Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Gióp
TỘC TRƯỞNG Gióp sinh sống tại xứ Út-xơ, nay thuộc bán đảo Ả-rập. Thời ấy có nhiều người Y-sơ-ra-ên sống ở Ê-díp-tô (Ai Cập). Tuy Gióp không phải là người Y-sơ-ra-ên nhưng ông thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói về ông: “Nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác”. (Gióp 1:8) Lúc này hẳn là giai đoạn sau khi Giô-sép, con của Gia-cốp, qua đời và trước khi Môi-se được Đức Chúa Trời chọn làm tiên tri của Ngài.
Người ta cho rằng Môi-se đã viết sách Gióp. Có lẽ ông biết về Gióp trong khoảng thời gian 40 năm ông sinh sống tại Ma-đi-an, một nơi gần Út-xơ. Môi-se có thể đã nghe về những năm cuối đời Gióp khi dân Y-sơ-ra-ên ở gần Út-xơ, giai đoạn chót của cuộc hành trình dài 40 năm trong đồng vắng.a Những gì Gióp trải nghiệm được ghi lại một cách tuyệt vời đến độ tác phẩm này được xem là một kiệt tác văn chương. Hơn nữa, câu chuyện này còn giải đáp những thắc mắc như: Tại sao người hiền bị đau khổ? Tại sao Đức Giê-hô-va để cho sự gian ác xảy ra? Người bất toàn có thể giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời không? Là một phần của Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, thông điệp trong sách Gióp là lời sống và linh-nghiệm.—Hê-bơ-rơ 4:12.
“NGÀY TA ĐÃ SANH RA, KHÁ HƯ-MẤT ĐI!”
Một ngày nọ, trước mặt Đức Chúa Trời, Sa-tan đặt nghi vấn về lòng trung kiên của Gióp. Đức Giê-hô-va chấp nhận thách đố và cho phép Sa-tan gây tai họa liên tiếp cho Gióp. Nhưng Gióp vẫn không “phỉ-báng Đức Chúa Trời”.—Gióp 2:9.
Ba người bạn của Gióp đến “chia buồn” với ông. (Gióp 2:11) Họ ngồi gần ông mà không nói một câu cho đến khi Gióp phá tan sự im lặng và nói: “Ngày ta đã sanh ra, khá hư-mất đi!” (Gióp 3:3) Ông muốn như “con trẻ không thấy ánh-sáng”, hoặc chết non.—Gióp 3:11, 16.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:4—Phải chăng những người con của Gióp tổ chức sinh nhật? Không, họ không tổ chức sinh nhật. Câu này trong nguyên ngữ có chữ “ngày” và thường bị hiểu lầm là “sinh nhật”. Nhưng trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ “ngày” và “sinh nhật” khác hẳn nhau, mỗi chữ một nghĩa. (Sáng-thế Ký 40:20) Nơi Gióp 1:4, chữ “ngày” chỉ một giai đoạn từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn. Có lẽ, bảy người con trai của Gióp hàng năm tổ chức buổi họp mặt gia đình trong bảy ngày. Họ thay phiên nhau đãi tiệc tại nhà mình, mỗi người một ngày.
1:6; 2:1—Ai được phép ra mắt Đức Giê-hô-va? Trong số những người đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va gồm có: Con độc sinh, tức Ngôi Lời, “các con trai của Đức Chúa Trời” gồm các thiên sứ trung thành và các thiên sứ bất phục tùng, trong đó có cả Sa-tan Ma-quỉ. (Giăng 1:1, 18) Chỉ không lâu sau khi Nước Trời được thành lập năm 1914, Sa-tan và các quỉ sứ mới bị đuổi khỏi trời. (Khải-huyền 12:1-12) Khi cho phép chúng đến trước mặt Ngài, Đức Giê-hô-va đưa thách đố và vấn đề Sa-tan nêu lên trước tất cả các tạo vật thần linh.
1:7; 2:2—Đức Giê-hô-va có nói chuyện trực tiếp với Sa-tan không? Kinh Thánh không cho biết chi tiết về cách Giê-hô-va Đức Chúa Trời thông tri với các tạo vật thần linh. Tuy nhiên, tiên tri Mi-chê được sự hiện thấy về một thiên sứ nói chuyện trực tiếp với Đức Giê-hô-va. (1 Các Vua 22:14, 19-23) Vậy, có lẽ Đức Giê-hô-va cũng nói chuyện với Sa-tan mà không cần qua trung gian.
1:21—Làm sao Gióp có thể về “lòng mẹ”? Vì Đức Giê-hô-va tạo con người từ “bụi đất” nên chữ “mẹ” nơi đây dùng theo nghĩa bóng để chỉ “đất”.—Sáng-thế Ký 2:7.
2:9—Vợ của Gióp ở trong tâm trạng nào khi bà kêu ông phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi? Vợ Gióp cũng bị mất mát nhiều như ông. Bà chắc hẳn rất đau lòng khi thấy chồng từng là người năng động nay bị một căn bệnh ghê tởm làm cho đau đớn. Trước đó, bà đã mất đi những đứa con yêu quý. Bà chắc bị quẫn trí vì tất cả những điều đó nên không nhìn thấy điều thật sự quan trọng—mối quan hệ của vợ chồng bà với Đức Chúa Trời.
Bài học cho chúng ta:
1:8-11; 2:3-5. Như trong trường hợp của Gióp, chúng ta thấy lòng trung kiên không những phải đi đôi với lời nói và hành động thích đáng mà còn cần phải có động lực đúng để phụng sự Đức Giê-hô-va.
1:21, 22. Bằng cách giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va trong hoàn cảnh thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, chúng ta chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối.—Châm-ngôn 27:11.
2:9, 10. Giống như Gióp, chúng ta cần phải giữ vững đức tin ngay cả khi những người trong gia đình không xem trọng những mục tiêu thiêng liêng của chúng ta hoặc khi họ gây áp lực khiến chúng ta hòa giải hay từ bỏ đức tin.
2:13. Những người bạn của Gióp không thể an ủi ông những điều liên quan đến Đức Chúa Trời và lời hứa của Ngài vì họ không nhìn vấn đề theo quan điểm của Đức Chúa Trời.
“TÔI CHẲNG HỀ THÔI QUẢ-QUYẾT RẰNG TÔI TRỌN-VẸN”
Điểm chính mà ba người bạn của Gióp muốn nói là ông hẳn đã làm điều gì rất xấu xa nên mới bị Đức Chúa Trời trừng phạt nặng nề như thế. Ê-li-pha khởi đầu, sau tới Binh-đát dùng lời mỉa mai hơn, và rồi đến Sô-pha càng gay gắt thêm.
Gióp không chấp nhận lý luận sai lầm của những người đến thăm ông. Vì không hiểu nguyên nhân tại sao Đức Chúa Trời để cho ông bị đau khổ nên Gióp quá quan tâm đến việc tự bào chữa. Tuy thế, Gióp vẫn yêu thương Đức Chúa Trời, ông nói: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn”, hay theo bản Tòa Tổng Giám Mục, “không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn của tôi”.—Gióp 27:5.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
7:1; 14:14—Cụm từ “sự chiến-trận [“thời khổ dịch”, Tòa Tổng Giám Mục]” hay “ngày giặc-giã” có nghĩa gì? Gióp gặp hoạn nạn quá mức đến độ ông nghĩ đời sống là khổ dịch, đầy khó khăn và cực nhọc. Nơi Gióp 10:17, “đau-đớn liên-tiếp” cũng có thể được dịch là “hết khổ dịch này đến khổ dịch khác”. Vì khổ dịch là điều bắt buộc, nên Gióp so sánh giai đoạn mà một người phải chờ đợi từ lúc chết cho đến lúc sống lại là thời gian bắt buộc và ví như thời gian phải phục vụ trong quân đội.
7:9, 10; 10:21; 16:22—Phải chăng những câu này cho thấy Gióp không tin có sự sống lại? Đây là những lời của Gióp nói về điều sắp xảy đến cho ông. Vậy ông muốn nói gì? Có thể ý của Gióp là nếu ông chết, người cùng thời sẽ không thấy ông nữa. Và theo góc nhìn của họ, Gióp không trở về nhà nữa cũng như không được biết tới cho đến kỳ định của Đức Chúa Trời. Cũng có thể bao hàm ý là không ai tự mình sống lại được. Việc Gióp tin có sự sống lại được thấy rõ nơi Gióp 14:13-15.
10:10—Làm thế nào Đức Giê-hô-va ‘rót Gióp chảy như sữa và làm ông ra đặc như bánh sữa’? Đây là lối diễn tả bằng văn thơ bóng bẩy về cách Gióp được hình thành trong bụng mẹ.
19:20—Gióp có ý gì khi nói: “Tôi đã thoát được chỉ còn da bọc răng tôi mà thôi”? Khi nói rằng ông đã thoát được chỉ còn da bọc răng, trong khi răng dường như không có da bọc, có thể Gióp muốn nói ông thoát được mà hầu như chẳng còn gì cả.
Bài học cho chúng ta:
4:7, 8; 8:5, 6; 11:13-15. Chúng ta không nên vội cho rằng một người bị gian truân là vì người đó gặt những gì đã gieo và nghĩ rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận người đó.
4:18, 19; 22:2, 3. Những lời chúng ta khuyên nên căn cứ vào Lời Đức Chúa Trời, chứ không nên dựa vào ý kiến cá nhân.—2 Ti-mô-thê 3:16.
10:1. Vì quá cay đắng nên Gióp không xem xét những điều khác có thể là nguyên nhân khiến ông đau khổ. Chúng ta không nên cay đắng khi gặp phải đau khổ, nhất là vì chúng ta hiểu rõ các vấn đề liên hệ.
14:7, 13-15; 19:25; 33:24. Niềm hy vọng về sự sống lại có thể nâng đỡ chúng ta khi phải trải qua bất cứ thử thách nào do Sa-tan gây ra.
16:5; 19:2. Chúng ta nên nói những lời khuyến khích và làm vững mạnh người khác thay vì làm họ bực tức.—Châm-ngôn 18:21.
22:5-7. Lời nói nhằm kết án và không có chứng cớ vững chắc thì vô giá trị và chỉ có hại.
27:2; 30:20, 21. Giữ lòng trung kiên không đòi hỏi phải hoàn toàn. Gióp đã chỉ trích Đức Chúa Trời một cách sai lầm.
27:5. Chỉ bản thân Gióp mới có thể tự mình đánh mất lòng trung kiên vì đức tính này tùy thuộc vào tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta nên vung trồng tình yêu thương sâu đậm với Đức Giê-hô-va.
28:1-28. Loài người biết nơi nào có quặng mỏ. Khi đi tìm kiếm quặng mỏ, tài khéo giúp người ta đào những đường hầm sâu dưới lòng đất mà ngay cả loài chim có khả năng săn mồi từ xa cũng không nhìn thấy được. Tuy nhiên, để có được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta cần kính sợ Ngài.
29:12-15. Chúng ta nên sẵn sàng mở rộng lòng yêu thương nhân từ đối với những ai cần giúp đỡ.
31:1, 9-28. Gióp nêu gương cho chúng ta về việc không tán tỉnh, ngoại tình, làm điều bất công, đối xử thiếu thương xót, ham mê vật chất và thờ hình tượng.
“TÔI... ĂN NĂN TRONG TRO BỤI”
Một người trẻ đứng ngoài cuộc tranh luận là Ê-li-hu đã kiên nhẫn lắng nghe. Giờ thì ông mạnh dạn lên tiếng. Ông chấn chỉnh Gióp và ba người bạn đang đay nghiến Gióp.
Sau khi Ê-li-hu nói xong, Đức Giê-hô-va đã trả lời từ giữa cơn gió trốt. Ngài không giải thích về việc Gióp bị đau khổ. Tuy nhiên, bằng cách liên tiếp đặt nhiều câu hỏi, Đấng Toàn Năng khiến Gióp nhận biết quyền lực đáng kinh sợ và sự khôn ngoan vô cùng của Ngài. Gióp nhận rằng ông đã nói những điều thiếu hiểu biết. Ông nói: “Tôi lấy làm gớm-ghê tôi, và ăn-năn trong tro bụi”. (Gióp 42:6) Khi thử thách qua đi, Gióp được ban thưởng vì đã trung kiên.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
32:1-3—Khi nào Ê-li-hu đến? Vì nghe được toàn bộ cuộc đối thoại nên Ê-li-hu hẳn đã ngồi gần đó trước khi Gióp bắt đầu lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng mà trong bảy ngày ba người bạn của Gióp không nói một lời.—Gióp 3:1, 2.
34:7—Làm sao Gióp lại là “người uống lời nhạo-báng như thể nước”? Trong trạng thái đau buồn, Gióp có khuynh hướng xem những lời chế giễu của ba người đến thăm như là lời chế giễu chính ông, dù họ thật ra nói nghịch lại Đức Chúa Trời. (Gióp 42:7) Vì thế, ông được ví như người nhận sự chế nhạo như là uống nước.
Bài học cho chúng ta:
32:8, 9. Nhiều tuổi hơn không hẳn là khôn ngoan hơn. Nhưng để có được sự khôn ngoan thì cần phải hiểu Lời Đức Chúa Trời và được thánh linh Ngài hướng dẫn.
34:36. Khi trải qua một hình thức “thử-thách đến cùng” nào đó, chúng ta chứng tỏ mình có lòng trung kiên.
35:2. Ê-li-hu cẩn thận lắng nghe và xác định rõ vấn đề trước khi nói. (Gióp 10:7; 16:7; 34:5) Trước khi khuyên ai, trưởng lão tín đồ Đấng Christ cần phải lắng nghe kỹ lưỡng, nắm đủ sự kiện và hiểu rõ vấn đề thực sự là gì.—Châm-ngôn 18:13.
37:14; 38:1–39:33. Suy ngẫm những việc kỳ diệu của Đức Giê-hô-va—cách Ngài biểu lộ quyền năng và sự khôn ngoan—khiến chúng ta trở nên khiêm nhường và nhận thấy rằng việc biện minh cho quyền tối thượng của Ngài là điều quan trọng hơn bất cứ quyền lợi nào của chúng ta.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.
39:34-37. Khi cảm thấy muốn phàn nàn về Đấng Toàn Năng, chúng ta nên ‘đặt tay lên che miệng mình’.
40:10–41:25. Bê-hê-mốt (hà mã) và Lê-vi-a-than (cá sấu) quả là mạnh mẽ! Để bền đỗ trong công tác của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần có sức mạnh từ Đấng tạo ra những con vật mạnh mẽ này, Đấng ban thêm sức cho chúng ta.—Phi-líp 4:13.
42:1-6. Được nghe lời Đức Giê-hô-va nói và được nhắc nhở về quyền năng Ngài, Gióp như “xem thấy Đức Chúa Trời”, tức nhận ra sự thật về Ngài. (Gióp 19:26) Điều này đã giúp ông điều chỉnh suy nghĩ của mình. Khi được sửa dạy theo Kinh Thánh, chúng ta nên sẵn sàng nhìn nhận lỗi lầm và sửa đổi.
Vun trồng “sự nhịn-nhục của Gióp”
Sách Gióp cho thấy rõ ràng Sa-tan, chứ không phải Đức Chúa Trời, chịu trách nhiệm về sự đau khổ của con người. Đức Chúa Trời để cho sự gian ác xảy ra trên đất hầu mỗi cá nhân chúng ta có cơ hội chứng tỏ lập trường của mình về vấn đề quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và lòng trung kiên của mình.
Giống như Gióp, những ai yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ bị thử thách. Câu chuyện về Gióp giúp chúng ta tin chắc là mình cũng có thể nhịn nhục được và giúp chúng ta nhớ rằng vấn đề mình gặp phải chỉ là tạm thời. Nơi Gia-cơ 5:11 ghi: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người”. Đức Giê-hô-va ban thưởng cho Gióp vì lòng trung kiên của ông. (Gióp 42:10-17) Thật là một hy vọng lớn lao đặt trước mặt chúng ta—sự sống vĩnh cửu trong địa đàng! Vì vậy, chúng ta hãy quyết tâm giữ vẹn lòng trung kiên như Gióp.—Hê-bơ-rơ 11:6.
[Chú thích]
a Sách Gióp viết về một giai đoạn dài hơn 140 năm, từ năm 1657 TCN đến 1473 TCN.
[Các hình nơi trang 16]
Chúng ta rút ra được bài học nào về “sự nhịn nhục của Gióp”?