Nghệ thuật lắng nghe với lòng yêu thương
“CÁM ƠN anh/chị đã nghe tôi tâm sự”. Gần đây có ai nói với bạn những lời như thế không? Đó thật sự là một lời khen! Hầu như ai cũng quý người biết lắng nghe. Khi chăm chú lắng nghe, chúng ta có thể giúp người đang nản lòng hoặc có nhiều khó khăn cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản hơn. Và chẳng phải việc biết lắng nghe cũng giúp chúng ta quý người khác hơn sao? Trong hội thánh đạo Đấng Christ, lắng nghe với lòng yêu thương là điều thiết yếu hầu “coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”.—Hê-bơ-rơ 10:24.
Tuy nhiên, có nhiều người không biết lắng nghe. Họ thích khuyên bảo, trình bày kinh nghiệm hoặc ý kiến của mình hơn là lắng nghe người khác. Lắng nghe đích thật là một nghệ thuật. Làm thế nào chúng ta có thể tập lắng nghe với lòng yêu thương?
Một bí quyết
Đức Giê-hô-va là “Đấng dạy dỗ” vĩ đại. (Ê-sai 30:20, Tòa Tổng Giám Mục) Do đó, Ngài có thể dạy chúng ta nhiều điều về việc lắng nghe. Hãy xem cách Ngài đã giúp nhà tiên tri Ê-li. Hoảng sợ trước lời đe dọa của Hoàng Hậu Giê-sa-bên, Ê-li bỏ trốn vào đồng vắng và đòi chết. Thiên sứ của Đức Chúa Trời đã nói chuyện với ông tại đó. Khi nhà tiên tri giải thích nỗi sợ hãi của mình, Đức Giê-hô-va lắng nghe, rồi tỏ cho ông thấy quyền năng lớn của Ngài. Kết quả là gì? Ê-li không còn sợ hãi nữa và trở về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. (1 Các Vua 19:2-15) Tại sao Đức Giê-hô-va lại dành thời gian lắng nghe những mối bận tâm của các tôi tớ Ngài? Bởi vì Ngài quan tâm săn sóc họ. (1 Phi-e-rơ 5:7) Đây là một bí quyết để trở thành người biết lắng nghe: Quan tâm đến người khác, thành thật chú ý đến họ.
Khi một người đàn ông ở Bolivia phạm phải sai lầm nghiêm trọng, ông đã biết ơn sự quan tâm chân thật thể ấy của một người đồng đạo. Ông tâm sự: “Đó là một trong những thời điểm đau khổ nhất trong cuộc đời tôi. Nếu anh ấy không dành thời gian lắng nghe, có lẽ tôi đã dễ dàng từ bỏ việc cố gắng phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh ấy không nói gì nhiều nhưng đối với tôi, chỉ cần biết anh ấy quan tâm lắng nghe cũng thật sự giúp tôi được thêm sức. Tôi không cần giải pháp; tôi đã biết mình phải làm gì. Tôi chỉ cần biết là có người quan tâm đến cảm xúc của mình. Sự lắng nghe của anh ấy đã cứu tôi khỏi nanh vuốt của sự nản lòng”.
Một gương mẫu lớn về nghệ thuật lắng nghe với lòng yêu thương là Chúa Giê-su Christ. Không bao lâu sau khi ngài chết, có hai môn đồ đang trên đường đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến một làng cách đó 11 kilômét. Chắc chắn lúc ấy họ đang rất buồn nản. Vì thế, Chúa Giê-su Christ, nay đã được sống lại, đến gặp họ trên đường đi. Ngài khéo léo đặt câu hỏi để gợi cho họ nói chuyện. Các môn đồ đã nói lên niềm trông mong trước đó cùng nỗi thất vọng và băn khoăn hiện tại của họ. Ngài tỏ sự quan tâm đến họ và cách ngài yêu thương lắng nghe đã khiến họ cũng sẵn sàng lắng nghe ngài. Sau đó, Chúa Giê-su “cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh-thánh”.—Lu-ca 24:13-27.
Lắng nghe trước là một cách yêu thương để làm người khác lắng nghe chúng ta. Một phụ nữ ở Bolivia nói: “Cha mẹ tôi và cha mẹ chồng đều phản đối cách tôi nuôi dạy con. Những lời phê phán của họ khiến tôi khó chịu, nhưng thú thật tôi cũng không tự tin lắm về cách nuôi dạy con của mình. Vào khoảng thời gian đó, một Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà tôi. Chị ấy nói về lời hứa của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cách chị hỏi ý kiến tôi cho thấy chị là người sẵn lòng lắng nghe. Tôi mời chị vào nhà và chẳng bao lâu tôi bắt đầu tâm sự về vấn đề của mình. Chị kiên nhẫn lắng nghe, rồi hỏi tôi mong ước điều gì cho con cái và chồng tôi nghĩ thế nào. Thật nhẹ nhõm khi gặp một người cố gắng hiểu mình. Khi chị cho thấy những gì Kinh Thánh dạy về đời sống gia đình, tôi biết là tôi đang nói chuyện với một người quan tâm đến hoàn cảnh của mình”.
Kinh Thánh nói: “Tình yêu-thương... chẳng kiếm tư-lợi”. (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5) Vì thế, lắng nghe với lòng yêu thương có nghĩa là chúng ta phải gác sang một bên những chuyện riêng của mình. Có thể chúng ta phải tắt truyền hình, bỏ tờ báo xuống hay tắt điện thoại khi người khác muốn tâm sự chuyện quan trọng. Lắng nghe với lòng yêu thương đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn chú tâm đến suy nghĩ của người đó. Vì thế, chúng ta phải tránh bắt đầu nói về bản thân bằng những câu như: “Chuyện này làm tôi nhớ lại điều đã xảy ra cho tôi cách đây không lâu”. Mặc dù việc trao đổi như thế có thể chấp nhận được trong những cuộc chuyện trò thân thiện, nhưng chúng ta cần gác chuyện riêng sang một bên khi người khác đang nói về một vấn đề nghiêm trọng. Việc thành thật quan tâm đến người khác cũng thể hiện qua một cách khác nữa.
Lắng nghe với sự thấu cảm
Những người bạn của Gióp đã ngồi nghe ít nhất mười bài diễn thuyết của ông. Thế nhưng Gióp vẫn than thở: “Ôi! Chớ chi có một người nghe tôi!” (Gióp 31:35) Tại sao? Vì cách họ nghe không đem lại cho ông sự an ủi. Họ không quan tâm tới Gióp mà cũng chẳng muốn hiểu cảm xúc của ông. Chắc chắn họ đã không bày tỏ được sự đồng cảm của một người thông cảm lắng nghe. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: “Hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót [“thông cảm”, Tòa Tổng Giám Mục] và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhượng”. (1 Phi-e-rơ 3:8) Làm sao để bày tỏ sự đồng cảm? Một cách là tỏ ra quan tâm đến cảm xúc của người ấy và cố gắng hiểu họ. Nói những lời thông cảm như “điều đó hẳn khiến anh/chị buồn lắm” hay “hẳn anh/chị cảm thấy bị hiểu lầm” là một cách để bày tỏ sự quan tâm. Cách khác là lặp lại ý người đó bằng những lời lẽ khác để cho thấy chúng ta hiểu những gì người ấy nói. Lắng nghe với lòng yêu thương có nghĩa là chú tâm không chỉ đến lời người đó nói mà cả những cảm xúc ẩn chứa trong đó.
Anh Roberta là một người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh tâm sự: “Có lần tôi cảm thấy chán nản với công việc thánh chức. Vì thế, tôi xin nói chuyện với anh giám thị lưu động. Anh ấy thật sự lắng nghe và cố gắng hiểu cảm xúc của tôi. Và dường như anh ấy hiểu cả cảm giác tôi sợ bị anh chê trách vì có thái độ như thế. Anh trấn an tôi rằng cảm xúc của tôi là điều dễ hiểu vì chính anh cũng từng có cảm giác tương tự. Điều đó thật sự đã giúp tôi tiếp tục thánh chức”.
Chúng ta có thể lắng nghe dù không đồng ý với ý kiến của người kia không? Chúng ta có thể nói là chúng ta cảm thấy vui vì người ấy đã chia sẻ cảm nghĩ với mình không? Có chứ. Thế nếu con trai đánh lộn ở trường, hay con gái về nhà nói rằng nó đang yêu thì sao? Chẳng phải tốt hơn là cha mẹ nên lắng nghe và gắng tìm hiểu xem con trẻ đang nghĩ gì trước khi phân tích cho chúng hiểu đúng sai hay sao?
Châm-ngôn 20:5 nói: “Mưu-kế trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó”. Nếu một người khôn ngoan và có kinh nghiệm không tự động cho lời khuyên, chúng ta có thể phải dò hỏi mới nhận được lời khuyên của người đó. Lắng nghe với lòng yêu thương cũng tương tự như thế. Muốn gợi cho người kia nói lên suy nghĩ của mình, chúng ta phải sáng suốt. Đặt câu hỏi là một cách, nhưng chúng ta phải cẩn thận để câu hỏi của mình không đi sâu vào đời tư cá nhân. Gợi cho người đó bắt đầu với những chuyện họ cảm thấy dễ nói có thể là cách hữu hiệu. Chẳng hạn, một người vợ muốn tâm sự về các vấn đề trong hôn nhân có thể thấy dễ bắt đầu hơn với chuyện vợ chồng họ đã gặp nhau và tiến đến hôn nhân như thế nào. Còn với một tín đồ Đấng Christ ngưng hoạt động, thì bắt đầu với chuyện anh ấy đã học biết lẽ thật thế nào có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Lắng nghe với lòng yêu thương—Một thách đố
Phải lắng nghe một người đang bất bình với mình có thể là một thách đố, vì chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là bênh vực mình. Làm thế nào đương đầu với thách đố đó? Châm-ngôn 15:1 nói: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận”. Tử tế mời người ấy nói và kiên nhẫn lắng nghe khi họ giãi bày là một cách đáp lại êm nhẹ.
Trong những cuộc cãi vã gay gắt, hai người trong cuộc thường chỉ lặp đi lặp lại ý của họ. Người này cảm thấy người kia không chịu lắng nghe ý kiến mình. Sẽ tốt hơn biết mấy nếu một người biết dừng lại và lắng nghe! Dĩ nhiên, tự chủ và trình bày ý kiến của mình một cách khôn ngoan và yêu thương cũng là điều quan trọng. Kinh Thánh nói: “Ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 10:19.
Khả năng lắng nghe với lòng yêu thương không tự nhiên mà có. Tuy nhiên với sự cố gắng và kỷ luật, chúng ta có thể học được nghệ thuật này. Đó chắc chắn là một kỹ năng đáng trau dồi. Thật sự lắng nghe khi người khác nói là một biểu hiện của tình yêu thương. Nó cũng góp phần mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Vì vậy, thật khôn ngoan biết bao khi trau dồi nghệ thuật lắng nghe với lòng yêu thương!
[Chú thích]
a Tên đã được thay đổi.
[Hình nơi trang 11]
Khi lắng nghe, chúng ta phải gác chuyện riêng sang một bên
[Hình nơi trang 12]
Lắng nghe một người đang bất bình là một thách đố