Chúng ta sẽ bước đi trong sự trung kiên!
“Còn tôi, tôi sẽ bước đi trong sự thanh-liêm [“vẹn toàn”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]”.—THI 26:11.
1, 2. Gióp đã nói gì về lòng trung kiên của ông? Và Gióp chương 31 cho biết điều gì về ông?
Vào thời xưa, vàng, bạc hoặc thực phẩm thường được cân trên cái cân dĩa. Loại cân này gồm một thanh ngang có trục chính giữa và cuối hai đầu thanh ngang đặt hai dĩa cân. Chẳng hạn, một dĩa đặt vàng còn dĩa bên kia thì đặt trái cân. Dân sự Đức Chúa Trời phải dùng cân chính xác và trái cân đúng.—Châm 11:1.
2 Khi người đàn ông kính sợ Đức Chúa Trời là Gióp chịu đựng sự tấn công của Sa-tan, ông nói: “Nguyện [Đức Giê-hô-va] cân tôi trên cân thăng-bằng, thì Ngài sẽ nhìn-biết sự thanh-liêm [“toàn vẹn”, GKPV] của tôi” (Gióp 31:6). Gióp đề cập đến một số tình huống có thể thử thách lòng “toàn vẹn” hay trung kiên của một người. Nhưng Gióp đã vượt qua thử thách một cách thành công như lời của ông được ghi lại nơi Gióp chương 31. Gương mẫu của ông có thể thúc đẩy chúng ta hành động như thế, và nói với lòng tin chắc như người viết Thi-thiên là Đa-vít: “Còn tôi, tôi sẽ bước đi trong sự thanh-liêm [“vẹn toàn”, GKPV]”.—Thi 26:11.
3. Tại sao điều quan trọng là phải trung thành với Đức Chúa Trời trong cả vấn đề lớn lẫn nhỏ?
3 Dù bị thử thách gay go, Gióp vẫn trung thành với Đức Chúa Trời. Thậm chí một số người có thể nghĩ rằng sự thử thách gay go và lòng trung kiên không lay chuyển của Gióp là gương xuất sắc. Có lẽ chúng ta không chịu đau khổ như Gióp. Tuy nhiên, để cho thấy chúng ta bước đi trong sự trung kiên và ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải trung thành trong các vấn đề lớn lẫn nhỏ.—Đọc Lu-ca 16:10.
Trọn vẹn về đạo đức là thiết yếu
4, 5. Là người giữ lòng trung kiên, Gióp đã tránh hành vi nào?
4 Để duy trì lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải giữ tiêu chuẩn về đạo đức của Ngài như Gióp đã làm. Ông tuyên bố: “Tôi đã có lập ước với mắt tôi; vậy, làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng-trinh?... Nếu lòng tôi bị người nữ quyến-dụ, nếu tôi rình-rập ở nơi cửa của lân-cận tôi, nguyện vợ tôi xây cối cho người khác, và có kẻ khác nằm cùng nàng”.—Gióp 31:1, 9, 10.
5 Quyết tâm giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời, Gióp tránh nhìn ngắm người nữ với lòng ham muốn. Là người đã có gia đình, ông không tán tỉnh người nữ độc thân hoặc có tình cảm lãng mạn với vợ của người khác. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã nói những lời rất mạnh mẽ liên quan đến đạo đức tính dục, chắc chắn là một điểm mà những người giữ lòng trung kiên cần lưu ý.—Đọc Ma-thi-ơ 5:27, 28.
Đừng bao giờ dùng thủ đoạn gian dối
6, 7. (a) Như trường hợp của Gióp, làm thế nào Đức Chúa Trời xem xét lòng trung kiên của chúng ta? (b) Tại sao chúng ta không nên gian xảo hoặc dối trá?
6 Chúng ta không thể dùng thủ đoạn gian dối nếu muốn được xem là những người giữ lòng trung kiên. (Đọc Châm-ngôn 3:31-33). Gióp cho biết: “Nếu tôi có ăn-ở cách dối-trá, và chân tôi vội-vàng theo chước gian-giảo, nguyện [Đức Giê-hô-va] lên cân thăng-bằng, thì Ngài sẽ nhìn-biết sự thanh-liêm [“toàn vẹn”, GKPV] của tôi” (Gióp 31:5, 6). Đức Giê-hô-va cân nhân loại trên “cân thăng-bằng”. Như trường hợp của Gióp, Đức Chúa Trời dùng tiêu chuẩn công bình hoàn hảo của Ngài để xác định chúng ta có phải là người trung kiên hay không.
7 Nếu là người gian xảo hay dối trá, chúng ta sẽ không giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. Những người giữ lòng trung kiên phải “từ-bỏ mọi điều hổ-thẹn giấu-kín” và “chẳng theo sự dối-gạt” (2 Cô 4:1, 2). Nhưng nói sao nếu chúng ta gian xảo trong lời nói hoặc hành động, khiến cho một anh em đồng đạo phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ? Hậu quả sẽ tai hại biết bao! Người viết Thi-thiên hát: “Trong cơn gian-truân tôi kêu-cầu Đức Giê-hô-va; Ngài bèn đáp lời tôi. Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giải-cứu linh-hồn tôi khỏi môi dối-trá, khỏi lưỡi phỉnh-gạt” (Thi 120:1, 2). Nên nhớ là Đức Chúa Trời có thể “dò-xét lòng dạ” của con người để xem xét chúng ta có thật sự là người giữ lòng trung kiên hay không.—Thi 7:8, 9.
Nêu gương trong cách cư xử
8. Gióp đối xử với người khác như thế nào?
8 Để giữ lòng trung kiên, chúng ta nên giống như Gióp, một người công bằng, khiêm nhường và quan tâm đến người khác. Ông nói: “Nếu tôi có khinh duyên-cớ của tôi trai tớ gái tôi, lúc chúng nó tranh-luận với tôi, thì tôi sẽ làm sao khi Đức Chúa Trời chỗi-dậy? Khi Ngài đến thẩm-sát tôi, tôi sẽ đáp sao? Đấng đã tạo-thành tôi trong lòng mẹ tôi, há chẳng có dựng nên chúng nó sao? Há chẳng phải cũng một Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta trong lòng mẹ sao?”.—Gióp 31:13-15.
9. Gióp thể hiện những đức tính nào khi đối xử với tôi tớ ông, và chúng ta nên làm gì?
9 Dường như vào thời của Gióp, việc giải quyết những trường hợp kiện tụng không đòi hỏi thủ tục rườm rà. Các vụ kiện được xử lý cách quy củ, và thậm chí có tòa án cho những người làm nô lệ. Tuy nhiên, Gióp là người đối xử với tôi tớ cách công bình và thương xót. Nếu muốn bước đi trong sự trung kiên, chúng ta, đặc biệt các trưởng lão trong hội thánh, cần thể hiện những đức tính như thế.
Hãy rộng lượng, đừng tham lam
10, 11. (a) Làm sao chúng ta biết Gióp là người rộng lượng và hay giúp đỡ? (b) Gióp 31:16-25 có lẽ gợi chúng ta nhớ đến những lời khuyên nào trong Kinh Thánh được viết sau này?
10 Gióp là người rộng lượng và hay giúp đỡ người khác, không ích kỷ và tham lam. Ông nói: “Nếu tôi... gây cho mắt người góa-bụa bị hao-mòn, nếu tôi có ăn bánh tôi một mình, và kẻ mồ-côi chẳng có được ăn với... Nếu tôi có thấy người nào thác vì không quần-áo... Nếu tôi có giơ tay hiếp kẻ mồ-côi, bởi vì tôi thấy có kẻ phù-trợ tôi trong cửa thành; nguyện cho vai tôi rớt ra khỏi nơi khác, và cánh tay tôi bị gẫy rứt ra đi!”. Và Gióp sẽ không giữ được lòng trung kiên nếu ông nói với vàng ròng rằng: “Ngươi là sự nương-nhờ của ta”.—Gióp 31:16-25.
11 Có lẽ những câu nói mang tính thi vị này gợi chúng ta nhớ đến lời của môn đồ Gia-cơ: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia 1:27). Chúng ta cũng có thể nhớ lời cảnh báo của Chúa Giê-su: “Hãy giữ cẩn-thận chớ hà-tiện [“tham lam”, Bản Dịch Mới] gì hết; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. Rồi Chúa Giê-su đưa ra một minh họa về người đàn ông nhà giàu tham lam, cuối cùng đã chết như một người “không giàu-có nơi Đức Chúa Trời” (Lu 12:15-21). Để là người giữ lòng trung kiên, chúng ta không được chiều theo sự tham lam. Tham lam là thờ hình tượng vì người tham lam không hướng đến Đức Giê-hô-va nhưng tôn thờ điều mình ham muốn (Cô 3:5). Lòng trung kiên và tính tham lam không thể đi chung với nhau!
Bám chặt sự thờ phượng thật
12, 13. Gióp nêu gương nào trong việc không thờ hình tượng?
12 Người giữ lòng trung kiên không đi trệch khỏi sự thờ phượng thanh sạch. Gióp đã không làm như thế vì ông khẳng định: “Nếu tôi có thấy mặt trời chiếu sáng, và mặt trăng mọc lên soi tỏ, nếu lòng tôi có thầm mê-hoặc, và miệng tôi hôn gởi tay tôi; điều đó cũng là một tội-ác đáng bị quan-xét phạt; vì nếu làm vậy, tôi đã từ-chối Đức Chúa Trời trên cao kia”.—Gióp 31:26-28.
13 Gióp không thờ phượng những vật vô tri. Nếu lòng ông có thầm hướng đến các tinh tú như mặt trăng, và nếu ‘miệng ông hôn gởi tay ông’ (có lẽ hôn gió trong một hành động thờ phượng), ông sẽ trở thành người thờ hình tượng, chối bỏ Đức Chúa Trời (Phục 4:15, 19). Để giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời, chúng ta phải tránh tất cả hình thức thờ hình tượng.—Đọc 1 Giăng 5:21.
Đừng hận thù hoặc giả hình
14. Tại sao chúng ta có thể nói Gióp không hiểm độc?
14 Gióp không hiểm độc cũng không gian ác. Ông biết người trung kiên không có những tính ấy, vì ông nói: “Nếu tôi có vui-mừng vì cớ tàn-hại kẻ ghét tôi, và hứng lòng khi tai-vạ giáng cho nó... tôi không cho phép miệng tôi phạm tội, mà lấy sự rủa-sả trù-ẻo, nguyện hại mạng-sống nó”.—Gióp 31:29, 30.
15. Khi người ghét chúng ta gặp tai họa, tại sao vui mừng về điều đó là sai?
15 Người ngay thẳng Gióp không bao giờ vui khi người ghét ông gặp tai họa. Một câu châm ngôn được viết sau này cảnh báo: “Khi kẻ thù-nghịch con sa-ngã, chớ vui-mừng; lúc nó bị đánh đổ, lòng con đừng hớn-hở; kẻo e Đức Giê-hô-va thấy điều đó, mà chẳng đẹp lòng, bèn cất cơn thạnh-nộ Ngài khỏi nó chăng” (Châm 24:17, 18). Vì có thể đọc được lòng, Đức Giê-hô-va biết chúng ta có thầm vui khi người khác gặp tai họa hay không, và chắc chắn không chấp nhận thái độ đó (Châm 17:5). Đức Chúa Trời sẽ đối xử với chúng ta tùy theo thái độ của chúng ta, vì Ngài phán: “Sự báo-thù sẽ thuộc về ta, phần đối-trả sẽ qui về ta”.—Phục 32:35.
16. Dù không giàu, làm thế nào chúng ta có thể là người hiếu khách?
16 Gióp là người hiếu khách (Gióp 31:31, 32). Dù có lẽ không giàu, chúng ta có thể “ân-cần tiếp khách” (Rô 12:13). Chúng ta có thể mời người khác dùng một bữa ăn đơn giản, nhớ rằng “thà một món rau mà thương-yêu nhau, còn hơn ăn bò mập-béo với sự ganh-ghét cặp theo” (Châm 15:17). Dùng bữa với anh chị đồng đạo có lòng trung kiên trong một bầu không khí yêu thương sẽ khiến bữa ăn dù đơn giản trở nên thích thú, và chắc chắn mang lại lợi ích về thiêng liêng.
17. Tại sao chúng ta không nên cố gắng che giấu tội trọng?
17 Hẳn thật khích lệ về thiêng liêng khi được Gióp bày tỏ lòng hiếu khách, vì ông không phải là người giả hình. Ông không giống những kẻ chẳng tin kính đã len lỏi vào hội thánh trong thế kỷ thứ nhất và “vì lợi mà nịnh-hót người ta” (Giu 3, 4, 16). Gióp cũng không che đậy tội lỗi hoặc “giấu sự gian-ác mình ở trong lòng” vì sợ người khác biết thì sẽ khinh chê ông. Gióp sẵn sàng để Đức Chúa Trời dò xét ông vì Ngài là Đấng ông có thể xưng tội lỗi mình (Gióp 31:33-37). Nếu phạm tội trọng, chúng ta đừng cố gắng giấu giếm để giữ thể diện. Chúng ta có thể cho thấy mình đang nỗ lực gìn giữ lòng trung kiên như thế nào? Bằng cách nhận lỗi của mình, ăn năn, tìm sự giúp đỡ về thiêng liêng và làm những gì có thể để sửa đổi.—Châm 28:13; Gia 5:13-15.
Một người sẵn sàng ra tòa để chứng tỏ lòng trung kiên
18, 19. (a) Tại sao có thể nói Gióp không bao giờ bóc lột người khác? (b) Nếu làm sai, Gióp sẵn sàng làm gì?
18 Gióp là người thành thật và công bằng. Vì thế, ông có thể nói: “Nếu đất tôi kêu cáo tôi, các giòng cày nó khóc với nhau; nếu tôi ăn sản-vật nó mà không trả giá bạc, làm khuấy-khuất nguyên-chủ nó cho đến phải chết mất; nguyện gai-gốc mọc thay lúa miến, và cỏ lùng thế cho lúa mạch!” (Gióp 31:38-40). Gióp không bao giờ chiếm đất của người khác và không bóc lột nhân công. Như ông, chúng ta cần giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va trong vấn đề lớn và nhỏ.
19 Trước ba người bạn và người trẻ tuổi Ê-li-hu, Gióp nói về lối sống của ông. Gióp mời bất cứ người nào muốn kiện cáo ông đưa sự kiện ra trước mắt Đức Chúa Trời, và như thể ông dùng ‘dấu-hiệu ông ký’ để chứng minh đời sống của ông. Nếu quả thật Gióp làm sai, ông sẵn sàng chịu phạt. Vì thế ông trình sự việc của mình và đợi sự phán xét từ tòa án Đức Chúa Trời. Vậy, “đến đây hết lời của Gióp”.—Gióp 31:35, 40.
Bạn có thể giữ lòng trung kiên
20, 21. (a) Tại sao Gióp có thể giữ lòng trung kiên? (b) Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng tình yêu thương với Đức Chúa Trời?
20 Gióp có thể giữ lòng trung kiên vì ông yêu mến Đức Giê-hô-va, và Ngài yêu thương giúp đỡ ông. Gióp nói: “[Đức Giê-hô-va] đã ban cho tôi mạng-sống và điều nhân-từ [lòng yêu thương trung tín]; sự Chúa đoái-hoài tôi đã gìn-giữ tâm-hồn tôi” (Gióp 10:12). Hơn nữa, Gióp bày tỏ tình yêu thương với người khác, nhận biết rằng những ai không tỏ lòng yêu thương trung tín với người đồng loại thì sẽ không kính sợ Đấng Toàn Năng (Gióp 6:14). Những người trung kiên thì yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận.—Mat 22:37-40.
21 Chúng ta có thể vun trồng tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày và suy ngẫm xem lời ấy cho biết gì về Ngài. Trong lời cầu nguyện chân thành, chúng ta có thể khen ngợi và cám ơn những điều tốt lành Ngài ban (Phi-líp 4:6, 7). Chúng ta có thể ca hát cho Đức Giê-hô-va và nhận lợi ích từ việc kết hợp đều đặn với dân Ngài (Hê 10:23-25). Ngoài ra, tình yêu thương với Đức Chúa Trời sẽ lớn lên khi chúng ta tham gia thánh chức và “truyền ra sự cứu-rỗi của Ngài” (Thi 96:1-3). Qua những cách đó, chúng ta có thể giữ lòng trung kiên, như người viết Thi-thiên đã hát: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời: Tôi nhờ Chúa Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình”.—Thi 73:28.
22, 23. Là những người ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, chúng ta có những hoạt động nào giống với những người trung kiên thời xưa?
22 Qua nhiều thế kỷ, Đức Giê-hô-va giao cho những người trung kiên nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nô-ê đóng một chiếc tàu và là “thầy giảng đạo công-bình” (2 Phi 2:5). Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, nhưng ông chỉ thành công nhờ đọc những “quyển sách luật-pháp... ngày và đêm” và hành động phù hợp với lời ấy (Giô-suê 1:7, 8). Tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã đào tạo môn đồ và đều đặn gặp nhau để học Kinh Thánh.—Mat 28:19, 20.
23 Chúng ta ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và giữ lòng trung kiên qua việc rao giảng về sự công bình, đào tạo môn đồ, áp dụng lời khuyên Kinh Thánh và kết hợp với anh em đồng đạo tại các buổi nhóm họp và hội nghị. Các hoạt động như thế giúp chúng ta trở nên can đảm, mạnh mẽ về thiêng liêng và thành công trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Giữ lòng trung kiên và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời không quá khó vì chúng ta được sự giúp đỡ của Cha trên trời và Con Ngài (Phục 30:11-14; 1 Vua 8:57). Hơn nữa, chúng ta được sự hỗ trợ của đoàn thể anh em, những người cũng bước theo sự trung kiên và tôn vinh Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng.—1 Phi 2:17.
Bạn trả lời thế nào?
• Chúng ta nên xem tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va như thế nào?
• Đức tính nào của Gióp đặc biệt thu hút bạn?
• Nơi Gióp 31:29-37, Gióp có lối cư xử nào?
• Tại sao chúng ta có thể giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 29]
Gióp đã giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng có thể làm thế!
[Hình nơi trang 32]
Chúng ta có thể giữ lòng trung kiên!