HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | GIÓP
Đức Giê-hô-va chữa lành nỗi đau của ông
Cuối cùng mấy người ấy cũng nín lặng. Chỉ còn tiếng của làn gió nóng thổi từ sa mạc Ả Rập. Gióp không thể nói gì khác, ông kiệt sức sau cuộc tranh luận dài lê thê. Hãy hình dung ông nhìn chằm chằm ba người bạn là Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha như thể thách họ nói thêm điều gì. Nhưng họ chỉ nhìn xuống hoặc quay đi chỗ khác, thất vọng vì những luận điệu hay ho, “lời sáo rỗng” và lời độc địa của họ về Gióp giờ đây đã vô hiệu (Gióp 16:3). Gióp càng quyết tâm hơn bao giờ hết để bênh vực lòng trọn thành của mình.
Có lẽ Gióp cảm thấy điều duy nhất ông còn trên đời này là sự trọn thành của mình. Ông mất tài sản, tất cả mười người con, sự ủng hộ và tôn trọng của bạn bè và láng giềng, và cuối cùng là sức khỏe. Da của ông sạm đen vì căn bệnh, khắp người toàn vảy, thịt phủ đầy giòi. Thậm chí hơi thở ông cũng hôi thối (Gióp 7:5; 19:17; 30:30). Tuy nhiên, lời vu khống của ba người bạn khiến ông nổi giận phừng phừng. Ông cố chứng minh mình không phải là kẻ tội lỗi xấu xa như họ nói. Lời biện hộ cuối cùng của ông vừa khiến họ câm nín. Chuỗi lời độc địa của họ cuối cùng cũng chấm dứt. Tuy nhiên, nỗi đau của Gióp vẫn còn. Ông vẫn rất cần sự giúp đỡ!
Việc Gióp mất thăng bằng trong suy nghĩ là điều dễ hiểu. Ông cần sự hướng dẫn và sửa dạy. Ông cũng cần được an ủi một cách chân thành, là điều mà đáng lẽ ba người bạn nên làm. Có bao giờ bạn cảm thấy rất cần sự hướng dẫn và an ủi không? Bạn đã từng bị những người mà mình xem là bạn làm cho mình thất vọng chưa? Khi tìm hiểu về cách Đức Chúa Trời giúp tôi tớ ngài là Gióp và cách phản ứng của ông, có thể bạn sẽ tìm được niềm an ủi và sự trợ giúp thực tế.
Một cố vấn khôn ngoan và nhân từ
Tiếp theo, lời tường thuật về Gióp tiết lộ một điều bất ngờ. Có một người khác ở kế bên, đó là người trẻ hơn tên Ê-li-hu. Ông đã có mặt ở đó trong suốt cuộc tranh luận dài, im lặng lắng nghe những người lớn tuổi hơn. Ông không hài lòng chút nào về những điều mình nghe.
Ê-li-hu rất buồn về Gióp. Ông đau lòng khi thấy người công chính Gióp để mình bị cuốn vào việc “cố chứng tỏ mình là công chính thay vì Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, Ê-li-hu thật sự thông cảm cho Gióp. Ông thấy được nỗi đau và sự chân thành của Gióp, cũng như việc Gióp rất cần sự an ủi và lời khuyên tử tế. Không lạ gì, Ê-li-hu mất kiên nhẫn với ba người an ủi giả tạo! Ông đã nghe họ vu khống Gióp, cố làm suy yếu đức tin, lòng tự trọng và lòng trọn thành của Gióp. Tệ hơn nữa, những lời xuyên tạc của họ ngụ ý rằng Đức Chúa Trời là đấng gian ác. Ê-li-hu thấy cần phải lên tiếng!—Gióp 32:2-4, 18.
Ông nói: “Tôi còn trẻ, các ông thì lớn tuổi. Nên tôi lễ phép kìm giữ miệng mình, không dám nói ra điều mình biết”. Nhưng Ê-li-hu không thể im lặng thêm nữa. Ông nói tiếp: “Sự khôn ngoan không dựa vào tuổi tác, chẳng phải chỉ người già mới hiểu điều gì là đúng đắn” (Gióp 32:6, 9). Rồi Ê-li-hu bắt đầu chứng minh điều ông vừa nói là đúng. Những gì ông nói rất khác với Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha. Ê-li-hu trấn an Gióp rằng ông sẽ không xem thường hoặc gây thêm áp lực cho Gióp. Ông cũng tôn trọng gọi tên Gióp và thừa nhận rằng Gióp đã bị chế nhạo.a Ông lễ phép nói: “Bây giờ, hỡi Gióp, xin hãy nghe”.—Gióp 33:1, 7; 34:7.
Ê-li-hu cho Gióp lời khuyên thẳng thắn: “Tôi đã nghe ông nói:... ‘Tôi tinh khiết, chẳng phạm pháp; tôi trong sạch, không lầm lỗi. Nhưng Đức Chúa Trời kiếm cớ đối đầu tôi’”. Ê-li-hu cho biết cốt lõi của vấn đề khi hỏi: “Chẳng phải ông tin chắc mình đúng đến nỗi nói: ‘Tôi công chính hơn Đức Chúa Trời’ hay sao?”. Ê-li-hu không thể để cho Gióp tiếp tục suy nghĩ như thế. Ê-li-hu nói với Gióp: “Ông nói chẳng đúng” (Gióp 33:8-12; 35:2). Ê-li-hu biết rằng Gióp vô cùng tức giận vì nỗi mất mát quá lớn và cách đối xử tệ bạc của những người bạn giả hiệu. Tuy nhiên, Ê-li-hu cảnh báo Gióp: “Hãy cẩn thận, đừng để cơn giận khiến ông oán hận”.—Gióp 36:18.
Ê-li-hu nhấn mạnh lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va
Trên hết, Ê-li-hu bênh vực cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ông tóm tắt một sự thật quan trọng bằng những lời mạnh mẽ: “Đức Chúa Trời không bao giờ làm điều ác, Đấng Toàn Năng chẳng hề làm điều sai!... Đấng Toàn Năng chẳng bóp méo công lý” (Gióp 34:10, 12). Ê-li-hu nêu ví dụ về công lý và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va bằng cách nhắc Gióp nhớ rằng dù ông chỉ nghĩ đến bản thân và nói một số lời bất kính về ngài nhưng ngài đã không trừng phạt ông (Gióp 35:13-15). Thay vì làm ra vẻ hiểu hết mọi điều về Đức Chúa Trời, Ê-li-hu khiêm nhường thừa nhận: “Đức Chúa Trời vĩ đại đến nỗi chúng ta không sao hiểu thấu”.—Gióp 36:26.
Dù đưa ra lời khuyên thẳng thắn nhưng Ê-li-hu vẫn rất nhân từ. Ông nói về hy vọng tuyệt vời, đó là đến một ngày Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục sức khỏe cho Gióp. Đức Chúa Trời sẽ nói về tôi tớ trung thành của ngài: “Hãy để da thịt họ tươi tắn hơn thời xuân xanh; hãy để họ trở lại chuỗi ngày tràn đầy sức trẻ”. Một điều khác cho thấy Ê-li-hu nhân từ, đó là thay vì chỉ thuyết giảng với Gióp, ông mời Gióp đối đáp. Ê-li-hu nói: “Hãy lên tiếng, vì tôi muốn chứng minh ông ngay thẳng” (Gióp 33:25, 32). Nhưng Gióp không trả lời. Có lẽ Gióp thấy không cần phải biện hộ cho mình trước lời khuyên nhân từ và đầy khích lệ ấy. Có lẽ Gióp khóc vì được quan tâm và an ủi như thế.
Chúng ta có thể rút ra những bài học quan trọng từ hai người trung thành ấy. Chúng ta học được từ Ê-li-hu về cách khuyên và an ủi người khác. Người bạn chân chính không ngại nêu ra lỗi lầm nghiêm trọng của bạn mình hoặc cảnh báo khi người ấy sắp đi sai đường (Châm ngôn 27:6). Chúng ta muốn là một người bạn như thế, luôn nhân từ và khích lệ người đang gặp vấn đề, ngay cả khi họ nói lời thiếu suy nghĩ. Khi chính mình cần được khuyên, chúng ta muốn noi gương Gióp trong việc khiêm nhường lắng nghe thay vì lờ đi. Tất cả mọi người đều cần lời khuyên cũng như sự sửa dạy, và nếu chấp nhận thì chúng ta có thể cứu được mạng sống mình.—Châm ngôn 4:13.
“Trong cơn bão gió”
Khi nói, Ê-li-hu thường đề cập đến gió, mây, tiếng sấm và tia chớp. Ông nói về Đức Giê-hô-va: “Hãy nghe kỹ giọng nói rền vang”. Sau đó, ông nói đến “gió bão” (Gióp 37:2, 9). Dường như khi ông nói, một cơn bão đang kéo đến, mạnh dần lên và cuối cùng thành cơn bão gió. Sau đó, có một điều kinh ngạc hơn xảy ra. Đức Giê-hô-va lên tiếng!—Gióp 38:1.
Quả là đặc ân lớn khi được nghe chính Đấng Tạo Hóa của vũ trụ giải thích về thế giới tự nhiên!
Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm khi đọc đến những chương tường thuật về lời mà Đức Giê-hô-va nói với Gióp. Lời ngài giống như cơn bão gió của sự thật thổi bay tất cả những luận điệu sai trái và sáo rỗng của Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha. Đức Giê-hô-va thậm chí không phán với những người ấy cho đến sau này. Ngài chỉ tập trung vào Gióp, và sửa dạy người tôi tớ yêu dấu này một cách thẳng thắn nhưng nhân từ, giống như một người cha sửa dạy con mình.
Đức Giê-hô-va nhận biết nỗi đau của Gióp. Ngài rủ lòng thương Gióp, như cảm xúc mà ngài luôn có khi con cái yêu dấu của ngài gặp đau khổ (Ê-sai 63:9; Xa-cha-ri 2:8). Nhưng ngài cũng biết rằng Gióp đã “nói năng thiếu hiểu biết”, khiến vấn đề của ông càng tồi tệ hơn. Vì thế, ngài sửa Gióp bằng cách nêu ra hàng loạt câu hỏi cho ông. Ngài bắt đầu bằng câu: “Con ở đâu khi ta đặt nền trái đất? Hãy nói đi, nếu con nghĩ mình hiểu biết”. Vào lúc khởi đầu sáng tạo, “các ngôi sao ban sáng”, tức các thiên sứ trong gia đình của Đức Chúa Trời, cất tiếng tung hô khi thấy những kỳ công sáng tạo (Gióp 38:2, 4, 7). Dĩ nhiên, Gióp không biết gì về tất cả điều ấy.
Đức Giê-hô-va nói tiếp về các công trình sáng tạo của ngài. Theo nghĩa nào đó, ngài cho Gióp cơ hội đi tham quan để hiểu về những điều mà ngày nay con người gọi là khoa học tự nhiên, liên quan đến những ngành như thiên văn, sinh vật, địa chất và vật lý. Đức Giê-hô-va miêu tả một số động vật có trong vùng của Gióp như sư tử, quạ, dê núi, lừa rừng, bò rừng đực, đà điểu, ngựa, chim cắt, đại bàng, Bê-hê-mốt (rất có thể là hà mã) và Lê-vi-a-than (rất có thể là cá sấu). Quả là đặc ân lớn khi được nghe chính Đấng Tạo Hóa của vũ trụ giải thích về thế giới tự nhiên!b
Dạy về tính khiêm nhường và tình yêu thương
Tại sao Đức Giê-hô-va nói tất cả những điều ấy? Gióp đang rất cần vun trồng tính khiêm nhường. Khi than rằng Đức Giê-hô-va đối xử tệ với ông, Gióp chỉ càng làm cho nỗi đau thêm lên, khiến mình xa cách Cha yêu thương. Vì thế, Đức Giê-hô-va nhiều lần hỏi rằng ông ở đâu khi những kỳ công sáng tạo được dựng nên và ông có thể nuôi, điều khiển hoặc thuần hóa được các con vật ngài tạo ra hay không. Nếu không thể làm những việc cơ bản như thế thì làm sao Gióp có thể đoán xét Đấng Tạo Hóa? Chẳng phải đường lối và tư tưởng của Đức Giê-hô-va vượt trội hơn nhiều cái nhìn hạn hẹp của ông sao?
Gióp không tranh cãi, bào chữa hoặc viện lý do với Đức Giê-hô-va
Những điều Đức Giê-hô-va nói với Gióp cũng ẩn chứa tình yêu thương vô bờ bến của ngài. Như thể ngài lý luận với ông: “Con ơi, nếu Cha có thể tạo ra và chăm sóc tất cả những tạo vật ấy, lẽ nào Cha không thể chăm sóc con? Lẽ nào Cha bỏ rơi con, cướp đi con cái, sức khỏe và những điều đảm bảo cho tương lai của con? Chẳng phải chỉ có Cha mới có thể khôi phục lại những gì con đã mất và chữa lành nỗi đau của con sao?”.
Sau những câu hỏi thăm dò của Đức Giê-hô-va, Gióp chỉ nói hai lần. Ông không tranh cãi, bào chữa hoặc viện lý do. Ông khiêm nhường thừa nhận mình thật sự biết rất ít và xin rút lại những lời nông cạn của mình (Gióp 40:4, 5; 42:1-6). Qua đó chúng ta thấy đức tin xuất sắc của Gióp. Sau tất cả những gì ông đã chịu đựng, Gióp vẫn là một người có đức tin mạnh mẽ. Ông chấp nhận sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va và khắc ghi vào lòng. Chúng ta hãy tự hỏi: “Mình có đủ khiêm nhường để chấp nhận lời khuyên và sự sửa dạy không?”. Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ. Khi chấp nhận lời khuyên và sự sửa dạy, chúng ta noi theo đức tin của Gióp.
“Các ngươi không nói sự thật về ta”
Giờ đây, Đức Giê-hô-va hành động để mang lại sự an ủi cho Gióp khi ông đương đầu với nỗi đau. Ngài nói với Ê-li-pha, dường như là người lớn tuổi nhất trong ba người bạn giả tạo của Gióp: “Cơn giận của ta nổi phừng trên ngươi và hai bạn của ngươi, vì các ngươi không nói sự thật về ta như tôi tớ ta là Gióp đã nói” (Gióp 42:7). Phải chăng Đức Giê-hô-va muốn nói là mọi lời ba người ấy nói đều sai hay mọi lời Gióp nói đều đúng? Dĩ nhiên không.c Dù vậy, có sự khác biệt lớn giữa Gióp và những kẻ cáo buộc ấy. Gióp đang tan nát cõi lòng, hao mòn vì sầu khổ và đau nhói vì những lời cáo buộc oan. Thế nên, đôi lúc ông nói năng thiếu suy nghĩ cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, Ê-li-pha và hai người bạn không phải chịu đựng những điều ấy. Vì kiêu ngạo và thiếu đức tin nên họ cố tình nói những lời độc địa. Họ không chỉ vu khống một người vô tội mà tệ hơn họ còn xuyên tạc chính Đức Giê-hô-va, như thể nói ngài là Đức Chúa Trời hà khắc, thậm chí gian ác!
Chẳng lạ gì, sau đó Đức Giê-hô-va bắt những người ấy dâng bảy con bò đực cùng bảy con cừu đực làm vật tế lễ, là vấn đề không hề nhỏ, vì sau này Luật pháp Môi-se quy định thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng một con bò đực làm vật tế lễ nếu tội của ông khiến cả dân chúng mang tội lỗi (Lê-vi 4:3). Trong số những con vật được dâng làm vật tế lễ dưới Luật pháp, bò đực là con đắt tiền nhất. Không những vậy, Đức Giê-hô-va còn nói ngài chỉ chấp nhận lễ vật của họ sau khi Gióp cầu nguyện cho họd (Gióp 42:8). Hẳn Gióp được an ủi biết bao khi được Đức Giê-hô-va minh oan và thấy công lý của ngài toàn thắng!
“Tôi tớ ta là Gióp sẽ cầu nguyện cho các ngươi”.—Gióp 42:8
Đức Giê-hô-va tin tưởng rằng Gióp sẽ làm điều ngài đòi hỏi, tha thứ cho những người đã khiến ông tổn thương nhiều. Gióp đã không làm Cha trên trời thất vọng (Gióp 42:9). Sự vâng lời là bằng chứng mạnh mẽ về lòng trọn thành của ông, hiệu nghiệm hơn lời nói rất nhiều. Điều đó giúp Gióp nhận được những ân phước chưa từng có trong đời.
“Giàu lòng trắc ẩn”
Đức Giê-hô-va “giàu lòng trắc ẩn và thương xót” đối với Gióp (Gia-cơ 5:11). Tại sao có thể nói vậy? Ngài đã khôi phục sức khỏe cho ông. Hãy hình dung Gióp cảm thấy thế nào khi thấy da thịt mình lành lặn trở lại, “tươi tắn hơn thời xuân xanh” như Ê-li-hu báo trước! Cuối cùng thì gia đình và bạn bè cũng quây quần bên ông, họ an ủi và tặng quà cho ông. Đức Giê-hô-va ban lại cho ông tài sản gấp đôi so với những gì ông mất. Còn nỗi đau lớn nhất của ông là mất con cái thì sao? Vợ chồng Gióp được an ủi khi có thêm mười người con! Đức Giê-hô-va đã dùng phép lạ để kéo dài sự sống cho Gióp. Ông sống thêm 140 năm, đủ lâu để nhìn thấy bốn thế hệ con cháu lớn lên. Kinh Thánh viết: “Cuối cùng, Gióp qua đời sau khi đã sống lâu và thỏa nguyện” (Gióp 42:10-17). Trong địa đàng, Gióp cùng vợ yêu dấu của ông sẽ được đoàn tụ với gia đình, kể cả mười người con mà Sa-tan đã cướp mất.—Giăng 5:28, 29.
Tại sao Đức Giê-hô-va ban thưởng dồi dào cho Gióp? Kinh Thánh cho biết: “Anh em đã nghe về sự chịu đựng của Gióp” (Gia-cơ 5:11). Gióp đã chịu đựng nhiều thử thách hơn những gì mà đa số chúng ta có thể hình dung. Từ “sự chịu đựng” cho thấy Gióp làm nhiều hơn là chỉ vượt qua thử thách. Ông chịu đựng với đức tin và tình yêu thương không lay chuyển dành cho Đức Giê-hô-va. Thay vì nuôi lòng oán giận và cay đắng, ông sẵn sàng tha thứ cho ngay cả những người cố tình gây tổn thương cho ông. Ông không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng quý báu và điều vô giá mình có là lòng trọn thành.—Gióp 27:5.
Mỗi chúng ta đều cần sự chịu đựng. Chắc chắn, Sa-tan sẽ cố khiến chúng ta nản lòng như hắn đã làm với Gióp. Nhưng nếu chịu đựng với đức tin, tiếp tục khiêm nhường, sẵn sàng tha thứ cho người khác và quyết tâm giữ lòng trọn thành, chúng ta cũng có thể nắm chắc hy vọng quý báu của mình (Hê-bơ-rơ 10:36). Không điều gì khiến Sa-tan tức giận hay khiến lòng Đức Giê-hô-va vui mừng bằng việc chúng ta noi theo đức tin của Gióp!
a Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha đã nói rất nhiều với Gióp, dài đến chín chương của Kinh Thánh, nhưng lời tường thuật cho thấy họ không hề gọi tên Gióp dù chỉ một lần.
b Khi dạy Gióp, có lúc Đức Giê-hô-va miêu tả các tạo vật một cách cụ thể rõ ràng, có lúc ngài dùng phép tu từ hoặc văn thơ bóng bẩy. (Chẳng hạn, xem Gióp 41:1, 7, 8, 19-21). Cả hai cách miêu tả ấy có cùng mục tiêu là giúp Gióp gia tăng lòng kính sợ Đấng Tạo Hóa.
c Sau này sứ đồ Phao-lô trích một lời của Ê-li-pha và xem đó là sự thật (Gióp 5:13; 1 Cô-rinh-tô 3:19). Ê-li-pha nói sự thật nhưng ông áp dụng sai cho Gióp.
d Kinh Thánh không cho biết Gióp có được yêu cầu dâng vật tế lễ tương tự để vợ ông được tha tội hay không.