Chúng ta có thể bền bỉ chịu đựng như Gióp!
“Anh em biết rằng những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước” (GIA-CƠ 5:11).
1. Một tín đồ đấng Christ lớn tuổi đã nói gì về các thử thách của anh?
‘MA-QUỈ theo đuổi tôi! Tôi cảm thấy y như Gióp!’ Với lời lẽ này, A. H. Macmillan tâm sự với một bạn thân tại trụ sở trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va. Vào ngày 26-8-1966, anh Macmillan qua đời lúc 89 tuổi. Anh biết rằng vinh dự dành cho tín đồ đấng Christ được xức dầu trung thành phụng sự giống như anh sẽ “đi theo họ” (Khải-huyền 14:13, bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Đúng vậy, họ sẽ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va không bị gián đoạn nhờ được sống lại trong cơ thể bất tử trên trời. Các bạn bè anh Macmillan vui mừng vì anh đã đạt được giải thưởng đó. Tuy nhiên, trong những năm tháng suy yếu cuối cùng của đời anh trên đất, anh gặp phải nhiều thử thách, kể cả các vấn đề sức khỏe, làm anh ý thức rất rõ các cố gắng của Sa-tan nhằm phá đổ lòng trung kiên của anh đối với Đức Chúa Trời.
2, 3. Gióp là ai?
2 Khi anh Macmillan nói rằng anh cảm thấy y như Gióp, anh đang nói về một người đã bền bỉ chịu đựng những thử thách lớn lao về đức tin. Gióp sinh sống ở “xứ Út-xơ”, có lẽ ở miền bắc A-ra-bi. Ông thuộc dòng dõi Sem, con Nô-ê, và ông thờ phượng Đức Giê-hô-va. Các thử thách của Gióp có lẽ đã xảy ra trong khoảng thời gian sau khi Giô-sép qua đời và trước khi Môi-se tỏ mình là người ngay thẳng. Vào thời đó, không ai trên đất sánh bằng Gióp về mặt tin kính. Đức Giê-hô-va coi Gióp như một người trọn vẹn, ngay thẳng và kính sợ Ngài (Gióp 1:1, 8).
3 Là người “lớn hơn hết trong cả dân Đông-phương”, Gióp có nhiều đầy tớ và có 11.500 súc vật. Nhưng Gióp coi sự giàu có về thiêng liêng là cao quí hơn hết. Như các người cha tin kính ngày nay, chắc hẳn Gióp đã dạy dỗ bảy con trai và ba con gái của ông về Đức Giê-hô-va. Ngay cả sau khi chúng đã rời khỏi nhà, ông hành động với tư cách thầy tế lễ cho cả gia đình bằng cách dâng của-lễ thay cho chúng, phòng khi chúng phạm tội (Gióp 1:2-5).
4. a) Tại sao các tín đồ đấng Christ bị bắt bớ nên xem xét gương của Gióp? b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào liên quan đến Gióp?
4 Các tín đồ đấng Christ bị bắt bớ nên xem xét gương của Gióp để được thêm sức hầu chịu đựng với lòng kiên nhẫn. Môn đồ Gia-cơ viết: “Anh em biết rằng những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (Gia-cơ 5:11). Giống như Gióp, các môn đồ được xức dầu của Giê-su và “đám đông” ngày nay cần phải có tính nhịn nhục để đối phó với các thử thách về đức tin (Khải-huyền 7:1-9). Vậy Gióp đã bền bỉ chịu đựng những thử thách nào? Tại sao ông gặp phải những thử thách đó? Và làm sao chúng ta có thể rút lợi ích qua kinh nghiệm của ông?
Một cuộc tranh chấp nóng bỏng
5. Có điều gì xảy ra trên trời mà Gióp không hay biết?
5 Gióp không biết là một vấn đề tranh chấp hệ trọng sắp sửa được nêu lên trên trời. Một ngày kia, “các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va” (Gióp 1:6). Con độc sanh của Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, có mặt tại đó (Giăng 1:1-3). Các thiên sứ công bình và các ‘con trai’ thần linh phản loạn của Đức Chúa Trời cũng có đó (Sáng-thế Ký 6:1-3). Sa-tan có mặt tại đó, vì chỉ sau khi Nước Trời được thành lập vào năm 1914, hắn mới bị đuổi khỏi các từng trời (Khải-huyền 12:1-12). Vào thời Gióp, Sa-tan nêu ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng. Hắn sắp sửa đặt nghi vấn về quyền thống trị của Đức Giê-hô-va trên các tạo vật của Ngài có phải là chính đáng hay không.
6. Sa-tan cố gắng làm gì, và hắn vu khống Đức Giê-hô-va như thế nào?
6 Đức Giê-hô-va hỏi: “Ngươi ở đâu đến?” Sa-tan trả lời: “Tôi trải-qua đây đó trên đất và dạo chơi tại nơi nó” (Gióp 1:7). Hắn đi tìm kiếm người nào hắn có thể nuốt được (I Phi-e-rơ 5:8, 9). Bằng cách phá đổ lòng trung kiên của những người phụng sự Đức Giê-hô-va, Sa-tan cố gắng chứng minh rằng không ai sẽ hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời vì lòng yêu thương. Đức Giê-hô-va nhận sự thách đố và Ngài hỏi Sa-tan: “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi-tớ của ta chăng; nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác?” (Gióp 1:8). Gióp làm đúng theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, Ngài cũng châm chế sự bất toàn của ông (Thi-thiên 103:10-14). Nhưng Sa-tan bẻ lại: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh-vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công-việc của tay người, và làm cho của-cải người thêm nhiều trên đất” (Gióp 1:9, 10). Do đó, Ma-quỉ vu khống Đức Chúa Trời bằng cách ám chỉ rằng không có ai yêu mến và thờ phượng Ngài vì quí mến địa vị và cá tính Ngài, nhưng Ngài hối lộ các tạo vật để họ thờ phượng Ngài. Sa-tan cho rằng Gióp phụng sự Đức Chúa Trời vì tư lợi, chứ không phải vì ông yêu mến Đức Chúa Trời.
Sa-tan tấn công!
7. Ma-quỉ thách thức Đức Chúa Trời như thế nào, và Đức Giê-hô-va đối đáp ra sao?
7 Sa-tan nói: “Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”. Đức Chúa Trời sẽ đối đáp thế nào với một lời khiêu khích láo xược thể ấy? Đức Giê-hô-va nói: “Nầy, các vật người có đều phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào mình nó”! Ma-quỉ nói rằng mọi vật của Gióp được ban phước, luôn gia tăng và được che chở như có hàng rào đặt xung quanh. Đức Chúa Trời sẽ cho phép Gióp chịu đau khổ, nhưng thân thể ông thì không được đụng đến. Cương quyết làm điều ác, Sa-tan lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va (Gióp 1:11, 12).
8. a) Gióp bị mất của cải gì? b) Sự thật về “lửa của Đức Chúa Trời” là gì?
8 Ít lâu sau đó, Sa-tan bắt đầu tấn công. Một đầy tớ báo cho Gióp biết tin dữ này: “Bò đương cày, lừa đương ăn gần bên cạnh, thì dân Sê-ba xông vào chúng nó, đoạt cướp đi, và lấy lưỡi gươm giết các tôi-tớ” (Gióp 1:13-15). Cái hàng rào đã bị gỡ đi, không còn che chở của cải của Gióp. Gần như lập tức sau đó, Ma-quỉ trực tiếp dùng quyền lực hắn, vì một đầy tớ khác báo cáo: “Lửa của Đức Chúa Trời từ trên trời giáng xuống thiêu-đốt các con chiên và tôi-tớ, làm cho tiêu-hủy chúng nó đi” (Gióp 1:16). Thật là quỉ quyệt thay khi hắn làm ra vẻ như Đức Chúa Trời giáng tai họa trên chính tôi tớ của Ngài! Vì sét đến từ trời xuống, nên hắn dễ dàng đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va, nhưng thật ra thì lửa đó đến từ Ma-quỉ.
9. Sự suy sụp về kinh tế đã ảnh hưởng mối liên lạc của Gióp với Đức Chúa Trời như thế nào?
9 Sa-tan cứ tấn công tới tấp, và một đầy tớ khác báo cáo rằng dân Canh-đê cướp đoạt các lạc đà của Gióp và giết hại tất cả các tôi tớ kia (Gióp 1:17). Dù Gióp rơi vào tình trạng kinh tế suy sụp, điều này đã không phá hại mối liên lạc của ông với Đức Chúa Trời. Bạn có thể nào chịu đựng sự mất mát trầm trọng về vật chất mà vẫn tiếp tục giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va không?
Gặp tai họa càng thảm khốc hơn
10, 11. a) Điều gì xảy ra cho mười đứa con của Gióp? b) Sau khi con cái Gióp chết một cách thảm khốc, ông xem Đức Giê-hô-va như thế nào?
10 Ma-quỉ chưa xong tấn công Gióp. Còn một đầy tớ khác báo cáo: “Các con trai và con gái ông đương ăn uống tại nơi nhà anh cả của họ, kìa một ngọn gió lớn từ phía bên kia sa-mạc thổi đến, làm cho bốn góc nhà rung-rinh, nhà sập xuống đè chết các người trẻ tuổi; chỉ một mình tôi thoát khỏi đặng báo tin cho ông” (Gióp 1:18, 19). Một người thiếu thông sáng có thể gọi sự hủy phá mà ngọn gió đó gây ra là một ‘thiên tai’. Tuy nhiên, quyền lực của Ma-quỉ đã chạm đến chỗ đặc biệt yếu mềm của Gióp.
11 Vì buồn rầu tột cùng, Gióp ‘xé áo mình, cạo đầu, sấp mình xuống đất và thờ lạy’. Tuy nhiên, hãy nghe ông nói gì. “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!” Lời tường thuật nói thêm: “Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm-thượng cùng Đức Chúa Trời” (Gióp 1:20-22). Sa-tan lại thất bại một lần nữa. Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta bị đau buồn thì sao? Lòng thành kính vô vụ lợi đối với Đức Giê-hô-va và sự nương cậy nơi Ngài có thể giúp chúng ta chịu đựng và giữ lòng trung kiên, y như Gióp đã làm. Những người xức dầu và các bạn đồng hành của họ có hy vọng sống trên đất chắc chắn có thể tìm được sự an ủi và sức mạnh qua lời tường thuật về sự bền bỉ chịu đựng của Gióp.
Vấn đề tranh chấp càng nóng bỏng thêm
12, 13. Tại một buổi họp khác trên trời, Sa-tan xin điều gì, và Đức Chúa Trời trả lời thế nào?
12 Ít lâu sau đó, Đức Giê-hô-va tụ họp các thiên sứ một lần nữa ở thiên đình. Gióp đã mất hết con cái mình, trở thành một người nghèo khó và có vẻ bị Đức Chúa Trời hành hại, nhưng ông vẫn giữ vững sự trung kiên. Dĩ nhiên, Sa-tan sẽ không thú nhận rằng hắn đã vu cáo Đức Chúa Trời và Gióp. Giờ đây, các ‘con trai của Đức Chúa Trời’ sắp sửa nghe các lý lẽ và lời bác bỏ khi Đức Giê-hô-va điều khiển Ma-quỉ để giải quyết cuộc tranh chấp một cách dứt khoát.
13 Đức Giê-hô-va tra hỏi Sa-tan: “Ngươi ở đâu đến?” Sa-tan trả lời thế nào? “Tôi trải-qua đây đó trên đất và dạo chơi tại nơi nó”. Một lần nữa, Đức Giê-hô-va lưu ý đến tôi tớ trọn vẹn, ngay thẳng và kính sợ Ngài là Gióp; người vẫn giữ vững lòng trung kiên. Ma-quỉ trả lời: “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”. Vậy Đức Chúa Trời nói: “Kìa, người ở trong tay ngươi, nhưng chỉ hãy giữ mạng-sống người”! (Gióp 2:2-6). Ám chỉ rằng Đức Giê-hô-va đã chưa dẹp đi hết các hàng rào che chở của Ngài, Sa-tan đòi đụng đến hại xương thịt của Gióp. Ma-quỉ sẽ không được phép giết Gióp; nhưng Sa-tan biết rằng bệnh tật về thể xác sẽ làm người đau khổ và làm ra vẻ như Đức Chúa Trời đang trừng phạt người vì những tội lỗi giấu kín.
14. Sa-tan giáng trên Gióp điều gì, và tại sao không có người nào trên thế gian có thể chữa lành ông?
14 Sau khi lui ra khỏi phiên họp đó, Sa-tan bắt đầu hành động một cách hiểm độc. Hắn hành hại Gióp với “một bịnh ung-độc, từ bàn chơn cho đến chót đầu”. Gióp chắc hẳn đã bị khốn khổ tột cùng khi ngồi trong đống tro và gãi mình với một miếng sành! (Gióp 2:7, 8). Không có một bác sĩ loài người nào có thể chữa trị Gióp khỏi cơn bệnh đau đớn, ghê tởm và nhục nhã này, vì chính quyền lực của Sa-tan đã gây bệnh đó. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va có thể chữa lành Gióp. Nếu bạn là một tôi tớ của Đức Chúa Trời nhưng bị bệnh tật, chớ bao giờ quên rằng Đức Chúa Trời có thể giúp bạn bền bỉ chịu đựng và cho bạn sự sống trong một thế giới mới nơi đó không còn bệnh tật nữa (Thi-thiên 41:1-3; Ê-sai 33:24).
15. Vợ của Gióp khuyến giục ông làm gì, và ông phản ứng thế nào?
15 Cuối cùng, vợ của Gióp nói: “Ủa? Ông hãy còn bền-đỗ trong sự hoàn-toàn [trung kiên, NW] mình sao?..... Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” “Sự trung kiên” có nghĩa là thành kính trọn vẹn, và có lẽ bà ta nói một cách châm biếm để khiến Gióp phỉ báng Đức Chúa Trời. Nhưng ông trả lời: “Ngươi nói như một người đờn-bà ngu-muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai-họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?” Ngay cả mưu kế xảo quyệt này của Sa-tan cũng không thành công, vì chúng ta đọc: “Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình” (Gióp 2:9, 10). Giả sử người chống đối trong gia đình nói rằng chúng ta đang dại dột phí sức để làm công việc của tín đồ đấng Christ và xúi giục chúng ta từ bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giống như Gióp, chúng ta có thể chịu đựng một thử thách thể ấy vì chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn khen ngợi danh thánh của Ngài (Thi-thiên 145:1, 2; Hê-bơ-rơ 13:15).
Ba kẻ lừa đảo ngạo mạn
16. Ai đến, có vẻ như để an ủi Gióp, nhưng Sa-tan giật dây họ như thế nào?
16 Trong một mưu kế khác của Sa-tan, ba “bạn-hữu” đến, có vẻ như để an ủi Gióp. Một người bạn là Ê-li-pha, có lẽ thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham qua Ê-sau. Vì Ê-li-pha được quyền nói trước nhất, có lẽ ông là người lớn tuổi nhất. Binh-đát cũng có mặt, thuộc dòng dõi Su-a, là con trai của Áp-ra-ham qua Kê-tu-ra. Người thứ ba là Sô-pha, được gọi là người Na-a-ma để cho biết gia đình hay chỗ cư ngụ ông, có lẽ ở miền tây bắc A-ra-bi (Gióp 2:11; Sáng-thế Ký 25:1, 2; 36:4, 11). Giống như những người ngày nay cố gắng khiến Nhân-chứng Giê-hô-va từ bỏ Đức Chúa Trời, ba người này bị Sa-tan giật dây để cố gắng làm Gióp nhận tội khi bị cáo gian và phá đổ lòng trung kiên của ông.
17. Ba người đến thăm Gióp đã làm gì, và họ không làm gì trong vòng bảy ngày và bảy đêm?
17 Ba người phô trương sự thương cảm bằng cách lên tiếng khóc lóc, xé áo mình và hất bụi lên đầu. Nhưng rồi họ ngồi với Gióp trong vòng bảy ngày và bảy đêm mà không nói ra một lời an ủi nào! (Gióp 2:12, 13; Lu-ca 18:10-14). Ba kẻ lừa đảo ngạo mạn này hoàn toàn thiếu tính thiêng liêng thậm chí họ không có gì để nói về Đức Giê-hô-va và các lời hứa của Ngài để an ủi Gióp. Tuy nhiên, họ đi đến kết luận sai lầm và sẵn sàng dùng những kết luận này để lên án Gióp; ngay sau khi họ làm theo tục lệ về việc than khóc trước mọi người. Điều đáng chú ý là trước khi bảy ngày im lặng chấm dứt, người trẻ tuổi là Ê-li-hu ngồi xuống gần đó để có thể nghe.
18. Tại sao Gióp tìm sự bình an trong sự chết?
18 Rốt cuộc Gióp lên tiếng. Vì không được an ủi chút nào khi ba người đến thăm ông, ông rủa ngày sanh mình và băn khoăn tự hỏi tại sao đời sống sầu khổ của ông cứ kéo dài mãi. Ông muốn chết cho yên, không thể tưởng tượng rằng mình sẽ được hạnh phúc thật sự nữa trước khi chết, vì giờ đây ông bị nghèo túng, buồn rầu và bị bệnh trầm trọng. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ không cho phép Gióp bị hại đến chết (Gióp 3:1-26).
Kẻ buộc tội Gióp tấn công
19. Ê-li-pha cáo gian Gióp về những điều gì?
19 Ê-li-pha nói trước tiên trong ba hiệp tranh luận mà đã thử thách lòng trung kiên của Gióp càng nhiều hơn nữa. Trong lần nói đầu tiên, Ê-li-pha hỏi: “Đâu có người ngay-thẳng lại bị trừ-diệt?” Ông kết luận rằng Gióp chắc hẳn đã làm điều ác nên mới bị Đức Chúa Trời trừng phạt (Gióp, đoạn 4, 5). Trong lần nói thứ nhì, Ê-li-pha chế nhạo sự khôn ngoan của Gióp và hỏi: “Ông biết chi, mà chúng tôi chẳng biết?” Ê-li-pha ám chỉ rằng Gióp cố gắng tỏ mình cao hơn Đấng Toàn năng. Ông kết luận cuộc tấn công thứ nhì bằng cách mô tả Gióp như một kẻ bội đạo, ăn hối lộ và lừa dối (Gióp, đoạn 15). Trong lần nói chót, Ê-li-pha cáo gian Gióp về nhiều tội—tống tiền, không cho người thiếu thốn ăn bánh uống nước và áp bức người góa bụa và trẻ mồ côi (Gióp, đoạn 22).
20. Binh-đát tấn công Gióp bằng những lý lẽ nào?
20 Người nói thứ nhì trong mỗi hiệp tranh luận là Binh-đát, và ông thường nói theo chủ đề tổng quát mà Ê-li-pha đã nêu ra. Binh-đát thì nói ngắn hơn, nhưng cay độc hơn. Ông còn buộc tội con cái của Gióp làm điều ác và vì vậy chúng đáng chết. Ông lý luận một cách sai lầm và dùng lời ví dụ này: Như cây sậy và lác khô đi và chết nếu không có nước, thì “kẻ quên Đức Chúa Trời” cũng như vậy. Câu đó đúng thật, nhưng nó không áp dụng cho Gióp (Gióp, đoạn 8). Binh-đát cho rằng nỗi đau khổ của Gióp thuộc vào loại tai họa xảy đến cho kẻ ác (Gióp, đoạn 18). Lần thứ ba, Binh-đát chỉ nói ngắn và biện luận rằng con người giống như “con sâu” và “con giòi-bọ”, và vì vậy là ô uế trước mặt Đức Chúa Trời (Gióp 25).
21. Sô-pha buộc tội Gióp về điều gì?
21 Sô-pha là người thứ ba đứng ra nói trong cuộc tranh luận. Nói chung, thì lý lẽ của ông noi theo chủ đề của Ê-li-pha và Binh-đát. Sô-pha buộc tội Gióp đã làm điều ác và khuyên ông loại bỏ các thực hành tội lỗi của mình (Gióp, đoạn 11, 20). Sau hai hiệp tranh luận, Sô-pha ngừng nói. Ông không nói thêm gì trong hiệp thứ ba. Tuy nhiên, trong suốt ba cuộc tranh luận, Gióp can đảm đối đáp những kẻ buộc tội ông. Thí dụ, có lúc ông nói: “Các ngươi hết thảy đều là kẻ an-ủi bực-bội. Các lời hư-không nầy há chẳng hề hết sao?” (Gióp 16:2, 3).
Chúng ta có thể bền bỉ chịu đựng
22, 23. a) Như trong trường hợp của Gióp, Ma-quỉ có thể cố gắng phá đổ lòng trung kiên của chúng ta đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng những cách nào? b) Dù Gióp chịu đựng nhiều thử thách khác nhau, chúng ta có thể tự hỏi điều gì về thái độ của ông?
22 Giống như Gióp, có thể chúng ta phải đương đầu với nhiều thử thách cùng một lúc, và Sa-tan có thể dùng sự chán nản hoặc những yếu tố khác để cố gắng phá đổ lòng trung kiên của chúng ta. Hắn có thể cố gắng khiến chúng ta phản lại Đức Giê-hô-va nếu chúng ta đang bị khó khăn về kinh tế. Nếu một người thân yêu chết, hoặc chúng ta bị bệnh tật, Sa-tan có thể tìm cách xúi chúng ta đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. Giống như các bạn của Gióp, có lẽ có người lại còn cáo gian chúng ta nữa. Như anh Macmillan cho thấy, Sa-tan có thể ‘theo đuổi’ chúng ta, nhưng chúng ta có thể bền bỉ chịu đựng.
23 Xem xét đến đây, chúng ta đã thấy Gióp bền bỉ chịu đựng nhiều thử thách. Tuy nhiên, phải chăng ông chỉ vừa đủ sức chịu đựng? Ông có thật sự bị ngã lòng không? Chúng ta hãy xem có phải Gióp thật sự đã mất hết hy vọng chăng.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Sa-tan nêu lên vấn đề tranh chấp hệ trọng nào vào thời Gióp?
◻ Gióp bị thử thách đến tột cùng như thế nào?
◻ Ba “bạn-hữu” của Gióp buộc tội ông về điều gì?
◻ Như trong trường hợp của Gióp, Ma-quỉ có thể cố gắng phá đổ lòng trung kiên của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va bằng những cách nào?
[Hình nơi trang 8]
A. H. Macmillan