Sự trung thành của Gióp—Ai bắt chước được?
“Nguyện Đức Chúa Trời cân tôi trên cân thăng-bằng, Thì Ngài sẽ nhìn-biết sự thanh-liêm của tôi” (GIÓP 31:6).
1. Tại sao ta nên suy nghĩ về gương của Gióp, và những câu hỏi nào được nêu ra?
Gióp vững tin nơi lòng trung thành của mình nên sẵn sàng đón nhận sự quan sát của Đức Chúa Trời. Gương của ông có thể khích lệ chúng ta rất nhiều ngày nay, nhất là khi Sa-tan Ma-quỉ cố gắng hết sức hủy diệt lòng trung thành của những người phụng sự Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 5:8). Môn đồ Gia-cơ công nhận điều này khi ông nói “lấy các đấng tiên-tri đã nhơn danh Chúa mà nói, làm mẫu-mực về sự chịu khổ và nhịn-nhục cho mình”, đặc biệt là Gióp (Gia-cơ 5:10, 11). Nhưng ai có thể bắt chước được sự trung thành của Gióp? Chúng ta có làm được không? Trong những phương diện nào Gióp đã nêu gương giữ vẹn lòng trung thành cho chúng ta?
2. a) Tên Gióp có nghĩa là gì? b) Thái độ trung thành của Gióp đã giúp nói lên điều gì?
2 Tên Gióp có nghĩa “đối tượng của sự hiềm khích” quả rất đúng trong trường hợp ông. Nhưng khi Đức Giê-hô-va chịu ban cho Sa-tan điều hắn yêu cầu và dẹp hàng rào bảo vệ quanh Gióp thì Sa-tan làm đủ cách mà cũng không làm lay chuyển được sự trung thành của Gióp đối với Đức Chúa Trời (Gióp 1:1 đến 2:10). Như vậy Gióp đã đáp lại lời thách thức của Sa-tan cho là hắn có thể làm bất cứ người nào ngưng phụng sự Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 27:11). Bởi thái độ trung thành của mình không khác gì Gióp đã tuyên bố trước toàn thể vũ trụ: “Sa-tan, ngươi là kẻ nói dối đáng khinh bỉ, bởi vì Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ta tôn thờ, và ta sẽ giữ sự trung thành đối với Ngài dù bất cứ sự gì có thể xảy đến!” (Gióp 27:5).
Những người giống như Gióp
3. Ai được bảo vệ trên trời và các câu hỏi nào liên quan đến người ấy được nêu ra?
3 Điểm đáng chú ý là vấn đề tương tranh giữa Đức Giê-hô-va và Sa-tan bao trùm khắp vũ trụ và liên hệ đến thế giới vô hình. Ở nơi ấy trên trời là “dòng dõi” đã hứa, được Đức Giê-hô-va che chở bảo bọc như bởi một hàng rào, và Đức Chúa Trời định thực hiện kế hoạch tuyệt vời của Ngài qua “dòng-dõi” ấy (Sáng-thế Ký 3:15). Tuy nhiên, khi “hàng rào bảo bọc” được dẹp bỏ đi thì “dòng-dõi” ấy sẽ thật sự bắt chước sự trung thành của Gióp không? Và sẽ chứng tỏ được là một con người hoàn toàn như A-đam có thể giữ sự trung thành hoàn toàn đối với Đức Chúa Trời không? (I Cô-rinh-tô 15:45). Sa-tan chuẩn bị để cho “dòng-dõi” này phải qua một cơn thử thách gay go nhất khi ngài xuất hiện trên thế gian.
4. a) Ai trở thành đối tượng chính của sự hiềm thù của Sa-tan, và làm thế nào chúng ta biết là Đức Chúa Trời đã dẹp đi sự bảo vệ cho người ấy? b) Giê-su đã cung cấp điều gì cho Đức Giê-hô-va?
4 Giê-su Christ đã tỏ ra la “dòng-dõi” được phái xuống từ trời. Như thế ngài trở thành mục tiêu để Sa-tan chú ý, vâng, đối tượng Chính cho sự hiềm thù của Sa-tan. Điều chứng minh rằng Đức Giê-hô-va đã dẹp đi hàng rào bảo vệ là đấng Christ đã kêu lên khi bị treo trên cây khổ hình: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa-bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46; Thi-thiên 22:1). Mặc dù ý thức rõ Đức Chúa Trời đã không che chở ngài nữa, Giê-su, cũng như Gióp, “không phạm tội, và chẳng nói phạm-thượng cùng Đức Chúa Trời” (Gióp 1:22). Ngài bắt chước Gióp, giữ sự trung thành hoàn toàn đối với Đức Chúa Trời và như thế chứng tỏ rằng “không có ai như ngài trên mặt đất” (Gióp 1:8). Do đó, với Giê-su Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một sự trả lời đầy đủ và bền vững cho lời vu cáo của Sa-tan cho rằng Đức Chúa Trời không thể có được một người nào trên đất sẽ mãi trung thành với Ngài khi chịu sự thử thách nặng nề nhất.
5. a) Sa-tan tiếp tục làm điều gì? b) Sa-tan làm gì khi bị đuổi khỏi trời?
5 Nhưng Sa-tan vẫn xem sự trả lời ấy chưa đủ nên tiếp tục tố cáo các anh em thiêng liêng của Giê-su vốn cùng ngài họp thành “dòng-dõi” của tổ chức của Đức Chúa Trời được ví như một người đàn bà. Khi tả về sự thiết lập Nước Trời trên trời Kinh-thánh nói về Sa-tan: “Kẻ kiện-cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện-cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, nay đã bị quăng xuống rồi”. Tuy nhiên Sa-tan chẳng những tố cáo họ không thôi, hắn còn tổ chức tấn công các người này! Kinh-thánh giải thích rằng sau khi bị đuổi khỏi trời, “con rồng (Sa-ran) giận người đờn-bà, bèn đi tranh-chiến cùng con-cái khác của người, là những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Giê-su” (Khải-huyền 12:7-12, 17).
6. a) Ngày nay ai dẫn đầu trong việc rao giảng tin mừng và những ai đã đến kết hợp với họ? b) Sa-tan đang cố gắng làm gì đối với tất cả các người ấy?
6 Những người thuộc “dòng-dõi (của người đàn bà)” là các nhân chứng được xức dầu của Đức Giê-hô-va còn sót lại trên đất hiện nay. Họ dẫn đầu trong “công-việc làm chứng cho Giê-su” công khai tuyên bố khắp thế giới là ngài hiện đã lên ngôi vua và sắp hủy diệt hệ thống mọi sự bất công hiện nay (Ma-thi-ơ 24:14; Đa-ni-ên 2:44). Nhưng các người ấy không bị lẻ loi đâu vì hiện có một đám đông hơn ba triệu người đã đến cùng với họ, họp thành một tổ chức hợp nhứt, trung thành trên toàn trái đất. Tất cả những người trung thành ấy, đến phiên họ trở thành đối tượng cho các sự bắt bớ chẳng nương tay của Sa-tan, và Đức Giê-hô-va, Cha trên trời của họ vui dạ vì lòng trung thành của họ (II Ti-mô-thê 3:12; Châm-ngôn 27:11).
7. Tại sao ta có thể vững tin trước các cuộc tấn công của Sa-tan?
7 Tất nhiên khi biết là như hắn đã làm với Gióp, Sa-tan nay xoay sự chú ý hiểm ác của hắn về phía chúng ta là những người giờ đây đang cố gắng giữ sự trung thành với Đức Giê-hô-va thì điều ấy không khỏi làm ta phải suy nghĩ. Tuy vậy ta không có lý do gì để lo âu. Tại sao? Vì “Chúa đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” và sẽ “chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ-bỏ ngươi đâu” (Gia-cơ 5:11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ chúng ta. Kinh-thánh nói: “Ngài là thuẫn-đỡ của người làm theo sự đoan-chính” (Châm-ngôn 2:7). Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là Đức Giê-hô-va sẽ không để cho chúng ta bị thử thách. Không, Ngài sẽ làm, như đối với Gióp. Sứ đồ Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (I Cô-rinh-tô 10:13).
Khi bị thử thách
8. Gương của Gióp có ích thế nào cho chúng ta ngày nay?
8 Gương trung thành của Gióp có thể đặc biệt ích lợi cho ta khi phải đương đầu với những sự thử thách cam go. Gióp đau khổ đến mức mong được chết và được che giấu nơi “Sheol” tức mồ mả chung của nhân loại (Gióp 14:13). Ngày nay một số người cũng đã nghĩ như thế và rất thông cảm với Gióp khi ông đau đớn cùng cực như thế. Có thể bạn cũng đã từng cảm giác như thế vào một lúc nào đó Quả thật, đọc những gì được ghi chép về các nỗi thống khổ của Gióp không khác chi nhận được lời an ủi từ một người bạn đã từng bị thử thách nặng nề hơn chúng ta nữa. Biết rằng có người nào khác đã chịu đựng và hiểu được chắc chắn giúp chúng ta cũng chịu đựng được.
9. Chúng ta có thể rút tỉa lợi ích gì từ sự trung thành của người khác?
9 Đức Giê-hô-va biết các nhu cầu chúng ta nên đã cho ghi chép câu chuyện của Gióp để giúp chúng ta giữ sự trung thành như Gióp đã làm (Rô-ma 15:4; Gia-cơ 5:10, 11). Đức Chúa Trời biết rằng, cũng như các phần trong một cơ thể tùy thuộc lẫn nhau, các tôi tớ trung thành của Ngài cũng cần nhau (I Cô-rinh-tô 12:20, 26). Hãy nhớ kỳ hội nghị “Những người trung thành” mà hàng triệu độc giả của tạp chí này đã tham dự. Những người có mặt ở đấy còn nhớ thật sung sướng biết bao được ở chung với một số thật đông người mà mục đích chính ở đời là giữ vẹn sự trung thành với Đức Chúa Trời. Còn lời khích lệ cho việc giữ sự trung thành nào hơn đành cho người tham dự khi biết rằng con số hàng vạn người chung quanh họ dù tại nơi làm việc hay chốn học đường đều đang giữ sự trung thành dù bị thử thách cam go (I Phi-e-rơ 5:9).
10. a) Bằng cách nào một cá nhân có thể không có quan điểm đúng? b) Gióp đã bắt đầu tự hỏi về điều gì?
10 Tuy vậy, cũng như Gióp, có thể chúng ta đã không luôn luôn có quan điểm đúng. Một cá nhân khi bị đau khổ quá nhiều và bị khủng hoảng tinh thần có thể nói “Tại sao Đức Chúa Trời làm thế? Tại sao Ngài để việc ấy xảy đến cho tôi như thế?” Người ấy lại có thể tiến đến mức hỏi “Phụng sự Đức Chúa Trời có ích lợi gì?” Vì không ý thức được do đâu ông phải chịu nhiều hoạn nạn như thế nên Gióp tự hỏi ăn ở như người công bình được lợi ích gì trong hiện tại, bởi người ngay dường như phải gánh chịu đau khổ như kẻ dữ hoặc hơn nữa (Gióp 9:22). Theo Ê-li-hu thì Gióp dã nói: “Tôi sẽ đặng lời gì? Nhược bằng chẳng phạm tội? Tôi há sẽ được ích hơn chăng?” (Gióp 35:3). Nhưng chúng ta không nên quá bận tâm với các khó khăn bản thân đến nỗi quên quan điểm đúng và đặt nghi vấn về việc phụng sự Đức Chúa Trời.
11. Ê-li-hu đã sửa trị Gióp một cách rất đúng như thế nào?
11 Ê-li-hu đã sửa trị Gióp, đặt vấn đề lại đúng mức bằng cách chỉ cho thấy là Đức Giê-hô-va có địa vị cao hơn Gióp rất nhiều (Gióp 35:4, 5). Ê-li-hu chứng minh rằng dù có điều chi chăng nữa chúng ta cũng không bao giờ nên kết luận là Đức Chúa Trời không quan tâm đến chúng ta và trách Ngài về các điều mà chúng ta cho là bất công do Ngài gây ra. Ê-li-hu hỏi Gióp: “Nếu ông đã phạm tội, có hại chi cho Đức Chúa Trời chăng? Nếu các sự vi-phạm ông thêm nhiều, có can gì với Ngài?” (Gióp 35:6). Đúng vậy, nếu chúng ta muốn trách Đức Chúa Trời bằng cách ngưng theo Ngài hay hầu việc Ngài thì chỉ tự làm hại mình chứ chẳng làm gì được Ngài.
12. Việc ta giữ sự trung thành quan hệ đến Đức Chúa Trời như thế nào?
12 Mặt khác Ê-li-hu chỉ cho thấy Đức Chúa Trời chính Ngài không hưởng được lợi ích nào khi chúng ta làm điều thiện. Tất nhiên Ngài rất vui dạ nếu chúng ta trung thành, nhưng trong khi đó Ngài không hề tùy thuộc chút nào về sự thờ phượng của chúng ta, theo như lời Ê-li-hu hỏi Gióp cho thấy: “Nếu ông công-bình, ông sẽ ban gì cho Ngài Ngài sẽ lãnh điều gì bởi tay của ông?” (Gióp 35:7). Đức Chúa Trời ban cho ta sự sống, và nhờ Ngài mà chúng ta có hơi thở, di động và hiện hữu. Ngài là sở hữu chủ của mọi vật! (Công-vụ các Sứ-đồ 17:25; I Sử-ký 29:14). Như thế việc ta ăn ở gian ác hay ngay thẳng không ảnh hưởng gì đến bản thân Đức Chúa Trời (Gióp 35:8).
Khi được sửa trị
13. a) Gióp phản ứng như thế nào khi được sửa trị? b) Tất cả chúng ta đều gặp phải vấn đề nào?
13 Gióp đã phản ứng thế nào khi được Ê-li-hu sửa trị và kế đó khi chính Đức Giê-hô-va sửa trị ông? Ông chấp nhận các sự ấy và “ăn-năn trong tro-bụi” (Gióp 42:6). Vâng, Gióp đã hạ mình, nhìn nhận lỗi lầm đã phạm. Chúng ta rất thán phục sự khiêm nhường như thế phải không? Nhưng còn về phần chúng ta thì thế nào? Dù chúng ta có thể là những người một mực trung thành như Gióp, tất cả chúng ta sẽ có thể làm điều sai quấy và tỏ ra thiếu quân bình bằng cách này hay cách khác (Gia-cơ 3:2; Ga-la-ti 2:11-14). Chúng ta sẽ có phản ứng như thế nào khi có người lưu ý chúng ta về lỗi lầm hay điều bất toàn của ta, người đó có thể là một người ít tuổi hơn như Ê-li-hu? (Gióp 32:4).
14. a) Khi bị sửa trị thì thường người ta có khuynh hướng gì? b) Điều gì có thể gây ra nhầm lẫn hay xét đoán sai lầm, và Gióp đã nêu gương như thế nào khi bị sửa trị?
14 Chấp nhận sự sửa trị không phải là điều dễ làm (Hê-bơ-rơ 12:11; Châm-ngôn 3:11, 12). Thường chúng ta có khuynh hướng muốn tự bào chữa. Như Gióp, có thể chúng ta đã nói hay làm điều gì quấy. Có thể chúng ta có ý tốt. Nhưng có thể chúng ta đã nói mà không hiểu rõ các chi tiết vì thế mà đã thiếu sự hiểu biết, thông cảm và tình thương. Có lẽ các lời bình luận của chúng ta đã cho thấy một quan niệm tự tôn liên quan đến nòi giống hay quốc gia ta, hoặc chúng ta tỏ ra một sự cứng rắn không căn cứ theo Kinh-thánh về một điều nào đó. Có thể có người sẽ lưu ý là các lời nói chúng ta phản ảnh quan điểm riêng cá nhân chúng ta và đã làm phương hại đến người khác đến mức tình trạng thiêng liêng của họ bị suy kém. Khi bị sửa trị chúng ta sẽ bắt chước Gióp, nhìn nhận “đã nói những điều tôi không hiểu đến” và sẽ sẵn sàng “đính chính” không? (Gióp 42:3, 6).
Tin cậy nơi Đức Chúa Trời, chớ không nơi của cải
15. Tại sao chúng ta biết rằng Gióp không đặt tin cậy nơi của cải vật chất?
15 Binh-đát đã nêu lên câu hỏi về sự tin cậy của Gióp, ám chỉ rằng ông đã quên Đức Chúa Trời và đã đặt tin cậy nơi khác (Gióp 8:13, 14). Sự thật là dù Gióp được ban cho nhiều của cải vật chất, nhưng ông không đặt tin tưởng nơi các điều ấy. Khi bị mất hết của cải ấy, đức tin ông không suy giảm chút nào (Gióp 1:21). Trong phần kết luận lời biện hộ cho mình, Gióp nói: “Nếu tôi có để lòng tin-cậy nơi vàng, Và nói với vàng ròng rằng: Ngươi là sự nương-nhờ của ta; Nếu tôi vui-mừng về tài-vật tôi nhiều; Và vì tay tôi đã được lắm của... Điều đó cũng là một tội-ác đáng bị quan-xét phạt; Vì nếu làm vậy, tôi đã từ-chối Đức Chúa Trời trên cao kia” (Gióp 31:24-28).
16. a) Chúng ta phải kiểm điểm gì nơi mình? b) Đức Chúa Trời đã hứa gì với những người đặt tin cậy nơi Ngài?
16 Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đặt tin cậy nơi đâu—nơi Đức Giê-hô-va hay nơi của cải? Nếu chúng ta được đem lên một cái cân thật chính xác để cân, như Gióp đã mong muốn, liệu chúng ta có được Đức Chúa Trời xem là người trung thành không? Mối quan tâm chính của chúng ta ở đời có là giữ vững lòng trung thành hầu giúp Đức Giê-hô-va có thể trả lời các sự thách đố của Sa-tan không? Hay chúng ta rất bận bịu với việc thỏa mãn sự thèm muốn các thú vui và ham mê của cải? Thật là điều tốt thay nếu chúng ta có thể giống như Gióp, là Đức Giê-hô-va vui lòng bởi sự tin cậy nơi Ngài và không quá coi trọng con người ta hay của cải mà ta có! Nếu chúng ta tỏ ra tin cậy nơi Ngài, đặt quyền lợi Ngài lên trên hết, Ngài hứa sẽ không bao giờ rời ta và bỏ rơi ta (Ma-thi-ơ 6:31-33; Hê-bơ-rơ 13:5, 6).
Sự trong sạch về tình dục
17. Các “kẻ an-ủi” của Gióp đã muốn ám chỉ đến các điều gì, nhưng Gióp đã nói gì về hạnh kiểm đạo đức của ông?
17 Các kẻ an ủi giả hiệu của Gióp không trực tiếp lên án Gióp về hạnh kiểm của ông về phương diện tình dục, nhưng thỉnh thoảng họ lại ám chỉ rằng ông đã phạm tội gì đó mà ông che dấu và Đức Chúa Trời trừng phạt ông về tội ấy. Là một người giàu có “lớn hơn hết trong cả dân Đông-phương”, chắc hẳn Gióp có nhiều cơ hội để có ái tình vụng trộm ngoài hôn nhân (Gióp 1:3; 24:15). Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời, vào trước hay sau thời Gióp đã bị lụy vì các sự cám dỗ tình dục (Sáng-thế Ký 38:15-23; II Sa-mu-ên 11:1-5). Nhưng Gióp lên tiếng chống đỡ trước các sự ám chỉ cho rằng ông đã làm điều xằng bậy như thế và tuyên bố: “Tôi có lập ước với mắt tôi; Vậy, làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng-trinh? Nếu lòng tôi bị người nữ quyến-dụ, Nếu tôi rình-rập ở nơi cửa của lân-cận tôi... điều ấy vốn tội trọng gớm-ghê, Một tội-ác đáng bị quan-xét đoán-phạt” (Gióp 31:1, 9-11).
18. Tại sao khó giữ sự trong sạch về tình dục, nhưng tại sao chúng ta sẽ sung sướng nếu làm được điều ấy?
18 Có lẽ không có cách nào khác giúp Sa-tan thành công hơn trong việc đục phá lòng trung thành của những tôi tớ Đức Chúa Trời bằng cách xúi giục họ làm chuyện tà dâm (Dân-số Ký đoạn 25). Chúng ta có bắt chước được sự trung thành của Gióp bằng cách chống cự lại mọi sự cám dỗ vào con đường tà dâm không? Điều này thật không phải dễ làm, nhất là trong thế gian này chạy đua theo sắc dục mà sự tà dâm đang lan tràn khắp mọi nơi. Nhưng hãy nghĩ đến sự vui sướng khi đến lúc phải khai trình nếu chúng ta có thể nói một cách đầy tự tin như Gióp: “Đức Chúa Trời sẽ nhìn-biết sự thanh-liêm của tôi” (Gióp 31:6).
Điều gì có thể giúp chúng ta
19. Điều gì tối cần thiết để giúp chúng ta giữ sự trung thành?
19 Không dễ gì bắt chước sự trung thành của Gióp vì ngày nay Sa-tan cũng vẫn không ngừng nỗ lực phá hoại lòng trung thành của chúng ta như đối với Gióp ngày xưa. Bởi thế điều tối cần là chúng ta phải khoác lên mình toàn bộ áo giáp đến từ Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:10-18). Việc này bao hàm ý là ta phải quay lại phía Đức Chúa Trời như Gióp đã làm, lúc nào cũng ý thức làm vui lòng Ngài trong tất cả những gì chúng ta hay gia đình chúng ta làm (Gióp 1:5). Như thế việc học hỏi Kinh-thánh, thường xuyên kết hợp với anh em trong đạo và công khai tuyên bố đức tin chúng ta là những điều tối quan hệ (II Ti-mô-thê 2:15; Hê-bơ-rơ 10:25; Rô-ma 10:10).
20. a) Hy vọng nào nâng đỡ chúng ta trong khi bị thử thách? b) Thể theo người viết Thi-thiên chúng ta sẽ được phần thưởng nào nếu giữ sự trung thành?
20 Nhưng điều đó có thể đặc biệt giúp đỡ chúng ta trong cơn thử thách là điều đã từng giúp đỡ Gióp—đó là sự tin tưởng là mọi sự không chấm dứt với đời này. Gióp hỏi: “nếu loài người chết, có được sống lại chăng!” Và ông trả lời: “Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại” (Gióp 14:13-15). Nếu chúng ta cũng có niềm tin tuyệt đối là Đức Giê-hô-va sẽ cho những tôi tớ trung thành của Ngài được sống lại thì chúng ta sẽ chịu đựng được bất cứ mọi thử thách nào mà Sa-tan có thể bắt ta gánh chịu (Hê-bơ-rơ 6:10). Cách nay thật lâu người viết Thi-thiên có chép: “Song, nhơn vì sự thanh-liêm tôi, Chúa nâng-đỡ tôi, Lập tôi đứng vững ở trước mặt Chúa đời đời” (Thi-thiên 41:12). Mong đó là tương lai đầy vui sướng cho mỗi người trong chúng ta—được Đức Giê-hô-va nâng đỡ và bảo bọc chúng ta mãi mãi vì là những tôi tớ giữ vững sự trung thành đối với Ngài!
Bạn trả lời được không?
◻ Ai là những người chứng tỏ giống Gióp và có những so sánh gì giữa các người ấy và Gióp?
◻ Ta có thể học được điều gì về cách Gióp phản ứng trước các sự thử thách?
◻ Gióp đã có thái độ nào khi được sửa trị và ta học được gì từ sự ấy?
◻ Gióp đã nêu gương tốt nào liên quan đến của cải vật chất và sự trong sạch về tình dục?
◻ Điều gì có thể giúp chúng ta giữ vững sự trung thành như Gióp đã làm?
[Hình nơi trang 14]
Bạn có bao giờ tự hỏi, giống như Gióp, không biết giữ sự trung thành có lợi ích gì ngay bây giờ chăng?