ên là A-can để cho mắt làm ông ăn cắp một số đồ vật của thành Giê-ri-cô bị thất thủ. Đức Giê-hô-va đã ban mệnh lệnh là tiêu hủy mọi vật trong thành ấy, ngoại trừ một số thứ phải mang vào kho của Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên được cảnh báo: “Hãy cẩn-thận về vật các ngươi phú dâng diệt đi”, vì họ có thể nảy sinh lòng tham muốn và lấy những vật của thành ấy. Khi A-can không vâng lời, dân Y-sơ-ra-ên bị thua trận ở thành A-hi, và một số người mất mạng. A-can không nhận tội ăn cắp cho đến khi ông bị phơi bày. A-can nói rằng: “Tôi có thấy”, rồi “tôi tham muốn các món đó, và lấy nó”. Tham muốn của mắt đã khiến ông bị hủy diệt, cùng với ‘mọi vật chi thuộc về ông’ (Giô-suê 6:18, 19; 7:1-26). A-can đã thèm muốn những thứ bị cấm.
Cần có tinh thần tự giác
6, 7. Sa-tan thường dùng “mưu-chước” nào để gài bẫy chúng ta? Và các nhà quảng cáo tận dụng nó thế nào?
6 Nhân loại ngày nay bị cám dỗ theo cách giống như trường hợp của Ê-va, các thiên sứ bất tuân và A-can. Trong số các “mưu-chước” Sa-tan dùng để đánh lừa nhân loại, kích thích sự “mê-tham của mắt” là phương cách vô cùng hữu hiệu (2 Cô 2:11; 1 Giăng 2:16). Các nhà quảng cáo thời nay biết rõ người ta luôn bị tác động bởi những gì họ thấy. Một chuyên gia tiếp thị hàng đầu của châu Âu nói: “Thị giác là giác quan dễ cám dỗ người ta nhất. Nó thường chi phối các giác quan khác, và có sức mạnh thuyết phục chúng ta hành động ngược lại với lý trí”.
7 Không ngạc nhiên gì khi các nhà quảng cáo liên tục tung ra những hình ảnh được thiết kế cách khéo léo để tác động mạnh đến thị giác, và khơi dậy nơi người xem lòng ham muốn các sản phẩm và dịch vụ của họ! Một tiến sĩ ở Hoa Kỳ nghiên cứu về tác động của quảng cáo nói rằng nó “được thiết kế không chỉ cung cấp thông tin, mà quan trọng hơn, còn khiến người xem có một cảm xúc và hành động cụ thể”. Hình ảnh khêu gợi là một trong những hình thức quảng cáo thường được dùng. Vậy, điều thật quan trọng là chúng ta kiểm soát những gì mình xem và những gì mình tiếp nhận vào trí và lòng!
8. Kinh Thánh nhấn mạnh thế nào về việc cần giữ gìn mắt?
8 Tín đồ Đấng Christ chân chính cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự mê tham của mắt và của xác thịt. Vì vậy, Lời Đức Chúa Trời khuyến giục chúng ta có tinh thần tự giác về điều mình thấy và điều mình mong muốn (1 Cô 9:25, 27; đọc 1 Giăng 2:15-17). Người công bình Gióp đã nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc thấy và ham muốn. Ông nói: “Tôi đã có lập ước với mắt tôi; vậy, làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng-trinh?” (Gióp 31:1). Gióp không những từ chối quan hệ vô luân, mà ngay cả ý tưởng như thế ông cũng không nghĩ đến. Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng tâm trí chúng ta phải thanh sạch, không có những tư tưởng vô luân, khi ngài nói: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”.—Mat 5:28.
Những điều hư không cần tránh
9. (a) Tại sao chúng ta phải đặc biệt thận trọng khi dùng Internet? (b) Chỉ thấy thoáng qua hình ảnh khiêu dâm cũng có thể mang lại hậu quả nào?
9 Trong thế gian thời nay, ngày càng có nhiều người xem hình ảnh khiêu dâm, đặc biệt trên Internet. Chúng ta không phải tìm những trang web như thế—chúng tự tìm đến chúng ta! Bằng cách nào? Một cửa sổ quảng cáo có hình ảnh khêu gợi có thể bất ngờ xuất hiện trên màn hình. Hoặc một e-mail có vẻ vô hại, nhưng một khi mở ra, có thể xuất hiện hình ảnh khiêu dâm được lập trình theo cách mà người xem khó thoát ra được. Dù chỉ nhìn sơ qua trước khi xóa, hình ảnh ấy cũng đã in trong trí. Chỉ thấy thoáng qua một hình ảnh khiêu dâm có thể mang lại hậu quả đáng tiếc. Nó có thể khiến một người cảm thấy tội lỗi và phải tranh đấu để xóa các hình ảnh vô luân khỏi tâm trí. Tệ hơn nữa, nếu một người cứ xem những hình ảnh ấy thì cần phải nỗ lực để làm chết các ham muốn sai quấy.—Đọc Ê-phê-sô 5:3, 4, 12; Cô-lô-se 3:5, 6.
10. Tại sao trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tài liệu khiêu dâm? Và xem tài liệu đó có thể dẫn đến hậu quả nào cho các em?
10 Trẻ em có bản tính tò mò nên có thể bị cuốn hút vào tài liệu khiêu dâm. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể gây ảnh hưởng lâu dài đối với cái nhìn về tính dục của các em. Theo một báo cáo, những ảnh hưởng này có thể là: nhận thức lệch lạc về tiêu chuẩn tính dục, “khó duy trì mối quan hệ lành mạnh và yêu thương; có cái nhìn sai lệch về phụ nữ; và nghiện tài liệu khiêu dâm, là điều có thể gây trở ngại trong việc học, tình bạn và mối quan hệ trong gia đình”. Nghiêm trọng hơn, sau này nó có thể ảnh hưởng tai hại đến quan hệ hôn nhân.
11. Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy mối nguy hiểm của việc xem tài liệu khiêu dâm.
11 Một anh đã viết: “Trong số các thói nghiện mà tôi có trước khi trở thành Nhân Chứng, tài liệu khiêu dâm là khó bỏ nhất. Tôi vẫn thấy các hình ảnh ấy vào những lúc không ngờ—khi ngửi một mùi, nghe một bản nhạc, thấy một cái gì đó hoặc ngay cả khi đang suy nghĩ lan man. Đó là cuộc chiến liên tục mỗi ngày”. Một anh khác, khi còn bé, đã xem tạp chí khiêu dâm của người cha không tin đạo lúc cha mẹ đi vắng. Anh viết: “Những hình ảnh ấy đã gây ảnh hưởng khủng khiếp trong tâm trí non nớt của tôi! Ngay cả bây giờ, sau 25 năm, tôi vẫn không thể quên một số hình ảnh ấy. Dù tôi tranh đấu đến mức nào, chúng vẫn ở đấy. Điều này khiến tôi cảm thấy tội lỗi dù đã cố không nghĩ đến chúng”. Thật khôn ngoan là tránh những cảm xúc nặng nề ấy bằng cách không xem điều hư không! Làm sao một người có thể làm được điều này? Người đó cần cố gắng “bắt hết các ý-tưởng làm tôi vâng-phục Đấng Christ”.—2 Cô 10:5.
12, 13. Tín đồ Đấng Christ phải tránh xem những điều hư không nào, và tại sao?
12 Một điều “đê-mạt” hay hư không khác cần phải tránh là chương trình giải trí cổ vũ chủ nghĩa vật chất, thuật huyền bí hoặc có tính chất hung bạo, đổ máu và chết chóc. (Đọc Thi-thiên 101:3). Cha mẹ tín đồ Đấng Christ có trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va về việc chọn lựa những chương trình được xem ở nhà. Dĩ nhiên, không tín đồ Đấng Christ chân chính nào cố tình dính líu đến ma thuật. Nhưng cha mẹ cần biết về những bộ phim, phim nhiều tập trên truyền hình, trò chơi điện tử, ngay cả truyện tranh và sách thiếu nhi có liên quan đến thực hành huyền bí.—Châm 22:5.
13 Dù trẻ tuổi hay lớn tuổi, mắt chúng ta không nên thích thú những trò chơi điện tử có tính chất bạo lực hoặc miêu tả cảnh giết người một cách ghê rợn giống như thật. (Đọc Thi-thiên 11:5). Chúng ta phải tránh tập trung tâm trí vào bất cứ hoạt động nào mà Đức Giê-hô-va lên án. Hãy nhớ rằng Sa-tan nhắm vào tư tưởng của chúng ta (2 Cô 11:3). Ngay cả việc dành quá nhiều thì giờ để xem chương trình giải trí được xem là chấp nhận được cũng có thể lấy mất thời gian dành cho buổi thờ phượng của gia đình, đọc Kinh Thánh mỗi ngày và chuẩn bị cho nhóm họp.—Phi-líp 1:9, 10.
Theo gương Chúa Giê-su
14, 15. Trong lần thứ ba Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-su, có điều gì đáng lưu ý? Và làm thế nào Chúa Giê-su có thể chống lại cám dỗ đó?
14 Đáng buồn thay, chúng ta không thể tránh thấy một số điều hư không trong thế gian xấu xa này. Ngay cả Chúa Giê-su cũng phải đối mặt với những điều như thế. Khi Sa-tan cám dỗ ngài lần thứ ba để khiến ngài ngưng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, “Ma-quỉ... đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế-gian, cùng sự vinh-hiển các nước ấy” (Mat 4:8). Tại sao Sa-tan làm vậy? Chắc hẳn hắn muốn lợi dụng tác động mạnh mẽ của mắt. Nhìn thấy sự huy hoàng của các nước có thể khiến Chúa Giê-su ham muốn danh vọng của thế gian. Ngài phản ứng thế nào?
15 Chúa Giê-su không chú tâm đến lời đề nghị đầy cám dỗ ấy. Ngài không nghĩ đến những ham muốn sai trái. Và ngài không phải suy nghĩ nhiều để từ chối đề nghị đó của Ma-quỉ. Chúa Giê-su phản ứng ngay lập tức. Ngài ra lệnh: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra!” (Mat 4:10). Chúa Giê-su tập trung vào mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, và lời ngài đáp với Sa-tan phù hợp với mục tiêu đời sống ngài—đó là thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời (Hê 10:7). Nhờ thế, Chúa Giê-su đã thành công trong việc chống lại âm mưu xảo trá của Sa-tan.
16. Chúng ta có thể học được điều gì từ gương của Chúa Giê-su khi ngài kháng cự cám dỗ của Sa-tan?
16 Chúng ta có thể học được nhiều điều qua gương của Chúa Giê-su. Thứ nhất, không ai tránh được thủ đoạn của Sa-tan (Mat 24:24). Thứ hai, những gì mà mắt chúng ta tập trung có thể gia tăng ước muốn trong lòng chúng ta, tốt hay xấu. Thứ ba, Sa-tan sẽ lợi dụng tối đa sự “mê-tham của mắt” để làm chúng ta lầm đường lạc lối (1 Phi 5:8). Và thứ tư, chúng ta cũng có thể chống lại Sa-tan, đặc biệt khi hành động ngay lập tức.—Gia 4:7; 1 Phi 2:21.
Giữ mắt “đơn thuần”
17. Tại sao không khôn ngoan nếu đợi đến khi đối mặt với điều hư không rồi mới quyết định sẽ làm gì?
17 Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta nghiêm túc hứa sẽ xây bỏ những điều hư không. Khi hứa nguyện làm theo ý Đức Chúa Trời, chúng ta cũng nói như người viết Thi-thiên: “Tôi giữ chân tôi khỏi mọi đường tà, để gìn-giữ lời của Chúa” (Thi 119:101). Thật không khôn ngoan nếu đợi đến khi đối mặt với điều hư không rồi mới quyết định sẽ làm gì. Chúng ta được giải thích rõ về những điều Kinh Thánh lên án. Không phải là chúng ta không biết mưu kế của Sa-tan. Hãy nhớ Chúa Giê-su bị cám dỗ biến đá thành bánh vào lúc nào? Sau khi ngài kiêng ăn 40 ngày 40 đêm và cảm thấy đói (Mat 4:1-4). Sa-tan có thể nhận biết khi nào chúng ta yếu đuối và dễ rơi vào cám dỗ. Vì thế, bây giờ là lúc để cẩn thận xem xét những vấn đề này. Đừng chần chừ! Nếu hằng ngày nghĩ đến lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ quyết tâm tránh xa những điều hư không.—Châm 1:5; 19:20.
18, 19. (a) Hãy nêu sự tương phản giữa mắt “đơn thuần” và mắt “xấu”. (b) Tại sao cần tiếp tục nghĩ đến những điều có giá trị? Và Phi-líp 4:8 đưa ra lời khuyên nào về vấn đề này?
18 Mỗi ngày, chúng ta thấy đầy những thú tiêu khiển thu hút mắt, và chúng ngày càng gia tăng. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời khuyên của Chúa Giê-su là giữ mắt “sáng-sủa”, hay “đơn thuần” (Mat 6:22, 23; Nguyễn Thế Thuấn). Mắt “đơn thuần” hoàn toàn tập trung vào mục tiêu là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Trái lại, mắt “xấu” thì xảo quyệt, tham muốn và thích những điều hư không.
19 Hãy nhớ rằng mắt tác động đến trí, và trí tác động đến lòng. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta tiếp tục nghĩ đến những điều có giá trị. (Đọc Phi-líp 4:8). Mong sao chúng ta tiếp tục lặp lại lời cầu nguyện của người viết Thi-thiên: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không”. Vậy, khi cố gắng hành động phù hợp với lời cầu nguyện đó, chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ “làm [chúng ta] được sống trong các đường-lối [Ngài]”.—Thi 119:37; Hê 10:36.
Chúng ta nên nhớ gì về...
• sự liên hệ giữa mắt, trí và lòng?
• mối nguy hiểm của việc xem tài liệu khiêu dâm?
• tầm quan trọng của việc giữ mắt “đơn thuần”?
[Lời chú thích nơi trang 23]
Tín đồ Đấng Christ phải tránh xem những điều hư không nào?